Tiền, Tù, tuyệt vọng và tử thần


Tiền, tù, tuyệt vọng và tử thần



Phương Duy chuyển ngữ


Lời người dịch: Một năm trước đây, người viết có nhắc đến trường hợp Nguyễn Tường Vân, một tử tội người Úc gốc Việt bị treo cổ tại Singapore trong bài: Australia, đất nước của sự bao dung. Cái chết của Vân thời đó gây xôn xao, sôi nổi không ít trong công luận của nước Úc và có lẽ cả một vài nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến khi người tử tội đã nằm yên trong lòng đất lạnh, những chi tiết về con đuờng dẫn người thanh niên trẻ này vào tuyệt lộ cũng như cuộc chiến đấu chống lại tử thần của Vân và nhóm luật sư biện hộ vẫn chưa hoàn toàn đươc đưa ra ánh sáng.

Ngày hôm nay, ký giả Nick McKenzie, người phóng viên chuyên về các mục điều tra của nhật báo The Age đã trình bày lại một cách rõ ràng hơn về những lỗi lầm nhỏ đưa đến tai hoạ lớn, sụ vô cảm và bất lực của một nền pháp luật dù đã có một giá trị dân chủ cao như của Úc. Một bài học cho những ai còn mơ ngủ, đặc biết các người trẻ về những hành động ngây thơ ham vui, nông nổi, coi thường pháp luật, để đến nỗi bị lừa gạt, dẫn dắt vào tròng tội lỗi , khi nhận ra nguy hiểm thì quá trễ tràng.


Đại ca bảo chuyện làm ăn dễ như ăn kẹo. Vậy mà bây giờ ngồi đây, khi chiếc máy bay hàng không chúi đầu lướt ra khỏi đám sương khói che phủ bầu trời Singapore, Vân thấy vã mồ hôi vì đang cột trong người một mớ hàng ma túy. Máy bay chuẩn bị hạ cánh và hệ thống phát thanh của phi cơ phát ra lời một tiếp viên báo động: Hình phạt rất nghiêm khắc áp dụng cho những ai bị bắt mang theo hàng quốc cấm. Vân có lẽ đã nghe thấy câu ấy. Anh chàng chắc chắn phải nghe. Bất cứ hành khách nào đi qua lại trên lối hẹp máy bay cũng làm Vân nín thở. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ biết được?

Thế nhưng Vân đã không đi vào toa lét , vứt bỏ nó đi. Phải chi, lời cảnh báo của người tiếp viên rõ ràng hơn như sau: Giới chức trách Singapore sẽ tròng một cái thòng lọng vào cổ người buôn ma tuý, khi cái miệng hố dưới chân mở ra, thân thể bạn sẽ rơi xuống và sợi dây sẽ bẻ gãy cổ bạn. Có lẽ Vân đã phải suy nghĩ, cân nhắc lợi hại về cách chết rùng rợn đó. Nhưng ngay lúc đó, anh ta đã không làm vậy. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Vân còn đang bận nghĩ đến chuyến bay trở về nhà, đáp xuống Sydney, một hành trình Vân không bao giờ đạt tới.

Chuyện bắt đầu nhiều tháng trước đó trong một cái quán nhạc karaoke nhỏ nằm trên tầng lầu của khu phố cổ Chinatown, Melbourne, một nơi chốn ưa thích cho các du học sinh ngồi nhấm nháp ly rượu và hát nhại theo Britney Spears, Mariah Carey cùng những ca sĩ nhạc pop nổi danh Á châu. Đó là những ngày tháng đầu năm 2002, Vân là 1 trong đám những người vui chơi cuối tuần; uống dăm ba ly, ngâm nga vài bài hát lẻ rồi kéo nhau đến một nightclub nhảy nhót tiếp tục cuộc vui. Nhưng đêm cuối tuần này có khác, quán có thêm vài khuôn mặt mới đến từ Sydney, Alec (không phải tên thật),là một người trong họ, không xa lạ gì với Melbourne. Sau này, Vân có bảo rằng, sau lần đầu gặp gỡ ấy có thấy Alec trao đổi buôn bán bạch phiến với một số chủ quán ở phía tây Melbourne. Hắn(Alec) chừng trên 30, mái tóc chải dựng ngược và hơi có tật cà lăm, có nhiều tiền, chơi xe bảnh (lexus đời mới) và nổi tiềng (ăn chơi). Theo Vân, hắn ăn xài lớn, chi đẹp, sẵn sàng giúp kiếm chút bạc khi ai đó “kẹt tiền”: cần vài bịch “trắng”, ít viên kích thích , muốn làm tay anh chị hay đơn giản chỉ là tay giao hàng cò con đột xuất, Alec là người cần gặp.

Vân biết rõ điều này, anh ta không phải ngoan hiền (như thiên thần). Trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát liên bang Úc vào đầu năm 2005, anh ta kể lại câu chuyện của mình bằng một giọng bình thản thành thật. Những câu trả lời cho 653 câu hỏi của cảnh sát đều đáng tin cây, đã lộ ra rằng câu chuyện dẫn đến cái chết của Vân không đơn giản như câu chuyện đã kể một năm trước đây trong thời gian anh ta bị hành hình.. Diễn tiến của một người đi từ buôn bán lẻ cò con tại chỗ đi đến chuyên chở lậu ma tuý xuyên quốc gia dường như mang nhiều dấu vết sai lầm với những uẩn khúc phức tạp hơn những điều truyền thông báo chí đã tường thuật vào thời điểm đó: cho rằng anh ta dại dột liều mạng chỉ vì muốn kiếm một mớ tiền giúp cho người anh em song sinh trả nợ. Thực ra, cái quyết định chết người trở thành một tay buôn lậu ma tuý chỉ đến sau khi anh đã thất bại trong việc tìm cho ra người làm chuyện đó.

Dù vậy, cái hành động miễn cưỡng tự tình nguyện trở thành một thân lừa chở lậu cũng vẫn là một yếu tố thiết yếu trong việc bào chữa pháp lý cho tội phạm của Vân.: anh ta chỉ là một con cá nhỏ, một kẻ làm thuê cho một tay bự, một con cá mập trong giới buôn bán ma túy, cho đến lúc này, vẫn còn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật tại Sydney. Đây là cái vẫn đang làm tổ luật sư của Vân hiện nay còn giận dữ. Lex Lasry, một trong các luật sư nói rằng trong việc treo cổ Vân, Singapore đã giết chết một nhân chứng tối quan trọng cho toà án Úc có thêm lý chứng để truy tố con cá mập đó. Sau này, khi có thêm vụ Bali 9 (9 người bị bắt tại Bali liên quan đến vận chuyển ma tuý), những câu trả lời của Vân cũng không cắt nghĩa được rõ hơn lý do nào đưa anh ta đến chuyến đi định mệnh đó. Có vẻ như anh ta đang tình cờ dạo chơi trên một vách đá, không biết rằng vách đá đó dựng đứng trên vực thẳm mà xẩy chân là tan nát cuộc đời.

Vào đầu năm 2002, Vân còn là một kẻ bàng quang ở bên ngoài thị truờng ma túy. Anh ta biết rằng thị trường “thuốc” ở Úc đang đói, và có nhiều người khao khát làm giầu mau chóng muốn thử thời vận. Vân cũng không phải là người không có sự khao khát đó. Đi chơi với Alec, lúc đầu chỉ là ăn nhậu, nhảy nhót, dẫn tới việc mua bán vài viên thuốc ecstasy (gây ảo). Sau đó, Vân đi theo người bạn Tim (không phải tên thật) lên Sydney, nơi Alec giàn xếp cung cấp cho Tim loại ice (đá lạnh) mạnh hơn. Lúc này, Vân vẫn là kẻ đứng ngoài việc mua bán. Cuộc đời của anh ta vẫn mang đầy hứa hẹn.

Vân ở trong một nhóm bạn trẻ tự kết nghĩa anh em. Một số bị cha mẹ đá ra khỏi nhà không nơi nương tựa, hàng ngày lang thang trong các tiệm chơi game hay các khu trung tâm buôn bán. Vào năm 2001Vân cùng nhóm bạn muốn thay đổi lối sống. Họ quyết định tìm thuê một căn nhà ở khu Brandon Park. Chen chúc chồng chất trong các phòng ngủ, nhưng với tinh anh em, vẫn có một cái mái che trên đầu. “Tìm một căn nhà cư ngụ là bước đầu cho việc thay đồi cuộc sống, Vân nói trong cuôc thẩm vấn, tôi muốn tỏ ra có trách nhiệm với anh em”.

Sinh năm 1980 trong một trại tị nạn Thái Lan, Vân đến Úc khi mới 6 tháng tuổi. Bà Kim, người mẹ độc thân đã phải làm việc cật lực để nuôi nấng và cho anh em song sinh Vân và Khoa đến trường. Năm 1998, Vân được bầu làm thành viên của hội đồng đại diện học sinh trường trung học Mount Waverley và cuối năm được là người điều dẫn chương trình bữa tiệc mãn khoá giã biệt trường của lớp 12. Anh ta là người của đám đông nhưng vẫn có thì giờ để dành cho những bạn học bị coi là thất bại, tầm thường. Anh ta là người vui tính. Lại dám dấn thân. Bạn học cũ cùng trường nhận xét như thế. Sau thời trung học, anh vừa tiếp tục học lên vừa cố gắng mở một công ty Internet. Thời gian này, Vân diễn tả mình như một giám đốc điều hành công ty.

Qua năm 2002, mọi việc dường như không đi đúng kế hoạch. Vài người trong nhóm kết nghĩa bắt đầu sử dụng “thuốc”. Số đang đi học cũng bớt đến trường. Những người bạn đàng hoàng đứng đắn mỗi ngày một ít đi. “Thật là hỗn loạn, Vân nói, bởi vì cái mục tiêu của chúng tôi là để đổi mới cuộc sống. Tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra cả. Nhưng với mục tiêu thì chúng tôi đã thất bại. Và thế là chúng tôi tìm đến cần sa. Tôi bắt đầu dùng cần sa”.

Hầu hết những tai ương biến cố, dù do con người hay từ thiên nhiên tạo ra, đều khởi sự từ những điều nhỏ nhặt: một quyết định sai lầm, một cơn lốc nhỏ trên biển. Khoảng tháng 10 năm 2002, tình cờ gặp lại Alec ở Melbourne, Vân có nói với hắn là anh muốn làm một cái gì . Lúc đó, có lẽ Vân cũng chẳng muốn làm chuyện to tát, có thể là một ít “đá lạnh” mang về Melbourne từ Sydney. Ít ngày sau, anh ta nhận được một cú điện thoại: ”Cậu lên Sydney chơi chứ? Anh có chuyện muốn nói. “

Mất chừng 20 phút từ sân bay Sydney đến khách sạn quốc tế Thái Bình (PIH) nằm trên đường George, ngay trung tâm thành phố, một khách sạn 4 sao hạng khá sang với mặt tiền trang trí màu vàng nhạt, nhưng Vân đến không phải để nghỉ ngơi. Sau khi nhận phòng, anh ta đi bộ ra phía góc đường đến một công viên nằm bên dưới chỗ ở của Alec. “Tôi nghĩ là hắn đã có kế hoạch mua bán, Vân nói, nhưng lúc đó tôi hoàn toàn không biết kế hoạch ấy như thế nào?”. Bên cạnh Alec là cô bạn gái người Hoa da dẻ trắng trẻo, ít nói, tóc cột cao. Dùng một thứ ngôn ngữ tiếng Anh pha tiếng Việt, Alec tiết lộ rằng hắn đang dàn xếp mang vào Úc một ít “trắng”. Hắn dùng từ Việt “trắng” để diễn tả về món hàng muốn nhập. Vân cho cảnh sát biết Alec nhờ Vân đi tìm người chở hàng cho hắn.

Cảnh sát hỏi Vân đã nói gì khi nghe đề nghi đó?

“Sửng sốt! Vân trả lời, tôi không biết nói gì, tôi chẳng bao giờ mong như thế. Tuy nhiên cuối cùng, tôi lại nhận lời”.

Một lần nữa, cũng bởi sự thụ động miễn cưỡng, Vân đã không tính toán trước, mọi việc cứ từ từ xảy dến với anh ta. Vân trở về, gạt bỏ tình cảm ra ngoài . Một anh chàng tên Andrew (cũng không phải tên thật) nhận lời, nhưng ít tuần lễ sau lại rút chân. “Tôi nghĩ anh ta lạnh cẳng", Vân nói, và tôi nói thôi được. Lại tìm đến một người bạn khác, anh này rồi sau cũng từ chối.

Vân email cho Alec biết vẫn còn hy vọng. Sau khi tốt nghiệp trung học, Vân đã làm một sổ thông hành để mong có ngày được đi du lịch nước ngoài. Anh ta cho Alec biết sẽ rất mừng nếu mông đi du lịch đó đến sớm hơn dự trù.

“Tôi bảo hắn, Vân nói, tôi đã giàn xếp cho 2 người đi, nhưng họ chùn chân tôi đành phải thế chỗ họ vậy.”

Không bao giờ Vân giải thích rõ rằng anh ta có tỏ ra trung thành với Alec không. Tuy nhiên, với lời cung khai, đó là chứng cớ, không còn là cảm xúc. Đôi ba lần, những do dự , lưỡng lự của Vân đã bị lấn át ngay bởi giọng lưỡi kẻ cả và những lời bảo đảm chắc nịch của hắn.

Lúc đó là tháng 12 năm 2002, tin tức đang chú tâm vào các chuyện khủng bố. Melbourne với chiến thắng vị đại của chính quyền Bracks, người ta chú ý tới chính trị, thì Vân đang có mặt tại một nhà hàng Việt ở Cabramatta nhận chỉ thị.

“Alec bảo tôi bay đến Singapore" - Vân nói, từ đó đổi chuyến bay đến một sân bay nào đó ở Cambodia. Tại đây lại đổi chuyến bay đến Phnom Penh.

Alec đưa ra những lời chỉ dẫn trên căn bản cần thiết nhất, một số qua hình thức email. Hắn bảo đảm rằng con đường đi đã được thử nghiệm. Dường như hắn biết rõ ràng từng chi tiết của mỗi chặng đường, cách thức làm việc của từng trạm kiểm soát nhập khẩu, những nơi chỗ an toàn khi lưu trú tại phi trường. Hắn dặn Vân ăn diện cho có vẻ trí thức để gây ấn tượng tại Singapore trước khi đến Cambodia. Ở tại Phnom Penh, sẽ có người chờ đón.

Có một người khác cũng có mặt tại nhà hàng trên mà Vân chỉ được biết như là một tiếp viên hàng không của Qantas. Theo Vân, anh này là tâm điểm của kế hoạch. Người tiếp viên này sẽ sắp xếp cho một người khác trên máy bay, có lẽ là một tiếp viên hàng không khác, tiếp xúc với Vân trên chuyến bay trở về Sydney bằng một mật mã, một cái gì đó liên quan đến môn thể thao bóng rổ. Khi đó, Vân sẽ vào bỏ “hàng” vào trong một cái bao ở trong toilet. Người thứ hai này sẽ vào lấy và tự tìm cách để mang ra . Vân tin tưởng rằng, sự nối kết với đám tiếp viên này sẽ có thể qua mặt hải quan. Dĩ nhiên, niềm tin ấy chưa được kiểm nghiệm.

Chưa đầy 24 giờ sau, vào ngày 3 tháng 12, Alec cùng người tiếp viên tiễn Vân ra phi trường quốc tế Sydney. Treong túi của Vân có cả thảy 15.000,00 đô-la Úc, bao gồm 13.000,00 tiền mua hàng và 2000.00 tiền tiêu. Tiền vé máy bay hạng nhất đã được chi trả. Đó là chuyến bay đầu tiên Vân đi ra khỏi nước Úc và cũng là lần cuối.

Những ngày đầu tháng 12 là khoảng thời gian lý tưởng tại Phnom Penh. Mùa mưa đã qua và khí hậu lại không nóng quá. Các quán ba rượu đông nghẹt người.Bỏ ra chừng 10 đô la uống là đã muốn “xỉn”, bữa ăn ba món giá còn rẻ hơn. Nhưng Cambodia còn có những dịch vụ khác. Một xã hội tham nhũng và đầy tội ác đã trở thành nơi chuyển tiếp “chất trắng” sản xuất từ khu vực “Tam Giác Vàng” và"đá lạnh” làm ra từ những phòng thí nghiệm bất hợp pháp có mặt khắp nơi trong vùng. Chỉ cần bỏ ra dăm ba ngàn đô, bọn công an cảnh sát sẽ quay mặt đi hoặc có người sẵn sàng liều mạng làm việc nguy hiểm. Bọn buôn bán ma túy gộc luôn luôn cần những mắt nối cò con đột xuất dám nuốt những bao cao su có nhét thuốc vào bụng, hay liều lĩnh buộc “hàng” vào lưng để chuyển vận trên các máy bay. Bọn chúng cần những con nai tơ như Vân.

Tại phi trường Phnom Penh, một người trạc 40 tiến thẳng lại Vân, làm cho anh ta đoán anh này đã được Alec gửi hình của mình đến trước, bời vì Alec đã từng sao chụp lại thẻ thông hành của Vân. Anh chàng này (Ton) có vẻ rất thạo việc: tránh dùng các dụng cụ điện tử có thể dò ra dấu vết như điện thoại khi cần tiếp xúc Vân. Đưa Vân đến phòng tại khách sạn rồi, hắn mới gọi cho Alec ở Sydney.

Ngày đầu được nghỉ ngơi cho tinh thần thư giãn, Ngày thư hai mới vào việc. Tại một quán cà phê, Ton làm một cú điện thoại, rồi đưa cho Vân, đó là Alec. Vân nói: ” Alec bảo tôi đưa tiền cho Ton , có gì trở ngại thì email cho hắn”. Tiền bạc được trao tay, sau đó chỉ là chờ.

Khoảng 7, 8 ngày kế tiếp, chỉ có liên quan trong 2 câu hỏi ở cuộc thẩm vấn của Vân với cảnh sát Úc. Sau ba ngày lang thang trong thành phố. Vân làm một chuyến thăm một người bạn ở Việt Nam, và ở lại đó 4 ngày. Sau đó anh quay lại Cambodia.

