Nhân vật thế giới

Gorbachev: người vĩ đại trong thất bại.

Hai mươi năm sau ngày bưc tường Berlin sụp đổ, Mikhail Gorbachev âm thầm kỷ niệm biến cố này ở phương Tây, cố tránh thật xa khỏi Moscow. Dù vậy, ở cả hai nơi ấy, danh tiếng của ông lại nằm ngay trong cái sự thầt bại của ông trong việc muốn đổi mới một hệ thống chính trị mà ông hằng thực sự tin tưởng, lúc nó đang trong cơn hấp hối.

Trong một cuộc phỏng vấn với một phóng viên báo chí không lâu trước đây, Mikhail Gorbachev đã hồi tưởng lại về những năm tháng ở trên đỉnh cao quyền lực của ông tại Liên Bang Sô Viết. Thông thường khi đã ngon trớn, thật khó để cắt ngang lời ông nói. Nhưng trong dịp này, ông lại do dự, trầm ngâm một hồi thật lâu, đăm chiêu nhìn người phỏng vấn dưới cặp mắt sắc cạnh một cách bối rối trước khi trả lời.

“ Bạn biết đó, tôi lẽ ra vẫn còn ngồi tại đó, trong điện Cẩm Linh,” – ông nói – “ Nếu tôi đã tự giải quyết bằng chính quyền lực cá nhân của mình. Có lẽ tôi vẫn còn đang sống trong cung điện đó… Hoặc nếu tôi đơn giản chẳng làm gì hết, không thay đổi bất cứ gì của toàn Liên Bang Sô Viết giống như thuở nào, chỉ việc ngồi tiếp tục làm những công việc như nhửng người tiền nhiệm, ai mà biết được…”

Rồi ông bật tiếng cười. Cho dù có cảm giác đắng cay nào đó trong lòng, ông cũng đả che giấu khéo léo.

Một phần của cái cảm giác này là do cái ảo tưởng tự dối mình thường thấy từ các lãnh tụ hoặc đã nghỉ hưu, bị cho về vườn hay bị lật đổ. Riêng Gorbachev lại có điểm sâu sắc hơn, đặc biệt thích ứng trong năm nay, năm thứ hai mươi kỷ niệm biến cố 1989, khởi đầu cho sự chấm dứt quyền cai trị của ông.. Ngày nay khi nhìn lại, người ta vẫn khó có thể tin rằng một đế quốc Cộng Sản Sô Viết , bao gồm Liên Sô và các nước Cộng Sản chư hầu Đông Âu, , một khối đá lừng lững đến nỗi hơn hai thế hệ của phương Tây phải từng run rẩy sợ hãi, lại biến mất trong một đêm. Các nhà phân tích đã tưởng rằng khối đế quốc đỏ này sẽ còn khập khiễng lê bước hàng nhiều thập niên nữa trong việc cố đổi mới chủ nghĩa cộng sản, nhưng cứ tiếp tục thất bại,.

Năm nay 2009, Gorbachev trông còn mạnh khoẻ dù đã ở tuổi 78, lứa tuổi mà hầu hết những nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ông đang ở trên đỉnh cao quyền lực. Trong những năm thập niên 80s, một Tổng Bí Thư của đảng CS Sô Viết có đầy đủ quyền hành độc đoán nếu ông ta muốn xử dụng.. Gorbachev lúc đó đã có thể dùng nó để tạm thời sửa chữa vá víu những cái vụn vặt lẻ tẻ. Ông có thể đưa ra những thay đổi nhỏ nhặt trong một hệ thống mà về căn bản đã không hề thay đổi từ thời Stalin và cũng không cần phải đặt vấn đề may rủi với những vùng đất thuộc các quốc gia trong khối Varsaw tại Đông Âu. Thế nhưng Gorbachev quá tham vọng. Mục đích của ông là phải cứu vớt và canh tân chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa cộng sản thực sự đúng nghĩa như những người khởi xướng ra nó với một niềm tin mà ông đã tin vào. Lại cũng với một nhiệt tâm tương tự, ông đặt niềm tin vào đất nước của ông, không phải nước Nga, mà là toàn Liên Bang Sô Viết. Thế nhưng chính Gorbachev là người đã tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản nhiều hơn bất cứ ai.

Thay vì còn điều hành cai trị từ căn phòng màu hạt dẻ ở điện Cẩm Linh như ý ông nói là ông rất có thể vẫn còn ngồi đó.Hiện tại, Gorbachev du hành không ngưng nghỉ với bộ hành lý Louis Vuiton trên tay mà ông đang quảng cáo khắp thế giới. Ông hái ra tiền với những tua đi diễn thuyết quốc tế và còn kèm theo nhiều lợi lộc phụ thuộc bên cạnh. Trên căn bản thì ông đang sinh sống tại Moscou, nhưng ông có mặt tại Nga rất hiếm hoi. Những người bạn thân tỷ phú của ông đã giúp ông tài trợ điều hành hai cơ sở mang tên ông, một để lưu giữ những tài liệu văn thư của ông, một để nghiên cứu chống bệnh ung thư thời trẻ, trong việc tưởng nhớ Raisa, người vợ quá cố của ông. Tuy nhiên,trên thực tế , ông là một khuôn mặt bị lãng quên tại Nga, mặc dù ông có phần hùn trong một nhật báo tại Moscou của một trong những người giàu có ủng hộ ông : cựu nhân viên tình báo KGB Alxander Lebedev, người trước đây từng tạo một khuấy động trong giới truyền thông khi ông này bỏ tiền túi ra làm chủ tờ báo Evening Standard tại Luân Đôn.

Nếu như có được nhắc nhở đến tại Moscou, Gorbachev bị phỉ báng như một kẻ buông rơi đế quốc của mình mà không hề có một hành vi chống cự và là người gây ra sự sụp đổ về kinh tế khi liên bang đổ vỡ vào năm 1991. Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc xung quanh Vladimir Putin, đây là một thảm hoạ nhục nhã mà chính Gorbachev phải trực tiếp chịu trách nhiệm , cái đế quốc mà nước Nga lúc này đang cố hồi phục. Trong sử sách ở học đường mới tại Nga hiện nay, Gorbachev ít khi được nhắc tới, nếu có chỉ là vài dòng chú thích ngoài lề không thiện ý, trong khi Stalin được ca ngợi là một lãnh tụ vĩ đại của nước Nga , cho dù Stalin chỉ một người Georgia. Ở ngoài nuớc Nga, lịch sử đối xử tử tế hơn. Gorbachev được coi như một khuôn mặt hàng đầui trong việc giải phóng một phần ba Âu Châu khỏi sự chiếm đóng quân sự cũng như nhân dân thoát ách độc tài toàn trị , qua vai trò của ông trong sự kết thúc cuôc chiến tranh lạnh, đồng thời là một trong những “đạo diễn” quan yếu trong thời điểm những tuần lễ rối loạn của cuộc cách mạng 1989. Hơn nữa, những năm cai trị cuối của ông cộng với ít năm đầu của Boris Yelsin,người kế nhiệm, được coi như một thời đại thanh bình ngắn ngủi của tự do trên đất nước Nga.

Dĩ nhiên, Gorbachev không hề có ý định mang đến những thứ ấy. Ông ta được chọn bởi một nhóm 18 người lãnh đạo cộng sản nắm quyền lực già nua bệnh hoạn , phần lớn vì sự tương đối trẻ trung, hấp dẫn và đầy năng lực của ông. Đã có tới ba đám tang của những nhà lãnh đạo Sô Viết chỉ trong không đầy hai năm rưỡi trước khi Gorbachev được lựa chọn vào ngày 10 tháng Ba năm 1985. Leonid Brezhnev nắm quyền cai trị gần suốt 20 năm và được biểu tượng hoá , ngay cả với những người tuỳ tùng thân cận của ông tronjg những chốn riêng tư , như một kỷ nguyên của sự đình đốn. Trong những năm cuối đời, Brezhnev quá suy nhược đến mức người ta phải chở ông lên lăng Lenin bằng một thang máy trong những buổi diễn hành tại Công Trường Đỏ. Yuri Andropov thì đã bệnh hoạn ngay từ khi năm quyền. Hầu hết trong suốt 13 tháng cầm quyền, nhà lãnh đạo này điều hành đất nước trên một giường bệnh. Konstantin Chernenko, người mà trước đó có nhiệm vụ chính yếu trong chính quyền chỉ châm lửa thuốc lá cho người bạn thân Brezhnev, khi lên thay thế đã là một ông già ở tuổi bẩy mươi xưa nay yếm (yếm = không phải hiếm mà là ốm đau bạc nhược). Sự suy nhược của ông thể hiện cho tình trạng suy đồi của đất nước.

Những nhà lãnh đạo đảng vào năm 1985 chắc phải muốn chọn một người trong cùng một rọ với họ. Nhưng chẳng có ai trong đám giáo điều già nua khả dĩ chấp nhận được đủ tiêu chuẩn , cho dù họ đã nghe những chuyện tếu về họ khắp nơi trên đất nước như là : - “Các đồng chí, ta cứ nhóm họp quốc hội theo truyền thống cũ . Nào cùng nhau ra khiêng ngài Tổng bí thư vào”.

Người giới thiệu lựa chọn Gorbachev là Andei Gromyko, người có vẻ mặt ác ôn , một vị ngoại trưởng rất giáo điều được biết đến trong suốt bốn thập niên như một “ông lắc đầu trong ngành ngoại giao Sôviết” (Mr Nyet of the Soviet diplomacy). Ông ta bảo đảm với các đồng sự của ông rằng Gorbachev, thành viên trẻ nhất của bộ chính trị ở tuổi 54, chắc chắn là một người có cùng một khuôn như họ, nhưng có đủ nghị lực để lấy lại uy danh cho Liên Bang Số Viết.. Họ không chọn Gorbachev vì mấy tháng trước đó vị nữ thủ tướng Anh Margaret Thatcher tuyên bố bà sẽ cộng tác với ông này. Họ chọn ông vì nghĩ ông là người có năng lực làm sống lại cái hệ thống Sô Viết đã bị sói mòn. Gromyko nói rằng Gorbachev tin tưởng vào một nền quốc phòng mạnh mẽ và sự duy trì một đế quốc Liên Sô tại Âu Châu. Ông kết luận: “ Gorbachev có nụ cười hiền. Đúng,nhưng ông ta cũng có hàm răng sắt”.

Bước thăng tiến của Gorbachev giống như một làn gió tươi mát. Ngay ở tại Washington DC, Jack Matlock, một cố vấn an ninh quốc gia đặc trách về Liên Sô của tổng thống Ronald Reagan , lúc đó sắp sửa được đề cử chức vụ đại sứ Hoa Kỳ tại Moscou đã chia sẻ cái nhiệt tâm ban đầu này: -“ Cả ở trong và ngoài nước, mọi người đã mệt mỏi nhìn vào toàn khối Sô Viết đang vùng vẫy chới với giữa phong ba của những yếu kém suy sụp. Khi ấy từng bước đi của Gorbachev, lời ông ăn nói, bộ đồ ông mặc, đã làm thế giới sững sờ”.

Gorbachev là nhà lãnh đạo Sô Viết duy nhất sinh ra sau cuộc cách mạng Bolshevik. Tiểu sử của ông là câu chuyện điển hình của một chàng trai trẻ miền quê lớn lên từ một vùng đất tỉnh lẻ của Liên Bang Số Viết dưới thời Stalin.. Xứ sở Bắc Caucasus của ông đã chịu đựng cái nạn đói khủng khiếp do con người gây nên ở những năm 1930s.Sau này, ông thường nhắc lại ông đã phải chứng kiến những người hàng xóm đói đến chết đi ra sao. Lúc đầu. ông đã tránh được điều tồi tệ nhất, nhờ sự bao bọc của ông ngoại, một trong những đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên, lúc đó đang là chủ tịch của một nông trường tập thể địa phương. Nhưng sau cuộc đại thanh trừng của Stalin năm 1937, người ông ngoại ,kẻ bảo hộ che chở ông bị bắt giữ với tội danh “bọn phản cách mạng khuynh hữu Trosky”, ông và gia đình trở thành những kẻ vô gia cư bị ruồng bỏ trong suốt 14 tháng., cho tới khi ông ngoại trở về từ trại giam. Qua thời gian thử thách này, Gorbachev học đươc kinh nghiệm sống thích nghi. Ông trở nên một đảng viên CS, Rồi đảng cho ông mọi thứ. Ông từ từ ngoi lên trên bước đường thăng tiến, không tỏ ra dấu hiệu đi ngoài lề chính thống nào. Đã từng nổi danh như một bậc thầy của nghệ thuật “nâng bi” trong một chế độ quan liêu nịnh hót bợ đỡ nơi mà sự việc đáng khinh này giúp cho mọi việc trôi chảy. Sau này, Gorbachev đã nói : “ Tất cả chúng ta, ai mà không liếm đít Brezhnev?”.Mãi cho tới khi đã vào được bộ chính trị rồi, ông mới tự cho phép mình phô bày ra một trong những đặc tính đáng mến hơn của ông: đó là tính hài hước. Ở chốn riêng tư, ông là người sưu tập và kể lại rất nhiều chuyện tiếu lâm cộng sản.

