Những huyền sử bí ẩn


Những huyền sử bí ẩn.

Thuở ấy, vào khoảng 600 năm trước Dương lịch, có một vị vua đã yêu nàng thứ phi người Ba Tư của ông rất say đắm. Nhà vua đã thức nhiều đêm để nghe nàng nhớ nhung kể lể về hình ảnh của những thảo nguyên bát ngát nơi quê hương xa xăm của nàng.

Lo sợ cho sự bồn chồn bất an của nàng, nhà vua thề nguyện sẽ tái tạo cái quang cảnh xanh tươi hùng vĩ của vùng Ba Tư đó nơi vương quốc sa mạc cằn cỗi của ông. Và như thế, nhà vua đã dấn thân vào một đề án kiến trúc sau đó đã trở nên một trong những kỳ quan của thế giới. Tuy rằng huyền thoại về những khu vườn treo tại thành phố Babylon vẫn còn là một trong những bí mật chưa được sáng tỏ của lịch sử con người.

Sự cố gắng đến hoài công của nhà vua để chứng tỏ tình yêu cuồng nhiệt ông dành cho nàng thứ phi, nực cười thay, lại chỉ được phản ánh bởi những cố gắng rất nhỏ nhoi của một loạt những sử gia và những nhà thám hiểm nối tiếp nhau, tất cả đều hy vọng có thể tìm ra một chứng cớ hữu hình để chứng tỏ sự hiện hữu của những mảnh vườn treo đó. Trong đường huớng này, nhiều tranh ảnh, hình vẽ được gợi hứng sáng tác từ những khu vườn ấy có thể được mô tả như một hình ảnh về cái ước mơ kỳ quái đến ghen ghét của một người đàn ông muốn trở thành một đối tượng duy nhất cho người yêu quý nhất của ông. Như biểu hiện trong tranh ,Ông muốn rằng , đối với nàng, ông phải tất cả mọi thứ

Theo luận điểm trên, nhà vua không ngại bất cứ tổn phí nào (tiền của và xương máu? Ý người dịch) . Diodorus Siculus , một sử gia Hy Lạp cho chúng ta biết: Một hệ thống máy móc phức tạp liên tuc bơm nước vào từ con sông gần đó được che giấu để không thể nhìn thấy. Cả khu công viên toạ lạc trên một sườn đồi, kiến trúc theo nhiều tầng bậc nối kết giống như một hý viện. Bản kê khai của vị sử gia này đầy rẫy những chi tiết như mê hồn trận và gây cho ta cảm giác tức anh ách (vì không thoả mãn? - Lời người dịch):

Khi những khoảnh đất ở trên cao được xây dựng, người ta đã cất ở bên dưới đó những hành lang dài để chịu nguyên sức nặng của khu vườn treo rồi từ từ vươn ra xa hết lớp này đến lớp khác trên con đường đi tới… Thật đáng kinh ngạc,, các bức tường được dựng lên hết sức tốn kém với bề dầy 22 feet (khoảng 6,6 – 6,7 mét), trong khi các lối đi giữa hai bức tường rộng khoảng 10 feet (3 mét). Lớp mái nằm trên những đà ngang này , trước hết là một lớp lau sậy được đan kết với nhau bằng một loại keo nhựa Bitumen. Trên đó có hai lớp móng xây bằng gạch nung trộn hồ xi măng. Lại một lớp thứ ba nữa được bao phủ bằng chất chì với mục đích ngăn không cho độ ẩm của đất thấm xuống dưới. Ở trên tất cả các lớp này, đất đá được đổ tới một độ sâu đủ hữu hiệu cho rễ của những loại cây lớn nhất; và mặt đất phía dưới, sau khi đã được san bằng, được trồng chi chít các loại cây đủ mọi cỡ hạng kích thước và hình thức lôi cuốn làm hài lòng người chiêm ngưỡng.

Và người là đối tượng cho việc kiến tạo công trình đó:nàng thứ phi có làm gì với hành vi quá đà đến ngông cuồng này? Có bao giờ nàng đến thăm viếng công trường khi nó đang được thi công? Có tự hỏi lòng là đáng lẽ không nên kiềm chế bớt nỗi nhớ quê hương? Có kinh ngạc đến sững sờ khi công trình hoàn tất? Hay cảm thấy bị bắt buộc phải tỏ ra sững sờ như thế? Và liệu những cặp tình nhân có bao giờ bí mật hò hẹn nhau ở trong những dãy hành lang đang nâng đỡ cả một khu vườn? Và rồi, họ đã trồng gì trên đó? Chim chóc có bao giờ đến ca hót trong vườn?

Trong tháng Mười Một (2008), người ta đã khai mạc một cuộc triển lãm bất thường tại bảo tàng viện Anh Quốc tại Luân Đôn với chủ đề: Babylon: huyền thoại và thực tế. Cuộc triển lãm đưa ra thêm nhiều câu hỏi về một đế đô đã biến mất hơn là những câu trả lời.

Thu thập từ những bộ sưu tập của bốn (4) bảo tàng lớn: một tại Luân Đôn,một tại Bá Linh và hai tại Ba Lê, cuộc triển lãm tâp hợp những bằng chứng và những dữ kiện nghệ thuật có tích cách lịch sử, đặt chúng sát cạnh nhau, bên những tác phẩm nghệ thuật mới được sáng tạo sau này do được gợi hứng từ cái huyền thoại Babylon. Cuộc triển lãm vừa như một sự chào đón một thành phố có vị trí trong trí tưởng tượng của con người (Myth), cũng vừa là một tổng kết về những gì chúng ta biết về thành phố ấy(Reality).

Một nền văn minh vĩ đại và uy dũng như thế đã kết thúc như thế nào? Theo Herodotus, xét về mặt huy hoàng tráng lệ, đã không có thành phố nào sánh được với Babylon. Chữ viết của con người đã xuất hiện lần đầu trong lịch sử ở thành phố này, hoặc ít nhất là ở trong vùng. Nó lại cũng là thành phố duy nhất tự hào có , không phải một, mà tới hai kỳ quan của thế giới.

Bên cạnh những khu vườn treo còn mang tính huyền thoại, còn có một bức tường khổng lồ cao đến mười (10) tầng. Trên đỉnh tường là một đường cho xe ngựa chạy, hai bên là những dãy nhà một tầng che chở cho một lòng đường rộng đủ cho một cỗ xe bốn ngựa kéo có thể quay ngược đầu trở lại. Bức tường bao quanh phần lớn thành phố, theo một số tính toán của người Hy Lạp, chạy dài tới 65 cây số. Dọc theo bức tường có tới một trăm cánh cổng toàn làm bằng chất đồng cứng cáp. Mặc dù kiến trúc này cũng đã bị tiêu tán theo thời gian, chúng ta vẫn còn những chứng cớ từ ngành khảo cổ về sự hiện hữu của nó. Những bảng khắc chữ viết được làm ra từ thời Nebuchadnezzar Đệ Nhị, vị vua đã trị vì Babylon trong suốt 43 năm, từ 605 – 562 BC, có nói đến bức tường này.

Một trong những bức tranh tuyệt tác nhất trong cuộc triển lãm là bức tranh Dagas nhỏ, miêu tả hoàng hậu Semiramìs cùng với đoàn tuỳ tùng đang đứng trên bức tường vĩ đại ngắm cảnh. Nó mang lại một phần nào ảnh hưởng có thể chấp nhận được về một loạt những huyền thoại và sự thật về Babylon trên hình thái nghệ thuật.

Một di vật khảo cổ khác của thành phố là toà tháp Babel. Đây là một trong những kiến trúc xậy dựng to lớn nhất của thế giới cổ đại, và trước khi các nhà khảo cổ tân thời tìm ra những ziggurats (tháp xây kiểu bậc thang), tháp này đã gợi hứng cho nhiều suy đoán.

Một số trong những ví dụ nổi tiếng nhất về tháp này xuất hiện trong những bức tranh của hoạ sĩ Oieter Bruegel the Elder vào thế kỷ 16. Ông mô tả nó như một cấu trúc xoay tròn, càng lên cao càng nhỏ hẹp lại, tầng bậc nào cũng có sự đổ nát, các cửa sổ và cửa chính không có gì khác ngoài bóng tối, và sự hiện hữu của nó đâm cản trở cả mây trời. Dưới mặt đất, những con người rải rác khắp nơi, cố gắng trong tuyệt vọng cho người khác hiểu ý mình. Những bức tranh này cùng tranh của các hoạ sĩ hàng đầu người Flemish và Hoà Lan là những mô tả cái tháp mang tính Tây Phương nhất, cấu tạo theo chuyện trong Thánh Kinh:

“ Và Thượng Đế đã xuống trần để viếng thăm thành phố và cái tháp do loài người đang xây dựng. Chúa phán: “ Nếu như con người nói cùng một ngôn ngữ khi chúng khởi sự làm cái tháp này, vậy thì không có gì chúng muốn làm mà chúng không thể làm. Đã vậy, ta sẽ xuống làm rối loạn tiếng nói của chúng để chúng không thể hiểu nhau.”

Do đó, Thượng Đế đã phân tán họ từ đó đi khắp nơi trên thế giới và không còn xây tiếp thành phố. Đó là lý do nó được gọi là tháp Babel, bởi vì Chúa đã làm cho ngôn ngữ họ bất đồng. Từ nơi ấy, Người đã phân chia họ đi rải rác khắp mặt đất (trích sách Sáng Thế{Genesis} đoạn 11: câu 5-9)


Thành phố Babylon có liện quan trong Thánh Kinh Cựu Ước, đó là điều không thể chối cãi. Vào năm 597 BC, để bảo vệ bờ cõi phía Tây của đế quốc của ông, Hoàng Đế Nebuchadnezzar đệ Nhị đã đem quân cướp phá thành Jerusalem, bắt giữ nhà vua của xứ Judah cùng rất nhiều tù binh.. Mười năm sau, ông trở lại phá huỷ đền thờ Salomon, bắt thêm nhiều người về Babylon làm nô lệ. Cuộc lưu vong của người xứ Judah còn tiếp tục mãi đến gần 50 năm sau, cho đến khi người Ba Tư đến đánh chiếm Babylon.

Tuy nhiên, một số đông người xứ Judas đã chọn ở lại Babylon. Những người này đã là những tiền nhân của người dân Iraq gốc Do Thái đang sinh sống tại Iraq hiện nay.. Chuyện lịch sử trên đã kết chặt thêm cái niềm kiêu hãnh đến điên cuồng và càng toả rộng thêm lời truyền khẩu rằng: Babylon sụp đổ vì sự hung hãn và coi thường báng bổ thần thánh của nó.

Điều đó làm nên câu chuyện có vẻ gượng ép và nó đưa ra một sự giải thích mang tính thần học về sự hiện hữu của nhiều ngôn ngữ trên thế giới, nhưng nó không ngăn cản được sự xây dựng các toà tháp. Những tháp này, từ loại tháp vòng của đại giáo đường SamarraIraq đến tháp Eiffel ở Paris đều mang dấu tích Babel.

Chính cái tên thành Babylon tôi đã đọc được lần đầu trong đời trên những trang sách của cuốn truyện Ngàn Lẻ Một Đêm.

Để diễn tả một người đàn bà đang ngồi tựa cửa mơ màng ,Scheherazade viết: “ Gương mặt nàng sáng như trăng rằm, mọi sự quyến rũ của thành Babylon nằm sâu trong mắt nàng. Một khuôn mặt Ả Rập khả ái diễm kiều, nàng giống như một ánh sao lấp lánh trên bầu trời không gợn chút mây, một chỏm cầu vàng lung linh trong đêm tối.”

Lời miêu tả này đủ để gợi trí tò mò của bất cứ cậu bé con nào.

Năm 1988, tôi đã suýt đến thăm được cái thành phố cổ ấy. Năm đó, cha tôi được mời tham dự một hội nghị ở Iraq. Người tổ chức hội nghị nhất quyết thuyết phục ông mang theo cả gia đình tới. Do đó vào tháng Tám trong năm, trong khi cuộc chiến Iran – Iraq vẫn đang rực lửa, gia đình 4 người chúng tôi vội vàng hấp tấp rời thủ đô Cairo và đáp xuống phi trường quốc tế Saddam đang hầu như hoàn toàn hoang vắng. Năm ấy tôi 17 tuổi, Ziad, anh tôi 21.

Nhiệt độ trong thành lúc đó lên tới năm mươi mấy độ. Tài xế chờ chúng tôi bên ngoài phi trường mở cửa xe cho chúng tôi với bàn tay bọc giẻ. Chiếc xe chở hai anh em tôi do anh chàng Muftah lái, một nhân sự (mật vụ?- Lời người dịch) của chính quyền được lệnh đi theo chúng tôi bất cứ nơi nào chúng tôi đi đến.

Chính thể độc tài Iraq hưởng lợi từ một hệ quả tàn nhẫn. Đường sá sạch như lau và ra đường bạn có cảm tưởng là mọi người đều cảnh giác mình đang bị theo dõi. Ngay cả anh chàng Muftah cũng rất giữ gìn ý tứ. Dấu tích duy nhất có thể thấy trong thành phố về cuộc chiến đẫm máu 8 năm là một số mảnh bể do hoả tiễn phóng tới của một vài dinh thự nào đó ..

Trong 12 ngày kế tiếp vào mỗi sáng, 2 anh em tôi và mẹ được chở đi ngắm cảnh. Muftah không bao giờ nở nụ cười, và bất cứ ở chỗ nào, anh chàng dường như đều đứng chờ với thái độ vừa nóng nảy bồn chồn vừa tỏ ra khó chịu bực tức.

Có một lần, khi chúng tôi tiến gần đến cánh cổng của một viện bảo tàng, anh chàng chẳng hề chạy chậm lại. Khi người giữ cổng nhìn thấy tấm bảng số xe, ông vội vàng chạy tới nâng rào chặn lên và giơ tay lên chào kính khi chúng tôi đi qua. “ Ngủ gục hả?” Đó là lời của Muftah ném vào mặt ông và không thèm chờ nghe người gác cổng lặp bặp giải thích. Tính tự cao của anh chàng dường như lên đến tận trần.

Nơi mà chúng tôi muốn đến thăm nhất là thành cổ Babylon, nhưng mỗi khi hỏi tới, anh chàng chẳng hề có nhiệt tâm mà chỉ nói giả lả: “Để coi, để coi”. Trong tiếng Ả Rập, chữ Muftah, tên của anh tài xế, có nghĩa là ”cái chìa khoá”. Bởi vậy, khi đề cập tới anh chàng, anh Ziad của tôi gọi là “ông Khoá”

“ Ai cập sẽ không bao giờ như vầy, ngay cả khi ở đây có một nhà độc tài cai trị.. Chủ nghĩa Phát Xít chỉ có thể phát sinh do sự thiếu vắng một tính hài hước khéo léo. Dân Ai Cập cái tính chất khôi hài khéo léo đó. Họ biết cách làm sao để cười”.

Đó là lập thuyết của Ziad. Tôi thấy cái thuyết ấy khá hay hay nhưng cũng muốn thử nghiệm. Vì thế, tôi hỏi Muftah rằng anh có thể kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện hài mang đặc tính Iraq không. Anh chàng trả lời là anh không biết câu chuyện hài nào cả.

Vào hôm cuối cùng của hành trình, và sau nhiều phút đắn đo, cuối cùng, Muftah đồng ý đưa chúng tôi tới khu thành cổ Babylon. Cố ý cho chúng tôi nản chí, anh định giờ giấc vào thời điểm tệ hại nhất trong ngày: vào giữa trưa.

E anh chàng đổi ý, chúng tôi chấp nhận. Lòng vòng khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi bị lạc đường. Anh chàng đi vào một con đường đất không có bảng chỉ đường, rồi lại quay đầu chui vào con đường khác. Bạn có thể hình dung ra sức nóng từ trên trần xe dội lên đầu chúng tôi. Cứ như thế chừng hơn một giờ chạy quanh quẩn, chúng tôi trở về Bagdad.

Trên đường quay về trong sự im lặng ngột ngạt, mẹ tôi bỗng nói: “ tôi không tin là anh không biết đường đi đến Babylon”.

Muftah không đáp lại. Nhưng sau một hồi lâu nín thinh, anh bỗng quay qua tôi đang ngồi bên cạnh rồi nói :” Tớ mới nghĩ ra một câu chuyện hài: Bạn gọi một hướng dẫn viên tồi là gì? Trả lời: Đó là Muftah.”

Chúng tôi cùng cười. Bây giờ sau những thăng trầm thay đổi của Iraq, tôi lại tự hỏi: chuyện gì đã xảy đến cho anh chàng tài xế ấy và tàn tích của Babylon giờ ra sao?

( Trích từ bài viết Mythical mysteries của tác giả Hislam Matar , đăng trên nhật báo Australian Financial Review ngày Thứ Sáu 05 December 2008 – Phương Duy phỏng dịch).

Hislam Matar là một nhà văn người Lybia. Nổi tiếng qua tác phẩm The Country of Men từng ở trong danh sách đề cử giải tác ohẩm nổi tiếng 2006.

Riêng cuộc triển lãm Babylon : Myth and Reality hiện đang diễn ra tại viện bảo tàng London cho tới ngày 15 March 2009. Quý vị ở tại London có thể vào thăm trang www.britishmuseum.org để biết thêm chi tiết.


Phương Duy

23/12/2008