Vân được đưa đến một garage sửa xe, cũng là nơi trú ngụ của Ton và nhận 2 bánh “hàng” được bọc kỹ bằng băng keo nâu, một hộp đựng 1 máy xay cà phê, một dụng cụ dán bằng nhiệt độ, một băng keo 2 mặt và một con dao. Vân đang đi tới giai đoạn cuối của hành trình.

Tại phòng ngủ của mình, Vân theo lời chỉ dẫn của Ton, mở gói hàng ra. Bên trong có 2 cục “thuốc trắng”, một bên ngoài có hình sư tử , cục kia hình một con rồng. Đề riêng chúng ra, Vân dùng búa đập thành những mảnh nhỏ , rồi bỏ vào máy xay cà phê để nghiền nát ra, sau đó bỏ vào những bao nhỏ và dán chúng lại để dễ cột vào người. Đến lúc này, Vân mới tự hỏi tại sao bọn họ cần đến mình.

Vân bắt đầu thực sự hoảng hốt và gọi cho Ton, anh này không giúp đỡ. Vân gọi Alec cũng không có trả lời. Đành phải tự giải quyết lấy,bằng cách cột chúng trước và sau bụng. Sau đó, anh đổi ý không theo lời chỉ dẫn nữa, mà bỏ hàng vào trong cái xách tay mang theo mình, một hành động còn dễ bị khám phá hơn. Dù vậy, bước đầu cũng trót lọt. Qua cửa khẩu hải quan Cambodia, sổ thông hành được đóng dấu. Ít giờ sau, anh đã đang ở trên nền trời Singapore. Nhưng đó chỉ là bước dễ dàng nhất. Cambodia chỉ là cơn gió thoảng. Ở tại phòng chuyển tiếp ở phi trường, Vân dùng một điạ điểm Internet công cộng để email cho Alec lần cuối, Hắn bảo mọi việc sẽ ổn thoả miễn là Vân phải theo đúng chỉ dẫn.

Tới giờ bay, Vân bước qua những gian hàng bán đồ miễn thuế để đến quầy kiểm soát.Thảm trạng bắt đầu, bên ngài cổng C22, một máy rà x-ray phát tiếng kêu bíp bíp. Sau đó, người ta nói rằng nhân viên hành sự thấy Vân trông rất khả nghi, có lẽ gưong mặt anh ta tái đi vì sợ. Người ta rà soát người Vân và tìm thấy “hàng” trên lưng. Từ lúc này, anh ta như người đã chết.

Những phút giây trong 3 năm cuối của Vân, trên phương diện pháp lý ,được báo chí truyền thông nói đến khá rõ. Vào tháng Ba 2004, anh ta bị kết án treo cổ theo đúng luật khắc nghiệt chống ma tuý của Singapore vì đã mang theo 396 grams bạch phiến. Một cố gắng kháng án thất bại. Một thỉnh cầu xin giảm án tới vị tổng thống Singapore S. Nathan, được cả chính quyền và đối lập Úc ủng hộ, cũng chung số phận. Anh ta bị đưa lên giàn treo vào 02.12.2005

Có rất nhiều chi tiết trong vụ án này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Những tường thuật của báo chí rằng anh ta đã tìm đến Thượng Đế sau cái án tử hình chưa phản ánh đầy đủ cái niềm tin xâu xa vào sự khám phá mới của anh ta, đươc trình bày cặn kẽ hơn trong nhật ký trong tù. Gia đình và thân hữu vẫn còn bàn đến, trong chốn riêng tư, về sự biến đổi con người của anh ta đằng sau cái án tử, sự gắn chặt vào niềm tin Thiên Chúa Giáo và sự can đảm đáng ghi nhận khi đối mặt với tử thần. Một chi tiết khác cũng được nhắc tới là chuyến đi định mệnh đó có mục đích để kiếm tiền cho người anh em song sinh tên Khoa trả một món nợ dẫn đến việc dư luận cho rằng người anh em song sinh này phải chịu trách nhiệm cho chuyến đi đó. Sự thực, Khoa không hề biết ý định của Vân.

Một số người bảo rằng nhóm buôn lậu ma tuý quốc tế tổ chức cho chuyến đi của Vân không bao giờ cho biết rõ chi tiết. Những người thông cảm cho Vân thì cho anh ta chỉ là một loại cá nhỏ. Cảnh sát thì cứ tuyên bố cuộc điều tra vẫn đang tiến hành. Thực tế, sau khi bị bắt giữ, Vân vẫn còn bị ảnh hưởng của Alec.

Lúc đầu, Vân đã nói dối khi được hỏi đã nhận lệnh từ ai. Đó là việc Alec bảo rằng, nếu lỡ bị tóm thì cứ bịa ra một con cá mập tên Sơn nào đó mà khai. Cũng trong buổi hỏi cung này, Vân lại bảo với cảnh sát Singapore là mình không đáng tin tưởng.

Tháng Tư 2003, khi được tiếp xúc với luật sư đoàn người Úc của mình, Vân đã cho họ nhiều thông tin chi tiết hơn, và họ đã chuyển đến cảnh sát liên bang Úc. Cuộc điều tra được mở rộng. Địa chỉ của Alec và người tiếp viên hãng hàng không Qantas bị lục soát. Alec bị đưa ra toà, với tội danh sở hữu một lượng nhỏ ma tuý, chỉ bị phạt một số tiền 2.400 Úc kim.

Công việc của cảnh sát cũng gặp nhiều khó khăn. Sự theo dõi dấu vết đi ngược lại từ chuyến trở về Sydney mà Vân đã không có mặt. Luật sư Lasry cho biết những chi tiết Vân đưa ra rất có giá trị. Những cuộc điện đàm, những con số có thể tìm dấu vết qua hồ sơ lưu trữ điện đàm; một địa chỉ email với những thư từ lưu trữ; một giấy phạt đậu xe bừa bãi của Alec trước cửa nhà hàng ở Cabramatta trong ngày hôm đó; việc Alec chụp hình Ton khi đến Cambodia. Chủ yếu, có một nhân chứng khác có mặt trong cuộc nói chuyện giữa Vân và Alec. Nhân chứng này đã có một bản cung khai với cảnh sát và sẵn sàng ra làm chứng.

Bước kế tiếp là cho Vân làm bản cung khai chính thức với cảnh sát liên bang. Thu băng lại những gì anh ta có thể nói trong phiên toà. Đến đây gặp một khó khăn rắc rối. Cuộc thẩm vấn cũng phải được giới chức Singapore thu băng lại. Như vậy, luật sư đoàn của Vân nghĩ rằng đó là một bước đi quá nguy hiểm trong khi vẫn còn vài phương cách hợp pháp khác để kháng án. Không cần phải đưa thêm đạn cho những người đã kết án tử hình Vân.

Cuối cùng, vào đầu năm 2005, có 2 nhân viên cảnh sát Úc qua Singapore yêu cầu tìm chứng cớ về một nguồn tin rằng: giữa tháng Mười và tháng 12 năm 2002, Alec và một người ở Sydney khác có liên can đến một mưu toan nhập lậu ma tuý vào nước Úc. Cuộc thẩm vấn được thực hiện ngay tại nhà tù Changi vào ngày 26 tháng Giêng có thêm một nhân viên Singapore vô danh tham dự. Đối với luật sư đoàn, đây là một bước tiến mới khẳng định rõ tình trạng của Vân như một nhân chứng quan yếu trong một phiên toà tương lai của nước Úc. Ý định của họ rõ ràng là Vân sẽ là một nhân chứng quan yếu trong phiên toà, qua sự nối kết trực tiếp bằng thu hình thẳng tới nhà tù Changi. Khả năng đáng tin của anh ta rất cao: trung thực sẽ có cơ may sống sót hơn là dối trá. Theo tiền lệ của toà án, chứng cớ của một đồng phạm đủ để bị cáo phải nhận lời tuyên án có tội.

Lasry thầm hy vọng. Luật pháp Singapore cho phép có ân giảm cho tù nhân nếu họ chịu đưa ra những bằng chứng để kết án tội phạm chính. Vân vẫn phải ở tù, nhưng ít ra còn giữ được mạng sống . Kế hoach của Lasry là chờ chính quyền Úc gây ảnh hưởng với chính phủ Singapore.

Chỉ còn hơn một tháng cho số mạng của Vân, Lasry bắt đầu vận động hành lang vào một số khuôn mặt lớn trong chính quyền tại Canberra. Ông thuật lại rằng thật bất ngờ khi hay tin các giới chức tại toà ở Úc đã loan báo cho chính quyền hay rằng sự hợp tác của Vân với cảnh sát có rất ít tác dụng. Thời gian trở nên cấp bách. Lasry cố thuyết phục cảnh sát liên bang trong tuyệt vọng về quan điểm cho rằng lời khai của Vân có giá trị như một cộng tác viên . Người ta bảo ông nên liên lạc với cơ quan công tố của liên bang. Cơ quan này đã cho cảnh sát liên bang hay những chứng cớ của Vân không đủ yếu tố pháp lý cho việc truy tố tội phạm. “Điều đó không đúng", Lasry nói, cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao và tôi cũng không đồng ý việc cho rằng không đủ chứng cớ. Tôi không nói đó là những chứng cớ hiển nhiên nhưng dù sao vẫn có đủ yếu tố pháp lý cho sự khởi tố. Lasry vẫn tiếp tục yêu cầu cơ quan trên giải thích lý do vì sao sự khởi tố này không thể tiến hành, cơ quan đã trả lời vì họ có quyền đặc miễn. Chỉ còn 10 ngày trước hôm Vân lên giàn treo, lời yêu cầu được lập lại, câu trả lời vẫn như cũ.

“Chứng cớ của Vân chỉ là một bàng chứng (prima facie evidence), tôi rất thất vọng là họ đã chọn đường lối không khởi tố bọn đầu nẫu của tổ chức giao việc cho Vân, Lasry nói, điều đó vẫn làm tôi tức giận”. Người luật sư chưa bao giờ nhận được sự giải thích thoả đáng từ cơ quan công tố hay từ cảnh sát vì sao họ không thể truy tố bọn chúng. Nhưng điều làm ông ta bực tức nhất là việc toà án Singapore đã thi hành án tử cho một kẻ chuyển lậu thuê, trong khi đám tội phạm gộc chủ trương buôn bán má tuý lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ông nhắc lại rằng ông đã từng phát biểu ở cái thời điểm Vân bị treo cổ là người vui mừng nhất trước cái chết của Vân chính là người đã thuê mướn anh ta làm công việc đó. Rõ ràng cái chết của Vân làm hắn cất được gánh nặng. Lẽ ra , tình huống đã có thể theo một chiều hướng khác bất lợi nhiều cho hắn. Thật kinh khủng khi nghĩ tới điều này, nhưng đó là sự thật.

Vân lên giàn treo lúc 6 giờ sáng khi ánh bình minh còn đang len lén bò vào từng góc tường của nhà tù Changi. Sau cái chết ấy,những cung khai trước đó của anh ta coi như khóa sổ hoặc vô dụng, kể cả các thông tin tình báo của cảnh sát, một cuộn băng thu những điều mà lẽ ra anh ta đã có thể cung khai trước toà, cũng như băng thu mà cơ quan công tố đã khuyến cáo là không đủ yếu tố pháp lý để đưa ra toà một vụ việc.

Alec luôn luôn đi trước cảnh sát một bước, mặc dù họ tin rằng hắn vẫn đang hoạt động mạnh trong mạng lưới tội phạm khu vực Á Châu. Hắn được diễn tả là một khuôn mặt tội phạm ở giai tầng trung cấp.

Kết cuộc, những lời thẩm vấn của Vân chẳng cung cấp cho cảnh sát được câu trả lời thoả đáng nào cho câu hỏi tại sao một người công dân Úc trẻ vẫn cứ liều mình vào sợi dây thòng lọng ở Singapore hay đội hành quyết ở Bali (Indonesia) chỉ vì vài ngàn đô la. Thật ra, Vân từng nói với cảnh sát rằng số tiền trả công cho một chuyến cũng không hề được ấn định.

“Không hề bàn luận về số tiền đó.” Vân nói. Cảnh sát hỏi: “Vậy anh không biết là bao nhiêu?”. –“Không”. Anh ta trả lời.

Có còn lại, phải chăng là những lời thố lộ của anh ta còn vang vọng lại như một di chúc của những quyết định dại dột, ngu ngốc, thiếu suy xét và đầy hối tiếc ở trong băng, giọng nói của một kẻ không còn được nghe lại lần nữa:

“ Tôi đã hỏi hắn (Alec) rất nhiều lần…trong suốt hành trình…rằng tôi tin tưởng…Tôi bảo hắn rằng tôi đặt niềm tin vào hắn và rằng nếu có bất cứ điều gì cần phải biết, tôi mong hắn cho tôi biết hết…Đầu óc tôi đã chẳng nghĩ ngợi gì khi nghe hắn nhắn nhủ: ‘Đừng lo lắng, nếu mày trông có vẻ đàng hoàng, trí thức, bình tĩnh và tự chủ, mọi việc sẽ ổn thoả’.”

Phương Duy
Australia, 8/12/2006

Các bài liên quan:
- Australia,đất nước của sự bao dung,Phương Duy.


--------------------------------------------------------------------------------
Nguồn: Drugs, Deals, Despair: the fight of a dead man của phóng viên Nick McKenzie, The Age 2/12/2006.

Lãnh tu Bắc Hàn: Điên khùng hay tàn ác?

Kim Jung-Il: Người điên hay kẻ ác?



Phương Duy
― Theo Cameron Steward, The Australian và Gerald McManus, Herald Sun.


Nhà độc tài cô đơn kỳ dị của Bắc Hàn đã làm rung chuyển thế giới. Liệu ông ta có điên khùng hay chỉ đơn thuần là một kẻ ác? Câu hỏi đang làm điên đầu nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới sau vụ cho nổ bom hạt nhân của họ Kim vừa qua.

Bên trong toà lâu đài tráng lệ bằng cẩm thạch ở ngay trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng (Ponyang), một dáng người tròn lẳn thấp bé, mặc trên người bộ đồ lãnh tụ kiểu Mao màu xám và cặp mắt kiếng quá khổ như che hết khuôn mặt, lúc này có lẽ đang gập mình xuống trên cái màn hình vi tính để phân tích trên mạng lưới truyền thông những phản ứng của toàn cầu sau vụ nổ.

Đó là Kim Jung-Il, một nhà lãnh đạo bí ẩn nhất trên thế giới. Y không thích thú gì khác hơn việc theo dõi thật sát những tác động ảnh hưởng lên cả thế giới vì những hành vi kỳ lạ của y. Ông Kim Đại Trung, vị cựu tổng thống của Nam Hàn từng nói: “Y hiểu biết rầt rõ những gì đang xảy ra trên bình diện quốc tế”. Nếu đúng thế thì, trong một hành động táo bạo, càn rỡ và đáng khiếp sợ nhất, người ta có thể xác quyết rằng Kim Jung-Il đã nổi trội lên thành một tay lãnh đạo nguy hiểm nhất trong thế giới hiện tại. Quyết định của nhà độc tài Bắc Hàn 65 tuổi cho nổ thí nghiệm một trái bom hạt nhân là một bước cực kỳ bi thảm trong cuộc đời một con người lập dị.

Điều này làm cho thế giới bị buộc phải đối đầu với một vấn nạn mà cơ quan tình báo CIA Hoa Kỳ từng cố tìm ra câu trả lời trong nhiều năm: Sự thực y dở điên dở khùng hay y là kẻ tàn bạo xấu xa? Hay cả hai: vừa điên khùng vừa xấu xa?

Ngày hôm nay, y đã chứng tỏ một cách rõ ràng rằng: quả thực, Bắc Hàn có trang bị vũ khí hạt nhân. Hơn thế, dư luận hay sự lên án của thế giới đối với y chẳng có gì đáng kể.

Thực tế, ngay cả tiểu sử chính thức về đời sống riêng tư của Kim Jung-Il đã có vẻ rất bất thường không đáng tin cậy. Đó là những câu chuyện về huyền thoại có tính cách thêu dệt kiểu Mác xít nhằm mực đích bảo tồn sự sùng bái cá nhân và bảo vệ quyền lực của y. Theo bộ máy tuyên truyền của nhà nước Bắc Hàn đươngthời thì y là nhà chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Tiểu sử thực sự của y có lẽ chỉ xuất hiện qua những mảnh vụn rời rạc được kể hay viết ra từ những người đào thoát đã từng quen biết y, hoặc trong một vài trường hợp là những cảm nghĩ rất hiếm hoi của một số người có cơ hội gặp gỡ và phỏng vấn y trực tiếp.
Như vậy, thật là kinh khiếp khi chúng ta không hiểu thấu đáo hình ảnh chính xác của một con người mà, với chỉ một cái ấn nút nhẹ nhàng, có thể sát hại hàng triệu triệu con người ở những nơi xa tít.
Theo huyền sử Bắc Hàn hiện tại, Kim Jung-Il sanh ra trong một ngôi nhà nhỏ cạnh một ngọn núi rất thiêng. Những đồ đệ trung thành của cộng sản được kể cho nghe rằng: trước khi vị lãnh tụ của họ sinh ra có một con chim én đến báo, ngang đỉnh núi thiêng có một cầu vồng đôi thật rực rỡ xuất hiện cùng lúc với một ngôi sao mới sáng rực trên bầu trời, một điềm báo về một thiên tài ra đời. Thực ra y, được sanh ra trong một thành phố nhỏ của Liên Bang Sô Viết có tên Khabarovsk trong thời gian Kim Il-sung, cha y, đang được Stalin nuôi dưỡng che chở. Khi vị lãnh tụ vĩ đại (tự phong) Kim Il-sung chiếm được Bắc Hàn năm 1945, bắt đầu cuộc hành trình 50 năm theo Mác xít đi đến sự cô lập và phá sản của đất nước Bắc Hàn, ông ta đưa vợ con trở về Bình Nhưỡng. Hầu như suốt cả đời, y sống dựa vào bóng cha. Càng lớn lên, Kim con càng được cha thương yêu, tín nhiệm trao cho nhiều quyền hành. Đến năm 1980, Kim cha tuyên bố Kim con là người thừa kế chính thức.

