Hồi ký của một thằng hèn

Chương I


TUỔI ẤU THƠ


Người ta thường nói: “Mở mắt chào đời” hoặc “Cất ba tiếng khóc chào đời”. Trường hợp tôi ra đời thì ngược lại! Tôi đã...“nhắm mắt chào đời” và...cười sằng sặc khi ra khỏi bụng mẹ!

Chuyện bịa?

Không! Thật trăm phần trăm.

Mẹ tôi kể lại tôi ra đời không bình thường. Con “đường ra” đúng là “ra...khỏi bụng”! Tôi vì to con quá (gần 4 kí-lô), mà lại là con đầu lòng, nên người ta phải mổ để “bứng” ra sau cơn trở dạ của mẹ tôi kéo dài hơn mười tiếng đồng hồ! Tôi ra đời “mắt nhắm nghiền, miệng phát ra tiếng sằng sặc như tiếng cười”, có lẽ do bị nghẹt thở, chứ không phải tiếng khóc!

Hơn thế nữa, miệng tôi lại có sẵn hai cái răng cửa!

Tiếng cười ở cái miệng có sẵn răng cửa của một thai nhi trở thành công dân Anamít ngày 24 Septembre 1927 sau này được họ nhà Tô bảo rằng tôi đã cất tiếng “cười ngạo nghễ chào đời!” Hai cái răng này mãi 4 năm sau mới chịu rụng để tôi bị mang hai tiếng “Hải sún”! Khi răng mọc hai cái mới, vừa to vừa dài khác thường thì tôi lại bị đổi tên thành “Hải hô”, “Hải mỡ” vì tôi to béo cũng quá khổ. Những năm sau này, người nào yêu tôi thì gọi là “răng duyên”, người ghét tôi thì gọi là “răng nhai”, “răng đớp”.

Tôi được cứu sống nhờ những cú phát thật mạnh vào mông mới chịu cất tiếng khóc. Phải chăng đó là điềm gở vì kể từ lúc trở thành “công dân của xứ bảo hộ Bắc Kỳ” cho tới sau này, tôi luôn bị “ăn đòn” mới sáng mắt, mới chịu khóc! Thằng quỷ sứ là tôi ra đời đúng 5 giờ 10 phút tại nhà thương hàng Đồng, Hà Nội và ra đời như vậy đó!

Tờ khai sinh bằng tiếng Tây gọi là Acte de naissance với các mục ngày sinh, tháng đẻ, tên cha, tên mẹ, tuốt tuột đều bằng tiếng Pháp, tôi còn giữ một bản trong ba lô mãi những năm đã thành anh Vệ Quốc Quân. Chính cái tờ khai sinh nửa Tây, nửa ta này một lần đã làm tôi suýt mất mạng vì mang nó trong ba lô và bị những người có tinh thần cảnh giác cách mạng cao phát hiện, tưởng là truyền đơn tiếng Pháp. Cũng may là trong đám kiểm tra hành trang của tôi trước lúc vượt đường số 5 lại có một ông chỉ huy nguyên là đội khố xanh biết nó là loại giấy gì. Nếu không, tôi đã bị mấy ông nông dân răng đen cho đi “tầu suốt” như những cô gái, những ông già bị chết oan uổng vì chạy tản cư ngày đầu kháng chiến lại mang theo cả “livret scolaire”- học bạ, mặc áo, đi tất có ba màu xanh-trắng-đỏ: cờ Pháp!

Tôi nhớ rõ tham mưu trưởng chiến khu III Vũ Hiển lúc ấy đã nói “Thà giết lầm 10 người còn hơn để lọt một tên Việt gian”! Tất nhiên, ông tham mưu trưởng của tôi không phải là người sáng tạo ra cái khẩu hiệu ghê rợn đó. Ông chỉ nhắc lại lời các lãnh tụ của ông mà thôi. Đó là cái rùng mình đầu tiên trong ngàn vạn cái rùng mình sau này suốt quá trình tôi đi theo cách mạng!

Trở lại chuyện tôi ra đời, to như Tây, khai sinh nửa Tây nửa ta, và nghe kể lại, khi đón tôi về nhà có cả kèn bú-dích ([1]), vì nhà tôi ở phố Bảo Khánh đang inh ỏi tiếng kèn đón ông vua con Bảo Đại ([2]) ra Bắc Kỳ du hành quanh hồ Hoàn Kiếm!

Bản nhạc đầu đời tôi được nghe, như thế, là một bản kèn Tây do lính ta thổi, có mặt cụ Đinh Ngọc Liên ([3]) nổi tiếng sau này và ông Tây Camille Parmentier chỉ huy!

Chẳng hiểu bố tôi có quá đề cao thằng quí tử không khi đã hơn một lần khoe với bạn bè: “Thằng Hải nhà tôi nó có “bông-gu” ([4]) âm nhạc từ lúc mới đẻ! Cứ nghe nhạc bên nhà kèn nổi lên là nó khóc ré đòi bế đi nghe!”

Môi trường âm nhạc đầu đời này còn ảnh hưởng mãi trong tôi từ lúc nằm nôi cho tới khi biết ê a tiếng hát. Đó là nhờ bên phải nhà tôi có Nhà Thờ Lớn, bên trái có ki-ốt hoà nhạc hàng tuần của dàn nhạc harmonique quân đội, đằng sau là phố hàng Trống với tiếng bung, bung, cắc, cắc ... của những bác thợ sản xuất trống, cứ gõ đều đều không nghỉ từ sớm tinh mơ đến tận chiều tối.

