Tôn giáo và dân tộc

Hành trình núi Sọ và sự im lặng của giáo quyền VN

Ngày 30/03/2007, CSVN đem linh muc Thadeus Nguyễn văn Lý cùng các anh Nguyễn Phong, ông Nguyễn Bình Thành, chị Lê thị Lệ Hằng và cô Hoàng thị Anh Đào chỉ mới 21 tuổi, nghĩa là còn rất trẻ, ra xử án, một toà án man rợ bất chấp công luận. Là một người cầm bút hải ngoại,người viết xin chia sẻ những khổ nạn mà cha Lý, các người kể trên, 2 luật sư Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân đang bị giam giữ và có cơ sắp được họ đưa ra toà, cùng tất các các nhà đấu tranh cho một ViệT Nam tự do ,dân chủ, nhân quyền, đa nguyên đa đảng, hoạt động công khai hay thầm lặng,. Người viết dùng chữ “được đưa ra toà” vì qua trò hề trình diễn xử án cha Lý và 4 người vừa qua, nhân dân trong nước cũng như toàn thể chính quyền và nhân dân toàn thế giới đã nhìn rõ được sự trơ tráo,bỉ ổi, hèn hạ của nhà cầm quyền CSVN dưới hình thức một toà án mang đầy tính bi hài và lố bịch . Nhất là qua đoạn phim video ngắn ngủi với cảnh cha Lý bị công an lôi kéo vào toà án, bị còng tay và bịt miệng. Đoạn phim cho thấy sự dũng cảm của người đấu tranh cho chân lý trong tinh thần bất bạo động, nhưng kiên quyết không đầu hàng khuất phục trước bạo quyền độc đảng. Phiên toà đã chứng tỏ sự thất bại của bạo quyển CS trong việc tỏ lộ bản chất phi nhân của họ hoàn toàn không hợp với những lề lối tuyên truyền mị dân, lừa bịp về chính sách đổi mới giả hiệu mà họ đang quảng cáo rầm rộ khắp thế giới bấy lâu nay. Phiên toà đánh dấu bước đầu thắng lợi cho các nhà đấu tranh dân chủ trong nước, đặc biệt cha Lý, một trong những nhân tố chính trong phong trào đòi hỏi tự do dân chủ thực sự cho dân tộc VN. Bước thắng lợi đầu tiên , tuy thật nhỏ nhoi và bề mặt. dường như thể hiện một bước lùi của phong trào đấu tranh, nhưng xét cho cùng , đó là một bước đầu: chiến thắng nội tâm. Sự dũng cảm của cha Lý và các nhà đấu tranh khác , không còn khiếp sợ bạo lực, không sợ tù đầy, chấp nhận hy sinh sự an toàn của bản thân , đã trở thành biểu tượng cho người cả trong và ngoài nước bước đi những bước tiếp mạnh dạn hơn. Sự vô uý chính là sức mạnh vô biên của người dân thường thấp cổ bé miệng. Khi không còn sự sợ hãi thì không một thế lực bạo quyền nào có thể trấn áp nổi quyết tâm của hàng triệu người dân đòi xoá bỏ nhửng áp bức bất công gây ra do bọn độc đảng độc tài tham quyền cố vị, những đòi hỏi thiết thực và căn bản về tự do. Dân chủ, nhân quyền, công lý và bình đẳng xã hội. Mọi người dân trong nước phải có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Không thể vớì bất cứ lý do nào để biện minh cho việc đòi giành độc quyền cai trị điều hành cho riêng cá nhân , gia đình, tổ chức, tôn giáo, đoàn thể hay đảng phái của riêng mình.
Có được sự dũng cảm , không run sợ trước bạo lực , cha Lý và các nhà dân chủ trong nước có lẽ đã phải chiến đấu với chính bản thân, vượt qua nỗi sợ hãi chính mình,chính gia đình mình, vượt qua những đoạn đường chông gai khổ ải không chỉ gây ra từ phía nhà cầm quyền CSVN, mà ngay trong những suy đoán, ngờ vực của một số bạn bè thân hữu cố tình lên án họ với một lập luận khội hài lợi dụng phong trào, cố tình lăn vào tù tội, hay cả ngay cái chết đề làm nổi, đánh bóng cá nhân hay tệ hơn nữa : làm tiền hải ngoại.
Chặng đường đau khổ cha Lý đang bước đi trải dài trên ba mươi năm. Bắt nguồn từ những ngày cuối tháng tư 1975. trong đó hơn mười bốn năm tù đày và bây giờ thêm một bản án 8 năm. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên (hay có tính toán của CSVN), họ đã kết án cha Lý vào thời điểm người Ki Tô hữu trên toàn thế giới ở trong mùa Chay, đặc biệt giáo hội Thiên Chúa Giáo đang bước vào tuần thánh , thời gian hằng năm kỷ niệm đoạn đường Núi Sọ: đoạn đường khổ nạn của Đức Giêsu KiTô trên con đường hy sinh để cứu chuộc nhân loại, trước khi tiến đến sự chiến thắng khải hoàn: từ cõi chết sống lại trong ngày Phục Sinh vinh quang.
Hai ngàn năm trước, trên con đường rao giảng tin mừng, Đức Giêsu Kitô cũng đã lên tiếng đả phá những lề luật cũ, nhửng thói giả nhân giả hình, tham ô nhũng nhiễu, tự cao tự đại, ăn trên ngồi trước của các luật sĩ, các thượng phụ, tư tế, phụ tế, lợi dụng Thượng Đế để đàn áp ức hiếp người dân cùng khổ. Chọn xuất thân trong một gia đình nghèo nàn thấp kém, Ngài cảm hoá đám đông bằng cuộc sống phiêu bạt hoà mình cùng đám đông, ăn mặc giống như họ, nói ngôn từ bình dân giản dị để họ dễ dàng thông hiểu. Ngài đã phải trả giá đắt vì sự ghanh ghét thù hận của đám luật sĩ, tư tế trong các đền thờ. Bởi đám này lo sợ sự lôi cuốn quần chúng của ngài sẽ làm cho họ mất đi những quyền hành, lợi lộc họ đang có. Do đó , họ đã có âm mưu hãm hại Ngài. Trong chặng đường cuối của hành trình rao giảng tại Jerusalem, Ngài bị chúng sai quân đi bắt vô cớ,rồi đưa ra một phiên toà bất công kết tội âm mưu phản loạn không có bằng chứng, hay những chứng cớ rất vu vơ lố bịch. Chẳng hạn ,kết tội phản loạn vì nghe đồn Ngài tự xưng là vua dân Do Thái, hoặc nghe Ngài tuyên bố có thể phá tan đền thờ tại Jerusalem rồi xây lại trong ba ngày…, bị xiềng xích làm nhục, lột trần truồng, tra khảo đánh đập, chê cười nhạo báng và cuối cùng bị kết án tử treo trên thập giá, lại phải tự vác cây thập giá treo mình leo lên ngọn đồi hành hình
Hành trình khổ nạn này của Ngài được kỷ niệm hàng năm , một chứng tích lịch sử của sự khai sinh một tôn giáo với một khái niệm mới: chiến thắng trong khổ nạn, nhục hình, và ngay cả sự chết.