Vị “lãnh tụ vĩ đại” Kim Il-sung qua đời nằm 1994 trong một tình trạng rất đáng nghi ngờ: cậu con trai Kim Jung-Il cương quyết từ chối không cho các bác sĩ vào phòng sau khi cha y chết. Hai trong số năm trực thăng có nhiệm vụ mang thi hài Kim cha về Bình Nhưỡng bị rơi, giết chết toàn bộ đám bảo vệ cùng các bác sĩ riêng của cha y đang bay trong đó.

Trên mọi phương diện, Kim con hoàn toàn không có gì khác lạ so với con cái của các vị lãnh chúa chuyên quyền bạo ngược khác như Saddam Hussein chẳng hạn. Y có một đời sống được nuông chiều quá mức, cộng thêm sự chứng kiến và hành xử những sự tàn ác hết sức dã man. làm cho y nhiễm tật coi sinh mạng như cỏ rác.

Hầu hết thời gian trong đời y sống trong những dinh thự sang trọng của gia đình, với đầy đủ mọi thứ tiện nghi tân tiến nhất con người có thể có được, cùng một đám gia nhân và cố vấn.

Ngoài việc sở hữu những chiếc thuyền buồm lộng lẫy, y có một bộ sưu tập đồ sộ về các kiểu xe máy nổ 2 bánh Harley-Davidson, những chiếc limousine nhập cảng đắt tiền và một chuồng ngựa nòi rặt.

Thực phẩm cũng là một thứ y đam mê cuồng nhiệt suốt đời: y thích ăn đồ ngon vật lạ. Những nhà ngoại giao của đất nước thường phải gửi về cho y những sơn hào hải vị từ khắp nơi trên thế giới như gan cá voi xanh từ xứ Angola. Đồ uống phải là thứ rượu vang (wine) ngon nhất sản xuất từ những vườn nho tốt nhất thế giới.

Cho đến khi nắm toàn quyền lãnh đạo vào năm 1994, y lừng danh là một bợm nhậu uống rượu như hũ chìm, một tay chim gái khét tiếng với những thú ăn chơi trụy lạc và những hành động dâm ô đồi bại, dẫn đến việc tự nuông chiều mình đến cực điểm. Mặc cảm là một người lùn thấp (chỉ cao 1m60), y luôn mang giày có gót thật cao, nhưng cũng không làm y cao lớn hơn bao nhiêu.Y từng lấy vợ ba lần, trong số có một nghệ sĩ và một gái nhảy, có chính thức 4 đứa con, ba trai và một gái từ các bà vợ khác nhau mà y tuyên bố là rồi sau này sẽ được lên nối ngôi của y. Ngoài ra, nhân tình thì vô số kể. Người ta tìm ra được y có ít nhất mười ba đứa con ngoại hôn.

Nhưng cái đam mê mãnh liệt nhất của y, ngoài vũ khí hạt nhân, là phim ảnh. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2000, y nói nếu không làm chính trị, có lẽ y đã trở thành một người say mê đến cuồng tín các hoạt động phim trường, hoặc ít nhất là một nhà phê bình hay một nhà sản xuất phim ảnh. Năm 1978, bực tức vì sự thiếu thốn các nhà làm phim nội địa có tài, y đã tổ chức bắt cóc hai nhà làm phim Nam Hàn ở Hong Kong. Họ cố tìm cách trốn thoát nhưng thất bại, cuối cùng cũng phải sản xuất cho y một số phim ảnh, đồng thời giúp chỉ dạy cho y cách làm phim ảnh. Y có một bộ sưu tập khoảng trên dưới 20.000 bộ phim đủ loại.Là người tôn sùng và say mê nhân vật James Bond của các bộ phim 007 rất nhiệt tình, mãi tới năm 2002, khi bộ phim J. Bond “Chết Một Ngày Kia” (Die Another Day) tô vẽ hình ảnh Bắc Hàn ở bên phe tà. Y nổi giận và lập tức lên án bộ phim và người sản xuất là bọn kỳ thị chủng tộc, cố tình nhục mạ đất nước và dân tộcTriều Tiên.

Trong xưởng phim truyện quôc doanh Bắc Hàn ở gần thủ đô Bình Nhưỡng, một bức tranh tường khổng lồ của Kim Jung-Il vẽ cảnh y đang quan sát việc sản xuất bộ phim “Biển Máu” (Sea of Blood), bộ phim với mục đích tuyên truyền vinh danh chế độ. một trong những phim được bộ máy cầm quyền của y đặc biệt ưa thích.

Nhưng chính y ở vào tuổi ba, bốn mươi, khi đươc cha trao cho quyền kiểm soát guồng máy an ninh quốc gia, đã gây kinh hoàng cho nhân dân với những biển máu riêng của y. Một nhà đào thoát tên Hoàng Giang Hợp đã tuyên bố rằng chính tay độc tài này là nhà đạo diễn cho hầu hết các hành động khủng bố mà xứ sở côn đồ này dính vào. Ông ta nói rằng ngay cả những nhiệm vụ nhỏ bé như công việc của một tay gián điệp chẳng hạn cũng phải được y xem xét và chấp thuận trưóc khi làm. Chuyện nhỏ mà không bỏ sót thì những vụ tấn công lớn chắc chắn phải có y nhúng tay vào. Y là một tay kỳ tài về các trò khủng bố. Chính Kim là người có dính dáng đến vụ đặt bom giết chết nhiều vị Bộ Trưởng trong nội các của Nam Hàn vào năm 1983 tại Rangoon, Miến Điện (Myanmar).
Năm 1987, nữ gián điệp Bắc Hàn Kim Hyon Hui đã thú nhận là cô đã nhận lện trực tiếp từ Kim Jung-Il trong việc gài bom cho nổ tung chuyến bay 858 của hãng hàng không Nam Hàn, giết chết toàn bộ 115 hành khách cùng phi hành đoàn.

Năm 1994, cha là Kim Il-sung chết, y để trống ngôi vị của cha trong ba năm như một người con hiếu thảo trong thời gian cư tang, trước khi chính thức lên ngôi vào năm 1997. Y bảo toàn một cách cẩn trọng sự sùng bái người cha, và giống như Hồ Chí Minh, thi hài Kim cha cũng được đặt vào lồng kiếng trưng bày trong một lăng tẩm cho thiên hạ thăm viếng chiêm ngưỡng.

Các nhà phân tích cho rằng, dưới bàn tay kiểm soát của Kim Jung-Il, hệ thống chính trị Bắc Hàn còn tỏ ra chuyên quyền độc đoán hơn cả dưới triều đại cha y. Trong việc cai trị một quốc gia thường được mệnh danh là một “vương triều bí ẩn” này, y đòi hỏi mọi người sự trung thành tuyệt đối. Vì thế, y trực tiếp điều hành quốc gia đến từng chi tiết tỉ mỉ, bao gồm cả đến kích thuớc về nhà ở cho một viên bí thư của đảng.

Sau khi nối ngôi cha, triều đại đầu tiên của một chế độ CS cha truyền con nối, Kim con tự biến mình thành một biểu tượng của đất nước. Y ra lệnh cho vẽ hình ảnh và tạc tượng thật đồ sộ của chính mình trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Cũng như cha, y tự phong và bắt mọi người gọi y là “Lãnh Tụ Kính Yêu”. Truyền thông báo chí quôc doanh và bọn bồi bút đôi khi quá tâng bốc gọi y là “thượng đế” và đất nước Bắc Hàn là cõi “Niết Bàn Mác xít” của trần gian. Thực tế, nhân dân sống như cảnh địa ngục. Cuối những năm 90, kinh tế suy sụp đến nỗi cả triệu người chết vì đói. Chương trình thực phẩm thề giới và quỹ nhi đồng Liên Hiếp Quốc báo cáo rằng vì sự suy dinh dưỡng trầm trọng,có tới 42% trẻ em Bắc Hàn bị còi cọc về thể chất và có nguy cơ trí óc bị tổn hại.

Kim con dường như vẫn thừa nhận quan điểm của người cha cho rằng Bắc Hàn đang bị thế giới cô lập. Kẻ thù, đứng đầu là Mỹ, luôn luôn bao vây và chỉ mong tìm mọi cách huỷ diệt Bắc Hàn. Lo lăng về mối đe doạ này, y đã phải tiêu dùng từ 25 đến 30% tài nguyên và ngân sách của một quôc gia xơ xác cho một chi phí quốc phòng khổng lồ với một lực lượng quân sư lớn hàng thứ năm trên thế giới bao gồm hơn 1,1 triệu lính chính quy, 3500 xe tăng, 500 máy bay chiến đấu và 2600 giàn phóng liên hoả tiễn đủ loại. Về văn hoá nghệ thuật, y cấm mọi sách vở báo chí, âm nhạc phim ảnh ngoại quôc lưu hành trong nước. Bắc Hàn nổi tiếng có những trại tập trung cải tạo lớn nhất.

Trong khi đó, y không làm gì hết để cải thiện mức sống cho người dân nghèo khổ thường xuyên bị nạn đói đe doạ vì những vụ mùa thất bại cứ liên tục tiếp diễn và do nền kinh tế trì trệ. Ngược lại, tài sản riêng của y, theo cơ quan CIA đánh giá, có hơn 5 tỷ Mỹ kim trong các trương mục ở ngân hàng Thuỵ Sĩ, 6 biệt thự ở rải rác châu Âu, 1 ở Nga và 1 cái khác ở Trung Quốc.

Đối diện với tình trạng đất nước hầu như bị phá sản, y quay sang nghề kinh doanh bất hợp pháp trong các tổ chức tội phạm xã hội đen quốc tế để tìm nguồn vốn cho quốc gia với việc buôn bán và chuyển lậu ma tuý. Vụ chiếc tàu buôn Bắc Hàn mang tên Pong Su bị bắt tại bờ biển tiểu bang Victoria, Australia khi đang chuyển lậu số lượng khổng lồ bạch phiến lên bờ trong năm 2003 là một minh chứng cụ thể.

Những hành động bất thường kỳ cục của Kim con không chỉ có thế. Năm 1998, y ký một nghị định sửa đổi hiến pháp Bắc Hàn, tuyên cáo rằng từ nay y trở thành chủ tịch nhà nước suốt đời. Nắm mọi quyền hành trong tay, kể cả quyền ngoại giao quôc tế, nhưng rất hiếm khi xuất ngoại. Quôc gia y thường đến thăm viếng chỉ là Trung Quốc và ngoại lệ một lần duy nhất là cộng sản Đông Đức. Một phần có lẽ do nỗi sợ bệnh hoạn không dám đi máy bay. Khi cần di chuyển, y luôn luôn đi trên đoàn tàu hoả đồ sộ của riêng y có trang bị bọc sắt an toàn.

Cứ nhìn vào mái tóc phồng lên lạ lùng, những hành vi kỳ cục và bây giờ thêm sự ngang nhiên cho nổ bom hạt nhân mà bỏ ngoài tai những lời can ngăn của thế giới, người ta có lẽ nghiêng về kết luận rằng: “vị lãnh tụ kính yêu” của Bắc Hàn đơn giản là một kẻ tâm thần.

Hãy nghe một màn độc diễn ba hoa chích choè của y trong một lần trả lời phỏng vấn một số nhà báo Nam Hàn đến thăm viếng Bắc Hàn năm 2000: “Ta không thèm ngồi chết dí suốt đời trong văn phòng để mà than van rên rỉ. Thì giờ quý báu của ta là để chia sẻ với nhân dân, ca hát và vui chơi hưởng thụ. Khi ta gặp gỡ nhân viên chính phủ, họ làm ta rất bối rối. Bọn này tự họ chẳng muốn thay đổi. Còn ta, ta chỉ muốn dùng thời giờ của ta hoà đồng với dân quê. Ta thường đi bơi và cưỡi ngựa một hoặc hai lần trong tuần. Ta thích sải ngựa nhanh khoảng 60 km/ giờ. Ta biết cưỡi ngựa từ khi lên 11 tuổi và luôn luôn phi nước đại hơn 8 cây số mỗi ngày với tốc độ từ 40 đến 60 km giờ.”
Nhưng vẫn có một số người, kể cả viên cựu ngoại trưởng Mỹ thời tổng thống Clinton là bà Madeleine Albright, khi gặp gỡ y cũng rất kinh ngạc khi thấy rằng họ có thể đàm thoại với tay lãnh đạo du côn này một cách chừng mực và có lý trí. Sự kiện này làm cho nhiều quan sát viên vội đi đến kết luận Kim con không hề điên khùng, trái lại, y đang đóng một vai kịch xuất xắc để che giấu cái âm mưu quỷ quyệt là làm cho thế giới lầm lạc, xem thường và tiếp tục đánh giá y thấp.

Thêm vào đó, sự trâng tráo, cô đơn, tính tình thay đổi không tiên đoán được của y làm mối nguy hiểm đáng sợ tăng gấp bội khi y có được vũ khí hạt nhân. Tính tàn nhẫn và cô độc này đã từng được đưa lên màn hình TV chế riễu trong phim hoạt hoạ South Park. Trong show này, Kim con bị mô tả như một tên khùng tàn bạo và cô độc. Y vừa cao giọng hát: “ta cô đơn quá, cô đơn qúa... a… á…” vừa nắm cổ viên trưởng thanh tra vũ khí Liên Hiệp Quốc Hanx Blix làm mồi cho đàn cá mập của y.

Một nhà lãnh đạo của một đất nước độc tài, tham tàn bạo ngược, tính khí bất thường, tâm thần có vấn đề và có uy quyền trong tay đã thật đáng ghê sợ. Bây giờ, y lại có vũ khí diệt chủng. Chúng ta hãy tưởng tượng…

Đếm những mảnh đời






Đếm những mảnh đời.

Từ những mảnh giấy vô hồn…
Đảng và nhà nước CSVN đang ở trong những ngày vui mừng phấn khởi.. Cánh cửa của Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới (WTO) đã rộng mở. VN có cơ hôi bước vào và được chào đón trong tư thế của hội viên thứ 150. Sự vui mừng được thể hiện rõ qua uỷ ban đàm phán , với sự hỗ trợ của toàn bộ hệ thống truyền thông báo chí nhà nước và một phần của Quốc Hội CSVN. Hôm nay, Quốc Hội đang họp khoá, trong tư thế chuẩn bị cho sự gia nhập WTO. Cứ theo nhận định khách quan, quốc hội CSVN quả có chút tiến bộ.Lúc này, các đại biểu cũng bắt chước thiên hạ thế giới với dăm ba câu chất vấn bộ sở nhà nước, cho dù rốt cuộc cũng chỉ nhận được những câu phát biểu trả lời chung chung bù trớt, không đâu vào đâu. Dù sao, có còn hơn không, các đại biểu quốc hội tuy đa số đã cùng đảng và nhà nước rất lấy làm hãnh diện và hồ hởi phấn khởi trong cái vụ từ từ , thong thả, khệnh khạng (mà lòng như lửa đốt) bước vào ngưỡng cửa (chính) WTO, vẫn có một số ( nhỏ nhoi, lạc hậu, không đáng kể) có tâm trạng nghi ngờ, ngại ngùng, băn khoăn, dè dặt. Trong bài Lạc quan nhưng khó khăn tiềm ẩn (báo Tuổi Trẻ 22/10/06), tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, đại biểu tỉnh Bình Định rất lạc quan với con số dự báo tăng trưởng kinh tế 8.2% của VN ngay trong năm đầu tiên của kế hoạch năm năm 2006-2010. Ông này còn phấn khởi tới mức đem dẫn chứng một luận đoán có tính giả thuyết của một tổ chức đánh giá quốc tế (Goldman Sachs JBWere) mà ông gọi là một cơ quan tài chính lớn tại Mỹ nói rằng: đến năm 2025, VN có thể đứng thứ 17 thế giới về tiềm lực kinh tế.
Tuy nhiên, đại biểu Cần Thơ Lê văn Tâm lại băn khoăn rằng: tăng trưởng 8.2% theo báo cáo thì cao và vượt kế hoạch, nhưng trên thực tế, các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp chiếm không dưới 80% dân số đất nước lại không đạt kế hoạch đề ra là 3.8% (chỉ đạt 3.4-3.5%), như vậy là không vững chắc, hay nói cho thiệt đúng phải gọi là phát triển một cách khập khiễng.
Đại biểu Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh còn đi vào chi tiết hơn: . Ông phân tích: tổng thu ngân sách xấp xỉ 16 tỉ USD, trong đó thu nội địa khoảng 8 tỉ USD, từ dầu thô khoảng 4,2 tỉ USD, thu xuất nhập khẩu 2,6 tỉ USD và thu viện trợ khoảng 1,6 tỉ USD. Trong khi đó, nợ trong dân hiện nay qua bán trái phiếu và một số loại khác khoảng 22 tỉ USD, nợ nước ngoài gần 20 tỉ USD... và ông dí dỏm : “Một bức tranh kinh tế như thế mà cho rằng năm 2025 VN sẽ đứng thứ 16-17 của kinh tế thế giới thì tôi rất nghi ngờ, gắng sống thêm 19 năm nữa xem coi”.

Đến những mảnh đời tơi tả.
Những vui mừng, băn khoăn, dí dỏm của các đại biểu trên đây chẳng qua chỉ là những bức tranh kinh tế của VN vẽ trên giấy. Để tìm xem sự phát triển khập khiễng của kinh tế VN trong thực tế ra sao, có lẽ chúng ta nên đi tìm đến những mảnh đời thiên hình vạn trạng đang vỡ vụn hàng trăm mảnh của người dân lao động VN để xem cái thực trạng của nó bi hài đến mức độ nào.
Mảnh đời có lương có lậu.
Mảnh đời nhân viên công chức. Vợ chồng Đức và Thơm, cả 2 đều lá cán bộ công nhân viên nhà nước. Đức có 12 năm thâm niên qua ba cơ quan từ tỉnh lẻ lên trung ương, Thơm, giáo viên cấp 2. Lương của Đức 1.1 triêu mỗi tháng chỉ đủ cho mình anh trong 20 ngày, lương của Thơm cũng khoảng ấy. Cả 2 cộng lại cũng chỉ đủ chi 1/3 đời sống gia đình có 2 con, 2/3 còn lại không thể trông vào đồng lương. Một nhà nghiên cứu kinh tế, cũng là một công chức hưởng lưong nhà nước 30 năm nói chưa bao giò đồng lương của công chức VN đáp ứng nhu cầu tối thiểu của đời sống. Thời bao cấp, ai cũng bám vào nó như một nỗi tủi hổ, ngoài ra không có cách nào khác (Thực ra có một ít cách , nhưng quá nhỏ bé và nhục nhã vì là sự tranh giành cái ăn cái mặc mà nhà nghiên cứu này không nỡ nhắc đến). Nhưng lúc này, công chức đã có nhiều “bầu sữa” khác và dần dà nhà nước cũng chấp nhận những nguồn thu không chính thức này của họ.
Cái”bầu sữa” không chính thức này được gọi là bổng lộc hay diễn nôm gọi là…lậu. Theo bài báo Muôn đời…lương lậu ( Tuổi Trẻ 22/10/06) thì: Bài học đầu tiên làm công chức của Đức là: đi họp bây giờ ai cũng có “tiêu chuẩn” nôm na gọi là phong bì. Tiêu chuẩn của phong bì dầy hay mỏng tùy thuộc vào cơ quan tổ chức, khách mời và sự kiện họp. Phong bì là một khoản thu nhập không thể thiếu của công chức. Nó đã thành truyền thống của mọi cơ quan nhà nước. Báo kể chuyện vợ ông cựu bộ trưởng kế hoạch đầu tư Trần Xuân Giá mang bản khai sinh gốc của con gái ra phường để nhờ chứng thực bản sao mà chị làm văn thư ở phường cũng làm khó dễ (vì không kèm phong bì) đến nỗi phải nhờ tới bộ trưởng tư pháp can thiệp mới xong. Đó chỉ là một chị văn thư quèn tại phường với một gia đình từng là bộ trưởng còn thế, còn người dân bình thường (mà không có lậu) thì làm sao?
Đối với người dân thường, ngay một bà già bán nước ở vỉa hè cũng phải biết “hợp tác” để đóng …lậu cho mấy anh cảnh sát giao thông trật tự. Chỉ một anh dân phòng cũng kiếm được hằng triệu tiền “lộc” mỗi tháng. Không những chỉ cán bộ công nhân viên ở trong mọi cơ quan chính quyền bộ sở các cấp mới coi bổng lộc như một quy định theo tiêu chuẩn: cơ quan càng có quyền lực , ảnh hưởng lớn đến xã hội thì phong bì bồi dưỡng càng dày, màu mỡ hầu như bắt buộc phải có trong mọi ngành nghề trực thuộc nhà nước. Đưa vợ đến bệnh viện sanh con cũng phải đổi sẵn các loại tiền lớn nhỏ để chi trải cho những cửa phải qua, từ chị hộ lý, bà lao công quét rác đến anh trông xe. Bác sĩ không nhận phong bì, nhưng chìa tấm danh thiếp của họ ra. Muốn chữa khỏi bệnh thì phải đến phòng khám tư của “ngài bác sĩ” có ghi địa chỉ trong danh thiếp. Ấy là nói về đám cán bộ công nhân viên quèn, còn với các ông lớn thì hãy xem báo Lao Động số 301 ngày 01/11/2006, bài “Năng lượng phong bì” tường thuật về ông giám đốc kho bạc tỉnh Hà Tây chỉ trong 1 năm có tới 9 lần gửi tiết kiệm lên tới số 1.4 tỉ bạc VN, ông còn minh hoạ cuộc đời “vô sản “ của ông bằng sự lãng trí đánh rơi 22 chiếc phong bì đựng tiền có ghi tên người đưa và có bút phê của ông rất rõ ràng. Đúng là các ông lớn CSVN bây giờ đã hoàn toàn hạnh phúc ở trong thiên đường cộng sản.
Những mảnh đời có lương không lậu,
Trong khi đó , anh N. X. Hà, làm chuyên viên một bộ, có bằng cấp đại học, lưong 600,000/tháng. Anh than thở: thuê nhà hết 500,000, tiền xăng 100,000, điện nước 50,000, như vậy không còn gì để ăn, nhà nước không muốn tôi chết đói, nhưng trả lương chết đói, bắt buộc tôi phải tìm kẽ hở để moi ngân sách hoặc ăn của đút.
Cán bộ, công nhân viên nhà nước còn có ngân sách để moi, nhân dân để xách nhiễu đòi đút lót. Công nhân làm việc ở các hãng xưởng tư nhân và nước ngoài, ngoài đồng lương cố định, không còn chỗ để moi, đành phải làm việc cật lực, tăng ca chết bỏ. Trong “Đồng lương đói” của Người Lao Động 15/01/2006: Minh, 1 công nhân của 1 công ty nuớc ngoài ở Biên Hoà, cầm 600,000 đồng lưong mà miệng méo xệch: “Bạn em bảo mày đi làm cho ngoại quốc gì mà không bằng tao đi bán vé số! “Còn Phượng, 1 công nhân may thì chua chát:” Có lãnh đạo hay giám đốc nào thử cầm 600,000 đồng thuê nhà sống trong thành phố này một tháng xem sao? “ Không bổng lộc nên túng thiếu, càng túng thiếu càng lăn lưng bám vào việc để rồi vẫn túng thiếu.
“Tụi em nhiều lúc đói đến hoa mắt, nhưng cứ nghĩ đến cảnh nghèo khó của cha mẹ, em út ở quê lại không dám cầm tiền đến chợ”. Hòa kể lúc mới lên thành phố cô nặng 47kg, nhưng bây giờ cân cả giày dép mới tròn nổi 40kg. Bạn bè cô ai cũng sụt ký với đủ thứ bệnh tật ho hen triền miên.
“Biết sức mình càng ngày càng cạn kiệt dần, nhưng phải cắn răng thôi anh à. Than với công ty cũng chết, mà không đi làm cũng chết”. Hòa tâm sự nhiều bạn bè của cô khi báo bệnh với công ty đã được “lặng lẽ” cho về quê nghỉ việc vĩnh viễn mà không được trả bất cứ một chế độ (bồi thường) nào. Ngồi nhìn những cô công nhân tiều tụy sau giờ tăng ca đến gần nửa đêm cúi mặt lùa cơm với rau muống luộc chấm muối xả ớt, không ai dám nói ra nhưng có thể thấy trước được viễn cảnh của họ. Những số phận đó chỉ là một phần trong hàng vạn công nhân đang vắt kiệt sức lực để tồn tại với đồng lương chết đói giữa thời buổi giá cả leo thang từng ngày như hiện nay.
Nhiều chủ doanh nghiệp tổ chức tăng ca liên tục hằng tháng trời nhưng lại nghĩ ra đủ cách để không phải trả tiền phụ trội . Các cơ quan chức năng phát hiện nhiều doanh nghiệp nghĩ ra một “tuyệt chiêu” để ép công nhân tăng ca. Đó là đặt ra khoản tiền chuyên cần. Theo thỏa thuận trên hợp đồng lao động, Công nhân bảo đảm đủ 26 ngày công/tháng sẽ được hưởng khoản tiền chuyên cần (từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/người/tháng). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã tự “phá lệ” bằng cách ép buộc công nhân phải làm đủ 30 ngày công/tháng thì mới được hưởng trọn khoản này.
Báo Lao động số 271 ngày 02/10/2006, trong “Thu nhập thấp, đời sống khó khăn” có chú ý tới ngành chế biến thuỷ sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Là vùng kinh tế thủy sản trọng điểm của cả nước, các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long thu hút hàng chục ngàn công nhân lao động vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp.
Tạo ra việc làm cho lao động - đa số từ các vùng nông thôn - song, với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh và một số nguyên nhân khác, hiện đời sống của không ít công nhân ngành chế biến thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long rất khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, chưa có chỗ ở ổn định. Tình trạng ở các xí nghiệp khác trực thuộc Công ty thuỷ sản xuất khẩu Kiên Giang cũng dẫn tới đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn gay gắt. Để có việc làm cho họ, xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu An Hoà phải làm gia công cho một số công ty tư nhân. Thu nhập của công nhân bình quân chỉ 600.000 đồng/tháng. Tương tự, từ đầu năm tới nay doanh thu của đơn vị và thu nhập của công nhân ở xí nghiệp chế biến thủy sản Kiên Giang giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Đối với trẻ em, những mảnh đời có lưong không lậu còn tồi tệ hơn nhiều. Phóng sự của Tuổi Trẻ 26/10/2006: Bán sức, bán cả tuổi thơ với 2 bài : bài 1: Những đứa trẻ lầm than. Bài 2: Nhọc nhằn manh áo bát cơm. Có những em nhỏ đang ngày đêm mòn mỏi trên khắp nẻo đường TP.HCM để ăn xin với khoản tiền công được trả 300.000 đồng/tháng. Đằng sau những tấm thân còm cõi của các em là những kẻ “chăn người” bất lương.
Đêm về, tiếng cười nói ngả nghiêng, ánh đèn hắt sáng từng bàn nhậu khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc. Đôi chân cậu bé còi như hai ống xương lê bước trên đường. Em giơ chiếc nón bẩn xin ăn. Bề ngoài cậu bé không hơn đứa trẻ 7 tuổi dù em cho biết mình đã 12. Ai hỏi chuyện, cậu cũng lí nhí: “Em tên Quang, 12 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Vào đây xin ăn với mẹ và bà”. Quang cũng như hàng trăm trẻ em khác đang được một số đầu nậu “chăn dắt” ăn xin đưa vào Sài Gòn, tất cả đều có câu trả lời thuộc nằm lòng, đều nói một nội dung na ná.
Các em nhỏ đi xin ăn cho biết mỗi ngày phải kiếm được trên 50.000 đồng, có ngày gặp may thì 100.000-200.000 đồng. Trung bình một tháng các em xin được khoảng 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, khách có cho 1.000 đồng hay tới 100.000 đồng các em cũng không vui vì tất cả đều bị chủ “chăn dắt” thu trọn. Hằng ngày các em phải dậy để đi ăn xin từ sáng sớm đến nửa đêm nên em nào cũng ốm o gầy mòn và thiếu ngủ trầm trọng.
Có những em khác không đi xin ăn , lại bị bóc lột thậm tệ trong nghề may gia công. Một bà mẹ nghèo từ Yên Bái lặn lội vào Sài Gòn để đón đứa con 13 tuổi về. Khó khăn lắm, cậu bé mới mượn được điện thoại gọi cho mẹ để kêu cứu. Lang thang ở thành phố xa lạ nhiều ngày bà mẹ mới tìm được con. Nghỉ việc giữa chừng, công sá mấy tháng trời bị phủi sạch, cậu bé chẳng được trả một đồng lương. Trong khi đó túi bà mẹ cũng hết sạch tiền. Không có tiền mua vé, hai mẹ con chỉ biết dắt nhau ra ga Sài Gòn ngồi khóc. Câu nói nằm lòng của giới chủ với gia đình các em: “Chúng tôi đưa cháu vào Sài Gòn học nghề may, các cháu có được cái nghề, còn được nuôi ăn ở đàng hoàng”. Cha mẹ các em vì quá khó khăn mà phải nhắm mắt cho con đi kiếm sống. Nhưng họ không hình dung được rằng con mình phải vất vả đến nhường nào.
Thủ đoạn của các ông chủ, bà chủ là trả lương mỗi năm một lần. Thường các em được trả lương 4-5 triệu đồng một năm. Em nào làm chưa đủ năm, nghỉ ngang thì mất trắng. Vì vậy, dù bị ngược đãi, đánh đập hoặc làm việc quá sức, không em nào dám nghỉ việc hay đi tố cáo. Đất Sài Gòn không có người thân, nghỉ làm lấy tiền đâu về quê, liên lạc với gia đình rất khó khăn.Bên đống vải vóc và quần áo may xong chất như núi, một cậu bé khoảng 11-12 tuổi đang thoăn thoắt may như một cái máy. Cậu bé này làm ở công đoạn ráp đồ thun. Cậu bé nói chuyện mà tay vẫn làm việc một cách thuần thục, mắt không rời máy. Các em cho biết mình làm việc từ 7 giờ sáng đến 1 giờ đêm mỗi ngày, tiền công khoảng 5 triệu đồng một/năm. Nếu hàng nhiều có thể làm đến 3 giờ sáng. Tất cả các em đều “tự khai” là cháu của chủ cơ sở. Chủ cơ sở cho biết nuôi khoảng 16 đứa... cháu và con, tuổi 10-16. Chỉ có điều quê của các “cháu” thì mỗi đứa một phương, em này ở Bắc Ninh, em nọ ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa...Nghe giờ giấc làm việc của các em, nhiều người không khỏi giật mình. Bé Hợp, 11 tuổi, quê Bắc Ninh, thật thà kể: “Em ăn tối bữa cuối là sau 1 giờ sáng. Sau đó đi ngủ đến 6 giờ sáng thì dậy và ăn uống rồi làm việc tới nửa đêm. Ăn mì tôm hai bữa sáng và khuya, trưa chiều mới được ăn cơm”. Tuổi thơ thế giới , tuổi của vui chơi, học hành. Tuổi thơ các em VN, tuổi của nhọc nhằn, manh áo, bát cơm.
Những mảnh đời lao nô không lương không lậu
Tuy vậy, những mảnh đời lưong lậu trên còn có cái nhét vào miệng. Những kẻ trấn lột họ vẫn còn là những đồng hương cùng một tiếng nói còn chút tình người. Có những mảnh đời khác đang bị lừa gạt thành kẻ lưu vong , bị biến thành thân nô lệ từ thể xác tới tinh thần và vật chất , lại còn bị lũ ngoại bang đối xử không hơn một con vật. Chị Lê Thị N., quê Nam Định, làm công việc chăm sóc một cụ già 82 tuổi và 3 đứa trẻ trong một gia đình có tổng cộng 9 người ở Đài Loan. Chị kể, chị phải thức khuya, dậy sớm, làm việc quần quật, mỗi ngày chỉ chợp mắt được khoảng 3-4 tiếng đồng hồ, nhưng vẫn không làm chủ vui lòng. Bà chủ thường xuyên chửi: "Mày gọi điện bảo công ty mày đưa mày về nước đi". Kiệt sức và bị đối xử thậm tệ, nên ngày mùng 3 Tết Bính Tuất chị bỏ trốn, 4 tháng sau thì bị bắt. Khốn khổ nhất là trường hợp của Phạm Thị Đ. Gặp chúng tôi, Đ. rưng rức khóc và khẩn cầu chúng tôi giúp cô một công việc... bất khả thi: "Các anh chị giúp đưa chúng em về Việt Nam. Ở đây nhục nhã lắm!".
Đ. sinh năm 1981, là chị cả của ba chị em một gia đình nông dân nghèo ở huyện Nương Tài - Bắc Ninh. Tháng 4/2003, Đ. được một công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội đưa sang Đài Loan giúp việc cho một gia đình ở Đài Bắc. Theo hợp đồng, mức lương tối thiểu của Đ. không dưới 15.840 Đài tệ (NT$) - mức lương tối thiểu của một lao động nước ngoài làm việc tại đây, tương đương hơn 7 triệu đồng VN. Nhưng cô bảo, thực tế không phải vậy: tháng đầu chủ chỉ trả 650 NT$, tháng kế tiếp được hơn 1.000 NT$. Đ. phản ứng thì "bị chủ chửi mắng, dùng tay cào vào cổ, 2 lần dùng thìa múc canh đánh vào đầu và đe dọa đuổi việc", Đ. nói. Sợ quá, Đ. bỏ việc đến Đài Trung... làm chui. Nhưng cuộc sống chui nhủi, luôn phải lánh mặt đồng hương, không biết bị bắt lúc nào không thể cứ kéo dài mãi, nên ngày 16/2/2006, Đ. ra đầu thú để mong có cơ hội trở về VN vì hộ chiếu đã bị chủ giữ. (Trích “những đồng hương giấu mặt” báo Thanh Niên 21/10/2006)
Trong “Đường về không thong thả” ngày 31/10/2006 , tờ SàiGòn Giải Phóng đưa lên một phóng sự: chỉ riêng tỉnh Thanh Hoá có tới trên 4000 phụ nữ VN bị bán sang Trung Quôc làm vợ hoặc mại dâm. Trong số chỉ 2300 có thư phản hồi (về cho gia đình), còn 1700 bặt vô âm tín. Mảng đời của chị Nguyễn thị Thường là một điển hình: chị Nguyễn Thị Thường (thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá) vừa khóc sướt mướt, vừa kể: “Em nghe Trần Thanh Đoàn (cùng xã) hứa đưa lên Bắc Thái làm công nhân hái chè với mức lương cao nên gửi lại con cho bố đẻ rồi khăn gói lên trên ấy”.
Chưa bao giờ ra khỏi cổng làng nên khi tên Đoàn dẫn chị Thường qua Trung Quốc rồi nhận mấy ngàn nhân dân tệ từ tay mụ đàn bà béo trùng trục, chị Thường mới biết mình bị lừa. Hơn một tháng bị giam trong căn phòng 4m2, một nông dân ở tỉnh Quảng Tây (TQ) đã mua chị Thường về làm “vợ”.
Tiếng là lấy chồng nhưng ngay ngày đón dâu, Thường đã bị o ép và kinh tởm nhất là ngay cả cha chồng, em chồng cũng nhìn chị bằng cặp mắt thèm muốn.
Từ địa ngục trở về, chị Thường thất thần mô tả cảnh làm “vợ”: “Em như con vật để thỏa mãn nhu cầu sinh lý của ba cha con nhà chúng thôi các bác ạ. Đứa con gái thứ nhất, em cũng không biết cha nó là ai trong số 3 tên nông dân dâm loạn nọ. Đau đớn nhất là khi em mang thai bé gái thứ hai, những người tàn ác đó đang tâm bóp mũi cho đến khi cháu tắt thở bởi không đáp ứng được mong muốn có đứa con trai để nối dõi. Em chết ngất mấy lần, tự tử mấy lần mà không chết được!”.
Xã Ngư Lộc không riêng gì nạn nhân Nguyễn Thị Thường mà có tới 127 chị em bị lừa bán ra nước ngoài. Đau xót nhất là trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Th. ở thôn Chiến Thắng. Vợ ông Th. cùng ba đứa con gái bị lừa bán qua Trung Quốc đã hai năm nay, đến giờ vẫn chưa có tin tức. Ông Th. hàng ngày thẫn thờ như người điên, suốt ngày khóc gọi tên người thân. Số người có thư hồi âm thì số phận cũng không khá hơn: Do ràng buộc tình mẫu tử nên chị em chỉ có thể về VN thăm họ hàng ít buổi rồi lại dứt áo ra đi vì “nhớ con ở bên ấy”.
Số chị em bị ngược đãi, xâm hại nhân phẩm, khi “vượt ngục” trở về nước lại gặp không ít khó khăn, gia đình bố mẹ chồng con ruồng rẫy, cán bộ quan chức hành chính khó dễ hộ khẩu, một số bơ vơ lạc loài, rất khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai, chưa kể dư luận xã hội đâu phải lúc nào cũng sẵn sàng bao dung, sẻ chia với những cảnh đời không may mắn. Nhiều trường hợp khi về nước không có nơi nương tựa, thiếu tư liệu sản xuất, không đủ tư cách pháp nhân để vay vốn hoặc xin đất làm nhà, thậm chí không đăng ký được khai sinh cho “những đứa con lạc loài”. Thật là về cũng dở mà ở cũng thua.
Những mảnh đời chùm gửi thuê bao.
Trở lại với những mảnh đời trong nước, những mảnh đời đang sống kiếp tầm gửi , làm gái bao, bồ nhí cho các quan chức của đảng và nhà nước lắm tiền và đầy thế lực, cùng các đại gia phất lên nhờ móc ngoặc với đám quan chức trên , đồng thời làm giàu nhanh chóng qua sự bóc lột tàn tệ tài sản nhà đất và sức lao động còm cõi của người dân nghèo khổ..