Ngoài chuyện hài hước, Gorbachev làm những người thân cận kinh ngạc về niềm tin thành tâm của ông vào lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Sự hoài nghi nhạo bang đã ăn sâu vào cốt lõi của chủ nghĩa Cộng Sản Sô Viết đến mức rất ít lý thuyết gia nằm trong hệ thống đặt vấn đề lý tưởng một cách nghiêm túc. Riêng Gorbachev lại nhận thức rằng Lenin đã vạch rõ đường lối, và việc của ông là đưa Liên Sô trở về đúng hướng sau khúc quẹo sai lầm của Stalin. Ông thường nói về Lenin như một thiên tài đặc biệt, và vẫn liên tục đọc sách của Lenin ngay trong những ngày cuối cùng còn lại ở Cẩm Linh.

Chính trong một buổi đi dạo ở Leningrad vào tháng Năm 1985, hai tháng sau ngày nhậm chức, mà hai từ ngữ sẽ mãi mãi được thừa nhận chung với thời đại Gorbachev bắt đầu đi vào thuật ngữ chính trị. Perestroika (cải tổ, đổi mới) và Glasnost (công khai, mở cửa) đã trở nên hai từ ngữ lan khắp toàn cầu, nhưng bên trong nội địa nước Nga, chúng lại mang một ý nghĩa riêng biệt. Khi Gorbachev xử dụng hai từ này, chúng chỉ mang ý nghĩa đúng như ông muốn ám chỉ.

Perestroika ,trong những ngày đầu ấy, chỉ mang ý niệm một sự thay đổi bình thường với mục đích cải thiện nâng cao kỷ luật ở nơi chốn làm việc. Gorbachev giới thiệu một bước liều lĩnh trong sự áp dụng những đo lường vềđánh giá năng lực nhằm cho phép các người có đảm lược đưa ra nhiều sáng kiến mới và làm một số thay đổi trong việc phần phát hàng hoá. Ông loại bỏ hàng tá những ông bình vôi,gồm các đồng chí thân hữu của Brezhnev cùng đám quan liêu tham nhũng hống hách của thời kỳ đình đốn trì trệ. Ông cũng mạnh dạn làm một vài bước giới thiệu một số thay đổi nho nhỏ về dân chủ vào hệ thống chính trị cũ qua sự tổ chức lại các danh sách bầu bán, nhưng vẫn giữ nguyên tình trạng một đảng duy nhất. Thật ra không gì đáng được gọi là cách mạng cả. Ông không hề có ý loại trừ kế hoạch tâp trung, không giới thiệu một nền kinh tế thị trường, tự do hoá về giá cả và lương bổng hay từ bỏ độc quyền cộng sản.

Sau bốn năm cầm quyền, có một bước căn bản ông đã thay đổi, đó là cho phép bầu cử các đại biểu của Quốc Hội Nhân Dân, trên lý thuyết, là cơ quan lập pháp tối cao của quốc gia. Và trong khi vẫn bảo đảm nắm giữ thành phần đa số cho đảng viên cộng sản qua sự áp đặt tuyển cử chuyên chế, ông đã cho phép một số nhà phê bình chỉ trích tham gia ứng cử chẳng hạn như nhà vật lý học đối kháng Andrei Sakharov. Gorbachev nói rất nhiều về dân chủ, nhưng ông ta không bao giờ liều lĩnh tự đặt chính mình vào một cuộc tranh cử. Ông muốn cải tổ mọi thứ nhưng lại không muốn đụng chạm đến nền tảng.

Glasnost - cởi mở - cũng là một từ ngữ rất biến thiên. Nó được bắt đầu áp dụng thật cẩn trọng nhưng, như các tay giáo điều bảo thủ chỉ trích ông đã lo sợ, một khi đám ký giả nhà báo được khuyến khích đưa ra công luận những mẩu chuyện về những quan chức bất tài, về một giai cấp bần cùng trong xã hội với số lượng lớn ở những phố thị tỉnh lẻ xa xôi, sự đàn áp các phong trào hay các nhân vật đối kháng , tiến trình trở nên khó kiềm chế. Liên Sô của thời Gorbachev không có một hệ báo chí truyền thông hoàn toàn tự do, nhưng tương đối tự do hơn trước. . Gorbachev đã đơn thuần nghĩ rằng việc cho xuất bản các tác phẩm của những nhà văn như Alaxander Solzhenitsyn và Boris Pasternak, sự tiết lộ những kinh hoàng trong lịch sữ Sô Viết có lẽ sẽ giúp cho người công dân cố gắng làm cho cả nước làm việc siêng năng và hữu hiệu hơn. Thực tế lại khác, nó (glasnost) chỉ làm cho họ càng thù ghét chủ nghĩa cộng sản hơn ngoại trừ một số thật nhỏ thực sự tin tưởng vào chủ nghĩa có ý nghĩ trái ngược.

Glasnost đã có những hiệu quả cấp tiến , cả ở Liên Sô cũng như các quốc gia hành tinh Đông Âu quanh đó vượt quá sự mong đợi của Gorbachev. Công bằng mà nói cho ông, Gorbachev đã không làm gì để ngăn lại cái trào lưu cấp tiến này hay tìm cách trù dập khối truyền thông báo chí. Ngay những người thán phục cổ động ông nhất, những người thân cận làm việc không ngại mệt mỏi cho ông cũng đôi khi giận dữ với nhửng phương cách làm việc của ông.. Một thí dụ điển hình là trong những ngày chỉ mới lên cầm quyền, Gorbachev đã quyết định giải quyết một tật xấu cố hữu của người Nga: thói nghiện rượu . Vào năm 1984, người ta đã thu lượm ngoài đường phố lên đến trên 9 triệu người say. Những vụ chết yểu, tội ác, sự nghèo túng, gia đình đổ vỡ thấy nhan nhản khắp nơi. Vào mùng 4 tháng Tư 1985, ông triệu tập bộ Chính Trị và tuyên bố tăng giá rượu vodka lên gấp ba. Lượng sản xuất bia và rượu chát phải giảm xuống ba phần tư. Vladimìr, vị tổng trưởng tài chánh cảnh cáo ông về một lỗ hổng lớn trong ngân sách nhà nước. Gorbachev ngắt lời ông: “Điều đồng chí nói không mới mẻ gì. Ai cũng biết không có tiền để trám vào lỗ hổng đó. Nhưng điều đồng chí đề nghị không có gì khác hơn là cứ để cho nhân dân say sỉn mãi. Đồng chí không đề nghị là ta sẽ xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên rượu Vodka chứ?” Không ai dám chất vấn uy quyền của vị tổng bí thư đảng . Do đó, Gorbachev đã làm theo chủ định cấm rượu với một quyết tâm . Và quả là một thảm hoạ. Đã có những cảnh xếp hàng nối đuôi dài dằng dặc bên ngoài những quầy bán rượu và thị trường chợ đen rượu Vodka nhanh chóng phát triển chỉ qua một đêm. Cái lỗ hổng về tài chánh mà ông Dimenstev đã báo động còn nghiêm trọng hơn ông tiên đoán. Tử xuất tăng vọt vì sự tiêu thụ các loại rượu độc hại làm chui tại nhà. Cuối cùng, sau ba năm, Gorbachev thú nhận sự sai lầm và từ bỏ kế hoạch, nhưng thiệt hại đã không thể cứu vãn. Đó chỉ là một điển hình về đường lối ông cai trị điều hành đất nước trong sáu năm rưỡi.

Gorbachev có thể gơị hứng cho sự trung thành nhiệt tình, sự thán phục qua tầm nhìn bao quát, trí thông minh và sự thành thật của ông. Tư tưởng và bản năng của ông được coi là đứng đắn, trung thực, ngay cả khi chúng đặt căn bản trên những phân tích sai lạc. Ông muốn bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ và Âu Châu, bãi bỏ nguy cơ về một cuộc chiến Đông-Tây, cắt bớt ngân sách quốc phòng và cải thiện nền kinh tế nội địa Liên Bang. Có là vấn đề không khi ông cho rằng những việc này sẽ giúp củng cố chủ nghĩa cộng sản? Không bao lâu sau khi nắm quyền, ông và những cố vấn hàng đầu, đặc biệt , Alxander Yakolev, vị cố vấn về vấn đề cải tổ Perestroika, đã đi đến kết luận rằng các quốc gia trong khối Varsaw là một gánh nặng hơn là một lợi lộc. Tuy nhiên, ông cũng chưa bao giờ đưa ra một chiến lược thích hợp để buông tay .

Vì sao Liên Bang Sô Viết bỏ rơi đế quốc khổng lồ của họ một cách hoà bình như thế, đơn thuần với một lời than vãn?Vì sao nó xảy ra quá ngắn chỉ trong vài tháng cuối cùng của thập niên 80s?. Ba trong số những dữ kiện quan trọng lại là những dữ kiện ít được nhắc đến nhất, đặc biệt tại Hoa Kỳ và Âu Châu, có lẽ vì chúng không nhấn mạnh đến các vai trò của các vị giáo hoàng La Mã, tổng thống vả thủ tướng của các nước phương Tây.. Chủ yếu là sự tự giải phóng của các quốc gia Đông Âu. Nhưng có những lý do cho các quốc gia này có được vị trí đề làm được cuộc tự giải phóng đó là sự thất bại cũa Liên Sô tại cuộc chiến Afganistan, món nợ ngoại quốc tàn khốc gây ra bởi các chế độ cộng sản cầm quyền tại các nước trong khối Varsaw, cộng thêm sư rớt giá dầu thô thê thảm trện thế giới trong những năm 80s đã làm Liên Bang Sô Viết kiệt quệ đến vỡ nợ.. Gorbachev đã phải ứng phó với những biến cố này cũng to lớn như nhu cầu có những thoả thuận về ranh giới chính trị với người Mỹ.

Đối với dữ kiện thứ nhất, đã có một lý do ít được đề ý đến là: vì sao, vào lúc khởi đầu của cuộc cách mạng Công Đoàn tại Ba Lan những năm 1980-1981, Liên Sô đã không mang xe tăng vào Varsaw va Gdanks như đã từng làm tại Budapest năm 1956 và tại Prague năm 1968.? Câu trả lời đến từ một tay biện hộ giáo điều nhất cho chủ nghĩa đế quốc Sô Viết của điện Cẩm Linh, nhà lãnh đạo tư tưởng Mikhail Suslov: “ Chúng ta đơn giản không có khả năng có thêm một cuộc chiến Afganistan nữa…” ông ta nói trong một cuôc tranh luận gay gắt về lãnh đạo..

Liên Sô đã nhận ra rằng họ đã sai lầm khi xâm chiếm Afganistan chẳng bao lâu sau ngày đoàn quân của họ tràn vào cuối năm 1979. Gorbachev đã không dính líu gì đến quyết định xâm lăng đó. Ông đang còn là một thành viên cấp dưới và chỉ biết được tin qua là sóng radio. Ông là một trong những nhân viên Liên Sô đầu tiên gọi cuộc chiến là” vết thương rỉ máu của chúng ta”, và thường so sánh nó với cuộc chiến tại Việt Nam. Khi ông lên nắm quyền, đã có đến gần 10 ngàn lính Sô Viết ngã xuống. Ông và đoàn tuỳ tùng của ông bèn quyết định kết thúc chiến tranh.. Đặc biệt khi các tướng lãnh nói cuộc chiến không thể thắng nổi và điều tốt nhất quân đội Sô Viết có thể làm được là cân bằng lực lượng , hàm ý chỉ thua hay hoà mà thôi. . Câu hỏi được đặt ra là làm sao rút lui mà không quá mất mặt? Gorbachev đã có thể kéo quân ra ngay trong những tháng đầu tiên ngồi ở văn phòng điện Cẩm Linh và đổ lỗi về cuộc chiến tranh tồi tệ lên đầu những vị tiền nhiệm của ông. Một bước đi như vậy có lẽ đã mang đến cho ông những tràng vỗ tay ca ngợi từ phương Tây. Nhưng ông đã bỏ lỡ cơ hội. Có lẽ ông đã không thể đối diện sự sỉ nhục về một thất bại của một Sô Viết hùng mạnh trước một đối thủ chỉ là một bọn khủng bố lạc hậu nhỏ nhoi. Như ông đã nói : “ Bạn bè chúng ta …có lẽ cũng rất quan tâm tới. Họ nghĩ điều đó có thể là một đòn nặng đánh vào uy quyền Sô Viết”.

Vì vậy trong 4 năm trời, ông tìm cách chối quanh, lại thêm hơn 6000 lính Sô Viết và 200,000 quân Afgans tử vong, việc điều hành quân sự trong cuộc chiến ngày một khó khăn chật hẹp hơn . Vào thời điểm đoàn quân Sô Viết Đỏ rời bỏ Afganistan, những nhà phản kháng tại Trung và Đông Âu cảm thấy bớt lo ngại hơn trong việc Liên Sô sẽ dùng sức mạnh quân sự đè bẹp họ.

Đối với dữ kiện thứ hai, thủ tướng Hungary vào những năm cuối 1980s, ông Miklós Németh đã giải thích việc nước ông đã xử dụng một tỷ đồng (Deutschmark) vay mượn từ Tây Đức trong năm 1987 ra sao. Tiền cho vay với mục tiêu cải tổ kinh tế, nhưng ông nói: “ Chúng tôi tiêu hết hai phần ba số tiền chỉ để trả tiền lời cho các món nợ cũ. Phần còn lại thì dùng vào việc nhập cảng hàng hoá tiêu thụ với mục đích làm giảm nhẹ nỗi ám ảnh của cuôc khủng hoảng kinh tế trong nước.” Hầu như tất cả các chế độ cầm quyền trong khối Đông Âu, ngoại trừ Romania, đều mang nợ phương Tây ngập mặt, khoảng nợ nần lên đến 150 tỷ Mỹ kim tính cho đến cuối năm 1989. Vậy mà họ vẫn tiếp tục dối trá về tình trạng kinh tế của họ.Tỷ như Đông Đức, nơi mà Ngân Hàng Thế Giới bị lừa gạt để liệt kê quốc gia này vào danh sách quốc gia giàu có xếp hàng 11 trên thế giới, thì đã phải dùng trên 70% thu nhập quốc gia để trả những khoản nợ ngoại quốc và thú nhận rằng khó lòng trả nổi tiền lời. Những lãnh tụ cộng sản như Eric Honecker và János Kádár đều nghĩ rằng con đường duy nhất để chế độ sống còn là tiếp tục vay mượn từ các ngân hàng phương Tây. Các ngân hàng lại coi khối Đông Âu là nơi chốn cho vay an toàn. Họ nghĩ rằng Liên Sô là chỗ dựa bảo đảm cho các quốc gia này tránh đi đến chỗ phá sản. Nhưng Gorbachev không còn sẵn lòng hoặc không có thể bảo đảm cả về kinh tế hay chính trị cho các chế độ cầm quyền trong khối này nữa. Như Németh, sau này trở nên một ông chủ ngân hàng giải thích: “ Sự dãy chết của hệ cộng sản đã bắt đầu từ giây phút các ngân hàng Tây Phương cho các nước như Hungary vay mượn. Chúng tôi đã bị cắn câu.”

Dữ kiện thứ ba, sự sụp giàm giá dầu thô vào các năm 1985-1986 tạo nên cuộc khủng hoảng cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản Sô Viết. Thu nhập từ xuất cảng của Liên Sô suy sụp khiến nhiều nhà lãnh đạo phải đặt dấu hỏi về lề lối làm việc của hệ thống kinh tế của toàn khối cộng. Liệu việc tài trợ cho các quốc gia khối Varsaw dầu thô và hơi đốt thiên nhiên với giá rẻ để có được những món hàng hoá tiêu thụ phẩm chất tồi tàn hoặc vô giá trị có đáng hay không? Các nhà kinh tế và tư tưởng tại Moscou bắt đầu đặt câu hỏi về quan hệ giữa Liên Sô và các quốc gia hành tinh của nó. Bất ngờ một xì căng đan nhỏ gây nên hành động: Chư hầu thân cận nhất của Liên Sô, Bulgaria, đã mang dầu thô giá rẻ nhận được từ Liên Sô bán cho phương Tây với giá thị trường để bỏ túi phần lợi nhuận với các đồng tiền mạnh (Euro,Mỹ kim).. Khi Gorbachev biết được chuyện này, ông đã nổi trận lôi đình với Todor Zhivkov, nhà độc tài cộng sản đã nắm quyền ở Sophia trong ba thập niên. Sự việc đã làm biến đổi hẳn thái độ của ông đối với khối Đông Âu, nơi trong lòng ông đã sẵn không còn thấy hứng thú. Từ đó, ông đã thay đổi các điều kiện trao đổi thương mại giữa Liên Sô và các nước đàn em , đồng thời bảo cho các nhà cầm quyền càc chế độ của họ hãy tự đứng trên đôi chân của mình hay sụp đổ, từ nay đàn anh Liên Sô không trợ giúp họ chống lại nhân dân họ nữa.

Dù vậy, những tay cộng sản giáo điều gộc cỡ Honecker lại không tin lời nói ấy. Ông ta nghĩ rằng khối Đông Âu có tầm ảnh hưởng quá quan trọng làm sao Liên Sô có thể bỏ rơi.

Tây Phương trở nên món mồi béo bở hơn đối với Gorbachev, không chỉ trong địa hạt chính trị kinh tế mà cả trong môi trường cá thể. Ông miễn cưỡng khi chuẩn bị trong những chuyến đi đến thủ đô các nước Đông Âu, nhưng lại rất năng nổ trong các hội nghị tại London, Paris hay Rome. Ông thấy chán nản khi đàm luận với những đầu óc đần độn của các thành viên bộ chính trị tại Prague. Làm sao so sánh nổi với việc được một đoàn xe hộ tống trên Đại Lộ thứ Năm ở New York với sự hoan hô vang dậy của người Mỹ dọc hai bên đường vẫy chào với cờ Sô Viêt trên tay cùng những áp phích mang những dòng chữ: “ Chúc phúc cho ông, người kiến tạo hoà bình.”

Gorbachev không bao giờ có một kế hoạch hoặc là rút lui hay giữ nguyên quyền lực của Sô Viết tại các nước khối Đông Âu. Ông nghĩ rằng ông có thể khuyến khích tạo nên những tiểu Gorbachevs tại các nước này để thay thế cho đám lãnh tu “bình vôi”già nua bất tài độc đoán mà nhân dân họ chán ghét.. Điều lầm lẫn lớn nhất của ông là, ngay cả khi bức tường Berlin đã đổ xuống, ông vẫn tin rằng những quốc gia này sẽ tiếp tục ở lại trong quỹ đạo xã hội chủ nghĩa của ông. Nhưng đã từ lâu, ông đã quyết định không dùng sức mạnh để duy trì một đế quốc. Lịch sử ghi lại rằng có rất ít lãnh tụ đã làm như ông Bằng đánh giá của riêng mình, Gorbachev cho rằng ông đã thất bại. Ông tin rằng ông đã có thể cứu được chủ nghĩa cộng sản. Có thể nói ông là một người yêu nước ở trên một con tàu đang chuẩn bị đắm chìm khi ông vừa cầm tay lái. Là một con người , một khuôn mặt lịch sử đầy nghịch lý. Cái nghịch lý lớn nhất là Mikhail Gorbachev sẽ được nhớ đến như một nhân vật vĩ đại chỉ vì ông thất bại.

( Theo A patriot who gave away his empire của Victor sebestyen, AFR 04/09/2009)

Phương Duy phỏng dịch

Hồi ký của một thằng hèn (kết)

