Đọc sách trong nước

Vài lượm lặt trong Ba Người Khác của Tô Hoài


Là một trong cả triệu người di cư năm 1954 ở cái tuổi trẻ thơ, tôi may mắn thoát khỏi những đợt Cải Cách Ruộng Đất, vì thế, đến tận bây giờ, sự hiểu biết về cả một chính sách làm rung chuyển miền Bắc rầt hạn chế mù mờ. Có lẽ vì vậy , khi tác phẩm Ba người khác của Tô Hoài được đưa lên mạng là tôi tìm đọc ngay, để mà thẫn thờ. Có lẽ chẳng cần đọc một tác phẩm nào của Tô Hoài, người miền Nam ở tuổi tôi, ai cũng biết ông qua một số đoạn trong các tác phẩm Dế mèn phiên lưu ký, O chuột có trong chương trình trung học môn Việt văn của miền Nam VN thời trước.. Được biết, ông đã viết tác phẩm này từ mười mấy năm trước, bây giờ mới được công khai cho phổ biến. Người thì cho rằng bây giờ mới tới thời cơ để trình làng. Người khác bàn luận quanh tựa đề của tác phẩm, hay đi tìm cái ẩn ý của tác giả xoáy quanh ba nhân vật mà ông gọi là ba ngưòi khác. Người bảo đọc xong rồi cũng thấy vui vui. Không hiểu niềm vui ấy đến từ đâu?. Riêng tôi trái lại, từ đấu đến cuối, chỉ thấy toàn những cảnh dã man tàn bạo, vô nhân đạo. mất nhân tính của một chế độ có chính sách , có chủ trương, có hệ thống. Mở đầu chương sách, Tô Hoài đã thuật lại một cảnh về người bần nông ngày đi cày , đêm về phải ngậm bòi hút mủ tiêm la cho một địa chủ . Câu chuyện thật ghê rợn mà tôi cho là hoặc ông phóng đại quá đáng, hoặc anh nông dân ấy tố điêu, chứ trên đời này ai có thể phải làm chuyện quá tởm lợm ấy suốt đêm trong nhiều ngày mà không ghê sợ? Rốt cuộc rồi anh bần nông ấy lại đi đến chỗ hủ hoá, hư hỏng.
Ba người khác đã phác hoạ lên những bức tranh kinh hoàng của cả một thời cải cách ấy như thế nào, mà không những xã hội rung chuyển, mà đến cội nguồn của luân thường đạo lý cũng bị đảo lộn? Tác phẩm tả những sinh hoạt của ba trong số 12 anh đội của một đôi cải cách trong một đợt công tác. Đội cải cách này chỉ là 1 trong số hàng trăm đội của một đoàn uỷ. Cứ theo như tác phẩm thì có nhiều đoàn uỷ trong một khu ủy, cả miền Bắc lúc đó là 4,5 khu, cùng với 5 đợt cải cách trong 3 năm mà mọi cán bộ cơ quan phải tham gia, chưa kể những đợi giảm tô trước và sửa sai sau này, chúng ta đã có một bức tranh toàn cảnh chung về sự rúng động của miền Bắc lúc bấy giờ to lớn cỡ nào.
Thấy gì trong những dòng chữ, của tác phẩm? Một bối cảnh kinh hoàng, hỗn loạn, vô luân từ đầu đến cuối sách mà ngay cả những cuốn phim có tính tuyên truyền của chế độ miền Nam thời đó chẳng hạn như Chúng tôi muốn sống cũng không thể làm được. Đọc rồi để thấy mình thật hết sức may mắn đã không phải là nạn nhân hay phải chứng kiến thảm cảnh đó. Nếu đã không kịp hoà nhập vào giòng người di cư vĩ đại năm 54 ấy thì bây giờ mình ra sao? Gia đình tôi thời đó sẽ ở thành phần nào trong việc phân chia giai cấp thời thổ cải? Này nhé:sống trong một làng quê tỉnh Phú Thọ, ông nội là một nông dân có thời làm thầy đồ, tức là có gốc phong kiến, ông bố có vài chữ, kiếm đâu được mảnh bằng cứu thương để đi làm cán bộ y tế trên huyện, chắc chắn bị quy vào thành phần Việt gian phản động, phục vụ cho bọn thực dân. Mẹ tôi sau này thường la rầy anh em chúng tôi không biết quý trọng gìn giữ mấy chiếc xe đạp trong nhà khi bà kể về cái thời ngày xưa: cả làng chỉ mình bố mày có cái xe đạp quý như vàng, mỗi ngày dù bận rộn công việc đến đâu, bà cũng phải bỏ thì giờ lau chùi nó bóng loáng. Thế thì đích thị bố tôi cũng thuộc giai cấp tư sản . Bà mẹ quê mùa , một chữ bẻ làm đôi cũng không biết nhưng tính toán thì đâu vào đấy. Bà không bao giờ kể cho các con ngày xưa ngoài Bắc ruộng vườn nhà cửa ra sao, chỉ nói rằng thời mới lấy bố, công việc đồng áng bù đầu từ sáng tinh mơ trời còn tối đất đến khi lên giường, không lúc nào ngơi tay, đến nỗi vợ chồng ăn ở đến 8 năm sau mới có được chị tôi, đứa con đầu lòng, thì tôi suy đoán rằng gia đình cũng có ruộng đất đủ để bị ghép vào giai cấp địa chủ bóc lột. Không biết lúc đó bà có bóc lột ai không? Theo lời bà, tôi chỉ thấy bà bóc lột sức lao động của chính bà.Bố thì ỷ là con trai một, lại là công chức, việc đồng áng coi như công việc của mẹ mày, ông không biết tới. Niềm ước mơ có ruộng đất ấp ủ trong suốt cuộc đời của mẹ tôi trong câu bà thường nói: “Mình là nông dân thất học mà không có ruộng có đất thì lấy gì sống hở con?” Khi ở miền Nam, chưa đầy mười năm sau định cư, với sự cần cù siêng năng, sức lao động dẻo dai bền bỉ cồng thêm tài nhanh nhẹn tháo vát, một mình bà đã thu vén về cho gia đình những mảnh vườn quanh nhà đến hơn mẫu tây, không kể ruộng đất xa nhà. Rồi một lần nữa, biến cố tháng tư năm 75 lại làm bà trắng tay. Giờ này, tôi vẫn thường tự hỏi, không biết khi về bên kia thế giới, bà có ngậm ngùi và nuối tiếc về 2 cái ước nguyện đơn sơ không thành của bà là mong để lại cho các con một mớ chữ ( mẹ dốt chữ nên lam lũ cực khổ), và ruộng vườn (có mảnh đất thì không lo đói các con ơi).