Có một ngoại hình dễ coi, tiếng thời thượng trong nước gọi là các em” chân dài”, phải mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà, mang tiếng hát và cả tấm thân mình để mua vui cho đời, cho người. Người ở đây là những quan lớn túi đầy đô la, miệng hà ra lửa. T.T. là một trong những kiếp cầm ca sống tầm gửi bên một ông S., chủ đại gia một cơ sở sản xuất ở Bình Chánh, Sài Gòn. Không biết ca hát nhưng theo yêu cầu của ông S., cô vẫn gượng bước lên sân khấu. T. cố lắm cũng chỉ vừa xuống hết câu vọng cổ… rồi nín bặt. Thấy vậy, ca sĩ Y.N liền “cứu bồ” bằng cách cả hai cùng song ca bài vọng cổ “Lá trầu xanh”. “Đại gia” S. vẻ phật ý. Ông lên sân khấu tặng hoa, nhưng riêng T. T là tờ bạc 10.000đ cuộn tròn xỏ qua chiếc lá bàng ( ý muốn chửi là đồ xỏ lá?) .
Bị mất mặt với mấy chiến hữu từ Vũng Tàu mới đến, ông đâm bực: “Con nhỏ này bữa nay dám giở trò với tao. Tính tiền đi chỗ khác…”. 26 tuổi, T. T đã có thâm niên hơn 10 năm phục vụ ở quán nhậu, rồi tiếp thị bia… ở các quán từ quận 6, 11, Tân Bình, Bình Chánh… T chỉ sang hai cô gái phục vụ bàn bên cạnh: Tr. là em ruột, P. là bạn. Mới chút vui, giọng T. chợt buồn: “Cũng cay đắng trăm bề chứ có khá hơn gì đâu chị”. T kể, nhiều ông khách vào quán là đòi tiếp viên ngồi bên cạnh, rót bia, gắp mồi, lau mặt lại còn… “khám” khắp người. “Cũng như lúc nãy, không biết hát cũng phải hát đại. Mà ổng đã vừa lòng đâu”, giọng T. ấm ức.
Đó là mảnh đời của T. trong “ Phận gái nghèo và đời thuê bao” ( Sài Gòn Giải Phóng 10/10/2006).
Những mảnh đời bám víu vỉa hè sinh sống
Đây là những mảnh đời lộ thiên, mảnh của cuộc đời muôn mặt, kiếm sống trên các vỉa hè của các thành phố thị xã. Buôn gánh bán bưng, bán vé số dạo, thuốc lá lẻ, trà đá , giải khát có, phu khuân vác gồng gánh có, và có cả moi rác kiếm ăn.
Mảnh đời bám đường bám chợ.
Trước hết nói về cửu vạn, tiếng lóng miền Bắc để chỉ những người làm nghề phu khuân vác. Chúng ta thường được nghe nói nhiều về cửu vạn trên những con đường buôn lậu băng qua biên giới với lối sống giang hồ rất gian nan nguy hiểm. Ở đây chỉ xin đề cập đến những cửu vạn bình thường đang hành nghề một cách lưong thiện ngay trên phố thị. Những cửu vạn qua bài phóng sự “ Nữ cửu vạn” trên báo Thanh Niên ngày 29/12/2005. Tại một góc của khu chợ Đồng Xuân tấp nập người, chị Đinh thị Thái, 1 trong số cả trăm nữ cửu vạn của thành phố Hà Nội đang chuẩn bị cho một ngày làm việc: Đòn gánh và dây thừng trên tay,sẵn sàng trong việc khiêng vác, gánh hàng thuê cho khách đi mua sắm hay bốc rỡ hàng hoá cho các chủ sạp bán . Chị Thái khoảng 30, khăn len ngang trán, nón cũ trên đầu, cố lần từng bước một xuống cầu thang từ lầu ba để ra cổng chợ với một bao bố to tướng trên vai khiến chị phải oằn lưng khom xuống, thỉnh thoảng có người qua lại va phải làm chị liêu xiêu lảo đảo. Cuối cùng, bao tải hàng cũng đến được đích, vừa đưa tay nhận mấy nghìn đồng bạc vừa thở hào hển. Quê chị mãi ở Hà Tây, nhà có 2 vợ chồng và 3 đứa con, những lúc nhà nông không có việc, chị phải cắp đòn lên Hà Nội gánh thuê để có tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày và học phí cho con. Mỗi chuyến hàng chỉ kiếm được từ 500 đồng đến nhiều nhất là 5000. Chị bảo, tuy ít và vất vả nhưng vẫn phải làm, ở quê thì chẳng biết làm gì kiếm ra được mỗi ngày vài chục ngàn . Công việc cực nhọc, tiền làm ra ít, nhưng phải tiết kiệm đến mức tối đa vì còn phải gửi về quê nuôi con. Ngoài nỗi vất vả mưu sinh, họ còn phải chịu nhiều điều tiếng, đôi khi bị đối xử thô bạo. Chuyện các nữ cửu vạn bị chửi, bị sờ soạng, bị bạo hành, xua đuổi bởi những chủ hàng diễn ra như cơm bữa, vì có một số người có tính ăn cắp vặt hay lấy đồ của khách. Cuộc đời bốc vác không những chỉ chồng chất những vất vả của đời sống mà còn ấm ức vì những đối xử bất công.


Mới 35 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Liên (Đông Anh, Hà Nội) đã hằn sâu nét khắc khổ của một người có tuổi. Đôi mắt tối sẫm lộ ra sau vành khăn bịt kín khiến dáng vẻ chị càng tiều tuỵ. Ngồi bên đống quang gióng cũ kỹ chưa có người mở hàng, chị buồn bã kể: "Ở quê, đất vào quy hoạch hết, ít ruộng lắm, xong mỗi vụ không đủ tiền chi tiêu, nộp học hành cho con nên xuống đây kiếm kế sinh nhai. Cực nhọc một chút nhưng một ngày cũng kiếm được dăm bảy chục nghìn cho con ngày hai bữa và đến trường...".



Với dân làm nghề gánh thuê, được gọi đi làm là hạnh phúc lắm rồi, kể chi mệt nhọc. Nên 1.001 việc, từ gánh hàng (thường là đất đá), chở cát, xi măng..., thậm chí đập nhà, họ đều nhận làm,
bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm. "12h đêm hay 1h sáng họ cần mình vẫn làm.


Mảnh đời ôm bến xe, hít bụi đường.
Nguyễn thị Xuân Đào, 28 tuổi đời, 10 tuổi bám đường, nhà ở ngay ngã ba Cát Lái, , bán giải khát, thuốc lá lẻ, kẹo bọc, khẩu trang, găng tay che kín mặt, ngồi chịu trận nắng gió từ 4 giờ sáng đến 9 – 10 giờ đêm. Đến khi nhà nước giải toả mở đường, nhà bị mất phải bồng con đi thuê chỗ ở. Chồng bỏ theo vợ bé, để lại dăm món nợ, nên từ người sở hữu 2 chiếc xe dream và chút ít vòng vàng trở thành trắng tay. Đào không còn cách nào khác ngoài việc xách giỏ về lại ngay chỗ nhà ở của mình bị giải toả để buôn bán qua ngày. Khi trước, Đào ở Cần Thơ, vì muốn trốn cuộc sống mần ruộng, quanh năm chân không dầm nước , nên quyết lên thành phố lập nghiệp để chân được đi dép. Từng làm công nhân ở khu chế xuất Liên Trung, tăng ca liên tục mà lương chưa đầy triệu bạc, không đủ nuôi con,phải bỏ hãng xưởng. Đào bây giờ buôn bán lặt vặt, thu nhập chỉ đủ cho nhu cầu tối thiểu vì vừa phải thuê nhà(hơn 100,000/tháng), vừa phải thuê người trông con(300,000/tháng). Chị than: không săm sửa gì cho riêng mình, chỉ dám bỏ tiền mua bông băng cho những ngày thấy tháng. Giá mà không có “khoản ấy” thì cũng chẳng cần gì. Phải để tiền nuôi con.
Phạm thị Hoa cư ngụ tại quận 9 có khá hơn. Chị có đươc một chiếc xe nước ngọt đầy bụi băm ngay ngã tư Thủ Đức, xe không có được cái dù để che mưa nắng, cái nắng nhiệt đới cháy da người. Vậy mà chị cũng rất buồn: bán ở đây khổ lắm, tới bữa không nhờ được người phụ coi hàng thì phải nhịn ăn, mót tiểu cũng phải nhịn . Khổ nhất vẫn là nơm nớp lo sợ sự xuất hiện của công an giao thông. Mấy tháng hè, thằng con được nghỉ học phải theo mẹ ra xa lộ làm” cảnh giới “cho mẹ. Lúc nào nó cũng “chơi” cái áo màu xanh đọt chuối để mẹ dễ nhận thấy từ xa. Đang bán hàng mà thấy nó hớt hải chạy tới túm lấy mấy cái ghế nhựa quăng bừa ra tứ phía để xoá hiện trường, nguời mẹ vội lật đật đẩy xe đi “ Mấy ổng tới đó!”. Chị thều thào. Tội nghiệp cho chị, kiếm được bát cơm vất vả giữa trời thiêu đốt mà phải lấm lét như người ăn trộm. Có lẽ chị đang trộm lấy những vất vả trong cuộc sống và tương lai của mẹ con chị?
Mảnh đời dạo nát phố phường.
Ngay bên vệ đường, dưới chân cầu Sài Gòn, bà cụ Nguyễn thị Phước, 67 tuổi, quê ở Thanh Hoá, bày biện 1 cái thùng xốp trên đó có mốt mớ vé số, bên cạnh là đứa cháu gái 4 tuổi ngồi đu đưa trên cái võng cũ mèm. Thân già một mình phải nuôi 2 đứa cháu mồ côi: con bé Quỳnh 4 tuổi và thằng Tuyên, anh họ của nó 12 tuổi. Bà bám tàu vào Nam kiến ăn đề lại một mình thằng Tuyên ở quê đi học. Tiền bà gửi về cho nó tháng đực tháng cái, lúc được trăm nghìn,lúc chỉ hai ba chục. Vậy mà thằng bé vẫn học được., sống được. Hè đến, nghỉ học, nó nhảy tàu vào Nam giúp bà buôn bán. Ế ẩm thì ba bà cháu dắt díu nhau đi bán dạo dài đường. Bà cụ đã già chỉ đi dạo quanh quẩn gần đó. Thằng Tuyên khoe đi bán dọc theo xa lộ Hà Nội đến tận Suối Tiên, nó bảo cố để dành tiền hết hè lại về quê đi học, không ở đây lâu.. Bà cụ bảo: “ tôi nghèo . phải lấy chịu vé, bán được đồng lời thì trả. Có khi cháu nó bị bọn xấu lưà đổi vé cũ, có hôm lại đánh rơi tiền. Làm mất thì mấy bà cháu nhịn ăn”., Ba bà cháu lam lũ đang tìm cuộc sống trên những đôi chân khẳng khiu , đi rạc cẳbg, dẫm nát đường để tìm hột cơm.”.
Mảnh đời bới rác mưu sinh.
Có những mả Lại có những mảnh đời kiếm sống bằng chuyện đi mót lại những đồ phế thải của xã hội, đó là những người mót rác. Báo Lao Động trong số 295 ngày 26/10/2006 có bài phóng sự “một ngày đi mót rác” tường thuật có hàng trăm người đang từng ngày phải bám vào bãi rác Nam Sơn , thuôc Sóc Sơn , Hà Nội để tìm miếng cơm manh áo. Đó là câu chuyện bên suối Cầu Lai của những mảnh đời ngập rác. Mặc dù thành phố đã ra quyết định đóng cửa bãi bắt đầu từ ngày 20.9 nhưng có lẽ vì chưa giải quyết công ăn việc làm cho người dân nên quyết định đó vẫn chưa có hiệu lực. Vì thế hàng đêm, hàng trăm người vẫn túc trực để được vào "mót" nốt những phần của cải mà người ta đã ném đi. Với nhiều người, vào bãi rác còn là tìm kiếm một vận may,họ kể về nhiều trường hợp lượm được cả tiền triệu bằng một sự hăm hở như thể cứ "đi bãi" rồi thế nào cũng số đỏ., gặp may.
3 giờ bãi rác mới mở cửa nhưng từ đêm, đủ cả đàn ông đàn bà, mà rất đông trong số đó là những thanh niên độ tuổi 20 từ mọi ngả đổ về ngồi chật cứng cả đường. Các vụ mùa bây giờ chỉ vài ngày đã hết việc, nên dường như cả năm họ quần quật trên bãi rác.Có đến 800 người như thế, có cả dân tứ tán từ nơi khác tới nhưng phần lớn vẫn là nông dân ở quanh vùng, đa số thuộc xã Bắc Sơn. Moi người hành trang hầu như giống nhau:cào sắt và bao tải trên tay, chân đi ủng, trên trán đội một cây đèn trùm đươc thắp sáng bằng một bình ắc qui đeo ngang hông. Mùi rác nồng nặc bốc lên xộc vào mủi vào miệng làm muốn ói. Họ có thể mót được đủ thứ: Từ những cọng rau, những vỏ hộp nhựa, chai lọ, túi bóng, quần áo hỏng đến những thanh gỗ sẽ được dùng làm củi. Ngay cả xác những con chó, con mèo bị người ta quăng đi, dân đi bãi cũng lượm về làm "đồ nhậu" (!?). Những thân hình còng queo và gầy rộc cứ nhấp nhổm lên xuống, tì sát cả mặt xuống để bổ lưỡi cào vào đống rác lớn rồi moi móc ra các thứ đồ tận thu.. Thật là khắc nghiệt vì phải đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, những tấm thân cứ mòn dần đi mới có được miếng ăn ở nơi dơ dáy nhất của xã hội... Thật khó có thể tưởng tượng , qua sự lao lực của họ, đến sáng hôm sau, những đống rác lớn như nóc nhà rồi sẽ được san phẳng. Duy chỉ có những bao tải là mọc lên thuôn dài như cây nấm, lèn chặt, có những cái nặng đến 60-70kg. Chúng sẽ được bán lấy tiền ngay và cũng được chi tiêu ngay cho mọi khoản sinh hoạt gia đình.

Theo tính toán của anh Ngô Văn Sỹ, một người "có nghề" đúng 7 năm ở thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn thì thu nhập của những người "đi bãi" như vợ chồng anh trung bình mỗi ngày cũng phải được 50.000 đồng/người, tính chung cho cả bãi mỗi ngày vẫn còn chắt chiu được cho những người dân nghèo số tiền không hề nhỏ: ẹ nhất là 50 triệu đồng. "Nếu đóng cửa bãi thì mỗi ngày sẽ chôn phí 50 triệu, trong khi vợ chồng tôi sẽ thất nghiệp vì cả nhà 4 miệng ăn mà chỉ có hơn 1 sào ruộng"

Và…những mảnh đời đang bị bỏ quên .
Họ là những kẻ tật nguyền, những người bị đối xử bất công vì quá khứ và sự mất khả năng lao động của họ: Thương phế Binh VNCH. Những con người và dữ kiện trích từ “Sài Gòn lẩm cẩm thiên hạ sự”số 167 – 169 ngày 06/8/2006 của nhà văn miền Nam Văn Quang:
- Anh Nguyễn Đức Thắng, trước đây thuộc Tiểu đoàn 33, Liên đoàn 92 Biệt Động Quân. Bị thương cụt cả hai chân, ngày 28-3-1975 tại Dầu Dây, Long Khánh. Hiện nay anh ở 57/32, Phường 5, Quận 8- TP. Sài Gòn. Vợ chồng con cái anh cũng chẳng có nhà, dù chỉ là một mái lá đơn sơ cũng là nhà anh ở thuê. Vợ anh đi bán khóm trước vài cái cổng trường, kiếm tiền nuôi con đi học. Khi nào gặp bảo vệ hoặc mấy thầy cảnh sát đuổi thì ôm thúng khóm chạy.
- Anh Lư Bửng thuộc ĐĐ 22, TĐ 2, SĐ Dù. Bị thương ngày 20-7- 1972 tại Đồi trọc 81, Quảng Trị. Cụt 2/3 chân phải, bể bánh chè chân trái.Trường hợp của anh rất bi đát, vì sau một thời gian đi vùng kinh tế mới, vợ anh bị mù cả hai mắt. Chúng tôi gặp cả hai anh chị đèo nhau trên chiếc xe gắn máy, mang theo chiếc xe lăn phía sau. Trong cơn hoạn nạn, người ta phải cố hết sức sáng tạo ra cách sinh tồn để người què cả hai chân vẫn tập luyện để có thể leo được lên chiếc xe gắn máy. Đúng là một cảnh khá ly kỳ, anh chồng cụt đèo cô vợ mù, lang thang kiếm sống. Chị vợ hỏi chồng: đây là đâu. Anh chồng diễn tả gọn gàng: mình đang ở sân nhà thờ, còn đây là ông bạn cũ của anh. Chị vợ gật gật, chẳng biết chị hình dung ra cái khung cảnh ấy như thế nào. Chị cười, khuôn mặt rạng rỡ, nhưng đôi mắt trắng dã thì bất động. Tôi hỏi thăm, chị thuộc lòng địa chỉ của mình: Chúng em ở số 171/5, Khu phố 6, Phường …, Quận …, TP. Sài Gòn.
- Anh Trịnh Văn Thanh, thuộc ĐĐ 9 Trinh sát, Trung đoàn 9 Sư Đoàn 25 BB. Bị thương ngày 19-1-1974 tại Bến Cát- Binh Dương, cụt cả hai chân. Mỗi lần đi đứng đều phải nhờ người bế ẵm. Tuy vậy, nhìn vẻ bề ngoài, anh còn bảnh bao lắm. Hỏi về gia đình, anh cho biết bố mẹ mất sớm và đến nay vẫn chưa có vợ con gì. Anh mỉm cười, cam chịu với số phận: Nghèo và cụt, ai thèm lấy hả anh?. Câu hỏi buồn, tự nó cũng là câu trả lời. Hiện nay anh sống nhờ nhà bà cô họ ở số 1/5 đường…, Phường …, Quận…. TP. Sài Gòn.
- Anh Nguyễn Phương, trước đây anh mang cấp Thiếu Úy, phục vụ tại Phòng 7- Nha Kỹ Thuật. Anh bị thương ngày 20-2-1975 tại An Lỗ - Huế. Hai chân và 5 ngón tay trái bị cưa cụt. Ngày nào khỏe mạnh, anh đi bán vé số, nhưng từ ngày vé số lên giá, rất ế khách, cả gia đình phải trông nhờ vào người vợ bán bánh canh di động ngoài lề đường. Chỉ có 2 đứa con được đi học, còn đứa lớn ở nhà gồng gánh giúp mẹ. Hiện nay anh ở số A 27/4 Đường …, Phường…, Quận…, TP. Sài Gòn.
- Anh Ngô Văn Nhường, không còn một thứ giấy tờ gì, nhưng hầu hết anh em Thương binh ở đây đều biết. Anh là quân nhân thuộc TĐ 3, TQLC, bị thương ngày 28-1-1973 tại Triệu Phong, Quảng Trị. Cụt cả hai chân. Tôi hỏi hiện nay anh ở đâu, anh lắc đầu: Ngày đi lang thang, tối về ngủ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, làm gì có địa chỉ.

Vậy muốn tìm gặp anh, phải làm sao? Anh lại lắc: Em cũng không biết nữa. Chỉ có anh em thương phế binh với nhau, chịu khó đi quanh quanh mấy cái vùng Bình Hưng Hòa mới gặp em thôi. Tôi nhờ Hàm Anh đưa tặng anh 2 triệu, anh mân mê chiếc bì thư và kể: chưa ai cho em nhiều như thế, cách đây 2 năm, em chỉ được Hội đoàn Nhảy Dù ở Canada tặng cho 50 đô la là em mừng lắm rồi. Tôi băn khoăn hỏi: Nếu gửi quà cho anh, thì gửi thế nào? Anh suy nghĩ một lát rồi nói: hay là anh cứ gửi anh Phúc cho em là được rồi. Anh ấy sẽ nhờ người đi tìm em thì thế nào cũng ra.
- Anh Phan Đức Du ngồi lặng lẽ với đôi mắt mù hoàn toàn, mái tóc bạc hơi cúi xuống bên đầu chiếc gậy tre. Trước đây anh thuộc ĐĐ 81, TĐ 8 Nhảy dù. Bị thương tháng 2 năm 1972 tại Bình Long - An Lộc. Hiện nay anh đang sống trong túp nhà tranh tại số 2/B, Ấp …, xã …, Huyện …, TP. Sài Gòn. Đôi khi anh cũng nhận được sự trợ giúp mà theo anh biết đó là tổng hội TQLC ở Mỹ. Tôi cũng cho anh biết số tiền này là cũng do một người bạn đồng ngũ của anh, trước kia ở binh chủng TQLC, nay ở tòa soạn báo Houston, được bà con, anh em ở bên đó gửi về tặng anh.
- Riêng anh Phạm Văn Bé bị liệt, không thể đi được, tôi phải nhờ anh Bảo đưa đến 2 triệu làm quà tặng. Trước đây, anh thuộc ĐĐ 4, TĐ 4 -TQLC bị thương ở cột sống, nên bị liệt cả hai chân. Anh lại đang bị lở loét rất nặng, tạm trú tại số nhà 923/13 Đường …, Khu phố …, Phương …- TP. Sài Gòn.
- Những cuộc đời giữa hoang đảo

Bạn có thể hình dung ra giữa thế kỷ này có một người suốt từ hơn 30 năm nay sống giữa “hoang đảo”, mà cái “hoang đảo” ấy lại nằm sát bên thành phố Sài Gòn? Anh sống biệt lập trên một dẻo đất giữa dòng sông Sài Gòn. Tuần trước, khi tôi nói chuyện qua điện thoại với một trong số ba “người lính nhảy dù lâm nạn”, anh Phúc, người thương binh bị cụt cả hai chân, cao giọng xác định:
- Phải nói là anh ấy bị cô lập hoàn toàn với cái thế giới được gọi là văn minh này mới đúng.
- Cô lập nghĩa là thế nào? Ai cô lập anh ấy?
- Không ai cả. Anh ấy… tự cô lập mình. Mà không cô lập cũng không được. Sau ngày 30-4-75, bỏ bộ quân phục, trở về thành phố với hai bàn tay trắng. Không nhà, không một mảnh đất cắm dùi. Trú ngụ trên hè phố cũng bị đuổi, dựng cái chòi trên bất cứ một mảnh đất nào cũng là đất có chủ, không của xã ấp thì cũng của ông Ba ông Tư. Cứ dăm bữa, nửa tháng lại bị đuổi đi chỗ khác. Lang thang bên bờ sông, lối đi trên đường đến Thủ Đức, nhìn thấy một dẻo đất giữa sông, anh cho rằng miếng đất ấy không có chủ. Thế là anh nhờ thuyền chở ra, và “cắm dùi” ngay trên dẻo đất ấy. Ngày một, ngày hai, may quá, chẳng ai đả động gì đến anh.
- Và anh cứ ở đó cho đến nay?
- Vâng, ba mươi năm nay, cứ như một chàng Rô-bin-sơn giữa rừng thẳm. Từ cái chòi lá lụp xụp, anh tha từng miếng tôn, từng thanh gỗ, từng mảnh vải, từng cái lu… dựng nên một ngôi nhà.
Thì ra cuộc đời có những chuyện tưởng rằng ly kỳ, nhưng thực ra lại rất giản dị, rất dễ hiểu. Không có đất làm nhà, không nơi trú ngụ thì kiếm một miếng đất vô chủ, một miếng đất không ai thèm ở hoặc nghĩ rằng không thể nào ở được. Làm cái chòi ở tạm. Thế rồi, ở được thì ở luôn. Mà dù có muốn thay đổi cũng không thay đổi được. Lo kiếm sống còn chưa xong thì thay đổi làm sao? Hơn ba mươi năm rồi, cuộc sống vẫn thế, chẳng có cơ hội nào cho anh ngóc đầu dậy được. Vẫn cứ là anh chàng sống giữa hoang đảo với cái gia đình nghèo khó cơ cực của mình.
Đó là anh chàng Tarzan thực thụ Lê Văn Đẹp sống “hiên ngang” giữa dòng sông Sài Gòn. Trước kia anh phục vụ tại Đại đội 83- TĐ 8 Nhảy Dù. Bị thương tại mặt trận Phong Điền - Thừa Thiên ngày 23-4-1974.
Bây giờ sống với cái dẻo đất “trời cho” giữa sông, anh không có địa chỉ mà chỉ có một địa chỉ đi nhờ ở số 16, Đường …, Khu phố…- Phường … Quận…. TP. Sài Gòn. Tất nhiên anh cũng chẳng hề có hộ khẩu, chẳng có Chứng minh nhân dân và cũng chẳng thuộc khu phố nào. Một địa danh… vô danh, một con người… vô danh không địa chỉ, thế nên cũng chẳng ai quản lý anh. Anh sống “vô tư” như con cá, con tôm, giữa sông. Cứ “thản nhiên” đi về cái “túp lều lý tưởng của anh”. Nhưng anh khoe với tôi:
- Trong người em bây giờ chỉ còn mỗi cái “Thẻ Căn Cước Quân Nhân” cũ thôi anh ạ. Nó đen nhẻm rồi, nhưng không bao giờ em bỏ nó. Cái “thẻ lính” này quý lắm. Anh chìa cái thẻ ra và tôi chỉ còn thấy nó đen đỏ lốm đốm, như có mùi mồ hôi và màu máu. Nó lại khác hẳn với khuôn mặt anh lúc đó, đang nở một nụ cười hơi… có vẻ gì như “ngô ngố”, ngây thơ, song đầy tự hào, kiêu hãnh. Kiêu hãnh đến có thể cho là kiêu ngạo. Dù có thế cũng chẳng sao. Niềm kiêu hãnh ngấm ngầm ấy, tôi thấy nó có giá trị hơn là những pho tượng bằng đồng hay có bằng vàng đi chăng nữa. Tôi nhớ đến bức tượng người lính đã bị đánh sập ở Nghĩa trang quân đội hơn 30 năm trước. Nhưng không ai đánh sập được bức tượng trong nụ cười người lính này! Đó mới là điều vô giá còn lại mãi mãi
-
Và những mảnh đời không khác gì trên hoang đảo
Anh chàng đang nhâm nhi ly trà đá dưới cành me non. Mới chỉ nhìn thoáng qua, thấy anh còn có vẻ điển trai khiến nhiều “kiều nữ” có thể “bắt mắt”. Nhưng khi anh vén cao chiếc quần jean cũ mới thấy hai chân cụt của anh không đều. Một chân cụt quá đầu gối, một chân cụt ngang xương ống chân phía dưới. Anh là Huỳnh Văn Sang, thuộc ĐĐ 82, TĐ 8 Nhảy dù, bị thương tại Đồi 1062, Quảng Nam, Đà Nẵng ngày 15-9-1974. Một vết thương ở tay phải, hai vết thương ở chân đều trầm trọng.

Hiện nay anh chỉ đi sửa điện loanh quanh trong xóm gần đó. Một thứ công việc vặt không bao giờ là thường xuyên. Ai có việc gì thì gọi. Anh lê đến ngồi cặm cụi sửa, chủ cho bao nhiêu biết bằng ấy, không thể đòi hỏi vì nó không có giá. Anh cũng là dân “ngụ cư giữa sông”, ra ở tuốt ngoài cù lao. Nhờ vậy có “bạn chài” nào vớt được ít tôm cá, vợ anh đến xin mang đi bán rồi về trả lại “vốn”. Cuộc sống bữa đực bữa cái, nhà cửa tuyềnh toàng, chỉ vừa đủ che nắng, chứ khó mà trú được với những cơn mưa lớn. Gió thổi bung thì đành… mặc áo ni lông trong nhà.

Cái địa chỉ của anh, nếu là người lạ thì cũng khó kiếm ra: 41/92 Cù Lao Nguyễn Kiệu, Phường …, Quận …. TP. Sài Gòn.
* Anh Phạm Ngọc Sơn. Trước đây anh mang cấp chuẩn úy của TĐ 11 Nhảy Dù. Bị thương tại mặt trận QK1 ngày 30-11-1974. bàn tay bị co quắp lại nhưng vẫn phải cố gắng đứng trước cổng bệnh viện Từ Dũ chạy xe ôm. Tuổi ngày càng cao, anh yếu rồi song vẫn cứ phải bám lấy công việc bởi đó là cách duy nhất của anh kiếm sống.

* Người bạn có vẻ “trẻ” nhất ngồi trầm ngâm bên chiếc ghế đá công viên với lon nước ngọt là anh Tân Lưu Thanh, số quân 77/112.739, trước thuộc ĐĐ2, TĐ5 Hắc Long của Thủy quân lục chiến. Bị thương ngày 13-3-1975 tại Cầu Sắt, Củ Bi, An Lỗ, Huế. Ngày 30-4-75 anh còn nằm trong bệnh viện Lê Hữu Sanh, Sóng Thần, Thủ Đức. Nhưng ngay chiều hôm đó, anh đã buộc phải rời khỏi bệnh viện trong khi vết cưa chân vẫn còn chảy máu.

Anh về sống lê lết với gia đình, nương nhờ họ hàng. Anh đã phải làm đủ thứ việc để kiếm sống, kể cả việc phải bán máu khi cùng quẫn. 32 năm, cuộc đời đen tối cứ chụp lấy anh. Nay thì anh “sức tàn lực kiệt” rồi, anh nói với tôi:

- Em nói thật bữa đói bữa no anh ạ. Bệnh tật triền miên. Có lẽ vì bán máu quá nhiều chăng, em cũng không biết nữa. Nhưng nếu còn có thể bán được thì em cũng bán chứ nhất định không làm điều gì xấu.

Hiện nay anh ở số … đường …, F6, Q… TP. Sài Gòn.

* Anh bạn ngồi gần đó là Phạm Văn Sỏi, một con mắt bị “múc” mất sau khi trúng đạn tại mặt trận Campuchia. Khi đó anh Sỏi hành quân cùng ĐĐ 92, TĐ 9 Nhảy Dù. Hiện nay anh ở 230/7 Đường …, P.., Quận …, TP. Sài Gòn. Anh chìa cho tôi xem một số giấy gần nhất của bệnh viện vừa khám bệnh cho anh. Đủ thứ bệnh và đủ thứ thuốc phải mua. Anh lắc đầu:

- Cầm toa thuốc làm… tài liệu thôi, chứ tiền đâu mà mua. Ở nhà em còn một sấp nữa. Đây chỉ là những toa thuốc gần đây nhất. Vợ em đi làm thợ hồ, con cũng làm thợ… vác gạch, người ta sai đâu làm đó. Miễn sao có được bữa cơm cho cả nhà. Trong hoàn cảnh ấy, em đâu có dám đưa toa thuốc này cho vợ con.
Và còn nhiều nhiều những mảnh đời nữa không thể kể ra hết vì quá dài..Ai đã nói rằng đất nước mình đang thay da đổi thịt? Và cuộc sống người dân nay đã khá hơn?
Những mảnh đời Việt Nam ôi những mảnh đời tang thương… đếm từ Cà Mau dài đến Nam Quan . Ôi đếm hoài, đếm mãi không bao giờ hết…

Phương Duy
Australia, 04/11/2006

Đề tài liên quan:
- Những nghịch cảnh giữa Sài Gòn">,Đinh Tĩnh Cương & Lệ Lan.



.

Chuyện khoa học và đời sống

Nguồn năng lượng nguyên tử:có lợi hay có hại?

Hãy thử tưởng tượng: đến năm 2050, Australia vẫn còn là một đất nuớc may mắn , thêm sự tự hào, với sự ghen tỵ của thế giới, sở hữu một nguồn năng lượng nguyên tử khổng lồ: một nền kỹ nghệ năng lượng do chính quyền Australia kiểm soát cung cấp tới 35% năng lượng toàn cầu;những cơ sở dùng điện năng nguyên tử cho việc lọc nước biển để giải quyết vấn đề kham hiếm nước ngọt của quốc gia, công nhân viên chức lái những chiếc xe chạy bằng hydrogen không bị ô nhiễm đến sở làm; vấn đề toàn cầu bị hâm nóng không còn là một đe doạ; và. vâng, Australia là nơi có những hầm sâu dưới lòng đất lớn nhất thế giớì để chứa những vật liệu nguyên tử phế thải.
Tất cả những điều vừa kể xảy đến vì người ta đã bắt đầu tranh luận vào năm 2006, dẫn đầu bởi Australia, theo từng bươc để, đầu tiên, mở rộng sự thám hiểm và khai thác mỏ uranium, thứ đến, bao gồm sự làm giàu quặng để sinh lợi nhiều hơn trong việc xuất cảng uranium. Bườc kế tiếp, tiến tới thế hệ dùng nguyên tử năng, và cuối cùng, có ý nghĩa hơn hết, là trở thành một trong những chủ nhân chính trong việc cho thuê nhiên liệu hạt nhân.