Chương 16

BI HÀI KỊCH VÀO ĐẢNG... RA ĐẢNG: 5 NĂM ĐÓNG KỊCH VÀ DỐI TRÁ

Quá trình bỏ trốn, hay vượt ngục, của tôi khỏi cái tổ chức Đảng là vở kịch bi hài kéo dài nhiều năm có thể tóm tắt những trường đoạn kịch bản như sau:
Năm 1953-1954, sau những cái tát tỉnh người, tôi đã có tư tưởng phải bỏ ngay hàng ngũ những kẻ đầy nợ máu với nhân dân, những kẻ đã làm hỏng cuộc đời tôi, biến tôi thành tên đầy tớ hèn nhát, chuyên ngợi ca hành động phản nước, hại dân của chúng. Nhưng chuồn khỏi hàng ngũ chúng bằng cách nào?
Thật nát óc!
Bố mẹ vợ tôi lúc ấy đang bị đấu tố trong cải cách ruộng đất đợt 2 vì tuy không có ruộng đất nhưng “có vẻ giàu” nhất làng nơi tản cư nên bị “đôn” lên thành địa chủ. Tôi đang lo cho số phận vợ chồng tôi liệu có bị triệu về địa phương để bị đấu tố hay đấu tố cha mẹ hay không thì... đoàn văn công của tôi được Tổng Cục Chính Trị điều đi phục vụ chiến dịch Điện Biên.
Thế là tôi thoát khỏi cái địa ngục Liên Khu IV.
Dọc đường đi bộ hàng tháng trời lên Việt Bắc, tôi gặp hàng đoàn dân công, xe thồ, vừa đi vừa hát hò, hồ hởi phấn khởi vì “quê nhà đã hoàn thành cải cách”, đánh đổ địa chủ cường hào, ác bá. Tôi được xem cả những cuốn phim đen trắng, những bức ảnh trong đó các ông già, bà mẹ răng đen miệng cười tươi rói đang đi đóng cọc, cắm biển chia ruộng có ghi tên Nguyễn Thị Mít, Trần Thị Tèo... hẳn hoi. Khí thế rần rần ra mặt trận. Hậu phương tiền tuyến đều nô nức theo các đoàn xe Tàu, pháo Mỹ do Nga mở kho từ thời kỳ chiến thắng phát xít Đức để lại. Thế là trong tôi, cái máu “nhạc sĩ đảng viên” lại nổi lên. Ừ, có lẽ đây chỉ là cái sai lầm của một địa phương thôi, chứ quê hương miền Bắc rõ ràng là cải cách đã đổi đời tất cả. Khí thế này tôi chưa từng thấy bao giờ. Nó làm tôi như “củng cố lại lập trường”! Tôi lại lao vào viết. Đủ thứ khẩu hiệu, đường lối của Đảng lại được “âm nhạc hóa”.
Kết quả: Tôi được tín nhiệm thêm và được bầu vào... cấp ủy một lần nữa! Sau gần một năm trời được về tập trung cùng 24 đoàn văn công quân đội, được phân công đi chiến dịch Điện Biên thắng lợi, chúng tôi được giao nhiệm vụ rất sớm: Chuẩn bị tiếp quản Hà Nội.
Tôi dần dần trở lại thành một nhân vật tên tuổi, được tặng hết huân chương này đến huân chương khác, lại thành thằng Tô Hải “tuần chay nào cũng có nước mắt” như ngày nào. Cái miếng đỉnh chung thời ấy chỉ là đỉnh chung “hão” mà còn có tác dụng thế huống hồ mấy ông ăn phải bả đỉnh chung... “tiền” như hôm nay! Họ còn nói gì được ngoài câu “biết công ơn Đảng muôn đời” thể hiện trong những bài Ca ngợi Tổ Quốc.
Hết chiến dịch Điện Biên, nhận bộ quân phục “của bác Mao tặng”, một chiếc mũ vải có vành, một đôi giày Tàu, một cái ca sắt tráng men, cũng “của bác Mao tặng” in hình cờ hai nước “anh em” đỏ loét, tất cả diễn viên văn công quân đội đều được trang bị tươm tất để thành ba mũi vào tiếp quản thủ đô, nơi đó, không ít người chúng tôi đang có gia đình cha mẹ, anh em kẹt lại hoặc...“dinh-tê”.
Đùng một cái, quân lệnh: “Tô Hải trở lại khu IV xây dựng một đoàn văn công mạnh, phụ trách đầu cầu giới tuyến”. Tôi lại rơi trở lại mảnh đất hãi hùng mà những cái tát nổ đom đóm mắt của cải cách ruộng đất đã làm tôi tỉnh người. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Tôi không được Trở Lại Đô Thành như bài hát tôi viết năm 1947 sau bị “dẹp” vì những câu “trong toán quân về đếm thiếu những ai?”, hoặc “bao mái tóc xanh quấn vành khăn trắng”... thật ra, may nhiều hơn rủi, vì:
— a/ Gia đình tôi không còn ai ở lại Hà Nội để chung sống với Cộng Sản cả. Một lần nữa, bố tôi lại chọn đúng con đường của mình, theo cơ quan “địch” vào Sài Gòn!
— b/ Giả sử tôi được về Hà Nội, con đường “tiêu ma” của tôi sẽ nhanh chóng là cái chắc! Lý do: Tôi sẽ không do dự chọn con đường của các đảng viên Tử Phác, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, của “quần chúng” Hoàng Cầm, Phùng Quán... nghĩa là tôi sẽ đứng trong hàng ngũ Nhân Văn Giai Phẩm xuất phát từ văn nghệ quân đội.
Sự may mắn đã tránh cho tôi phải nhận cái số phận ấy để mở đầu cho một cuộc sống đầy mưu mẹo trong đó tôi phải đóng vai trò “đảng viên tiên phong văn nghệ sĩ” duy nhất còn lại ở đất khu IV lúc nào cũng hừng hực lửa căm thù đối với những người có học.
Lúc này Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Văn Ký, Lê Yên... đều đã về Hà Nội nên chỉ còn lại một nhạc sĩ là tôi. Dù ở trong quân đội, tôi cũng được “cơ cấu” vào thường vụ chi hội văn nghệ khu IV cùng với Xuân Hoàng, Minh Huệ... Vậy là, Đảng đã nuôi cái Hèn cố hữu của tôi bằng cách trao thêm nhiệm vụ mới, nghe có vẻ quan trọng nhưng sự thật chỉ là chấp hành nghiêm chỉnh những gì Tuyên Huấn Liên Khu chỉ thị hàng tháng phải làm.
Để tồn tại ở cái đất dữ này, tôi đã sắm vai hèn sĩ suốt 5 năm! Tôi lấy lý do cần tập trung vào sáng tác, không nhận bất cứ chức vụ phụ trách nào trong “đoàn văn công mạnh đầu cầu giới tuyến”! Mục đích của tôi là tránh mọi trường hợp đối đầu về quan điểm nghệ thuật với hệ thống chính trị đang thống soái, đang “lãnh đạo toàn diện”, thậm chí lãnh đạo kiểu mật thám Tây thời xưa đối với tác phẩm văn nghệ, với văn nghệ sĩ một cách thô bạo.
Có những chuyện không thể tin nổi như chuyện chi bộ đoàn ra nghị quyết về...bỏ hát bè vì...nghe như...cái chợ, nghị quyết về phông màn, về...mặc váy hay mặc quần cho nữ, thậm chí chi ủy đoàn văn công còn ra cả nghị quyết không được đánh các bản nhạc Tây, không được tập kỹ thuật Tây, bỏ hẳn luyện tập cơ bản ba lê...
Đó là những năm 1955-1956, đoàn văn công quân khu IV sáp nhập với một loạt đoàn văn công các sư đoàn 304, 308, 371 để trở thành một đoàn “mạnh”. Trên thực tế đó là sự tập hợp cả trăm diễn viên...không nghề, hoặc có nghề nhưng “nửa dơi nửa chuột”, tập trung về khu IV để tăng cường cho phong trào “văn nghệ công nông” ở đầu cầu giới tuyến. Đứng đầu đoàn văn công này là một bí thư kiêm đoàn trưởng cực kỳ lưu manh và dốt nát, có tiểu sử là “gác-đờ-co” cho một đoàn cải lương thời Pháp thuộc nhưng được tên tướng giết văn nghệ nổi tiếng có tên Hoàng Minh Thi cử về để chỉ đạo văn nghệ.
Giữa không khí luôn luôn nghi ngờ đó, tôi thu mình lại, cố nén mọi uất ức trước các nghị quyết thậm ngu chí ngu của cái chi ủy — lúc này không có tôi dù tôi được 99% phiếu bầu nhưng...liên chi không duyệt — gồm chính trị viên Đồng Ngọc Vân, y tá Nguyễn Đức Chiểu, quản lý kiêm giữ kho Vũ Văn Phúc, anh nuôi Đinh Văn Mẫn... Cái “đầu não trí tuệ” này như là được đào tạo ở Bắc Kinh trở về, nắm trong tay số phận tương lai nghề nghiệp của hàng trăm nghệ sĩ diễn viên. Bảo đi là đi, bảo diễn là diễn, bảo không dựng cái này, bỏ bài hát kia là chỉ có chấp hành. Thỉnh thoảng lại có các phái đoàn tổng cục xuống duyệt chương trình gồm các vị lãnh đạo văn nghệ cấp trên, những Nguyễn Văn Bàn, Trần Văn Ghế nào đó. Đôi khi họ cũng đưa vài văn nghệ sĩ có tên tuổi đi cùng nhưng người quyết định mọi chuyện vẫn là họ.
Hầu hết những gì tôi viết đều được thông qua ngay lập tức vì tôi có viết bằng cái đầu và trái tim của tôi đâu. Toàn là thứ “nói hộ” Đảng, nói hộ tuyên huấn quân đội mà tôi bịa ra hàng đống từ ca khúc, nhạc múa, đến nhạc đệm cho kịch. Tất cả đều đánh một bè. Chẳng còn chỗ nào thấy là tôi “kỹ thuật thuần túy”, “tư tưởng tư sản” nữa! Lúc này ở ngoài quân đội đang đi vào Cải Cách Ruộng Đất đợt 3 mà khu IV lại được Trung Ương, cử về những đoàn ủy, đội ủy ác ôn nhất. Sơ hở là...mất mạng như không!
Suốt thời gian ở miền đất dữ Khu IV, không lúc nào tôi không nuôi ý đồ “vượt ngục”. Bất cứ dịp nào chuồn được ra Hà Nội để gặp những người có thể “giải phóng” cho tôi, tôi đều tranh thủ lên đường. Tôi đã dùng “khổ nhục kế” bằng cách xin cấp ủy cho đi học... đàn accordéon 3 tháng! Tất cả thời gian “đi học” này, tôi dùng vào việc vận động hành lang “giải phóng” cho vợ tôi trước. Nhờ quan hệ cả ngoài nhân dân lẫn trong quân đội khá rộng, tôi lợi dụng chủ trương “tiến dần lên chính quy và hiện đại” tìm cách đưa vợ tôi đi học lớp kịch nói của đạo diễn Liên Xô Vassiliev ở Nhà Hát Kịch Nói Trung Ương. Sau đó tôi xin đi học lớp sáng tác chính quy 18 tháng cho các nhạc sĩ do chuyên gia Triều Tiên hướng dẫn.
Chỉ tiếc vợ tôi thì thoát, tôi thì chưa.
Kết thúc lớp học của Vassiliev, Đoàn Kịch Nói Trung Ương đề nghị “xin” vợ tôi về để phát triển thành Nhà Hát Kịch Nói Trung Ương. Lúc ấy, bên Quân Đội đang học tập đường lối của “Bác Mao” chủ trương các đoàn văn công phải “lấy ca múa làm chính, lấy đại đội làm nhà”, họ sẵn sàng cho vợ tôi đi. Thế là thoát được một “cái còng tự tạo” là bà vợ khốn khổ của tôi, suốt mười năm múa hát thì dở ẹc mà kịch cỡm cũng không có nghề!
Phần tôi, sự học thành công quá mức mong đợi lại đưa tôi tới con đường suýt chết lần nữa. Lớp học của chúng tôi được mở giữa năm 1957 và kết thúc cuối năm 1958, trùng vào thời kỳ đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm. Chúng tôi đang học rất căng thì được lệnh tập trung tại lăng Hoàng Cao Khải. Cuộc họp tập trung nhiều người này, nếu có thể gọi nó là một cuộc họp, có quy tắc “nội bất xuất ngoại bất nhập”, đã được gọi đi họp là không thể ra ngoài, nhằm đấu tố anh em Nhân Văn và...đấu tố nhau!
Chỉ đạo trực tiếp cuộc đấu tố này là anh hoạn lợn Đỗ Mười! Đây là cuộc “đấu tranh tư tưởng” dài ngày nhất, tập trung đông đủ văn nghệ sĩ nhất. Người trong từng giới đấu nhau, nhạc đấu nhạc, họa đấu họa, văn đấu văn... theo tổ.
Đưa ra đấu điển hình tại hội trường là mấy tên “phản bội” đã được chọn trước, với lời dặn từ “trên” là “không khoan nhượng.” Đó là Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán...
Tôi chỉ xin nhắc sơ một số nét nổi bật trong vụ đấu tố lớn nhất này mà tới tận bây giờ chưa thấy có người nào tả lại. Đó là:
— 1/ Thái độ cực kỳ đểu giả, cơ hội của những nịnh thần cố biểu lộ bằng mọi cách “lòng trung thành vô hạn với Đảng”. Chính những tên nịnh thần này sau khi cuộc học tập kết thúc đã ra mặt trực tiếp thi hành “án lệnh” của Đảng đầy đoạ một số văn nghệ sĩ đến “tuyệt nọc sáng tác” tận cuối cuộc đời. Chúng dùng mọi hình thức trấn áp, trong đó độc ác nhất là chính sách “tước nồi cơm” để diệt luôn cả con cháu những người bị Đảng muốn trừng trị. Thử hỏi nếu những Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Tử Phác, Đặng Đình Hưng... và nhiều nhiều người nữa không bị cái thủ đoạn “giết người không dao” này hành hạ, làm cho sống dở chết dở, thì sẽ có bao nhiêu tác phẩm xứng đáng để lại cho đời?
Bọn lưu manh văn nghệ đã triệt để lợi dụng cuộc đấu tố ở lăng Hoàng Cao Khải để kiếm chác trên xác đồng đội. Để tỏ ra sẵn sàng “lập công dâng Đảng” bằng mọi cách, ngoài những “tội” thuộc lĩnh vực chính trị, văn phong, bút pháp, chúng dựng đứng những chuyện thuộc đời tư, mà là những bịa đặt đểu giả không thể tưởng tượng nổi. Càng không thể tưởng tượng nổi khi người đứng lên tố lại là những gương mặt “đáng kính” ở ngoài đời. Ví dụ: một nhà văn nổi tiếng về một cuốn truyện dành cho thiếu nhi, đã đứng tuổi, tố Trần Dần có tư tưởng dâm ô đồi truỵ, bằng chứng là ông ta biết và thấy tận mắt ông bạn hay… “thủ dâm” (kèm theo minh hoạ bằng…tay cách ông bạn làm thế nào). Hoặc một nhà văn không phải chỉ có tài trong lĩnh vực văn chương, mà đa tài trong cả lĩnh vực thơ, nhạc, xưng xưng tố Nguyễn Hữu Đang có tật thích chơi gái, mà đã chơi thì chơi “hai con cùng một lúc”. Tôi xấu hổ khi viết ra những chuyện này, nhưng chúng có thật, là cái mọi người nên biết để thấy hết bộ mặt khả ố của một bầy nô lệ đã mất hết mọi khái niệm đạo lý. Tôi có thể viết thẳng tên những người bị trấn áp, nhưng tránh viết thẳng tên những kẻ tố cáo họ những “tội” bẩn thỉu ấy vì một lẽ đơn giản là không muốn con cháu những tên lưu manh nọ phải đỏ mặt, phải đau khổ vì đã có người cha, người ông khốn nạn đến thế. Tôi tiếc mình không đủ tài, và cũng không còn đủ sức nữa, để viết ít nhất một chương riêng về cái trại tập trung Hoàng Cao Khải này.
Mong rằng sau này, các nhà văn có mặt trong những ngày ấy, nếu còn sống, sẽ viết lên đầy đủ hơn những câu chuyện thật đã diễn ra. Chỉ cần viết đúng sự thật thôi cũng đủ làm nên một thiên tiểu thuyết rùng rợn, ly kỳ không thua Một Ngày Của Ivan Dennissovich hay Quần Đảo Ngục Tù của Solzhenitsyn.
— 2/ Thái độ quá run sợ trước bạo quyền của một số bị đưa ra đấu tố cũng rõ rệt. Những người đó, nay người đã qua đời, người đã được lẳng lặng “phục hồi” không một giấy tờ chính thức, nhưng với tôi, người chứng kiến cuộc đấu tố kinh tởm đó, tôi thấy họ quá hèn! Không một người nào dám công khai lên tiếng bảo vệ cái chân lý quá đúng của mình. Không một ai, cho đến hôm nay, dám cãi lý với bọn cầm quyền bất lương, dám hô to “Đả đảo!” hoặc “Tự do sáng tác hay là chết”, dù biết rằng cái chết của mình đã được cái Đảng táng tận lương tâm ấy định đoạt! Hầu hết đều chọn thái độ chịu đựng đến ngạc nhiên, thậm chí, cúi đầu nhận “tội” một cách quá dễ dàng?
Đó là chưa kể một số, do quá sợ hãi, đã trở mặt “phản thùng” anh em, kể ra những chuyện “nghe nói thế này thế nọ”, làm hại nhau một cách cố ý để “lấy điểm”. Thậm chí, có người như đạo diễn Phan Vũ còn “thành khẩn” đến mức run rẩy khai: “Tôi bị chúng nó dí điện (ý nói kích động) tới mức nếu có biểu tình, tôi sẽ là người cầm cờ đi đầu!?” Thì ra cái hèn nó đã làm giới văn nghệ Việt Nam, bị coi như con giun, cái kiến mà chẳng mấy ai “biết quằn”, nói theo cách Trần Mạnh Hảo.
Tôi không tin cái Hèn còn lẵng nhẵng đeo đuổi các anh ấy đến tận hôm nay để hy vọng có thể các anh cũng vẫn có “một cái gì đấy” đã viết hoặc đang viết mà chưa có điều kiện và có “gan”công bố. Được như thế thôi cũng đủ cho con cháu chúng ta tha bớt cho cái tội cộng tác với lũ giết người ít nhiều rồi! Bằng không, muôn đời sau, hậu thế sẽ xếp chúng ta vào “tư liệu về bọn văn... nô” dưới cái thời đen tối cộng sản!
— 3/ Những người có thái độ chấp nhận bị xếp vào loại “lừng chừng”, “không dứt khoát” của “đa số im lặng”, thái độ mà chính tôi cũng lựa chọn, vì thế sau này đều bị Đảng xếp vào loại đảng viên “không có tinh thần bảo vệ Đảng”. Câu này được ghi vào “lý lịch đảng viên” của tôi chỉ vì tôi nhất định không phát biểu một lời nào trong những cuộc đấu tố! Chỉ một lần tôi lớn tiếng thốt ra: “Lâche!” ([1]) trong giờ giải lao ngoài hội trường, khi Thịnh Cóc, trưởng đoàn văn công quân khu III, hỏi tôi nghĩ gì về thái độ ghê tởm “tự tố” thêm cho mình để ra cái điều thành khẩn của đạo diễn Phan Vũ. Chẳng hiểu do Thịnh Cóc kể lại, hay có kẻ nghe lỏm được rồi “tâu” lên “trên”, nhưng thế là ngay hôm đó trong tổ học tập — ngày nay có lẽ chỉ Tô Vũ còn sống — tôi bị những tên cơ hội nhao nhao ép phải khai ra: “Đồng chí chửi ai hèn?” Tôi cãi là tôi “chửi bọn chơi gái, bọn hút thuốc phiện, bọn... thủ dâm bị tố ở hội trường chứ ai nữa!” Chả là ở hội trường có hai nhà văn lớn, thuộc loại cây đa cây đề, đã xưng xưng tố Trần Dần là “vua thủ dâm”, tố Nguyễn Hữu Đang là “chơi gái thì chơi hai con cùng một lúc”. Thật điếm nhục! Một lần nữa tôi phải xin lỗi bạn đọc không nêu đích danh hai tên “lãnh đạo” bỉ ổi ấy, vì không muốn con cháu chúng phải cúi mặt trước bạn bè vì có cha ông đốn mạt đến thế.
Trong buổi họp tổ ấy, câu trả lời của tôi không làm bọn cơ hội hài long, chúng tiếp tục dồn tôi vào chỗ phải “thành khẩn” nói cho rõ bằng đủ cách. Thậm chí có tên còn trắng trợn tra hỏi tôi: “Có ý định theo gia đình vào Nam không?”, “Có tham gia Nhân Văn không, nếu ở Hà Nội?” Tôi bác bỏ một cách giận dữ chưa từng thấy, mặc dầu chúng đã nói...đúng tim đen của tôi đến 90% chứ không phải ít! Tiếc cho chúng, và cũng may cho tôi, là lúc ấy không ít người có thái độ “không bảo vệ đảng” (im lặng) như tôi nên chúng chẳng thể nào kết tội tôi chỉ bằng vào một tiếng “Lâche” vu vơ (chẳng có số ít hay số nhiều).
Thế là tôi lại thoát!
Chính từ cái lớp đấu tố văn nghệ sĩ này mà tôi càng nhìn rõ bộ mặt thật đểu cáng, nham hiểm của bọn lãnh tụ cái Đảng mà không may tôi đã là đảng viên.
Sau những chủ trương công khai giết người, công khai cướp của trong cải cách ruộng đất, đến cuộc đàn áp trí thức lần này, chưa bao giờ trong tôi nung nấu đến thế tư tưởng rời bỏ cái tổ chức khốn nạn này bằng mọi cách, nếu không muốn có lúc chính tôi sẽ bị chúng “làm thịt”.
Cũng chính trong cuộc đấu tố “cải cách ruộng đất trong văn nghệ” nói trên mà tôi có dịp nhận diện những tên khốn nạn nhất, lưu manh nhất mang danh văn nghệ sĩ, thấy rõ bộ mặt thật của những kẻ cơ hội đủ mọi màu sắc, điểm mặt được từng đứa đang lãnh nhiệm vụ diệt tận gốc nền văn nghệ đích thực, thiết lập cái “văn nghệ chuyên chính vô sản” ngu độn.
Càng tởm lợm, tôi càng quyết tâm rời xa hàng ngũ chúng. Muốn thế trước mắt phải ra khỏi quân đội, nhưng phải ra khỏi một cách lành lặn. Không bị đẩy xuống đơn vị, không bị khai trừ đảng...Tôi nghĩ khi đã “ra ngoài nhân dân” rồi, tôi sẽ tìm cách “tự giải phóng mình” khỏi mọi ràng buộc về “biên chế tổ chức” ăn lương của Đảng. Từ đấy, tôi sẽ dựng lại cuộc đời cho tôi, cho gia đình bằng chính cái đầu và bàn tay của mình, chẳng chịu sự lãnh đạo của bất cứ thằng nào, con nào. Tôi sẽ cố gắng trang bị cho mình thật nhiều vốn liếng về âm nhạc qua lớp sáng tác của các chuyên gia (đang phải tạm ngưng vì cuộc đấu tranh này) để khẳng định chức danh “nhạc sĩ” trong xã hội bằng “một cái gì đó” thật là... âm nhạc để tên tuổi tôi được nhân dân cả nước, thậm chí cả nước ngoài biết đến.([2])
Tôi phải vượt lên trong lãnh vực chuyên môn để có thể đứng vững, có thể kiếm sống bằng chính tài năng của mình. Ước mơ trở thành một composer đích thực, viết hết sonate số 1 đến số 2, số 3... symphonie số I, số 2, số 3... đã động viên tôi nhịn nhục trở lại ngôi nhà 13 Lý Nam Đế, tiếp tục kiếm cách thoát khỏi muôn ngàn cái bẫy chết người mà bọn “đồ tể văn nghệ”, thay mặt Đảng đang giăng sẵn để triệt hạ những kẻ “không tin được” như tôi.
Nhưng, tôi lại thất bại, thất bại đắng cay một lần nữa, vì mọi mưu toan của tôi không thể vượt qua những cú đánh hiểm độc của bọn xen đầm văn nghệ.
Sau lớp học đấu tố, chúng tôi quay về ngôi nhà 13 Lý Nam Đế “dùi mài kinh sử” hòa thanh, phối khí, sáng tác, luyện ngón piano cho hết chương trình “đại học của đại học”. Tôi vùi đầu, ôm bụng loét dạ dày, ngày đêm viết và viết...Chi bộ, lúc này do Vũ Trọng Hối làm bí thư, đã nhiều lần góp ý nên tập trung vào những gì có lợi cho trước mắt hơn là thức cả đêm làm chuyện vô bổ! Tuy nhiên tôi vẫn “liều mạng” làm một cái gì đó “có vẻ âm nhạc một chút”. Tôi “bắt” giáo sư chấm cả những khúc piano, violon... và hơn thế, tôi dán các tờ giấy kẻ nhạc viết ca khúc lại với nhau thành những tờ tổng phổ 18, 24 dòng rồi bắt đầu viết giao hưởng — hợp xướng (cantate) 4 chương Tiếng Hát Biên Thùy đưa cho thầy chấm. Ôi! Thầy Mao Vĩnh Nhất, ông thầy đưa tôi vào con đường nhạc sĩ chuyên nghiệp đích thực, sau này về nước đã bị đấu tố vì “tội” mở đường cho đường lối “văn nghệ tư sản” xâm nhập nước bạn Việt Nam. Ông đã bị tước hết học vị, đưa đi cải tạo và... “biến mất” đến nỗi có ai ở bên nước “Kim Tướng Quân” sang, kể cả vợ ông, một ca sĩ nổi tiếng, khi tôi tìm đến hỏi thăm, đều trả lời: “Chết rồi!” Đó là thời gian mà bên nước ông, người ta bắt đầu nổ súng vào những nhân vật bất đồng chính kiến từ ông Nam Nhật, bộ trưởng bộ Quốc Phòng, đến nhà vũ đạo nổi tiếng thế giới Thôi Thừa Hỷ!
Ở Việt Nam, cũng manh nha hình thành cái xu hướng chết người đó! Tại ngôi nhà số 11 Lý Nam Đế của ông Lê Chưởng, sát nách ngôi nhà 13 của chúng tôi, các ông Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan, Trường Chinh ... thường gặp nhau để bàn về việc “lãnh đạo tư tưởng” trong Đảng, đôi khi khá hùng hồn, to tiếng nên đã lọt vào tai bọn tôi, chỉ sống cách các ông không đầy 10 mét! Thật là cơ may cho chúng tôi để thấy được những cái “đầu lớn” nhất nước lại chứa đựng những bộ óc đầy...bã đậu đến thảm hại, đến...nực cười!
Tuy nhiên, cũng có mấy “ông to” do có nhận thức không giống họ thì không ngớt bị họ lên án, bị cười khẩy sau lưng. Tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Lê Liêm do học piano cũng bị dèm pha từ đây. Nghĩa là đã manh nha một sự “chống ngu”, kháng cự bọn “ngu lâu”, tuy còn yếu ớt.
Việc có nên tập trung 3, 4 đoàn văn công, 7, 8 dàn nhạc để lần đầu tiên cho ra mắt một tác phẩm của bản thân tôi, dù tôi không hề có ý định dàn dựng, phải thảo luận lên xuống cả tháng trời! Cuối cùng, phe “tiến bộ” đã thắng! 80 diễn viên hát, 60 nhạc công của cả quân đội lẫn nhân dân được tập trung về Hà Nội để làm một việc chưa từng có trong lịch sử âm nhạc Việt Nam thời ấy: dàn dựng bằng được cantate Chiến Sĩ Biên Thùy của Tô Hải!
Tôi đã viết hợp xướng 4, 6 bè cùng với giao hưởng hai quản ngay từ khi nước nhà chưa biết dàn nhạc giao hưởng là cái gì. Chỉ riêng chương trình in trong ngày biểu diễn đầu tiên đã có bàn cãi nên ghi là đồng ca, hợp xướng, đại hợp xướng hay tổ khúc? Sau gần 1 tháng, dưới sự dàn dựng và chỉ huy của chuyên gia Triều Tiên Triệu Đại Nguyên, sáng tác của tôi ra mắt chào đời, dù còn thiếu một số nhạc cụ như timpani, cor, trombone.
Lúc này Chu Minh, Hoàng Vân đang ở Tàu, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn đang ở Liên Xô, trường nhạc chỉ mới có hệ trung cấp “tự dạy tự học” do ông Tạ Phước làm hiệu trưởng. Sáng tác của tôi đã gióng lên hồi chuông báo động: “Không học thì đừng mong làm nhạc sĩ!”
Khi viết cantate này, lúc đầu tôi chỉ nhằm mục đích “moi” thật nhiều những gì chuyên gia có trong đầu để trang bị cho mình cái vốn sau này. Thực tế đã chứng tỏ Lương Ngọc Trác, bạn đồng học của tôi đúng, khi anh rỉ tai tôi: “Cắn răng mà học rồi ấm vào thân đấy, Hải ạ!”
Tôi cũng không ngờ phe ủng hộ Cái Mới...thắng thế, để một tác phẩm âm nhạc tạm gọi là “tầm cỡ” vào những năm 1959-1960 ấy được ra đời! Đặc biệt hôm chính thức ra mắt tại Nhà Hát Lớn nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập quân đội ngày 22-12-1959, tác phẩm đã được gần như cả Bộ Chính Trị, trừ ông Hồ, đến xem và hoan hô nhiệt liệt. Tôi ngồi bên giáo sư Mao Vĩnh Nhất nên khi “các cụ” đến bắt tay cũng được “rờ nhẹ” bàn tay các cụ. Riêng “anh Văn” Võ Nguyên Giáp đang bị dèm pha về chuyện dỗi hơi đi học nhạc lý nhạc sĩ Tô Vũ, học piano Hồng Hạnh, nghệ sĩ dương cầm của Đoàn Văn Công Tổng Cục Chính Trị đã kèm theo câu: “Khá lắm!” Bạn bè khen nức nở. Chiến sĩ từ biên giới, hải đảo viết bài trên báo, gửi thư cảm ơn.
Nhưng khốn nạn cho tôi, tôi đâu có ngờ đây chính là giai đoạn mở đầu một cuộc đấu đá, nhân danh giai cấp vô sản, để triệt tiêu cá nhân tôi, bằng cách đưa tôi vào đường ngắm bắn của đường lối văn hóa vô sản!
Mở đầu là việc đưa tôi về đâu sau khi tốt nghiệp với khá nhiều tiếng vang như thế? Không còn chuyện đường lối văn nghệ văn nghẽo gì mà bao trùm lên cả là lòng đố kỵ. Những tên văn nghệ chính trị cơ hội đã ngăn cản không cho tôi “thừa thắng xông lên” khi không ít ý kiến của lãnh đạo, cả trong và ngoài quân đội, là tôi nên về các đoàn văn công đang tiến lên chính qui hiện đại ở Trung Ương để phát huy khả năng phục vụ. Đây là ý kiến của các ông Lê Liêm, Lưu Hữu Phước. Nhưng bọn sợ tôi sẽ là “ngôi sao” át mất chúng, đặc biệt là tôi biết rõ chúng dốt đến mức nào. Chúng đã đưa ra mọi lý do để lại “đầy” tôi về một đoàn văn công gian khổ nhất, hãi hùng nhất, để chịu đựng thêm mấy năm bị đánh lên đạp xuống vì đủ thứ tội như “mất lập trường”, “tư tưởng tư sản trong nghệ thuật”, “chống đối có hệ thống” với...cấp ủy.
Sau đó là những năm người ta giải tán dần các đoàn văn công bằng cách đưa ra khẩu hiệu “hướng về đại đội phục vụ chiến sĩ”. Lấy “hướng dẫn phong trào” là mục tiêu chính, thậm chí để đàn, để kèn ở nhà, “hạ phóng” làm lính, làm thợ xây, phu hồ xây dựng doanh trại vv...nghĩa là tất cả cái gì tôi và các bạn tôi được học chính quy đều nằm trong mục tiêu: Phải...dẹp!
Cũng thời gian này, giữa những năm 1960, báo Văn (gọi là “hậu Nhân Văn”) bị tấn công tới tấp. Sự thèm khát tự do, nổi lên bề mặt của cuộc sống tinh thần là tự do sáng tác vẫn không thể giết chết hẳn với việc xử trảm Nhân Văn Giai Phẩm. Người ta viết bài chào mừng hồng vệ binh, trích Mao tuyển, ca ngợi thành tựu vĩ đại bên nước bạn nhờ có “Đại Cách Mạng Văn Hoá Vô Sản”. Các đoàn văn công, nghệ sĩ tiếp tục “hạ phóng” đi về nông thôn học tập lao động và tự “cải tạo tư tưởng bằng lao động”.
Một cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, chỉnh Đảng mới, được phát động nhằm chống lại “khoa học kỹ thuật thuần túy”. Người ta giương ngọn cờ “chính trị là thống soái” để đánh vào người muốn đích thực “làm nghề”, kết tội ai muốn chuyên tâm vào khoa học hay nghệ thuật. Bắt đầu sự tiến băng băng trên hoạn lộ của những bác sĩ không đọc nổi tên thuốc, những nhạc sĩ không biết và cũng không cần biết các giao hưởng của Beethoven, Chaikovsky hay ở chỗ nào.
Mọi tin tức từ khắp nơi dồn về dù chỉ là qua những cái đài transistor Liên Xô, Hungari to đùng cũng đủ để tôi thấy chủ nghĩa cộng sản đã bước vào chương... bắt đầu của sự kết thúc! Bộ mặt ác quỷ của nó đã hiện ra sau các vụ đập phá tan tành những đền đài, di tích văn hoá, đốt sách, làm nhục, bức tử giáo sư, nghệ sĩ, tàn sát hàng loạt người vô tội ở Trung Quốc, các vụ hồng quân Liên Xô đưa xe tăng vào Budapest, nã súng vào người Hungary, treo cổ Imre Nagy, sau cuộc tiến quân của liên minh Warszawa vào Praha, nhất là sự kiện hàng vạn đảng viên trí thức, văn nghệ sĩ tuyên bố ly khai khỏi các đảng cộng sản…Tất cả những cái đó càng thôi thúc tôi phải mau chóng vứt bỏ cái danh hiệu xấu xa, nhơ nhuốc “đảng viên cộng sản”.
Giữa lúc đó, tôi được lệnh gọi về Trung Ương.
Để làm gì đây?
Hoá ra ông Lê Liêm đã nhân dịp này giải phóng cho tôi ra đảng theo chính...con đường của Đảng!
Nhờ các ông Lê Liêm, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước.., ân nhân nhớ đời của tôi, tôi được chọn làm cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, một thứ của hơi hiếm, biệt phái sang bộ Văn Hóa. Thật nực cười! Dù sao đây cũng là cơ hội ngàn năm một thuở cho tôi thoát khỏi cái “lồng quân đội” mà tôi cho là tệ hại nhất trong các nhà tù tư tưởng của chủ nghĩa xã hội!
Đang được điều động đi phục vụ Đại Hội VI, viết nhạc cho vở kịch lớn Trước Giờ Chiến Thắng của Đào Hồng Cẩm, tôi cùng một số anh em như Hà Mậu Nhai, Hà Minh Tuân…nhận được giấy tập trung tại ban Tuyên Huấn Trung Ương ở số 5 Nguyễn Cảnh Chân để nghe phổ biến tình hình thế giới phe xã hội chủ nghĩa đang lộn xộn thế nào, tình hình trong nước, giai cấp tư sản đang ngóc đầu dậy ra làm sao? Nhiệm vụ trước mắt, nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi, những người lính văn nghệ được Đảng tín nhiệm, là phải phát huy vai trò người “lính gác cửa”, kiên quyết không để cho tư tưởng phi vô sản lọt qua vv ...
Thế là áo bốn túi, mũ cối đỏ choét phù hiệu, vai vàng khè quân hàm trung úy, tôi bước vào ngôi nhà 94 Tô Hiến Thành, nhận nhiệm vụ “lính gác cổng văn nghệ vô sản” với chức vụ biên tập nhà xuất bản Mỹ Thuật Âm Nhạc! Chính từ chủ trương tăng cường cán bộ cốt cán của quân đội cho bộ Văn Hóa mà sau này bộ Văn Hóa bị những cú vả sái quai hàm. Một số chẳng hiểu biết ất giáp gì về văn hóa văn nghệ như Võ Hồng Cương, Mai Vy, Trần Văn Hải từ bộ đội chuyển sang, nhận những chức vụ quan trọng vụ trưởng, vụ phó, giám đốc. Có thể kể thêm Trần Ngọc Lê, giám đốc nhà hát giao hưởng, Nguyễn Đình Tính, giám đốc nhà xuất bản Mỹ Thuật Âm nhạc, Lý Thương, giám đốc nhà hát ca múa nhạc trung ương và cả những tên cơ hội từ tiểu đội trưởng khai man là tiểu đoàn trưởng để được giao nhiệm vụ giám đốc như Hồng Việt, giám đốc xưởng phim đèn chiếu...
Kể cũng tội cho họ. Đảng đã quyết thì họ phải “liều mạng” mà thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong họ cũng có người tốt, kẻ xấu. Như cái ông Nguyễn Đình Tính, giám đốc của tôi thì tôi rất biết ơn ông. Làm gì, thu thanh bài nào, bỏ hoặc thông qua bài nào, ông đều hỏi ý kiến anh em chuyên môn. Có những lúc không thể nhịn cười, khi ông gạch đít một bài dân ca mà theo ông “có vấn đề” bởi có câu “Chiều chiều ra đứng (tây mà...) lầu tây” rồi viết bên cạnh: “Giai cấp nào mà có lầu đây?” Nhưng khi tôi giải thích như thế như thế thì ông nghe ngay. Không những thế, ông còn không ngớt đề cao tôi, kiếm nhà cho vợ chồng tôi, ký quyết định thu thanh một loạt tác phẩm kể cả Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy để tôi có số vốn ban đầu ổn định lâu dài tại đất Hà Nội! Tôi trở thành cánh tay phải, thậm chí bộ óc của ông một thời gian và cũng trở thành mục tiêu đố kỵ của một số “rạc sĩ giời đánh” đang kèn cựa nhau để có tí chức quyền dù chỉ là phó phòng!
Trưởng phòng thì đã có một ông đại úy pháo binh đảm nhiệm tên là Nguyễn Đình Quý. Phó giám đốc có ông Châu mù (tôi quên mất họ)... mù tịt về mỹ thuật, dù dưới quyền ông có những cỡ lớn trong giới hội họa như Huỳnh Văn Gấm, Quang Phòng... cũng như Xuân Giao, Thái Cơ, An Chung bên phòng nhạc. Họ không được giao nhiệm vụ gì hết, do họ chưa là đảng viên!
Còn tôi, lý do duy nhất khiến tôi chỉ là biên tập viên vì... chưa có giấy giới thiệu và lý lịch chính thức từ Quân Khu IV cho chuyển Đảng! Tôi sang “bên nhân dân” chỉ có cái quyết định (bản sao) của ban Tuyên Huấn Trung Ương đóng dấu chữ nhật to đùng do ông Tố Hữu ký. Tất cả các cán bộ được điều chuyển đều còn chờ một tờ giấy gửi từ Khu IV ra để tôi nhận nhiệm vụ phó giám đốc vì lúc này, ở bên họa cũng như nhạc từ Phan Huỳnh Điểu, An Chung, Thái Cơ, Xuân Giao chưa ai được “bất hạnh” là đảng viên!
Phải nói them rằng điều kiện để tôi rút khỏi cái tổ chức nguy hiểm chết người cũng nhờ một phần khách quan từ trên “trời” rơi xuống. Đó là ngay trong Đảng, hai phe thân Tàu, thân Nga đã lộ diện. Phe này chửi phe kia là tả khuynh, hữu khuynh, là xét lại... Sự thật là lý luận Mác-Lê Nin đã đi vào khủng hoảng ngay ở nước mẹ của nó, ở cả hai nước anh cả, anh hai... từ lâu rồi.
Ở Hà Nội, lũ học trò chữ Tây cũ chúng tôi, những Chính Yên, Thiết Vũ, Trần Đĩnh...đâu có thiếu báo chí tài liệu nước ngoài. Ngay trong giới văn nghệ, những anh có học và vô học lúc này càng phân hóa rõ ràng. Mấy cha “bần cố giả vờ”, không nghe, không đọc gì ngoài đài phát thanh của ông Trần Lâm, báo Nhân Dân của ông Hoàng Tùng, thì chơi với nhau. Mấy cha nghiện Paris Match, Le Figaro, Le Monde thì nhìn bọn “Dạ! thưa anh” bằng con mắt cực kỳ khinh bỉ.
“Hiện thực xã hội chủ nghĩa”, “thẩm mỹ Mác-Lê Nin” bị biến thành chuyện tiếu lâm. Chúng tôi cười vào mũi mấy anh “thành phần cơ bản” bằng cách dẫn chứng sự thoái hóa của chủ nghĩa Mác với chính lý luận của Marx, Engels, Zinoviev, Garaudi... Có anh “bảo lưu” quan điểm “xét lại”, công khai treo ảnh Khrushov ngay giữa sa-lông. Chúng tôi viết bài (không đăng) vạch ra cái dốt về lý luận cơ bản như “Thế nào là hiện thực trong các loại hình nghệ thuật?”, “Hiện thực xã hội chủ nghĩa là cái gi? “Thế nào là Đảng tính, giai cấp tính, nhân dân tính”? Nổi bật là việc báo Văn bị coi là “hậu Nhân Văn”. Rồi đến các tác phẩm Vào Đời của Hà Minh Tuân, Đống Rác Cũ của Nguyễn Công Hoan, mấy truyện ngắn của Nguyên Ngọc (Mạch Nước Ngầm), Vũ Thư Hiên (Đêm Mất Ngủ), Ngô Ngọc Bội (Chị Cả Phây) … bị chính lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu đánh. Một loạt tùy bút tưng tửng của Nguyễn Tuân (đặc biệt là Phở) bị xếp vào loại... vô chính trị. Mà đã vô chính trị tức là không chịu sự lãnh đạo của Đảng.
Riêng tôi, cũng bị dính vào loại “có vấn đề” qua những bài hát như Qua Sông Lại Nhớ Con Đò, những bài hợp xướng rối rắm, lắm bè nghe như...cái chợ, “sặc mùi tiểu tư sản”! Tiếng Hát Biên Thùy bị cắt hai chương, không cho biểu diễn là các chương có giai điệu êm ái tiết tấu nhẹ nhàng. Cũng chính lúc này, trong quân đội, nhân dịp tổ chức lại các sư đoàn, quân khu người ta giải tán luôn các đoàn văn công lớn, xé lẻ mọi tổ chức văn nghệ cồng kềnh khó lãnh đạo dễ cho mọi tư tưởng phi vô sản luồn vào!
Cơ may từ trên trời rơi xuống cho tôi nhờ chính sự phá hoại của bản thân những tên lãnh đạo ngu dốt nhất đang ôm chặt chân Mao để “khử” những người không đồng chí hướng, khép họ vào “xét lại”, khai trừ họ khỏi Đảng, thậm chí thủ tiêu, bỏ tù hàng loạt. Trong số người có công nhất với giới văn nghệ, ông Lê Liêm là người bị đánh ngay đòn phủ đầu do anh thư ký của ông tên Thẩm, nghe đâu bị bắt vì tội đã chuyển văn bản nghị quyết 9, chống xét lại cho Cherbakov, đại sứ Liên Xô.
Tiếp theo là những Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Vịnh... và nhiều nhiều người nữa bị bỏ tù, bị khai trừ Đảng, bị quản thúc tại gia. Riêng trong giới văn nghệ đi tù, thời này chỉ có Vũ Thư Hiên, Lê Huy Vân... còn lại đều bị kiểm điểm, hoặc mất chức, hoặc thu hồi tác phẩm.
Tóm lại các tổ chức văn nghệ, vừa tiến lên chính quy và hiện đại được một bước thì phe Mao-ít nhân danh “chống xét lại” đẩy lùi về thời nghiệp dư tới 10 bước.
Vậy mà, tôi mừng quá, mừng hơn khi “giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về”! Vì chính nhờ sự “phá hoại do chống nhau có tổ chức” này, tôi có cơ hội thoát khỏi nhà tù nhỏ đang nhốt một anh “nhạc sĩ đảng viên” mặc áo lính một cách êm re.
Tôi chẳng bị khai trừ, nhưng chẳng phải quần chúng, chẳng phải đảng viên, chẳng phải nhân dân, cũng chẳng phải quân đội! Năm 1986, khi về hưu tôi mới trả lại tất cả quân hiệu, quân hàm, chứng minh thư quân nhân, chẳng thèm đòi hỏi bất cứ chính sách nào, sau 25 năm bị Đảng, bị Quân Đội bỏ quên! Hơn thế nữa, cái tổ chức lèm nhèm đến vô tổ chức đó cũng chẳng cần để ý xem Tô Hải là lính hay là dân, là đảng viên hay quần chúng, dù khi tôi từ giã hẳn cái tổ chức rất... vô tổ chức đó, họ vẫn cấp cho tôi một tờ quyết định có tiêu đề Đảng Cộng Sản Việt Nam - Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đóng dấu hình chữ nhật đỏ loét do phó bí thư thành ủy Nguyễn Võ Danh ký!
Thật là lạ đời!
Rút kinh nghiệm 40 năm sống chung với Đảng, tôi kiên quyết không chìa cái giấy quyết định có thể “kiếm chác” này ra khi trở về khu phố. Vài ông bạn già, khi đi lĩnh lương hưu, gặp tôi thường hỏi: “Sao không thấy ông đi sinh hoạt chi bộ?”. Tôi chẳng ngượng ngùng gì khi trả lời: “Các cụ nhầm rồi! Tuy có 43 năm “đi làm cách mạng” thật đấy, nhưng “tôi chưa hề là đảng viên đảng cộng sản!”
Vợ tôi có lúc khuyên tôi nên khiếu nại về cái sự vô trách nhiệm trong quản lý cán bộ để tôi bị “mất liên lạc”! Bởi nếu được tính 55 tuổi Đảng thì, khi hóa giá căn hộ mà Nhà Nước cho thuê từ năm 1975, tôi sẽ được “ưu tiên”. Tôi đã trả lời vợ tôi: “Bao nhiêu năm “đóng kịch”, bao nhiêu mưu mẹo để được đứng trong hàng ngũ nhân dân, chối bỏ cái quá khứ làm “xen đầm văn nghệ”, làm đầy tớ cho những thằng ngu, nay được tự do, được tuyên bố “Tôi không là đảng viên cộng sản” là may, là tốt lắm rồi.
Tôi càng không phải chịu trách nhiệm, không ai coi tôi là đồng lõa của bọn “ngụy cộng sản” thời Đổi Mới này”. Hãnh diện quá đi chứ, vinh quang quá đi chứ! Hà cớ bây giờ, chỉ vì căn hộ chưa đầy 60 mét vuông, lại phải muối mặt làm “lão già hèn” nữa hay sao?
Hãy cho tôi được chết như các anh Trần Độ, Lê Liêm... khi đăng “cáo phó” không có cái mục “ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM”, dù so với các anh, tôi chỉ là con tôm, con tép!
Các anh đã “ĐƯỢC KHAI TRỪ”.
Các anh đã dám “công khai chống Đảng cộng sản”, dám công khai nhận “bản án đầy vinh quang”!
Không hề sợ hãi, cúi đầu.
Không hèn lâu như tôi. /.

Viết thêm, xong ngày 20 tháng 4 năm 2007 khi bước vào tuổi 80 được 8 tháng 26 ngày

Hồi ký của một thằng hèn (15)

Chương 15

CUỘC ĐỜI TỦI NHỤC CỦA TÊN BỒI BÚT

Đã hèn lại hèn thêm là như vậy! Tôi trở thành một trong những tên bồi bút bất đắc dĩ đắc lực nhất!
Bi hài kịch tiếp tục kéo dài như sau:
Từ một đơn vị chính quy, tôi rơi vào môi trường không điều lệnh, không điểm danh, không kèn báo thức, báo ngủ, không đứng nghiêm chào cờ...chào! Tất cả đều giải quyết 100% du kích! Vừa họp vừa sòng sọc cái điếu cày. Sinh hoạt y như không phải quân đội! Tuy tôi rất vui được làm việc với các tên tuổi lớn như Thanh Tịnh, các diễn viên thực tài như Minh Trâm, Nguyễn Thị Tần, Vĩnh Cường, Phùng Quán, Đình Quang, Nguyễn Phiên, Xuân Bình... nhưng trong vẫn băn khoăn bứt rứt về những gì đang diễn ra tại đoàn văn công Bộ Tư Lệnh Liên Khu IV: kịch là Trúng Tủ, múa là Ương Ca, Bà Chu Cho Trứng, hát là Thắm Thiết Tình Việt-Trung-Xô...và đặc biệt bài Túng phang hồng, thài dzòang xâng ([1]) ca ngợi Mao Trạch Đông, hát bằng tiếng Tàu hẳn hoi! Rõ ràng cách mạng trong giai đoạn mới này không có chỗ cho thứ âm nhạc tiểu tư sản của tôi nữa.
Cuối cùng, tôi chỉ biết “Thôi thì làm gì…cũng được!”
Đơn ca, lĩnh xướng đã có Vĩnh Cường, Đình Quang, dàn nhạc đã có thầy Quảng (ông là frère ([2]) bỏ nhà thờ đi theo cách mạng), đoàn trưởng đã có Duy Đức, một nhân vật biết chiều trên, chiều cả dưới và cũng có đôi chút năng khiếu âm nhạc, vào Đảng trước tôi một năm nên được giữ chức đoàn trưởng phụ trách chính trị. Vợ tôi trở thành diễn viên múa, còn tôi thì lúc đóng kịch, lúc múa, lúc hát, lúc đơn ca, lúc đánh đàn, đủ trò. Biểu diễn khỏi cần sân khấu, treo hai cái đĩa đèn dầu lạc có ba bốn cái bấc lên một sợi dây thép chăng ngang hai cái cột. Thế là bắt đầu!
Tôi vừa buồn vừa ngán thứ văn nghệ lạ lùng này. Nhưng biết làm sao khi mà mỗi lần sinh hoạt chi bộ, các ông Tính, Hoạt ở phòng chính trị đều nhắc: “Phải nhớ, chúng ta là văn nghệ phục vụ nông dân mặc áo lính trong Liên Khu là chính. Chúng ta không có các đơn vị chính qui, không có các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực mà chỉ là những đơn vị dân quân du kích và một số đại đội tập trung ở các tỉnh đội thôi! Do đó, đừng nghĩ đến cái gì “nghệ thuật nghệ thiếc” ghê gớm lắm! Dễ hiểu, dễ nghe, bè bối lủng củng, nông dân chẳng hiểu gì đâu... Chú ý: đây không phải trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn!”
Chết tôi rồi! Xin về làm lính chiến thì kể từ khi được cái chức danh “nhạc sĩ” đã chẳng còn máu “oong đơ” nữa! Làm nhạc sĩ thì ở đây người ta không “xực” được “tiếng tơ lòng” của tôi. Hơn thế, phục vụ công nông binh lại là “nông binh khu IV” thì ai cũng biết là những người nghèo nhất nước, quanh năm khoai khô, mắm nhút.([3])
Dù sao nỗi buồn chán về sự nghiệp, về tương lai của tôi cũng “có chỗ mà quên”, có nơi mà chia xẻ là Hương Mai của tôi, từ nay luôn ở bên tôi như...một “cô láng giềng” vừa hiền, vừa tốt bụng. “Cô láng giềng”, bởi tuy là vợ tôi nhưng vợ chồng không được ở chung vì tập tục người dân xứ này không cho người lạ được “sinh hoạt” trong nhà họ!
Lấy cái hạnh phúc nhỏ nhoi đó làm thuốc an thần, tôi cố gắng hòa nhập với số anh chị em mà tôi thừa biết họ chỉ...tạm thời chịu cúi đầu làm quấy quá cho xong những việc trước mắt theo cấp trên yêu cầu. Còn trong cái đầu và con tim họ, trời biết họ đang tính toán gì? Thực tế đã trả lời: đa số bằng cách này, cách khác chuồn lẹ khỏi cái tổ chức đặc xệt nông dân tính này. Có người về sau trở thành giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú...như Thanh Tịnh, Cao Xuân Hạo, Đình Quang... Có người chẳng còn bao giờ được nhắc tới như Nguyễn Phiên, Nguyễn Đãi, Minh Trâm, Vĩnh Cường... Đặc biệt Phùng Quán trở thành “cái gai” cho Đảng đến hết cuộc đời.
Với tôi, những năm tháng ở Liên Khu IV kéo dài tới 1960 dù trải hàng vạn biến cố mà không có cách nào thoát nổi, vì cái danh “đảng viên” cứ như cái vòng kim cô xiết chặt tôi vào hết bi kịch này đến bi kịch khác...
Một ngày kia, “cuộc cách mạng long trời lở đất” có tên Cải Cách Ruộng Đất nổ ra! Nó được mang từ bên Tàu sang, nổ súng vào toàn dân Việt Nam, tạo một vết nhơ trong lịch sử dân tộc, thay đổi toàn bộ nhận thức, tình cảm của tôi về cái đảng mà tôi đã chẳng may rơi vào đó.
Chỉ một thời gian ngắn, hàng loạt cán bộ chủ chốt từ tham mưu trưởng đến tỉnh đội trưởng, thậm chí cả tư lệnh trưởng đều phải nhận “tội” trước các đoàn ủy, đội ủy cải cách ruộng đất. Hàng loạt chi bộ đảng Lao Động đều biến thành Quốc Dân Đảng (?!), thậm chí thành tổ chức phản động? Không ít người bị đánh gãy chân, què tay và vất xác trôi sông hoặc tự tử. Lý lịch được mang ra phê phán. Có người vì muốn thoát chết đành gọi bố mình là “thằng Việt gian” chỉ vì thời Tây, bố đã làm công chức cho Pháp.
Ở ngoài dân chúng thì sao? Một cảnh tượng ghê rợn bao trùm khắp làng xóm nơi chúng tôi đóng quân. Người ta bắt “kẻ thù giai cấp” — 99% là bị vu oan — quỳ cả tiếng đồng hồ, hai tay trói giật cánh khuỷu để các ông bà nông dân xỉa xói vào mặt kể tội. Điều ngược đời là ai có nhiều công nuôi cán bộ, đóng góp tiền bạc, thóc gạo cho bộ đội đều bị gán cho tội...“mua chuộc cán bộ”! Con phải đấu cha, vợ phải đấu chồng, thậm chí quan hệ riêng tư trong gia đình, vợ cả, vợ lẽ, nàng hầu, con ở, cũng thành trọng tội mà kẻ bị xử bị đem bắn ngay trong đêm...
Những gì tôi chứng kiến trong “cuộc cách mạng long trời lở đất này” có viết hàng nghìn trang cũng không thể hết. Đó là một cuộc cách mạng vô lý, vô luân, vô đạo đức, tàn bạo nhất được các đoàn chuyên gia giết người, diệt chủng Mao-ít đưa sang Việt Nam để huỷ diệt dân tộc ta. Cũng cần phải nói thêm sở dĩ những người làm văn nghệ ít bị chết — theo nghĩa đen — trong đợt cải cách ruộng đất này là nhờ hai lẽ sau:
— 1/ Hầu hết chúng tôi đều không thuộc cơ sở nông thôn nào. Người thì sinh hoạt ở các tổ chức phi nông nghiệp, người thì ở tổ chức tuyên huấn văn hóa cấp tỉnh, cấp khu hoặc trung ương. Một số sinh hoạt không thuộc Nhà Nước thì làm nghề tự do như dạy học, dạy nhạc, thậm chí bán phở, mở cửa hàng ăn... nên có muốn “đôn” lên địa chủ cường hào, kẻ thù giai cấp cũng khó. Tuy vậy, một số do gia đình ở địa phương bị quy là địa chủ cũng bị dẫn độ về để tố khổ bố mẹ, ông bà mình. Một số kẻ “siêu hèn” đã phải kể “tội” bố mẹ để thoát chết. Vài tên sau này thành tay sai đắc lực, và với tôi, đến chết tôi không bao giờ muốn nhìn mặt. Một số, do được đánh giá là “chưa thực sự cải tạo tư tưởng” thì về đến đơn vị mất tuốt tuồn tuột từ Đảng đến chức vụ luôn. Một số khá hơn được cho xuống đơn vị làm lính cho đến khi bỏ xác nơi chiến trường.
— 2/ Loại thứ hai, trong đó có tôi, được “trên” huy động đi tuyên truyền, cổ võ cho phong trào đấu tranh quần chúng trong Cải Cách Ruộng Đất, trở thành cán bộ của Cải Cách Ruộng Đất. Thế là...thoát! Một cuộc vận động sáng tác lớn từ trung ương tới địa phương được tổ chức, khuyến khích văn nghệ sĩ “lập công dâng đảng”. Tất cả, để tránh tai bay vạ gió, để tồn tại, gần như ai cũng cúi đầu dấn thân vào con đường hèn hạ: góp sức quảng cáo cho cuộc diệt chủng ghê gớm, bẩn thỉu nhất trong lịch sử.
Tôi rất lạ vì cho tới nay vẫn còn một số văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ thống kê các sáng tác trong thời kỳ diệt chủng này vào thành tựu của đời mình! Riêng tôi, kỷ niệm 70 tuổi, nhân người ta đưa tôi lên tivi, tôi đã công khai tuyên bố: “Tôi không có nhiều tác phẩm thật sự là tác phẩm! Nhiều lắm chỉ là 20 đến 25 chứ không dám 500, 1000 như các nhạc sĩ khác...” Hành động ấy còn xa mới sánh được với họa sĩ Dương Bích Liên: Sau khi tuyên bố ra đảng, ông đã đốt hết tác phẩm của minh, rồi đóng cửa... tự tử!
Trở lại với những ngày đầy máu và nước mắt của cuộc “đấu tranh long trời lở đất” những năm 1953-1954, tôi, một nhạc sĩ đảng viên, dù thấy tận mắt các tội ác gớm ghiếc mà Đảng của tôi gây ra, nhưng vì...Hèn, Quá Hèn, Sợ, Quá Sợ nên không còn đường nào khác, đành nhắn mắt lao vào cuộc tàn sát…bằng âm nhạc!
Qua hai, ba đợt đi cải cách, qua thực tế thâm nhập đời sống nông dân, tôi đã thấy rõ bộ mặt thật của cuộc cướp của giết người không gớm tay đó! Vậy mà tôi vẫn cố nặn ra nhiều bài được Đảng đánh giá là “Tốt! tốt! tốt!... ”
Có khó gì đâu, ca khúc là thứ mà ai cũng làm được nếu muốn! Nó chỉ là lời nói lồng giai điệu, tiết tấu! Cộng sản chỉ không chấp nhận...trái tim và tâm hồn rung động. Vậy thì xếp cái tâm hồn lại. “Nôm na chửi cha mách qué” là hợp với Đảng, với quần chúng nông dân! Và...có ngay! Còn hơn cả mong đợi của Đảng ở một anh “nhạc sĩ tiểu tư sản cả gia đình theo địch”, tôi vào hẳn vai kịch bằng cách tự nhận mình là nông dân trong lúc sáng tác! Nó thể hiện ở mọi “tác phẩm” tung ra thời kỳ này đều nhân xưng ở ngôi thứ nhất! Ví dụ ở bài Chúng Ta Không Muốn Đói đoạt giải nhì không có giải nhất: “Từ ngàn vạn đời xưa rồi cha ông chúng ta nghèo đói...”, hoặc “Ba chúng ta cùng rời đồng lúa xanh”...“Anh với tôi cùng khổ đau, nghèo đói”... và hàng loạt nhạc cảnh, hợp xướng “đứng hẳn về phía nông dân vạch mặt địa chủ, vạch mặt nhà thờ lừa dối giáo dân” ở Tiếng Chuông Tội Ác, Nông Dân Biết Ơn Bác...Cứ thế, qua mấy đợt cải cách, hàng loạt tác phẩm của tôi và các văn nghệ sĩ đại hèn” được tung ra! Đủ kiểu nói dối, đủ kiểu đề cao giai cấp nông dân, đủ kiểu vạch “tội ác kẻ thù giai cấp”. May mắn hơn các ngành văn học nghệ thuật khác, cánh làm nhạc chúng tôi đều hiểu “Lời hát gió bay” nên cứ hét lên những điệu Hò Dân Cày” (Văn Chung) mà chẳng lo gì vì thời ấy chưa có ghi âm, ghi hình, chưa có phương tiện truyền thông hiện đại như ngày nay, ngoài mấy bản in li-tô trên giấy bản mỏng tanh mà in xong thì làm giấy vệ sinh cũng không... đắt!
Chỉ khổ mấy bác nhà văn, sách in ra cả đống để ca ngợi công lao Đảng, Bác, ca ngợi giai cấp nông dân vạch tội tưởng tượng cha chú mình, ngày nay đã nằm trong thư viện cả bên Mỹ lẫn Việt Nam, các bác làm thế nào để hủy chúng bây giờ? Các bác nghĩ gì khi tới những năm đầu thế kỷ 21 này, người ta vẫn trích các “tác phẩm tội ác” đó vào chương trình giảng dạy con em các bác?
Giới nhạc sĩ đảng viên chúng tôi biết rằng chỉ làm cái “loa tuyên truyền” nhất thời cho Đảng, ồn ào và kịp thời nhất. Sau đó, tất cả đều rơi tõm vào không trung, “khẩu thiệt vô bằng” nên tha hồ... nói láo! Chính tôi đã là một cái loa khá đắc lực, một cái loa không biết ngượng, nhưng may thay, thứ gọi là “tác phẩm” của tôi được đề cao, được tặng giải thưởng, huân, huy chương, tôi đã biết thân, biết phận tự xóa bỏ đi, không để lại dấu vết gì. Vả lại, chính các cơ quan quyền lực cao nhất về văn hóa tư tưởng của Đảng sau này cũng chẳng hãnh diện gì khi nghe những lời ngợi ca các tội ác diệt chủng của các bậc tiền bối của họ!
Tiếc thay và cũng đáng khinh thay, mấy tên “nhạc sĩ” nô bộc suốt đời cho Đảng, tới nay, nhờ nắm được các “đầu ra” của âm nhạc như phát thanh, tivi vẫn không ngừng cho phát ra...không khí những “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng”, những “Đảng đã cho tôi mùa xuân”, “Đảng là lẽ sống của tôi”... thậm chí đến năm 2006 này, họ vẫn tiếp tục kiếm chác bằng những cuộc vận động sáng tác ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ!
Bọn chó chết này, tôi mong các thế hệ mai sau gạt bỏ chúng khỏi lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà. Chúng là ai? Giấy trắng mực đen, băng đĩa, băng hình đang còn đó. Không “lời hát gió bay” được nữa! Làm thân bồi bút đến tận đầu thế kỷ 21, khi cả thế giới cộng sản đã sụp đổ, khi những cái tên Mác, Lê đã bị đập nát từ lý luận đến tượng đài từ gần 20 năm qua, bọn chúng đâu còn có đầu óc, có trái tim?
Không ít người trong các giới văn, thơ, họa, trong đó có tôi, đã tìm đến sự im lặng, chịu khổ, chịu đói để được viết những gì mình cảm, mình nghĩ. Đặc biệt giới nhạc chuyên nghiệp (không kể bọn “thợ lời có âm thanh”) đều cố viết những gì là âm nhạc đích thực để thỏa mãn chính bản thân mình mà chẳng lo ai bắt bỏ tù cả.
Chỉ thương cho lũ con cháu đang bị đầu độc bởi mấy thằng cha “bồi bút thời kỳ đồ đểu” (thơ Lê Phú Khải). Nhưng biết làm sao đây khi đất nước chưa có một cuộc cách mạng thật sự để đập nát cái hệ thống cai trị độc đảng, độc tài, phản nước, hại dân của cái Đảng nhiều tội ác nhất trong mọi thời đại lịch sử. Tôi cũng may mắn khi về cuối đời, không phải đứng vào hàng ngũ tôi tớ đắc lực cho cái tập đoàn lưu manh cộng sản “Mười – Anh – Mạnh”.
Sự thật thì việc “đào thoát” khỏi Đảng Cộng Sản của tôi không đơn giản chút nào. Không để họ khai trừ, không nộp đơn xin ra Đảng, không tuyên bố ly khai — hành động chỉ có từ những năm đầu thế kỷ 21 — nhưng tôi vẫn chuồn được khỏi cái tổ chức mà tôi khinh bỉ, ghê tởm... một cách êm nhẹ mà không bị theo dõi, trả thù, thậm chí bị thủ tiêu là cả một quá trình gian nan, vất vả, nguy hiểm. Tôi sẽ “xưng tội” với vợ con, bạn bè, người thân trong chương cuối của cuốn hồi ký này.
Nó mang tên... Bi Hài Kịch Vào Đảng... Ra Đảng.

________________________________________
([1]) Lời Việt: Đông phương hồng, mặt trời lên.
([2]) Thầy. (Tiếng Pháp).
([3]) Mít xanh băm nhỏ như một thứ dưa ở miền Bắc, rất nặng mùi.