Chuyện 30 tháng Tư


Ngày dài nhất trong đời


Chúng tôi dường như không ngủ suốt đêm. Chiếc maý phát thanh trên kệ cứ được liên tục dò tìm hết đài này qua đài khác, khi quốc nội, lúc quốc ngoại. Tin tức dồn dập bất thường. Cả tháng nay toàn tin xấu. Trên mặt bàn, la liệt những ly cà phê và nước trà, cái đã cạn, cái còn dở dang. Đĩa gạt tàn đầy ắp, tro tàn tràn ra rớt cả lên mặt bàn cũng không thấy ai buồn đi đổ. Đúng là cơn ác mộng. Chúng tôi đang trấn đóng ở một địa điểm tận cùng của miền Nam nước Việt,thiếu thốn những phương tiện truyền thông báo chí truyền hình phổ thông nhất .Những nguồn tin tức thời sự trong giờ sôi lửa bỏng này chỉ bằng mỗi cái đài radio nhỏ bé. Ngày hôm trước, nguồn tin thủ tướng Trần văn Hương bị ép buộc phải trao chính quyền cho Dương văn Minh đã là cả một sự ngỡ ngàng pha chút bàng hoàng. Không ai tin ông già Hương , người mà đức độ có lẽ có thừa nhưng tài cán, nhất là tài lãnh đạo về chính trị hầu như không nhiều lắm,sẽ làm được gì trong tình huống thập tử nhất sinh của đất nước. Dù vậy, vẫn biết chắc một điều: ít ra con người như ông,một nhân sĩ nổi tiếng thanh liêm, biết tự trọng, sẽ không làm thêm điều gì quá tổn hại đến vận mệnh đất nước , thể diện quốc gia. Còn đối với Dương văn Minh, người mà qua thân thế và sự nghiệp cả vế quân sự lẫn chính trị trong suốt những năm tháng qua đã chứng minh ông ta chẳng làm nên trò trống gì, lại đã từng là nhân tố chính tạo nên nhiều biến loạn của đất nước, sự suy thoái của các chính phủ VNCH, chúng tôi biết rằng chuyện tồi tệ nhất cho một miền Nam tự do đang từ từ xảy đến.


Năm ấy, chúng tôi còn rất trẻ. Cái tuổi 24 hoặc 25; tuổi đẹp nhất của người. thanh niên Tuổi trẻ thì non dại, thiếu kinh nghiệm, bốc đồng. Đó là lẽ đương nhiên. Nhưng tuổi trẻ chúng tôi những năm ấy lại đã được tôi luyện qua những gian khổ của chiến tranh, những đau thương mất mát của từng cá nhân, của từng mỗi gia đình và của cả dân tộc để trở nên cứng rắn như sắt thép được tôi luyện qua lò lửa. Và như vậy, dưới vòng xoáy của cơn lốc thời sự , dưới sự thật nghiệt ngã của chiến tranh, chúng tôi khá dày dạn trong nhận thức về những chuyển biến của thời thế, những đổi thay của lịch sử.
Sự thực. tin tức đến từ các đài quốc nội cũng không nhiều. Đang từ những bài hát cổ võ tiến lên, quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, chuyển qua những lời thống thiết kêu gọi anh em một nhà, nối vòng tay lớn, chúng tôi biết chính thể VNCH đang đi vào giai đoạn cuối cùng. Tin quân sự cập nhật đến từ các đài ngoại VOA, BBC lại cho nhiều dữ liệu rõ ràng cấp thiết hơn. Những đài này cho biết đoàn quân xâm nhập miền Bắc đã tiến tới Thủ Đức, Hàng Xanh, Ngã tư Bảy Hiền, những cứ điểm phòng thủ cuối cùng của thành phố Sài Gòn. Đã quá trễ cho một giải pháp chính trị..
Chúng tôi lặng nhìn nhau không nói, đây đó chỉ nghe tiếng thở dài. Chiến cuộc đau thương, tàn bạo và bi thảm quá. Những thế lực đã ký kết và hứa bảo đảm cho cuộc đình chiến và hoà đàm Paris được tôn trọng và thực sự thi hành đâu hết cả? Văn bản chỉ mới ký kết 2 năm. Tại sao người dân miền Nam không được quyền sống và bảo vệ mảnh đất tự do yêu quý của chúng tôi ? Tại sao phía bên kia cứ tha hồ vi phạm những điều khoản quy định trong hiệp định với sự hỗ trợ lớn lao của toàn khối Cộng Sản quốc tế , vượt tuyến đánh phá chúng tôi, trong khi chúng tôi bị cướp mất quyền tự vệ chính đáng? Những tên đồng minh đểu cáng gat bỏ những cam kết hỗ trợ, nhẫn tâm bỏ rơi dân tộc chúng tôi vào thời điểm khó khăn nhất. Tuyệt vọng và cô đơn hơn bao giờ hết.


Đám binh lính trẻ ngày thường thì ba gai, ngổ ngáo và chẳng mấy quan tâm đến những diễn biến chính trị trong nước, lúc này cũng hoang mang lo sợ, không biết làm gì đành bám víu vào cấp lãnh đạo chỉ huy, những người cũng chỉ cùng trang lứa, những trải nghiệm trong cuộc sống có lẽ còn non nớt hơn. Họ tụm lại từng nhóm nghe ngóng tình hình. Bàn luận phân tích loạn xạ. Thỉnh thoảng một hai người vào phòng chúng tôi hỏi các ông thầy nghĩ sao về những diễn tiến đang xảy ra. Không biết gì hơn, thời sự thay đổi từng giờ, phải theo dõi liên tục.Chúng tôi chỉ trả lời được như thế.

.
Những người lính có thói quen gọi chúng tôi là”ông thầy” và xưng ” em”, mặc dù có một số còn hơn tuổi chúng tôi. Một thượng sĩ già có tính đố kỵ đám sĩ quan trẻ, trong công việc thưòng ngày, khi cùng làm việc, ông thường giả vờ la mắng đám lính dưới quyền. Cuối cùng, lúc nào ông cũng liếc xéo qua chúng tôi và thòng một câu đại khái:
- Đù má, đời lính của tụi bay tính ra không bằng số ngày tao mắc bịnh lậu, đừng bày đặt làm trời!
Ông tự hào là người thâm niên, dạn dày kinh nghiệm cả tuổi lính lẫn tuổi đời.Hoặc có thể có cái mặc cảm phải ở dưới quyền mấy thằng sĩ quan trẻ ngốc nghếch chỉ bằng hay hơn đám con ông vài tuổi. Đồ oắt con vắt mũi chưa sạch.Thật ra ông không xấu , có lẽ để giữ uy tín với đám lính và chứng tỏ cái từng trải dày dạn của mình,

ông muốn xì ra vài câu xách mé để vuốt ve lòng tự mãn: “Tụi nít ranh bay coi đấy, Tau có coi tụi bay ra cái củ…cải gì”. Dĩ nhiên chúng tôi hiểu ý ,chỉ cười trừ và mặc kệ ông, chỉ thi hành nhiệm vụ. Sự dày dạn của tuổi đời và những kinh nghiệm quý báu của tuồi lính của ông chúng tôi kính trọng và cần học hỏi. Kính lão đắc thọ. Câu này người Việt ai không biết?Cái mà ông không biết hay không quan tâm tới là trách nhiệm của chúng tôi . Việc ông cùng đám lính làm đúng hay sai, có chu toàn nghĩa vụ hay không, trách nhiệm của ông và của họ dù sao cũng nhẹ nhàng hơn,riêng đám sĩ quan trẻ “vắt mũi chưa sạch” chúng tôi vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm,có khi liên quan đến vấn đề sống chết, không phải chỉ cho riêng cá nhân mình, mà cho cả một tập thể . Lúc này, đã không còn giọng điệu xiên xỏ, ông tiến tới nói với dáng mệt mỏi:
- Tình hình co bộ bi đát quá, mấy ộng tính sao?
Tình hình này, thực sự chả ai còn tính toán được gì nữa. Những khuôn mặt bơ phờ vì nhiều đêm thiếu ngủ đang chờ đợi một tình trạng xấu nhất cho đất nước, cũng là cho chính mình. Ngày hôm qua, Dương văn Minh đã chính thức lên tiếng yêu cầu toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn rời khỏi VN trong 24 giờ. Hôm nay, chắc chắn ông ta sẽ có những quyết định cuối cùng.
Đang loay hoay với cái radio, vì từ sáng sớm đài Sài Gòn đã hoàn toàn im tiếng, không còn nghe được một tín hiệu nào, ông Phùng xô cửa bước vào. Ông hỏi thăm có tin tức mới không vì ông cũng không bắt được đài. Thiếu tá Phùng,, chỉ huy đơn vị , còn rất trẻ, chừng chưa tới ba mươi. mới lập gia đình chừng hơn một năm. Cũng như chúng tôi, gia đình đang ở hậu phương Sàigòn.Mặc dù có một khu gia binh, trừ vài người, đâu mấy ai chịu mang gia đình đến chỗ khỉ ho cò gáy này. Không chợ búa, không trường học,phương tiện giải trí cũng là con số không to tướng. Ông bảo:
- Phải chờ tin tức từ Trung Ương. Mình đã liên lạc với các bộ tư lệnh vùng. Chẳng có quyết định gì rõ ràng cả.
Khoảng hơn 9 giờ sáng, bất thần có tiếng nhạc vang lên từ đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó ít phút, một tiếng nói vang lên yêu cầu mọi người chuẩn bị nghe diễn từ của tổng thống Dương văn Minh. Im lặng, bất thần, thảng thốt, mọi người biết giờ phút nghiêm trọng đã điểm. Lịch sử sắp sang trang mới.
Mười giờ sáng, bài tuyên bố buông súng đầu hàng của Dương văn Minh vang lên trong máy. Mặc dù đã tiên đoán trước và chấp nhận những điều tồi tệ nhất, nhưng ai nấy cũng bàng hoàng hoảng hốt.THật như vậy dao? Bại trận cũng có nhiều cách, cớ sao lại chọn cách tuyên bố đầu hàng nhục nhã nhất? Như thế còn gì thể diện của một quốc gia, một dân tộc trên trường quốc tế? Có những giọt nước mắt tràn ra trên những gương mặt sạm nắng xưa nay vẫn nổi danh cương nghị. Có người nằm úp mặt xuống gối lặng lẽ khóc, tiếc thương cho một đội quân hùng mạnh, phải tan hàng trong tích tắc chỉ qua một lời tuyên bố của một vị tổng thống nhu nhược.

.
Chờ một lúc lâu cho nỗi bàng hoàng lắng xuống, ông Phùng mời các sĩ quan vào phòng họp khẩn cấp để bàn về những công việc cần làm trong những giờ sắp tới và để trấn an thuộc cấp đang ở tâm trạng thảng thốt hoang mang, rất dễ nổi loạn. Ông vừa mới nhận được hai lệnh từ hai nơi mà ông cho là không thống nhất, thậm chí trái ngược nhau. Một lệnh của quân khu 4 từ bộ tư lệnh tại Cần Thơ yêu cầu quân nhân các cấp giữ vững vị trí và tiếp tuc chiến đấu, cho dù đã có lệnh buông súng của Dương văn Minh. Lệnh khác từ một Tư Lệnh vùng tại Năm Căn, cấp thấp hơn nhưng lại là chỉ huy trực tiếp yêu cầu chuẩn bị cho đơn vị di tản. Ông hỏi ý kiến nên thi hành lệnh nào. Sau khi hội ý, chúng tôi đaư đến quyết định, tình hình thay đổi từng giây phút, có lẽ nên sẵn sàng chuẩn bị cả hai mặt

.
Trước tiên, chúng tôi tập họp binh sĩ lại, loan báo cho họ biết những kế hoạch trong phòng họp đã dự tính. Mặc dù Sài Gòn đã mất, nhưng vùng đồng bằng Cửu Long nếu còn giữ lại được, chúng ta sẽ chiến đấu bảo vệ phần đất còn lại, giữ vững lý tưởng tự do. Mặt khác, việc di tản vẫn phải chuẩn bị, vì trên thưc tế, quân khu 4 mới chỉ có lệnh mà không thông báo kế hoạch chiến đấu cụ thể.


Tiếc thay đó là lệnh cuối cùng chúng tôi nhận được từ phía quân khu. Sau đó không nghe gì nữa. (Sau này được biết tư lệnh Quân Khu, tướng Nguyễn Khoa Nam đã tuẫn tiết tại sân cờ, nên kế hoạch tử thủ không thành.)
Buổi chiều, chúng tôi liên tục nhận được lệnh của bộ tư lệnh vùng từ Năm Căn chuẩn bị cho kế hoạch di tản. Kế hoạch dự trù lấy vị trí của đơn vị chúng tôi làm điển tập trung cho cả đại đơn vị từ trong căn cứ Năm Căn di chuyển đến, sau đó sẽ có 2 chiến hạm lớn từ Phú Quốc ghé đón. Ông Phùng e rằng,khi đại đơn vị từ Năm Căn kéo tới, với số người quá đông sẽ gây ra cảnh hỗn loạn mất trật tự. Đặc biệt, đây là một tập hợp nhiều đơn vi khó có sự chỉ huy thống nhất. TRong giai đoạn di tản, chúng ta , đơn vị chủ nhà cần nắm phần chủ động. Kinh nghiệm về sự hỗn loạn đưa đến cướp bóc, hãm hiếp và và cả giết người của cuộc di tản quân khu 1 và 2 trong những ngày tháng trước là một bài học đ1ăt giá. Do đó chúng tôi tập hợp binh sĩ lại một lần nữa để cắt đặt mỗi người một công việc cụ thể, giữ thế chủ động trong tư thế an toàn.
Buổi tối, mọi người tay chân rã rời, tâm hồn căng thẳng, chén cơm không nuốt nổi dù nhà bếp đã cố nấu nướng những món ăn ngon nhất. Có tin đại tá Vân, tư lệnh Năm Căn đích thân dùng 2 duyên tốc đỉnh PCF(Patrol Craft Fast) thuộc Hải Đội 5 Duyên Phòng ra đây để trực tiếp sắp xếp việc di tản. Chúng tôi, đám sĩ quan trẻ quay qua bàn tán : tại sao ông ấy có thể rời đơn vị trong lúc này? Là vị chỉ huy cao cấp nhất, lẽ ra ông ấy cần có mặt với đại đơn vị của ông ở những giờ phút nghiêm trọng cho những quyết định sinh tử của cả ngàn nhân mạng, công việc lo liệu sắp xếp đã có chúng tôi, hay cùng lắm không tin chúng tôi có đủ năng lực, ông có thể gửi một vài người dưới quyền làm trung gian là đủ. Ông bỏ đi, thuộc cấp sẽ nghĩ gì về tư cách chỉ huy của ông?