Trong lúc này, cả thế giới đang lo lắng về nguồn tin Bắc Hàn đang chuẩn bị cho cuộc thí nghiệm phóng thử loại hoả tiễn tầm xa, có khả năng mang các đầu đạn nguyên tử đến tận nước Mỹ. Đồng thời, Iran cũng đang làm châu Âu điên đầu với cái chương trình tinh luyện uranium, quyết tâm đòi tham gia vào cái trò chơi mang đầy tính huỷ diệt này.Bên cạnh đó, Sư thay đổi khí hậu thời tiết, bắt nguồn từ sự hâm nóng toàn cầu do vấn đề môi trường bị ô nhiễm đang gây ra những tác hại đến mức báo động. Sức tàn phá kinh khủng của các thiên tai gần đây như sóng thần Tsunami hoặc cơn bão Katrina là những bằng chứng cụ thể. Sự huỷ diệt của chúng tương đương hàng trăm , hàng ngàn trái bom nguyên tử, quá to lớn đến nỗi con người đang chú tâm hơn vào vấn đề làm sạch môi sinh. Một trong những nguyên nhân chính gây ra những tai hoạ trên là do những hoạt động của con người, đặc biệt do sự khai thác công nghệ. Các nguồn gây ô nhiễm chính là từ than đá và nhiên liệu dầu hoả. Càng phát triển công nghệ, con người càng cần nhiều hơn các nguồn năng lượng. Than đá và nhiên liệu là những nguồn dự trữ có hạn, gây ô nhiễm và ngày càng cạn kiệt đi. Chính vì thế, người ta đang hướng đến những nguồn năng lượng mới. Nguồn năng lượng có khả năng thay thế gần nhất trong thời gian 20 năm tới là nguồn năng lượng nguyên tử. Nên hay không nên xử dụng nguồn năng lượng này là một đề tài đang được bàn cãi. Nhất là vấn đề có nên xây dựng các lò phản ứng nguyên tử để phát sinh điện năng, nguồn lực cung cấp chính cho công nghiệp. Hiện tại, trên thế giới đã có hàng chục quốc gia có những nhà máy điện nguyên tử. Chẳng hạn, Hoa Kỳ đã có 109 lò trên toàn quốc , China cũng đã có 9 lò đang hoạt động, và còn đang xây dựng thêm 5 lò khác. Ngay cả VN nghe đâu cũng đang có dự án lập một nhà máy điện loại này ở Tân Thuận? Nước Úc là quốc gia có trữ lượng Uranium nhiều nhất thế giới, nhưng lại chưa có một nhà máy điện nào chạy bằng nhiên liệu nguyên tử. Vì vậy, vấn đề khai thác mỏ Uranium và sự thiết lập lò phản ứng nguyên tử cùng các nhà máy điện đang là một đề tài tranh luận nóng bỏng. Chính phủ Howard thuộc liên đảng cầm quyền đang đưa vào nghị trình cho việc ủng hộ các dự án, trong khi đảng Lao động đối lập tỏ ra chống đối. Chúng ta, những người dân bình thường, thử theo dõi một vài diễn tiến để thử đánh giá sự lợi hại của việc dùng nguyên tử vào các mục tiêu hoà bình.
Nhưng trước hết, xin tóm lược một cách thật sơ lược về sự biến đồi từ Uranium ra việc phát sinh điện năng và nhửng tác động khác của nó, để chúng ta, những người dân thường (không phải là các nhà khoa học) nắm bắt được những điểm chính và dễ theo dõi các tranh luận của các viên chức chính phủ và các nhà khoa học trí thức.
1. Khai mỏ:
Uranium được khai thác từ các quặng mỏ. Sự phân hạch nguyên tử (nuclear fission) xảy ra khi một số lượng nguyên tử nhất định của chất Uranium được chuyển hoá và làm giàu để phân tách ra trong một phản ứng dây chuyền sẽ phát sinh năng lượng.
2. Sự chuyển hoá:
Quặng thô Urnium được đưa vào nhà máy tán nghiền ra thành một thứ bột mịn. Sau đó dùng hoá chất để tinh luyện và đóng lại thành những bánh màu vàng (yellow cake). Các bánh vàng chứa khoảng 60 – 70% uranium và có tính phóng xạ (radioactive).
3. Sự làm giàu:
Chất Uranium được đốt trong một máy ly tâm cho đến khi nó biến thành một chất hơi (gas, có tên uranium hexafluoride). Chất hơi này được điều chế để phân tách loại uranium – 235 nguyên tử có phản ứng cao ra từ loại uranium – 238 nguyên tử nặng. Người ta thu thập lấy loại u-235 có phản ứng cao này vì nó có khuynh hướng dễ phân trong một phản ứng dây chuyền.
4. Lò phản ứng:
Uranium được làm giàu ờ trên là những viên uranium nhỏ dài chừng 2 – 3 cm. Người ta nối kết chúng lạt thành những cây gậy dài và để nguội chúng trong một phòng có sức ép. Trong một phản ứng phân hạch, chúng sẽ sinh nhiệt để đun nóng nước bốc thành hơi làm quay tua bin để phát sinh điện lực.
5. Phế liệu uranium:
Chất uranium -238 nguyên tử nặng bị loại ra trong quá trình làm giàu trên được gọi là phế liệu uranium. Chất này chỉ hơi có tính phóng xạ, thường được dùng làm vỏ bọc sắt và các loại vũ khí khác
6. Vũ khí hạt nhân:
Một lò phản ứng nguyên tử chỉ dùng loại uranium được làm giàu có chứa đựng tối đa 3% loại u-235. Các vũ khí nguyên tử cần loại có chứa ít nhất 90% chất uranium này. Trong một trái bom nguyên tử, một “đầu đạn” u-235 được bắn vào trong một quả cầu chứa đấy u-235, phản ứng dây chuyền gây nên 1 vụ nổ nguyên tử.

Chính quyền và các cuộc tranh luận.
Những cuộc tranh luận trên thế giới về vấn đề năng lượng gần đây được khuấy động trở lại, các luật lệ về chính sách đang được tu sửa cho phù hợp với tình hình mới. Giá xăng dầu ngày càng tăng. Giá uranium cũng thế. Sự bốc hơi gas làm cho thời tiết trở nên bất ổn vì 2 cực từ từ tan băng. Những người làm chính sách đang tìm cách giải quyết cho nhu cầu cung ứng đủ nhiên liệu cho sự sản xuất và sự tăng trưởng kinh tế mà vẫn không làm trái đất nóng lên. Đối với một số người, năng lượng nguyên tử (nuclear power) là câu trả lời.
Nhưng ở đây lại nổi lên một sự thách đố: làm sao để chôn giấu an toàn những phế liệu vẫn còn nguy hại của nó và quản lý những kỹ thuật làm giàu uranium như thế nào để khỏi rơi vào tay những kẻ độc ác muốn xử dụng nó để chế tạo vũ khí ngõ hầu có phương tiện đe doạ khống chế toàn thế giới?
Một giải pháp đang ngày càng được ủng hộ là thay vì bán thì chỉ cho thuê các nhiên liệu nguyên tử, như trường hợp Russia đã đề nghị cho Iran (nhưng họ bác bỏ) vài tháng trước đây. Theo giải pháp này. Quốc gia có lò phản ứng để biến thành điện năng có thể thuê nhiên liệu nguyên tử từ một nguồn thật an ninh và được quốc tế chấp nhận.. Sau khi dùng xong, họ phải hoàn trả lại số phế liệu về người cho thuê. Những người này sẽ tồn trữ để đem chôn an toàn lần cuối.. Với cách này, người ta tránh được nguy hiểm của một quốc gia (hay một nhóm người) thu tóm được đủ nhiên liệu dự trữ, rồi dùng kỹ thuật cần thiết biến đổi loại nhiên liệu này thành các chất liệu, bao gồm plutonium, chất thường được dùng để chế tạo các loại vũ khí nguy hiểm, kể cả bom bẩn.
Hiện nay trên toàn cầu,phong trào bảo vệ môi sinh đang cứu xét lại lập trường chống nguyên tử cứng rắn của họ.Chẳng hạn, Patrick Moore, một trong những người thành lập và lãnh đạo phong trào xanh, đã công khai ủng hộ năng lượng nguyên tử được xử dụng trong mục đích hoà bình là một phần của chính sách hỗn hợp chống lại sự hâm nóng toàn cầu.
Đầu năm 2006, nhiều lý thuyết gia và các nhà lãnh đạo chính phủ trên thế giới đã đưa nguyên tử vào nguồn năng lượng hỗn hợp của họ.Một số quốc gia đang cộng tác với nhau để cùng khảo sát những phương thức vừa làm tăng độ an toàn của nguồn năng lượng, vừa làm giảm đi những nguy cơ do sự phát sinh nguyên tử.
Vì thế, trong tháng 5 vừa qua, khi đang còn thăm viếng Hoa Thịnh Đốn, HOa Kỳ, thủ tứơng Úc John Howward đã tuyên bố rằng, nước Úc cần chú tâm vào nguồn năng lượng nguyên tử. Ông muốn ở trong nước phải có những cuộc tranh luận thật sội nổi và đi đến tận cùng của vấn đề vào những ngày tới.Một phóng viên báo nói với ông về sự độc hại của nguyên tử năng trong lãnh vực chính trị, nhất là với các chất phế thải của nó. Ông thủ tướng trả lời ngay:” Tôi cho rằng ý kiến công luận đã thay đổi. Nhưng cho dù chưa đi nữa, không phải là nhà lãnh đạo có trách nhiệm khơi mào cho việc tranh luận về những vấn đề quan trọng cho đất nước sao? Cho dù vấn đề có khó khăn nan giải đến mấy?”
Nếu tưởng rằng ý tưởng này chỉ mới nảy mầm trong đầu ông vào thời điểm này thì bạn đã lầm. Thực ra, cái diễn tiến chống hay ủng hộ việc Úc có nên bướcc vào con đường nguyên tử năng hay không đã có từ lâu.
Phía ủng hộ, họ nói đến những lợi ích về tiềm năng của một mội trường xanh trong sạch hơn, viễn ảnh về một nền kỹ nghệ chế tạo nội địa mới(tinh luyện uranium) cho nước Úc, khả năng về một chiều hướng mới về mối liên hệ an ninh quốc phòng với Hoa Kỳ, ngay cả sau khi thời đại thân thiết giữa Howard và Bush đã qua, lại còn có thể có chút áp lực lên cái chính sách cấm khai thác mỏ Uranium lỗi thời của đảng Lao Động đối lập.
Phía chống đối, ngoài những câu hỏi rõ ràng có tính cách chính trị về sự an toàn trong cách bảo quản, tồn trữ và chôn giấu phế liệu, còn có những nghi ngờ về phương diện kinh tế: liệu nguyên tử năng có là một lựa chọn tốt cho nước Úc, nơi nguồn than đá vùa nhiều vừa rẻ không?
Trở lại với sự tranh luận, người ta có thể theo dấu sự khởi đầu của nó từ cuối năm 2004. Các chính trị gia Úc đang nghỉ ngơi sau cuộc bầu cử khó khăn làm họ kiệt sức. Ông Ian Mcfarlane, người cầm đầu bộ tài nguyên và năng lượng cũng không ngoại lệ. Trở về tắm nắng nơi bãi biển Toowomba, quê hương của ông. Trên chiếc ghế bố, Ian không hoàn tòan ngơi nghỉ. Ông bắt đầu nghiên cứu các tài liệu mật về kỹ nghệ khai thác uranium và sự phát triển toàn cầu về nguyên tử năng: Ian đang tìm một lộ trình để nước Úc tham gia vào trò chơi theo bước chân của nhiều nước khác. Một ý tưởng đáng “gờm” cho một quốc gia đã gắn chặt với các mỏ than đá và sự hiểu biết tương đối về nguyên tử chỉ là những hình ảnh ghê rợn của các biến cố Chernobyl và Hòn Đảo Ba Dặm (Three Mile Island). Cho rằng đã có sự thay đổi trong công luận có thể bị coi là mị dân, xảo trá cả về chính sách lẫn chính trị.
Quả thực, Úc đã có những bước đi trên con đường nguyên tử năng từ trước, mặc dù không mấy ai để ý: chính quyền đã có những cuộc thương thảo để bán nguyên liệu uranium cho Trung Quốc. Đây là sự thay đổi lớn cho kỹ nghệ khai mỏ. Công ty Western Mining (thuộc tổ hợp BHP)làm chủ hầm mỏ uranium lớn nhất Úc tại Olympic Dam, tiểu bang Nam Úc từ lâu vẫn theo đuổi mục tiêu được bước chân vào thị trường năng lượng lớn nhất thế giới. Quyết định bán những”miếng bánh vàng” cho Trung Quốc được thông qua dễ dàng., ngoại trừ thiểu số ít ỏi, người dân không ai chú ý, mãi cho tới 2 tháng trước khi bản thoả thuận được ký kết với thủ tướng Trung QUốc Ôn Gia Bảo và được công bố vào đấu năm nay (2006). Tuy nhiên, muốn bán uranium cho Trung Quốc, Úc cần phải thay đổi nhiều luật lệ cả về chính sách và chính trị, và cần thay đổi thật mau..
Thứ nhất, Úc phải tăng tốc độ sản xuất và mở rộng kỹ nghệ khai thác mỏ thật nhanh. Có nghĩa là Úc phải tìm cách tháo bỏ những giới hạn về việc cấm khai thác mỏ uranium trong nhiều tiểu bang. Đồng thời. một chiến lược cần khai triển để thuyết phục số công luận vẫn còn do dự, e ngại, cho họ có niềm tin về cái ý niệm nguyên tử đã phát triển vượt khỏi lằn ranh của hiểm hoạ và đáng ngờ vực như đã từng lo sợ trước đây.
Thế là,: từ sự chỉ khai thác uranium như một nguyên liệu thô xuất cảng ,lại nảy sinh một vấn đề khác trong tranh luận: có nên tham gia vào kỹ nghệ nguyên tử năng quốc tế bằng sự phát triển nền kỹ nghệ tinh luyện uranium trong nước, làm tăng giá trị cho chất uranium nhiều lần hơn với sự sản xuất ra loại nhiên liệu “cây gậy nguyên tử” hay không?
Tháng 2 năm ngoái(2005), Ian Macfarlane trở lại Canberra với một sách lược vững vàng để chuẩn bị cho cuộc tranh luận. Trong cương vị một Tổng trưởng kỹ nghệ tài nguyên với những đơn đặt hàng dường như vô hạn về các nguồn nguyên liệu của các quốc gia khác, ông không gặp khó khăn trong chuyện đi tìm hỗ trợ cho sự phát triển mạnh hơnviệc khai thác các mỏ uranium. Được các nhân vật quan trọng trong chính phủ đương nhiệm ở hàng ghế trước như các ông Alexander Downer, ngoại trưởng, đến Brandon Nelson, Tổng trưởng quốc phòng ủng hộ mạnh mẽ, Macfarlane đã đưa ra 3 quyết định về chính sách có tính cách tối quan yếu trong năm 2005. Một là quyết định yêu cầu ủy ban tài nguyên của quốc hội lưỡng viện liên bang điều hành một cuộc khảo sát mới về việc khai thác mỏ uranium. Ủy ban này hiện có một thành viên rất quan trọng cho sự tranh luận: Dân biểu Martin Ferguson của đảng đối lập Lao Động.Ferguson , tuy là đảng viên Lao Động , 1 đảng có chính sách chống lại việc khai thác uranium, lại là người thấu hiểu tầm quan trọng của việc tranh luận. Ông ta có chương trình nghị sự riêng. Quan trọng hơn, ông ta muốn sửa đổi lại chính sách cấm mở mang thêm các mỏ uranium cố hữu của Lao Động. Quyết định thứ hai của Macfarlane là thiết lập một nhóm hội nghị mới, do John White,1 kỹ nghệ gia thành phố Melbourne cầm đầu để nghiên cứu một kế hoạch phát triển 3 năm cho nền kỹ nghệ khai mỏ uranium. Ba là quyết định xác nhận quyền hạn cũa chính phủ liên bang trong việc điều hành kiểm soát mỏ uranium tại lãnh thổ Bắc Úc . Đây là một thành quả lớn lao cho chính phủ trong việc phát triển tương lai của ngành hầm mỏ trên lãnh thổ này.
Tuy nhiên , chính quyền Canberra (Canberra= thủ đô của Úc, ngụ ý chính phủ liên bang) có những trở ngại lớn với các tiểu bang khác . Xin đươc nói thêm ở đây: Hiện tại, tất cả các vi Thủ Hiến (Premier, tương đương với Thống Đốc của các tiểu bang Mỹ) của các tiểu bang Úc đều thuộc đảng Lao Động, đối lập với chính quyền liên bang. Ngoài tiểu bang Nam Úc (South Australia) và Lãnh thổ Bắc Úc (Northern Territoy) nơi đang có những mỏ uranium được khai thác, những vị Thủ Hiến khác đều chống lại dự án khai thêm mỏ và việc khai thác nguyên tử năng. Steve Bracks, thủ hiến tiểu bang Victoria nói rõ ông ta không có hứng thú về vấn đề nguyên tử. Tuy nhiên, tiểu bang này không có trữ lượng uranium. Việc chính phủ của ông Howard cần làm là thuyết phục 2 tiểu bang Queensland và Tây Úc (Western Australia). 2 tiểu bang này có trữ lượng đáng kể, nhưng cho tới nay vẫn từ chối khai thác. Cho đến nay, ho vẫn chưa tỏ dấu hiệu muốn thay đổi thái độ. Tuy nhiên, nếu có một sự thay đổi về chính sách của đảng Lao Động liên bang về vấn đề hầm mỏ uranium trong hội nghị toàn quốc vào tháng Tư năm tới, tình hình có thể có chuyển hướng có lợi cho chính quyền liên bang. Thủ hiến Peter Beatie của tiểu bang Queensland ngụ ý đang mong chờ có sự thay đổi.
Thế nhưng, khai thác mỏ hay không mới chỉ là một vấn đề. Dùng nguyên tử như một nguồn năng lượng lại là vần đề hoàn toàn khác. Cho tới lúc này, dường như các vị Thủ Hiến chưa muốn đề cập tới. Lãnh tụ đối lập liên bang Kim Beazley đã tuyên bố chắc chắn, nếu cầm quyên, đảng Lao Động liên bang sẽ không ủng hộ việc dùng nguyên tử năng để phát sinh nguồn điện trong nước Úc.
Ông White, người trong 5 năm qua đã cầm đầu việc nghiên cứu xây dựng một hệ thống kỹ thuật cơ bản để giải quyết những chất thải của thành phố sẽ đưa báo cáo tổng kết lên tổng trưởng Macfarlane vào tháng 7 này. Theo ông, nguyên tử năng hiện là câu trả lời cho việc giải quyết nhu cầu năng lượng thế giới ít nhất cho đến khi tìm được những nguồn năng lượng khác hữu hiệu hơn. Ông cũng là thành viên của nhóm “cho thuê nguyên tử năng toàn cầu”, một tập trung những người, trong thập niên vừa qua, đã đang phát triển một sách lược toàn diện về sự phát triển kỹ nghệ hạt nhân. Nhóm này đang cổ võ tích cực việc cho thuê nhiên liệu hạt nhân như một phương pháp hữu hiệu để vượt qua những lo ngại vể việc dùng nguyên tử năng một cách sai lầm, đồng thời, giúp hạn chế việc hâm nóng toàn cầu. White đánh giá cao những chống đối, những hàng rào ngăn cản xét về mặt chính trị, nhưng cuối cùng, người dân vẫn phải có sự lựa chọn:
“ 50 năm trước, nước Mỹ ném 2 quả bom nguyên tữ xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, chúng tạo nên nỗi sợ hãi có cơ sở vể hiểm hoạ của việc phát triển nguồn nhiên liệu nguyên tử và con người đã chọn cách chống lại nó. Ngày hôm nay, hiểm hoạ huỹ diệt sự sống của việc hâm nóng toàn cầu còn kinh khủng hơn..Với nền kỹ thuật cao và các biện pháp an toàn, mối nguy hại về nguyên tử được kiềm chế chặt chẽ hơn . Chúng ta cần có một lựa chọn khác. Điều cần tránh là đi vào những tranh cãi đã lỗi thời với những lối nghi ngờ cũ .Chúng ta cần có những con người mới, có lối suy luận căn bản hợp thời, để giúp chúng ta lựa chọn cho thích đáng.”
( Dựa theo Warming to a new energy source , by Katherine Murphy and Michael Gordon, The Age 27/05/2006)


Chống đối: còn nhiều khủng bố và còn đắt đỏ lắm.

Kenneth Davidson, một nhà báo cánh tả thuộc nhóm môi trường xanh, phê bình thủ tướng John Howard chưa đặt nặng vấn đề làm sạch môi trường trừ khi ông sẵn sàng đặt thêm thuế vào khí thải carbon , cũng như đồng ý (và áp lực buộc Hoa Hỳ) ký vào nghị định thư Kyoto về hiệu ứng nhà kính. Theo Davidson, Ông Howard chịu áp lực của giới công nhân mỏ than. Thủ tướng thừa nhận trữ lượng than của Úc (ở Lòng Chảo Sydney và thung lũng Latrobe) rất dồi dào, vì thế, ông sẵn lòng tiêu tiền thuế của dân vào việc nghiên cứu các nguồn năng lực tiềm ẩn trong lòng đất hơn là quan tâm đến sự phát triển các nguồn năng lượng có thể tái tạo khác ( như nhiệt lượng mặt trời, sức gió…). Cánh hữu ở Úc trước đây chỉ nhượng bộ rất miễn cưỡng về việc ô nhiễm môi trường gây ra bời các hoạt động của con người. Cánh tả (Các đảng Lao Động, Dân Chủ, Xanh… trong đó có Davidson) thì nhận thức rất rõ sự tác hại của việc thế giới bị hâm nóng và muốn bàn cãi thật nghiêm chỉnh về những thay đổi cần có về luật lệ và giá cả để cải thiện tình trạng nguy hại này bằng cách chuyển hết phần thuế từ những hoạt động bảo toàn năng lượng sang cho những hoạt động làm ô nhiễm môi trường.
Hơn một năm trước đây, nhà sinh thái học lỗi lạc James Lovelock khẳng định rằng trái đất đã tiến tới một điểm mà nguy cơ của nguyên tử năng không còn đáng kể so sánh với sự nguy hại ghê gớm của thế giới bị hâm nóng. James Lovelock đưa ra lý thuyết Gaia, được so sánh như cuộc cách mạng trong thời kỳ Phục Hưng 500 năm trước, khi con người thay thế thần thánh chi phối địa cầu. Thuyết Gaia cho rằng, trái đất phải được đối xử như một sinh vật (living organism), có nghĩa là khả năng sống còn của nó phải được đặt ưu tiên trước quyền lợi riêng tư của con người hay một quốc gia. John Howard chỉ có được một nửa sự thật khi nói về sự lựa chọn nguyên tử. Không thể không quan tâm đến tính chất thiếu an toàn do sự phóng xạ của phế liệu nguyên tử sau khi đã phát ra điện năng vẫn còn tính huỷ diệt cao độ. Trên thế giới, càng có nhiều lò phản ứng phát điện nguyên tử, các quốc gia côn đồ và các bọn khủng bố cuồng tín càng có nhiều cơ hội để chiếm đoạt, tích trữ chúng để chế tạo các lọai bom bẩn, loại bom có khả năng huỷ diệt nền văn minh của nhân loại. Vì thế, cánh tả chắc chắn sẽ bỏ phiếu chống lại những dự luật của các nhà chính trị muốn xây dựng các nhà máy nguyên tử trong nước.
Có một số quốc gia, vì những đìều kiện địa lý khó khăn trong việc tìm nguồn điện năng, họ phải lựa chọn giải pháp dùng nguyên tử năng để phát sinh điện. Họ có thể đáng tin tưởng, vì đã ký vào hiệp ước chống vũ khí hạt nhân, sẵn sàng cho các nhân viên Liên Hiêp Quốc vào thanh tra các lò phản ứng. Nước Úc không cần phải day dứt vì đã bán nguyên liệu uranium cho họ, nhưng nước Úc chưa cần đến loại điện năng nguyên tử này vì trữ lượng than đá và ngay vả các loại khí đốt thiên nhiên ít ô nhiễm hơn còn rất dồi dào. Hơn nữa, giá thành của nó còn quá cao so với giá của các nhà máy điện chạy bằng than đá. Giá điện từ nhà máy điện nguyên tử từ $70 đến $100/ MWh so với $13/MWh của máy điện chạy bằng than. Để cho loại điên năng chạy bằng nguyên tử có tính cạnh tranh, chính quyền phải đánh loại thuế ô nhiễm (carbon tax) từ $40 đến $50/ tấn. Liêu người tiêu thụ có chấp nhận? Kết quả: giá tăng quá cao, nhu cầu xử dụng điện năng sẽ bị cắt giảm tối đa đến mức không cần thiết loại điện năng nguyên tử nữa. Điều này không có nghĩa là người dân Úc sẽ chịu lạnh vào mùa đông và nóng nực vào mùa hè. Trái lại, họ sẽ đầu tư vào nguồn khác như các dụng cụ bảo tồn năng lượng (insulation) và hệ thống xử dụng năng lượng mặt trời. Hiện nay, hệ thống tồn trữ năng lượng mặt trời cần tới một thời kỳ 10 năm mới có lợi so với giá điện thường . Nhưng với $40 thuế ô nhiễm phải trả, thơì gian giảm xuống chỉ còn 4 năm.Thuế này cũng phải áp dụng vào các nhiên liệu chuyên chở như xăng dầu làm con người và hàng hoá sẽ xử dụng phương tiện chuyên chở công cộng nhiều hơn. Cuối cùng, khi đánh thuế ô nhiểm cao, chính quyền lại phải tìm cách bớt thuế lợi tức cá nhân và thuế tiêu thụ để làm giảm gánh nặng thuế má cho người dân, cái vòng lẩn quẩn lại xảy ra, rốt cuộc không giải quyết được gì.
(TheoKenneth Davidson trong Nuclear electricity is just more expensive, The Age 08/06/2006)

Ý kiến của các nhà khoa học,kỹ nghệ.

Keith Alder, một cựu ủy viên của ủy ban nguyên tử năng từng có tham vọng phát triển nền kỹ nghệ nguyên tử nước Úc trước khi bị các nhà chính trị loại bỏ. 35 năm trước, vào năm 1971, ông đã được cấp một kinh phí khoảng 2 triệu Úc kim, đã hoàn tất một con đường thật đẹp dẫn đến vịnh Jervis, một vị trí trên bờ biển New South Wales được chọn làm nơi xây dựng nhà máy điện nguyên tử đấu tiên của Úc. Alder, người cầm đầu uỷ ban, đã đưa ra một dự thảo với đầy đủ chi tiết kỹ thuật cho các nhà thầu kỹ nghệ. Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì bất ngờ thủ tướng thời đó là McMahon huỷ bỏ, hay nói đúng hơn, hoãn lại dự án một năm, sau đó lại hoãn thêm lần nữa, nhưng lúc này, thời hạn đấu thầu cũng đã quá hiệu lực. Là một người nhiệt tâm, Alder tỏ ra rất tiếc. Đối với ông, phải chi dự án hoàn tất vào đúng thời điểm, thời hạn trả góp trong 25 năm đã trôi qua, giờ này nước Úc đã có được một nguồn điện thật rẻ. Tuy thất vọng, Alder không đầu hàng. Ông tập trung vào nghiên cứu việc dùng máy ly tâm làm giàu chất uranium, và ông hoàn tất công việc vào năm 1978. 2 năm sau đó, 4 công ty lớn nhất của Úc kết hợp lại thành một nhóm gọi là nhóm làm giàu chất uranium (UEGA)(1).Nhóm UEGA tính cộng tác với một tổ hợp nước ngoài để xây dựng nhà máy làm giàu chất uranium tại Úc. Những thương lượng đã đi đến bản thoả hiệp cuối cùng với một tổ hợp Âu châu. Một lần nữa, chính trị lại xen vào dự án. Nước Úc có cuộc bầu cử liên bang, chính quyền Lao Động Bob Hawke lên thay thế chính phủ liên đảng. Nhóm UEGA được thông báo rằng sẽ không có những thoả hiệp với chính quyền các quốc gia khác về vấn đề uranium. Như thế, Úc đã đánh mất cơ hội đến 2 lần. Nhưng không phải mất hết.Nước Úc hiên xuất cảng nguyên liệu thô. Năm ngoái, nguyên một mỏ Ranger ở lãnh thổ Bắc Úc đã bán đi 5910 tấn uranium, vào khoảng 12% sự sản xuất toàn cầu. Mặc dù còn đến 43000 tấn dưới lòng đất, đây không phải là mỏ lớn nhất của Úc. Mỏ lớn nhất, không những ở Úc mà là cả thế giới ,ở tại Olympic Dam , tiểu bang Nam Úc , thuộc về tổng công ty BHP Biliton. Tuy thế, hiện nay, mỏ này chưa sản xuất nhiều nhất (Canada đang dẫn đầu). Mỏ đang có kế hoạch đầu tư để gia tăng lượng sản xuất gấp 3 lần vào năm 2013. Úc có khoảng 40% trữ lượng uranium toàn cầu.
Mark Wheatley, thành viên của hội đồng quản trị SXR Uranium One, cho rằng: thực tế, trữ lượng uranium của Úc còn nhiều hơn thế nữa. Khoan nói đến các nhà máy điện năng nguyên tử hay nhà máy làm giàu chất uranium, chỉ nói đến việc khai thác quặng mỏ thôi. Nước Úc có trữ lượng 40% uranium trên thế giới. Tuy nhiên , hơn 20 năm qua, không có thêm sự thám hiểm để tìm kiếm thêm. Wheatley cho rằng với viễn ảnh thực tế, trữ lượng này có thể tăng gấp đôi trong 10 năm tới, và nếu may mắn, gấp 3 lần trữ lượng hiện tại trong 20 năm. Giá thành uranium vào năm 1970 là $US 40 một cân Anh(pound). Sau đó vì chính sách “cấm khai thêm mỏ” của Lao Động, thêm vào các biến cố Chernobyl và Three Miles Island. Giá thành trở nên rẻ mạt, không ai muốn bỏ tiền vào công cuộc khảo sát tìm kiếm thêm nữa.. Cả trăm triệu đô la đổ vào việc thám hiểm khảo sát lúc đó trở nên lỗ lã.
Thế rồi, gió lại đổi chiều, giá cả vụt tăng trở lại và kỹ nghệ khai thác uranium đang trên đà lướt sóng. John Borshoff, giám đốc quản trị công ty Paladin Resources, 30 năm thâm niên trong ngành, đang chứng kiến một cách hài lòng công ty của ông từ cái giá trị cổ phần trên thị trường chứng khoán chỉ 2 triệu Úc kim vào 3 năm trước đây thành khoảng trên 2 tỷ hiện nay. Thành công, nhưng cần kiên nhẫn. Sự kiên nhẫn lại phải dựa trên một sự lạc quan đúng đắn về cái tiềm năng của kỹ nghệ. Một điều mỉa mai là: Borshoff chuẩn bị nhận nhiệm vụ trong cái mỏ uranium đầu tiên của đại công ty Paladin, nhưng không phải trên nước Úc mà là ở quốc gia Nam Phi. Ông vẫn có thể bỏ ra vài năm để tìm khai thác mỏ cho Paladin tại địa phương Úc, nhưng hiện tại ông không thể làm vì chính sách”không khai thác thêm mỏ” của Lao Động. Ngay lúc này, đây là chuyện chính yếu, cần tranh luận nhất.
Các công ty cần biết rõ ràng, khi họ bỏ tiền ra nghiên cứu tìm kiếm thêm uranium, họ cần được biết có thể được phép khai thác hay không khi tìm ra chúng. Các vấn đề khai thác mỏ và làm giàu nguyên liệu, thiết lập lò phản ứng tạo điện năng là những vấn đề hoàn toàn khác biệt. Tại sao không tách rời chúng ra để giải quyết từng phần riêng lẻ? Ron Mathews, quản lý phân bộ thám hiểm khảo sát của tỗ hợp Camecon của Canada ở Úc, công ty sản xuất 20% uranium toàn cầu (lớn nhất thế giới) cũng hoàn toàn đồng ý. Trong khi các công ty khác đã đầu hàng, phân bộ của công ty này vẫn tiếp tục khảo sát với kinh phí trên 4 triệu kể từ 2001. Họ tiếp tục đào và tồn trữ các mẫu đất đá trong một kho ở thành phố Darwin (lãnh thổ Bắc Úc). Thật là vô lý và khó hiểu khi chúng ta đang ngồi trên một đống tài sản lên tới 40% trữ lượng thế giới mà chỉ được phép sản xuất có 20% sản lượng toàn cầu. Có sự không cân đồi ở đâu đó. Người ta đang hy vọng có sự thay đổi.
( Theo chương trình Business Sunday với tựa đề Yellow cake on the menu của Ali Moore, Channel 9 Australia ngày 11/06/2006)

Một chân trời mới: Năng lực kết hợp.

Tranh luận về năng lực nguyên tử, một số người lại muốn bao gồm cả 2 loại : nguyên tử phân hạch (fission ) và nguyên tử kết hợp (fusion), dù nguồn năng lượng phát sinh từ sự kết hợp nguyên tử vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm. Đây là một tiến trình rất khả quan và lâu dài cho nhân loại. Sự kết hợp (fusion), một diễn tiến do nhà bác học siêu việt người Úc Sir Mark Oliphant khám phá, dùng năng lượng mặt trời và các vì sao. Một khi đạt được thành tựu, đây sẽ là nguồn năng lượng vô hạn và sạch sẽ nhất. Như tên gọi, năng lượng kết hợp phát sinh ra từ sự kết kợp lại các hạt nhân ánh sáng ( deuterium và tritium, 2 nguyên tố đồng vị của phân tử hydro) bằng một sức nén cực mạnh, ở nhiệt độ cực cao trong một môi trường có từ tính. Phản ứng kết hợp giống phản ứng phân hạch ở chỗ không tạo ra khí ô nhiễm. Khác nhau ở chỗ: phản ứng phân hạch tạo ra phó phẩm là phế liệu phóng xạ, trong khi sự kết hợp hoàn toàn trong sạch., các phế liệu thải ra chỉ phát sinh một cách gián tiếp qua phản ứng trung hoà (neutron activation) bên trong phạm vi của thành lò phản ứng không thoát ra ngoài. Với kỹ thuật hiện đại, người ta cỏ thể tái chế các lò sản xuất năng lượng kết hợp trong 100 năm hay ngắn hơn nữa nếu dùng hợp kim (alloy) và các loại gốm(ceramic) tân kỳ.
Deuterium có rất nhiều trong phân tử nước. Nguồn nước thì vô hạn và có ở khắp nơi trên mặt đất, vì vậy, thế giới sẽ giảm bớt được cường độ căng thẳng (về chính trị) vì sự tranh giành các nguồn tiếp tế năng lượng. So sánh về sự phát sinh năng lượng, sự kết hợp sản sinh năng lượng nhiều gấp 4 lần sự phân hạch, và đáng kinh ngạc hơn, gấp 10 triệu lần nhiều hơn than đá. Đáng nói hơn, nguồn dự trữ deuterium trên thế giới sẽ còn hữu hiệu cho năng lượng hàng triệu năm nữa. Có nghĩa, năng lượng không còn vần đề lo lắng cả về 2 phương diện chính trị và kinh tế. Thêm vào đó, phản ứng kết hợp tuyệt đối an toàn. Tắt nguồn nhiệt năng tạo kết hợp, sự phản ứng ngưng theo. Không có phản ứng dây chuyền, không nóng chảy, không có sự phát nổ.
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, diển tiến về năng luợng kết hợp đã có những bước khả quan. Nhửng thử nghiệm hiện tại đã sản xuất được loại điên năng mạnh tới vài chục megawatt. Các nhà khoa học trong Diễn đàn lò phản ứng nhiệt nguyên tử quốc tế (ITER)(2) đang đi những bước cao hơn. Họ đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm điện kết hợp sản sinh tới 500 MW. Ngày 24/5 vừa qua,các bộ trưởng nghiên cứu của 7 quốc gia và Đồng Minh (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản,Nam Hàn Ấn Độ và Liên Hiệp Âu Châu) đã cùng đồng ý bước đầu (ký tắt) một thoả ước bổ xung về các lò phản ứng. Một khi được phê chuẩn (dự trù tháng 12/2006), một lò phản ứng nguyên tử năng kết hợp sẽ được xây dựng ở Cadarache, miền Nam nước Pháp
Lò này sẽ là một dự án khoa học lớn nhất của thế giới và sẽ quy tụ hơn 30 quốc gia phát triển nhất. Điều mỉa mai là. mặc dù có một vai trò cơ bản trong việc cộng tác nghiên cứu và phát triển năng lực kết hợp ( qua sự khám phá của Sir Mark Oliphant và Dr. Mathew Hole, chủ tịch diễn đàn ITER Úc), nước Úc hiện chưa tham gia vào dự án.
Do đó, hiện đã có một nhóm trên 100 các nhà khoa học và kỹ sư Úc đang thành lập một ủy ban ITER của Úc với mục đích tìm phương thức đưa đất nước tham gia đóng góp một vài vai trò vào công trình vĩ đại này.
( Theo Dr. Mathew Hole, Đại Học Quốc Gia Úc ANU và Prof. John O’conor, khoa trưởng phân khoa toán và vật lý của đại học Newcastle.Australia needs to get back to the front on fusion power. The Age 08/06/2006)
Nguyên tử năng có nên xử dụng trong mục tiêu hoà bình hay không? Câu hỏi vẫn đang là một chủ đề sôi động.(3)
Phương Duy
Australia 01/07/2006

(1) UEGA= Uranium Enrichment Group of Australia.
(2) ITER= International Thermonuclear Energy Reactor
(3) Xin đoc thêm bài tham khảo Nuclear_Energy đính kèm của nhà báo Sơn Lâm , Đài SBS radio Sydney, chương trình tiếng Việt.

Các bài liên quan:
- Năng lượng nguyên tử,Sơn Lâm