Sự ra đời của tôi không được bà nội tôi (ông nội đã mất trước khi có cháu) và họ hàng hoan nghênh. Ít người thăm hỏi. Tất cả chỉ do lời dèm pha: “Thằng Hoàn, con Nhung (tên bố mẹ tôi) sinh ra quái thai”

Chả là bố tôi đã có vợ và một con trai ở quê, kết quả của một vụ tảo hôn nghe đâu kéo dài hơn 10 năm, từ khi bố tôi mới lên 8. Rồi bố tôi trốn khỏi thôn Thượng Phúc, xã Đại Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để làm con nuôi một ông cậu ruột, bố đẻ của ông Nguyễn Hữu Trí, tổng trấn Bắc phần Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất 1945-1954. Gia đình ông cậu “thối không chịu được”, theo cách nhìn của bố tôi. Chính vì vậy, bố tôi đã mang trong đầu tư tưởng ghét Pháp từ rất sớm, nhất là ghét những người vào làng Tây!

Mãi sau này, lúc bà nội tôi qua đời, tôi mới được chứng kiến cái “thối” ấy nó ra sao. Đưa ma bà có đủ Tây trắng, Tây đen, Tây lai và rất đông con cháu...Tầu nữa. Thì ra ông cậu ruột của bố tôi, khi làm tham tá đầu toà đã lấy một bà vợ Tây. Bà này có con với một ông thống sứ chết trận cát-tó đít-duýt! (I914-I918) nên ông nuôi luôn con ông thống sứ (tôi phải gọi là chú Albert), thêm cả đứa con của ông thống sứ “nhặt” được ở Marốc mà tôi chỉ gặp một lần nhưng vẫn nhớ tên là Mahomed. Ông tham và bà vợ cũng như mấy người con đều giữ tên ta nhưng vào làng Tây, hàng ngày nói chuyện với nhau toàn bằng tiếng Tây. Còn họ hàng người Tầu là do bà nội tôi có bà em ruột lấy một ông xì thẩu chính gốc Quảng Đông. Bố tôi hay chửi cái thói nô lệ Tây nhưng ông cũng tự thấy sở dĩ ông nói được tiếng Tây như Tây chính là nhờ những năm tháng nửa làm cháu, nửa làm gia sư, nửa làm đầy tớ ở nhà ông cậu ruột “đờ-mi Tây” này. Tuy nhiên, về tình cảm họ hàng rõ ràng ông yêu cái phía họ hàng Tầu hơn họ hàng Tây rất nhiều.

Với cái nhìn hôm nay, bố tôi đúng là sản phẩm của một nền văn hoá tả pí lù. Đỗ đíp-lôm xong, được bổ nhiệm tại nhà Dây Thép ([5]) Hà Nội là ông làm ngay cuộc cách mạng đầu tiên: Không báo cáo gì với bà nội tôi, ông lẳng lặng làm lễ thành hôn với mẹ tôi, một cô đỡ Đông Dương (sage femme Indochinoise) khoá đầu tiên. Hậu quả của hành động vượt ra ngoài khuôn phép là ông phải chịu sự ruồng bỏ của họ hàng, của mẹ đẻ.

Khi tôi lên mười, bà nội tôi mới chịu ra thăm con, thăm cháu và đúng dịp hoà thuận với con cháu ấy, cụ đã từ trần ngay tại nhà đứa con trai độc nhất là bố tôi.

Tôi rất ít được sự săn sóc của cha mẹ vì cả hai đều là công chức, đi làm suốt ngày. Tối, mẹ tôi còn phải “gác”, chưa kể những ca đẻ khó, “bà đốc” bị gọi bất kể giờ nào. Bố tôi thì là một tín đồ của chủ nghĩa yêu nước, yêu dân tộc... không định hướng! Ông rất coi trọng các giá trị văn hoá dân tộc, coi trọng mọi lễ nghi truyền thống. Do được học và đọc khá nhiều, ông rất hiểu cái nhục mất nước. Tuy nhiên, ông không tin bất cứ tổ chức chính trị nào. Tôi còn nhớ khi biết ông bác ruột, Tô Đình Hoè, “làm cộng sản”, viết báo Le Travail ([6]), ông đã tiên đoán: “Cộng sản là cái mà thằng Tây ghét nhất! Rồi đi Côn Lôn cho mà coi!” Quả như thế! Bác Hoè tôi bị bắt và bị đưa đi đâu không biết! Tới ngày Cách Mạng Tháng Tám, bác trở về thành người mất trí sau nhiều năm nằm cát-xô ([7]) ở các nhà lao Sơn La, Côn Đảo. Và bố tôi, cho tới mãi sau này vẫn phàn nàn: “Chẳng có đảng nào xứng đáng để đi theo cả!” Ông là cả một khối mâu thuẫn lớn. Buổi trưa, ông mặc áo the thâm, đầu đội khăn xếp, xì xụp một bước tiến hai bước lùi trước bàn thờ tổ, dạy tôi cách khấn vái, thắp nhang. Buổi tối, ông mặc bộ đồ Tây do Charles Mau’s - Chu Mậu cắt, đeo cà vạt Nicky, xức nước hoa Lanthéric đi nhảy đầm!

Ông cũng là một “nhạc công toàn diện” về nhạc cụ dân tộc. Trên tường phòng khách nhà tôi là cả một bộ sưu tập về đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tứ, sáo, tiêu, nhị, hồ... cái nào cũng khảm sà cừ, lủng lẳng cái tua đỏ. Ông có thể ngồi rung đùi chơi tất cả mọi nhạc cụ đó. Có lẽ tôi mê nhất là cây đàn một dây mà ông chỉ gảy một tiếng rồi nắn ra không biết bao nhiêu nốt. Những lúc ấy, ngồi bên ông, tôi trố mắt ngạc nhiên rồi cười thích thú, thỉnh thoảng lại đưa tay bịt ngay dây đàn để ông nổi cáu mắng yêu: “Yên nào, để bố đánh cho mà nghe”!