Hơn cả những suy nghĩ của chúng tôi, Ông Vân đến đơn vị chúng tôi với một đoàn tuỳ tùng gồm vợ con ông và vài người thân cận . Nhìn cách tiếp đón hờ hững, lối cư xử lạnh nhạt và ánh mắt nghi ngại của chúng tôi, có lẽ ông hiểu . Ông phân trần:
- “Qua” biết các em nghĩ gì về “qua”, nhưng các em thông cảm cho hoàn cảnh của “qua”. Mấy em còn trẻ, cấp thấp có rơi vào tay bọn họ chắc cũng không đến nỗi nào. Còn “qua” mà bị tụi nó bắt thì…”


Ông đưa ngón tay cái quét ngang cần cổ. Chúng tôi im lặng không nói gì. Ông nghĩ đơn giản quá. Sinh mạng của mình ông? Chẳng lẽ sinh mạng của ông quý hơn của đồng đội?Trách nhiệm của một cấp lãn đạo chỉ huy ông để đâu? Dù có quá lo lắng cho gia đình vợ con của mình, ông có thể gửi đi trước, riêng ông, nhiệm vụ bắt buộc ông phải ở lại. Cấp chỉ huy phải hoàn thành trách nhiệm vớì đơn vị và thuộc cấp của mình. Lý giải gì ông cũng đã tỏ ra ích kỷ và thiếu trách nhiệm


Có lẽ chúng tôi còn quá trẻ. Có lẽ bản tính còn quá bồng bột nên sự phê phán hành vi của vị Đại tá tư lệnh quá nặng nề chăng? Thiếu tá Phùng, chỉ huy trưởng đơn vị của chúng tôi,dù còn trẻ, dù lãnh đạo ở một cấp thấp hơn, đã chứng tỏ là một sĩ quan chỉ huy chừng mực, chin chắn và đầy trách nhiệm . Ông không nói gì, nhường căn phòng riêng của ông cho gia đình đại tá Vân tạm nghỉ ngơi để qua với chúng tôi . Tiếp tục đốc thúc chuyện phòng thủ và chuẩn bị kế hoạch di tản, ông Phùng bảo:
- Thôi mấy ông cũng nên thông cảm cho đại tá tư lệnh, nhiệm vụ ông ấy nặng nề quá, những lúc như lúc này , tâm trạng ai cũng rối ren,không phải dễ cho những suy tính chín chắn và hành động khôn ngoan đi đôi với nhau. Là con người, có khi nghĩ một đằng mà lại làm một nẻo

.
Ông Phùng vẫn thường gọi chúng tôi bằng từ mấy ông, một cách biểu lộ lòng tôn trọng đám sĩ quan trẻ và tương quan ngang hàng bình đẳng, mặc dù trên nguyên tắc, ông là cấp trên. Đó cũng là một đức tính đáng quý. Ông cho biết : Quân khu 4 đã hoàn toàn bị cắt đứt, lệnh ở lại tiếp tục tử thủ không thể thực hiện. Kế hoạch di tản thì lại không liên lạc được với 2 chiến hạm có nhiệm vụ đến đón. Đại tá Vân bảo đó mới chỉ là kế hoạch, nhưng việc trực tiếp liên lạc với con tàu thì chưa có. Theo dư trù, chiến hạm sẽ đến địa điểm vào giữa khuya. Bây giờ trời đã tối, có nghĩa chỉ còn vài tiếng nữa mà vẫn chưa liên lạc được là kế hoạch hoặc đã bi huỷ bỏ, hoặc chỉ có trong đầu, chưa bao giờ được thực thi. (Sau này theo tin đồn , khi dừng chân tại An Thới, Phú Quốc, dân trong vùng đã ồ ạt chèo ghe thuyền ra leo lên tàu chiếm hết không còn chỗ trống, nên kế hoạch di tản Năm Căn bị huỷ). Vô cùng thất vọng, Đại tá Vân cùng đoàn tuỳ tùng đã rời bỏ đơn vị chúng tôi để quay trở lại đại đơn vị của ông, qua liên lạc vô tuyến, được biết lúc đó đã kéo nhau ra khỏi cửa biển và đang chờ đợi chỉ thị của ông. Chúng tôi có chút buồn về kế hoạch di tản đã không như dự liệu, nhưng cũng một phần mừng cho vị đại tá tư lệnh. Ít ra trước giờ phút tan hàng,việc trở về đơn vị của ông sẽ giữ lại cho ông chút thanh danh và lòng kính trọng của thuộc cấp cho một người chì huy hoàn thành trách nhiệm cuối cùng với đơn vị.


Nhìn lại ông Phùng, viên sĩ quan chỉ huy đơn vị nhỏ bé của mình, chúng tôi nhận thấy dáng ông gầy gò, có phần mảnh mai, nhưng rất quả cảm và đầy tinh thần trách nhiệm. . Trước khi chia tay , ông vẫn lo lắng đến từng người lính của ông, mong sao cho mọi người có phưong tiện tốt nhất để trở về với gia đình. Mặc dù chỉ hơn chúng tôi vài ba tuổi, chúng tôi thực sự kính trọng ông, một cấp chỉ huy đáng khâm phục Hình ảnh ông từ đó đến nay luôn là một hình ảnh đẹp.


Đêm ấy, lại thêm một đêm không ngủ. Chúng tôi ngồi trầm ngâm , trong khói thuốc cà phê, buồn bã kể lại cho nhau những thăng trầm trong những năm tháng cùng sống, cùng ăn, cùng thở, cùng làm việc Nói về quá khứ,.có những lúc vui chơi, có những lần xô xát. Nói về hiện tại, lâm ly bi đát, hụt hẫng chơi vơi. Lại nói đến một tương lai vô định, mịt mù phía trước. Không ai biết rồi cuộc đời rẽ vào khúc rẽ nào, đất nước sẽ ra sao? Chắc chắn là bi thảm. Sống chết chưa hay, nhưng nhục nhã ê chề là điều không tránh khỏi

.
5 giờ sáng được lệnh di tản. Đã qua ngày 01/05. Chúng tôi chia làm 2 ngả, một nửa trực chỉ hướng Bắc đi về phía Vũng Tàu, một nửa rẽ hướng Nam với số người muốn trở về phía Hà Tiên, Rạch Giá. Có duy nhất một người nhất định ở lại.Tôi không nói người ấy là ai. Tôi không biết vì sao người ấy chọn ở lại. Người ấy chỉ nói đã quen sống và không thể rời bỏ nơi đây. Giờ tiễn biệt, trên bờ chỉ có một bàn tay trơ trọi, lẻ loi , giã từ trong bóng đêm Và bây giờ sau hơn ba mươi năm , không biết người ấy ra sao? còn đó hay đã ra đi?
Một ngày đau thương . Ngày dài nhất trong đời.

Phương Duy

Tưởng niệm 32 năm ngày 30 tháng Tư

(Kính tặng HQ thiếu tá PĐP, vị chỉ huy trưởng cuối cùng của Duyên Đoàn 41. Để nhớ về tất cả anh em bạn hữu đã từng chung sống tại Hòn Khoai.)

.
.

Chuyện di dân

Thấm sâu vào kinh nghiệm di dân.

( Fr: Deepening the Australian experience của tiến sĩ Joanna Kujawa, một học giả Ba Lan, về kinh nghiệm riêng của bà về vấn đế di trú, cũng như từ sự tham khảo của bà qua kinh nghiệm di dân, những thành công ở tại đất Úc của một số học giả người Ba Lan nổi tiếng khác . Bài báo được đăng trên tờ Australian Financial Review ngày Thứ Sáu, 13/04/2007.Bài chuyển ngữ này muốn giới thiệu đến người Việt ở khắp nơi trên thế giới có cơ hội đọc để có thể đối chiếu và chia sẻ với những kinh nghiệm di dân của chính mình trên đất nước đang sinh sống).

X X X

Trong văn phòng di trú tại Paris, tôi đã có cơ hội để thuyết phục nhân viên di trú lý do tại sao tôi phải được phép ở lại. Có một ai đó trong phòng đang khóc vì anh ta vừa nhận được giấy tờ bị trục xuất. Căn phòng đầy người ,đủ mọi quốc tịch,họ cùng với con cái đang đợi chờ trong lo lắng. Tới phiên tôi đối mặt với viên chưc di trú, tôi quyết định phải chứng tỏ cho viên chức này hiểu rằng mọi việc ổn thoả cả, rằng tôi xứng đáng được ở lại, tôi chẳng phải là sự đe doạ gì cho bất cứ ai…Nhưng có lẽ có cái gì đó phản lại tôi ngay trước mắt người nữ nhân viên đang thi hành chức vụ. Bà ta ném thẳng vào mắt tôi một cái nhìn đầy nghi ngờ rất ư chuyên nghiệp:
“ Tại sao cô lại có mặt ở đây? Chúng tôi đã có quá nhiều người từ đất nước của cô và nhiều nước khác nữa đến ở lậu bất hợp pháp rồi. Tôi nghĩ cô không có tiền bạc tài sản gì, phải không?”
“ Thưa không đúng vậy, tôi có tiền chứ ạ! Không nhiều lắm , nhưng cũng vừa đủ”. Tôi nói giọng nhỏ nhẹ.
“ Vừa đủ cho cái gì mới được? Trong bao lâu? Rồi không có giấy cư trú làm sao cô có thể đi làm việc kiếm tiền sinh sống?”
Làm sao tôi có thể cắt nghĩa cho bà ta hiểu cái giấc mơ của tôi về một đời sống có ý nghĩa hơn ?(chứ đâu chỉ là miếng cơm manh áo?) Làm sao giải thich được trong cái phạm vi suy nghĩ thiển cận về thế giới của bà? Làm sao nói cho bà hiểu rằng người ta phải đi làm lậu vì họ không được phép làm việc một cách hợp pháp?Làm sao cho bà biết rằng tôi đã bước đi trên đường phố Paris, miệng ngâm nga những vần thơ của Baudelaire mong muốn được thở hít cái không khí mà Modigliani và De Beauvoir đã từng hít thở?
Dưới cặp mắt bà, tôi là một “con mọi man rợ” Đông Âu, đến trước ngưỡng cửa Paris chỉ để lừa gạt và cướp lấy công ăn việc làm của người khác.
Trí tưởng tượng của tôi còn lan man hơn nữa : Có phải vì những vó ngựa của những chàng kỵ binh Cossack của dân tộc tôi trên những vùng thảo nguyên bát ngát miền Đông đang gõ nhịp lên đầu bà khi tôi trả lời những câu bà chất vấn? Hay vì bà không ưa chuyện tổ tiên của tôi đã làm đắm chìm những mùa đông dài giá lạnh trong những ly rượu vodka? Hay có điều gì lạ lùng trong khuôn mặt Đông Âu của tôi? Đôi mắt tôi quá lớn cho việc hoàn thiện văn minh? Hay vì cái “lời nguyền đỏ” làm cho bà lo lắng?
Trong bất cứ trường hợp nào, tôi có lẽ cũng không tự nhận diện chính mình với những biểu hiện trên, nhưng rồi tôi lại muốn ném trả lại cho bà ta để chế nhạo cái sự nghi ngờ quá lố và sự từ chối của bà, chế nhạo lại cái hệ thống phân loại con người, một hệ thống quá hạn hẹp trong việc phủ nhận những giá trị của một người khác ngoài việc cho họ là một kẻ ở tầng lớp tha phương cầu thực chuyên vi phạm luật pháp (di trú).
Làm sao những câu hỏi đáp trong đơn xin di trú lại bao gồm cả những chất lượng về sự sinh tồn của dòng giồng Slave yêu dấu của tôi, hay về những văn nhân đã tạo nên những áng văn chương mà tôi đã từ đó lớn lên, hay cả về những cuộc phiên lưu mạo hiểm và những cuộc cách mạng đã làm nền để xây dựng nên trí tưởng tượng của tôi?
Chuyện tương tự cũng đã xảy ra tại vùng Bắc Mỹ, dù có theo một cung cách khác. Ở đây. người ta đặt tôi vào vị trí phân loại những vodka và những khúc dồi súc sích khi họ cố gắng tỏ ra thân thiện. Một người bạn Mỹ từng tốt nghiệp tại đại học Bereley, đã tỏ ra sự kinh ngạc rằng đã từng có một nền văn học Ba Lan, mặc dù Czeslaw Milosz. một người Ba Lan đoạt giải Nobel về văn chương năm 1980, đã và còn đang giảng dạy tại chính đại học của người bạn Mỹ ấy trong nhiều thập kỷ.
Mỉa mai thay, vài năm sau đó. vai trò đã xẩy ra trong một tình huống đảo ngược tại Đông Nam Á, nơi tôi bỗng trở thành một du khách “ Tây Phương giàu có”. Một hướng dẫn viên trẻ tuổi, ăn nói mềm mỏng đã đưa tôi đến thăm những ngôi đền xa xôi hẻo lánh trên đất nước Cambodia. Ở đó, vào ngày cuối cuả hành trình, anh ta đã thú nhận là trong lòng anh đã cảm thấy giận dữ ra sao khi phải phục vụ “bọn Tây Phương giàu có” như tôi. Anh tin tưởng (một cách sai lầm) rằng tôi có dư sức (tiền của) để đưa lậu anh ra khỏi đất nước này cho anh có cơ tìm được một cuộc sống tốt hơn ở trời Tây. Tôi hiểu giấc mơ ấy của anh. Giống như tôi những năm về trước, anh vùi đầu trong việc học Anh và Pháp ngữ. Anh muốn được đi khắp nơi trên thế giới với ước mộng trở thành một nhà văn.
Tôi cũng đã từng có cảm giác ấy. Sau những sự kiện tại Paris, tôi biết rằng có một cây cầu rất dài và trắc trở mà một người ngoại quốc và người bản xứ cần phải vượt qua. Một cây cầu bị vây bủa bởi những luật lệ cứng ngắc về khái niệm giàu có và nghèo nàn, giữa ước mơ và thực tế. Tôi biết rằng cây cầu lại dẫn dắt qua một khía cạnh khác của con người, một trực cảm rộng mở và đầy sáng tạo bày ra trước mắt. Ý nghĩ này làm tôi hưng phấn. Tôi muốn phiên lưu vào những khả năng khác của cái ta là (being) và cái ta có (belonging).
Tuy nhiên, một số câu hỏi vẫn cần được trả lời ,bởi vì làm sao người ta lại diễn tả một kinh nghiệm có rất nhiều khác biệt như sự sở hữu hay tuỳ thuộc vào mà lại không có sự tham khảo đến những ý niệm truyền thống về sự có cùng chung một lãnh thổ, một ngôn ngữ và một lịch sử?
Đây không chỉ là những câu hỏi có tính trí thức. Đúng hơn, đó là những thúc đẩy tự nhiên như người ta kinh qua sự ta thuộc về đâu, vượt ra khỏi những công thức bàn giấy cũng như những kỳ vọng xã hội.
Trải qua hai mươi năm , đi qua bốn đại lục, sở hữu ba tờ hộ chiếu kể từ sau cái kinh nghiệm tại thành phố Paris, khi chú tâm vào bảng thống kê lịch sử về những nhà mạo hiểm và những nghệ nhân người Ba Lan tại Úc châu trước thế chiến ÌI , tôi nghiệm ra rằng, ngay từ lúc đầu, sự di dân của người Ba Lan đến Úc đã rất khác so với sự đi đến Bắc Mỹ hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ở đây, tôi tìm thấy một món quà tuyệt diệu của Lech Paszkowski, một nhà văn qua tác phẩm: Poles in Australia and Oceania 1790 – 1940 (ANU Press, 1987)
Đây là tác phẩm tôi tìm ra hoàn toàn nhờ may mắn khi đang đi tìm tài liệu cho luận án tiến sĩ của tôi. Qua tác phẩm của Paszkowski, tôi tìm thấy lại cái căn nguyên về cá tính du mục của mình. Văn hào Paszkowski tuyên bố rằng đất Úc luôn luôn có sức thu hút những linh hồn ưa mạo hiểm nhất. Đó là một tin đáng hoan nghênh. Tôi có cảm giác như ở tại nhà khi sống với họ ở đây.
Nhà văn này đã viết về những người Ba Lan, dù đến , ở lại ,hay ra đi , nhưng luôn luôn vẫn để lại một dấu ấn trong cuộc sống của họ, trong sự lựa chọn có vẻ không chính thống của họ, và trong những hình thức không thể định nghĩa được về cái bản thể(being) và cái sở hữu(belonging) của họ.. Đôi khi qua sự lầm lẫn, họ biến thành những thần tượng người Úc, chẳng hạn như Paul Strzelecki, nổi tiếng qua sự thám hiểm các vùng đất Gippland và đảo Tasmania, hay như Thaddeus Kosciuszko, tên một nhà ái quốc Ba Lan được đặt cho ngọn núi cao nhất tại Úc. Không ai biết rỏ lý do vì sao ông rời bỏ đất nước Ba Lan. Có giả thuyết cho rằng ông đã liên can đến một cuộc nổi dậy hoành tráng nhưng đầy thảm hại . Giả thuyết khác lại cho ông là một tâm hồn thích biến động, gặp khó khăn cả về tình trường lẫn tài chánh..
Quả thực, Strzelecki có một thiên tình sử tại quê hương: một phụ nữ trẻ tên Adyna đã kiên trì, nếu không muốn nói là ngây thơ khờ khạo, đợi chờ ông, trong khi ông lang thang du hành thế giới, đo đạc và vẽ bản đồ cho những vùng đất đại lục còn trống trải, tiếp nhận những vinh danh từ Hội Điạ Lý Hoàng Gia London, và xuất bản những sách vở tuyên bố về những khám phá điạ dư tại đất Úc. Cho tới khi nàng qua đời, ông đã viết cho nàng những lá thư “chớp nhoáng”., và tôi nghi ngờ không biết nàng có chia sẻ và thích thú với niềm vui thụ động về những cuộc du hành và những mạo hiểm của người tình trong những lá thư ấy không?.
Kế tiếp, Bronislaw Malinowski, một tay du mục tuyệt vời, lại vừa là một nhà nhân chủng học đã du hành từ Ba Lan đến Úc, Papua New Guinea, Mexico và lục địa Phi châu. Tác phẩm quan trọng nhất của ông là phần khảo cứu Úc châu vào đầu thế kỷ 20. Trong một lần dừng chân khá lâu tại thành phố Melbourne, ông đã yêu và cưới bà Elsie Masson, con gái một vị giáo sư địa phương làm vợ, theo như lời ông viết gửi cho thân nhân tại quê nhà. Sau đó hai người đã lên đường đến quần đảo Trobriand, ngoài khơi bờ biển New Guinea để chỉ đạo cho một cuộc nghiên cứu nhân chủng về cư dân trên đảo. Theo Malinowski, đó là một thời kỳ phong phú. Ông viết về những khía cạnh thân quen của đời sống cư dân, trong đó bao gồm những tuyệt phẩm :Sự toả sáng của Tây Thái Bình Dương(Argonauts of the Western Pacific),Những mảnh vườn san hô và sự thần kỳ(Coral Gardens and their Magic),Huyền thoại trong xã hội bán khai(Myth in Primitive Society), cũng như hai tập sách minh hoạ và chi tiết về đời sống sinh lý của cư dân trên đảo.
Tác phẩm của Paszkowski lại tiết lộ thêm những ngôi sao nhỏ bé hơn: những viên ngọc li ti của những câu chuyện về những nhà thám hiểm Ba Lan tại Úc, chẳng hạn như Sygurd Wisniowski, Joseph Sabatowski.
Wisniowski là một người đam mê du lịch vòng quanh thế giới. Trong các thập niên 1860s và 1870s. ông đã đi không ngừng nghỉ qua Nam và Bắc Mỹ, Papua New Guinea, Úc và New Zealand.
Úc là điểm đến ông đặc biệt ưa thích. Và ông đã tạo được một gia tài trên bãi tìm vàng ở gần Raveswood. tiểu bang Victoria. Theo dòng kể, chẳng bao lâu sau, ông mất hết trong một cơn đắm tàu. Do đó, ông trở lại với nghiệp viết văn và du hành. Tập hồi ký Mười Năm trên xứ Úc(Ten years in Australia) của ông được xuất bản trong một dịp trở về Ba Lan ngắn ngủi. Bộ tiểu thuyết về cộng đồng (thổ dân) Maori tại New Zealand Tikera (Những đưá con của Nữ Thần Đại Dương) được dịch sang Anh ngữ và phát hành nắm 1972, gần một trăm năm sau khi viết .
Sabatrowski, ngược lại, có vẻ là một nhà ái quốc, người làm cách mạng hơn là kẻ thích du hành. Tôi yêu thích câu chuyện đời ông vì cái kết cuộc rắc rối khó hiểu. và cũng vì nỗi ám ảnh của ông trong việc chống lại bọn cầm quyền chuyên chế thời đó là hai đế quốc Russia và Prussia. Ông rời Ba Lan sau cuộc nổi dậy tháng Giêng chống Russia từ năm 1863 đến 1864 bị thất bại để gia nhập vào đoàn quân Turkey chiến đấu chống Russia. Sau đó, ông lại gia nhập quân Áo, rồi quân Pháp để chống lại Prussia. Freud có lẽ đã có một giả thuyết về trường hợp của ông, bởi vì sau nhiều năm chiến đấu và làm cách mạng, Sabatowski bỗng dừng chân tại Sydney và trở thành một bác sĩ phụ khoa.
Từ lâu trước khi đọc Paszkoski, tôi đã rất mê một nhà thám hiểm khác: Joseph Conrad (1857 – 1924), một nhà văn, một thủy thủ và là thần tượng thời trẻ của tôi. Khởi đầu của hành trình mạo hiểm của ông chất chưá nhiều bi kịch. Tên thực đầu đời của ông là Josef Korzeniowski. Cha mẹ ông đã bị chính quyền Nga hoàng băt đi lưu đày vì những hoạt động chính trị, do đó ông về sống với người chú Stefan, một nhà quý tộc có nhiều đất đai ở Ukraine, như một người cha thứ hai. Người bạn trẻ Korzeniowski luôn luôn mơ ước đến những cuộc du hành kỳ thú, do đó, anh muốn trở thành một thuỷ thủ, một lựa chọn không bình thường cho một nhà quý tộc trẻ Ba Lan. Tuy thế, ông chú cũng chiều ý gửi anh đến theo học một ngôi trường ở miền Nam nuớc Pháp theo ước vọng người cháu trẻ trung. Tại Pháp, Korzeniowski có liên can đến những vụ chuyên chở vũ khí cho một nhóm cách mạng, dan díu với một người đàn bà trong nhóm, khánh tận tài sản và đi vào nợ nần dẫn đến việc muốn tìm cái chết. Một lần nữa, ông chú Stefan lại ra tay cứu vớt tình trạng tài chánh cùng những khó khăn khác ngoại trừ mối tình của anh. Anh được gửi tới London nơi anh được huấn luyện từ một sĩ quan cấp thấp trở thành vị thuyền trưởng, rồi thành một đối tượng của đế quốc Anh.. Korzeniowski đã giương buồm đi đến những vùng biển Đông Nam Á với những bộ sưu tập về địa dư có rất nhiều trong những cuốn sách của ông, vùng biển Nam Mỹ (tác phẩm Nostromo), cũng như thám hiểm dòng sông Congo tại châu Phi ( tập Hearts of Darkness). Ông tự thú nhận mình rất nóng tính, hay chửi thề (bằng tiếng Ba Lan) khi cưỡi ngựa và nói (tiếng Anh) với một âm giọng nặng chịch., bao gồm sự pha trộn ngôn ngữ mẹ đẻ Ba Lan và thổ ngữ miền Nam nươc Pháp. Đối vời tôi, một cô bé lớn lên tại đất nước cộng sản Ba Lan, ông là một kết hợp nhiều lôi cuốn giữa những khía cạnh đầy mạo hiểm và đầy sáng tạo : một đời sống cuồng nhiệt.
Cũng từ Paszkowski, tôi tìm ra Korzeniowski đã du hành tới Úc châu, dừng chân tại cảng Sydney và Melbourne trong những năm 1879,1888 và 1889. Cuộc dừng chân nào cũng để lại những câu chuyện mang tính văn chương lich sử.. Năm 1879, ông là một thủy thủ trẻ từ London đến Sydney, trong thời gian chờ đợi chuyến tàu kế, ông nghe kể chuyện tai tiếng ô nhục về việc thuỷ thủ đoàn con tàu Jeddah bỏ rơi 953 hành khách Hồi Giáo đi hành hương khi con tàu bị chìm. Tin này đã làm chấn động gìới sĩ quan và thuỷ thủ đoàn và trở thành đề tài cho tác phẩm Lord Jim của ông. Ông diễn tả bến cảng Sydney là một tuyệt tác trong tác phẩm Tấm gương của biển( The Mirror of the Sea), mà một số nhân vật ông gặp gỡ tại Sydney, như người bạn Úc Charles Born, đã có mặt trong những tác phẩm của ông.
Năm 1888, Korzeniowski quay trở lại Sydney. Lúc này ông đã thành vị thuyền trưởng của con tàu Otago. Tên của ông khó nhớ đến nỗi các tờ báo ở Sydney cứ liên tục viết sai. Vì vậy, khi con tàu rời bến để đến Melbourne, ông đổi tên thành Conrad.
Ẩn ý của nhà thám hiểm không chỉ gợi cho cái đam mê cá nhân của tôi, nó còn luôn đóng một vai trò đầy uy lực trong việc đưa trí tưởng tượng đi xa hơn. Có lẽ người vừa mạo hiểm, đi hoang, vừa là di dân đầu tiên là nhân vật huyền thoại Odysseus của Homer. Những hành trình của Odysseus đã gây ra muôn vàn cách giải thích trong suốt mọi thời đại. Người Hy Lạp cổ coi nhân vật này như một chiến sĩ dũng cảm mà cái mưu kế ngoạn mục của anh đã được thần thánh thử thách. Đối với người La Mã, anh lại là một tên ngoại chủng lừa bịp và thủ đoạn trong việc dùng xảo kế để hủy diệt thành Troy. Sau những biến chuyển và tai hoạ của Thế Chiến thứ hai, Theodor Adorno và Max Horkeimer lại cho rằng Odysseus chỉ là một kẻ lưu vong tuyệt vọng, luôn luôn ở ngoài lề phạm vi văn hoá của chính anh trên mặt đất.
Sự gặp gỡ của tôi với Jerzy Zubrzycki và George Smolicz, 2 nhà trí thức rời Ba Lan trong thời Thế Chiến 2 và định cư tại Úc lại mang đến một cách giải thích nữa về câu chuyện lưu vong. Hai nhà trí thức này đã cố biền đổi một cách sáng tạo những kinh nghiệm đau thương của chiến tranh thành một phưong thức giúp hình thành và làm phong phú một nền đa văn hoá tại Úc. Zubrzycki nói với tôi rằng ông muốn sửa chữa những sai lầm mà một nước Ba Lan thời tiền chiến đã phạm phải, đó là sự thất bại trong việc nắm giữ và liên kết được các nhóm chủng tộc và tôn giáo khác nhau trong những năm 1930s. Ông muốn ngăn ngừa một tình trạng tương tự lại xảy ra trên đất Úc. Trong suốt những tháng năm làm việc tại trường đại học quốc gia Úc, ông đã cố bổ xung và vận động cho sự đa văn hoá như một thành phần quan yếu trong cuộc sống người dân Úc.
Smolicz lại đi qua vùng Trung Á và Trung Đông, sống trong không biết cơ man nào những trại tạm cư của những nạn nhân của chiến tranh như một đứa trẻ tỵ nạn.. Kinh nghiệm này gợi hứng cho ông trong việc biến đổi hệ thống giáo dục nước Úc theo một phương cách cho phép tất cả trẻ em đủ mọi quồc tịch được học hỏi thêm về ngôn ngữ và văn hoá riêng của chúng. Ông đã vẽ ra hình ảnh nước Úc, một đất nước với một nền văn hoá phong phú bất tận: Nền văn hoá có từ sự cộng tác của những kẻ phiên lưu.
Quả là đã có nhiều người gốc Ba Lan đã đến đây hơn trước, như các nhà soạn nhạc phim Cezary Skubiszewski, nhà thơ Anna Walwicz, nhà vẽ kiểu Kajetan , nghệ nhân Jacek Koman. Họ tự coi mình là những kẻ phiên lưu. Họ có quyền vì những cộng tác về trí tuệ và nghệ thuật của họ. Con đường dẫn đến nước Úc của họ thường đi qua nhiều đất nước khác mà mỗi khoảnh không gian ấy là những học hỏi và bồi bổ thêm. Họ chính là những người khách lạ đáng chú ý qua những con đường họ đi để định nghĩa lại cái ý nghĩa của sự sở hữu hay cái tuỳ thuộc(belonging), cái mà “linh hồn trong nó mới lớn lao hơn chính nó” không hạn chế trong một mảnh đất hay một ngôn ngữ.
Bruce Chatwin nói rằng sự lôi cuốn của những nhà mạo hiểm và của dân du mục nằm trong cái khả năng tồn tại bất khuất và vô thời hạn của họ. Hình ảnh mạnh mẽ nhất của một người thích mạo hiểm là người có lòng can đảm lớn lao và sự sáng tạo, sự đáp ứng được những thách đố nảy sinh từ những phức tạp của đời sống . Một người mà sự dũng cảm , nhiệt tâm, tính ưa mạo hiểm và những tính chất sáng tạo và phản ảnh của một nghệ nhân phải cùng được hợp nhất vào trong một xã hội rộng rãi hơn. Người mạo hiểm không là những người có tính kỳ lạ hay thi vị chỉ có tính định kỳ. Họ là những người tỵ nạn, di dân , người lưu vong được nhìn qua nhiều lăng kính khác ,thuận lợi và phức tạp hơn khi được tham dự vào việc biến cải cái xã hội mà họ mới nhập.
Vẫn còn một con đường khác phải làm, không chỉ bởi những người mới tới mà do chính những người trong xã hội chính mạch. Đây có thể là một sự mạo hiểm còn thách đố nhiều hơn. Nó đòi hỏi xã hội cần từ bỏ cái thành kiến, cái tư tưởng võ đoán và thường vô ý thức của tính ưu việt theo một lối định nghĩa cứng ngắc: ta là chủ nhân ở đây (hay đất nước này của riêng ta).
Trong cái ý nghĩa của sự mạo hiểm này, Odysseus đến vùng đất mới, biết rằng không chỉ mình anh, mà toàn thể dân cư sồng trên vùng đất cùng chia sẻ một hành trình : mang những hiểu biết và thân thuộc đến những bờ biển hoang sơ về những tầm nhìn mới và tự phám phá.

( Bài tiểu luận của Dr. Joanna Kujawa , PhD of Monash University, 2005, trích từ Griffith Review 15: Divided Nation, ABC Books. www.griffith.edu.au/griffithreview).

Phương Duy
(Lược dịch 07/05/2007)

Nhớ ơn mẹ

Nhớ lời mẹ ru.

Nói đến me, tôi phải nhắc đến 2 câu thơ của Trần Trung Đạo tôi ưa thích:
Ví mà tôi đổi thời gian được,
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Mẹ mất đã khá lâu nên bây giờ tôi không hình dung được tiếng cười của mẹ. Mà dường như trong đời, mẹ hiếm khi cười, hay nói cho rõ hơn, mẹ chỉ mỉm cười chứ ít khi cười thành tiếng. Có phải vì đời mẹ long đong vất vả quá không?
Càng lớn tuổi hơn, tôi càng nhớ đến những lời mẹ ru từ thuở còn thơ.
Dù đi khắp nẻo đường đời,
Vẫn nghe văng vẳng những lời mẹ ru.

Lời ru của mẹ thường chỉ là những câu ca dao đơn giản chan chứa tình quê hương, chất chứa hình ảnh mộc mạc của làng xóm thôn dã Việt Nam, những tiếng à ơi chen lẫn tiếng kẻo kẹt võng đưa ru con vào giấc ngủ nồng:
À…ơi…! Cái ngủ mày ngủ cho say,
Để mẹ đí cấy đi cày nuôi em.
À…ơi…! Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non…

Cũng tiếng à ơi ấy, sau này, trong những năm đầu ở trại cải tạo tại Trảng Lớn, chúng tôi ( tôi và nhiều bạn tù) cũng đã phải lập lại qua những lời ca từ khác:
À…ơi…! Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời “giặc Mỹ” có thương dân mình.
Ai theo “ Mỹ Nguỵ” cầu vinh,
Là cam sống nhục, đoạn tình quê hương. À.. ơi…!

Hoàn cảnh, thời thế và điều kiện để sống còn trong tù ngục bắt chúng tôi phải hát lền những lời trái với lòng mình như thế. Trại tù, hay trại cải tạo như cách nói của người CS, giam giữ hàng ngàn người trong những doanh trại chật hẹp, giữa súng đạn và những vòng kẽm gai. Họ muốn chúng tôi lao động khổ sai cật lực, với hình thức vừa để trả thù, vừa muốn biến chúng tôi thành con người “tốt đẹp XHCN”:biết lao động chân tay, làm ra của cải và có ích cho xã hội (hay cho cán bộ?), vừa để “cải thiện” tình trạng lương thực thiếu thốn. Khốn nỗi, trong vòng gai tù túng làm gì có công việc? Đất đai cũng không có cho hàng ngàn người canh tác, đào cả đường đất, bãi đâu xe đi cũng không có chỗ. Còn nhớ, tổ mười người của tôi được phân chia đào một đoạn trong sân đậu xe bề dài năm mét, chiều ngang khoảng 3 mét để làm ao rau muống, và chỉ tiêu là phải hoàn thành trong một tuần lễ, thế nhưng đến 2 tháng trôi qua, với những dụng cụ thô sơ tự chế, chúng tôi không đào nổi sâu quá năm tấc. Lý do: khi làm sân, “giặc Mỹ” đã đổ nền thuộc loại đá trộn nhựa rải đường dầy cả thước. Chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc dùng sức người để dung búa cạy từng cục đá nhỏ và nhựa đường dính chặt với nhau . Kế hoạch đào ao bị huỷ bỏ, người ta nghĩ ra cách cho tù thi đua làm văn nghệ tự biên tự diễn. Tôi may mắn, nhờ biết chút về ca nhạc và thích nghêu ngao (hay dựa dẫm để chay lười, trốn lao động như một số bạn tù thời ấy suy nghĩ) được ở trong ban văn nghệ của khối . TRong giờ lao động, khi bạn bè khăn gói quả mướp tiến ra cổng trại đi lao động, thì chúng tôi cũng lê bước qua hội trường để tập dợt văn nghệ theo đúng giờ giấc để có dịp mang chuông đi đánh “c” người . “c” ở đây là những khối người tù cải tạo do những tiểu đoàn khác quản lý. Dù là tự biên tự diễn, phải viết, nói lên những lời không hợp với lòng mình, chúng tôi cũng đã say mê thực sự hình ảnh của : lời mẹ ru” , đoạn mở đầu trong một trường ca:
Sau tiếng à ơi và giọng ngâm lời ru của mẹ.
(nhịp ¾)
Ôi tiếng ru êm êm bên vành nôi.
Ôi tiếng ru đưa con bước vào đời.
Là những lời ca dao êm ái nhất.
Ôi tiếng ru hay sông núi gọi mời?
Con lớn lên theo từng trang lịch sử,
Con lớn lên quên mau lời nhắn nhủ
Dù phút giây cũng đủ nhục muôn đời,
Mẹ buồn đau theo năm tháng khôn nguôi
Sao con quên tiếng ru hời?
Sao con không nhớ những lời mẹ ru…?
Lời ru tha thiết quá đến nỗi sau mấy chục năm tôi vẫn không quên. Có bạn nào thuở ấy ở cùng ban văn nghệ hoặc đã viết ra những lời này còn nhớ thêm đoạn nào nữa xin bổ túc. Thực tế và hoàn cảnh lịch sử cũng không thể làm mất đi mối dây liên hệ tha thiết của con người giữa chúng ta và mẹ.
Trở về với người mẹ quê mùa chất phác của riêng tôi, mẹ đúng nghĩa là một người đàn bà nhà quê chân lấm tay bùn.
Mẹ trong trí nhớ của tôi có dáng người bé nhỏ, thân gầy, gương mặt khắc khổ, vóc dáng già nua trước tuổi. Thuở nhỏ, tôi không gọi mẹ là mẹ, hoặc như những người có dáng thành thị khác gọi thấy me, hay như một thằng bạn học của tôi(không biết có phải dân Hà Nội?) gọi bố mẹ là cậu mợ. Tôi mắc cở (vì bản chất quê mùa của mình) nhưng vẫn không thể bỏ được vì đã quen miệng gọi mẹ là bầm:
Bầm đi chợ về có quà bánh gì cho “em” không? Hay là, đôi khi nói dồi để vòi tiền:
Bầm à! Cho “em “ ít tiền mua sách. Sách của “em” gần hết rồi.
Và bầm thì lúc nào cũng thế:
Cơm nhà “em” ăn căng bụng ra rồi mà vẫn cứ đòi quà chợ. Hoặc:
Trời đất! “em” mới hỏi bầm mua sách tháng rồi mà tháng này đã lại đòi mua nữa.
Tôi là dân quê . Con của mẹ mà cứ leo lẻo xưng” em” với mẹ.Mẹ cũng chả hơn, đáng lẽ sửa cho tôi thì cũng lại gọi tôi bắnng “em” để trêu chọc hay vì quen lệ, tôi không biết. Nói thế chứ chả bao giờ mẹ từ chối. Rồi mẹ cũng lôi từ trong thúng ra cái bánh đa nướng có rắc thật nhiều mè đen giòn tan mới mua ở chợ về hay móc trong bọc ra vài đổng cho con đi mua sách (hay để ăn hàng?)
Có một lần, tôi đọc đâu đó một bài văn viết về mẹ. Người viết diễn tả mẹ mình là một mẫu tử, có thân hình đẫy đà và gương mặt hiền từ của Phật Bà Quan Âm , và người ấy sung sướng và hãnh diện vì có người mẹ mập mạp , hiền từ ấy, không như những bà mẹ gầy còm ốm yếu khác mà khuôn mặt khắc khổ của họ trông từa tựa như những bà phù thuỷ độc ác trong các câu chuyện cổ. Tôi chúc mừng cho gia đình người viết ấy, nhất là bà mẹ phương phi phốp pháp của họ, có lẽ gia đình, nếu không quá giàu có thì cũng tương đối sung túc khá giả đến nỗi người mẹ chẳng phải lo lắng thái quá, điều đó chứng tỏ trong lối ăn trắng mặc trơn của người mẹ. Nhưng tôi cảm thấy xúc phạm vì lối ví von những bà mẹ gầy yếu như những bà phù thủy ác tâm. Mẹ tôi cũng gầy gò bé nhỏ, cũng già nua khắc khổ, nhưng đó là cái khắc khổ của một đời sống cơ cực, cái già nua của những ngày tháng vất vả gian nan chư đâu phải do cái ác tâm như các mụ phù thuỷ lộ ra bên ngoài. Thử hỏi những bà mẹ quê mùa chơn chất Việt Nam, mấy ai không gầy gò yếu đuồi như lau sậy, mái tóc không điểm sương trước cả tuổi trung niên?
Một người bạn thời thơ ấu, sau này khi viết về mẹ chị ấy cũng có diễn tả mẹ tôi như một người hàng xóm quê mùa tốt bụng, ống quần lúc nào cũng xắn cao và luôn luôn đấu tắt mặt tối. Khi mẹ chị ấy vì công việc buôn bán phải vắng nhà nhiều ngày, có gưỉ gấm nhà cửa con cái cho mẹ, tối đến, chị khóc lóc đòi mẹ thì “ người hàng xóm tốt bụng” chỉ có củ khoai lang, khoai mì luộc đưa ra dỗ dành. Không hiểu có phải vì cái tốt bụng và những giúp đỡ nhỏ nhoi ấy mà 2 người đàn bà quý nhau như chị em ruột và khi gia đình chị ấy dọn đi nơi khác đã để lại mảnh vườn nhà chị cho mẹ tôi với giá thật rẻ như cho không, đến nỗi một gia đình khác có liên quan họ hàng với gia đình chị sống gần đó cứ ấm ức mãi?
Quả thực cuộc đời mẹ gian nan vất vả. Làm dâu trong một gia đình tương đối nghèo khổ. Bố tôi là một người hiền lành, nhút nhát, nhu nhược và an phận. Là một công chức hạng thấp với số lương ba cọc ba đồng. Tháng tháng, mỗi khi có tiền, ông phải dành một món tiền nhỏ cho ông bố nghiện rượu. Ông giữ lại một nửa để chi tiêu cho phần ăn ở thuê nhà của chính ông, vì phải đi làm xa nhà, cuối tuần mời trở về. Phần còn lại ông đưa cho mẹ lo lắng mọi chi tiêu trong nhà và ông coi như đã đủ bổn phận. Thế mà mẹ quyết tâm để dành món tiền đó, tự làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con , chịu đựng rau cháo qua ngày để sống. Được cái tính mẹ cần cù siêng năng nên hầu như lúc nào mẹ cũng có việc.
Thím Tư (tiếng dân địa phương gọi mẹ tôi) này nhỏ nhỏ con mà làm bằng hai người khác đó. Câu nói tôi đã từng nghe người ta bảo nhau khi tìm mẹ thuê mướn. Có một đêm, tôi thức giấc nghe bố mẹ bàn bạc. Mẹ bảo:
-Cái nhà mình dột nát quá rồi, phải làm lại không thôi sụp đến nơi.
Bố nói:
- Trời! tiền bạc đâu mà làm?
Mẹ trấn an:
- Anh đừng lo, tôi có tiền. Có thiều cũng không bao nhiêu.
- Tiền ở đâu mà có?
- Thì mấy năm nay, tiền lưong của anh đưa về, tôi có tiêu đồng nào đâu. Lại còn dành dụm thêm được một ít nữa là khác.

Thế là kêu thợ tới. Có được căn nhà xây mái tôn thay cho mái tranh vách đất là khỏi lo lắng đến nơi ăn chốn ở. Cái gian nan khổ cực về vật chất có lẽ mẹ không nề hà. Cái mà mẹ chịu đựng nhiều hơn có lẽ về phương diện tinh thần. Ông nội tôi là một người nghiện rượu. Bữa cơm không có chút rượu đưa cay ông không thể nuốt. Tính ông cũng xuề xoà điềm đạm, nhưng đôi khi lỡ đà uống quá chén, thì: rượu vào lời ra, ông không thể kiềm chế không nói. Con trai vắng nhà, đàn cháu còn nhỏ dại, chỉ còn mỗi đứa con dâu là người cho ông tha hồ mắng chửi, kiểu mắng chửi của những ông thầy đồ thất chí đầy dẫy những ngôn từ điển tích trong cái mà ông gọi là “chữ của thánh hiền” mà tôi chẳng hiểu gì. Còn mẹ thì chỉ có khóc. Đôi khi cũng cãi lại, nhưng thường, mẹ chỉ cắp nón ra đồng làm cỏ. Suốt cả thời gian ông còn sống, hầu như tháng nào mẹ cũng phải chịu đựng một vài lần như thế. Ông nội cũng biết tật mình như thế, nên khi tỉnh rượu ông chẳng nói năng gì . Ông thừa biết ông có một người con dâu ngoan giỏi, không có mẹ đã không có cơ ngơi này. Sau khi ông qua đời, mẹ và tôi tìm đến chổ có một ít của cải ông nội chon giấu. Tôi có hỏi sao mẹ biết chỗ mà tìm. Mẹ bảo khi ông chon giấu đã chỉ chỗ cho mẹ, đề phòng trường hợp ông ra đi bất chợt. Số tiền chẳng có gì to tát, nhưng nó nói lên tình thương yêu mà ông nội dành cho mẹ, vì ông biết ông làm khổ mẹ, và có lẽ vì ông tin tưởng mẹ hơn bố là con trai của ông.
Viết về mẹ thì chả bao giờ hết chuyện, vì lòng mẹ lúc nào cũng” bao la như biển Thái Bình dạt dào” như lời của nhạc sĩ Y Vân. Xin tạm dâng đôi lời đơn sơ nhỏ bé này như một bông hồng muộn màng đến hương hồn mẹ như một lời tạ lỗi mà khi mẹ còn trên dương thế con đã không có một bông hồng nào dành riêng tặng mẹ.
Mẹ đã cho con vóc dáng người,
Ơn sâu nghĩa nặng quá mẹ ơi!
Thiên đường,mẹ còn yêu con chứ?
Hãy nở cho con một nụ cười.
Phương Duy
(Ngày nhớ ơn mẹ 05 – 2007)