Đó là một mảng may mắn mà gia đình tôi có được nhờ thoát khỏi cảnh đấu tố của thời thổ cải diễn tả trong Ba người khác. Nhận định vào chi tiết của những hiện tượng phi nhân tính của nó để phản ánh lại cái bản chât hung bạo của một đội cải cách trong một làng xã, đưa đến sự phán đoán về một tội ác đáng ghê tởm của những người chủ trương bàn thảo kế hoạch và thi hành chính sách. Những thế hệ sau cần phân tích và suy luận để phán đoán chính xác hết những di hại của nó lên dân tộc VN, chứ không phải như một số người hiện vẫn còn rêu rao cho rằng chính sách về cơ bản vẫn đúng đắn, ta đã kịp sửa sai và những người làm chính sách đã kịp thời chấn chỉnh.
Hơn 50 năm sau nhìn lại, qua ngòi bút của Tô Hoài một người trong cuộc , những lớp trẻ như chúng ta nên đánh giá như thế nào về nó, cũng như liên hệ vào những tác động và ảnh hưởng của nó ngay trong thời điểm hiện tại?.
Điểm đầu tiên là sự sợ hãi tột cùng của quần chúng miền Bắc đối với chính quyền CSVN do Hố Chí Minh lãnh đạo với chủ trương triệt để đấu tranh giai cấp, cải tạo xã hội theo từng bước, từng đợt của phong trào CCRĐ. Một kế hoạch với chương trình tỉ mỉ được thực hiện: từ giảm tô giảm tức, phóng tay phát động, nhận diện và quy kết thành phần, phân chia giai cấp, kích động gây căm thù, cô lập và kể khổ đến giai đoạn xúi gịuc, cưỡng ép đấu tố, lập toà xử tội.kết án tử hình đếu tuần tự theo đúng bài bản của trung ương và đoàn cố vấn đưa xuống đoàn uỷ , xuống đội. Những anh đội chỉ là những kẻ thừa hành ở cấp thấp nhất, vậy mà uy quyền bao trùm trong làng xã còn hơn cả Thượng Đế . Qua tác phẩm Ba người khác, anh đội là ông vua một cõi với câu nói cửa miệng :nhất đội nhì trời. Sự hãi sợ của quần chúng nhân dân luôn bàng bạc ẩn hiện trong suốt tác phẩm . Anh đội chỉ ghé vào một cửa hàng bánh đúc để ăn sáng mà mọi người, kể cả đám ăn mày đang đói như rươi trong chợ cũng không dám lại gần. Đội chưa kịp về đến thôn xã thì thiên hạ đã biết trước đồn kháo nhau ,để mà đem nhốt hết gà chó bò heo lại, chôn giấu của cải cơm gạo đi. Anh đội về tới thì thôn xóm đang nhộn nhịp bổng vắng tanh, người ta rúc hết vào trong. Thảng hoặc có người tỏ ý không sợ như lão Vách thì bị coi là một kẻ ngông nghênh bất bình thường, bị đối xử như một tên nguy hiểm, bị nghi ngờ là hoạt động cho thằng địch. Những màn đấu tố , thi hành xử bắn công khai ngay tại sân toà đấu ở những bước sau cốt làm cho nhân dân kinh hoàng đến tột cùng không còn dám chống đối phê bình.Ngày nay, chiến dịch hù doạ gây sợ hãi cho dân chúng vẫn còn nguyên cho dù ở những hình thức khác. Không còn những anh đội mà thay bằng những đảng viên với lý luận :đảng tao có công thì đảng tao được quyền lãnh đạo muôn năm, những cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước với nhiệm vụ hành dân là chính , nhửng đám công an hét ra lửa khắp nơi trên đất nước với câu nói cửa miệng: Luật là tao. tao là luật .
Đứa nào đụng tao, tao cho ăn còng.
Điểm thứ hai xuyên suốt trong toàn tác phẩm là sự điêu ngoa, tráo trở , lừa bịp, cửa quyền, hủ hoá, vô nhân tính, phi đạo đức nhưng lại vô cùng hèn nhát của bọn lãnh đạo CSVN qua hình ảnh của những anh đội cải cách, người lãnh đạo cơ sở ở cấp thấp nhất trong việc thừa hành những lệnh lạc chỉ thị của đám trung ương trên cao. Bọn họ đã làm gì? Chủ trương lừa bịp quần chúng với khẩu hiệu ba cùng: cùng ăn, cùng ở , cùng làm. Mị dân bằng việc gom xe đạp để lại trên huyện để gạt dân rằng họ là những người chuyên chính vô sản . Lừa bịp nhau qua việc giấu diếm, ăn vụng và ăn cắp và đòi chia chác mấy cái bánh đúc. Cửa quyền trong việc tự cho mình quyền lựa chọn nhà dân để ở không cần biết gia chủ có đồng ý hay không và bắt họ phải hầu hạ phục dịch như đầy tớ. Chiếm đoạt lấy những vị trí tốt nhất: nhà có mỗi cái chõng tre phải nhường anh đội, cả nhà xuống nằm đất. Đã thế còn làm chuyện đồi phong bại lý, lập các đội dân quân để anh đội cùng nam nữ thanh niên đêm đêm làm trò hủ hoá. Vô văn hoá đến độ xàm xỡ ngay cả với đưá con gái trong nhà mới đến ở nhờ: Khi Đơm cầm lấy mấy đồng anh đội gửi để mua lén bánh đúc ăn vụng nhét vào trong yếm, anh đội lợi dụng đưa tay vào bóp đầu vú cô gái mà bảo: có cái túi hay nhỉ?. Rồi ăn nằm đú đởn với bọn đàn bà con gái ngay trước mắt gia đình vì biết ông bố lãng tai nặng, mắt có quặm như mù, ngươi mẹ câm điếc tàn tật. Những anh đội vô nhân tính ấy, trong sinh hoạt với nhân dân thì tổ chức họp hành, công khai kiểm điểm hết tất cả của cải ruộng vườn của nhân dân từng cái chén ăn đôi đũa, nhưng trong nội bộ thì lén lút bí mật ở những nơi đền hoang cỏ rậm, lao động thì vụng về và chây lười nhưng lúc nào cũng làm ra vẻ thành thạo biết hết , thế vẫn lòi cái đuôi giả dối: họp hành bàn bạc như lũ ăn cướp tụ hội chờ đêm, cả đám ăn không ngồi rồi thế mà đem theo nào cuốc nào cào, nào quang gánh dây thừng nỏ trâu như vưà mới lao đông cật lực, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Rốt cuôc biết tẩy nhau cả. Uy quyền thế, nhưng khi đụng chuyện thì anh nào củng lộ cái bản chất hèn nhát cùng cực: đội viên sợ đội trưởng, đội trưởng sợ đoàn, đoàn lại sợ cố vấn và trung ương. Sau nàu khi đội sửa sai tới thì sợ cả đội sửa sai. Đội Bối gặp lại lão Vách với sợi thòng lọng tự tử , sợ quá đâm hèn mà : lạy anh lia lịa . Đội Đình khi bị bắt với tội danh phản động Quốc Dân Đảng chui vào Việt Minh lập trại Đại Đồng giết 56 người, đang từ đồng chí xuống thành tiếng em, rồi xưng con với quan toà một anh còn trẻ măng. Lão quan toà ngày ấy hách dịch, mười mấy năm sau vì tham nhũng mà bị tội, cũng ra toà van lạy xưng con với những tên thua cả tuồi con mình . Cả một đám cán bộ hèn hạ thua lão Vách, một bần cố nông nửa điên nửa tỉnh, trước khi tự treo cổ còn hiên ngang mời anh đội đến chứng kiến chơi để:

“Câm cái mồm sẹo gỗ đi. Nói thế chứ chán lắm, chúng mày như ruồi, giết ruồi làm gì, tao chỉ muốn có một thằng đội xem tao chết để đừng đi tố điêu là địch phá hoại. Tớ quen đằng ấy từ cái chập tối đằng ấy về làng này mà, nhớ không. Đằng ấy là thằng ma tịt biết cái qué gì mà về làm loạn làng. Nhưng cũng còn chơi được, chưa đểu bằng thằng đội Cự, cho nên tớ mới cho vào xem tớ chết.”

Vách nói lung tung, gáy tôi dần dần lạnh. Tay Vách nắm chặt cánh tay tôi run bần bật, toát đẫm mồ hôi.
“Tớ không đun đằng ấy lên tròng lọng đâu. Đừng sợ. Con dao bầu này chọc một cái, thì đằng ấy...”

“Lạy anh.”

“Ấy chớ. Hèn thế mà cũng đòi đi giải phóng người ta. Đã bảo tớ chỉ gọi đằng ấy vào xem tớ chết, chẳng có mưu mô phá hoại như các đằng ấy hay sai người tố láo đâu.”
Đó là cái ngày xưa. Bây giờ , những bản chất cán bộ lì lợm ngược ngạo ấy vẫn còn nguyên, có khác đi chỉ là hình thức. Trước đại hội X của đảng thì mời gọi toàn dân đóng góp ý kiến để sau đó toàn bộ cho vào sọt rác. Hiến Pháp ghi đầy đủ mọi thứ tự do, nhưng hành xử lãnh đạo thì nay cởi mai trói. Ai bất bình lên tiếng thì vu ngay cho tội phản động chống phá đất nước. Tàn phá quê hương, bần cùng hoá nhân dân thì đổ lỗi lên đầu lên cổ mọi thứ địch thù. Khi không còn địch thù để đổ tội, cũng cố nguỵ tạo nên kẻ địch vô hình là diễn biến hoà bình. Khi theo chân tư bản để cho phép đảng viên làm giầu vẫn cố lường gạt dân bằng cái đuôi định hướng XHCN. Cưỡng bức toàn dân tộc vào con đường CS để đâm đầu xuống vực thẳm, mới tự giật mình xám hối ngoi lên được một chút đã tự vỗ tay kể công đổi mới. Những anh đội thời đại mới như Bùi tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến, thầy giáo Đông không phải chỉ thọc tay vào trong yếm cô gái quê mà mân mê núm vú, mà còn vượt xa : mua trinh gái vị thành niên, gạ nữ sinh lên giường đổi lấy điểm thi, hoặc đưa gái loã thể lên bàn tưới rượu bia lên người mà nhậu. Như Võ văn Kiệt đòi chỗ đứng cho 3 triệu trong lòng dân tộc mà không thèm biết tới chỗ đứng của hơn 80 triệu nhân dân khác ở chỗ nào. Như Phan văn Khải trước khi về vườn còn ra luật cấm dân tụ họp quá 5 người. Như Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn lung tung khi mới lên, rồi chỉ sau vài tháng ra nghị địng kiên quyết cấm báo chí tư nhân. Như Trương Tấn Sang mới đây về tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM từ 2007 đến 2012. Thế nhưng ra tới bên ngoài toàn đi lòn cửa hậu, không dám chường mặt gặp gỡ ai, những người Việt hải ngoại. Dường như vị trí càng cao, cái hèn hạ càng lớn.
Điểm thứ ba là sự ngu dốt nhưng lại cố tinh che giấu sự dốt nát ấy trong việc lên mặt khinh chê những người trí thức, có học hay đầy kinh nghiệm.. Những lời chê bai của đội Cự : học lắm chỉ lý sự cùn. Lối làm việc đưa bần cố nông, những người một chữ trong đầu không có lên làm trưởng thôn , trưởng ban kế hoạch hay gửi đi khoá học này nọ cho thấy rõ sự cao ngạo trong việc tôn vinh sự dốt nát dẫn đến thảm hoạ đói khổ trong nhân dân. Trớ trêu thay, chính những người chỉ đạo không biết đến sự ngu dốt này của họ. Câu chuyện về lúa thần kỳ tại thôn Am và trại đại đồng của đội Đình là những hình ảnh tiêu biểu cho kế hoạch ngu dốt mà làm cao này. Cái trại đại đồng ấy như thế nào:

“Năm dãy nhà dài một trăm thước, bên trong một loạt hai dãy giường nứa cho một trăm người. Nhà của phụ nữ riêng bên kia đồi cũng to rộng thế. Chỉ đánh một tiếng kẻng điều khiển được cả nghìn con người. Kẻng dậy, kẻng thể dục và hát, kẻng cơm, kẻng họp, kẻng đi sản xuất, kẻng về, kẻng ngủ... Ai nấy răm rắp, miếng cơm manh áo như nhau, không có ganh tỵ vì không ai hơn ai. Ngày chủ nhật, kẻng đi chợ, tối kẻng lửa trại vui nhộn. Buổi sáng buổi tối, cả trại ra đứng ngoài sân hô: khoẻ vì nước, kiến thiết quốc gia, quyết tâm lên thế giới đại đồng…”
Anh đội Đình tuyên bố trại không thất bại, nhất định thắng lợi, có điều có chuyện làm sao thì đổ lỗi.
“Làm sao ấy à? Loài người đến tận bây giờ vẫn chưa đủ sức chống thiên nhiên, phải bỏ nửa chừng vì thế chứ làm sao. Nhưng mà có tiền nhiều chắc cũng vượt qua được. Tự nhiên lụt lội, bão, sét đánh đổ nhà chết người, cả sốt rét lăn đùng ra. Mới vỡ nhẽ người xuôi lên chưa quen, cả trai ốm ngã nước sốt rét ác tính chỉ hôm trước hôm sau đã đái ra máu. Nửa tháng chết vãn cả người. Đầu tiên còn mua gỗ đóng quan tài, cả trại đi đưa đám, có điếu văn đọc lúc hạ huyệt. Rồi sau người chết lắm quá, không kịp mua săng, phải bó nứa, hai người vác thuổng khiêng đi chôn. Thế là những người sống sót sợ bỏ đi hết.
- Cậu cũng chuồn?
Đình cười hề hề,hồn nhiên:
- Ờ lại để bị lây chết mất ngáp à?
- Rồi cậu đi đâu?
- Tớ về huyện, lại công tác bán nói lấy ăn. Mấy năm sau được lên tỉnh, cho đến bây giờ. Chức vụ: phó phòng tuyên truyền.
Vì tuyên truyền quá hay,nên chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, anh đội Đình được đội cái mũ thật vĩ đại là Việt gian Quốc Dân Đảng . chui vào tổ chức đảng CS để lập ra trại giết người đó với chứng cớ duy nhất: dùng chữ đaị đồng , viết tắt là dđ có hàm ý là “dân đảng”?. Thoát chết nhờ có lệnh báo sửa sai trước giờ xử bắn. Còn cái vụ lúa thần kỳ mới là lạ. Trung ương đảng phải cử tình báo qua tận nước Manila ăn cắp giống trong cái trại thóc giống nhét vào giầy mang về nước. Thế có kinh không? Anh đội rất là tự mãn và phục lăn cái tài trí chôm chỉa này của đảng và anh mô tả sự thần kỳ của nó như là anh đã thực nghiệm:

“- Cậu có biết lúa thần kỳ thế nào không?
- Chưa.
- Cái ruộng lúa thần kỳ đến lúc sắp được gặt, người ta bước trên mặt thóc chắc chân như đi cầu qua sông. Mà chỉ một tháng thôi, thóc đã mẩy hạt.
- Ở đâu thế?
- Trên thế giới khắp nơi.”
Và để cải tạo cuộc sống đói khổ của nông dân, , cán bộ đã chỉ đạo họ làm kinh tế lúa thần kỳ ra sao?

“Nhưng đám lúa vẫn nóng hầm hập. Cây lúa chặt cứng như bó mạ cao vổng. Con cào cào rúc không lọt. Quanh chân lúa, đất sùi lên như đống mối đùn. Thế mà ngày nào cũng vẫn lũ lượt, người đến tham quan. Tiếng lành đồn xa, hàng huyện đổ đi xem lúa thần kỳ. Những ruộng khoai, những bãi cỏ từ trên lưng đê xuống, vết chân xéo nhàu nát thành lối tắt. Trên đầu đê, đã có người ra dựng nghiêng cái phên nứa mở quán nước chè xanh.
Nhưng khi thửa ruộng chon von ngả màu úa đỏ như mặt cái lò gạch nung đã chín thì người về xem cũng vãn dần. Chỉ ngắm nghía rồi lẳng lặng quay ra, không ai nói một câu. Về xa đằng giữa đồng thì cả lũ bưng miệng cười hô hố rồi chạy biến. Những khóm lúa lả rạt, trĩu xuống.”
Và đến lúc anh đội phải chấp nhận cái dốt nát của mình ,vẫn chỉ biết đổ lỗi mà không biết ngượng:
Rồi Cự tạt ra đám ruộng lúa thần kỳ. Đội trưởng chau cặp mày lông nhím, cúi xuống, lay một khóm lúa. Hình như cây lúa chỉ đợi tay người đụng, cả khóm lúa ật ra ngả vạ. Rễ đã thối mủn đến bẹn cây. Bực mình, Cự ngẩng lên rút cái bảng "lúa thần kỳ" quăng vèo vào giữa mặt lúa đã đỏ xuộm như rơm sắp cháy.
Tôi ngạc nhiên, vờ:
- Ô hay, hôm qua còn xanh mởn mà.
Tôi nhổ khóm nữa. Khóm nào rễ cũng nát ruỗng. Mấy tay dân quân quạt suốt đêm còn ngái ngủ, mở mắt trông thấy đội trưởng, lại ra sức co chân đạp thốc cho những cánh quạt phất liên liến. Đến lúc đội trưởng ném cái bảng chỏng gọng vào ruộng, thì tất cả buông chân khỏi cái chòng lọng thừng, ngửa cổ cười khơ khớ. Các bọn này ngửi mùi lúa thối từ lâu, thế mà vẫn ra công quạt, quạt,...
Cối ghé tai tôi:
- Em biết là thất bại từ lúc chưa làm. Nhưng anh bảo thì em phải vâng thôi.
Có cay đắng tôi không. Thế nào đội trưởng Cự cũng sắp đổ tội cho tôi. Quả nhiên.
- Cậu thì chỉ biết rúc đầu vào váy mấy con dân quân từ chặp tối, còn hơi sức đâu mà nhòm ngó lúa má!”
Nửa thế kỷ sau, tưởng chừng những chuyện bịp bợm tuyên truyền phản luân lý khoa học đã qua, những trại đại đồng, những vạt lúa thần kỳ bây giờ vẫn xuất hiện qua hình thức khác ngoạn mục và vĩ đại hơn: nào là tài lãnh đạo của đảng đầy thành quả trong giai đoạn đổi mới, sự thắng lợi trong các cuộc tổ chức hội nghị quốc tế lớn ASEAN, APEC, sự thần kỳ của việc được gia nhập WTO, VN trên đà cất cánh bay bổng v.v… Một thời gian ngắn nữa thôi, người dân VN lại được mục kích những cảnh vắt giò bỏ của chạy lấy người như trong trại đại đồng , hay mấy ông lãnh đạo nhà nước hầm hừ quăng tiệt mấy cái trò bay bổng thắng lợi như anh đội bực mình quăng tấm bảng lúa thần kỳ năm ấy, rồi tìm cách đổ lỗi cho thằng địch (lại Mỹ Nguỵ nữa) chơi xấu, chèn ép, phá hoại, còn đảng và nhà nước ta lãnh đạo thì có bao giờ sai và dở?
Trọng tâm của Ba người khác vẫn là cảnh đấu tố , cảnh giam cầm, sự tra tấn ép cung và sự vô pháp luật trong trò hề toà án nhân dân và sự cố ý hành hình theo lệnh trên. tác phẩm đã cho chúng ta thấy rõ điều này trong việc cho anh đội trưởng ngày ngày lập danh sách địa chủ cần bị xử bắn đi họp để trên duyệt. Khi màn bắn giết trở nên quá bừa bãi với mục đích của các đội cải cách là thi đua vượt chỉ tiêu lập thành tích để giành ngọn cờ đầu, dân đen vô tội quá hãi hùng, đám lãnh đạo trung ương đứng đầu là Hồ Chí Minh cảm thấy không kiểm soát nổi nên mới có lệnh ngưng hành hình tức khắc và thành lập các đội sửa sai. Chính các đội sửa sai này cũng không lừa bip được người nông dân nghèo nàn thất học. Ngay cả khi đội chưa về tới làng, người ta đã bảo nhau: sửa sai gì? cào bằng thì có. Những diễn tiến sau sửa sai như hợp tác hoá ruộng đất, phong trào trăm hoa đua nở đưa đến vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm đều là những hệ quả của tình trạng vô luật pháp trong cải cách mà Nguyễn Hữu Đang (trong Cần phải chính quy hơn nữa) thời đó đã liên hệ phê phán, và ông đã phải trả giá bằng cả cuộc đời minh cho sự phê bình thẳng thắn này.
Điều mỉa mai trong sự tiêu diệt giai cấp địa chủ là: giải phóng nông dân ở đâu không thấy, chỉ thấy mỗi gia đình chia nhau được vài yến gạo, ít nồi niêu xoong chảo. vài cái chén,dăm đôi đũa hoặc một mớ quần áo cũ vớ vẩn không đáng giá một vài đồng xu. Có một ít ruộng đất thì tranh giành, gầm gừ cấu xé nhau, để rồi chưa kịp trồng cấy thì nhà nước đã có quy hoạch thu thuế mấy tấn một năm. Chưa đầy ba năm sau đã có lệnh tập trung vào hợp tác xã tất cả ruộng đất. Một cú lừa thật vĩ đại. Nhưng ruộng đất của một “thằng địa” có nhiều nhỏi gì:

Địa chủ cường hào gian ác Đoàn Văn Thìn có: ruộng 5 mẫu, 1 nhà ngói năm gian, 1 nhà gỗ ba gian, 1 trâu, 1 nghé, 10 chum, 15 vại, 4 giường, 2 phản, 1 yến gạo, 2 yến thóc, 7 cái nồi năm, nồi tám, nồi mười, mâm đồng 2 chiếc, mâm gỗ 8 chiếc... Tổ tịch, trưng, mua quyết định: tịch thu toàn bộ nhà ngói, nhà gỗ và diện tích ao vườn. Để lại cho nhà nó ở cái bếp đầu bờ rào. Tịch thu tất cả nồi đồng, sanh đồng, mâm đồng, cũi bát đĩa, hương án, đồ thờ. Trưng mua các phản gỗ, bàn toạ, ghế tràng kỷ, ván áo quan. Không mua thóc gạo đương có, không mua quần áo chăn chiếu đương mặc, đương đắp, không mua nồi niêu ang đất, tôn trọng tín ngưỡng không đụng đến đồ thờ, bát hương. Tôi yêu cầu đội khuân vác làm việc, đem các đồ đạc tịch trưng thu kể trên lên bãi quả thực.”