Khiếu âm nhạc của tôi thực sự phát triển khi một hôm, bố tôi thuê xe kéo, chở về một máy hát quay tay cùng một đống đĩa nhựa, to, nhỏ. Tôi chỉ mong chóng đến tối vì cơm nước xong là bố tôi thường vặn máy hát.

Ôi, cái tiếng hát qua diagphrame nheo nhéo tiếng kim sắt lúc bấy giờ, hấp dẫn tôi làm sao! Có điều bố tôi mua quá nhiều đĩa cải lương, một món hoàn toàn không hợp khẩu vị tôi tí nào. Đã thế, vở nào cũng dài năm sáu đĩa! Nào là Tội Của Ai, Xử Án Bàng Quí Phi, Huyền Châu Nữ ... với các giọng ca Năm Phỉ, Tư Chơi, Tư Út, Tư Anh, Năm Sang, Bảy Nhiêu... mà tôi rất ngán. Tôi chỉ mong nó chóng hết cho rồi, để bố tôi cho “ăn xen” mấy món “Dè-đơ-dà-múa” (J’ai deux amours), “Actuya” (Arthur), “Cằng-tông” (Quand on est matelot)([8])... Những lúc ấy, có ai rủ đi chơi, tôi cũng không thể rời cái máy Bê Ka (Béka) tuyệt vời đó.

Cho đến một hôm, trong một bưu kiện từ Pháp gửi đến –– bố tôi thường đặt mua theo các cuốn mẫu hàng ––có một chồng đĩa hát thật to, loại 78 vòng/phút. Một thế giới âm nhạc hoàn toàn mới lạ đã mở ra trước mắt tôi. Đó là các bài hát tiếng Pháp của Rina Ketty, của Joséphine Barker, Tino Rossi ([9]), các bản độc tấu, hòa tấu của các nhạc sĩ lừng danh Schubert, Beethoven, Chopin, Liszt, Strauss ([10])... Khả năng của cái máy quay tay lúc ấy chỉ có thể đọc những đĩa 78 và tôi được làm quen ngay từ tuổi lên 5, lên 7 các tiểu phẩm ngắn hoặc trích đoạn ouverture, rhapsodie của các tác giả cổ điển mà tôi sớm thuộc lòng. Một tác phẩm lớn duy nhất thu trong hai đĩa 78 có đến gần 50cm đường kính cũng về với chuyến hàng này. Đó là bản “giao hưởng chưa hoàn thành” của Franz Schubert. Tôi chỉ thấy bố tôi đặt lên máy một lần duy nhất. Tôi giương tròn mắt lắng tai nghe, nhưng sao thấy nó dài quá, khó nghe quá và...chán quá! Thời ấy, bố tôi có lẽ cũng “nghe nói” người ta đã thu thanh Symphonie Inachevée ([11]) vào đĩa nên ông đặt luôn để tỏ ra mình trí thức hay để cố tìm hiểu một tác phẩm mà ông đã nghe nói, đã đọc đâu đó mà chưa có dịp tìm hiểu, tôi không rõ.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là dù trân trọng nó như thế, sau khi lau chùi bằng tấm vải flanelle màu vàng, ông đã xếp nó vào tủ sách, cạnh những Horace, Les Misérables, Comédie Humaine, Polyeucte, Le Cid ([12])... để chẳng nghe thêm lần nào nữa.

Tôi cũng chẳng thích thú gì những thứ khó hiểu đó. Đỉnh cao âm nhạc của tôi lúc ấy là Rêve d’Amour của Litz, Sérénata của Toselli, Menuet của Boccherini, Sérénade của Schubert, Tristesse của Chopin ...

Tôi thuộc lòng những giai điệu tuyệt vời này ngay từ khi chưa biết chữ. Tôi bắt đầu thấy ớn những “bài ta theo điệu Tây” cũng như những đĩa hát của Năm Châu, Phùng Há ([13])…Những rung động do âm nhạc tạo ra cho tôi chính là những vốn cổ nước ngoài! Còn lại, tôi chỉ mong sao bố tôi sớm chán mà xếp nó vào tủ cho đỡ khổ tai. Nhưng ông thì không. Ông vẫn say mê vốn cổ dân tộc cũng như tỏ ra thời thượng bằng những tác phẩm ngắn của các tác giả cổ điển, những bài hát đang thịnh hành ở Châu Âu.

Ông còn làm tôi ngượng chín người với những lần mời các danh ca vọng cổ Phùng Há, Tư Chơi, Bảy Nhiêu về nhà tổ chức các buổi ca hát thính phòng, trong đó ông cũng là một cây đàn hoà tấu. Với hình ảnh nhếch nhác của các đoàn cải lương mà tôi chứng kiến từ trên gác nhà tôi (lúc ấy dọn về Khâm Thiên nhìn ngay sang rạp hát Phúc Thắng), tôi không chịu nổi chuyện bố tôi giao du với loại “xướng ca vô loài”, ăn chung ở đụng, thuốc xái, cờ bạc, văng tục ngay dưới chân tôi. Mẹ tôi không bao giờ có mặt ở các buổi liên hoan văn nghệ kiểu ấy. Bà có ấn tượng về “bọn con hát” còn nặng nề hơn tôi. Bà thường nói xa nói gần: “Cẩn thận kẻo rồi bán nhà, bán cửa, bỏ vợ, bỏ con đi theo chúng nó cho mà xem!”. Mâu thuẫn về cái “Hay” cái “Đẹp” nảy sinh ngay trong tập thể nhỏ bé là gia đình tôi để sau này ở các cuộc tranh luận về nghệ thuật tôi luôn khẳng định: “Áp đặt một cái Hay chung cho mọi người là điều không tưởng!”, “Bắt cả nước chỉ được sáng tác và thưởng thức một kiểu, ăn một món, là ngu xuẩn!”

Tôi sẽ kể về những bi hài kịch “văn nghệ phục vụ công nông binh” sau này mà trong đó, tôi là một “tội phạm, đồng phạm kiêm nạn nhân” ở các chương sau...

Trở lại với gia đình tôi.

Bố tôi, dù gì đi nữa đã là người khai tâm cho tôi về thẩm mỹ. Nhưng tôi đã không tiếp thu tất cả vốn hiểu biết của ông. Ông là người mê âm nhạc, nhưng âm nhạc cổ truyền với ông là chủ yếu. Âm nhạc thế giới với ông chỉ là thời thượng (snobisme). Sau này, tôi còn tiếc mãi giá mà biết say mê tiếng đàn bầu, tìm được cái hay cái đẹp trong những điệu hò Huế, điệu lý..., học ở ông cách “kim cổ giao duyên” từ sớm thì tốt biết mấy. Tôi chỉ mê nhạc cổ điển phương Tây, những bài hát bằng tiếng Tây, dù chẳng hiểu nội dung. Những giai điệu đẹp vô cùng của nó đã rung động tâm hồn nhỏ bé của tôi tới mức tôi như mê mẩn.

Tôi vui, tôi buồn và không ít lần, tôi khóc. Khóc khi tự tay mình vẽ những câu nhạc “si, đô, rê, đô, rê, đô, rê, đô, rê”...trong bản Menuet của Beethoven trên cây mandoline. Ôi! Chỉ có hai nốt “đô, rê” nhắc đi nhắc lại rồi đổ xuống cái kết nửa “la son son fa fa la son mi rề”...đã gợi trong tôi biết bao nỗi buồn, cho tôi biết bao tưởng tượng. Một chiều mưa rả rích?...Những bước chân lê trên đường?...Một nỗi cô đơn, lạnh lùng đến vô tận?...

Sao mà âm nhạc có sức truyền cảm mãnh liệt, thần kỳ đến thế! Chẳng cần có lời! Chẳng biết nó ra đời ở đâu! Chẳng biết do ai sáng tác! Lúc ấy làm sao tôi đọc nổi tên các nhạc sĩ Đức, Pháp, Ý. Và sau này, tôi càng khẳng định: Âm nhạc chỉ có Hay và Dở. Chẳng có âm nhạc địch, âm nhạc ta, âm nhạc có lập trường, âm nhạc mất lập trường nào hết. Tất cả nhận thức đầu đời này té ra vẫn là chân lý!

Những gì tôi tiếp thu được từ tấm bé trong gia đình về âm nhạc còn phải kể đến cái tập thể nho nhỏ ở “nhà dưới”. Nó gồm anh bếp Tý, anh xe ([14]) Lạc, vú Hải, vú Hiền, vú Bích và sau này đến vú Nga thì... nông dân không còn ở “nhà dưới” của gia đình tôi nữa! Lý do: Cách mạng đã nổ ra và kiếp đi ở chấm dứt.

Do bố mẹ tôi quanh năm ngày đi làm, tối tiệc tùng, và sau này bố tôi còn rơi vào con đường “xoa” thín cẩu ([15]), mẹ tôi rời nhà thương lại vui hội tổ tôm nên mọi việc trong nhà đều do một nửa tiểu đội người ở đảm nhiệm. Chính các bà vú già, anh bếp, anh xe, vú Hiền, vú Bích (mẹ tôi cứ đẻ xòn xòn vì đẻ xong đã có người nuôi) là những người gần gũi nhất đối với anh em tôi. Nhiều người trong số họ đã để lại cho tôi những ấn tượng khó quên, tạo cho tôi những rung động đầu đời trong lãnh vực “văn nghệ bình dân”. Người tôi nhớ nhất là anh bếp Tý, chủ nhiệm “câu lạc bộ âm nhạc bình dân” mà trụ sở là cái bếp nhà tôi, rộng độ 20 mét vuông, có tường và nền lát gạch men trắng toát. Ở đấy, cứ tối đến, khi bố mẹ tôi vắng nhà, cả đám người ở từ quê ra lại họp nhau trao đổi tâm tình. Tôi không thể quên những chuyện tiếu lâm “tục mà thanh” của anh bếp Tý. Nó gây cười cho cử toạ đến sặc sụa và người kể đôi khi bị mấy bà vú thưởng cho một cái phát nhẹ kèm theo câu: “Khỉ gió cái anh này!”

Anh chỉ cười, nhe đôi hàm răng vẩu và dặn tôi lúc ấy đã 6, 7 tuổi: “Đừng có kể cho ông bà nghe nhé!” Tôi phục nhất cái tài bắt chước mèo đực, mèo cái đánh tiếng gọi nhau, gặp nhau rồi gào lên như sắp phát điên. Từ cổ họng anh, phát ra các tần số âm thanh, âm lượng, sắc thái, tình cảm lúc ngập ngừng, do dự, lúc mãnh liệt, sấn sổ, lúc nhẹ nhàng, êm dịu, lúc bốc lửa, dồn rập để đi tới cao trào!

Sau này, khi học nhạc chính quy, để hình dung được p, mp, sf, conagitato, con fuoco, crescendo, decrescen-do, smorzando, rit, rall, poco a poco.. tôi thường nghĩ đến bài học của anh bếp Tý! Ôi, giá mà anh biết tôi vất vả thế nào khi đánh vật với bài học âm nhạc của ông thầy dòng, thầy Bích: “Moderato là chậm vừa? Allegreto là nhanh vừa? Allegro là nhanh? Vivace là hết sức nhanh?”Nhanh thế nào? Vừa thế nào? Có lẽ chỉ anh bếp Tý là người thực hiện mà chẳng cần học hành ba cái tiếng Ý càng dịch, càng giải thích, càng tối mù và xám xịt lý thuyết!

Trở lại với cái “câu lạc bộ bình dân” ở nhà tôi.

Chính từ đó mà tôi sớm làm quen với đủ thứ “bình dân” hay có, dở có. Từ những câu đố tục mà thanh, thanh mà tục, những truyện tiếu lâm hoàn toàn có mục đích gây cười, từ tiếu lâm đả kích đến những bài hát ví, hát chèo “người thật việc thật” (vừa hát vừa diễn), những điệu “sẩm soan”, “hề gậy” mà anh bếp Tý vừa hát vừa dùng đũa cả gõ lách cách, leng keng vào chiếc nồi rang. Sau này, khi được chính ông Năm Ngũ, bà cả Tam ([16]) truyền dạy, các bài Sẩm soan, Hề gậy đã “vào” tôi không mấy khó khăn vì tôi từng bắt chước anh bếp Tý hát thử, gõ thử: “Gió cát trăng lân cái đêm đông trường...” từ thuở còn thơ rồi.

Chính những con người cụ thể, hát những điệu dân ca cụ thể đã làm tôi nhớ hơn, tác động vào tâm hồn tôi gấp nhiều lần những đĩa hát phát ra từ cái diaphrame (thời ấy máy chưa có loa) lạnh lùng. Nhưng khắc đậm nhất trong tôi mãi tới bây giờ chính là không khí giao hoà, không khí tâm đầu ý hợp, thương yêu nhau giữa những người cùng cảnh ngộ. Chính từ nơi ấy, tôi đã chứng kiến rất sớm một cuộc tình mà tôi cho là đẹp nhất, chân thật và trong sáng nhất, hợp lý nhất. Đó là cuộc tình giữa anh bếp Tý và vú Bích! Cả hai “cây văn nghệ” bình dân này đã “phải lòng nhau” ở cái câu lạc bộ nhà bếp nói trên.

Nó bắt dầu ra sao? Thế nào? Từ bao giờ?

Tôi không biết, vì chỉ biết họ “phải lòng” nhau qua một cuộc trao đổi giữa bố mẹ tôi mà tôi nghe được!

Mẹ tôi: “Phải tống cổ cả hai đứa. Để chúng nó ở lại, có ngày ễnh ruột ra thì mang tiếng nhà mình”.

Bố tôi: “Nhưng đã bắt được chúng nó “trai trên gái dưới” gì đâu mà đuổi chúng nó cơ chứ? Con bé (em Bích tôi) đang quấn vú nó, thằng Tý thì thật khó kiếm ai thay. Nó tháo vát, khéo xoay xở, đổi món ăn, lo cho cả trên mười miệng chỉ loáng một cái là xong. Đừng làm thế, tội hắn!”

Mẹ tôi: “Ai ở nhà mà biết chúng nó làm gì nhau? Làm sao tránh khỏi chứ? Mấy hôm nay con bé (em Bích tôi) bắt đầu diarrhée (ỉa chảy) rồi đó! Không thể để nó bú sữa con này được nữa đâu”.

Ngay ngày hôm sau, khi đi học trường sơ về, vừa tới cổng, tôi thấy vú Bích, tay ôm mấy bộ quần áo gói bằng một tờ nhật trình, nước mắt lưng tròng, đi ngược lại phía tôi. Vú cúi ôm lấy tôi, hôn vào hai má tôi, nói trong tiếng nấc: “Cậu Hải ở lại nhé! Tôi về quê đây, bà đuổi tôi rồi!”

Tôi thấy thương vú quá nhưng chẳng biết nói gì, vội chạy vào nhà cầm một trong số 4, 5 con búp bê để trên kệ đi-văng, đuổi theo vú: “Này, của em Hải cho vú đấy, vú mang về cho bé vú ở nhà quê”. Vú vội vàng gạt tay, giẫy nảy: “Ấy chết! Chớ làm thế! Bà biết được, cậu chết đòn đấy”! Rồi vú lủi thủi, gạt nước mắt bước đi.

Cái bóng dáng người đàn bà nhỏ bé, chậm chạp lê bước trên hè phố, đầu cúi gầm bỗng làm tôi trào nước mắt. Tôi chẳng hiểu đây là thứ xúc cảm gì? Tôi đâu biết nước mắt của vú là nước mắt của một cuộc tình tan vỡ? Hay là sự oan uổng? Là nỗi đau khổ, sợ hãi trước một tương lai mờ mịt.

Tôi thương người đàn bà nghèo, chồng bỏ đi Tân Thế Giới, gửi con mình, đi nuôi con người khác, nay bỗng chốc mất việc, nhất là, tuy vú nuôi em Bích nhưng vú yêu quý tôi, chăm sóc tôi còn hơn mẹ tôi nhiều. Hơn thế nữa, tuy còn nhỏ tuổi, nhưng tôi cũng thấy sự ra đi của vú Bích sẽ kéo theo sự giải tán cái “câu lạc bộ bình dân” mà tôi rất yêu, rất thích. Và... quả là như thế!

Anh bếp Tý nhờ bố tôi che chở, được ở lại nhưng từ ngày vú Bích ra đi, anh ít nói, ít cười hẳn. Cơm nước dọn dẹp xong là anh tắt đèn, lên chiếc chõng tre nằm nghe từng đôi thạch sùng đuổi nhau trên trần mà thở dài và thỉnh thoảng lại chồm dậy hút thuốc lào vặt. Không bao giờ cái câu lạc bộ ấm cúng và vui vẻ ấy họp lại nữa. Đôi lần, tôi mon men xuống bếp đều bị anh Tý xua tay đuổi lên nhà: “Ông cấm! Không được xuống đây nghe chuyện bậy nữa đâu!” Chuyện bậy? Thế mà cũng là bậy sao?

Cái “thắc mắc văn nghệ” đầu đời của tôi đã lần đầu nảy sinh. Còn chuyện anh bếp Tý và vú Bích cũng luôn làm tôi buồn và buồn mãi. Thương hại hai người, hai “vai chính” trong những đêm văn nghệ bình dân, đã mãi xa nhau, xa tôi. Thương anh bếp Tý trước vui vẻ, tiếu lâm suốt ngày, nay cứ thờ thẫn như bị mất con, mất vợ.

Một hôm, anh gọi tôi xuống bếp, kéo tôi vào lòng nói nhỏ: “Ngày mai tôi đi rồi. Tôi đã xin ông bà nghỉ việc. Phải về quê làm ruộng thôi. Cậu ở lại học hành tiến tới nhé!”

Tôi đủ thông minh để biết anh nói dối. Anh không hề biết quê anh ở đâu. Chính bố tôi đã nhiều lần nói: “Thằng Tý mồ côi cha mẹ, đi ở từ thuở lên 5, nó chẳng có quê quán, họ hàng hang hốc gì nên nuôi nó trong nhà ít lo nó bỏ trốn!” Có nghĩa là anh không có quê, cũng chẳng bao giờ làm ruộng. Vậy anh về quê nào?

Mãi sau này, trong dịp hành quân qua một làng ở huyện Phù Dực, tỉnh Thái Bình, trời xui đất khiến thế nào tôi đã gặp lại anh, cái anh bếp Tý của 12 năm về trước! Dáng người thấp nhỏ, bộ răng vẩu kể chuyện có duyên, tuy già đi, nhưng tôi vẫn nhận ra anh: Một ông chủ quán thịt cầy ở ngay đầu làng. Anh cũng nhận ngay ra tôi: “Cậu Hải mỡ!”. Ngạc nhiên đến cùng cực là khi anh gọi to: “Bu mày ơi! Ra mà xem này, cậu Hải đã thành bộ đội này!” Khi “bu mày” bước ra, tay bồng một em bé độ 5, 6 tháng tuổi thì tôi không khỏi ngạc nhiên đến bàng hoàng: vú Bích!

Thì ra anh bếp Tý đã theo “tiếng gọi của trái tim”, bỏ nghề nấu bếp thuê đi theo Tình Yêu. Tình yêu viết hoa hẳn hoi! Anh đã về quê vú Bích, mở cửa hàng thịt cầy, vượt mọi lời đàm tiếu, lấy hẳn vú Bích làm vợ, nuôi cả đứa con riêng của vú Bích với người chồng đã bỏ xác ở Tân Thế Giới và còn sinh hạ thêm 4 đứa con, đủ cả trai lẫn gái. Tôi thực sự mừng cho anh chị –– lúc này tôi gọi họ bằng anh, chị. Sau này tôi còn chứng kiến nhiều cuộc tình nhưng tôi chẳng thấy cuộc tình nào đẹp như cuộc tình của anh bếp Tý và vú Bích. Phải chăng cái câu lạc bộ bình dân và cuộc tình đẹp, chân thật, chất phác, chung thủy tuyệt vời đó đã gieo vào tâm hồn tôi những cảm xúc nghệ thuật đầu đời.

Cũng từ những nhận thức tự nhiên đó tôi đã tập toẹ làm thơ rồi viết nhạc thuở 15, 16 tuổi. Bài thơ “Thôi thế là tan giấc mộng vàng, Nàng đi giữa lúc gió xuân sang...” đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy năm 1943, với bút danh Thái Bình Dương năm tôi 17 tuổi, chính là tôi cảm xúc từ mối tình của bếp Tý và vú Bích. Bài hát Có Một Nàng Thôn Nữ,1944, là tôi nói lên tình cảm đối với những người nông dân mà tôi yêu, tôi quý. Tôi cảm ơn cái “câu lạc bộ bình dân” ấy. Tôi cảm ơn mối tình ngang trái và kết thúc đẹp đẽ ấy, vì chính nó đã cho tôi những nhận thức, những tình cảm quí giá sâu sắc, không phai mờ mà chẳng một cuốn sách, một lớp học nào có thể mang lại. Những khám phá đầu tiên của Tình Yêu cũng từ đó bắt đầu. Tình yêu thật sự chân chính là không kể tuổi tác, hình thức, là phải vượt mọi trắc trở, phải chịu đựng đủ mọi điều tiếng, phải mất để có, phải vượt để chiếm, phải giữ để còn.

Anh bếp Tý của tôi có đẹp trai gì cho cam –– người nhỏ thó, răng hô, mắt toét nhèm và yêu một người đàn bà đã có chồng, có con, hơn anh 3, 4 tuổi. Còn vú Bích? Cái gì đã làm cho vú sớm quên anh chồng mất tích? Cái gì đã làm vú “phải lòng” anh bếp Tý nếu không phải mê anh về cái tài, cái duyên của một cây văn nghệ bình dân?

Và họ đã thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái, thương yêu nhau đến lúc bạc đầu. Tôi nhận thức khá sâu sắc về tình yêu từ mối tình chất phác dễ thương đó và đã thể nghiệm trong cuộc đời yêu đương của bản thân. Nhưng đạt đến cái kết “có hậu” như cuộc tình bếp Tý - vú Bích quả là khó khăn, đôi khi vấp ngã đến tróc vẩy, trầy da mà chẳng tìm được tình yêu lý tưởng.

Trở lại tuổi ấu thơ, tôi cũng không thể quên cái trường “Sơ” Saint Joseph, nơi đã tạo cho tôi một tính cách nổi loạn, phản ứng và châm biếm. Chính từ nơi này tôi đã được bố tôi công nhận là có “khiếu văn nghệ” và có khiếu “cứng đầu cứng cổ” nên ông nhét tôi vào cái trường mà ông tưởng tôi sẽ hết đường cục cựa! Nào học chữ, học nhạc, học hát, học kinh thánh giữa những con người gần như không biết cười, biết khóc...người nào cũng giống người nào ở cách ăn mặc, ở bộ mặt vô cảm, lờ đờ, đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, khác hẳn với tôi, một đứa bé ăn to, nói lớn, luôn thích chơi trội, khác người.

Tôi còn nhớ như in cái cổng trường to tướng, xây kiểu gô-tích, được xích lại bằng một ống khoá to bằng nắm tay, suốt ngày đóng im ỉm. Học trò vào trường bằng một cổng hẹp bên hông, chỉ mở vào những giờ vào học và tan lớp. Đường dẫn vào các lớp vừa đủ đi không quá hai người, xây bằng xi-măng uốn cong một cách có ý đồ.

Đã qua đây thì phải đi chậm, đầu phải cúi và phải đi chính giữa đường! Bước sang bên phải hay bên trái là mất thăng bằng, ngã bổ nghiêng vào hai bụi dâm bụt cao quá đầu lũ con nít chúng tôi ngay! Đằng sau hai bức tường lá dày đặc đó là cái gì thì bọn trẻ chúng tôi đều biết và sợ phát run mỗi khi có người ở cái thế giới bị cách ly đó được đưa lên lớp học để doạ học trò nào mắc lỗi! Đó là những người mù, người câm, người dị dạng, quái thai mà nhà thờ nuôi “làm phúc”. Họ chỉ có một nhiệm vụ là làm vườn, kể cả người què cụt, để đổi lấy hai bữa ăn.

Con đường vào lớp đó là con “đường một chiều” đầu tiên tôi bắt buộc phải đi, khi bước vào tuổi tiền học đường (préscolaire) lúc đó chưa gọi là mẫu giáo. Chỉ có “trở lên” chứ không có “trở xuống” vì sẽ vướng cẳng người khác. Tan lớp thì về bằng một con đường y hệt nhưng ở bên kia dãy nhà bố trí thành hàng loạt lớp học giống những căn hộ có số để khỏi vào nhầm mà tôi thấy lại sau này khi có những căn hộ xây dựng theo kiểu Bắc Triều Tiên! Nghĩa là giống nhau và tiết kiệm đến mức như thách thức mọi kiến trúc sư phải thất nghiệp! Ở đấy, lũ con nít chúng tôi ngày nào cũng phải quì trên ghế băng cầu kinh bằng tiếng Latinh và học những bài thánh ca mà chẳng hiểu “Bo-nê vô-lun-ta-tít Pắc-xi-om-ni-bút” là cái quái gì.

Do to con nhất nên được xếp ngồi băng ghế sau cùng, tôi thường lẳng lặng đưa một chân xuống đất, đọc kinh trong tư thế chân đứng chân quỳ nên đầu gối không bị chai như các bạn. Còn việc học chữ của đức cha A-lếch-xăng đờ Rốt ([17]) thì cả năm chỉ ngồi ngoẹo cổ, vẹo sườn, tô mực lên các chữ a, b, c mà các sơ đã viết sẵn bằng bút chì. Điều này giải thích tại sao học trò bắt đầu đi học từ trường sơ, chữ viết đều như gà bới! Tuy nhiên phải ghi nhận một điều: chính từ cái trường này, qua những buổi hát hợp ca dưới bàn tay chỉ huy của sơ Thanh và cây đàn harmonium do sơ Trúc ấn lên những hợp âm tuyệt vời, khái niệm đầu tiên về hoà thanh đã hình thành trong tôi. Nghe âm nhạc mà không có bè đệm, hát mà chỉ có một bè đối với tôi, ngay từ thuở ấy, chẳng khác mặc quần không dải rút! Riêng tôi, dù các sơ chẳng ưa gì thằng “con nhà Judas ([18]) ngỗ nghịch” nhưng vẫn phải xử dụng tôi vào chân đơn ca, lĩnh xướng...rồi bè trưởng trong mọi hoạt động ca hát trong cũng như ngoài nhà trường.

Tôi trở thành kẻ tự mãn, tự kiêu ngay từ tuổi lên 6! Tôi được gọi là “con sơn ca” của trường, được thầy (frère) Quảng và cha (père) Rangel đặc biệt chú ý và cho vào nhà thờ bồi dưỡng thêm về âm nhạc. Nhưng lạ thay, tôi học không vào. Âm nhạc quái gì mà cứ: “Một tròn thì bằng hai trắng, một trắng thì bằng hai đen, một đen thì bằng hai móc”. “Bằng” là thế nào cơ chứ? Học hết cả quyển Marmontel mà tôi chẳng thấy tôi hát hay thêm, hiểu thêm cái hay, cái đẹp của các đĩa hát của Brahms, của Beethoven mà bố tôi ngày càng có thêm nhưng chỉ để “kính nhi viễn tri”! Thế đó! Sự coi thường mọi quy tắc, bản chất luôn muốn “bung ra”, luôn muốn khác người, đã sớm hình thành trong tôi, làm cho cuộc đời luôn luôn bị vấp ngã, bị nhồi lên dập xuống mãi đến hôm nay, và có lẽ, còn bị đánh giá chẳng mấy hay ho gì cho đến khi đã trở thành tro bụi.

Những năm sau này, khi đã...“dở ông dở thằng”, có dịp về thăm những nơi tôi bắt đầu thành người, nhớ tới các kỷ niệm tuổi ấu thơ, tôi không thể cầm được nước mắt. Cảnh xưa, cái còn cái mất. Người cũ thì chẳng còn ai. Bố tôi đã mất. Mẹ tôi và 6 đứa em đã đi theo ông Thiệu ra nước ngoài. Các người thân thuở nhỏ như vú già, anh bếp, anh xe, vú Hiền, vú Bích, vú Nga... chắc cũng ra người thiên cổ, vì “cậu Hải” đã thất thập cổ lai hy rồi.

Sở dĩ tôi hay buồn và có thể khóc khi nghĩ tới những ngày xa xưa đầy kỷ niệm đó vì tôi đã sống đơn độc, bơ vơ giữa đường đời suốt bao năm tháng, không họ hàng thân thuộc, không một lần có ý định “trở về mái nhà xưa”. Tôi cam chịu nhận một vai “kịch” phụ, rất phụ trong suốt vở bi kịch dài của đất nước.

Viết về những kỷ niệm tuổi ấu thơ, tôi còn có thể kể nhiều, rất nhiều, vì tất cả đều được ghi trong trí nhớ, khi tái hiện chúng còn đậm nét, còn gây xúc động cho tôi hơn bất kỳ kỷ niệm nào suốt gần nửa thế kỷ “phiêu lưu trên đường cách mạng”. Có người cho rằng do nó là những hình ảnh in ban đầu lên vỏ đại não một con người. Tôi thì cho là vì nó không bao giờ lặp lại, thậm chí giông giống nhau như khi con người đã trưởng thành, đã quá chai lì với kỷ niệm, nhất là với con người Việt Nam, trải 35 năm khói lửa, huynh đệ tương tàn, quá nhiều chia ly, mất mát, quá nhiều trận chiến, quá nhiều tên núi, tên làng, tên sông để mà nhớ chính xác. Tôi chỉ kể lại những gì chủ yếu đã tác động đến bản năng và trí tuệ của tôi, một kẻ “cái gì cũng biết mà chẳng biết cái gì”, một kẻ cứ tưởng mình thông minh hơn người nhưng nay bị người đời cho là “ngu xuẩn nhất nước”. Chẳng ngu sao mà đến hôm nay, có đủ thứ văn bằng, kể cả hai bằng quân sự, một bằng tú tài Tây, một bằng tốt nghiệp Anh Văn ngoài giờ, một giấy chứng nhận tốt nghiệp sáng tác âm nhạc trình độ “tương đương đại học” loại ưu và một lô huân chương, huy chương, bằng khen chẳng giúp cho tôi kiếm nổi một mái nhà, vẫn đi ở thuê dài dài, vẫn đi cái xe lọc cọc.

Thời gian trôi nhanh hơn sức viết của tôi quá nhiều.

Cái chết! Tao phải chạy đua với mày để hoàn thành bản “tự thú” này, để con cháu tao, bạn bè tao biết được tao đã sống đẹp hay sống... hèn ra sao?

([1]) Dàn kèn tây (bú-dích do tiếng Pháp musique = nhạc.)

([2]) Bảo Đại (1913-1997), vua thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn,

([3]) Đinh Ngọc Liên (1912-1991)nhạc trưởng dàn quân nhạc QĐNDVN sau này. Trước 1945, ông thuộc đội kèn lính khố xanh tại Toà Thống Sứ Bắc Kỳ (thành lập năm 1924, do Camille Parmentier chỉ huy), còn được gọi với tên Quản Liên.

([4]) Khiếu thẩm mỹ tốt (bon goût, tiếng Pháp).

([5]) Sở Bưu chính.

([6]) Lao Động (tiếng Pháp).

([7]) Cachot, xà lim biệt giam (tiếng Pháp).

([8]) Tôi có hai mối tình, Khi tụi ta là thuỷ thủ (tiếng Pháp)

([9]) Các danh ca Pháp đầu thế kỷ XX.

([10]) Các nhạc sĩ tài danh trên thế giới.

([11]) Bản giao hưởng dở dang (tiếng Pháp).

([12]) Những tác phẩm kinh điển của văn học Pháp với các tác giả nổi tiếng Hugo, Balzac, Corneille…

([13]) Hai nghệ sĩ cải lương danh tiếng thời ấy.

([14]) Cách gọi người làm việc kéo xe tay trong gia đình.

([15]) Một lối chơi mạt chược.

([16]) Hai nghệ nhân nổi tiếng còn sót lại của âm nhạc dân gian cổ truyền ở miền Bắc vào những năm 60-70 của thế kỷ 20.

([17]) Alexandre de Rhodes (A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ) 1591-1660, tu sĩ dòng Tên người Pháp, trong phái bộ truyền giáo đến Việt Nam thế kỷ 16, người được coi là có công đầu trong việc tạo ra chữ Việt hiện nay.

([18]) Judas, tên của tông đồ phản bội Chúa Giê-su, theo Kinh Thánh.

No comments: