Trôi theo mùa hè_ 3

                                                                        Chương 3                                    

                           Nhiệm vụ khó khăn

 S
áng hôm sau,  dù là ngày dọn dẹp lau chùi nhà cửa, mẹ vẫn bắt tay vào việc. Cái nồi nấu nước cũ được đưa qua nhà Barshinskeys, hai tấm trải giường cũ nhưng đã được sửa lại đẹp đẽ, chiếc ghế dựa của bà ngoại để lại, hai cái giường xếp dùng đi chơi cắm trại và hai tấm chăn nâu, một bao khoai tây, một cây bắp cải bự  bố mới cắt từ ngoài vườn rau vào.
      Khi Daisy May và tôi trở về nhà từ trường học vào giờ ăn  trưa, bà mẹ cô bé  đã  bước ra khỏi giường, gọn gàng trong bộ đồ mùa hè của mẹ và đang xếp chén đĩa lên bàn ăn  mà tôi nhận ra chúng từ ở trong nhà kho của chúng tôi.  Chùi rửa sạch sẽ, lại được che chắn với một mảnh màn cũ, nó mang lại cho cái bếp của căn nhà ‘tổ cú’ một quang cảnh lạ mắt: trông tương tự như (nhà bếp) của gia đình chúng tôi.
     Đôi khi tôi nghĩ có  lẽ vì sự nhàm chán làm mẹ hay nóng giận, chứ không hẳn chỉ vì vất vả trong công việc. Chán nản về sự nặng nhọc  làm cho người  mụ ra hơn là ham thích. Chắc chắn trong ngày thứ Hai đó, dù phải làm thêm biết bao công việc, mẹ lại thấy vui vẻ và phấn khích, đầy những  toan tính trong đầu  bà để  giúp sắp xếp  lại cuộc sống cho  gia đình Barshinskeys.
     Bà Barshinskey là người dễ xúc cảm, bị chinh phục nhanh chóng với lòng biết ơn , bà trở nên một bản sao nhạt nhoà lợt lạt của chính mẹ tôi, cả với những việc nhỏ nhặt như thay giường nệm vào những ngày thứ Sáu. Có điều nó chỉ hữu hiệu khi có mẹ ở đó chống chỏi đốc thúc  bà.
     Cuộc chiến đấu kế tiếp của mẹ  là Galina. Ở đây, nhiệm vụ của mẹ khó khăn phức tạp hơn nhiều, bởi dễ dàng có thể nhận ra  là trong làng chẳng có ai muốn thuê  mướn cô ta .
     Tin về gia đình Barshinskeys nhanh chóng truyền thổi khắp thị trấn, lúc đầu trong đám dân giả, rồi cũng đến tai các gia đình quý tộc.  Mọi việc  ra vẻ tốt đẹp cho ông Hayward trong việc chấp nhận hên xui may rủi với (việc thuê mướn)người thợ nuôi bò sữa mới . Đó là chuyện của riêng ông. Nhưng ai  muốn có một cô gái như Galina vào làm việc trong nhà họ? Lại càng  phiền phức hơn với sự kiện là chính cô gái cũng chẳng có ý muốn đi làm việc. Mẹ tôi đã gọi cô sang nhà và mặt đối mặt cho cô  một ‘buổi lên lớp‘ về cách sống  . Cô gái ngồi  trên bàn ăn trong nhà tôi, đôi mắt mèo cúi đầu xuống nhìn áo quần và tự tạo cho mình một dáng điệu trông vừa có vẻ đoan trang lại vừa xấc láo.
-    Tôi sẽ đi gặp bà Hayward để  hỏi xin việc cho cô. - Mẹ lạnh lùng nói. -  Đó là điều tốt nhất   tôi còn có thể giúp trong lúc này. Dĩ nhiên  làm ở đây không  bằng những nơi danh giá khác, nhưng  không ai chịu cho cô một công việc.  Dù sao bà Hayward cũng là một tín đồ rất ngoan đạo, bà sẽ trả công cô xứng đáng nếu cô làm việc chăm chỉ và  biết giữ mồm giữ miệng.
     Cô gái đỏ mặt lên và bỗng nhiên trông có vẻ sợ hãi.
-     Tôi không hợp với đàn bà. Họ không ưa tôi.  – Cô gái nói. Giọng nói cô nghe thật lạ tai. Cả Ivan và Daisy May có giọng nói gần giống như chúng tôi, nhưng giọng nói của Galina là một pha trộn giữa giọng miền Kent    ông bố của cô. Và cũng chỉ có cô là đứa duy nhất trong ba đứa con nói tiếng Nga với bố. Khi ông bố nói với Ivan và Daisy May bằng tiếng nước ông, chúng rõ ràng hiểu, nhưng lại trả lời bằng tiếng Anh. Riêng Galina  đối đáp bằng tiếng Nga, đôi khi họ nói với nhau thật lâu, ngay cả trước mặt những người khác. Mẹ bảo điều đó thật thô lỗ bất lịch sự.
-   Này, cô gái,  tôi e rằng cô sẽ phải vui vẻ mà hoà hợp với đàn bà vì chính họ là người coi sóc mọi việc trong nhà. Nếu cô muốn có một việc làm cô phải nghe lời họ.
-    Tôi không nghĩ là tôi cần một công việc.
   Mẹ ráng kiềm chế  nhưng khuôn mặt đã có sắc giận.
-   Vậy thì cô nghĩ cô sẽ làm gì? Tiếp tục sống nhờ bố nhờ mẹ? Thứ con gái  một đống như cô đáng lẽ phải kiếm chút tiền phụ giúp vào gia đình, chứ ai lại lang thang lêu lổng  suốt ngày như loại dân phiêu bạt giang hồ thế!
     Gương mặt Galina vụt trắng bệch ra, rồi đổi sang đỏ rực. Cô gái ngước lên nhìn mẹ với đôi mắt bừng lên sự giận dữ.
-    Không được gọi tôi  là “thứ này đống nọ”. – Cô nhổ toẹt xuống đất và xô ghế đứng dậy bước ra khỏi bàn. Tuy nhiên, cô đã không đoán trước được mẹ tôi cũng là một người rất nóng giận, và hơn nữa , bà lại đã có nhiều kinh nghiệm biết cách dùng nó làm ưu thế của bà. Mẹ xô cô ngược trở lại ghế khá mạnh tay.
-      chỉ được phép đứng lên khi nào tôi đã nói xong,  chưa xong thì ngồi yên. Mẹ cô đã nhờ tôi  làm bất cứ gì mà tôi có thể làm cho cô. Và tôi sẽ làm  được điều đó.
-    Hai bố con tôi , chúng tôi có thể tự lo được. -  Cô gái buồn bã trở lại, cơn giận dữ tới thật nhanh, cũng tan biến nhanh. -  Chúng tôi  không muốn ai can thiệp vào. Chúng tôi tự lo được rồi.
-   Được thôi, nếu đó là cái cô muốn. Nhưng cho cô biết, tôi sẽ không  gửi thực phẩm sang cho cô nữa. Cô có thể ra rừng hái dâu dại mà  ăn trừ bữa như bọn ăn xin. Và đừng có qua nhà xin xà bông để gội đầu. Và rồi cô sẽ thối tha như họ, trông giống như họ. Nếu cô muốn ăn mặc dơ dáy bẩn thỉu, với tôi được thôi. Nhưng đừng xen vào  chung chạ với những người khác. Đi vào rừng mà sống như  một thứ điên khùng nếu cô muốn. Nhưng  tôi sẽ không để cho cô trà trộn vào những con người đứng đắn trong xã hội.
    Cảm giác nghi ngại và không an toàn thoáng qua gương mặt cô gái. Một phần trong cô muốn gạt bỏ sự giúp đỡ của mẹ qua một bên, phần khác cô còn quá trẻ và không chắc có thể tự  sinh sống với khả năng của mình không. Chắc là không thể nào với những người như mẹ tôi ở chung quanh. Và cái hình ảnh mà mẹ vừa vẽ ra: một kẻ lang thang không nhà ,dơ dáy thúi tha không phải là cái cô muốn. Tính   ngạo mạn  của cô bị khuất phục. Thật là kinh ngạc khi thấy cô rơi lệ và sụm một đống xuống bàn. Trong  giây lát, tôi tưởng cô giả bộ, nhưng  không, những giọt nước mắt thực sự lăn từ từ xuống má rơi xuống mặt bàn. Mẹ có vẻ bất nhẫn.  Bà nhìn đăm đăm một hồi, rõ ràng bà cũng đã nghĩ như tôi rằng cô gái đang đóng kịch, và rồi bà lên tiếng bằng một giọng bớt cay nghiệt hơn:
-     Nghe đây, khóc chẳng ích lợi gì.  Sự lựa chọn thuộc về cô. Hoặc là cứ tự tiện ra đi và vào sống hoang dại trong rừng như bố cô, hoặc bắt đầu tự chỉnh đốn mình và đi kiếm việc.
-     Nếu  đi làm, tôi cần một bộ đồ mới. Không thể đi ra ngoài ăn mặc thế này.
-     Cô sẽ được lo liệu cho đầy đủ, bất cứ cô đi đâu làm gì. - Mẹ đáp lại thật gãy gọn.
-     Nếu tôi đi làm ở nhà Hayward, tôi có phải ngủ lại không?
     Mẹ do dự một lúc:
-     Không, tại nhà Hayward có lẽ không đâu. Tôi cho là họ sẽ để cô đi về mỗi ngày.
     Bỗng dưng Galina quay mặt đi. Cô đưa tay lên vuốt mái tóc dầy bóng bẩy.  Một cử chỉ tự mơn trớn một cách không thích thú gì mấy. Nó phô ra cánh tay trần với làn da lợt màu kem, đồng thời cô nghiêng đầu qua để đôi mắt cô, vẫn còn ngấn lệ, trông càng xếch hơn và những vết ẩn dưới gò má  trở nên rõ ràng hơn.
-     Tôi thích được ở lại,- Cô mơ màng. - được ngủ ngon, trên một cái giường  lót đầy lông chim  êm ái và chăn gối  mềm mại để ắp ủ vuốt ve  cho  cái tấm thân này.
     Mẹ đỏ mặt lên. Cách ăn nói của Galina thật vô đạo đức.
-     Cô không có sự chọn lựa. Nếu tôi có thể đưa cô vào làm trong nhà Hayward, chính họ sẽ quyết định cô sẽ được ngủ lại hay phải về nhà.
-     Vậy được, tôi chấp nhận.
     Lại một sự thay đổi thật mau lẹ. Cô gái bỗng nở nụ cười, thật ngắn gọn và dịu dàng.  Cô liếc nhìn lên mẹ dưới cặp lông mi dài bóng rồi hơi trề môi ra một chút:
-     Cám ơn bà Willoughby. – Cô gái nói với một giọng như mèo kêu. -  Tôi biết những gì bà đã làm cho chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn biết ơn.
     Cô lại nở một nụ cười ấm áp, ra vẻ ăn năn, nhưng mẹ rõ ràng không tin. Cả hai người họ có chung mỗi đặc điểm đó.
     Cuối cùng thì bà Hayward  vẫn không nhận cô gái vào làm:
-      Tôi rất tiếc thưa bà Willoughby! Tôi sẵn sàng giúp kẻ đáng thương nếu như tôi có thể. Ý tôi muốn nói về bà mẹ  cô ta kìa. Còn với cô gái thì, xin lỗi phải nói  tiếng không. Tôi không thể , vì còn có Peter ở trong nhà. Thằng con tôi đã mười sáu tuổi và tôi không muốn có bất cứ phiền phức nào với một đứa con gái  có lý lịch như vậy.
-     Bà ấy là một hội viên của  Quaker (một giáo phái tôn giáo), thưa bà Hayward. Bà ấy ở trong hội Thân Hữu tại Dover.
      Bà Hayward lắc đầu một  cách ý  thức:
-     Chúng tôi không nói về bà mẹ , chắc bà biết rõ.  Hoặc nếu nói về cô con gái nhỏ trong nhà thì lại khác. Trường hợp nếu họ vẫn còn ở quanh đây  cho tới khi con bé rời trường. tôi chắc con bé sẽ rất tốt trong nghề làm  sữa. Nhưng với cô con gái lớn thì không được.  Cô ta  chính là một  tai hoạ.
     Nhà Tylers cũng nói không, các nhà Borers, Sitfords và cả chị em cô gái già  không chồng Tunes cũng lắc đầu.  Xem ra có vẻ vị trí của cô sẽ là: không nhà máy làm mứt thì cũng công xưởng muối chua. Nhưng mẹ  đã tự nhận lấy trách nhiệm đấu tranh cho cuộc ‘thánh chiến’  của bà này. Và như thế, đẩy Galina vào lao động trong nhà máy, vào lúc này, có khác nào bà đẩy một trong chúng tôi, đám con của chính bà vào đó?
     Cuối cùng, bà nói bà sẽ nói chuyện với ông Hope-Browne khi nào ông  tới:
-     Giáo hội Anh giáo vẫn luôn luôn bảo rằng họ sẵn sàng giúp đỡ người anh  em nghèo khổ. Vậy bây giờ là lúc để họ thực hiện điều họ nói.
      Chúng tôi có một mối liên lạc quen biết không đằm thắm lắm với giáo hội Anh Giáo ở trong thị trấn.  Giáo phái Anh Em chúng tôi cần họ  bởi chúng tôi phải tổ chức lễ cưới trong nhà thờ của họ và chôn cất người thân qua đời  cũng tại nghĩa trang của họ. Phải làm đơn qua họ để xin cứu trợ và một số việc khác  cần được tổ chức trong sảnh đường nằm trong quyền hạn của  cha xứ. Giáo hội Anh Giáo là giáo hội chính  thức.  Nhà vua nằm trong giáo hội Anh giáo và hầu hết những gia đình thượng lưu, bác sĩ , cha xứ và cả các  trường học,.
     Nhưng họ  cũng cần đến chúng tôi, bởi hầu hết tầng lớp lao động thuộc giáo phái Anh Em. Bố tôi là một  thuyết giảng viên. Mẹ có chân  trong ban xã hội  của hội đồng mục vụ giáo phái Anh Em. Vì vậy, khi nào có một cậu trai đáng tin  tưởng cần được huấn luyện thành người  phụ tá vườn cây hay một cô gái nết na nào cần nơi sinh sống, thường thường họ đến với chúng tôi.  Một cô gái được giới thiệu bởi gia đình Willoughbys hầu như chắc chắn là người thành thật, chăm chỉ  và hiểu rõ ‘thân thế’ của mình.
     Ông Hope- Browne, vị phụ tá cha xứ, thường là người  được cử liên lạc với chúng tôi. Cha xứ thường ít khi hạ cố đến với chúng tôi. Do đó, mỗi khi cần dùng sảnh đường cho đám cưới, đám tang, chúng tôi được chỉ dẫn đến gặp ông Hope- Brown. Ông ta thường đến trường học  ba buổi trong một tuần để chủ trì các giờ cầu nguyện, và  vào các dịp lễ Giáng Sinh  và Phục Sinh, ông và mẹ  sẽ có những  cuộc đối thoại lâu để quyết định xem nên cho những ai  nhận lãnh  những phần quà tặng Fortescue, từ một quỹ từ thiện được thành lập bởi vị  dân biểu Simon Fortescue năm 1856 để giúp người nghèo trong giáo xứ bất kể nguồn gốc tôn giáo, điều kiện xã hội hay giới tính.
     Tôi luôn luôn cảm thấy tội nghiệp cho ông Hope-Browne, và hầu như ai cũng thế. Ông còn trẻ và có tính mắc cở. Đặc biệt là  ông có  khuôn mặt đầy mụn trông   ghê gớm đến nỗi từ trước và sau này, tôi chưa từng  thấy ai như vậy. Càng tệ hơn với  mái tóc bạch kim và làn da trắng của ông . Từng đốm đỏ, từng mụt nhọt bóng lên đủ loại màu sắc từ hồng lạt đến tím xẫm. Và khi ông đỏ mặt, cái đỏ mặt  cũng thật ghê, bởi nó làm thay đổi màu sắc những  mụn nhọt trên gương mặt ông.
     Có một cái dễ thương đó là giọng nói của ông. Ông có một giọng nói tenor trầm tuyệt vời, không giống chúng tôi cũng chẳng giống ông cha xứ hay ông Fawcett. Hai người này phát âm không hoàn hảo (Họ nói ‘dà’ thay vì ‘ và’ , ‘ Trúa’ thay vì ‘ Chúa’). Còn ông Hope-Browne ăn nói thật chỉnh, đúng như ngữ pháp. Anh Peter Hayward  bảo tôi là  được nghe ông hát trong một buổi hoà tấu mới tuyệt vời. Khi đó người nghe sẽ quên hết cái gương mặt đầy mụn của ông.
     Tôi được sai đến nhà xứ với lời nhắn hỏi khi nào thích hợp cho mẹ có thể đến gặp ông Hope-Browne. Chiều hôm sau , tôi đã thấy ông đang dựa chiếc xe đạp vào  nhà kho vào đúng giờ ăn trưa. Đây cũng là một đặc điểm thú vị về ông: Mặc dù lúc nào mẹ cũng kính cẩn nói ông  có thể kêu bà đến nhà xứ gặp, nhưng ông cứ  đạp xe đạp đến tận nhà chúng tôi, luôn luôn vào bữa ăn trưa. Rồi ông  ngỏ lời xin lỗi và đỏ mặt vì đến không đúng lúc. Cuối cùng là ông ngồi vào bàn để chất đầy vào bụng  nào là bánh mì, bơ , rau cải, cá hồi, cà chua và đủ thứ bánh ngọt mẹ mang ra mời.
     KIểu cách đàm thoại của họ luôn luôn cùng một phương thức.  Mẹ thăm hỏi  về bà Lovelace, bà vợ của ông cha xứ. Mẹ  cảm thấy bà có lý do thăm hỏi  vì bà đã từng phục dịch  ăn tối cho bà Lovelace trong những ngày còn phục vụ tại Nhà Trắng. Rồi ông Hope-Browne sẽ thăm hỏi về  công việc  sản xuất sữa ở trang trại Hayward thế nào, còn bố thì hỏi sức khoẻ của ông cha xứ ra sao…Đoạn họ bàn về những người nghèo đã đưọc lãnh nhận những thùng đồ cứu tế Fortescue, về nhà vua và về bất cứ gì khác có vẻ tốt lành và chẳng có chủ đề gì cả.
     Mới đây, tôi nhận thấy có một sự thay đổi trong bầu khí chung quanh khi ông Hope-Brown ghé qua nhà, nguyên do từ chính chị Lillian. Chị không trực tiếp tham gia buổi nói chuyện, bởi là trẻ con , chúng tôi  phải im lặng lắng nghe (người lớn nói chuyện) và chỉ được trả lời ngắn gọn: cám ơn, xin vui lòng… Tuy nhiên, chị đã cố ý biểu lộ sự hiện diện của mình bằng những cách khác, dường như để loan báo rằng chị đang chuẩn bị đi vào thế giới của người lớn.
     Vào cái buổi trưa đặc biệt này, chị chuyền tay  qua ông khách  một đĩa bánh ngọt với câu:
-     Mời ông ăn thử một một miếng bánh, ông Hope-Browne. Bánh hôm nay thật ngon.
     Tôi chờ cho mẹ ngăn cô lại, vì thường chỉ có mẹ lo việc  mời ăn bánh, nhưng  rồi đã không xảy ra chuyện gì. Mẹ lại còn dịu dàng mỉm cười  với chị. Ông Hope-Browne thì đỏ mặt và lấy một miếng bánh. Chị Lillian đặt đĩa bánh xuống bàn  với một thoáng rung động trên đôi mi.
      Tôi không thể tin vào mắt mình. Không lẽ Lillian phải lòng ông này? Một sự phẫn nộ bùng lên trong tôi. Sao chị  đựoc quyền chọn lựa bánh trong khi tôi phải chờ được phép? Sao chị dám rung động với một người thuộc giáo hội Anh Giáo trong khi chúng tôi thuộc giáo phái Anh Em?  Tôi nhìn chị rồi lại nhìn ông Hope-Browne. Ông ta dường như không để ý tới cái chớp mắt rung động ấy vì ông còn đang  thật bận rộn với miếng bánh ngọt thơm ngon, nhưng Lillian cố nặn ra một nụ cười với ông  như một con thỏ ngu đần. Chắc chị không thực tình thích ông ta phải không? Tôi nhìn chăm chú vào gương mặt ông Hope-Browne và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu phải cưới bộ mặt kinh khủng đó làm chồng.  Và tôi nghĩ đó chính là cái ý nghĩa của lời thề trung thành  “ Trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ, khi tốt lành  cũng như khi tệ hại…”  ở tại nghi thức  hôn nhân. Ông ta bỗng  linh cảm tôi đang nhìn ông, bèn ngước nhìn lên và trở nên lúng túng với những lời lẽ lắp bắp cho đến cuối bữa ăn. Tôi nghĩ ông hiểu vì sao tôi nhìn ông.
-    ,Ông Hope –Browne! Dĩ nhiên  là ông đã có nghe nói về một gia đình nghèo khổ vừa mới dọn tới căn nhà kế bên tôi đây?
       Ông ta gật đầu,  vẫn chưa có tự tin để thốt ra lờii.
-     Tôi đã tận tâm hết sức, thưa ông , và tôi sẽ thành thật với ông.  Tôi đã làm hết sức mình để giúp những kẻ đáng thương đó. Điều chắc chắn là điều kiện sinh hoạt  tồi tệ của họ không phải do lỗi của người đàn bà. Tôi đã làm những gì có thể, và bây giờ, tôi e rằng tôi phải kêu gọi những người khác phụ giúp một tay.
     Mẹ nói với giọng điệu rất oai phong và hoàn toàn đúng đắn ấy làm  tôi thật bực mình vì điều bà vừa nói hàm ý rằng:   điều kiện sinh hoạt
tồi tệ của họ là do lỗi của ông Barshinskey.
-     Vâng tôi hiểu. – Ông Hope-Browne nói.
-     Đó  là về vấn đề cô gái…- Mẹ nói, rồi bà bỗng nhìn quanh bàn và thấy chúng tôi. – Edwin! đứng lên đi cho heo ăn đi. Và nếu ông đã dùng xong bữa, thưa ông Hope-Browne,  xin để cho các cháu dẹp bàn và rửa chén…
     Chúng tôi phân tán ra đi làm phận sự của mình, và dù cửa phòng đã đóng, tôi vẫn nghe được tiếng còn tiếng mất vẳng ra: “ con nhỏ khó dạy…,kỷ luật…,truyền thống gia đình ngoan đạo… “.Tôi cũng thỉnh thoảng nghe thấy giọng nói du dương của ông Hope-Browne đại khái: : không dám hứa…, tình thế rất khó khăn…, việc do chính bà Lovelace giải quyết…”. Rồi  những tiếng ho, tiếng ghế  xê dịch trên sàn.  Cuối cùng, ông Hope-Browne bước ra kẹp cái cặp của ông  vào cái yên xe và  ra về.
-     Tội nghiệp anh chàng! - Mẹ nói thế khi bước vào nhà bếp, và tuy bà chẳng bao giờ nói điều gì làm ông ta đáng tội nghiệp, chị em tôi dư hiểu bà  muốn nói gì.(Có lẽ với bà nhắc đến cái mặt mụn của ông thì quả là thô tục?).
     Ngày hôm sau, bà Lovelace gửi qua một lời nhắn. Thế là Galina được nhận vào làm trong nhà xứ. Việc đầu tiên là cô gái được gọi sang nhà  và lôi vào phòng tắm rửa, cửa được khóa trái với một bình nước nóng  cùng mấy lời chỉ dạy tắm rửa cho sạch sẽ.
     Tôi tưởng Galina sẽ giận dữ. Cô là loại người không thích  những mệnh lệnh mà chúng phản ảnh con người của cô không hoàn thiện như cô tưởng. Nhưng lần này dường như cô không để ý tới. Nhìn vào chiếc khăn tắm trắng tinh, cục xà bông tẩy trùng và đồ lót sạch sẽ mà mẹ đã chuẩn bị sẵn , cô hỏi một cách sảng khoái:
-     Tôi có thể gội đầu luôn chứ?
-     Không kịp khô đâu. Nếu muốn, cô có thể làm ướt phiá trước một chút.
     Sau chừng nửa tiếng, Galina trở ra ngoài với gương mặt sạch sẽ , tóc tai vấn gọn gàng giống như Lillian và phảng phất mùi  xà bông.
-    Xà bông  này làm mặt tôi hôi quá!
-    Khi nào cô làm ra tiền, cô có thể tự sắm xà bông  thơm riêng. - Mẹ vừa nói vừa tròng  chiếc áo cũ lên đầu cô kéo xuống cổ, rồi xoay người cô khá mạnh  để cột dây  lại sau lưng. Galina  vuốt ve những hàng li xếp lớp phẳng phiu trên chiếc váy đang mặc  với nụ cười nhà họ Barshinskeys quyến rũ  tỏa đầy trên gương mặt.
-     Khi  có tiền, tôi sẽ sắm một bô đồ  bằng satin có viền lông thú. Bố tôi kể rằng ở nước tôi  ai cũng có áo lông thú kể cả người nghèo. Tôi sẽ mua một cái áo choàng bằng nhung có may liền một cái mũ lông, và sẽ đi giày chứ không đi ủng .
   Cô khinh khỉnh nhìn xuống  đôi chân đi ủng của mình. Mặc dù làm đầu tóc kiểu Lillian và ăn mặc đồ của chị, tôi vẫn thấy cô chẳng giống chị một chút nào. Mẹ lại xoay người cô thật mạnh lần nữa và chăm chú nhìn vào bộ đồ :
-    Chật quá! – Bà nghiêm trang nói. –  Không còn thì giờ  để làm gì khác nữa. Nhưng không sao, bà Lovelace biết tình trạng này mà. Khi bà ấy nhận cô vào nhà xứ, bà sẽ kiếm cho cô quần áo lao động. Đừng trì vai cô xuống  thì chiếc áo dài sẽ không làm căng chiếc áo cánh bên ngoài quá.
     Bà ấn mạnh cái mũ lên đầu cô, gài vào đó một cây kim,  cố kéo giãn  chiếc áo đầm Galina mặc về phía trước, mong làm cho nó lớn hơn rồi bà lướt như bay qua cửa với cô gái đi theo. Đôi chân đi ủng thật vụng về, cái áo đầm thì quá ngắn, quá chật, thế nhưng trông cô gái lại đáng chú ý hơn cả Lillian.
     Khi họ trở về một giờ sau đó,  mẹ cười   đắc thắng.
-    Bà ấy chịu nhận cô ta rồi,   giúp việc  linh tinh trong nhà và nhà bếp Lương mười hai bảng một năm  bao ăn ở. – Quay qua Galina , bà nói tiếp.-  Nên nhớ một phần tiền công sẽ được gửi về nhà cho bà mẹ đáng thương của cô. Cô sẽ được phát đồng phục miễn phí. Nên chỉ cần vừa đủ tiền  để sắm giày vớ. Và nhớ phải  nghe lời bà Lovelace và học cách cư xử khi cô ở đó. Bà ấy là một  tín đồ rất ngoan đạo.
-     Tôi không ưa bà ấy.
     Tồi có thể cảm thông với Galina điều này, Tôi cũng không thích bà ta. Về công việc  trong nhà  và nhà bếp, tôi biết nó như thế nào. Trong nhà xứ đã có một người nấu bếp chính và một người đàn bà  hàng ngày đến lo việc giặt giũ. Công việc chỉ có thế, nhưng nhà có đến mười bốn phòng.
     Sáng hôm sau khi cô bắt đầu  đi làm, tôi lại thấy vui. Bây giờ, tôi có thể có ông bố của cô cho riêng mình.



                                      (Xem tiếp chương 4)






Trôi theo mùa hè_2


                                 Chương 2                                    
                   Những  chuyện lạ đầu.

T

hứ Sáu là ngày thu dọn giường chiếu. Ngay sau khi Edwin đã tắm rửa xong ở  phòng  tắm giặt, mẹ  lên phòng  chị em tôi , trên tay ôm theo đống khăn trải giường sạch sẽ.

-   Thức dậy mau nào, hai cô!  Edwin đã rửa mặt xong rồi. Nên nhớ
hôm nay còn phải làm giường trước khi đến trường.
      Trong một gia đình có hai  đàn ông và ba người đàn bà, khuôn thước mẫu mực là  căn bản cho những quy định nghiêm nhặt mọi người phải theo. Sáng sớm, bố thức dậy trước tiên   lúc bốn giờ rưỡi. Vào mùa đông, và trong những ngày mẹ nướng bánh, ông đốt lò lên và nấu nước sôi.  Rồi ông rời nhà đi làm công việc vắt sữa sớm. Mẹ thức dậy kế và  một mình xử dụng nhà tắm  với nửa bình nước nóng, rồi bà lên đánh thức Edwin, đến phiên anh đi xuống rửa mặt. Khi Edwin dùng xong và đi cho heo ăn mới tới phiên chị em tôi. Phòng tắm lúc này đuợc khoá  trái cửa, mành cửa sổ cũng kéo xuống, hai chị em mỗi người nửa bình nước nóng. Bố  và Edwin là đàn ông phải  xài nước lạnh. Đó là một trong những  ưu điểm mẹ gặt hái được trong mười một năm mẹ làm việc tại viện Nhà Trắng. Ở nơi này, bà đã thu lượm được một mớ phương pháp và triết lý  , trong số này là một niềm tin  cho rằng đàn bà  thì mong manh yếu đuối hơn đàn ông nên cần được  chiều chuộng hơn một chút.  Quy định  chỉ  được vi phạm vào mùa đông khi nước lạnh đóng thành băng đá. Bố và Edwin  mỗi người được hưởng vài tia  nước nóng vào trong chậu rửa mặt.
Sau khi tắm rửa xong, chúng tôi trở lên lầu trên để làm giường. Những ngày thứ Sáu là ngày thay giường nệm, chị em tôi phải làm  cho cả phòng chúng tôi và phòng của Edwin  . Lillian và tôi lúc nào cũng cãi nhau khi làm việc này. Chị muốn những tấm khăn dơ cũng phải xếp thành một đống gọn gàng . Tôi lại muốn tung chúng ra khắp phòng cho giống cảnh hậu cung thời cổ đại,(Tôi có một cuốn Thánh Kinh màu đỏ có nhiều hình ảnh, trong đó  có một bức vẽ cảnh triều đình của vua Salomon với những tấm màn treo khắp nơi, chỉ khác là chúng làm bằng sa tanh và màu mè sặc sỡ). Lillian  thích trải phần tấm chăn đắp bao phủ  bên trên  bẻ  gấp xuống thật thấp để khi chị lên giường nằm vẫn khoe ra được đôi vai  xinh đẹp. Tôi lại muốn đưa nó cao đến tận gối để có thể rúc vào đó như  chui vào một cái hang động cổ. Sáng nay, chị đặc biệt tỏ ra hống hách, còn tôi lại  trở nên’ bất kham’.  Chuyện về gia đình Barshinskeys chắc phải dính dáng tới việc này.
     Với một tiếng hét mà tôi hy vọng người nghe sẽ kinh hãi rùng rợn, tôi  tung tấm khăn trải giường lên  cao  cho nó chụp phủ lên đầu Lillian làm chị phải  vùng vẫy để thoát ra. Lúc này trông chị thật  tức cười khi những tấm khăn bùng lên xẹp xuống trong cơn giận dữ của chị:
-     Đây là bóng ma
      Lillian Willoughby
      Đã về âm phủ
      Dưới áo cô dâu
      Vào tuổi mười bốn
     Chị vùng thoát ra được mặt  đỏ lên vì tức giận, tóc tai đã hơi rối ren.
-     Đồ nhóc con hư đốn đáng ghét! Tao không thèm làm giường với mày nữa. Tao làm một mình.
     Chị đẩy tôi ra khỏi phòng , đóng cửa lại. Tôi nghe tiếng chị kéo ghế chặn cửa không cho tôi vào. Nó có nghĩa là Lillian có thể trải giường nệm theo ý  thích của chị, để mình tôi làm cho phòng ngủ của Edwin. Tôi bắt đầu vừa làm vừa  ngó ra cửa sổ.
     Việc đêm qua hoàn toàn là sự thực chứ không phải nằm mơ. Trên mặt đất quả vẫn còn một đống đen ngòm với vài cục than hồng. Đúng y như anh  em tôi đã chứng kiến, nhưng chỉ vì lý do nào đó, cả tôi và Edwin đã không muốn nghĩ tới nó.
     Rốt cuộc, Lillian cũng ra khỏi phòng. Chị có lẽ đã chau chuốt chải lại mái tóc, vì đó là điều chắc chắn chị   phải làm. Từ dưới cầu thang vọng lên, mùi thơm của cháo trong bếp và  lời nhắc nhở:
-    Sophie, con  chỉ còn có vài giây nữa thôi!
-     Để con đi cho Tibby ít sữa đã, được không?
     Đổ sữa vào chén xong, tôi ra mở cửa chuồng cho chú mèo Tibby nhảy ra, và bỗng dừng lại: Ivan Barshinskey đang đứng đợi bên ngoài.
-    Xin chào!
-    Chào!
     Hắn chà ngón chân lên mặt đất với khuôn mặt buồn thiu.
-     Nhỏ ô kê chứ?
-     Ừ!
     Tibby, được giải thoát từ cái chuồng hôi hám, phóng ra ngoài và chạy ba vòng quanh sân, nhảy lên nóc cũi chó rồi qua hàng rào rồi mới trở về với bữa sữa sáng.
-    Sao  nhỏ  nhốt nó chi vậy? Nó đâu có thích.
-   Phải nhốt để chồn cáo đêm về không đến bắt nó.
    Tibby nhìn lên. mặt và râu nó dính đầy sữa và nó hắt xì làm Ivan cười.
     Tôi chưa từng thấy một nụ cười có thể đổi khác một con người như vậy. Hắn hoàn toàn đổi khác, Từ  một thằng bé với gương mặt vàng úa, tư lự lúc nào cũng u buồn  thành một người trẻ hoạt bát và hơi xấu hổ. Đôi mắt nâu của hắn dường như tươi vui và ấm áp và người ta có thể nhìn đó và cho rằng hắn nghĩ mọi thứ trên đời đều rất  vui thú.   Tôi không thể nào tin đó là cùng một con người. Anh chàng Ivan lúc này là một  người tuyệt diệu. Nhìn hắn, bạn sẽ quên đi cái mũi tẹt, đôi chân đất dơ bẩn và cả cái quần mặc  hở cả mông của hắn.
-    Sophie! - Mẹ gọi. - Mẹ nói chỉ có vài giây thôi mà…
    Nụ cười của hắn biến nhanh:
-     Tao đến nhờ nhỏ dẫn Daisy May đến trường được không? Mẹ tao ốm.
-     Sophie! Muốn mẹ phải lập lại lần nữa hay sao…?
     Mẹ từ trong phòng tắm rửa bước ra, và khi nhìn thấy Ivan, bà ngưng lại.
-     Ivan nhờ con và chị Lillian đưa Daisy May đến trường mẹ à!
-     Lillian và con? - Mẹ tự động nhắc lại. Bà nhìn vào  bộ đồ rách tả tơi trên người Ivan. Hắn trông giống như một trong những bức tranh vẽ trong cuốn sách được thưởng ngày Chủ Nhật mà tôi trúng giải, những bức tranh minh hoạ  chuyện những đứa bé trong các khu ổ chuột  đang chết dần vì thiếu ăn  trên các căn  phòng dưới mái nhà. Nó cúi gầm mặt xuống đất và lẩm bẩm một  lời gì đó  kết thúc với câu: ‘…thưa bà Willoughby’. Mẹ chen vào:
-     Xin lỗi! Cậu nói gì tôi không nghe rõ?
    Anh chàng hơi ngẩng đầu lên:
-      Dạ mẹ cháu đang đau.
-     Thôi được rồi, - Bà lạnh lùng nói. -  Sophie sẽ đưa em gái cậu đến trường. Còn tôi sẽ ghé qua nhà xem bà ấy thế nào.
-      Xin cám ơn, thưa bà.
     Trông Ivan lại càng  lợt lạt, bối rối thảm hại hơn nữa. Ô, lạy Chúa, hắn còn chảy  thò lò mũi xanh. Mẹ chắc không thể nào tha thứ  chuyện thiếu vệ sinh này. Phải chi  hắn nở nụ cười. để mẹ ít ra có thoáng nhìn thấy cái khía cạnh thân thiện của hắn, sẽ tốt hơn biết bao.  Bởi tôi biết rằng cho dù nghèo khổ dơ dáy đến đâu cũng không thành vấn đề nếu họ có thể đánh động lòng trắc ẩn của mẹ, để bà thấy cần cư xử ra sao: ‘Ôi những kẻ đáng ti nghiệp. chúng ta phải làm gì đó cho họ’. Tôi biết là   nụ cười của Ivan sẽ  được việc vì nó cho thấy con người hắn cũng dễ thương biết bao. Thế nhưng hắn đã không cười. Trái lại hắn hít vào cái rột.
-    Chờ đó! –Mẹ nói với sự tởm lợm. -  Bà biến vào trong phòng tắm và trở ra với một mảnh áo gối cũ đưa cho Ivan. Hắn cầm lấy không nói một lời, hỉ mũi vào đó rồi quay người  chui qua lỗ rào biến mất.
-     Con không được tới gần tụi nó quá. - Mẹ bảo. – Chúng có lẽ chấy rận đầy người.
     Mẹ có tàn nhẫn quá không? Bây giờ tôi nhìn lại và phê bình bà  dưới lăng kính khác, cái nhìn hiểu biết về sự khó khăn ra sao  để đạt được và gìn giữ  những tiêu chuẩn  vệ sinh và sự kính phục cũng như một vị trí  gần như cao nhất của tầng lớp đặc biệt trong xã hội của chúng tôi.
     Trong làng, gia đình chúng tôi  được kể như  thành phần giàu có, trí thức, đáng kính trong tầng lớp công nhân và lao động. Cao hơn, đó  là các chủ  trang trại và thành phần thuê đất làm đồn điền, còn trên họ là giới quý tộc. Nhưng gia đình tôi thuộc tầng lớp cao nhất của  giới lao động.  Bố là một quản lý trang trại đầy kinh nghiệm. Mẹ từng là một quản gia. Chúng tôi có cuộc sống khá sung túc, phần vì gia đình chỉ có ba đứa con, phần vì bố mẹ làm việc không ngưng nghỉ. Chúng tôi có dư thừa thực phẩm và có thể chia sẻ cho người khác. Nhà cửa sạch bóng như gương. Kho lẫm chứa thực phẩm dự trữ, dưa muối thịt sữa nhiều hơn bất cứ nhà nào. Khăn trải giường do chính tay bà ngoại Cobham nối lại và viền ren, bao ghế và khăn trải bàn được đan móc bằng tay. Hai chị em tôi được đi học đánh dương cầm và được thay đổi đồng phục và áo khoác hai lần  trong tuần chứ không phải một.  Mái tóc cài nơ chứ không cột dây và giày được (bố và Edwin) đánh bóng mỗi ngày. Chúng tôi được nể trọng. Và bây giờ nghĩ lại, tôi hiểu mẹ đã phải chiến đấu  và làm việc hăng say mới có đưọc sự nể trọng đó. Không dễ gì bà để cho nó bị hủy hoại vì có một gia đình ăn mày đến  sống ngay sát nách.
     Mẹ không nói suốt bữa ăn sáng , cứ chỉ múc cháo và rót trà vào tách  với cái lưng thon thả của bà hôm nay dường như thẳng hơn. Chỉ khi bố bước vào, sự im lặng mới vỡ tan:
-     Thế nào! Ông ấy làm việc ra sao? Cái người thợ nuôi bò sữa mới đến….
-     Ông ta  rất  đưọc việc.
     Tôi chờ đợi, thật khổ sở. Ông Barshinskey phải là người thợ giỏi, điều này thật quan trọng. Nếu không, nhà họ sẽ chẳng có gì.
-     Thế bố có để cho ông ta vắt sữa con  Lady Audley rồi chứ?
     Lady Audley là con bò cái trong đàn đã từng đoạt giải. Sữa của nó lúc nào cũng tốt, và khi nó mới sinh con, sữa nó đứng đầu trong đàn. Nhưng nó là con bò khó tính, dễ nổi giận  và cho ra sữa rất chậm khi nó  không vừa ý. Bố  có thể kiềm chế nó đưọc, mặc dù ngay cả với ông, đôi khi nó cũng đạp cả vào thùng sữa vừa mới vắt đầy. Còn ông Hayward và cậu trai vắt sữa đều từng bị nó húc đuổi quanh chuồng khi nó tức giận.  Bố cười:
-    Chưa, con gái ạ! Từ từ rồi bố sẽ để ông ấy làm. Nhưng những con khác  có vẻ thích ông ấy. Con Poppy, Charity. Ông ta  cư xử với chúng nhẹ nhàng dễ thương. Ông sẽ làm được việc thôi. Chỉ có điều hơi có vẻ kỳ lạ.
     Tim tôi  rộn rã. Bố tôi là nhà chăn nuôi gia súc tài ba  trên đời, lại công bình  nhất. Không ai có thể phiền trách ông nếu như ông đã  bực tức với ông Barshinskey,  con người đã lạ lùng lại độc đáo, nhất là trong lần xuất hiện đầu tiên. Nhưng bố tôi, với hành vi chậm rãi đắn đo của ông, đã không hể có chút nào có ác cảm hay làm ông ta tổn  hại. Tôi thấy tràn ngập một cảm giác nhẹ nhõm thật ấm lan truyền tới cả sang những con Poppy, Charity và cả bày bò sữa nhà Hayward . Mẹ không thể xếp họ vào loại vô công rỗi nghệ khi ông ta là người thợ nuôi bò sữa giỏi.
     Lillian bao giờ cũng rời nhà đến trường trước tôi và Edwin. Chị bảo là cần đến sớm để tập dợt  bài nhạc chị  chơi khi học sinh  đi đều  bước vào đúng vị trí trước khi nhà trường tập trung cầu nguyện. Tuy nhiên , tôi biết chỉ vì chị thấy xấu hổ nếu phải đi chung với hai đứa tôi. Không phải lúc nào tôi cũng cư xử đúng đắn. Đi đến trường, mọi thứ của chị  phải trong trọng lịch thiệp, áo khoác ngoài phải trắng tinh và ủi hồ thẳng tắp. Edwin thì vẫn còn phảng phất mùi heo, đi qua lại trước cửa  trong khi chờ mẹ đang cột lại sợi dây trên áo khoác của tôi và nhét vào túi một cái khăn tay sạch.
-     Nghe  đây! - Mẹ  trầm tĩnh nói. -  Con đưa con bé đó tới trường giao  nó cho  cô Thurston. Vào trong lớp không được ngồi cạnh nó và không chơi chung với nó vào giờ chơi. Hãy tỏ ra lịch sự. Lễ độ không mất tiền mua.  Nếu nó hỏi con làm gì hay để đồ ở đâu thì chỉ bảo nó. Thế nhưng không cần phải  quá sốt sắng .
     Tội nghiệp mẹ. Đây là một trong đôi ba lần mà nghĩa vụ tôn giáo   trực tiếp xung đột với nhiệm vụ bảo trì sự được kính trọng trong xã hội của bà.
     Daisy May đang đứng chờ trước cổng nhà cô, và khi nhìn thấy cô bé, lòng tôi như chùng xuống. Rõ ràng đã  có một cố gắng chuẩn bị  hết sức mình  cho Daisy đến trường để cô bé  trông giống như học sinh chúng tôi. Phải chi họ đừng làm thế thì đã tốt hơn. Đó không phải là chuyện đi chân đất hay chuyện mái tóc cột bằng sợi thung. Tôi đã chờ đợi như thế. Tôi cũng nghĩ  cô vẫn sẽ bận bộ quần áo ngày hôm trước. Nhưng cái áo khoác ngoài, tiên sư nó, mới gọi là ‘bộ dạng kẻ ăn mày, cẩu thả bê bối’. Nó đâu phải  là cái áo khoác. Đó là một chiếc áo sơ mi đàn ông đã cũ màu trắng sọc xanh đã được cắt bỏ đi tay áo và cái tà áo thì cong  rủ xuống quanh cái củng (váy) của cô bé.  Ngay dưới bên trong cổ áo lại có một mảnh vá có thể thấy từ phía trước. Một mảnh  vải dài, đoán chừng cắt từ một tay áo đã sờn, được sửa chữa lại cẩn thận làm   cái giải thắt lưng. Trông thật khủng khiếp.
     Daisy May  đăm đăm nhìn  tôi, thoáng liếc qua Edwin, rồi  lại dán chặt vào tôi.
-    Tớ đã sẵn sàng đến trường. -  Cô bé rạng rỡ nói , phần tôi  nuốt nước miếng và cố nở một nụ cười yếu ớt.
-    Đây là anh Edwin.
     Tôi không nghĩ  là Edwin  có hề quan tâm đến sự lo sợ  về việc   sỉ nhục   khi bị đám đông bỏ rơi. Anh đã mười ba tuổi, sắp thành người lớn và đang học lớp cao nhất trong trường. Có lẽ anh cũng chẳng để ý, hoặc nếu có chú ý cũng không hiểu  tâm trạng được hoà nhập  vào cùng trang lứa của một cô bé  phải đến trường với một cái áo đàn ông cũ mặc thay cho áo khoác.
-    Chào ! – Anh nói  mà mắt như không để ý tới cô bé..
     Daisy May  chậm rãi nhìn Edwin từ cái đầu tóc gọn ghẽ tới bàn chân, giày vớ bóng lộn, đoạn quay qua nhìn chiếc áo trắng xếp ly ủi hồ cứng ngắc cuả tôi, gương mặt thoáng chút đau xót. Rồi cô bé mỉm cười:
-     Ở trên mạn Marden, nơi  gia đình mình mới rời khỏi, không còn ai bận áo choàng trắng nữa. Tất cả đã  ăn mặc mốt mới, với nút áo  cài ở phía trước như vầy.
      Tôi không thể trả lời, Edwin lại càng chán hơn. Anh bắt đầu bỏ đi trước làm tôi thêm bất mãn. Trong cái tâm trạng đau khổ bối rối ấy, vả lại tình bạn  hai đứa chưa được  kết chặt, không thể chịu đựng nổi tình trạng  ấy, cả hai  rời rạc bước theo anh.
-     Có hôm có một đứa con gái  mặc áo trắng đến trường và thật đáng s.  Nhỏ đó khóc quá trời khi thấy mọi người mặc áo sọc , có tà áo  cong như  tớ đang mặc đây.  Nó thấy xấu hổ vì…quê một cục. Dĩ nhiên bọn tớ nói không sao, nhưng hoá ra có   đấy. Không ai còn ăn mặc   lỗi thời như thế nữa.
-     Hay quá nhỉ! – Tôi nói mà không nhìn cô.
-     Trên khu Marden, đó là mốt mới nhất .
      Tôi lại đang nghĩ về việc đi vào sân trường với Daisy May. Các cô  gái lớp nhỏ hơn chắc không để ý, nhưng con nhỏ Breda Jefford  và bè lũ của nó thì khác. Chúng sẽ thấy ngay.  Một khi chúng đã thấy thì không yên  cho Daisy May. Nếu tôi đi cùng với Daisy, chắc chắn bọn chúng cũng không để tôi yên.
-     Tớ cứ hỏi mẹ tớ hoài rằng mẹ có thể cố kiếm cho con một cái áo khoác sọc xanh hay không? Mãi rồi  bà cũng kiếm được. Không phải dễ kiếm ra đâu nhé. Chỉ trên phía Marden thì có bán. Đôi khi người ở tận Ashford cũng phải đến đó mua.
     Brenda Jefford có ba đứa  khác trong bọn, nhưng ba đứa này yếu xìu. Khi  không có mặt Brenda, chúng tản ra thành những cá nhân cô độc . Chúng trở nên vô hại.
-     Bồ có thấy nút áo này không? Đặc biệt lắm đó!  Trừ ở Marden ra, không thể nào tìm ra được nút áo loại này trên áo khoác nữ đâu.
          Phải rồi! Làm sao thấy được loại nút này trên áo khoác nữ chứ?  Chúng dùng làm áo sơ mi đàn ông mà. Ngay khi Daisy vừa bước vào sân trường, con nhỏ Brenda sẽ nhận ra ngay. Nó sẽ thấy ngay mảnh vá trên cổ áo để che đi chỗ sờn khi nó còn cái áo sơ mi đàn ông, và dĩ nhiên nó sẽ thấy ngay những nút áo ‘đặc biệt chỉ có ở Marden’.
-     Tớ không nghĩ  có ai ở trường này đã có mốt mới này phải không?
     Edwin đã bỏ rơi chúng tôi và đã đi khuất. Chúng tôi vội vã băng qua sân nhà thờ, sân trường chỉ còn cách một quãng ngắn. Mặt Daisy chợt đỏ ửng lên  và cố tình tạo một nụ cười tự hào ghê gớm. Trong giây lát, tôi có ý tưởng bỏ rơi cô , nhưng ý nghĩ lướt qua rất nhanh. Điều tôi làm cũng tệ hại không kém.
-    Coi nè, Daisy May, tớ nghĩ bồ nên cởi cái áo sơ… ơ…áo khoác ra đi, mặc  bộ đồ phía trong  thôi  đến trường cũng được.
     Nụ cười biến mất. Khuôn mặt cô bé càng đỏ hơn :
-      Sao được? Ai cũng mặc áo choàng, phải không? Tớ đánh cược với bồ là trong lớp bồ không có ai không mặc nó cả.
    Con nhỏ tuyệt đối đúng. Đứa nghèo nhất trong làng cũng mặc. Chúng là biểu tượng của sự lệ thuộc vào sự được kính trọng, và do đó đã được chuyển xuống làng  từ thùng đồ cứu tế và từ Bà Fawcett ở viện Nhà Trắng, người đã  đứng ra thành lập quỹ trao tặng áo khoác và giày vớ cho trẻ em nghèo.
-     Tớ không thể đến trường trong ngày đầu tiên mà không mặc áo khoác. - Cô bé la lên . Mọi sự giả vờ và niềm tự hào bỗng tan biến.
     Giọng cô bắt đầu run rẩy như sắp khóc.
-    Không có giày , không sao. Tớ thật lo lắng. Là mùa hè thì chắc có ai đó cũng không mặc áo.  Có điều áo trong của tớ còn  một mảnh vá dưới cánh tay khác màu  với áo, vì vậy sao có thể không mặc áo khoác ngoài  đi vào học. Nếu gia đình tớ phải sống đây lâu,  bọn chúng sẽ nhớ mãi cái ngày đầu tiên của tớ. Chỗ nào cũng y như thế .  Nó đã xảy ra ở Marden, ở Tonbridge, ở…
     Cô bé lôi ra một đống tên , nhiều chỗ tôi chưa hề nghe nói đến. Cô không khóc như tôi tưởng. Bằng cách nào đó một chút tự trọng còn lại trong cô.
-     Đìều tôi nói vừa rồi về cái áo khoác trắng sọc xanh ở Marden không đúng  vậy đâu. – Cô bé nấc lên. -  Bồ thấy rồi đó. Nó  là cái áo sơ mi đàn ông. Mẹ tớ và tớ  đêm qua hì hục sửa lại hy vọng tớ ăn mặc giống mọi người khác,
     Khuôn mặt tròn khốn khổ của cô lúc này chứa đầy sự hoảng hốt làm cho hình ảnh của Brenda Jefford trở về  trong trí óc tôi; cái dáng  mập ú, dữ dằn của con nhỏ này tiến lại gần với tay chân và giọng nói sẵn sàng tuôn ra  những lời nhục mạ  về  những nhược điểm của một cái áo đàn ông cũ  được dùng làm áo khoác cho nữ sinh, Giờ chỉ còn mỗi một việc tôi có thể làm:
-     Nào! -  Tôi dừng lại dưới gốc cây thủ tùng ở cuối sân nhà thờ. -  Cởi áo khoác bồ ra và giấu nó ở đây. Mình cũng sẽ cởi áo mình ra luôn. Để  lại nó ở đây khá an toàn. Tan học  về nhà  mình sẽ lấy lại.  Cả hai đứa cùng không mặc áo, như vậy chuyện sẽ  khác phải không?
     Trông nét mặt  cô bé  ánh lên sự giải thoát. Tôi phải quay mặt đi vì bối rối. Chiếc áo đáng ghét được cởi ra cột lại một đống bên cạnh chiếc áo ủi hồ xếp ly phẳng phiu của tôi. Tôi nhìn xuống chúng và thấy có gì  đó đáng chú ý đang bắt đầu xảy đến với tôi.  À nó đây. Đó là những nếp gấp màu tuyết trắng, biểu hiệu cho sự cao quý của gia đình Willoughby đã bị nhăn nhúm  nhàu nát trong bọng cây. Và bỗng nhiên tôi trở nên bất cần đời:, Trong tôi tự dưng có một sự  bùng nổ to lớn và sán lạn  vượt ra khỏi  những ràng buộc  của kỷ luật, một sự tự do  lâng lâng, một cảm giác  phấn khởi man dại, chắc  bắt nguồn từ cái mùa hè non dại nóng bỏng, hơn thế nữa  có lẽ từ phần âm nhạc tôi  đã được thưởng thức vào  đêm hôm trước. Con nhỏ này, Sophie Willoughby, mười một tuổi đời, bỗng tự định đoạt cho đời mình. Tôi có thể làm bất cứ gì. Tôi sẽ làm những gì mình muốn. Thế giới đang chờ tôi đến chiếm ngự. Không một ai có thể  chạm đến tôi hay làm  giảm đi sức mạnh ấy. Tôi sẽ bay bổng không lầm lỗi trên đầu những kẻ lùn xủn  quanh tôi. Tiếng chuông lớp  reo vang lên trong sân trường. Tôi có thể đi học hay có thể dễ dàng  quyết định không đi nữa. Tuy nhiên, tại  sao không tiến tới và bắt đầu cuộc cách mạng ngay tại đây?
     Tôi nhìn lại cái áo khoác lần nữa. Những ràng buộc của thời  thơ ấu đã lắng chìm mãi mãi. A! thế vẫn chưa đủ:
-      Tớ cũng sẽ cởi luôn cả giày và vớ nữa. – Tôi bảo Daisy May. - Vậy là hai đứa mình trông giống hệt nhau rồi..
     Giày vớ  được bỏ lại, nhét vào bọng cây, hai đứa tôi vội vã  bước qua hành lang nối nhà thờ vào sân trường học. Trật tự viên đã rung đến hồi chuông cuối. Các lớp học  đã xếp hàng hai . Daisy và tôi nối vào đuôi hàng lớp Năm.  Tôi thấy những cái nhìn sửng sốt của đám bạn cùng lớp, nhưng  thây kệ,  tôi  ngon  hơn chúng mà.
     Cửa sảnh đường mở , vọng ra  âm thanh của Lillian đang gõ vang đoạn khúc nhạc dạo đầu của ‘ The Haymaker’. Chị luôn luôn  chơi bài này vào ngày thứ Sáu. Từng lớp học tuần tự tiến vào vị trí của mình trong sảnh đường, nhỏ trước lớn sau.
     Khi lớp Bốn đã đi vào hết  sảnh đường trước hai bước. lớp tôi theo sau.  Khúc nhạc ‘The Haymaker” thình lình  chuyển qua   hồi kèn vang khúc chiến thắng tự do. Và khi đi ngang cây đàn, tôi gửi cho Lillian một nụ cười cao ngạo và vui thích . ‘The Haymaker’ bỗng bị gián đoạn. Một mớ âm thanh nghe thật chói tai và rối loạn. Tiếng đàn ngưng một lúc và tôi ngoái cổ lại nhìn Lillian. Mắt chị căng ra , trợn lên, miệng chị mở to. Tôi làm một cử chỉ vẫy chào khe khẽ để chị không lầm , và rồi  khuôn mặt chị   biểu hiện ra  điều mà tôi biết quá rõ:  môi mím chặt, má sưng sỉa, mắt toé ra những tia lửa xanh rờn cơn giận dữ  nhắm vào tôi. Nó làm tiếng đàn chị  lạc điệu. Chị tìm lại được giòng nhạc, bản ‘The Haymaker’ tiếp tục , nhưng   âm hưởng biến thành một khúc quân hành phẫn nộ điếc tai.
      Nhìn xuống đôi chân trần, niềm phấn khích trong tôi nguội dần. Cô Thurston đứng  bên lề sảnh đường nhìn tôi đăm đăm với một khuôn mặt  băn khoăn lúng túng. Không lẽ cô phải đưa cho con gái nhà Willoughby danh giá một đôi ủng từ thùng đồ từ thiện? Bọn Brenda thì đang cười khúc khích. Đám còn lại trong lớp cũng mỉm cười hay bối rối quay mặt đi. Ô hô! Ước chi tôi đã không tháo bỏ giày!  Bàn chân giờ đã  lấm đầy bụi cát và mảnh sân trường  xi măng thô nhám hơn tôi tưởng. Khúc nhạc đã ngưng và bài kinh cầu đã  bắt đầu. Tôi có cảm giác đôi mắt của Lillian dán chặt phía sau lưng tôi. Tại sao tôi làm thế nhỉ?
     Daisy May đứng bên cạnh, sợ hãi nhưng cố che giấu. Cô bé có cảm giác tôi đang nhìn nên cô quay qua  tôi nở  nụ cười biết ơn. Niềm phấn khích, sự bùng nổ  tự do xâm chiếm tôi lúc trước  có lẽ đã tan biến, nhưng sự chua xót và  việc bảo vệ người bạn mới  trong tôi vẫn tồn tại.  Mẹ tôi, chị Lillian  và cả ông anh Edwin (tuy anh ở một mức độ ít hơn) đã quay mặt đi với gia đình Barshinskeys, nhưng bố và tôi là những hạt giống khác. Bố con tôi thuộc chính nòi  Willoughbys. Bàn tay chúng tôi không đẹp, nhưng tấm lòng thì không bỏ rơi bạn bè.
      Có hai điều tôi luôn ghi nhớ mãi về cái buổi sáng đầu tiên Daisy May đến trường. Không nói đến buổi chiều vì tôi đã bị phạt giam mình trong phòng ngủ và không được ăn cơm tối để sám hối tội lỗi. Một việc là về cái tên rắc rối của cô bé và điều hai là việc xảy ra với con nhỏ Brenda.
     Ngay sau buổi tập họp cầu kinh đã xong, tôi đưa Daisy May đến văn phòng cô Thurston để giới thiệu. Lúc đầu, cô giáo già chẳng để ý gì đến điều đó. Cô  chăm chú  nhìn vào đôi chân trần của tôi và lắp bắp :
-    Sophie,  có phải… có gì…a…? -   Và rồi cô mím chặt môi. chớp mắt và kéo bảng điểm danh lại gần.
    Trong khi cô gọi tên điểm danh, Daisy khiêm tốn đứng chờ cô ở tại bàn. Điểm danh xong, cô mới bắt đầu ghi tên của Daisy May vào cuối trang:
-    Cô sẽ tạm  đặt tên em ở cuối danh sách  trong kỳ học này. Được rồi, Daisy May phải không?
-     Dạ, cô!
-      Nói  Thưa cô Thurston, Daisy May!
-     Dạ, thưa cô Thurston!
     Cô viết xong chữ Daisy May ,đoạn ngưng lại:  - Daisy May …gì?
- Dạ, Barshinskey, thưa cô Thurston!
     Cô Thurston  di động làn môi trên lên hàm răng giả. Hàm răng này của cô không  vừa vặn lắm nên nó hay bị rơi ra khi cô cười lớn.
-      À phải, Barshinskey. B-A-R-S-H-I…
-     Dạ thưa cô, không phải thế đâu.  Sau chữ S là chữ C (  nên nhớ ông Bố của cô bé là người Nga)
     Cô Thurston cất tiếng ho nhẹ , rồi gạch đi viết lại S-C-I…
-     Dạ, sau C là H… - Daisy lại lên tiếng. Cả lớp bắt đầu xầm xì cười cợt. Mặt Cô Thurston  hơi đổi sắc. Cô  bối rối nói:
-     Cô nghĩ  tốt hơn em lên  viết lên trên bảng đi.
     Daisy May  cầm phấn viết một loạt những chữ B-A-R rồi theo sau  là C-H-S-Z. Cả lớp lại xôn xao xì xầm . Daisy May  có vẻ chịu thua. Còn cô Thurston thoáng vẻ bực tức.
-    Không cần ngu ngốc như thế, Daisy May. Xoá ngay đi và về chỗ ngồi. Em tới ngồi cạnh Sophie đi, vì hai đứa dường như đã là bạn thân thì phải.
     Cô Thurston nói với một giọng  hơi cọc cằn, mà theo cô giáo già, vậy đã gần như là một sự trừng phạt.  Bởi cô là một cô giáo dịu dàng, tử tế,  học thức không cao lắm , sợ những điều vô lý, sợ cách trừng phạt chạm tới thân thể, sợ cả ông Deacon, ông hiệu trưởng.
     Daisy May ngồi cạnh tôi và cô Thurston viết một tên rõ ràng vào sổ điểm danh. Rồi cô đưa cho Daisy một cuốn vở làm bài tập trên đó viết : DAISY MAY BARSHINSKEY, theo cách tiếng Anh mà tôi đánh vần và mọi người từ giờ sẽ viết như thế.
     Trong giờ học Thánh Kinh, Daisy được cô giáo cấp cho tấm cạc đầu của cô bé. Ai ai cũng được phát không tấm cạc đầu. Sau đó phải học để lấy thành tích. Những tấm cạc này rất được học sinh  khao khát, một phần  vì cuối năm  học, ai có nhiều nhất sẽ được thưởng, phần khác vì trông chúng rất hấp dẫn: đó là những tấm cạc cứng  có in  chữ và có bức tranh nhiều màu bóng lộn. Đôi khi có người may mắn được có một ‘trời sao lấp lánh’, đó là một tấm cạc ngoài chữ và hình ảnh còn có rắc thêm những bụi bạc lấp lánh như sao. Daisy  May không quá may mắn thế.  Cái cô bé có được là hàng chữ: ‘ Hãy cho thì sẽ được’ với những chữ màu hồng và xanh, phía dưới là hình vẽ một cô gái nhỏ rách rưới đang cho một con chó thật mập mạp mẩu bánh cuối cùng của cô. Phía sau cô bé, từ một cánh cửa mở, một bàn tay đang vẫy gọi  cô bé  đến một bàn ăn chất đầy nho , táo và cam. Daisy May rất sung sướng với tấm cạc đầu.
     Vào giờ chơi, chúng tôi đi ra sân. Ngay tức khắc, Brenda Jefford,  con nhỏ béo mập hung thần này sẽ tấn công  chúng tôi ở điểm nào? Không mặc áo khoác chăng?  Khó nói. Chắc không đáng  cho nó lên mặt sỉ nhục chúng tôi vì điều ấy, bởi  nó biết rất rõ rằng: tôi, con bé Sophie Willoughby này, luôn luôn có những  áo khoác tốt hơn, sạch sẽ hơn bất cứ ai nếu tôi muốn.
-     Đưa ‘tau’ tấm  ‘ kẹp’của ‘mày’. – Brenda lên tiếng.
     Ba đứa khác trong bọn bao vây hai đứa tôi thành nửa vòng tròn. Trong nỗi tuyệt vọng, tôi nhìn quanh tìm Lillian, không hy vọng chị sẽ tham gia vào trận chiến với bọn Brenda, nhưng đơn giản với sự có mặt  khinh khỉnh và đầy miệt thị của chị sẽ làm bọn côn đồ này chỉ chọc phá kiểu trẻ con  thay vì là một trò hiếp đáp thẳng tay. Nhưng không có Lillian lúc này. Các nữ sinh lớn chuẩn bị rời trường được phép ở lại trong lớp học vào giờ chơi để trao đổi với nhau chuyện người lớn hay đan móc thêu thùa.
-     Nghe ‘ tau noái’ gì chưa? Đưa ‘tau’ tấm ‘kẹp’.
-     Tại sao? – Daisy May trầm tĩnh hỏi.  Nhỏ mập Brenda lúng túng trong  giây lát. Chưa có đứa nào trong lớp dám hỏi ngược thế. Lời của nó là sức mạnh ,là mệnh lệnh. Không ai dám đòi hỏi nó phải giải thích vì sao. Nó lầu bầu:
-     Sao hả! Vì ‘tau noái’ thế!
-     Sao mày nói thế? – Daisy May tiếp.
-     Bởi vì… -  Nó loạng choạng, và tôi cầu  có được may mắn thêm lần nữa, tôi mong con nhỏ sẽ nghĩ lại và bỏ đi, nhưng thật vô vọng.
-      Bởi vì không ai có cái tên như ‘ mài’  được phép có ‘ kẹp’. Đưa nó đâ…y…y…y!
-     Không đưa. – Daisy May vừa nói vừa ôm chặt  tấm  cạc vào ngực. Bọn chúng tới  sát gần hơn.
-     Để  cho nó giữ lại đi làm ơn. -  Tôi nói với một giọng run rẩy yếu ớt. Dường như đó là hành động can đảm nhất trong đời  tôi. -  Tôi sẽ đưa cho bồ tấm cạc của tôi khi tôi có được nó.
     Brenda nhìn tôi khinh bỉ:
-     Rồi ‘mài’ cũng phải đưa nó cho ‘tau’. -   Nó vừa nói  vừa xô tôi vào tường, rồi quay lại với Daisy May:
-      Giờ  có đưa ‘tau’ không thì bảo?
-     Không!
     Thật khó diễn tả sự kinh hoàng mà bọn Brenda gây ra  cho  toàn lớp Năm và cả những lớp nhỏ hơn. Chúng chỉ có bốn đứa, thế tại sao đám còn lại chúng tôi không tập hợp để chống lại  bọn chúng. Thật khó giải thích, nhưng tôi tin rằng cái trò hiếp đáp và  các băng đảng có tổ chức  chỉ đến một cách tự nhiên. Trừ phi bản năng háo thắng  là một yếu tố  vượt trội trong cá tính của một ai đó,  không dễ dàng gì để tập trung một lực lượng và cùng chiến đấu. Người ôn hoà thường hay bị kẻ hiếu chiến bắt nạt,  cho dù người  ấy là một thần tượng và gã hung hăng kia là một tên đần độn. Chỉ khi nào người ôn hoà  có những toan tính cao cả hay nhân danh đạo đức, họ mới đứng lên chống lại trò hiếp đáp. Con người tôi chẳng có được cái ánh sáng  thần thánh bừng cháy trong tim như thế. Vì vậy tôi đã từng bị bọn Brenda hung thần  đuổi bắt đánh đập quá nhiều lần .
     Hơn nữa, ở tầm cỡ thấp hơn,  ngay cái ngoại hình của Brenda cũng đủ gây kinh hoàng trong tim chúng tôi.  Con nhỏ mập như heo lại cao hơn chúng tôi cả cái đầu. Vào mùa đông, nó bận chiếc áo khoác màu mù tạc (hạt cải bẹ xanh) làm người ta nghĩ đến mỡ bò.  Thật khó chịu  khi nhìn một cục  mỡ khổng lồ  di động cả tảng như vậy.
-     Được, -  Brenda hăm doạ. – ‘Tau’ sẽ dùng tay lấy nó..
     Chúng đẩy Daisy vào sát cạnh tôi, bắt đầu sổ tung sợi dây  thung cột tóc rồi lôi tóc cô bé. Brenda dùng tay thoi vào ngực cô, cố cướp lấy tấm cạc trong tay cô bé.
-    Tao sẽ méc cô giáo Thurston. -   Đây là lần can đảm thứ  hai trong đời tôi. Hy vọng  điều đó giúp tôi  khỏi rắc rối.
-     Câm miệng lại. – Brenda vừa nói vừa đẩy tôi thêm nữa. -  Vậy được rồi, Bọn ‘tau”  sẽ đè nó xuống  lấy.
     Bọn chúng  đưa tay ra chụp lấy Daisy May đè xuống đất, và trước sự kinh ngạc của tôi, Daisy May nhét tấm cạc vào dưới cổ, giấu nó vào áo trong,  rồi dùng tay chân đánh trả lại. Giống như một cơn lốc nhỏ,  tay thì đấm, chân cô đá vào cằm của Brenda.  Phải chi cô có mang giày  thì đã khá hơn. Điều đó càng làm bọn côn đồ  mất bình tĩnh và chỉ trong giây lát, Daisy May đã nằm lăn dưới đất. Dù vậy cô bé vẫn không chịu đầu hàng.  Trước khi chúng cướp được tấm cạc, cô xoay người nằm xấp, dùng thân mình để bảo vệ nó.
-    Đưa đây cho ‘tau’. – Brenda  hét lên giận dữ với gương mặt  phì lũ  đỏ hực màu dâu chín, và có tiếng ‘Không” ú ớ từ dưới mặt đất đáp lại.
     Tôi đang chuẩn bị để làm điều can đảm thứ ba trong đời (có thể là, đánh lại bọn chúng), thì từ trong phòng vệ sinh nam, Edwin bước ra. Anh nhìn tôi một lúc  rồi quan sát một đống thân người đè lên nhau  dưới mặt đất.
-    Ô, anh Edwin, tới cứu mau. – Tôi la lên .-  Daisy May đang bị đè dưới đó.
     Edwin không phải là người háo thắng, nhưng anh luôn luôn  giận đến không thốt nên lời khi chạm trán với bạo hành và trò ăn hiếp.  Đã có lần anh gặp rắc rối lớn khi  khám phá  thấy đứa con trai nhà Kelly chơi trò ‘treo cổ’ một con chó hoang. Với bản chất ù lì và kiên nhẫn, anh nhảy sổ vào thằng nhỏ đập cho nó một trận nên thân đến nỗi  nó bi gẫy hai cái răng và cần vài vết khâu trong nướu.  Bà mẹ Kelly  đã đến gào thét với mẹ tôi, và giữa hai người đã có một cuộc đôi co dữ dội.  Bố phải bồi thường viện phí chữa trị và  cố ‘lên lớp’ cho Edwin rằng: cho dù hành hạ súc vật là việc làm tệ hại, chuyện  trừng phạt thẳng nhỏ  quá mức cũng là điều sai trái. Thế nhưng Edwin, mặc cho mọi sự việc , nhất quyết không xin lỗi, và từ đó, bà Kelly luôn rủa anh là ‘thằng nhỏ  Willoughby sát nhân’.
     Lúc này, anh nhìn vào một đống người đang chồng chất uốn éo loạn xạ, mặt anh thay đổi và cơn giận bung ra. Anh nắm lấy cái đuôi tóc của Brenda  kéo nó quăng ra ngoài. Nhỏ mập ngã vào vành lan can của sân trường, như cái mền rách. Rồi anh nắm lấy cổ áo hai đứa khác, cụng đầu chúng vào nhau, và trước khi có thể chộp lấy đứa còn lại, con nhỏ nhanh chóng đứng dậy chạy mất, còn cố ngoái cổ sợ hãi nhìn xem có bị đuổi theo không.  Tôi bỗng lo ngại không biết anh có lại  đối xử giống như thằng con nhà Kelly không, nhưng anh đã dừng lại, mặc dù còn rất giận dữ và còn đang lắc mạnh hai đứa trong tay, nhưng tôi đã thấy anh không có  vẻ nổi điên.
-     Được! – Anh nói. -  Đi vào văn phòng ông hiệu trưởng với tao!
    Một lời van xin tha tội bật ra  từ hai cặp môi run rẩy, và cả từ miệng của Brenda  đang dựa lưng vào lan can. Cán cân quyền lực lúc này đã nghiêng. Edwin là học sinh cấp lớn và lại là một trật tự viên có quyền báo cáo lên hiệu trưởng. Chưa bao giờ anh làm điều ấy, bởi vì kết quả sẽ thảm thương và khó chịu cho người bị báo cáo. Brenda bắt đầu khóc lóc:
-     Đừng báo cáo chúng tôi, - Nó rên rỉ .- Đừng  báo cáo chúng tôi. Xin đừ…ng!
     Màu đỏ trên khuôn mặt Edwin từ từ tan đi, anh buông  hai đứa đồng bọn ra
-    Cút đi. – Anh nạt .-  Đồ con gái ngỗ nghịch.
     Tôi có thể biết chắc anh không còn quan tâm nữa, và bọn chúng chắc cũng đoán thế, nên chúng kéo nhau bỏ chạy trốn vào trong phòng vệ sinh nữ.
-    Có sao không, Daisy May? – Anh tôi  tử tế hỏi, mắt nhìn xuống tình trạng xốc xếch của Daisy May.  Rõ ràng là  tả tơi nhưng không sao hết. Vai cô bé còn run rẩy cùng với một loạt tiếng sụt sùi trong miệng.
-    Em giúp nó đi, Sophie.- Anh thì thào.-  Để anh vào gặp  cô Thurston  xem  có bị thương tích chỗ nào không?
-   Không bị thương đâu….
   Nói vọng lên từ dưới đất, Daisy May ngồi dậy, khuôn mặt lem luốc, và trong tay còn giữ tấm cạc, cũng lấm lem, bị gấp lại ở giữa    một góc bị rách.
-    Nó từng đẹp biết bao…và mới nguyên nữa. – Cô bé nức nở.-  Tớ sẽ không bao giờ có được nữa. Sẽ không bao giờ. Tớ học hành quá tệ. Sẽ không bao giờ có được nữa.
-    Đừng lo, mình sẽ cho bồ vài cái của tớ…
-    Đâu có giống vậy,
     Dĩ nhiên cô nói đúng. Dù cái của tôi cho có như mới, nó vẫn là  thứ đã xài qua tay. Cái xúc động và sự vui mừng đầu tiên  được sở hữu một tấm cạc mới toanh, bóng lộn và không  có điều kiện  sẽ không bao giờ được lập lại.
    Edwin chăm chú nhìn cô. Khuôn mặt không thoải mái của anh hiện lên nét thương cảm tuyệt vọng. Anh bỗng quay lưng bỏ đi.
 -     Cám ơn anh rất nhiều. – Daisy nói  với giọng ứa lệ sau lưng anh. - Quả thực, cám ơn anh nhiều lắm.
     Phía sau gáy anh bỗng đỏ bừng lên. Anh hờ hững đưa tay lên vẫy mà không quay đầu lại. Tôi nghĩ chắc anh hài lòng.
    Đương nhiên, Lillian về nhà trước tôi và tôi đã bước vào nhà chứng kiến một sự im lặng ghê hồn. Nhưng sau cuộc khủng hoảng chấn động  trong giờ chơi , phải thú nhận là tôi đã không lo lắng mấy. Sáng hôm đó tôi đã xem xét căn hầm  nhà và đã sẵn sàng. Nhưng tôi biết là sẽ thêm phần ô nhục khi mẹ lên tiếng la mắng.
 -     Vào ăn  trưa cho xong rồi đi lên phòng ngủ. - Giọng nói bà lạnh băng. -  Mẹ sẽ để bố mày xử lý chuyện này  tối nay.
     Điều này làm tôi buồn nhất. Tôi ghét để bố giận tôi. Điều đó làm bố không vui.
     Bữa cơm trưa có bánh mì nướng hành và thịt ba chỉ ăn với  nước chấm mùi ngò .Tôi cố ăn thật nhiều, bởi biết chắc đó là bữa chót trong ngày của tôi. Không ai nói một câu với tôi, kể cả bố. Chỉ có một điều liên quan đến sự có mặt của tôi trong bữa ăn khi  tôi chìa cái dĩa  lấy thức  ăn của tôi lần thứ hai, Lillian gần như bị nghẹn họng:
-     Coi nó kìa! - Chị  trì triết. -  cứ ăn , ăn và …ăn như không có gì xảy ra cả.
     Chị như không hể đụng đũa, và trên hai gò má lại nổi lên những đốm đỏ của sự  nhục nhã  lúc đầu đã xuất hiện  trong khúc  dạo ‘The Haymaker’ buổi sáng. Tôi toan đáp lại chị, nhưng rồi nghĩ tốt hơn là im miệng  và tiếp tục  nhét bánh vào miệng nhai.  Bụng đã no căng, nhưng tới bẩy giờ tối lại sẽ đói ngay thôi mà.
-     Thật đáng  tởm! -  Chị nhổ nước bọt. - Ước gì nó không phải là em con.
-     Đủ rồi, Lillian! – Bố nói.
 -    Đi vào pha trà đi, con! .- Mẹ xen vào.
     Điều này quả thực là một phiếu thuận của mẹ, bởi trà thường chỉ được  pha sau khi chúng tôi đã trở lại trường học . Xem ra  dường như Lillian đã thành người lớn rồi nếu cô đưọc tham dự vào việc uống trà sau bữa ăn. Ở thời điểm khác, có lẽ tôi đã ganh tỵ và thấy bị bỏ rơi, nhưng trí óc tôi lúc này còn đầy hình ảnh dũng cảm của Daisy May và sự khuất phục của bọn Brenda Jefford.
     Có một khoảnh im lặng khá lâu khi chúng tôi ăn món rau hầm và bánh kem tráng miệng. Rồi bố nhẹ nhàng hỏi:
-     Mình đã qua thăm  bà Barshinskey chưa, Maud?
 Mẹ trả lời lạnh lùng :
-     Rồi! Tôi đã đem qua một ít Aspirin. Sống như vậy chẳng trách gì bà ấy đau ốm. Không giường chiếu không thực phẩm…
-    Vậy là tốt lắm, mình à!  Nếu ai có thể để ý đến  một người đàn bà đau ốm, tôi biết  mình sẽ làm  điều đó thật tốt.
     Bị ngăn lại không nói lên được một tràng tố khổ gia đình Barshinskey, mẹ  đỏ mặt lên, môi mím chặt.  Thật không  quá dễ dàng sống chung với người có tâm địa quá tốt như bố.
     Tôi đã vào giường  ngủ khi nghe tiếng chân của Edwin bước lên cầu thang, và rồi nghe tiếng ồn ào anh đang lục lọi  đống sách vở nghiên cứu về hoả xa trong thùng sách của anh. Điều duy  nhất anh muốn làm khi lớn lên là trở thành người lái xe lửa. Xem ra hơi kỳ cục, bởi dĩ nhiên cậu con trai trong làng nào mà không ước mơ là một  tài xế xe lửa, nhưng Edwin  luôn bám chặt lấy ước mơ ấy. Anh đến nhà ga trong làng rất thường xuyên. Đôi khi được phép đi  lau chùi đồ vật trong phòng  đợi khách và quét dọn quầy bán vé. Anh có một cuốn sổ ghi đầy đủ  thời điểm các chuyến xe lửa đi đến, và anh cùng với ông Watkins sẽ bàn cãi một hồi vì sao chuyến xe 6:10  từ Grinstead đến muộn mất hai phút. Anh lội bộ dọc theo các tuyến đường sắt qua những cánh đồng, những khu rừng  đến nơi xa nhất anh có thể đi bộ đến được, và anh có thể cho bạn biết các dấu hiệu hỏa xa ở chỗ nào, ai đang làm việc ở đó. Ông Watkins có lần cho anh một cuốn sách về luật lệ hoả xa cũ, và Edwin đã học thuôc lòng.  Tôi thì đoán rằng bố hy vọng là anh sẽ trở thành một nhà chăn nuôi gia súc. Chắc chắn không khó khăn gì  để tìm một công việc cho con trai của ông quản lý George Willoughby trong một nông trại bò sữa. Nhưng sự chuyên cần và đam mê cho ngành xe lửa của anh làm bố phải thú nhận rằng ông sẽ phải  để anh đi vào ngành nghề ưa thích của anh, cho dù có nghĩa là anh chắc phải sống xa nhà.
     Dưới gầm giường của Edwin là một thùng chứa sách, tất cả  đều về ngành xe lửa, vì anh đã tiêu hết tiền riêng của anh vào đó.
-     Edwin! - Tôi gọi khẽ và anh bước tới cửa phòng tôi, trên tay vẫn đang cầm  một cuốn sách. – Anh làm ơn đưa Daisy May đến trường, chỉ buổi chiều nay thôi. để cô ấy không phải băng qua sân một mình. Nói với cô ấy vì sao  em không đi được.
-     Được rồi! – Anh do dự, rồi giơ cuốn sách lên. Nó gần như mới tinh và có hình một đầu máy xe lửa ngoài bìa. - Tao biết  tao có tới hai quyển lận.  Một do chú Hubert cho làm quà Giáng Sinh và tao  thì đã mua cuốn kia. Nó cũng không hay ho lắm. Không có những đầu máy  đời mới nhất.  Vì vậy  đem cho đi không ngại.
-    Ô!
-   Tao nghĩ nên đem tặng Daisy May. Không như anh em mình. Gia đình họ dường như chẳng có gì, phải không?
  Ô Edwin yêu quý!  Thật là một điều tốt mà anh có thể làm ( chỉ dở một chút là nếu anh dám đem tặng  một trong những quyển sách mà anh quý nhất) Và tôi cũng mong Daisy May không quá   thất vọng với món quà như  thế.  Dường như Edwin cũng có mối nghi ngại tương tự.
-     Em có nghĩ  đây là điều nên làm ? – Anh hỏi. -  Ý tao là, con nhỏ  đáng thương quá phải không?
     Đó  là anh lập lại cách biểu lộ của mẹ khi thấy ai đó tội nghiệp và đáng giúp đỡ. Tôi cũng chỉ mong bà cũng nghĩ thế với gia đình Barshinskeys.
-    Anh thật quảng đại. Edwin.! Có chắc chắn  là anh có thể đem cho chứ?
     Anh ngưng một lúc, có vẻ xét lại, nhìn kỹ cuốn sách:
-     Coi nào! Tao có thể tặng cho nó cuốn khác, cũ hơn. Coi không đẹp bằng cuốn này, nhưng không thành vấn đề. Nó cũng không hay lắm…
     Rồi anh bỏ đi.  Tôi trở lại giường, chuẩn bị chịu đựng sự bực bội và nhàm chán bị treo giò  trong một buổi chiều hè tháng Năm lê thê và nóng bỏng và (sẽ có) thêm bài  giảng luân lý của bố vào buổi tối. Nhưng dĩa bánh thịt nguội hồi trưa đã  tỏ ra một liều thuốc ngủ thật hữu hiệu. Tôi đã trôi vào giấc mộng thích thú:  trở thành người lớn và trở nên xinh đẹp như chị Lillian. Đôi khi một cuộc ‘ngồi thiền bất đắc dĩ ‘  cũng có thể trở nên dễ chịu.
     Tôi có một việc làm vào những ngày thứ Bảy, đến dọn dẹp trang trại làm sữa của ông Hayward và phụ giúp rửa ráy nồi chảo. Tôi được trả công  sáu đồng xu mỗi buổi, vào thời buổi này được coi quá hậu. Một nửa số đó  được trả thẳng vào một trương mục tiết kiệm của bố, một xu để cúng nhà thờ ngày Chúa Nhật, một xu tôi đem bỏ vào ‘heo tiết kiệm’ của riêng mình, xu cuối cùng đem ra tiệm bánh kẹo của cô Penfold tiêu thoả thích. Tôi chẳng phiền hà gì vì phải làm công việc này, bởi nhờ nó, tôi tránh không đụng chạm mẹ nhiều trong một ngày bà phải nấu nướng nhiều hơn.  Thứ Bảy là ngày bà phải chuẩn bị  ăn uống luôn cho ngày Chúa Nhật để ngày này không phạm vào luật sabath, luật kiêng việc xác ngày Chúa Nhật.
     Tôi cũng thích nông trại Hayward này . Ông chủ trại tính khí hơi bất thường và nóng nảy, nhưng bà vợ ông là một bà chủ nông trại hoàn hảo:  điềm đạm, nhạy cảm, siêng năng và quảng đại. Họ có một cậu con trai tên Peter , mười sáu tuổi, làm việc trong trang trại của nhà, lúc nào cũng cho tôi một cái gì đó khi tôi xong việc, lúc thì trái táo, khi thì một vốc hạt dẻ, và có lần là một bộ sưu tập tem. Bất cứ khi nào chủ đề về tương lai của tôi được bàn thảo trong nhà, tôi luôn hy vọng có người đề nghị tôi  sẽ được nhận vào công việc bình thường  ở nông trại nhà Hayward. Tôi muốn thế. Nhưng mẹ lại có chủ đích đưa tôi vào phục vụ viện Nhà Trắng. Tôi không nghĩ bà coi trang trại Hayward  là những chủ nhân đủ xứng đáng cho tương lai của một đứa con gái dòng họ Willoughby.
     Sau khi ăn sáng và rửa chén bát xong, tôi rời nhà đi làm, tôi lên vườn băng qua những lùm cây, những cọc rào để vào cánh đồng nhà Tylers.  Coi kìa, có người đang vạch cái hàng rào nhà ‘tổ cú’ chui ra. Thì ra là ông Barshinskey.
     Thật bất ngờ và  ngạc nhiên khi lại gặp ông, trông ông càng  to lớn, càng…khác lạ. Hôm nay quanh sườn ông đeo một sợi dây da làm cho ông trông gọn gàng hơn trong chiếc aó khoác ngoài, ống quần được bó vào trong giày. Trên đầu ông là cái mũ  dẹp đội chéo, và thay vì cài hoa dại vàng, trên đó là một nhánh bông mận hoang nở rộ gài trên giải băng. Bỗng nhiên tôi thấy xấu hổ không dám mở lời, nhưng  đã không thành vấn đề. Ông bước ngay tới trước mặt tôi nở một nụ cười, cái cười y hệt Ivan.
-     Nè!  Chào  cưng nhỏ!
-     Xin chào bác  Barshinskey!
-    Ha!. – Ông lắc lư cái đầu qua lại như một con chó to và tỏ ra hết sức phấn khích . -  Nhỏ biết ta là ai rồi à, cái con bé này?
-     Cháu biết bác làm việc chung với bố cháu, thưa bác.  Gia đình cháu  ở ngay cạnh nhà bác đây.   
-     Dĩ nhiên, Đúng rồi. Cưng nhỏ là con cái nhà  Willoughby đây. Vậy là nhỏ sẽ chơi với Galina của ta, và cả con Daisy May nữa. -  Khi ông nói tới tên Daisy May, giọng ông nghe khá kỳ dị và lạ hoắc, cái môi trề ra kéo lê  hai chữ làm một. Tôi nói :
-      Thứ Bảy cháu không có đi chơi. Cháu cũng đến nhà ông Hayward làm việc như bác.
-     Tốt! Vậy thì mình cùng đi.
     Nói rồi ông đưa bàn tay vĩ đại của ông ra, một bàn tay trông hoàn toàn không thể nào chơi đàn vĩ cầm giỏi hay vắt sữa bò lành nghề được. Tôi còn đang lưỡng lự, ông đã  nắm lấy mấy ngón tay tôi.
-    Vậy thì , cháu tên gì hả cưng nhỏ?
-    Cháu là Sophie, thưa bác!
-     Sophie… Ho hum… -   Ông nhìn xuống, lại nở một nụ  cười, và gương mặt ông, trong ký ức , tôi chỉ có thể diễn tả    rực sáng. Đứng gần ông mới thấy rõ đôi mắt ông  không đen như  thoạt nhìn lúc đầu. Đó là đôi mắt màu nâu vàng ấm áp đang mỉm cười và quan sát tôi và biểu lộ đủ loại ý tưởng lạ lùng hay ho. Ông bắt đầu ư ử trong miệng  một đoạn nhạc , rồi từ từ bật ra thành  từ, những từ ngữ lạ mà tôi chỉ nghe được  hai chữ Sophie. Chúng tôi đi lên đồi, một người ca hát, một người bối rối im lặng. Ông  ta thật kỳ diệu, to lớn và ấm áp.  Tay ông mạnh mẽ  quá làm tôi bắt đầu hiểu vì sao ông có thể chơi vĩ cầm  và vắt sữa bò. Tôi trộm liếc nhìn ông. Tóc râu, toàn một màu đen nhánh, bóng bẩy và gợn són, dường như  chúng cũng rực lên trong đời sống của riêng chúng.. Từng cử động trên cái miệng, từng bước đi dưới đôi chân, từng âm thanh của giọng nói trầm trầm như nổ ra từ trong sâu thẳm  của lồng ngực biểu lộ   một năng lượng  đầy xung mãn như muốn vỡ oà.. Ông nhìn tôi , ngưng hát và lại cười.
-    Sao cưng có thể nhỏ xíu như thế, con bé Sophie này.! Nhưng  mà để coi, -  Ông nhìn xung quanh. - mọi vật ở cái đất Anh quốc này có gì không nhỏ, không tí hon. Nhìn khu rừng kìa! – Ông vẫy tay về phía  mảng cây  um tùm rậm rạp  chia cách cánh đồng nhà Tylers và con đường. -  rừng bé tí, đồng bé tí, con gái cũng bé tí. – Khi ông nói tới chữ  ‘tí’ , giọng ông bốc lên . âm thanh thì nhỏ lại cho hợp với chữ  nhỏ.
     Rồi ông tiếp tục nói, giọng lại trầm xuống trong một âm điệu  sầu muộn:
-     Ta đến từ một nơi, cái gì cũng to lớn, vĩ đại. – Ông lại lắc lư cái đầu. – Cưng  phải đi coi núi rừng nơi ta  từng ở. Cây cối to lớn, um tùm hiểm hóc.  Nhỏ mà ở đó vào ban đêm, coi chừng  có chó sói  và cả gấu nữa. Ban ngày cũng có luôn.
-     Bác từ đâu tới vậy, Bác Barsinskey?
-     Nước Nga. – Ông buồn bã nói và thêm : -  Một đất nước khổng lồ.
 Lúc đó tôi không thể nhớ  nước Nga  nằm ở chỗ nào., và như thế phải chờ tới tối mới có thể vào phòng khách mở  coi cuốn bản đồ thế giới. Nhưng  mọi người ai cũng  đều nghe nói về nước Nga và biết đó là một vị trí xa lạ và hoang sơ. Nhưng ở tại đây, đang có một ông Barshinskey, một người Nga bằng xương bằng thịt, một người đang đi làm việc nuôi bò sữa trong nông trại Hayward. Và người ấy đang nắm tay tôi.
  -      Ở nước Nga, - ông nói tiếp -  Có giống đại bàng hay tập kích tấn công những loài vật nhỏ ( như tôi đây). Nếu chúng lỡ làm rơi xuống đất , thì lũ gấu và chó sói cũng tới đớp liền.
    Bỗng nhiên, ông nhấc bổng tôi lên đưa lên ngồi trên vai ông. Từ trên cao,  tôi thấy được con đường, , mảnh rừng rậm rạp và xa xa là đồng cỏ nhà Haywards  thả đầy bò.
     Ông ngửng đầu lên nhìn tôi và bật  cười lớn, cái cười vang dội phô  ra hàm răng trắng toát. Và khi thấy tôi cũng cười theo. Ông  thúc nhẹ cái đầu vào cạnh sườn tôi. Cái mũ đội trên đầu ông lệch qua một bên, ông làm một cử chỉ nháy mắt.
     Trong khi đang ngồi trên vai ông  nhìn mặt đất từ từ biến nhanh dưới bước chân sải dài vững chãi, một cảm giác ấm áp và bất lực thâm nhập vào toàn thân tôi. Nó phát xuất từ đôi vai to lớn ấy, nguồn  năng lực và nhiệt lực chảy ngược lên làm tôi cảm thấy vui sướng, hài lòng, nhưng đồng thời lại  vắt cạn những gì thuộc về riêng tôi, cái con bé Sophie này. Tôi vòng tay ôm lấy đầu ông, phần để giữ thăng bằng, nhưng thực ra  chỉ vì không biết làm gì khác. Ông giống như một thỏi nam châm. Ở cạnh ông chỉ  cho ta cái cảm giác cần phải  chạm vào ông. Cuối cùng, ông  lại ca hát, bài ca sầu thảm mà ông đã chơi quanh đống lửa trong đêm.
     Kết thúc bài hát, ông lại ngửng đầu lên và hỏi:
-      Có lẽ ta sẽ  làm một bài ca nho nhỏ cho cưng nghe con bé? Một bài ca đặc biệt dành cho  Sophie. Nhỏ có muốn không?
-    Có chứ ạ! Thưa bác!
     Một làn sóng ganh tỵ giùm cho Ivan và Daisy May thoáng qua trong tôi.  Thử tưởng tượng có một người cha như thế.
-     Rồi bác sẽ chơi bài nhạc cho cháu này với cây vĩ cầm của bác chứ?
-     Có thể có. Cũng có thể không.
-     Thế cháu có thể học chơi vĩ cầm được không bác?
-     Không!
-    Sao thế?
-    Người nước Anh không  có tâm hồn để chơi vĩ cầm . Họ nhỏ nhoi quá.
-     Cháu chơi được dương cầm mà.
     Đong đưa trên vai ông, tôi nói một cách mơ mộng.  Còn ông lại làm một tiếng  ‘xì’ ra ý ông nghĩ gì về những người chơi dương cầm. Rời con đường tiến vào cánh đồng của ông Hayward, những con bò đang thảnh thơi gặm cỏ, chúng tôi dừng lại. Ông Barshinskey  nhìn quanh cánh đồng và những con bò, rồi bỏ tôi xuống đất. Tôi cảm thấy lạnh. Dường như trong tôi có gì vừa mới bị cắt chia.
       Khi băng qua cánh đồng, đàn bò tiến về phía chúng tôi  và ông  Barshinskey bắt đầu gọi chúng bằng một thứ ngôn ngữ lạ tức cười của ông: Poppee…Daizee…Victorieeea…, và chúng tiếp tục tới gần và sục mõm  vào sườn ông, và  cứ đi theo sát cạnh,  thỉnh thoảng lại ngửng  lên dùng đầu húc khẽ vào ông một cách mơn trớn.  Điều này không có gì ghê gớm, Có điều, ai hiểu biết về loài bò, đó là điều khó tin. Chúng là loại sinh vật tò mò. Khi thấy con người, chúng thường có phần chăm chú nhìn, Nhưng khi ta bước tới gần, chúng lại nhút nhát quay đi. Ông Barshinskey mới chỉ  làm ở nông trại có một ngày mà đã thu hút được chúng giống như nhân vật truyền thuyết Piped Piper thành Hamelin.
     Ông  vuốt cái mũi mềm của một con, xoa tay lên mông một con khác, rồi ông bỗng dừng lại nhìn chăm chú vào một con trong đàn. Ông xua nhẹ  những con khác qua  một bên rồi khom mình xuống  quan sát con này, chạm nhẹ lên mấy bầu vú của nó.
 -     Không xong! – Ông  lẩm bẩm. -  con này không xong rồi. Rồi ông vỗ nhẹ cho nó bước  đi trước ông, từ từ tách khỏi đàn đi về hướng cổng ở cuối cánh đồng.
-     Để ta mang con này về cho papa của cưng. – Ông bảo tôi. – Con này đang ốm đây!
     Ông bước qua cổng và biến vào trong cái chòi ở  sau nông trại, bỏ lại mình tôi với tâm trạng rối rắm, phấn khích và cảm thấy mình, trên một phương diện nào đó cũng không khác  đàn bò đã theo ông trong cánh đồng.  Tôi còn đang đứng nhìn ông đi khuất khi ông Hayward đi tới và bảo tôi  trở về chỗ làm việc  cho ngoan bởi vợ ông hôm nay rất bận rộn.
     Tôi yêu bà Hayward. Tính bà nghiêm  nhưng không thay đổi thất thường như mẹ tôi. Là một Kitô hữu như chúng tôi nên bà cũng phải nấu nướng ngày thứ Bảy(để giữ luật Sabbath). do đó bà cần người giúp đỡ công việc  làm sữa. Bà mới hoàn tất việc lấy kem ra khỏi sữa và chuẩn bị khuấy khi tôi đến.
-      Bác gái Hayward ơi! chắc bà không đoán được việc này đâu. – Tôi nói, bởi vì  đang cần chia sẻ tin về ông Barshinskey với một ai đó. -  Bác thợ nuôi bò sữa mới  có thể kéo đàn bò đi theo ông ta, và vừa nhìn thấy con Tansy là ông biết ngay nó bị ốm. Ông đã đưa nó ra khỏi đàn  Và bác gái biết không, ông là người nước Nga đó!
-     Cháu bỏ phần kem nổi này vào trong  tủ đi, rồi bắt đầu rửa chảo. Sáng nay có nhiều việc phải làm. – Bà nhíu mày. – Con Tansy bệnh ra sao?
-     Cháu không biết. Nhưng ông Barshinskey vừa thấy nó là nhận ra nó đang ốm.
-     Vậy thì cháu đi khuấy bơ đi trước khi rửa chảo, Tay cháu có sạch không đấy?
-     Dạ có thưa bác gái. – Tôi giơ tay ra cho bà coi.  Được khuấy bơ là một vinh dự lớn, và ít khi bà cho tôi làm. Tôi hì hục quay cái dầm  cho đến khi bơ xuất hiện, từng đốm nhỏ vàng ánh  nổi trên bình sữa . Bà Hayward đã đi gặp chồng nói chuyện và khi bà trở lại trông có vẻ lo âu.
-     Tansy không được khoẻ. – Bà nói. -  Bố cháu đang  chăm sóc nó. Sophie, tốt hơn cháu đưa phần bơ đó đây  để bác lo tiếp. Còn cháu đi rửa chảo và sau đó thì  cọ sàn.
     Tôi tiêu cả buổi sáng trong giấc mơ tôn thờ ông Barshinskey như một thần tượng. Có những điều bất thường trong đời sống của ông tôi đã không lý tới, hoặc cho dù thấy, tôi đã không nối kết chúng với ông, với khuôn  mặt có kích thước  anh hùng. Đúng là tôi biết người vợ của ông phải đẩy chiếc xe nặng nề, và đám con ông bị đói, nhưng những điều này chẳng liên hệ gì  tới một ông Barshinskey anh hùng, người đang sắp viết một ca khúc cho riêng tôi.
     Khi  đến giờ về nhà, tôi cố nán lại một hồi, hy vọng ông Barshinskey cũng ra về, nhưng không thấy bóng dáng cả ông lẫn Peter Hayward đâu. Có lẽ họ đang bận rộn vì con Tansy. Cuối cùng tôi đành   về một mình, đi qua khu rừng nhỏ của tôi nơi chẳng có những con gấu hay chó sói  hay đại bàng chờ  để tấn công. Chỉ có Ivan đang ở đó . Hắn đang lượm củi bỏ vào bao.
-     Chào! – Hắn nói, hơi kéo lê chân một chút, rồi tiếp. – Cám ơn …nhỏ nghen ! Về ngày hôm qua í. Nhỏ đã chăm sóc tốt cho Daisy May. Nó có nói với tao.
-     Ivan!  Sao anh không bảo tôi anh từ nước Nga đến?
    Hắn bỗng đứng yên như tượng đá. Rồi  bàn tay chụp lấy cái bao củi và đứng thẳng người lên, chăm chăm nhìn tôi  với khuôn mặt đầy buồn rầu phẫn nộ.
-    Tao không từ nước Nga tới. - Hắn phân minh. -  Tao là người Anh. Mẹ tao  người xứ Dover  và đã sinh ra tao ở Wateringbury.
-     Nhưng bố anh, ông  ta là người Nga.
-   Ông là dân Nga. – Ivan nói một cách vô hồn rồi quay qua tiếp tục lượm củi.
-     Ồ Ivan, anh thật may mắn.  Nào được nghe vô số chuyện hay ông kể. Được nghe ông chơi vĩ cầm tuyệt vời.  Bố anh còn nói chuyện được với đàn bò nữa chứ. Ngay cả bố tôi làm việc cả đời với chúng cũng làm không được. Bố anh thật khác thường Ivan ạ. Tôi ước gì có được ông bố lạ thường như anh.
-     Đừng  ngu ngốc!  Nhỏ chẳng biết gì về ông ta cả. Vậy thì nên câm miệng lại.
     Hắn đứng thẳng lên, cao lớn với gương mặt lợt lạt và đôi mắt bỗng dường như xếch và rực sáng hơn. Hai đứa đã từng cãi lộn, nhưng lần này thì khác. Hắn nói với tôi như một người lớn nói với con nít. Tôi e ngại rằng đã làm hắn tổn thương nặng nề mà không hiểu tại sao.
-     Có vấn đề gì Ivan?
     Hắn  chỉ bỏ đi. Từ phía sau lưng, trông hắn bỗng giống hệt ông bố.  Hắn không to con, nhưng nhìn dáng đi của hắn, những bước chân sải dài mạnh bạo như hơi muốn đe doạ làm cho ta quên đi cái thân mình mảnh dẻ với chiếc quần tả tơi. Tôi  quên đi sự thần kỳ của ông Barshinskey và trở nên tức giận Ivan.  Mọi thứ từ sáng tới giờ thật là tuyệt vời, thế nhưng hắn đã phá hủy hết. Bởi vì  cái gì chứ?    tôi đã thần tượng hoá ông bố của hắn?
     Bước vào nhà  có một bữa ăn ngon miệng đang chờ sẵn,  thịt trừu nướng  rưới nước sốt bạc hà ăn với  khoai tây trộn và bắp cải tươi, nhưng tâm trạng tôi đã tiêu tan và không còn thấy ngon miệng như những bữa ăn ngon vào thứ Bảy từ trước. Bố về nhà muộn và mẹ  đã phải giữ phần ăn của bố cho  nóng. Khi ông về tới thì toàn những chuyện về ông Barshinskey, về con bò Tansy với bệnh viêm vú.
-     Tôi chưa hề thấy như  vậy bao giờ mình ạ! - Bố nói với một sự linh hoạt khác thường. -  Ông ta  lựa nó ra ngay cả trước khi có bất cứ triệu chứng nào khả nghi. Làm cho tôi và ông Hayward  phải quan sát một thời gian mới cảm thấy bệnh viêm vú đang xuất hiện.  Cho tới lúc chúng tôi đã hoàn toàn xác định bệnh trạng, ông ta đã chuẩn bị xong thuốc  trị và đắp thuốc lên chỗ đau cho nó. Tôi có thể  chắc rằng nó sẽ mau khỏi thôi. Chiều nay ông ta  sẽ đi coi lại  cả đàn bò. Nếu có  gì thấy nguy hiểm, chúng tôi sẽ vắt  kiệt đám sữa độc hại ấy đi. Vừa vắt sữa, ông vừa ca hát cho đàn bò nghe, dĩ nhiên  với ngôn ngữ riêng của ông. Mặc dù  là tay nghiện rượu, ông ta có vẻ đàng hoàng. Ồ quả thật, tôi phải công nhận một điều: ông Hayward đã lựa đúng người.
-     Điều khốn nạn là ông ta chẳng tốt với đám con như với đàn bò. - Mẹ lạnh lùng nói. -  Cái con nhỏ đó sáng nay có qua đây hỏi xin  bánh ngọt và một ít trà.
     Tôi sững người .  Chắc chắn  một Daisy May, từng giả bộ coi chiếc áo sơ mi đàn ông  là chiếc áo khoác đặc biệt và từng dám chống lại bọn Brenda Jeffort khủng khiếp chỉ vì một tấm cạc đẹp sẽ không đến ăn xin mẹ như thế.
-    Đứa nào vậy mẹ?
-   Con nhỏ nước da ngăm ngăm, bận chiếc áo dài rách rưới bẩn thỉu và có một lối xin xỏ đểu cáng.
-     Rồi mình có cho nó bánh và trà không? - Bố hỏi.
-     Không, Tôi bảo nó là sẽ tự mình đi qua bên ấy  coi mẹ nó thế nào. -  Môi mẹ hơi cong lên . -  Nó lên tiếng chửi thề. Có điều tôi không hiểu  vì nó dùng ngôn ngữ lạ. Rồi nó cau có bỏ chạy. – Bà trừng mắt quanh bàn nhìn  Lillian, Edwin và tôi. -  Nếu nó là con cái nhà này, mẹ biết sẽ phải làm gì.
     Vâng , đúng thế; và chị em tôi cũng biết. Nhưng sau đó khi làm công việc ngày thứ Bảy của tôi ở nhà là kỳ cọ mảnh sân gạch  trước nhà sẵn sàng cho ngày Chúa Nhật, tôi  ghi nhớ lại câu chuyện và thấy chán chường biết bao về  việc gia đình Barshinskey lại  gây thêm một điểm xấu với mẹ. Họ là bạn tôi, đặc biệt ông bố và Daisy May. Mỗi giây phút  tôi sống với họ vào  mùa hè năm ấy , thôi đành thông cảm cho mẹ.
    Chiều hôm đó tôi có gặp Daisy May một lần ở trên tiệm bán tạp hóa trong làng. Edwin lỡ tay làm bể cái chụp đèn nhà bếp (thế nào cũng bị nghe  mắng điếc  tai), và tôi phải lên chợ mua ngay trước khi tiệm đóng cửa.  Daisy May đang ở đó, mặt đỏ ké và trên tay có vài đồng bạc. Tôi nhớ  bố vừa mới nói ở bữa ăn  là ông Barshinskey đã hỏi  lãnh hai ngày lương. Cô bé  đứng nhìn những hộp bánh bích qui, những gói nho khô và trái vả, những hàng trái cây hộp chất trên kệ dọc theo tường đằng sau  ông Sitford. Rồi cô hỏi mua  một ít  hạt gạo lúa mạch. bơ và một bao nến. Sau khi  ông Sitford  đã tính giá tiền xong. Cô bé nhìn vào mớ tiền trên tay rồi hỏi  ông có còn bánh mì cũ (làm hôm trước) không.
     Tôi bước vội ra ngoài tiệm và làm bộ như vừa mới đến. Không ai muốn người khác biết mình hỏi xin một ổ bánh mì đã cũ.
-     Chào Daisy May!
-     Chào Sophie! -  Cô bé  đang cầm một cái túi đi mua đồ, trong đó cùng với những thứ đã mua, cũng còn một cái gì vừa dẹp vừa cứng. Khi nhìn vào, tôi thấy đó là cuốn sách về xe lửa của Edwin.
-     Sách không hay lắm phải không? – Tôi xin lỗi. -  Bởi Edwin chỉ mê một thứ  là xe lửa. Anh chàng không hiểu  là người khác có thể không thích xe lửa như anh.
-     Cuốn sách  đẹp quá !. – Cô bé nói  rất nhiệt thành, ôm chặt cái túi vào người. - Tớ nghĩ cuốn sách thật đẹp.
-      Chờ chút, tớ đi lấy cái chụp đèn.
     Khi tôi bước ra, cô bé vẫn đang ôm chặt cái túi, y như lúc cô giữ chặt tấm cạc ở sân trường.
-     Sao bồ mang theo nó chi vậy?
     Do dự một chút, rồi cô bé trả lời:
-      Tớ không biết cất nó chỗ nào. Tôi không muốn Galina hay bất cứ ai trong nhà biết tớ có nó.
     Tôi cho rằng mình hiểu điều cô bé nói. Ai cũng muốn có những thứ thật riêng tư, kể cả đối với người trong gia đình. Nhưng thực ra tôi chẳng hiểu gì cả, không phải lúc đó. Chỉ sau này tôi mới nhận ra vì sao cô bé đã phải luôn luôn mang theo trong mình những vật sở hữu đặc biệt quý giá của cô.
      Trờ về gần đến nhà, buổi tối một đêm thứ Bảy đã lờ mờ chập choạng trên đầu. Cứ theo tôi thì đó là buổi tối tệ hại nhất trong tuần.
-     Tớ ghét buổi tối thứ Bảy. – Tôi thình lình nói, tự cảm thấy một lòng tin cần có thêm một lòng tin khác. Cô bé nhìn tôi thật tò mò và hỏi:
-     Sao thế! Thứ Bảy có gì khác lạ?
-    Ồ!  Đó là tắm rửa, gội đầu, nhà tắm thì ướt át, mẹ hay nổi giận và bố lại không vui vì tụi tớ không học thuộc đoạn Thánh Kinh trong tuần. Còn Lillian thật dễ sợ. Chị ấy đang chơi đàn cho các bài Thánh Ca  trong lễ Chúa Nhật. Vì thế chị ấy thực tập suốt buổi tối. Đó là cách để trốn việc, không phải giúp   chùi rửa xoong nồi và  lau sàn nhà.
    Daisy nghe một cách thích thú.   Cô bé hỏi tiếp:
-     Thường Chúa Nhật bồ làm gì?
-     Cũng chẳng làm gì nhiều. – Tôi  trả lời hơi chán . -  Ngoài việc  đi dự lễ , mặc  quần áo đẹp ngồi nghe  thuyết giảng và ăn uống. Có cái là được ăn ngon và mẹ tớ luôn luôn dịu dàng. Buổi tối thì hát thánh ca, sau đó có thêm bánh ngọt và  uống cô ca trước khi đi ngủ.
     Daisy May nuốt nước miếng:
-     Tại sao  được ăn ngon ? - Cô hỏi.- Có gì đặc biệt?
-     Thế nào cũng có thêm một vài món, xà lách hay cần tây trộn hoặc một thứ gì đó.  Mẹ luôn luôn mở   một hộp mứt mới.  Các loại bánh làm hôm thứ Năm.  Lại có thêm cá khô, kẹo dẻo và trái cây…
    Tôi đột nhiên ngừng lại,  thấy mình sao quá vô ý thức.  Thì ra tôi cũng tệ  đâu thua gì Lillian. Cũng khoe mẽ đủ mọi thứ trong bữa ăn ngày Chúa Nhật  trong khi gia đình họ chỉ có bánh mì cũ và bơ.
-      Mai bồ có muốn qua nhà tớ dùng bữa tối không?.- Tôi hỏi.
-    Ồ! Không đâu, cám ơn…
-     Tớ có thể mời một ai đó về nếu tớ muốn. Mẹ nói là  tớ có thể mời bạn đến nhà chơi trong ngày Chúa Nhật . Vậy mai bồ qua nhé!
     Phải. Mẹ có nói   là tôi có thể đưa bạn về nhà, nhưng thường phải cho bà biết tên trước để bà kiểm tra thông tin, và nếu người bạn  qua được ải thông tin này, bà sẽ xin  phép mẹ nó và cũng phải hiểu rằng trong vòng hai tuần lễ , những lời ca ngơị sẽ được gửi trả. Vì vậy mà tôi mời Daisy May đến ăn tối. Không chỉ là mời. Gần như là ép cô bé tới.
-     Bồ có chắc là được không? Tớ nghĩ  tốt hơn bồ hỏi mẹ bồ trước đã.
-     Không cần đâu! – Tôi nói. -  Bồ sẽ được  đón chào. Bữa ăn vào năm giờ rưỡi.
-     Bồ chắc chứ? -    Đôi mắt cô mở to và sáng rực, y như lúc cô Thurston cho cô  tấm cạc ở trường. Cô đứng lại  trong tay vẫn ôm chặt cuốn sách về xe lửa chán ngắt của Edwin và ngỏ lời cám ơn tôi đã  mời cô đến ăn tối. Khi đến cổng nhà, cô quay qua hối hả nói:
-   Tớ nghĩ  bồ có một gia đình hoàn thiện nhất mà tớ được biết.  Gia đình bồ thật tốt, tất cả mọi người. trừ Lillian. Ivan và tớ nghĩ vậy. Ivan không thích chị ấy. Nhưng những người khác, gia đình bồ thật là…tuyệt diệu.
    Nói xong cô bé bối rối biến vào trong khu vườn ngôi nhà  ‘tổ cú’.
     Gia đình tôi thật tốt?  Tôi buồn bã nhắc lại. Nhưng rồi cô bé có còn
nghĩ thế không nếu tôi phải rút lại lời mời của tôi hoặc nếu cô đến dự bữa ăn tối với gia đình tôi  trong sự đối xử lạnh nhạt của mẹ? Tôi dậm chân tức tối trên con đường về, cảm thấy tự ghét. Tại sao tôi lại làm vậy? Không bao giờ học được  bài học sao?  Sẽ phải nói gì với mẹ bây giờ? Mẹ đã bảo tôi không được chơi với đám con nhà Barshinskey, mà tôi giờ lại mời họ về nhà ăn cơm tối.  Rồi tối nay là tối thứ Bảy, ngày mà mẹ hay nổi nóng , phòng tắm rửa  thì nóng chảy mồ hôi vì nồi nước nóng. Và rồi ngay khi bước vào cửa sau, tôi đánh rơi cái chụp đèn bể tan. . .
        Lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa. -  Tôi thốt lời cầu nguyện thật nhiệt tâm trong  đêm đó sau  khi đã tắm rửa, gọn gàng sạch  sẽ  trong bộ đồ ngủ mới gìặt (tuần 1 lần), tóc còn ướt sau khi gội. -  Cảm tạ Người đã mang đến những phép lạ. Người đã  lắng nghe  con, con bé Sophie hèn mọn, nhưng là một tôi tớ biết ơn. Người đã đáp lại lời khẩn cầu của con đến trăm lần, không đến ngàn lần. Xin cảm tạ Người, lạy Chúa. Con xin hứa tứ nay về sau sẽ học thuộc những bài  học Thánh Kinh nhanh chóng. Con sẽ không mơ mộng trong giờ lễ, sẽ không cắn móng tay, không chọc giận mẹ con và cố  yêu thương chị Lillian của con. Con sẽ bỏ hết tiền tiết kiệm trong heo vào quỹ cứu giúp người bị phong cùi lần cứu trợ tới, và con sẽ cố gắng luyện tập dương cầm hơn để có thể chơi các bản Thánh Ca trong buổi lễ. Vâng, con sẽ không bao giờ quên việc Người đã làm hôm nay. Lạy Chúa, xin Người nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của con. Amen.”
     Về phép lạ, một việc khó tin đến nỗi không thể nghi ngờ đó là một phép lạ đã xảy ra:
     Vừa khi tôi đứng ở cửa sau nhìn xuống cái chụp đèn bể nát, sững người vì sợ hãi, cánh cửa bỗng mở ra và mẹ ôm một đống nệm giường đẩy qua.
-     Tránh ra, Sophie!
-     Cái chụp đèn đã bị vỡ rồi kìa mẹ. – Tôi tiết lộ.
     Và mẹ, thay vì giận dữ, lại có vẻ kích thích.
-     Ồ!   Mẹ bước ra đâu có thấy con ở cửa. Đáng lý con phải tránh cho nhanh. Không sao, Hôm nay tạm dùng nến vậy. Mẹ muốn con mang cái bình nước nóng trong đó qua nhà Barshinskeys cho mẹ. Cẩn thận đừng làm đổ ra mà bị phỏng. Rồi con trở về đun một nồi khác.
     Không thể tin được, tôi nhìn mẹ khệ nệ  mang đi.  Lương tâm tôi có một thoáng hối hận vì đã để cho mẹ tưởng bà làm bể chụp đèn vì va vào tôi, nhưng thoáng đó qua thật mau với một trời  nhẹ gánh.
     Tôi mang bình nước nóng qua tới nhà Barshinskeys, mẹ chặn ngay ở cửa để đón lấy rồi bảo tôi về nhà ngay., nên tôi chẳng hiểu có chuyện gì bên trong.
     Chi tiết về phép lạ từ từ xuất hiện qua một diễn tiến độc thoại  suốt buổi tối khi bà trở về nhà tắm rửa, gội đầu, pha nước nóng cho người kế tiếp và lau sàn.
     Khi tôi còn đang ở tiệm, mẹ đã qua nhà để coi những yêu cầu của Galina về bánh ngọt và trà  ra sao. Từ đó, mẹ khám phá ra bà Barshinskey đang nằm trên một cái khung giường với một bao nệm cỏ  chút xíu. Màn tự hào mỏng manh mà mẹ con bà đã giữ đêm đầu tiên mới đến khi chị Lillian và tôi qua thăm  đã sụp đổ. Sụp đổ vì  đau ốm và cũng vì khám phá ra  Galina đã qua ăn xin một mình, không phải cho gia đình. Rồi bà Barshinskey, không còn mặt mũi, đã  sụm xuống kể lể hết mọi chuyện với mẹ và rằng bà không thể chịu đựng thêm nữa. Bà cảm thấy nhục nhã và không biết mọi thứ rồi sẽ về đâu?
     Bỗng nhiên, mọi chuyện trở nên đúng đắn đối với mẹ, bởi giờ họ đã là một gia đình nghèo khổ bần cùng cần sự giúp đỡ và sẽ bìết ơn và kính trọng bà. Giờ  không còn là chuyện  ‘cá đối bằng đầu’. Giờ chúng tôi sẽ là ‘bề trên’  tốt bụng.
      Nếu bọn họ là con cái đám ăn mày, có lẽ vấn đề đã  khác. Nhưng  khi câu chuyện  được kể ra, rõ ràng họ không là bọn ăn xin, và như thế chị em chúng tôi  sẽ không bị lây nhiễm khi chung sống với họ. Ngược lại , chúng tôi còn có thể cải thiện vì  sẽ  phải bận rộn  trong việc luôn luôn  phải làm gương mẫu. Dĩ nhiên,  họ cần phải biết vị trí của họ. Một khi để họ nói năng hay cư xử như là họ cho rằng  họ cũng tương xứng, có lẽ mẹ sẽ  đối xử lạnh nhạt. Thế nhưng , ít  ra bà Barshinskey dường như nhận ra đưọc tình trạng thực tế của bà và bây giờ mẹ đã đứng về phía bà.
     Được biết, bà Barshinskey từng là hội viên của giáo phái Thân Hữu tại Dover. Bà cũng từng là một quản gia  trong một gia đình khá giả ở ngoại thị trấn Dover, nơi đó bà gặp ông  Barshinskey, và bất chấp lời khuyên nhủ ngăn cản  của bạn bè trong hội, bà đã lấy ông làm chồng.  Ông Barshinskey là người gốc Nga và đang làm trong một nông trại. Và bà chỉ biết có nhiêu đó về ông. Thực ra ,  bà chẳng yêu chuộng gì ông ta, một ông chồng tệ bạc, chẳng bao giờ giữ được một công việc nào lâu dài, không bao giờ có một đồng xu dính túi. Tới đây, mẹ tôi bắt đầu kín môi miệng  không muốn nói thêm trước mặt chúng tôi.
     Bà Barshinskey theo chồng di chuyển từ làng này qua xóm khác, hết nông trại này đến nông trại khác, mỗi ngày mỗi nghèo đi, càng bị coi thường hơn, nhưng nhất quyết từ chối sự giúp đỡ của hiệp hội. Bà nói rằng bà quá xấu hổ vì đã không nghe bạn. Và bây giờ tình trạng bi đát như thế: đau ốm  ( Mẹ gửi cho bố một cái nhìn có ý nói không nên nói về tình trạng bệnh tật này trước mắt chúng tôi) mà không có  một mái che  ở trên đầu hay một tấm nệm đàng hoàng  để ngủ. Còn đám con bà muốn nuôi nấng dạy dỗ nên người, Galina, đứa con gái lớn đã trở nên mất nết, gõ cử đi xin ăn và ăn ngủ ngoài trời bên đống lửa trại với bố.  Hai đưá nhỏ còn lại bà chẳng biết ngày mai sẽ ra sao vì việc học hành của chúng bị tụt hậu vì cứ phải di chuyển liên tục và bà cũng không đủ sức nuôi ăn chúng, nói chi đến việc sắm sửa quần áo đồ dùng cho chúng. Và nếu không có Daisy May, đứa con gái nhỏ nhất lại là tay đỡ đần nhiều nhất thì bà không biết phải làm gì với lần di chuyển cuối vừa rồi vì bà quá đau yếu.
-     Mẹ à! Con có thể mời Daisy qua ăn tối ngày mai được không?
    “Được” - Mẹ nói không một chút do dự, và  sáng hôm sau tôi đã có thể mang  một ít đồ cũ qua để cô bé đáng thương có ít đồ tàm tạm coi được ăn mặc. Bố cũng đi kiểm tra lại cái lò nấu cũ coi nó có thể gắn được vàp trong khu lò sưởi của nhà họ không. Làm sao tưởng tượng nổi người đàn bà khốn khổ đó có thể cơm nước cho gia đình khi trong nhà không có lấy một cái lò nấu?
     Chuyện cứ tiếp diễn như thế, và bởi vì do mẹ kể, nó từ một câu chuyện cảm động nho nhỏ biến thành một lời cay đắng cho sự mất đi lòng kính trọng  hơn là bi kịch của một người đàn bà. Điều đó cũng chẳng sao, miễn là  bà đã chịu giúp đỡ họ. Nhưng nhớ lại  niềm kiêu hãnh của Daisy May  về cái áo sơ mi đàn ông, tôi hy vọng cô bé sẽ không hoàn toàn quên đi cảm giác của họ.
     Bố ngồi đó đọc Thánh Kinh, và thỉnh thoảng khoé miệng trễ xuống. Bố chỉ đáp lại mẹ có một lần. Đó là lúc mẹ bắt đầu kết án ông Barshinskey, rằng ông ta  đáng bị quất roi da vào mông , đem quăng xuống ao( cho cá rỉa?) etc…. Phải, mẹ nói là bà đã bảo bà  vợ ông bà phải nói gì với ông ta, phải  làm gì với ông ta.  Bố đã rời mắt khỏi cuốn Thánh Kinh và từ từ nói:
-     Tôi mong mình không nên đổ dầu vào lửa giữa chuyện vợ chồng, mình ạ! Mình nên giúp đỡ họ , đúng thế, nhưng mình phải để ông ta yên. Đây không phải chỗ cho mình bảo một người đàn bà cách cư xử với người chồng của họ.  Một người đàn ông phải tự lo đời sống của riêng mình, và việc ông ta làm với gia đình không  phải là sự quan tâm của người đàn bà khác,
     Câu nói của bố làm mẹ ngưng lại một chút, rồi bà lại trở lại, lần này nói về  việc sửa chữa đồ dùng cũ của Edwin cho Ivan và làm sao kiếm một chỗ cho cô gái lớn  để cô không lang chạ như một thứ gái giang hồ.
     Sau đó, trong lúc bố sấy tóc cho tôi ở trước lò sưởi, tôi thì thầm với ông:
-     Bố ơi! Con không tin ông Barshinskey là người xấu. Con thích ông.
     Bố cười và nói nhẹ nhàng:
-     Ông ta là một người thợ nuôi bò sữa giỏi, Sophie ạ! Con chỉ nên nhớ điều đó thôi.
     Chiều hôm sau, đúng năm giờ rưỡi, Daisy May trong trang phục   là bộ đồ cũ của tôi và đôi giày từ thùng đồ từ thiện đến gõ cửa sau, mẹ nhìn cô  một cách xét nét , bà có vẻ bằng lòng.
-    Cháu trông lịch sự lắm. – Bà khả ái nói. -  Đầu tóc cháu rất gọn gàng ngăn nắp. Để bác cho cháu một dải băng cột tóc của Sophie. Cháu lấy nó cắt ra làm hai để xử dụng cho ngày Chúa Nhật.
-    Cháu cám ơn, thưa bác gái!
     Daisy May, ngay cả khi mặc áo khoác làm bằng sơ mi đàn ông và đi chân đất , trông cũng đã gọn gàng. Cô bé là một đứa trẻ ngăn nắp sạch sẽ. Cô bé không xinh đẹp. Quả thực điều này có phần giống tôi, với mái tóc hơi sáng màu  bạc và mắt hơi xám,  thân hình không cao không thấp.  Chẳng có gì để phân biệt giữa cô và tôi, cũng chẳng có gì phân biệt giữa chúng tôi với hàng tá con gái da trắng xứ Kent tầm thường khác. Nhưng cô bé luôn luôn gọn gàng.
     Cô đi vào trong nhà bếp và nhìn lên bàn ăn, cặp mắt hơi đảo quanh  bàn rồi nhanh chóng  nhìn đi chỗ khác với sau gáy từ từ ửng đỏ.
     Ngày Chúa Nhật, mẹ luôn luôn dễ tính. Đó là ngày mẹ thích nhất trong tuần. Không nấu nướng. mọi thứ ngon lành nhất được bày ra trên tấm khăn trải bàn thêu tay . Có  cái hộp đựng bánh và dĩa đựng trái cây bằng thuỷ tinh mà bà Fawcett đã tặng khi bà rời Nhà  Trắng đi lấy chồng.  Và cả nhà ăn mặc tươm tất, mạnh khoẻ, được kính trọng và tài sản mọi thứ đâu vào đó. Một phần thưởng cho  một tuần lễ cực nhọc không ngừng  nghỉ của bà: từ miếng giẻ lau đến ông chồng trong bộ đồ lớn, tất cả  hợp lại và phô trương thật hài hoà.
      Bà cũng thích các buổi tham dự lễ. Ba lần trong ngày quá nhiều đối với chị em tôi. Nhưng với mẹ, bà thích được trang phục với mũ áo đẹp nhất đi vào phòng họp , biết mình trông sang trọng và thông minh, rồi sau đó đi chung quanh tán gẫu chuyện trò với những người khác. Vậy thì bà sẽ có chuyện gì trong cái ngày Chúa Nhật đặc biệt này? Câu chuyện về cái ‘tạo vật rất tội nghiệp sống cạnh nhà tôi’ được kể lại thật chi tiết. Phản ứng thay đổi từ kinh ngạc qua vui thích đến thỏa mãn: -
-     Được đó! Ít ra bà cũng nhờ họ mà làm tốt được nghĩa vụ tôn giáo của mình phải không  bà Willoughby?
     Mẹ cười, không chỉ vì được khen ngợi  mà còn vì cái bi kịch và sự kích thích của câu chuyện.
     Tôi sẽ không bao giờ quên bữa ăn tối đầu tiên với Daisy May. Một phần sung sướng  vì cô bé  có cách ăn uống trang trọng, nhưng đồng thời cũng làm tôi muốn khóc. Cô bé cư xử như đang ở trong thánh đường.  Cô nhìn thật lâu và có dáng sợ  hãi vào chiếc khăn ăn thêu, và rồi khi thấy chúng tôi đưa nó lên cổ, cô cũng làm theo, nhưng làm như nó là một mảnh ren mắc mỏ. Cô quan sát cách thức mọi người làm. cỡ bao nhiêu bánh và bơ chúng tôi ăn, trét cá hộp vào bánh thế nào, và ăn rau  làm sao cho đúng điệu. Đến khi mẹ cắt các loại  bánh ngọt và mang đi quanh bàn, tôi nghĩ cô bé  sẽ từ chối không lấy vì cô chẳng biết nên chọn cái nào. Mãi đến khi bố nói: ‘ Ngày Chúa Nhật , ai cũng được phép ăn các thứ bánh, mỗi thứ một miếng’ , cô bé mới lấy lại sự bình tĩnh.
     Mẹ đã cười và đối xử tử tế với cô . Edwin thì bỏ vào dĩa của cô ít kẹo dẻo. Ngay cả Lillian cũng bảo nếu cô bé  thích, cô có thể đến phòng khách nghe cô  đánh dương cầm.
      Tôi tưởng là chắc cô thích đi ra ngoài sân chơi với con mèo Tibby với tôi, nhưng không, cô ở lại trong phòng, ngồi thật lễ phép trên chiếc ghế sofa, tay khoanh lại trước bụng nghe tiếng đàn và quan sát  cái tủ đựng đồ sứ của mẹ, chiếc ghế bọc da của bà ngoại , thùng đựng bích quy trên kệ và tấm thảm  lót dưới sàn nhà  trước lò sưởi. Tôi tưởng cô bé sẽ ngồi đó suốt đêm, nếu vào lúc bảy giờ, khi chúng tôi chuẩn bi cho buổi họp lễ tối, ông Barshinskey đã không  đến đón cô. Ông gõ cửa.  Khi mẹ bước vào phòng khách, miệng bà hơi tỏ ra bất mãn:
-    Daisy May!  Bố cháu đang chờ đón cháu ở cửa. Hình như mẹ cháu cần cháu.
    Tim tôi bỗng dưng xốn xang. Tôi đứng lên bảo cô bé:
-       Để tớ ra trước bảo ông bồ sẽ ra ngay.
     Ông ta đang đứng giữa sân, to lớn, bóng bẩy, lấp đầy khoảnh sân  với đặc tính của dân Nga, âm nhạc và  sự rổn rảng. Nhưng sau một thoáng hài lòng với hình ảnh đẹp ấy, cái sự thất vọng về ông bày ra trước mắt: Ngay cạnh ông là cô gái lớn Galina mà ông đang ôm choàng qua vai, Ivan đứng  cách  xa vài bước phía sau . Tôi bỗng nhận ra rằng đây là lần đầu tiên từ ngày họ đến tôi mới thấy ông ta đi cùng với đám con. Và  rõ ràng,từ cái kiểu cô gái ôm chặt bố , còn Ivan đứng phía sau buồn bã tức giận, ai là đứa con ông ta yêu thích nhất?
-     Chào Papa! Daisy May nói một cách mơ màng. -  Bộ giờ con phải về sao?
-     Mẹ mày cần con , cưng ạ! ( Vậy mà tôi cứ tưởng ‘cưng’ là tên riêng ông đặt cho tôi).
-    Vâng, thưa Papa. – Daisy May nói rồi cô băng qua sân  biến mất qua cái lỗ hở hàng rào. Ông Barshinskey quay sang mẹ tôi:
-     Nhỏ ngoan chứ, thưa bà! Con nhỏ Daizee…may của tôi cư xử tốt chứ?
-     Rất tốt, cám ơn ông Barshinskey. - Mẹ  lãnh đạm nói.
-    Còn nhỏ này thì thế nào?- -  Ông ta  nói  khi đưa tay đụng vào cằm tôi. Rồi nhỏ sẽ  thành bạn tốt của Daisyeeemay  chứ? Cả Galina nữa.
     Tôi liếc nhìn Galina, và cô cũng nhìn tôi. Và cái chúng tôi thấy làm chúng tôi khômg thích lắm. Mắt cô trong giây lát có sự do dự. Một sự  thiếu tự tin. Rồi nó lim dim y như một con mèo lim dim đôi mắt.. Cô gái nhìn qua vai tôi và  ánh lên một nụ cười, y hệt như nụ cười tôi đã thấy trên gương mặt của Ivan và ông bố.
-     Xin chào.  Cô nói  với vẻ xấu hổ. Từ phía sau, tôi nghe tiếng trả lời của bố và  Edwin:    
-    Nó đẹp quá, không phải sao? Con gái Galina của tôi. Bộ nó không xinh đẹp sao?  Tôi đã đi khắp nơi, nhìn vào các người cha  cùng con gái của họ. và rồi tôi tự hỏi, không phải là tôi, thằng Nicholai Barshinskey này có đứa con gái đẹp nhất thế giới sao?
-     Có thể là như thế.  Mẹ sửng cồ lên. – Đưá con gái Lillian của tôi cũng xinh đẹp không thua ai, nhưng  đó là chuyện chúng ta không nên nói ra trước mặt chúng. Khi một đứa con gái  cố giữ gìn sự gọn gàng trong sạch và đoan trang, điều đó  với tôi đã đủ. Và… - Bà cố kiềm chế.-  Tôi rất sung sướng thấy Lillian vừa xinh đẹp vừa  đoan trang.
     Galina gục đầu xuống..  Cần cổ dài của cô cũng gập xuống và đôi mi dài cong vút  cũng đóng lại buồn bã.
-     Nhưng dĩ nhiên. –Ông trả lời.-  Đối với các ông bố và các bà mẹ, các con gái đều xinh đẹp, con trai đều là anh hùng cả , không phải sao?
     Với câu nói đó, ông cười vang lên và tới cạnh Edwin chạm nhẹ  lên cằm của anh. ‘ Một thằng bé ngoan, có đúng không?. -  Ông mỉm cười với bố, và bố chỉ có thể  cười gật đầu đồng ý..
-     Bây giờ. – Ông nói với một cử chỉ  khoa trương, -  Quý vị đã khoản đãi con nhỏ Daisee…may của gia đình tôi. Vì vậy tôi xin đáp lễ mời toàn thể gia đình quý vị tới tham dự bữa tiệc tại nhà Nicholai Barshinskey này. Chúng tôi chẳng có nhiều đồ ăn, nhưng chúng tôi sẽ chia sẻ cái chúng tôi có. Nhưng chúng tôi có âm nhạc, thật nhiều âm nhạc, và Galina sẽ hát và nhảy múa cho quý vị xem, và chúng ta sẽ có lửa trại. Tối nay  xin mời, các vị sẽ đến tham dự chứ?
      Ô nghe thiệt là tuyệt vời. . Tôi liếc trộm về phía Lillian và Edwin. Lillian trông có vẻ bất mãn và khiếp sợ, nhưng Edwin dường như đang mỉm cười. Anh muốn chui qua cái hàng rào đó như tôi vậy.
     “ Trong ngày Sabbath!” - Mẹ đang quờ quạng tìm chữ, nhưng trước khi bà có thể thốt ra, bố đã chống chế:
-     Cám ơn ! Ông thật tử tế ông Barshinskey! Tiếc là chúng tôi còn phải đi dự lễ chìều Chúa Nhật. Sau đó  chúng tôi cũng có âm nhạc riêng, Hai con gái của tôi chơi dương cầm và chúng tôi  còn phải hát vài bài Thánh Ca. Hy vọng lần sau chúng tôi sẽ tới.
     Xem ra không phật ý, ông ta  vẫy tay:
-     Lần tới, chắc chắn nhé! – Ông nói như hát bằng một  chất giọng trầm bổng  tuyệt vời, bẹo nhẹ vào má tôi và nháy mắt rồi xoay bước bỏ đi. Mặt trời cũng đã khuất trong sân.
-    Xong! - Mẹ thở phào.
     Ivan vẫn còn ở lại, đang đứng tựa vào cái cũi chó. Trông anh có vẻ vừa như mong ngóng, vừa tự hào lại vừa bực tức cùng lúc. Tôi kéo tay mẹ thì thầm. Vì là ngày Chúa Nhật nên bà quên cáu giận và nhìn sang Ivan.
-     Chúng tôi đã dùng bữa xong rồi, Ivan.  Nhưng cậu có thể vào nhà  ăn vài miếng bánh ngọt.
     Anh ta(từ đây sẽ không gọi anh ta là hắn nữa) chắc phải muốn lắm, vì tôi biết họ đã ăn gì trong ngày hôm ấy: cháo mạch nha với bánh mì mốc và ít bơ, may ra thì còn chút ít mứt táo còn lại  mà mẹ gửi sang mấy hôm trước. Nhưng anh ta nói:
-     Không đâu, cám ơn bà!
-     Tuỳ cậu! – Nói xong , mẹ quay lưng đi vào nhà với bố và Edwin.
     Tôi bước đến bên anh, cố nghĩ ra chuyện gì để nói. Thật vô dụng để nói về điều tôi thực sự muốn nói, đó là về ông bố của anh.  Đã cố thử rồi, nhưng anh ta ghét nghe điều ấy. Tôi cũng không thể kể chuyện  về việc Daisy May đến nhà ăn tối chung, e rằng anh ta lại nghĩ là con nhỏ em gái  nhận ân huệ. Vậy còn chuyện gì khác?
-     Mẹ anh  thế nào?
-     Đỡ hơn, cám ơn! - Một hồi im lặng. Rồi:
-     Daisy May giờ là bạn tui rồi đó!
-     Tốt!
     Nếu anh ta không muốn nói chuyện, sao vẫn còn đứng cạnh cũi chó? Sao không về nhà? Và rồi…
-     Nhỏ có nghĩ là bố của nhỏ có thể giúp tao có một công việc không? Tao sẽ làm bất cứ gì. Tao đã từng làm ít việc ở nông trại, trữ cỏ, gặt lúa , hái trái, chăn bò. Hầu như làm được hết mọi việc.
-     Anh không đi học à?
-      Không.
     Anh mười ba tuổi. Đáng lẽ ra  theo luật phải còn đi học ít ra là một năm nữa. Nhưng thường thường ông Deacon lờ đi  luật lệ đó khi một gia đình quá nghèo.   Và cho dù cách nào thì  quả là  sẽ mất quá nhiều thời gian để tìm  ra những thông tin về các trường học và tuổi tác của một gia đình Barshinskey  lang thang rày đây mai đó.
-     Được, tôi hy vọng bố sẽ hỏi ông Hayward coi có gì cho anh làm…
-     Không phải ở chỗ ông Hayward. -  Ivan chặn lời. -  Tao không muốn làm ờ đó.
-     Được thôi! Vậy tôi sẽ hỏi bố cho.
-     Hỏi ông , nhưng đừng hỏi trưóc mặt mẹ cô . – Như có xốn xang trong lòng, anh  ta nói thêm .-  Gia đình này không muốn ơn nghĩa của mẹ cô. Nếu tao có một việc làm, gia đình có thể tự lực cánh sinh.
-    Được rồi, Ivan!
     Anh ngưng nói. Dường như anh ta cảm thấy nợ tôi một lời giải thích.
-     Đối với Daisy May lại khác.  Nó còn quá nhỏ để hiểu biết, vả lại là con gái. Mẹ tao đau ốm  liên miên chẳng làm được gì. Galina thì muốn gì có đó và cô ta chẳng thèm  để ý.  Nhưng tao thì phải. Gia đình này không phải hạng ăn xin .
     Tôi không trả lời vì quá bối rối.  Quả thực chúng tôi đã nói về họ dường như họ là phường  ăn xin.
-     Tôi sẽ hỏi bố!
-     Được!  Rồi nụ cười đã trở lại rạng rỡ  trên môi anh, thích thú, giờ càng thích hơn vì  nó gợi tôi nhớ đến ông bố. Khi anh sửa soạn ra về, cửa  bỗng bật mở, Lillian đi ra với  phần bánh ngọt còn lại gói trong giấy bạc.
-     Phần này dành cho cậu.
      Anh ta nhìn vào nó rồi quay đi:
-     Không , cám ơn!
     Lillian trông gần như quê mặt, lúng túng, thừa thãi. Chị nói thật lạnh:
-     Cầm lấy!
-     Không.
-     Xin cầm lấy đi , anh Ivan! -  Tôi la lên và chợt   một ý tưởng loé lên trong đầu. -  Mang về cho mẹ anh.  Nhớ làm cho bà một bình trà, tôi tin là bà sẽ thích đó.
     Anh vẫn còn ngại ngùng, và tôi đã giật lấy bánh từ tay Lillian ấn vào tay anh:
-    Tạm biệt.
     Tôi chào rồi kéo Lillian đi vào trong. Và thật lạ, tôi cứ tưởng mẹ đã xúi chị  làm thế, nhưng sau đó tôi lại nghe bà hỏi cái phần bánh đó biến đi đâu rồi.

                                                    (Xem tiếp chương 3)