Và cái “ thằng địa “ấy đã bị đấu tố chết ra sao:

Đội trưởng Cự đứng dưới mái tranh, cất tiếng như hô khẩu hiệu:
- Báo cáo các đồng chí, trên đã duyệt án tử hình địa chủ Thìn.
Lát nữa, lão Thìn sẽ chết ở cái bãi mà mới năm trước, lão thuê cả lính bốt hương dũng đốt cỏ lác cày vỡ hoang.
Lão Thìn lả người, lăn quay ra giữa bãi. Đống văn tự, giấy tờ, sổ sách chữ Tây chữ ta trong nhà lão khuân ra đốt, khói um lên, tàn than lả tả bay như đàn bướm đen. Nhưng tiếng quát xô lên: Không cho nó nằm! Nó nằm sập gụ cả đời rồi! Bắt nó đứng! Bắt nó... Địa chủ Thìn bị xốc lên, trói hẳn vào cái cọc đã chôn sẵn. Đầu lão ngật đi. Chốc chốc lại ỉa tháo ra cái quần đã tụt vòng hẳn xuống hai ống chân bằng cái ống nứa.
Tôi ở ghế chủ toạ, đứng lên đọc một cáo trạng tội ác lão Thìn. Nhà nó đã mấy đời bóc lột, càng ngày càng giàu, càng ác. Nó thu thóc tạ cho Pháp, cho Nhật, khi kháng chiến đội lốt làm chủ tịch xã, đến hồi Tây về nó ra làm tổng uỷ - nó là con chó săn của hai, ba đế quốc. Con gái nó đui què, câm điếc, nó bắt nông dân phải lấy, rồi lại phải cấy rẽ giả nợ... Đả đảo địa chủ, cường hào ác bá...
Một người dáng như tổ trưởng, xách cái gậy lảng vảng đến "Đây không phải cái chợ. Ai xì xào nữa người ta cắt lưỡi đấy".
Cả nghìn con người lại im như tờ. Khi một loạt tiếng súng toả khói xanh um lên, đám đông ở dưới đẩy nhau chạy. Ai cũng khiếp tiếng nổ. Người hãi máu, bịt mắt lại. Người nhốn nháo vỡ ra các ngả. Tiếng trống cà rùng của đội thiếu nhi nổi lên khua rầm rầm, vang vang. Thế là địa chủ Thìn chết, chết trước cả cái khi toà án phúc tra. Chẳng biết địa chủ Thìn mà bị xử chậm lại gặp đội sửa sai thì có được tha không, nhưng dẫu có may mắn thế, chắc lão cũng chết ốm trước đấy lâu rồi.
Sự tàn bạo nhất trong cái chiến dịch cải cách ruộng đất 5 đợt này là cảnh giam cầm trong các trại tạm giam trên huyện được mệnh danh là những chuồng trâu, cùng với sự tra tấn man rợ ép nhận tội của nó. Chúng ta hãy đọc lại đoạn bắt bớ tên đội Đình:

Nơi giam Đình ở cũi phía ngoài lô cốt. Không một lỗ cửa sổ, trên mái trống hốc mà như tối mù. Nhiều người đã bị nhốt trước ở đấy, bùn cứt thối khẳn lõng bõng ngập mắt cá chân. Đình phải trói đứng suốt ngày. Đêm ngủ lả đầu xuống, lưng cong như con tôm, hai tay vẫn treo lên cái vấu tre. Lúc lúc lại quờ quạng dật dờ ngọ ngoạy. Đình vẫn chưa hết cơn choáng váng bởi không hiểu thế nào.
Mấy ngày liền, không biết. Hôm đầu Đình còn tỉnh, nghe sau các vách cũi bên cạnh, tiếng rên,tiếng ho,tiếng nôn ồng ộc, tiếng thở dài não nuột, chẳng rõ người hấp hối hay con chó vừa bị một chầy vào đầu, chỉ còn ư ử mấy tiếng mơ hồ.
Người trẻ tuổi đứng dậy, khoan thai như thầy giáo giảng bài:
- Các đồng chí dân quân, khai khẩu cho nó nói ra.
Lập tức, tốp người trực ở ngoài ùa vào lôi Đình xuống sân. Một cái gộc tre xù xì đập bốp vào mồm Đình còn đương há hốc. Ba chiếc răng cửa Đình văng ra như những hòn cuội, máu tuôn lênh láng. Đình lăn ra, thở sằng sặc. Những đầu mấu tre giáng xuống như giã giò, thình thịch, vun vút, bất kể vào đầu, vào lưng. Đình trợn ngược mắt, nhuôi ra. Chiếc gậy chọc vào lưng, lay đi lay lại. Rồi gậy lại chan chát xuống, như thử biết người còn sống không. Hai bàn tay Đình duỗi như búng con quay rồi đuỗn thẳng không nhúc nhích.
Người cán bộ kính trắng đã đứng đằng sau từ lúc nào.