Làm một sự so sánh giữa con đường khổ nạn của Đức Giêsu Kitô và chặng đường chông gai gian khổ mà cha Lý cùng những người đấu tranh ôn hoà cho tự do dân chủ trong nước đang phải kinh qua, một số người sẽ cho là phạm thượng. Tuy nhiên, người viết chỉ muốn liên hệ hai sự việc để ám chỉ đến việc tín đồ biết noi gương , thực hành những điều Chúa răn dạy . Hầu như bất cứ một Kitô hữu nào cũng biết đến câu nói của Ngài trong Tân Ước: Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo ta. Theo bước chân Ngài, các nhà đấu tranh dân chủ cùng cha Lý đã đang quên đi sự an nguy của chính bản thân, chấp nhận vác những thập giá đàn áp bắt bớ, lăng nhục mạ lỵ, kết án giam cầm bởi một đám cầm quyển độc tài vô nhân tính, còng tay bịt miệng người dân công khai ngay trước toà để họ không thể lý luận tự biện hộ chống lại những lời buộc tội vu vơ, vớ vẩn , vô lý không hề có trong các bộ luật của thế giới văn minh như các tôi tuyên truyền chống nhà nước, tuyên truyền chống chế độ, phá hoại chính sách đoàn kết quôc gia. Qua đau khổ và sự chết, đức Giêsu đã hoàn tất con đường cứu chuộc nhân loại và ngài đã chỗi dậy trong vinh quang để xây dựng nên một giáo hội Thiên Chúa lớn lao vào bậc nhất , ngày càng thêm vững mạnh cho đến hôm nay. Sự khốn khổ trong ngục tù nơi cha Lý cùng các nhà đấu tranh dân chủ đang phải trải qua cũng là những chông gai trở ngại mà người khai phá gặp phải khi xung phong làm người mở đường đòi hỏi cho những quyền sống căn bản nhất trong một xã hội loài người. Hạt giống tốt đã gieo xuống đất, đã vỡ ra để từ trong đó nẩy sinh mầm hy vọng, một cây đời có nhánh công bình,mọc lá tự do, trổ hoa dân chủ và kết trái hạnh phúc cho toàn thể nhân dân, đặc biết đến tầng lớp lao động cùng khổ nhất.
Điều đáng buồn , trước những đàn áp bất công, những trù dập vừa lén lút vừa công khai của bạo quyền ấy, hàng giáo phẩm Việt Nam, giới lãnh đạo công giáo VN, trong bao năm qua hoàn toàn im lặng một cách vô cùng khó hiểu. Một số người cho rằng, ở vị thế lãnh đạo, hàng giáo phẩm VN cứ giữ thái độ im lặng trước những vu khống, mạ lỵ, bắt bớ giam cầm một cách vô lý những tín đồ thuộc cấp dưới quyền mình là thể hiện thái độ ích kỷ, hèn nhát, thậm chí có tính cách đồng loã với tội ác. Một số khác lại cho rằng lãnh đạo phải biết tùng quyền, trong thời điểm khó khăn yếu thế cần biết nhún nhường. thoả hiệp để được tồn tại, để được phép hành đạo và một cách nào đó để phát triển đạo giáo. Bản thân là một Kitô hữu, người viết không hoàn toàn tán đồng cả hai quan điểm này. Dù với một sự hiểu biết về đạo giáo rất đơn sơ, nghèo nàn, người viết xin chia sẻ cùng nhân dân Việt Nam nói chung, Kitô hữu VN nói riệng, nhất là các vị lãnh đạo Công Giáo VN một vài ý kiến . Đúng hay sai, điều cần thiết là chúng ta cùng bàn luận trong tinh thần ôn hoà, tôn trọng nhau, thông cảm và bổ khuyết cho nhau tránh sự hiểu lầm đáng tiếc.
Câu hỏi đầu tiên là sự trung thực. Đối với mọi tôn giáo , trung thực là một tín lý thiết yếu căn bản, đối nghịch với dối trá là bản chất của ma quỷ, tội ác. Trong cương vị lãnh đạo tôn giáo, có bao giờ các vị tự hỏi mình đã hoàn toàn trung thực với Thiên Chúa, với giáo hội mà các vị đang là đại diện và với chính mình chưa? Nếu cho mình đủ trung thực, các vị hãy tự hỏi tại sao bấy lâu nay mình im lặng? Không phải là các vị đã được huấn luyện để đại diện Thiên Chúa điều hành giáo hội duới trần gian? Nếu công nhận mình là những mục tử của Thiên Chúa, trách nhiệm của các vị là gì nếu không phải là sự rao giảng tin mừng? Cả cuộc đời của Đức Giêsu là lời rao giảng, là sự hoà mình vào đời sống người dân chống lại bọn áp bức, bọn giả hình ,cho dù cái giá phải trả là sự hy sinh mạng sống. Ngài có im lặng trước trò hề cáo buộc Ngài, nhưng Ngài không im lặng trước những bất công xã hội giáng trên đầu đám đông nghèo khổ.. Các vị nghĩ như thế nào trước hình ảnh người chăn cừu dửng dưng đứng nhìn một bày lang sói nhảy sổ vào cắn xé một vài con trong đoàn cừu ngây thơ vô tội của mình mà không chút động tâm? Mong rằng các vị sẽ lên tiếng, cho biết quan điểm của các vị, cho dù quan điểm ấy là sự phê phán , cho rằng cha Lý và những thành viên khác tham gia vào các hoạt động ôn hoà chống lại những bất công áp bức của nhà cầm quyền là làm sai, là không đúng với luật lệ của giáo hội. Các vị có thể lý giải và phân tích những sai trái đó. Ít ra giáo dân VN cùng tín đồ các tôn giáo khác ở VN có thể hiểu được suy nghĩ và lập trường của các vị hơn là sự im lặng khó hiểu hiện tại.
Việc tu sĩ có nên làm chính trị hay không, người viết xin góp một ý nhỏ. Như thế nào gọi là làm chímh trị? Người làm chính trị là người có ý định ra ứng cử , tranh cử các chức vụ thế quyền như tổng thống, thủ tướng , dân biểu nghị sĩ hay đảm nhiệm các chức vụ hành chánh lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương. Các tu sĩ tôn giáo không nên có những hành động chính trị này là điều đúng đắn. Người đấu tranh ôn hoà đòi hỏi những quyền lợi căn bản cho người dân , chống lại những bất công xã hội chỉ là người có ý thức chính trị, làm nhiệm vụ của một công dân chứ không phải là người làm chính trị. Trên hết. nhà tu hành đã là một con người, một công dân trước khi làm tu sĩ, người ấy có trách nhiệm đòi hỏi quyền làm người. quyền một công dân trước trách nhiệm người tu sĩ. Hơn nữa, với tinh thần từ bi nhân ái của đạo giáo, tu sĩ lại cần có trái tim bao la để cùng vui với mọi người, cùng khóc với những đau thương của dân tộc, cùng chia sẻ những ẩn ức của những người cùng khổ, cùng hoà mình đấu tranh cho sự công băng và hạnh phúc của họ. Vậy thì một linh mục, tu sĩ dũng cảm thay mặt đám dân oan chống lại bạo quyền áp bức bằng hình thức bất bạo động có phải là làm chính trị không ?Hay đơn giản chỉ là nhiệm vụ công dân? Để không dính đến chính trị, các tu sĩ phải bỏ mặc xã hội với những bất công phi lý của nó? Những ông linh mục từng làm dân biểu quốc hội, thành viên Mặt Trãn Tổ Quốc, uỷ ban đoàn kết tôn giáo hiện tại có đang làm chính trị không? Tại sao bao nhiêu năm qua không bị phê phán?
Vấn để giáo hội cố nhún nhường, thoả hiệp để tồn tại, để có một phần tự do hành đạo như tự do đi lễ cầu kinh, xây cất sửa sang nhà thờ, một phần được phép huấn luyện thêm tu sĩ, để phát triển đạo giáo, người viết xin có vài hàng phân tích sự lợi hại.
. Im lặng để tồn tại.
Sự tồn tại của một giáo hội không tuỳ thuộc vào sự cúi đầu khuất phục trước bạo quyền mà do bản chất chân thiện mỹ của đạo giáo. Triết lý của mọi tôn giáo đếu cùng có mục đích là mang ánh sáng chân lý của sự bình đẳng, bác ái, cổ võ sự tốt đẹp của hoà bình, công lý, bảo vệ sự kỳ diệu của đời sống, tình yêu. Tôn giáo hướng dẫn con người, một tạo vật nhỏ bé, đến sự hoàn thiện và toàn năng của Thượng Đế. Trong một ý nghĩa hạn hẹp tối thiểu, tôn giáo chỉ dạy con người làm điều lành, tránh điều ác. Mọi tôn giáo đếu không những tồn tại , mà còn càng phát triển hơn không vì sợ hãi thần phục hay thoả hiệp với thế lực của bạo quyền mà do bản năng hướng thượng cao đẹp của nó. Lịch sử đã chứng minh , từ thời buổi đầu sơ khai từ hai ngàn năm trước đến nay, giáo hội Thiên Chúa đã trải qua nhiều giai đoạn bị bách hại đẫm máu nhưng không bao giờ chịu khuất phục hay bị tiêu diệt. Ngay cả giáo hội công giáo Việt Nam cũng có một lịch sử oai hùng với hàng trăm ngàn tín đồ sẵn sàng chịu bắt bớ, tra khảo tù đày, hàng ngàn người chấp nhận cái chết để bảo vệ đức tin ,kiên quyết giữ vững quyền tự do tín ngưỡng cho bản thân , cho giáo hội, trong đó có trên một trăm vị tử đạo đã được phong thánh, một niềm tự hào đẫm máu và nước mắt nhưng không bao giờ chịu khuất phục của giáo hội Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn. Từ đó đến nay giáo hội VN vẫn không ngừng lớn mạnh. Như vậy, các vị lãnh đạo giáo hội Thiên Chúa VN hiện tại nghĩ sao về hiện trạng cúi đầu câm lặng trước nỗi đau của đồng loại để được tồn tại Nếu quan niệm rằng đây là giai đoạn phải nín thở để qua sông, xin được hỏi giai đoạn này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa với 60 năm trên miền Bắc , hơn 30 năm trên cả nước?
. Im lặng để được dễ thở
Sự được phép tương đối tự do hành đạo, đi lễ đọc kinh, xây cất sửa sang nhà thờ và các cơ sở, được phép thêm linh mục tu sĩ dể truyền giáo, người viết xin trình bày: Các vị đã được huấn luyện để trở thành người lãnh đạo tôn giáo, được trang bị đầy đủ cả về tríết lý và đạo đức. Các vị hiểu rõ thế nào là tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và sự khác biệt giữa thần quyền và thế quyền không nên lẫn lộn , can thiệp vào nhau. Các vị biết tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của tín đồ ra sao. Đức Giêsu là Ngôn Sứ, lời của Ngài là lời Chúa. Tín đồ phải tuân giữ lời Ngài. Các vị thừa hiểu không phải cứ luôn miệng kêu Lạy Chúa,Lạy Chúa, hay đi lễ đọc kinh thật nhiều mà được vào nước Chúa,nước trời dành cho những con người sống trong Chúa.: “ Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Thiên Chúa sống trong tôi”. Thiên Chúa là sự sống, lời Ngài là hơi thở của sự sống. Lời Chúa dạy là thờ kính Thiên Chúa và yêu thương đồng loại. . Nếu chúng ta chỉ biết tôn thờ Thiên Chúa và nhăm mắt, bịt tai, câm nín trước những khổ đau của người khác, chúng ta mới chỉ thực hiện một nửa lời Chúa mà quên đi mục đích của Ngài. Đức Giêsu khi mặc xác làm người, hy sinh chịu khổ nạn cực hình trên thập giá, há không phải vì mục đích cứu chuộc nhân loại, há không phải để xoá bỏ tội lỗi bất công, đem lại an lành, hạnh phúc cho con người?
Im lặng để được phép xây cất đền thờ.
Trong việc xây cất đền thờ phụng thờ Thiên Chúa, có ngôi đền thờ nào đẹp lòng Thiên Chúa bằng đền thờ trong chính tâm hồn của mỗi người tín hữu, các vị vẫn thường giảng dạy như vậy. Thiên Chúa đâu cần những đền thờ nguy nga lộng lẫy bên ngoài, trống rỗng bên trong. Cái Ngài đòi hỏi nơi các môn đệ là sự bắt chước hình ảnh Ngài, hoà mình vào đám đông, ăn những gì họ ăn, làm những việc họ làm, cùng khóc cười với họ, nói lên nỗi thống khổ của họ. Có phải đó là đền thờ chân chính nhất cho Thiên Chúa ngự trị? Vậy chúng ta có nên hy sinh sự an lành và hạnh phúc của tha nhân để đổi lấy vài ngôi đến thờ chỉ có giá trị đồ sộ bên ngoài nhưng vô nghỉa đối với Thiên Chúa? Có lẽ Ngài rất buồn khi nhìn thấy thực trạng Việt Nam hiện nay, nhà thờ rất to lớn, trường học bệnh xá lại nhỏ nhoi, lời Ngài không được loan truyền giảng dạy, thay vào đó là triết lý của dối trá và bạo lực, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù và làm giàu bằng mọi phương cách là yêu nước. Thiên Chúa hứa nước Trời cho người công chính. Người công chính coi nước Trời chỉ là phần thưởng sau cùng. Người công chính hiểu rõ ý định của Thiên Chúa và mục tiêu của con người phải là nhiệm vụ cải tạo và xây dựng thế giới bằng sự công bằng và chính trực.
Cuối cùng, người viết không khỏi có đôi điều suy nghĩ băn khoăn: phải chăng sự thầm lặng quá lâu của giáo hội Thiên Chúa Việt Nam trong suốt thời gian qua đã tạo nên sự khiếp nhược, câm nín của hàng giáo phẩm VN đối với những khủng bố, trù dập bất công hiện nay hay không? Sự khống chế của nhà cầm quyền CSVN suốt mấy chục năm trong việc tu luyện, phong chức , cai quản của các giáo sĩ đã ảnh hưởng lớn đến hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo Việt Nam. Bao nhiêu người trong số các linh mục tu sĩ nam nữ hiện nay đã là thành viên , hay ít nhất cũng là cảm tình viên mà đảng CSVN cài vào từ thời còn rất trẻ. Bao nhiêu người còn lại thuộc thành phần chỉ biết cúi đầu vâng phục để nhận được cái gật đầu chấp thuận của đảng cầm quyền, của nhà nước XHCN? Những người này sẵn sàng nhắm mắt tuân theo lệnh trên để mong giữ được địa vị quyền lợi mà họ ban cho, hoặc đơn giản hơn , tìm được một vị trí yên lành tu tập cho riêng bản thân, quên hết việc đời. Đối với những người này, mục tiêu chiếm một vị trí trên nước Trời là mục tiêu tối hậu của họ,hành đạo chỉ cốt lên thiên đường, lên bằng mọi giá, không cần biết đến tha nhân. Đó có phải là lòng vị kỷ? Đó có phải là ước muốn của THiên Chúa khi Ngài mang tình uêu thương đến cho chúng ta? Ubi caritas, ubi Deus. Đâu có tình yêu thương, ở đó có sự hiện diện của Thiên Chúa. Tín đồ Kitô giáo không nên quên câu này. Những vấn nạn của xã hội VN hiện nay, sự suy đồi đạo đức, nếp sống giả dối, việc làm giàu bất chính, những trò ăn chơi truỵ lạc, nhất là lớp trẻ thiếu vắng một nền giáo dục tốt để trở thành người lương thiện, đang lan tràn như bệnh dịch và có nguy cơ làm tan nát cái nền tảng gia đình và xã hội VN. Qua sự nín lặng , hàng giáo phẩm Công Giáo VN có nhận thấy phần trách nhiệm của mình trong quá trình băng hoại đạo đức ấy không? Sao cố tình thờ ơ, khi các vị biết mình có tiếng nói, có uy tín, có thể can thiệp cho xã hội có bộ mặt tốt hơn? Xin hãy lên tiếng trước khi quá muộn.
Mùa Phục Sinh đến, Đức Giêsu đã sống lại vinh quang trong sự chết. Cấu mong hàng giáo phẩm Việt Nam cũng thoát ra khỏi sự câm lặng để nói lên tiếng nói của sự thật, của lương tri con người chống lại bạo quyền bất công. Cầu mong các vị không đặt mình ở bên ngoài đám đông, mà hoà mình vào quần chúng, đấu tranh cho những nỗi oan của quần chúng, không phải chỉ với những bất công cha Lý và các nhà đấu tranh cho dân chủ đang phải gánh chịu. Những hạt giống của các nhà đấu tranh cho dân chủ đang mục đi để từ đó mọc lên mầm mống tự do dân chủ tốt tươi. Các vị, nếu không là những hạt giống ,thì cũng hãy lên tiếng hỗ trợ tinh thần, một hình thức vun tưới cho mầm mống nảy nở, như sự chỗi dậy từ cõi chết của Thiên Chúa. Xin đừng để hạt mầm bị thui chột vì sự im lặng vô tình.
Những suy nghĩ băn khoăn này có thể đúng hoặc sai. Mong sai nhiều hơn đúng. Nếu có phần đúng, coi như người viết đóng góp phần nhỏ bé vào trách nhiệm của người dân Việt trong sự cầu xin các vị có trách nhiệm trong hàng ngũ giáo phẩm VN một lời tuyên bố về những bất công xã hội, một sự dấn thân trong việc tìm kiếm đòi hỏi một xã hội công bình, nhân ái , tư do và dân chủ hơn, một tương lai sáng lạn hơn cho nhân dân Việt Nam.Ngày hôm nay, ông đại sứ Mỹ Mike Marine tại Hà Nội đã lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải thả ngay các tù nhân lương tâm của VN và cởi mở hơn về các chính sách tư do, dân chủ ,nhân quyền cho người dân VN phù hợp với xu thế chung toàn cầu. Không lẽ người ngoại quốc lên tiếng được. còn các vị là người VN vẫn im lặng?
Nếu sai, các ý kiến trên đây cũng chỉ là những suy luận, bàn cãi của một người vô danh có trăn trở với hiện tình đất nước, không cố ý chỉ trích một cá nhân nào, không làm tổn thương tôn giáo, không gây thiệt hại cho dân tộc. Nhưng với hàng giáo phẩm VN thì khác, các vị có uy tín , có quyền hành trong tay. Sự im lặng hay lên tiếng của các vị có tác dụng ngàn cân,có thể xoay vần cả một thể chế, cứu thoát hay gây tang thương cho triệu triệu người. Xin đừng để sau này phải nói lời hối tiếc không cứu vãn đươc gì. như đức cố giáo Hoàng Gioan Phalô đệ nhị đã phải cất lên lời xin lỗi quá muộn màng, trong việc giáo hội Thiên Chúa Giáo trong thời kỳ Thế Chiến ÌI, dù có ảnh hưởng lớn đã im lặng không lên tiếng phê phán để ngăn chận tội ác diệt chủng Do Thái của bọn Đức Quốc Xã, và thanh danh các vị trong lịch sử mai sau tốt hay xấu, được ca tụng hay bị khinh chê là ở lúc này, tuỳ lương tâm của mỗi người.
Mong thay.
Phương Duy
Mùa Phuc Sinh 20007