- Khiêng nó về nhà giam. Cho cơm nước tử tế. Nó mà chết, các người gác phải thế mạng, không giỡn đâu.
Đình lại giở chứng, không muốn về cái chỗ thối ghê gớm ấy, giá cứ được đứng đây. Một báng súng đã thúc vào lưng, đun ra.
Nhưng hôm sau thêm nhiều người nữa ngồi ở hai cái bàn kê ai cũng hỏi hỏi, ghi chép, có cái máy chữ đánh tanh tách ngay cạnh. Thỉnh thoảng, một tờ giấy vừa đánh chữ bật ra lại đem cho Đình ký vào cuối trang. Đình cứ ký, cứ vâng dạ trả lời. Đình đã giết người thế nào, bao nhiêu người. Có người bị chọc tiết, phải không? - Vâng ạ - Có ai bị chôn sống không? - Có, có. - Mấy người? - Một ạ. - Cả thảy mười lăm người, danh sách đây. - Có người chân còn thò lên mặt đất? - Có ạ - Mày lấy cuốc chặt đi, phải không? - Vâng ạ - Chặt thế nào? - Tôi chặt một cái. Những chuyện ghê rợn cứ người nói người kể. Cái sợ, cái chết đến nơi, bí thư và chủ tịch huyện đã xuống suối vàng rồi, Đình cũng đương đi... Đình tỉnh rồi lại mê.
Ở cũi giam, lại một nắm cơm, một gáo nước ngày ngày. Nhà Đình ở ngay trong làng, cuối phố huyện đây. Nhưng làm sao vợ con biết được, chúng nó có biết không. Mấy hôm nay thôi phải gọi lên hỏi nữa. Hai tay Đình được cởi trói, Đình ngồi phệt trên vũng bùn cứt, như con lợn quết bụng trong chuồng. Từ chân lên mặt vẫn sưng tấy, buốt đến tận óc. Đình chẳng còn chờ đợi gì, chỉ còn mong chóng được chết. Nhưng mà thế nào cũng sắp chết rồi. Cứ chôn đứng chôn ngồi thế này thì cũng chết đến nơi.
Một thoáng rồi ba tháng đã qua. Đình vẫn ngắc ngoải.
Hôm ấy, Đình phải điệu ra toà xử công khai. Cũng như những phiên toà giữa trời ở các xã. Một cái bãi liền chợ, đông nghịt cả hàng huyện kéo đến trường đấu. Trên hàng người, những chiếc đòn ống vát đầu tua tủa lên như nắm chông. Dễ thường có con mẹ hĩm mẹ cu vợ Đình trong đám ấy - các cụ để lại, xưa rày nhà Đình chỉ có mỗi miếng ruộng, hồi giảm tô, vợ Đình được là chuỗi, là tổ trưởng dân quân. Ôi nhưng mà có khi cũng bị đấu vì tội liên quan với phản động hay là đã chết cả rồi.
Những hy vọng vừa mơ màng tới, lại tối sầm. Từng đợt hô khẩu hiệu ồn ào bốn phía làm cho Đình xanh xám. Đình bị trói giật cánh khuỷu, mỗi bước cứ khuỵu xuống, hai bên dân quân lại lôi xềnh xệch. Trước dãy bàn xử án, mấy tấm cót ken nối nhau, dài hàng chữ hắc ín: Đả đảo Việt gian phản động Nguyễn Văn Đình. Bên cạnh, một cọc tre tươi còn cả chòm lá phơ phất được cắm xuống, đất mới loang lổ xung quanh. Đình đã trông thấy những cái cọc như thế ở các mít tinh xử án, cọc trói người đem bắn. Đình bủn rủn lại ngã gục, không gượng lên được nữa. Bởi vì Đình lại đã trông thấy khuất sau chiếc ghế dài các đại biểu ngồi, trang trí tết lá dừa lưa thưa, hai người vừa khiêng ra một cái quan tài gỗ gạo tươi còn lướp tướp trắng bệch. Đình đã biết cả.
Cuối cùng, sự tha bổng cho một tội nhân có án tử cũng dễ dàng như không:
Ông cán bộ nói mấy câu với các vị toà án rồi bước vào trước loa micrô, thong thả, vang lừng:
- Thưa toàn thể đồng bào giai cấp nông dân huyện ta, tôi bí thư đại diện đoàn uỷ khu về truyền đạt một chỉ thị quan trọng của Trung Ương. Tôi thông báo để đồng bào rõ, kể từ giờ phút nhận được lệnh này của khu, các đội cải cách, đội phúc tra, đội chỉnh đốn tổ chức đình chỉ tất cả các vụ xử bắn. Toà án phải thi hành đúng pháp luật Nhà nước, yêu cầu triệt để thi hành.”
Ở dưới vẫn im, không hoan hô, không đả đảo. Rồi lại nhốn nháo và cứ thế lộn xộn, xô bồ, người ta kéo về không ra hàng ngũ gì cả, cũng không cản được, mà cũng không ai cản cả. Đình đã thỉu đi rồi và như bị bỏ quên vẫn bị trói đứng trơ ra đấy. Cả các ông toà án cũng lúng túng, chỉ có đoàn uỷ khu về chậm nhưng vẫn còn kịp, ông bình tĩnh và cẩn thận, ông đề phòng nông dân còn đương bồng bột, nhỡ đám đông xông lên đánh chết người, thì lại phạm pháp.
Đình được khiêng về chỗ giam. Ông bí thư khu xem xét lại mọi hồ sơ của Đình, bàn bạc với các ông toà án, đến hôm sau, Đình được thả. Xoá cái án chém mà nhẹ như không, những người già bảo rằng trời còn có mắt.
Tự trong bản chất của con người CSVN đã có sự đấu tố, tiêu diệt và tính ngược ngạo nên ở giai đoạn nào, thời nào nó cũng thể hiện. Sau cái thời cải cách và sửa sai đến thời Nhân Văn - Giai Phẩm, các màn đấu tố, toà án nhân dân được đưa lên một mức khôn khéo hơn : bằng ngòi bút , sự độc quyền toàn bộ báo chí truyền thông với những lập luận ngược ngạo có tính khoá mồm bịt mắt để đấu văng mạng, để diệt từ căn (thí dụ trong các bài viết của Huy Vân, Hữu Mai đấu Trần Dần vào những năm 1958, Talawas mới in lại và đưa lên trang mạng). Trong suốt cuộc chiến 2 miền Quốc - Cộng, chúng được lập lại qua các hình thức chận xe đò ở những khu vực hẻo lánh , lùa dân vào rừng bắt hội họp mít tinh, phân chia thành phần giai cấp, hoặc lợi dụng đêm tối ở những vùng sôi đậu để tuyên truyền tố khổ, thu thập thuế má , bắt ép nhân dân tích cực đóng góp tài sản nhân lực cho “cách mạng” và bắt cóc giết hại những người làm việc hoặc nghi ngờ có cộng tác cho chính quyền miền Nam cũng với mục tiêu khủng bố gây sợ hãi trong nhân dân như thời cài cách ruộng đất. Sau tháng tư 1975, các chính sách tấp trung cải tạo để giam cầm quân cán chính VNCH, đánh tư sản mại bản , cải tạo công thương nghiệp miền Nam, ngoài mục đích trả thù và cướp đoạt tài sản, bần cùng hoá người dân, cũng là nhữnh hình thức đấu tố mới dựa theo thực trạng đời sống xã hội và tình hình chính trị kinh tế của nhân dân đương thời. Rốt cuộc, hệ quả của hai thời cách nhau đến 20 năm là hai cuộc di tản cùng to lớn( về số lượng) và bi thảm (về cường độ) nhất trong lịch sử VN. Trở lại với thời gian của thế kỷ 21 hiện tại, chế độ tạo ra kinh hoàng còn đó, những con người thì hành những trò dã man vô nhân đạo vẫn nguyên đó dù họ cố ra sức xóa bỏ những vết tích của tội ác tày trời ấy. Bọn cầm quyền không thể áp dụng những phương pháp đấu tố giam cầm man rợ xưa cũ, nhưng lại xảo quyệt hơn bằng cách hù doạ gây tai nạn giao thông, tác động gây ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế bản thân, gây sức ép lên gia đình và trong quan hệ xã hội, thuê người giả dạng người dân hay các tổ chức này nọ để chửi rủa, hành hung với mục đích đàn áp khủng bố gây sợ hãi. Những trò ném đá giấu tay này không bịp được ai khi Phan Văn Khải trước khi về vườn ký nghị quyết cấm tụ tập quá 5 người ngoài đường ,nhưng lại không hành động gì khi cả trăm tên côn đồ kéo nhau tới hành hung phỉ báng những người dám lên tiếng phê phán những sai trái của họ như các ông Hoàng Minh Chính, nhà văn TKT Thuỷ, bà Bùi kim Thành, ông mục sư Công Chính… Khối người Việt hải ngoại, đặc biệt đồng bào sinh sống tại Nga và các nứơc khối Đông Âu cũ vẫn thường xuyên bị đe doạ khủng bố và gây áp lực từ phía thân nhân trong nước qua sự bị chi phối của các toà đại sứ và lãnh sự cùng các nhân viên ẩn mình trong bóng tối cũng là những trò đấu tố dưới hình thức tinh vi xảo quyệt hơn. Và sự ăn ngược nói ngạo trong lý luận của CSVN từ trong đến ngoài, từ các cơ chế cai trị cầm quyền đến các cơ sở truyền thông báo chí đều quá rõ ràng không cần nhắc tới.
Giống như sự lừa bịp là đặc tính của một xã hội CS nơi mà con người phải dối gạt nhau và tự lừa dối mình để sống , các màn đâu tố thủ tiêu luôn luôn hiện diện dưới nhiều hình thức vì đó là bản chất của việc dùng bạo lực trong đấu tranh của người CS. Tô Hoài là một anh đội, là đảng viên CSVN cao cấp , ông đã có một nỗ lực đáng khen ngợi trong việc kể lại khá trung thực trong tác phẩm trên dù khá muộn màng. Tiếc một điều là ông vẫn là một con ngưòi nhiều chất đảng viên CS, suy nghĩ theo lối CS, đổ lỗi cho cơ chế, cho người khác, chưa can đảm nhận chân mình ,nhiều hay ít ,phải chịu một phần trách nhiệm trong cái bi kịch đáng tủi hổ ấy, thẳng thắn đưa một lời xin lỗi chân tình đến các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của mình, dù rằng lời xin lỗi cũng không làm sống lại người quá cố, hàn gắn lại những cuộc đời tan nát của người sống. Chuyện đội trưởng Huỳnh Cự sau này hồi chánh tại miền Nam và bị một người dân trong làng tìm giết trả thù ( chi tiết câu chuyện không biết là thật hay hư cấu?) cho thấy ông có phần nào muốn bào chữa cho cơ chế ở trên: nó không quá tệ thế đâu, chẳng qua vì những kẻ xấu như đội trửơng Cự, và đám này trước sau gì cũng phản bội lại đồng chí đồng đội của mình thôi. Dù sao đó cũng chỉ là khiếm khuyết cá nhân. Xin cám ơn ông. Xin cám ơn tác phẩm. Ba người khác là một trong những bằng chứng cho thế hệ sau có sự đánh giá chính xác hơn về một giai đoạn kinh hoàng của đất nước và dân tộc Việt Nam, là một trong những tư liệu có giá trị tham khảo sau này khi những sử gia và những luật gia định công luận tội ĐCSVN và giới lãnh đạo trong suốt quá trình hoạt động của nó.

No comments: