Hai Bà Trưng


Li th sông Hát
Đêm đã về khuya,nhưng TrưngTrắc cứ mãi trằn trọc thao thức. Bên cạnh, đứa em gái đã chìm trong giấc ngủ sâu, hơi thở đều đặn . Nàng quay mặt nhìn qua, khuôn mặt của em thật bình thản , còn nguyên vẹn chất ngây thơ trinh trắng. Còn nàng, chỉ hơn em vài tuổi , sao tâm hồn đã chồng chất trăm ngàn những lo lắng ngổn ngang?
Không ngủ được, nàng ngồi dậy bước xuống khỏi giường. Quan sát căn phòng kỹ hơn, nàng có cảm tưởng không có gì thay đổi khác mấy năm trước, từ ngày nàng theo chồng về Chu Diên, nơi lạc tướng Đặng Thi Sách thay cha làm huyện lệnh. Căn phòng này, hai chị em đã chung sống suốt một thời con gái được mẹ nuôi dưỡng giáo dục mang nhiều dấu vết kỷ niệm thời thơ ấu không thể nào quên.
Rời bước khỏi giường, Trắc nương băn khoăn nghĩ đến chồng. Không biết giờ này chàng đang làm gì? Mối ưu tư mất ngủ của nàng bắt nguồn từ chỗ ấy. Kẻ thù hung hiểm khắp nơi. Nàng biết Thi Sách là con người khẳng khái. Những khi gặp chuyện trái tai gai mắt, chàng không thể ngăn được lửa giận, thường ra tay can thiệp bất chấp lợi hại, nếu không có nàng bên cạnh can ngăn, mong chàng nghĩ đến mưu lớn mà cố nhịn nhục. Kể từ khi chàng gửi thư hài tội tên Thái Thú Tô Định làm nhiều điều dâm ác bạo ngược, nghe lời bọn nịnh thần hãm hại người ngay , đồng thời đòi hắn phải sửa đổi chính sách nếu không sẽ bị trừng trị, hắn đã đem lòng thù oán, cho quân bao vây rình rập ngày đêm quyết tâm diệt trừ. Tình hình thập phần nguy hiểm, vì muốn cứu cơ mưu sự nghiệp,nàng đành đích thân cải dạng thường dân trở về quê , vừa để thăm và vấn kế mẹ, người có hoài bão và đã cưu mang cái ý định đánh đuổi quân xâm lược, lấy lại nghiệp nhà cho giòng dõi vua Hùng.
Bực bội trong lòng,Trưng Trắc tiến đến mở hé cánh cửa sổ tìm chút khí trời trong mát. Một ít hơi lạnh từ ngoài ùa vào giúp nàng cảm thấy dễ thở. Bên ngoài, những giọt sương đêm đã bắt đầu rơi xuống nhè nhẹ. Dãy núi phía xa đứng sừng sững thật hùng vĩ như một bức tường thành che chắn vững chắc. Bên kia là dòng sông uốn khúc lặng lờ tạo cho quê nàng một phong cảnh vừa nên thơ vừa tráng lệ.
Hơi sương lạnh làm nàng có cảm giác nhẹ nhàng sảng khoái hơn. Đã toan quay trở lại giường, nàng bỗng chợt nhìn thấy một khe sáng nhỏ hắt ra từ phía dãy nhà ngang, nơi đám gia nhân thường ngày chăm lo nuôi tằm dệt cửi, nghề nghiệp bao đời của dòng họ trong cái điền trang ở đất Phong Châu này.Nàng cố định thần. Trong đêm tĩnh mịch, có tiếng lạch cạch vang lên, phải chú ý lắng nghe mới nhận ra được. Dường như có ai còn đang làm việc giữa canh khuya. Trưng Trắc cảm thấy lạ. Nàng biết rất rõ nề nếp sinh hoạt của gia đình từ bao năm qua đến từng chi tiết. Công việc sinh hoạt trong ngày thường ngưng lại lúc trời sụp tối,khi gà đã lên chuồng. Sau đó mọi người lui vào phía sân sau kín đáo hơn luyện tập kiếm cung và nghiên cứu trận mạc trước giờ ăn tối và nghỉ ngơi , chuẩn bị cho một ngày mới. Đó là một nghiêm lệ của bà Man Thiện, ai cũng phải thi hành kể cả chính bà.
Trưng Trắc mở cửa bước ra. Đi ngang phòng ngủ của mẹ, nàng không thấy có ánh đèn. Chắc bà đã yên giấc.Nàng bước vội về phía dãy nhà ngang để coi ai là người dám vi phạm luật lệ . Đẩy cửa bước vào, Trưng Trắc lên tiếng:
- Ai giờ này còn làm gì trong đó ?
- Trưng Trắc con đó hả? Mẹ đây mà!
- Ra là mẹ!. Khuya rồi sao mẹ chưa đi nghỉ? Có cần làm gấp thì còn đám gia
nhân đâu rồi. Mẹ già rồi, cần nghỉ ngơi giữ gìn sức khoẻ.
Thì ra là bà Man Thiện, bà nói mà tay vẫn không ngừng đưa nhanh con cúi trên
khung cửi:
- Mẹ bồn chồn lo lắng quá ngủ không được. Con cũng thế phải không? Nhìn
thấy con về đây là mẹ biết có khó khăn nguy hiểm rồi. Công việc cũng không có gì gấp. Chẳng là mẹ phân tâm rối trí, phải xuống đây tìm việc gì làm cho tay chân bớt thừa thãi thì đầu óc mới tỉnh táo mà suy nghĩ thế thôi . Đám người nhà họ luôn tận tuỵ hết lòng,suốt ngày đã mệt nhọc, phải để họ nghỉ ngơi. Có thương yêu chăm sóc đến họ thì họ mới một dạ trung thành. Mà con ạ, lúc này bọn Hán tặc ức hiếp dân lành quá mức nên thóc cao gạo kém, ruộng dâu cũng bị phá phách hư hại nhiều không đủ cho tắm ăn nên kén cũng dở. Đúng là quân xâm lăng khốn khiếp. Lâu nay mẹ vẫn có ý nhịn nhục thêm một thời gian để giúp các con chiêu tập binh mã củng cố lực lượng, nhưng tình hình này e rằng không thể chờ đợi thêm nữa.
Trưng Trắc bước đến gần choàng tay ôm lấy vai mẹ. Ánh đèn dầu leo lét chiếu hắt lên khuôn mặt ưu tư, làm lấp lánh những sợi bạc trên mái tóc điểm sương. Là cháu ngoại của triều đại Hùng Vương cuối cùng, dù đã thành người dân giả, bà Man Thiện vẫn còn giữ được nhiều nét quý phái của dòng dõi vương tộc. Sinh quán ở Sơn Tây, nhưng lấy chồng là lạc tướng trấn huyện Mê Linh nên lập cư tại đây. Bà tinh thông cả văn lẫn võ dù là nữ giới sống trong cái thời buổi trọng nam khinh nữ.. Chồng mất sớm, bà ở vậy thờ chồng và tự mình nuôi dạy hai con gái cả về thể chất lẫn tinh thần, nuôi chí lớn, ấp ủ mộng khôi phục lại triều vương cũ. Bà chỉ tiếc một điều, không có được một mống con trai để bà trao cho sứ mệnh dấy lại nghiệp cũ đã từng ấp ủ lâu nay. Không hề gì, bà cố gắng dạy dỗ hai con gái rèn luyện bản thân theo tinh thần yêu nước thương nòi, hun đúc ý chí kiên cường chống lại cái nhục mất nước để sẵn sàng phù trợ cho cuộc khởi nghĩa khi thời cơ đến. Suy đi tính lại, bà quyết định gả đứa con gái đầu lòng cho Thi Sách, con của vị lạc tướng họ Đặng ở Chu Diên, người mà bà nhận xét là khá nhất, một tay anh hùng hảo hán, đủ uy dũng và đảm lược cho bà gửi gấm tất cả mộng tưởng khôi phục giang sơn của bà. Bà nhìn con. Trắc là gái, nhưng tài thao lược, khả năng điều binh khiển tướng cũng như sự gan dạ của con chưa chắc bọn nam nhi có mấy tay qua mặt. Có con gái bên cạnh Đặng Thi Sách, bà hy vọng nghiệp lớn sẽ thành.
- Con linh cảm thấy có điềm bất tường sắp xảy ra, lo lắng quá mẹ ơi! Phu quân
của con, Đặng tướng công dù uy dũng đến đâu, nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, Bọn Tô Định lại là quân sài lang ác độc. Để chàng ở lại một mình lo đối phó với bọn chúng quả thập phần nguy hiểm, lành ít dữ nhiều. Nhưng với lực lượng vài ba trăm quân phải ngăn cản chống chỏi với lũ xâm lược đông đến hàng vạn trong tình trạng tuyệt vọng, con đành liều mạng về đây cầu cứu xem mẹ có kế gì cứu vãn tình thế, hay ít ra có thể giải vây cho tướng công của con, người là cột trụ cho cuộc khởi nghĩa đánh đuổi bọn xâm lược sau này.
Bà Man Thiện nhìn con thật lâu, gương mặt đăm chiêu suy nghĩ. Bà cúi xuống nhắm mắt thở dài:
- Mẹ đã nghĩ hết cách. Khi gả con cho Thi Sách, mẹ đã gửi gấm mọi ước vọng hoài bão của mình trong tay tướng quân. Trong mắt mẹ, tướng quân là người có chí lớn ,chỉ tiếc là tính tình quá cương trực nóng nảy. Hy vọng có con bên cạnh với tài năng và trí thông minh, Đặng tướng quân có một hỗ trợ đắc lực trong mưu lược để tránh những sai sót vặt vãnh không nên có. Mẹ con mình dù sao vẫn là phận nhi nữ thường tình. Đối đầu với lũ ngoại bang quá tàn ác này, đa số người dân đã trở thành sợ hãi khiếp nhược cả. Tìm cho được một đấng anh hùng hảo hán làm chỗ tựa như Đặng tướng quân thời này không phải dễ. Vì vậy, sự an nguy của tướng quân không chỉ là sự lo lắng của con mà là quan tâm hàng đầu của mẹ. Nhưng e rằng, nước xa không cứu được lửa gần. Thành quách xung quanh Chu Diên có vững chãi không? Liệu tướng quân cầm cự phòng thủ được bao lâu nữa?
- Thật ra thì trong mấy năm qua, con cùng anh em Thi lang đã đốc thúc xây thành đắp luỹ, quân binh dù ít so với lũ xâm lược nhưng với nỗi nhục mất nước, tinh thần khí thế rất cao. Nếu đóng cửa thành quyết tâm cố thủ cũng có thể chịu đựng vài tháng. Tuy nhiên, sinh hoạt dân chúng trong thành sẽ gặp muôn vàn khó khăn, lương thực thiếu thốn. Phu quân con có dạ nhân từ,thấy nhân dân khổ thì thương. Bọn Tô Định lại vô cùng dã man , nhiều quỷ kế. Chỉ e rằng…
- Mẹ cũng thấy cái nguy cơ của tướng quân khi không có con bên cạnh.
- Mẹ à! Có phải là con đã sai rồi? Có phải lúc này đáng lẽ con cần có mặt bên cạnh phu quân để giúp đỡ chàng hơn là về đây cầu cứu mẹ?
- Không! Ý mẹ không phải vậy. Mẹ hiểu và tin vào con. Con đã về thì chắc chắn tình thế đã phải thập phần nguy cấp. Nước đã đến chân thì phải nhảy thội. Chúng ta cần tìm phương cách giải nguy càng sớm càng tốt, tính mạng Đặng tướng quân hiện như ngàn cân treo sợi tóc. Chậm một ngày, nỗi nguy hiểm càng tăng thêm một ngày. Ngay sớm mai, mẹ sẽ đi gặp gỡ một số các lạc tướng thân quen cũ ở các quận huyện lân cận để liên kết và tìm hậu thuẫn. Phần con, cũng lo nghỉ ngơi cho sớm. Mẹ sẽ bảo hai chị em con điều cần làm.Em gái con có thể giúp ích cho công việc của chúng ta.
Nói rồi bà Man Thiện đứng dậy tắt đèn kéo con ra khỏi cửa. Hai mẹ con trở về phòng ngủ với tâm trạng đầy suy tính ngổn ngang.
Đi ngủ muộn nên buổi sáng khi ánh mặt trời lọt qua kẽ hở trên khung cửa sổ chiếu vào phòng, Trắc nương mới thức giấc.Trưng Nhị, em gái nàng đã thức từ lâu, nàng nhoẻn miệng cười chào chị:
- Chị ngủ ngon quá, em không nỡ đánh thức. Vì biết chị trong đêm thao thức
trằn trọc lâu lắm. Chắc tại lạ giuờng lạ chiếu, hay là thiếu vòng tay nồng ấm của đức lang quân chăng?
- Chỉ được cái nói bậy. - Trưng Trắc đập nhẹ lên vai em - Chị không ngủ được
vì lo cho an nguy của anh ấy. Còn em nữa, đâu còn bé bỏng gì, chuẩn bị chuyện chồng con là vừa. À, em thấy mẹ đã dậy chưa?
- Mẹ đã đi Nam Hải từ sáng tinh mơ. Trước khi đi, mẹ đã cắt đặt công việc đâu
vào đó. Sai người thân cận đến các quận Cứu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố kêu gọi dấy binh hưởng ứng . Riêng vùng đất Phong Châu này, mẹ giao cho chị em mình lo việc kết hợp để chuẩn bị tiếp ứng Chu Diên. Chị lo ăn sáng đi. Sau đó em đưa chị đi đến chỗ này. Có nhiều cái hay lắm
Trưng Trắc lặng lẽ ngắm em. Chỉ mới xa cách vài năm , giờ gặp lại con bé đã lớn
bộn , ra dáng trưởng thành. Trưng Nhị đã chững chạc hơn xưa, cho dù lời ăn tiếng nói vẫn liến thoắng vui vẻ và khuôn mặt còn nguyên chất hồn nhiên trong trắng. Nàng thoáng nghĩ tới những ngày thơ ấu, hai chị em còn chung sống dưới sự chăm sóc bảo bọc của mẹ. Con bé lúc ấy chỉ ngang tầm vai nàng mà nghịch ngợm như một đứa con trai. Chơi trốn tìm thì luôn ẩn náu ở những nơi hiểm hóc cheo leo nhất,Ít hứng thú các trò chơi con gái như đánh vòng, nhảy dây.Chơi ô quan thì đem sỏi đá giả chồng chất xây thành đắp luỹ.Cái mà Trưng Nhị mê nhất là thú leo trèo.Con bé đòi học cưỡi ngựa ngay từ nhỏ và khi rảnh rỗi,thường phi ngựa lên rặng núi phía xa cùng lũ bạn săn bắn hay leo cây rừng hái trái thoả thích. Trước mặt nàng, Trưng Nhị bây giờ đã là một trang nữ lưu anh kiệt.Nàng vuốt tóc em:
- Em gái chị càng lớn càng xinh đẹp giỏi giang. Mai này , người đàn ông nào lọt
vào được cặp mắt xanh này hẳn là phúc đức lớn lao cho hắn.
Trưng Nhị vòng tay ôm lấy chị nũng nịu:
- Chị cứ chế em hoài. So cả tài lẫn sắc, em làm sao bằng chị? Không phải mọi
người ai cũng bảo chị có tướng cực sang cực quý đó sao? Có kẻ còn mạnh miệng tiên đoán chị sau này sẽ là bậc mẫu nghi thiên hạ. Em không thèm lấy chồng, chỉ mong được ở mãi bên mẹ và chị thôi,Sao phải hầu hạ phục vụ họ chứ?. Bọn đàn ông thời nay toàn một lũ hèn nhát khiếp nhược, nước mất nhà tan mà không biết sỉ nhục đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi lũ xâm lược Đông Hán tàn ác bạo ngược. Thật không biết xấu hổ.
- Em trách cứ đàn ông hơi quá đáng đó. Thực ra thì những tay anh hùng hảo hán
của ta đã bị lũ giặc phương Bắc giết hại hay giam giữ hết cả rồi. Những người còn lại vì thân cô thế cô phải mai danh ẩn tích , lưu lạc bốn phương chờ thời cơ. Giặc đến nhà đàn bà phải đánh. Đến nước này, vận mệnh đất nước đã vào tay chúng ta, phải dẹp bỏ mối tự ti nữ lưu thường tình mà mưu đồ việc lớn. Trách nhiệm của chị em chúng ta là cấp tốc quy tụ các anh hùng hào kiệt lại để mau chóng tiếp ứng cho đức lang quân của chị đang bị vây hãm ở Chu Diên. Em đã có kế hoạch gì chưa?
- Được rồi, chị à! Cứu binh như cứu hoả. Chi em mình ra ăn sáng xong, em sẽ đưa chị đến Thảo Lâm Trường của em. Chị còn nhớ khu rừng cấm trên núi ngày trước chị em mình hay đến chơi đùa chứ? Chúng ta sẽ có dịp gặp gỡ bàn thảo việc chung ở đó. Em ra ngoài bảo gia nhân chuẩn bị điểm tâm.
Nắng đã lên cao. Hai chị em phi ngựa lên lưng chừng núi nơi những đám mây thấp lững lờ trôi ngang trước mắt. Có một nếp lều tranh nằm ẩn khuất dưới những tàng cây lớn bên cạnh một bãi cỏ dọn sạch sẽ. Đây là nơi quy tụ quần hùng để luyện tập võ nghệ bí mật . Trưng Nhị đặt tên nó là Thảo Lâm Trường. Lúc đó đã có một số chị em đang có mặt săn sóc chỉnh trang khu vực , thấy chị em Trưng tiến vào, mọi người chạy lại vây quanh hai người lên tiếng chào hỏi tíu tít:
- Chào hai quý nương. Nhị nương đã mấy hôm rồi không thấy tới. Hôm nay
chắc là rảnh rỗi mới đến thăm chúng em phải không? Còn vị phu nhân này giống chị như hai giọt nước, ắt hẳn là Đặng tướng phu nhân mà Nhị nương thường nhắc đến chứ ạ?
- Các em tinh mắt thật. Đây chính là Đặng tướng phu nhân ,chị Trưng Trắc,
người chị lớn của ta đó. Các em ra mắt chị đi.
Cả bọn đồng thanh cúi chào Trưng Trắc. Quay sang chị, Trưng Nhị giới thiệu:
- Đây là một số những bạn bè kết nghĩa của em . Chúng em kết thân với nhau
vừa để ôn tập cung kiếm, học hỏi kinh nghiệm vừa để cùng nhau hành xử nghĩa hiệp. Dù chỉ là gái mới lớn, nhưng đứa nào có tài năng , lại nhiệt tình yêu nước và hận thù bọn Hán tặc thấu xương.
Chỉ tay vào từng người, Trưng Nhị giới thiệu:
- Áo vàng Vũ Thục Nương ở Tiên La với tài bắn cung trăm phát như một.Kề bên
là Xuân Nương áo xanh quê ở Tam Nông có nghề nuôi dạy voi rừng thuần thục. Áo chàm Lê Chân vùng biển An Biên lặn giỏi như cá lại có tài đóng thuyền bè nhanh kỷ lục. Kế là Ngọc Lâm, Thiều Hoa, Diệu Tân, Phật Nguyệt…Ai cũng có tài năng vượt trội, võ nghệ tinh thông, hữu ích cho việc trừ gian diệt bạo.
Trắc nương thân mật tiến đến chảo hỏi từng người:
- Hân hạnh được gặp gỡ quen biết các em,những anh tài của nòi giống Việt
Thường chúng ta. Hiện nay, nước nhà đang bị bọn Hán tộc phương Bắc đô hộ, dân tình đau khổ dước ách cai trị tàn bạo của tên thái thú Tô Định. Nước mất nhà tan. Chị mong mỏi các em sẽ cùng chị chung tay giúp sức Đặng tướng quân trong việc đánh đuổi lũ xâm lược ra khỏi bờ cõi, lấy lại giang san nước Văn Lang về cho nghiệp tổ Hùng Vương. Các em nghĩ gì?
Tất cả cùng đồng thanh ủng hộ việc phò trợ Trưng Trắc . Ngọc Lâm lên tiếng:
- . Chúng em thường được Nhị nương nhắc đến chị. Nhưng tai nghe không bằng
mắt thấy. Hôm nay được gặp mới thấy rõ chị là một đấng nữ lưu tài sắc vẹn toàn, hiền hậu mà không kém phần uy nghi . Chị xứng đáng là thủ lãnh của chúng em. Không ,phải hơn thế nữa cơ. Chị sẽ là một bậc mẫu nghi thiên hạ.
- Thôi, đừng tán dương quá khiến chị hổ thẹn. Chị tài hèn sức mọn, bảo vệ cho
chồng còn chưa xong, nói gì chuyện cao xa. Hiện nay, phu quân của chị đang bị bọn Tô Định gian ác vây hãm trùng trùng điệp điệp, chúng ta cần bàn thảo kế hoạch phối hợp hành động thật nhanh chóng, trước là giải vây cho chàng, sau là đánh đuổi bọn xâm lược tàn bạo, đem lại an vui cho dân lành, thái bình cho đất nước.
Tất cả cùng hưởng ứng. Mọi người đưa nhau vào dãy nhà tranh để cùng bàn thảo. Trưng Trắc mong muốn chị em tức khắc bắt tay vào việc, mỗi người được phân công theo tài năng sẵn có. Thục nương có tài xạ tiễn sẽ lo thành lập một đội xạ thủ và chế tạo cung nỏ. Xuân nương chuẩn bị tập huấn đàn voi xung trận. Lê Chân chịu trách nhiệm trang bị thuyền bè cho đột tập kích nữ nhân ngư. Thiều Hoa, Phật Nguyệt lo dự trữ quân lương. Những người khác cấp tốc trở về quê quán lo chiêu mộ nghĩa quân. Hẹn đúng một tháng quy tụ lại đây để khởi sự dấy binh.
Khi tất cả đã lãnh nhiệm vụ, hai chị em họ Trưng cũng đi đến khắp huyện thành, kêu gọi dân chúng nổi lên chống giặc.Chưa đầy ba mươi ngày,ba mẹ con đã chiêu dụ được các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố ,sáu mươi lăm thành thuộc Lĩnh Nam theo hưởng ứng.
Hạn ba mươi ngày đã đến.Mùa xuân năm Canh Tý (40 AD), tất cả trở lại Mê Linh hội tụ để chuẩn bị kéo quân về Chu Diên tiếp ứng cho Đặng Thi Sách đang bị vây khốn. Mọi việc chuẩn bị cho việc xuất quân bên bờ sông Hát đang tiến hành với lòng hăng say cuồng nhiệt của đoàn nghĩa dũng hào khí ngất trời. Bỗng từ xa, trên con đường cái quan xuất hiện một đám gió cát mịt mù. Mọi người ngưng dọn dẹp bàn thảo, cùng đưa mắt nhìn về phía ấy. Chẳng bao lâu sau, đám cát bụi tới gần. Thì ra đó là một đoàn kỵ mã đang phi ngựa hối hả. Khi nghĩa quân chặn đường, người đi đầu bỗng từ trên lưng ngựa ngã xuống. Dường như người ấy đã kiệt sức. Những người đi sau vội xuống ngựa vực dậy:
- Phó tướng,phó tướng quân sao rồi?
Trong tiếng thều thào, người ấy nói:
- Đỡ ta dậy mau. Đã tới Mê Linh rồi chứ? Đưa ta đi tìm Đặng tướng phu nhân.
Có việc gấp cần bẩm báo.
Ba mẹ con bà Man Thiện nghe tiếng lao xao trên đường cũng bước lại gần. Nhìn kỹ người thanh niên áo quần tơi tả, mặt mũi lem luốc cát bụi trộn lẫn mồ hôi và cả máu nữa, đang được hai người xốc nách đỡ dậy,Trưng Trắc nhìn người đàn ông ngã ngựa ,nàng bất thần la lên:
- Đặng Thi Bằng, Phải Thi Bằng đó không ?Em trai của tướng quân ta đây mà!
Người đàn ông đầu ngả qua một bên , dường như đang mê đi, nghe tiếng nàng
bỗng như bừng tỉnh,ngước mắt lên:
- Đặng tướng phu nhân, chị dâu…đó…phải…không?. Chị ơi!Đặng tướng quân
đã…,anh đã…bị…hại…
Nói chưa dứt câu, người thanh niên đã gục đầu bất tỉnh. Trưng Trắc vừa kịp nghe
hai tiếng bị hại đã hét lên thật to :”Tướng công” ,tay chân rụng rời, lòng như chết điếng, thân mình như đổ sụm xuống đất. Trưng Nhị cùng mẹ cố nâng đỡ chị. Nàng nhắm nghiền đôi mắt, để cho hai hàng lệ tuôn rơi trên má . Trưng Nhị cho người đưa Thi Bằng vào trong bản lều cứu chữa. Trưng Trắc gục đầu trên vai mẹ thổn thức:
- Mẹ ! Phu quân của con đã mất rồi. Mẹ ơi!
Bà Man Thiện an ủi:
- Con đừng quá xúc động. Hãy chờ Thi Bằng lai tỉnh để hỏi cho rõ.
Sau một hồi tận tình, Đặng Thi Bằng đã tỉnh lại,chàng bắt đầu kể lể sự tình:
- Sau khi chị dâu ra đi,Đặng tướng quân đã đóng cửa thành cố thủ.Tuy nhiên,
bọn Tô Định gian manh,quyết chí hãm hại tướng quân.Biết đại ca lòng dạ nhân từ. Hắn cho bộ hạ mỗi ngày đem vài người vô tội đến chém giết. đoạn cho bêu đầu trước cửa thành.Lại ép gia đình vợ con đi theo kêu gào khóc lóc thảm thiết.Tướng quân nhìn cảnh tượng đau lòng,mấy lần đã toan xông ra nếu không kịp ngăn cản.Hôm ấy, Tô Định thay đổi quỷ kế. Hắn cho thủ hạ hãm hiếp làm nhục đám gái Việt ở ngay chợ giữa ban ngày. Chuyện đến tai,tưóng quân không dằn nổi sự giận dữ bay ra ngoài hỏi tội.Vì vậy đã bị trúng kế phục binh.Tô Định nhất định giết chết đại ca nên bọn xạ thủ được lệnh chỉ nhắm vào tướng quân mà bắn.Khi em biết được đem quân đến giải vây thì đã muộn.Đại ca ngã xuống, thân mình ghim đầy tên độc.Em chạy đến vực dậy,đại ca chỉ kịp thều thào: “Hãy báo cho phu nhân của ta,thù này quyết trả,nghiệp lớn quyết thành. Xin phu nhân thứ lỗi cho ta….”
Trưng Trắc xua tay trong mờ nước mắt:
- Thôi, thôi, ta sao dám trách móc chàng, âu cũng là cơ trời.
Nói xong, nàng quay về hướng thành Chu Diên, khấu đầu chắp tay khấn vái:
- Phu quân, một ngày cũng nên nghĩa, huống chi bao năm hương lửa mặn nồng.
Thật oan nghiệt. Đâu ngờ buổi chia tay hôm ấy lại là lúc sinh ly tử biệt.Thiếp thật đau lòng từ nay không còn có phúc hầu hạ chàng. Từ nay, âm dương cách biệt. Chàng đi vào cõi hư không. Thiếp ở lại còn mang nặng nghiệp trần. Nợ nước chưa trả, lại thêm thù nhà. Chàng sống khôn thác thiêng, xin xá tội cho thiếp không tròn nghĩa phu thê. Xin phù trợ cho thiếp , để thiếp trả được mối thù, hoàn thành sứ mệnh đuổi xâm lăng,nối nghiệp nhà dang dở của chàng.
Trưng Trắc cúi gập người vái ba vái thật sâu. Rồi nàng đứng dậy, lau khô hai hàng nước mắt với một giọng quả quyết:
- Được rồi, ta sẽ thay mặt tướng công khởi binh để trả thù nhà, đền nợ nước.
Trưng Nhị, em cho người chuẩn bị tế cờ làm lễ xuất quân. Tô Định, ngươi sẽ biết tay dòng giống Việt

.
Đêm ấy,bên bờ sông Hát,cờ xí ngợp trời phất phới bay theo làn gió vi vút từ
dưới sông thổi lên.Tiếng nghĩa quân reo hò tở mở hoà lẫn với những ánh đuốc bập bùng.Trên bãi cỏ,một đạo binh gươm giáo sáng quắc,hai bên là các đội cung thương người ngựa hàng ngũ chỉnh tề.Dưới sông,đội chiến thuyền cũng trật tự sánh đôi.Hai vị Trưng Nương mình mặc chiến bào,ngồi trên lưng voi làm lễ dựng cờ khởi nghĩa, tế cáo trời đất. Sau lệnh xuất quân,quân sĩ giơ cao ánh đuốc hô to lời quyết chiến, tiếng quân làm vang dội núi rừng, rung rinh mặt nước.Trưng Trắc hiên ngang đứng thẳng trên lưng voi,giơ cao trường kiếm trên tay chỉ vào giòng sông mà thề:
Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin dựng lại nghiệp xưa vua Hùng,
Ba kêu oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
(Theo Thiên Nam ngữ lục)
Phương Duy
Melbourne 26/09/2010

Đọc tiểu luận của P.Hansen



Đọc qua tiểu luận: Bắc di cư Công giáo VN của Lm Peter Hansen

Lịch sử cận đại VN nhìn duới lăng kính hay góc độ nào cũng hiện rõ 2 cuộc di cư vĩ đại đầy nước mắt và cả máu đổ: cuộc di cư từ Bắc vào Nam 1954 có thời hạn kéo dài khoảng 1 năm và cuộc di tản, vượt biên vượt biển ồ ạt tự phát kể từ 30/4/1975 kéo dài đến 20 năm. Cũng có thể cho rằng sau hơn 35 năm chính quyền VNCH sụp đổ cuộc di cư thứ hai này vẫn còn kéo dài cho đến nay dưới nhiều hình thức khác như lấy chồng ngoại quốc, đi lao nô hoặc du học không trở về, du nhập lậu bất hợp pháp thành người Việt “chui”thường được biết với cái tên “người rơm”…Nói một cách đơn giản, cả 2 cuộc di cư là sự bỏ phiếu bằng chân chạy trốn chế độ độc tài toàn trị của CSVN. Thực tế, đây là 2 biến cố lịch sử trời long đất lở mà các nhà các nhà nghiên cứu sử học đã đang và sẽ còn phải sưu tầm đào xới thêm nhiều nữa. Nhân một bản dịch của Hiếu Tân “Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc Việt Nam và vai trò của họ tại Cộng hòa miền Nam 1954-1959” (1) một tiểu luận của một tác giả ngoại quốc Peter Hansen bàn về một khía cạnh của cuộc di cư 1954” Bắc di cư: Catholic Refugees from the North of Vietnam, and Their Role in the Southern Republic,1954–1959” (2),người viết, từng là một trong đoàn người ra đi đông đến cả triệu người ấy, nhưng lúc đó đang ở trong độ tuổi lên ba, còn quá nhỏ để hiểu biết tường tận hơn về biến cố , nay có dịp nhìn lại qua sự tham khảo và những nhận định tương đối khách quan của một nhà nghiên cứu ngoại quốc về những biến cố lịch sử trọng đại. Từ bài tiểu luận này, người viết tìm thấy một số dữ kiện khá mới của tác giả liên quan đến vai trò của người Bắc di cư Công giáo tác động đến xã hội miền Nam VN sau cuộc di cư vĩ đại đó. Xin được chia sẻ những dữ kiện này và người viết cũng xin có thêm một số nhận định riêng mà vai trò của người Bắc di cư Công Giáo VN còn ảnh hưởng tới đất nước cho đến tận ngày hôm nay cả trong và ngoài nước.


Sơ lược về tác giả Peter Hansen

Peter Hansen, có tên Việt Nam là Hàn Sơn Thạch (Thạch= Đá=Peter, Hàn Sơn = Hansen), nguyên là một luật sư đã có thời gian làm việc thiện nguyện tại một số trại tỵ nạn Hồng Kông và Philippinnes trong những năm đầu 90s nơi ông làm quen với cộng đồng Việt Nam và từ đó dẫn đến việc đam mê nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề Việt Nam và châu Á. Trở về Úc, ông từ bỏ nghề luật sư để vào tu viện và thụ phong chức linh mục (Lm) Công Giáo năm 1996. Người viết đã có dịp gặp gỡ Lm Peter Hansen khoảng mười năm trước đây khi ông được chỉ định làm Lm phó xứ nơi mình đang sinh sống. Cởi mở, đơn giản, bình dị , nói tiếng Việt khá lưu loát, đã từng thuyết giảng bằng tiếng Việt cho người Việt trong thánh lễ với lối nói dí dỏm, khôi hài. Đó là những gì người viết còn nhớ trong quãng thời gian quen biết ông khỏang một năm ngắn ngủi. Sau đó Lm được chỉ định làm giám đốc trung tâm Mary of the Cross, một trung tâm cố vấn và giúp đỡ cho những người ghiền rượu và ma tuý của giáo phận Melbourne. Chính trong thời gian này, với kinh nghiệm nghề luật trước đó, Lm đã cùng với một tổ hợp luật sư Úc phối hợp tra cứu pháp luật và tìm kiếm chứng cớ để giải bày các trình tự tố tụng liên can đến công việc nhắm cứu mạng ( bất thành) cho tù nhân Nguyễn Tường Vân bị bắt và bị treo cổ về tội mang lậu bạch phiến tại Singapore năm 2005. Tuy thất bại trong việc cứu sinh mạng của Vân, Lm P. Hansen cùng với những tổ chức chống án tử hình đã gây được tiếng vang khi làm cho tang lễ của Vân ,một tử tội tầm thường bỗng trở nên quan trọng, trở thành một đề tài tranh cãi cả trong truyền thanh báo chí đến công luận nước Úc .( Đọc :Australia:một đất nước bao dung(3).
Peter Hansen tốt nghiệp MA tại đại học Monash, Tiến sĩ thần học về lịch sử giáo hội tại đại học Melbourne. Hiện là linh mục chánh xứ một họ đạo tại Melbourne, và là giảng viên tại trường đại học Công Giáo Melbourne khoa Lịch Sử Giáo Hội Á châu.

Sơ lược môt số điểm chính yếu.

Ngay chủ đề của tiểu luận đã nói lên cái ý chính của bài tiểu luận là khảo sát về nguồn gốc của người Bắc di cư Công giáo tỵ nạn CS và vai trò của họ tại miền Nam VN. Trong tiểu luận này, Lm Peter Hansen cố phản bác 2 luận điểm thường được hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử VN trong giai đoạn này khai thác xử dụng, nhưng ông cho là cách hiểu sai về Bắc di cư. Một là quan điểm cho người Bắc di cư hầu hết là do những cố gắng tuyên truyền ,lôi kéo của CIA hay các cơ quan chính phủ khác của Hoa Kỳ. Hai là quan điểm cho sự tái định cư của họ ở trong và chung quanh Sài Gòn là một chủ mưu có tính chiến lược của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm bào vệ chế độ. Tác giả đã tham khảo nhiều tài liệu liên quan bao gồm các học giả VN trong và ngoài nước, các tài liệu của Hoa Kỳ, Âu Á cũng như của giáo hội Công giáo toàn cầu với phần phụ chú cho người đọc có thể tìm và nghiên cứu thêm về nguồn gốc của những dẫn chứng. Đồng thời, ông cũng cất công đi đến VN để ghi lại một số những nhân chứng sống nói về kinh nghiệm của họ trong giai đoạn di cư này.

Phản bác luận điệu 1 :Bắc di cư bị lừa gạt

1- Để bác bỏ luận điệu một, cho rằng Bắc di cư bị lôi kéo dụ dỗ của những người
như đại tá Edward Landsdale của CIA hay ông Ngô Đình Diệm qua các phương tiện như rải truyền đơn hoặc tuyên truyền khác mà người CSVN thưòng xuyên tạc như các hành động rỉ tai: Chúa, Mẹ đã vào Nam…Lm P.Hansen cho rằng luận cứ này chỉ tập trung vào mỗi khía cạnh chính trị vào lịch sử sau 1954 của người di cư mà bỏ qua những khía cạnh quan yếu khác: tôn giáo, tập quán và văn hoá của người miền Bắc, sự xung đột lương giáo, mối hiềm khích giữa khối Công Giáo miền Bắc và chính quyền CS lúc bấy giờ. Ông đưa ra những lập luận sau:
- Đối với người Việt, quê cha đất tổ làm một ràng buộc rất linh thiêng tối quan
trọng.Họ không thể vì cuồng tín mà bị lừa bởi những mánh khoé mưu mô đơn giản như thế. Chính Lansdale cũng không tin cái lý thuyết chiến tranh tâm lý của ông ta là nguyên nhân chủ yếu cho cuộc di cư khi ông phát biểu rằng người ta không đơn giản từ bỏ đất đai nhà cửa, mồ mả tổ tiên để ra đi chỉ vì một mảnh truyền đơn, vài khẩu hiệu .
- Chính quyền Ngô Đình Diệm vừa mới thành lập, còn quá non trẻ , không đủ
sức xúi giục cưỡng ép một lượng khổng lồ người di dân cả triệu người mà ngay cả đặt vào tay một siêu cường như Hoa Kỳ cũng gặp rất nhiều khó khăn, nói chi đến chuyện dụ dỗ và cưỡng ép người miền Bắc phải di cư vào Nam. Đây chẳng qua là một câu nói của nhà cầm quyền VNDCCH (CS Bắc Việt) đã trở thành một công thức định sẵn cho sự tuyên truyền.
Như vậy tại sao có quá nhiều người Bắc di cư vào Nam mà đa số là người Công Giáo? ( số liệu chính thức của VNCH biên soạn tháng Mười 1955: 676.348 người Công Giáo (76.3%), 209.132 là Phật Giáo(23.5%), 1041 Tin Lành (0.2%)) trên tổng số Bắc di cư). Lm P. Hansen đưa ra những lý do:
- Sự thù hằn giữa giáo hội Công Giáo và chính quyền của Hồ Chí Minh. Sự thù
hằn này bắt nguồn từ ý tưởng đánh đồng của nhà cầm quyền Hà Nội cho rằng bọn Công Giáo VN là tay sai của thực dân Pháp và đã có nhiều vụ kết tội, ám sát, thủ tiêu gần như trở lại thời kỳ cấm đạo đến nỗi người Công Giáo phải lập ra những biệt khu tự bảo vệ chống Việt Minh mà nổi bật nhất là biệt khu Phát Diệm.
- Sự hiềm khích lương giáo ngay tại các làng xã thôn xóm miền Bắc còn rất
sâu đậm, hơn hẳn miền Nam, phát xuất từ việc Công Giáo bị coi là tà đạo và bị cấm đoán từ những triều đại phong kiến cũ, cho dù việc cấm đạo trong thời thực dân đã không còn nữa. Sự hiềm khích thường dẫn đến va chạm xung đột có khi dẫn đến đổ máu đến nỗi người Công Giáo Bắc khắp miền Bắc thường phải sống biệt lập, co cụm thành từng nhóm để tự bảo vệ nhau. Lối sống biệt lập này của Bắc di cư Công Giáo đã được mang theo qua miền Nam và ngày nay vẫn còn tồn tại ở trong nước và khá đông ở hải ngoại. Khi nhà cầm quyền CSVN có thái độ thù hằn, kết án họ như những tay sai của Pháp, đồng thời kích động xúi dục người lương (không công giáo) sỉ nhục ,tàn phá người Công Giáo Bắc khiến họ lo sợ cho tài sản, tính mạng của họ.
- Một số ra đi vì nạn đói kém. Họ coi việc di cư vào Nam, nơi đất rộng người
thưa, và lời đồn đãi về sự trù phú màu mỡ như một phương trời mới cho sự sinh sống.
- Một số làm việc hành chánh , quân sự cho người Pháp lo sợ cho an nguy của
gia đình họ, không thể ở lại với chính quyền Việt Minh..
- Một số đông (Thanh, Nghệ, Tĩnh) quá khiếp sợ các màn kể tội, đấu tố trong
các phong trào phản phong diệt thực, cải cách ruộng đất. Đặc biệt những người dân đang sống trong những vùng do Việt Minh kiểm soát.
- Một số ra đi để được tự do hành đạo vì họ tin vào người lãnh đạo miền Nam, ông Ngô Đình Diệm là một người đồng đạo.
- Yếu tố quan trọng nhất dẫn đến số đông người Bắc di cư Công Giáo vẫn là sự ảnh hưởng của hàng giáo phẩm VN. Ảnh hưởng chứ không phải do sự lôi kéo dụ dỗ của các cha cố. Lý do dễ hiểu là vì người Bắc di cư Công Giáo gần như tin tưởng tuyêt đối vào hàng giáo sĩ, những người họ coi là đại diện Thiên Chúa. Vì thế, mọi tư tưởng hành động của các vị đối với họ luôn luôn đúng, họ không cần suy nghĩ . Thống kê (trong tiểu luận của P. Hansen) cho thấy, ngoại trừ Hà Nội là một trong 2 điểm tập trung cho sự di cư, giáo phận nào vị giám mục chọn ra đi thì số linh mục và giáo dân cũng ra đi đông đảo, vị giám mục chọn ở lại thì số ra đi cũng ít ỏi hơn. Niềm tin tưởng tuyệt đối vào chủ chăn này thường được hiểu như đức vâng lời, một tính chất cho đến nay vẫn còn là một đặc thù của người Bắc di cư Công Giáo VN.

Phản bác luận điệu 2: Vai trò của Bắc di cư Công Giáo tại miền Nam trong những năm đầu.

Các nhà học giả Tây Phương khi nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này của miền Nam thường đi đến kết luận là khối Bắc di cư Công Giáo là thành phần chính yếu đứng sau lưng hậu thuẫn cho chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc xây dựng và củng cố chế độ, đồng thời cũng là lực lượng chống Cộng Sản kiên quyết mạnh mẽ nhất. Chính vì thế, chính quyền Ngô đình Diệm đã lợi dụng họ như một lực lượng bảo vệ thể chế bằng chiến lược tái định cư họ tại ven đô Sài Gòn và các tỉnh lân cận thành một vòng đai quanh Sài Gòn để vừa ngăn chận sự xâm nhập của CS vừa ngăn ngừa những nội thù phản loạn trong lòng chế độ. Về điểm này, qua sự nghiên cứu, Lm P.Hansen lại đưa ra những nhận định khác theo từng thời điểm trong ba giai đoạn tái định cư người Bắc di cư.
- Giai đoạn 1 : trạm tiếp cư trong thời điểm hai miền di chuyển tự do trong ba
trăm ngày chiếu theo Hiệp Định Paris1954. Với số lượng khổng lồ cả gần triệu người, P. Hansen cho rằng đừng nói chi đến chính phủ NĐD mới ra đời, không một chính phủ nào trên thế giới có thể đối phó với các vấn đề hậu cần liên quan đến người mới tới. Đây là một tình trạng giải quyết cấp thời theo tình hình.Vì thế, trạm tiếp cư là những cơ sở công cộng có sẵn như trường học, nhà thờ, trại lính Pháp đã rút đi hay những bãi đất trống quanh Sài Gòn, một giải pháp tạm bợ không có tính chiến lược.
- Giai đoạn 2: định cư ngẫu nhiên. Bắt đầu từ sau thời điểm kết thúc ba trăm ngày đi lại tự do. Do những bất tiện của các trạm tiếp cư, đồng thời một số cơ sở (nhà thờ, trường học…) phải trả lại cho chủ cũ hoặc cho đúng việc xử dụng. Do người di cư cần tìm kiếm công việc sinh sống, người di cư chuyển đến những tỉnh liền kế quanh các trung tâm đô thị như Biên Hoà, Gia Định, Long Khánh. Tiến trình này không hoàn toàn do chính phủ điều động, mà thường phối hợp với một uỷ ban tái định cư do một giám mục cầm đầu. Vì vậy, giai đoạn định cư này thường mang hình thức giáo dân theo chủ chăn. Gia Kiệm là một điển hình của một vùng định cư mà giám mục Lệ hữu Từ đã chọn đinh cư cho giáo phận Phát Diệm của mình.
- Giai đoạn 3: tái định cư lâu dài. Bắt đầu vào cuối năm 1955. Đây mới là những cố gắng mạnh mẽ của chính quyền Ngô Đình Diệm vận động Bắc di cư vào những kế hoạch định cư nhắm thực hiện những mục tiêu chính trị , an ninh và kinh tế lâu dài. Nhưng trong giai đoạn này, chính phủ không nhằm vào những vùng đô thị đông dân cư để làm vành đai bảo vệ chế độ như những kết luận của đa số nhà nghiên cứu sử . Thực tế , chính quyền Ngô Đinh Diệm đã đưa họ đến những vùng dân cư thưa thớt hơn như đồng bằng sông Cửu Long (20 kênh đào Cái Sắn thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang)) và kế hoạch định cư dinh điền (cao nguyên Trung Phần: các tỉnh thành Đà Lạt, Pleiku. Buôn Mê Thuột). Kế hoạch này không chỉ nhằm phát triển về kinh tế mà còn là con đê ngăn chặn sự nổi dậy của CS. Kế hoạch tương đối thành tựu vì đa số người Bắc di cư Công giáo là nông dân cần đất đai để sinh sống ,vùng đất vào thời điểm tương đối yên bình đồng thời lại thích hợp với lối sống biệt lập về tín ngưỡng từ miền Bắc của họ. Điều nguy hại trong vấn đề này mà chính quyền Ngô Đình Diệm không tiên đoán trước được khi có kế hoạch phù hợp với lối sống biệt lập của Bắc di cư Công giáo, nó kìm hãm sự hoà nhập của họ vào nếp sống người dân địa phương miền Nam (kể cả người Công giáo). Hệ quả đã từ sự cảm thông trong những ngày đầu di cư đổi thành niềm oán hận của dân địa phương đối với cả chính quyền NĐD lẫn người Bắc di cư Công Giáo mà họ (dân miền Nam) cho là được quá ưu đãi. Có thể nói điều này đã góp phần vào những biến động chính trị những năm sau đó dẫn đến sự sụp đổ của nền đệ Nhất Cộng Hoà tại miền Nam VN và cái chết của anh em ông Ngô Đình Diệm.

Kết luận: vài điều lý thú rút ra từ bài tiểu luận.

Như trên đã nói, người viết là một thành phần của con số đông đảo Bắc di cư Công
giáo vào thời điểm đó, với cảm nhận bất ngờ được nhìn thấy lại mình dưới một nhãn
quan của một người ngoại quốc nghiên cứu về một phần lịch sử VN một cách vừa
tổng thể lại vừa sâu sắc tỉ mỉ hơn những gì chính bản thân mình đã trải nghiệm. Với
khả năng hạn hẹp, người viết không đủ sức thấu hiểu hết những khảo sát của bài tiểu
luận thật chính xác. Tuy nhiên, người viết tìm thấy trong ấy một số nhận định khá kỳ thú:
- Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm thường xuyên có mối bất hoà với hàng
giáo phẩm của các giáo khu Bùi Chu và Phát Diệm về vấn đề hai giáo khu này từng hợp tác chặt chẽ với Pháp và Bảo Đại trước 1954. Nhưng cả hai vị giám mục của 2 giáo khu cùng ra đi vào Nam với chính quyền NĐD đem theo đa số các linh mục và giáo dân dưới quyền. Điều này cho thấy cả hai phía lãnh đạo đất nước và lãnh đạo tôn giáo đã có chung mối quan tâm lớn lao về ảnh hưởng nguy hại của một xã hội theo chủ nghĩa CS, một hiểm hoạ cho đất nước và dân tộc như thế nào mà con người cần hợp tác chống lại hơn là chống đối nhau về những dị biệt khác. Nhận xét riêng,dù có ý đồ lợi dụng đám người di cư lớn lao ngay từ thời điểm này hay không cho những tham vọng chính trị vào những năm sau, anh em ông Diệm đã tỏ lộ sự khôn ngoan trong chính trị với việc gạt bỏ tị hiềm, sẵn sàng hợp tác với những ai có cùng quyết tâm xây dựng một thể chế tự do dân chủ cho một nửa nước. Sau này trong những năm cuối của chế độ, khi có những đồn đãi về một liên lạc bí mật giữa hai chính quyền Nam Bắc để giải quyết những xung đột chính trị, quân sự giữa hai miền Nam Bắc không cần đến bàn tay của người Mỹ, đi tìm một giải pháp cho đất nước giữa người Việt dù đang thù địch chống đối nhau cũng là điều có thể hiểu được..
- Lối sống biệt lập tôn giáo của Bắc di cư Công giáo, theo sự tham khảo của Lm
P.Hansen , bắt nguồn từ một giáo hội với những trang sử đẫm máu các vị tử đạo , dẫn đến sự thù nghịch lương giáo ngay trong cùng một xóm làng trải qua nhiều thế hệ thành một nỗi lo sợ ám ảnh, lại bị đồng hoá là một lũ Việt gian (tay sai của Pháp),. Đây là lối sống hầu như không hiện hữu tại miền Nam. Người viết cho rằng, ngoài yếu tố tín ngưỡng trên, hình thức sinh hoạt làng xã riêng biệt trong luỹ tre làng của miền Bắc(miền Nam cũng không có hình thức này) cũng góp phần tạo nên lối sinh hoạt biệt lập này của người Bắc di cư Công giáo. Mặc dù sau cuộc di cư, mối nghi kỵ lương giáo tại miền Nam hầu như không xảy ra, lối sống biệt lập của họ mang từ miền Bắc vào vẫn giữ nguyên, và cho đến ngày nay ra tới hải ngoại, dù không sống co cụm lại với nhau, một số nơi vẫn có những sinh hoạt tôn giáo nguyên trạng thuở trước, đàn chiên đi theo và ngoan ngoãn vâng lời chủ chăn..Một tồn tại mang tính bảo thủ.
- Có sự khác biệt về lề lối sinh hoạt của hai giáo hội Nam và Bắc: giáo hội miền Bắc kiên quyết và chậm thích ứng trong hội nhập nhưng tôn giáo lại có tính cách nhập thế đi sâu vào hoàn cảnh xã hội và không ngại lên tiếng về những vấn đề chính trị. Giáo hội miền Nam mềm mỏng, hoà đồng nhưng giới hạn lằn ranh giữa đạo và đời quá rạch ròi đến mức xa rời thực tế. Phải chăng từ sự khác biệt này mà trong những năm tháng gần đây, chúng ta nhìn thấy những va chạm xung đột giữa Công Giáo VN và nhà cầm quyền CS VN (Toà Khâm Sứ, Thái Hoà, Tam Toà, Đồng Chiêm…) thường xuyên xảy ra trong các giáo khu miền Bắc hơn là trong các giáo khu thuộc miền Nam? Và một điều đáng ghi nhận nữa là mặc dù vẫn giữ nguyên lối sống biệt lập tôn giáo từ miền Bắc đưa vào, hàng giáo phẩm và nhiều giáo dân Bắc di cư tại miền Nam lại đã thấm nhuần lề lối sinh hoạt mềm mỏng và giới hạn đạo đời để đứng ngoài các lĩnh vực mà họ lên án là mang màu sắc chính trị, hoặc đau đớn hơn , tránh né cả các vấn nạn xã hội (giáo dục, phá thai, tham nhũng , cường quyền) với lời biện giải đó là những phạm vi ở ngoài tín lý không có trong quy luật của Giáo Hội Công Giáo?

Phương Duy
15/7/2010
(1) Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc Việt Nam và vai trò của họ tại Cộng hòa miền Nam 1954-1959 - Hiếu Trân dịch ( from Tạp chí Talawas, số Mùa Xuân 2010 , chuyên đề: Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam.
(2)Bắc di cư: Catholic Refugees from the North of Vietnam, and Their Role in the Southern Republic,1954–1959 _ Peter Hansen(from Journals of the University of California Press – The Journal of the Vietnamese studies – Oct 2009 – Vol. 4 – Issue. 3 – pages173 -211).
(3) Australia, đất nước của sự bao dung- Phương Duy ( DCVonline - Người Việt Hải Ngoại – 11/12/2005)

Văn nghệ

Người đi vào cuộc chiến

(Thoại kịch 2 màn)

Các vai diễn:

Quân: người sinh viên nhập ngũ đã hy sinh tại chiến trường.

Phượng: người yêu của Quân

Duy: người bạn đồng đội của Quân

Người dẫn chuyện:tiếng nói trong hậu trường, .

(Màn một)

(Cảnh vật: Ngoài đường phố, hay trong một công viên kế bên nhà Phượng, nơi xẩy ra cuộc hò hẹn).

Người dẫn chuyện: Cuộc chiến tranh do Cộng Sản Bắc Việt xua quân xâm lược miền Nam đã gây ra biết bao tang thương tang tóc cho hàng triệu người Việt trên khắp nẻo đường đất nước .Cuộc chiến đã làm tan nát cả một thể hệ tuổi trẻ đang đầy sức sống,những người con mất cha, vợ mất chồng và biết bao cuôc tình dang dở, những người con gái thơ ngây mất đi vòng tay người tình yêu dấu. Những chàng trai trẻ phải hy sinh hạnh phúc, mất đi cả một tương lai đầy hứa hẹn trước mắt. Đau đớn nhất là mất đi cả cuôc đời son trẻ mà bước chân vào đời còn chập chững e dè. Chúng ta hãy cùng hồi tưởng lại một cảnh đau thương mất mát đó qua đoản kịch với tựa đề: Người đi vào cuộc chiến.

(Mở màn)

Quân, aó khoác vắt trên vai, miệng nghêu ngao hát:

Quân: Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em anh biết tìm đâu bây giờ
Bây giờ tìm kiếm em đâu?
Bây giờ tìm kiếm em… đâu???

(Đi qua đi lại, một tay bóp trán suy nghĩ, ra dáng đi tìm vần thơ):

QuânL đọc chậm) Ta một kẻ khù khờ / Ngọng nghịu đến ngu ngơ / Đợi hoài em chưa tới / Lại chẳng biết làm thơ…

Quân: (vẻ bực bội, nói gằn giọng) Sao tới giờ này vẫn chưa thấy mặt mũi đâu dzậy cà? Hổng lẽ em cho mình leo cây? (Quay về phía khán giả phân bua) Quý vị thấy đó! Làm kiếp con trai thiệt là khổ. Đi đâu, làm gì cũng hết chờ đến đợi.

(đưa tay nhìn đồng hồ) Hẹn gặp 6 giờ mà gần 7 giờ rồi chưa thấy tới. Có phải sinh ra làm đờn bà con gái thì cứ phải(gằn giọng) làm tình… làm tội người ta mới thấy vui sao cà? (Hết kiên nhẫn.Lấy tay làm loa gọi lớn) Phượng ơi! Phượng…

(Phượng dắt xe đạp bước ra, tay cầm mấy cuốn sách, tay kia đưa ngón trỏ trên miệng làm dấu:

Phượng: Ssssshhhh…! Dữ hôn!Làm gì mà la lớn vậy anh Quân. Má nghe thấy má la em chít nghen.

Quân: (Vui mừng nhưng hơi nhăn nhó) Sao tới trễ dzậy, làm anh đứng chờ mỏi chân muốn khóc đây. ( Vẻ mặt phân bua) Mà anh có làm gì đâu mà má la em. Mình thương nhau cũng có chừng mực, nói năng cử chỉ…đúng mức đàng hoàng mà?

Phượng( hờn dỗi): Anh thiệt tình….không hiểu gì hết trơn á! Má hổng có phản đối chuyện chúng mình. Có điều má nói tụi bay học hành lo cho sự nghiệp hổng lo, cứ tối ngày hò hò hẹn hẹn, rồi mai mốt ngó nhau mà sống được sao?

Quân(cười) Nhìn em là đủ no rồi, khỏi cần ăn.

Phượng: Má nói cũng có lý của má. Còn anh chờ có chút xíu đã than thở rồi, hổng có chút tâm lý gì hết trơn. Đàn bà con gái bước ra khỏi nhà phải cho người ta “điệu” tý chút chứ!

Quân: (làm cử chỉ chọc phá) : Điệu cỡ vầy cũng đủ chết thiên hạ rồi.

Phượng:Mà em thấy anh có vẻ buồn chán gì đâu? Còn ca hát rùm trời, trong nhà em còn nghe rõ cái gì mà bây giờ tìm em ở đâu nữa chứ? (chỉ tay xuống trước mặt) Hổng phải anh lết mòn hết vỉa hè trước nhà em đó sao?

Quân:( chỉ tay xuống chân) : thì anh cũng bị mòn hết mấy đôi giầy chứ kém gì?

Phượng: Lại còn bày đặt ngọng nghịu làm thơ nữa chứ. Được mấy câu rồi , đọc em nghe coi.

Quân (chỉ vào mình)Anh làm thơ? (cười khẩy)Nghêu ngao để giết thì giờ, chứ anh mà thơ thẩn gì. Làm gã khờ thì có. (Nói vào tai Phượng)Đóng vai khờ coi bộ dễ hơn làm thơ à nha.

Phượng: Vậy là anh chê em ngốc mới bị gạt theo một gã khờ phải hôn?

Quân: (chọc quê) ! Đúng rồi! (làm bộ như vừa lỡ lời) , Á à!Hổng phải vậy! ý của anh là mấy anh chàng trồng cây si rồi thì có khôn mấy cũng biến thành khờ hết. Nhưng nhờ cái dáng khờ khạo ấy mà người ta mới để ý tới, mới thương ! Mà này, (chỉ tay vào sách Phượngg đang cầm trên tay) Phượng ra đây mang sách vở theo chi vậy? Bộ tính rủ anh tới trường vào giờ này sao?

Phượng (e ấp, ôm sách vào sát người): Không phải, anh đúng là khờ mà… (quay mặt đi) em có cái này… (ngập ngừng) à…mà…không…không…có…gì.

Quân (tiến tới gần hơn): Thôi anh biết rồi, con gái nói không thì chắc chắn là phải có , đưa anh coi nào!

(đưa tay lên giựt cuốn sách trên tay Phượng, trong khi đó Phượng hơi giả bộ ghì chặt hơn không muốn cho Quân cướp lấy, tuy vậy cũng để cho Quân cầm lấy sách)

Phượng: Anh …kỳ quá hà! Giựt đồ em ngoài đường người ta đang cười kìa!

Quân : Ai cười hở mười cái răng. Để coi em có gì trong này (đưa tay lật mấy trang sách).A ha, biết rồi (lôi ra một mảnh giấy) em làm thơ tặng anh phải hôn? (cười) Hổng ngờ thằng khờ tôi có người yêu là một nhà thơ… dzĩ đại.

Phượng ( mắc cở, quay rời xa) Chọc quê em phải hôn? Ghét anh ghê!Hổng them chơi với anh nữa.

Quân (cầm tờ giấy đọc to): Yêu nhau cởi áo cho nhau/ về nhà mẹ hỏi lên lầu áo rơi.

Phượng (nghe đọc, quay phắt lại với sự kinh ngạc): Anh …anh đọc cái gì vậy?

Quân(đùa cợt): Anh chờ em cởi áo tặng cho anh nè

Phượng (tiến tới định giựt tờ giấy trong tay của Quân, nhưng Quân không cho, quay lại phân bua với khán giả): Đó quý vị coi có phải là thằng khờ không? Quỷ sứ thì có

Quân (đùa thêm) Thôi nếu em không dám cởi áo tặng anh thì để anh cởi áo tặng em (Cởi chiếc áo khoác lên người Phượng) còn em cởi nhẫn tặng anh cũng được mà.

Phượng Anh lấy nhẫn của em làm gì?

Quân Thì để lâu lâu không gặp được em nhìn nó cho đỡ nhớ.Với lại…

Phượng: (cảm động): với lại sao?

Quân: (gãi đầu) để khi nào kẹt tiền xài thì …đem cầm

Phượng( giận dỗi, dí tay lên đầu Quận): Chết anh nghen! Vậy mà lúc nào cũng làm như thương nhớ ngừời ta lắm

Quân: Đùa chút thôi mà . Giận anh chi tội nghiệp. Để coi nhà thơ của anh viết gì tặng anh nào. Tình yêu một thuở đầu đời/ Hồn ta đã gửi theo người ta thương

Phượng (ngắt lời:) Thôi anh, chuyện riêng chúng mình mà anh đem phơi hết ra đây cho bà con biết sao? Hôm nay anh hẹn em có chuyện gì quan trọng không?

Quân( trở nên trang nghiêm): À cũng có chút chuyện, anh đến từ giã em, lần này, chắc lâu lắm mình mới gặp lại nhau, anh sắp đi xa

Phượng (hoảng hốt): Anh nói gì, mình còn đang đi học mà! Anh đi xa? Mà đi đâu vậy?

Quân (xa vắng): Anh sẽ đi xa, đi vào nơi… gió… buị….

Phượng (giật mình): Anh… anh đi…vào nơi gió bụi? Nghĩa là sao?Bộ tính bỏ nhà đi lang thang làm dân bụi đời sao chứ?

Quân (cười): Em hiểu lầm rồi! Không phải đi bụi đời. Đi vào gió bụi nghĩa là ( nhấn mạnh)đi vào chiến trận, nơi có tiếng súng tiếng bom, nơi gió cát mịt mùng, nơi sống nay chết mai. Đi vào gió bụi tức là anh gia nhập vào quân đội, cầm súng chiến đấu cho quê hương. bảo vệ cho tự do hạnh phúc của người dân chống lại bọn Cộng Sản tham tàn

Phượng( cướp lời:) Đi lính thì nói đi lính. Đi vào nơi gió buị, lúc này anh học cải lương hồi nào mà ca mùi dữ vậy?

Quân (cười ): Thì nói chuyện với một người làm thơ như em cũng phải có tí chút cải lương cho có vẻ văn chương một chút chứ.(Rút trong túi ra một mảnh giấy) Hôm nay anh đã nhận được giấy trình diện nhập ngũ, mai sẽ lên đường. Anh đến từ biệt em…

Phượng (băn khoăn): Vậy anh đi, rồi chừng nào mình mới gặp lại?

Quân ( nhún vai) Chưa biết chừng. đời lính, nay đây mai đó mà em….

Phượng (có vẻ buồn): Vậy là sắp xa anh rồi. Em sẽ làm gì trong những ngày sắp tới khi không có anh bên cạnh? Còn anh, xa em chắc vui vì cảm thấy rảnh nợ phải hôn?

Quân (nắm tay Phượng):Bậy nào! Dĩ nhiên xa em là buồn. Nhưng biết làm sao. Trót sinh ra trong thời buổi loạn ly, trai thời chiến làm sao tránh khỏi chuyện nhập ngũ tòng quân. Buồn cũng phải đi (tiến sát gần Phượng). Anh mong những ngày chúng mình xa vắng, cách mặt mà không cách lòng, con tim vẫn mãi bên nhau.

Phượng (nhìn vào mắt Quân): Anh nói sao thì phải giữ đúng lời đó. Em nghe nói núi đồi biên ải thường có hoa cỏ rừng hoang dại mà quyến rũ, đừng có say đắm quá mà quên mất lối về thành phố.

Quân:Thôi đừng có nói dại. Đời anh chỉ yêu có một cánh hoa, đó là cánh hoa Phượng yêu dấu của anh, cánh hoa của một tuổi thơ đầy mơ mộng, của những kỷ niệm đẹp thời cắp sách đến trường, của những ngây thơ vụng dại tình đầu,viết thư tỏ tình kẹp trong tập vở, nhưng ngập ngừng không dám đổi trao.(Nắm chặt đôi vai Phượng) Anh đi mang theo cánh Phượng trong lòng.

Phượng: Mai anh đi. Chúc anh lên đường bình an .Nhớ viết thư cho em luôn nhé!

Hai người nắm chặt tay, nhìn thẳng vào nhau lặng yên không nói, hoặc có thể thân mật hơn ở trong vòng tay nhau một ít giây.Nhạc trổi lên bài “Biển nhớ”: Ngày mai anh đi, biển nhớ kêu tên gọi về… Sau đó Quân ra đi vào hậu trường, thỉnh thoảng quay người lại phía Phượng vẫy tay chào. Phượng đứng nhìn theo vẫy tay (hoặc chiếc khăn mùa xoa)giã biệt (nếu có thể với cặp mắt như muốn khóc).

Hết màn một (màn từ từ kéo lại với tiếng nhạc Biển nhớ)))

________________________________________________

(Màn hai)

Người dẫn chuyện:

“ Rồi năm tháng cứ lạnh lùng trôi qua. Người ra đi biền biệt mãi không về. Người ở lại cứ mòn mỏi đợi chờ, khắc khoải trong những giấc mơ. Có khi là giấc mộng vàng:

chàng hiên ngang đi về trong chiến thắng,
Đất nước mình nay đã hết chiến chinh
Hoà lời ca chào đón cảnh thanh bình
Đôi chim uyên một lòng xây tổ ấm

Thực tế, thi thoảng có được những cánh thư viết từ KBC…mà lắm lúc khi nhận được, bì thư còn lấm tấm vài giọt bùn đất hành quân, hoặc đôi khi chứa đựng những trang thư chỉ là những mảnh bao thuốc lá nhàu nát viết vội nguyệc ngoạc lên xuống không đều, kể về những buồn vui đời lính, những đêm thức trắng dưới giao thông hào trong cái đói và lạnh để cố ngăn chặn sức tấn công khủng khiếp của địch quân, những trò vui nhộn chớp nhoáng chọc phá những cô gái miền cao ở một điểm dừng chân an bình nào đó và cả những bi thương phẫn uất khi một đồng đội ngã xuống hy sinh…

Nhưng như một sự ám ảnh đối với Phượng, thường xuyên hơn là những cơn ác mộng khủng khiếp: anh trở về trên đôi nạng gỗ. Hoặc có khi còn bất hạnh hơn: bây giờ thân anh phủ một màu cờ.

Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào , Phượng vẫn kiên quyết đợi chờ với hình ảnh chàng luôn ở trong tim, với niềm tin có một ngày gặp lại người yêu .Dẫu vậy, với niềm thương nhớ trong tim, thời gian như cô đọng, tâm hồn nàng cũng trở nên buốt giá như sương lạnh mùa đông…

Màn từ từ mở ra. Cảnh vật trang trí: Một bàn thờ với bình hương ở giữa nằm sát nền sau của sân khấu. Các nhân vật có thể đứng để diễn hoặc muốn ngồi thì trang trí một bàn nhỏ với 2 ghế ngồi và bộ ấm trà để mời khách.

Phượng từ trong hậu trường bước ra hát bài [ Sương lạnh chiều đông ] hay (Nghìn trùng xa cách)

Phượng : Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối …anh hãy về đây đêm giá lạnh, để nghe lòng tràn dâng…

Có tiếng gõ cửa từ trong hậu trường và tiếng nói vọng ra:

  • Knock knock knock! Xin hỏi có ai ở nhà không?

Phượng ( từ trong hậu trường bước ra, che mắt nhìn về huớng đối diện) Ai như bóng dáng một người lính. (Gọi lớn) Anh Quân, anh Quân về phải không ?

(Người bạn đồng đội ba lô tr ên vai từ từ xuất hiện)

Duy: Dạ đây có phải nhà cô Phượng không ạ?

Phượng: Dạ phải! Xin lỗi ông là ai? Tôi là Phượng đây. Có chuyện chi không ạ.?

Duy: (nhìn thẳng vào Phượng): Đúng là cô Phượng , tôi là Duy , ở cùng đơn vị với Quân. Phượng không biết tôi, nhưng tôi biết Phượng khá rõ qua bức ảnh của Quân. Nó và tôi, hai đứa là bạn thân, coi nhau như anh em ruột.

Phượng(hối hả) Anh là bạn thân của Quân? Mời anh vào. Anh Quân lúc này thế nào?

Duy (cúi mặt xuống): Anh Quân là một người tốt, một cấp chỉ huy đầy dũng cảm và có tinh thần trách nhiệm, luôn luôn được anh em đồng đội thương mến và kính trọng. Điều quan trọng tôi muốn nói với Phượng (ngập ngừng)là Quân lúc nào cũng tưởng nhớ đến Phượng.

Phượng : Em biết ảnh lúc nào cũng nhớ tới em mà …?

Duy (bối rối): Phựơng ơi! Tôi…tôi…rất tiếc. Tôi thật tình không biết phải nói gì bây giờ???

Phượng (tay che mặt) Anh nói vậy nghĩa là gì? Anh ấy không về với anh sao?Có chuyện gì không? Lạy trời không phải tin dữ chứ ?

Duy (chấp tay vái Phượng): Tôi xin lỗi! Phượng. Hãy tha thứ cho chúng tôi đã không bảo vệ được cho anh ấy. Giây phút cuối cùng, anh vẫn gọi mãi tên Phượng. Anh ấy vẫn còn cố trăn trối buộc tôi phải đến tận nhà báo tin và trao tận tay những kỷ vật anh để lại cho Phượng(bỏ ba lô xuống , trao cho Phượng lá thư) Đây là lá thư viết dở tôI tìm thấy trong ba lô của Quân.

Phượng.:(thều thào trong hốt hoảng) Trời ơi! vậy là Quân …đã…(nức nở) vậy là ác mộng bấy lâu đã thành sự thật?

(Phượng cầm lá thư mở ra trên đôi tay bắt đầu run rẩy. Trong khi đó vang lên giọng đọc của Quân với nhạc nền “kỷ vật cho em” ở phía sau)]

Trong khi Phượng đọc thư, Duy cúi xuống lục trong ba lô tấm hình của Quân, cầm ngắm nghía một hồi , rồi mang đặt lên bàn thờ, chậm rãi giơ tay chào và thắp nhang và kính cẩn cúi đầu tưởng nhớ đến người bạn đồng đội vừa ra đi. Sau đó gần cuối bư!c thư, quay trở về vị trí nơ Phượng đang thổn thức đọc thư.)

(Lá thư viết dở của Quân)

Phượng yêu,

Giờ này, bọn anh đang đóng quân trên một ngọn đồi xác xơ vì bom đạn. Lợi dụng lúc cộng quân vừa giảm bớt cường độ pháo kích để tạm nghỉ ngơi, bỏ chút gạo sấy lương khô vào bụng cho qua cơn đói khát và chia sẻ với nhau từng hơi thuốc nhàu nát, nhưng thật ấm áp và quý giá còn sót lại trong lúc này. Mệt đứt hơi,nhưng nghĩ tới em nên ghi vội vài hàng.

Giờ này Phượng đang làm gì nhỉ? Có nghĩ đến anh như anh đang nhớ tới em không? Sài Gòn giờ này chắc đã lên đèn? Riêng ở đây, chiến cuộc mỗi ngày mỗi ác liệt hơn. Từ dạo chia tay từ giã ,đã mấy mùa thu đi qua chúng mình vẫn chưa có dịp gặp lại như lời đã hứa. Anh bây giờ chỉ còn biết hít thở với mùi thuốc súng và đếm thời gian bằng kỷ niệm. Nhớ đến những ngày tháng rong chơi nhàn hạ, chúng mình tay trong tay dắt nhau đi trong phố nắng, xà vào quán thưởng thức ly kem mát rợi và ngọt lịm mà Phượng vẫn ưa thích. Còn anh,lúc đó anh cảm thấy hạnh phúc được tha hồ ngắm nhìn bờ môi em và cứ ước chi được hôn nhẹ lên đôi môi còn phảng phất mùi kem sữa, chắc là tuyệt diệu lắm phải không?

Phượng có biết anh thích gì nhất ở trên vùng núi đồi hoang dã này không? Hoa rừng? Chắc là em nghĩ thế như ngày nào em đã bảo là nó man dại và lôi cuốn làm anh say đắm đến quên cả lối về. Không đâu. Hoa rừng ở đây mộc mạc và xác xơ lắm, vì sự khô cằn của núi đồi cũng có mà phần lớn vì bom đạn chiến tranh. Nói vậy thôi , rực rỡ hay hoang tàn thì bọn anh cũng không thể ngắm nhìn thưởngthức, bởi đạn pháo quân thù luôn luôn vây bủa chung quanh. Do đó thú vui duy nhất của anh là có được những giây phút riêng tư để nhớ về em, và để thảnh thơi đọc lại những trang thư gói trọn tình yêu và nỗi nhớ mà em đã gửi cho anh. Chúng chính là liều thuốc bổ hiếm hoi tạo sinh lực cho đời lính gian khổ này.

(Có tiếng đạn reo sung nổ vang lên)

Bây giờ đạn pháo của địch lại bắt đầu gầm thét, anh phải tạm dừng bút ở đây. Bọn chúng đã trở lại tấn công dữ dội . Có lẽ bọn chúng quyết tâm chọc thủng phòng tuyến đêm nay. Anh phải về ngay vị trí chiến đấu cùng các đồng đội…(Phượng buông rơi lá thư trên tay và từ từ ôm mặt quỵ xuống. Người lính đưa thư ráng đỡ dậy nhưng không nổi, anh đặt tay lên vai Phượng và tay kia đưa ra tấm thẻ bàicủa Quân để lại và nói:

Duy: Đây là kỷ vật của Quân để lại…

(Phượng cầm lấy và hát trong tiếng nức nở) .. Nhạc trổi lên với nhạc phẩm “Tấm thẻ bài”:

Giòng máu nào là của mẹ, /niềm tin nào là của em./ Ôi, trên tấm thẻ bài này,/tấm thẻ bài này, /đã từng chuyên chở tất cả giấc mộng yêu đương./Mộng yêu đương không bao giờ đến/Không bao giờ đến nữa,/Vì anh không còn mang tấm thẻ bài trở về bên em.

Duy (an ủi):Thật tình với số phận oan nghiệt của Quân, chúng tôi không thể làm được gì. Quân đã ra đi, nhưng hình ảnh oai hùng của anh có lẽ sẽ sống mãi trong tôi, trong Phượng, trong lòng mọi ngưòi. Mong là như thế.

Phượng: (khóc): Anh Quân!

Duy: : Phượng! tôi biết sự mất mát này quá lớn, nhưng xin đừng quá bi thương, hãy vì Quân mà bảo toàn sức khoẻ…

Phượng (, cao giọng nức nở): Không, Quân ơi! Anh không thể chết (lắc đầu) với em , anh không bao… giờ …chết…

Duy:(hát) Anh không chết đâu anh…

Phượng: (lết dần đến bàn thờ, cầm hình của Quân, gục đầu lên bàn thờ, hát nói với Duy): Em khăn tang cô phụ, còn lóng lánh dấu ái ân, giọt nước mắt nóng….

Duy (kết): Không, anh không chết đâu anh. Chưa, anh chưa chết đâu anh (nhỏ dần vừa đi vào hậu trường) không, anh không chết đâu anh…

(màn hạ )

Phương Duy

20/05/2010

Cuộc chiến VN

Ba mươi lăm năm: hận thù đã vơi, nỗi đau chưa dứt

Ngày 09/04/1865, một ngày lịch sử trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ: quân miền Nam do tướng Robert. E. Lee chỉ huy đã chấp nhận buông súng đầu hàng khi bị quân miền Bắc do tướng Ulysses Grant lãnh đạo vây hãm hết đường rút chạy tại Appomattox Courthouse, một làng nhỏ tại Virginia. Sự đầu hàng đã chấm dứt 4 năm nội chiến nồi da sáo thịt giữa người Mỹ với người Mỹ. Điều đáng nói là người ta đã ghi lại hình ảnh các văn bản, diễn tiến và thái độ của hai phe thắng và bại trận trong sự kiện lịch sử này tỉ mỉ hơn là diễn tả sự vui mừng của phe chiến thắng hay sự đau buồn tủi nhục của kẻ bại trận.
Vì sao lại có hiện tượng như thế?


Đầu hàng (04/1865)
Nguồn: wset.com
Đầu tiên, hình ảnh một viên tướng bại trận Lee uy nghi trang trọng trong bộ quân phục miền Nam với thanh kiếm chỉ huy trên tay, cưỡi ngựa đi đến đểm hẹn ký văn bản đầu hàng trong tiếng kèn chào đón của đội quân nhạc thắng trận miền Bắc, dù thua trận nhưng vẫn hào hùng. Lại một hình ảnh tuyệt vời khác, sau khi văn kiện đầu hàng đã được ký kết, lúc ông ra đi được sĩ quan và binh sĩ miền Bắc tiễn đưa vẫy tay chào.

Cái đáng trân trọng, là thái độ cư xử của phe thắng trận. Tướng Grant ra lệnh cấm tất cả mọi hình thức biểu lộ ăn mừng chiến thắng trong khi quân miền Nam vẫn còn hiện diện. Trong văn bản ký kết đầu hàng, ngoài việc giải giới các vũ khí quân trang cơ giới hạng nặng, các sĩ quan và binh sĩ miền Nam vẫn được phép giữ lại vũ khí cá nhân. Điều đáng chú ý nhất là không một ai bị bắt giữ làm tù hàng binh. Sau khi tan hàng, những người lính miền Nam được trở về ngay với gia đình của họ, và với khẩu lệnh (không được ghi trong văn bản) của tướng Grant miền Bắc, họ được phép mang lừa, ngựa về nhà, những thứ mà họ đã mang theo khi gia nhập vào quân đội miền Nam, để trở về tiếp tục công việc dở dang trong các nông trại của họ.

Buổi lễ chính thức giải giới quân miền Nam được thực hiện vào ngày 12/4, ba ngày sau khi ký giấy đầu hàng, đánh dấu một trang lịch sử hào hùng đầy cảm động của dân tộc Hoa Kỳ. Không ai được hay mất gì. Trong khi quân miền Nam cuốn cờ giao nộp vũ khí, quân miền Bắc chứng kiến trong cái tư thế trang nghiêm bình thản không có những lời lăng nhục miệt thị, mặc dù cuộc chiến tương tàn gây tổn thất cả triệu nhân mạng cho cả hai phía. Cuối buổi lễ, một sự kiện bất ngờ: tướng Chamberlain, vị tướng quân miền Bắc chỉ huy buổi lễ giải giới đạo quân miền Nam đột nhiên hô lớn: Nghiêm, bồng súng, chào! Tất cả đoàn quân miền Bắc đã ở trong tư thế chào kính, một khoảnh khoắc ngắn ngủi đoàn quân bại trận cũng đưa tay chào lại với gương mặt rưng rưng cảm động. Phe thắng trận đã tỏ ra có tinh thần mã thượng trong cách hành xử nhân đạo và đầy tình người, trong nhận thức biết tự chế xúc cảm của niềm tự hào chiến thắng để tỏ lòng thông cảm, hơn thế nữa, tôn trọng nỗi đau của người thua cuộc. Phe bại trận đã chứng tỏ cái hào khí và tư cách của người quân nhân dù phải buông súng vẫn đầy tự tin và hứng khởi vào con đường trước mắt. Điều mà nước Mỹ đã có được sau cuộc nội chiến không phải chỉ là một đất nước thống nhất thanh bình mà là sự đoàn kết. Một xã hội sau chiến tranh, liệt sĩ cả hai phía đều được vinh danh, không một người Mỹ nào ở cả hai phe đối nghịch, dù còn sống hay đã hy sinh, bị sỉ nhục. Và từ ngày ấy đến nay, Hoa kỳ không ngừng thăng tiến để trở thành đệ nhất siêu cường trên thế giới về mọi mặt.

Cũng vào tháng Tư 110 năm sau, cách xa nửa vòng trái đất, cuộc chiến Bắc Nam giữa những con người cùng một màu da, một huyết thống cũng đã kết thúc với những hành xử hoàn toàn trái ngược. Trong suốt 20 năm đưa người vượt tuyến vào gây chiến tranh tàn phá miền Nam tự do, để giành lấy chính nghĩa, quân CS miền Bắc đã luôn luôn che giấu cái mục tiêu tối hậu của họ là nhuộm đỏ cả hai miền bằng sự tuyên truyền dối trá người dân trong nước cũng như cả thế giới về một danh xưng rất kêu là giải phóng miền Nam khỏi bàn tay đế quốc Mỹ xâm lược, nhục mạ quân miền Nam, những người chiến đấu cho lý tưởng bảo vệ một miền Nam tự do không CS là bọn tay sai liếm gót ngoại bang, trong khi chính những người lãnh đạo của họ lại hết lời ca tụng bợ đỡ Liên Xô, Trung Quốc, triệt để thi hành những chính sách, mệnh lệnh của quan thầy đưa ra.


Đầu hàng (04/1975)
Nguồn: vietnam.vnanet.vn
Một điều đáng lưu ý nữa trong cuộc chiến là sự lật lọng của quân CSBV. Ở đây không nói đến giai đoạn lịch sử 9 năm chống Pháp (1945 – 1954) khi chính người lãnh đạo CSBV ký kết văn kiện mời quân Pháp trở lại VN, để rảnh tay tiêu diệt các đối thủ chính trị không CS trong nội bộ, và sau khi thành công lại đưa dân tộc hy sinh vào cuộc kháng chiến chống Pháp không cần thiết, đoàn quân đã bị Nhật đánh bại trước đó, gây tổn hại xương máu vật chất của nhân dân không kể siết. Trong cuộc chiến Nam Bắc được CSBV mệnh danh là “cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam”, sự lật lọng được quân CS miền Bắc tôn lên hàng sách lược. Quyết tâm chiến thắng bằng mọi giá, bất chấp sự tổn hại của đất nước, nỗi đau của dân tộc, vi phạm các điều khoản trong những hiệp ước vừa mới ký kết. Họ coi sinh mạng con người như cỏ rác, sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả dân quân miền Bắc của họ để đạt được tham vọng của một thiểu số lãnh đạo, nhóm người thu tóm quyền lực trong tay luôn luôn lũng đoạn đất nước để củng cố địa vị và cung cúc tận tuỵ phục vụ quan thầy ngoại bang, những thế lực mà bọn chúng dựa vào để tồn tại.

Sau ngày 30/4/1975, CSBV đã đối xử với quân dân miền Nam VN như thế nào, cả thế giới, người quan tâm tới thời cuộc, ai cũng thấy rõ. Hành vi của họ với Dương văn Minh, vị tổng thống đầu hàng vi hiến và nội các chính quyền của ông ta đang chờ đợi chuẩn bị bàn giao cho đối thủ (ông gọi là người anh em bên kia) giống như một lũ côn đồ đi áp chế người hiền lương, không có tinh thần mã thượng của người chiến thắng. Sau đó là những nhục mạ đê tiện nhất cho toàn thể quân và dân miền Nam trong suốt một thời gian dài. Quân cán chính phục vụ cho chế độ miền Nam bị rủa sả là bọn lính đánh thuê, tay sai của đế quốc Mỹ. Dân miền Nam thì bị họ khinh miệt là đi làm bồi, làm điếm cho Mỹ để hưởng chút bơ thờ sữa cặn. Khi xua quân tràn vào các làng mạc phố thị miền Nam, choáng ngợp trước cảnh sung túc của xã hội miền Nam dù trong khói lửa chiến tranh so với xã hội miền Bắc nghèo nàn lạc hậu của họ vẫn hơn hẳn một trời một vực thì họ lại chề môi chế nhạo là phồn vinh giả tạo.

Khinh miệt dè bỉu nhưng họ tìm mọi cách công khai hoặc ngấm ngầm để chiếm đoạt hết hầu như những gì người dân miền Nam đang có. Từ việc gán ghép tội Việt gian, vu oan giá hoạ cá nhân để giết người cướp của đến các sách lược quy mô ảnh hưởng đến toàn dân tộc như tập trung cải tạo, đi kinh tế mới, cải tạo tư sản, tổ hợp, nông trường, mục đích cuối cùng vẫn là tiêu diệt con người miền Nam cũ hoặc cướp giựt hết mọi của cải vật chất, nhà cửa đất đai và mọi phương tiện sinh sống, phải chết dần chết mòn, hoặc có tồn tại cũng chỉ là một cuộc sống lây lất qua ngày. Một sự trả thù rất hèn hạ đê tiện.

Chính sách trả thù hèn hạ và thái độ tiểu nhân đánh người ngã ngựa đó, cho đến nay, sau hơn hai mươi năm “đổi mới” của họ, một chính sách đổi mới mà đúng hơn phải gọi là đổi chiều, từ một chiều hướng lấy chuyên chính vô sản làm nền tảng chống lại những thể chế tự do được họ gộp chung là chủ nghĩa tư bản, gây ra những cuộc chiến đẫm máu mà họ thưòng tự hào là cuộc chiến một mất một còn “ai thắng ai?”, họ quay ngoắt 180%, phản bội lại cái lý tưởng XHCN, thế giới đại đồng, ôm ấp lấy nền kinh tế thị trường nhằm mục đích bảo vệ cái thể chế đang rã rệu của họ. Đồng thời, với bản chất lật lọng, vẫn còn cố gắn thêm cái đuôi “định hướng XHCN”.

Người sống đã đành, người chết cũng bị những đòn thù ác nghiệt. Trong khi họ xây dựng tô điểm các liệt sĩ của họ khắp đất nước, các nghĩa trang tử sĩ của miền Nam bị hạ nhục, đập phá, các bia mộ bị cưỡng bức dời đi hoặc huỷ hoại. Một số nghĩa trang còn lại như Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà tuy còn tồn tại, nhưng trong một thời gian rất lâu, bị bỏ hoang phế vì thân nhân bị cấm vào thăm viếng, tu bổ chăm sóc. Vài năm gần đây, họ còn có dã tâm muốn xoá sạch Nghĩa Trang này khỏi một phần của lịch sử VN khi biến nó thành một nghĩa trang dân sự.

Ba mươi lăm năm sau ngày tàn cuộc chiến, nhiều người cho rằng người CS miền Bắc đã thay đổi. Chính họ cũng nghĩ rằng họ đã thay đổi. Nhưng thực sự có như vậy? Cuộc sống của cán bộ đảng viên có thay da đổi thịt, trái lại, đại đa số nhân dân vẫn lầm than cơ cực, chạy ăn từng bữa. Điều khôi hài đến chảy nước mắt là sau khi bị áp lực phải thay đổi để tồn tại vì những chính sách sai lầm của họ đưa đất nước đến bờ vực thẳm thì họ trâng tráo vỗ ngực tự xưng công lao rằng nhờ có đảng CSVN lãnh đạo mới có đổi mới.
Cầu cạnh bang giao với Hoa Kỳ và các nước Tây Phương, những quốc gia đã tiếp tay hỗ trợ cho quân dân miền Nam chống lại họ, CS Bắc Việt không cảm thấy trơ trẽn khi lúc nào cũng lên án quân dân miền Nam là tay sai bán nước của Mỹ Nguỵ phục vụ cho nhu cầu của đế quốc. Miền Nam bán nước hay không, thực tế đã rõ ràng, trong suốt cuộc chiến, miền Nam VN chưa hề mất một tấc đất. Ngày nay, dưới chế độ cầm quyền của CSVN, bao nhiêu biển đảo, bao nhiêu đất rừng, bao nhiêu tài sản của đất nước đã mất vào tay ngoại bang phương Bắc và trong tươg lai bao nhiêu hay cả nước sẽ còn mất nữa?

Đối với người Việt thì sao? CS Bắc Việt hiện làm gì với người trong nước đang bị họ nắm quyền sinh sát trong tay? Họ khủng bố đàn áp những dân oan, những kẻ đi đòi công lý, những người đấu tranh cho các quyền căn bản tối thiểu của con người, cho tư do dân chủ và cho cả quyền yêu nước chống bọn bá quyền bành trướng xâm lươc phưong Bắc để giành lại chủ quyền đất nước. Họ trấn áp bằng mọi phương cách không loại bỏ bất cứ thủ đoạn hèn hạ đê tiện nào, như vậy là thay đổi?

Với người Việt ở hải ngoại không kiềm chế được thì CS Bắc Việt kêu gào xóa bỏ hận thù, hoà hợp hoà giải. Đối với những người đã có quá nhiều kinh nghiệm về sự gian trá lật lọng của CS, không bị lợi dụng nghe theo đường lối họ đưa ra thì bị coi là hận thù mù quáng, chống cộng cực đoan.

CS Bắc Việt có còn hận thù không khi hàng năm vẫn tổ chức ăn mừng lễ chiến thắng miền Nam rình rang, họ vui mừng trên nỗi đau của hàng triệu sinh mạng của cả hai miền Nam Bắc, rồi vẫn tiếp tục sỉ vả những nạn nhân của chiến cuộc tưởng niệm nỗi đau ấy bằng các từ như lũ vong quốc, thù hận cá nhân?
Họ có còn hận thù không khi dùng món mồi lợi nhuận kinh tế để áp lực buộc các quốc gia đã từng cho thuyền nhân tỵ nạn CSVN tạm trú phải huỷ bỏ những đài tưởng niệm thuyên nhân VN, những người đã bỏ mình trên con đường chạy trốn CS đi tìm tự do?

Họ có thực sự muốn hoà hợp hoà giải không khi họ không cho một người nào trong nước, bất kể trí thức hay dân thường, kể cả các cán bộ đảng viên của họ cất lên tiếng nói chỉ trích phản đối đường lối cai trị độc tài và những chính sách sai lầm đi ngược lại lợi ích dân tộc của họ?

Họ có thực sự hoà hợp hoà giải không khi cái chính sách trả thù vô lý hèn hạ của họ sau ngày tàn cuộc chiến vẫn còn di hại cho đến ngày hôm nay. Quân dân miền Nam VN không hận thù vì những thiệt hại về sinh mạng và vật chất trong chiến tranh, không oán ghét vì phải chiến đấu bảo vệ tự do cho miền Nam chống lại một chính nghĩa giải phóng bịp bợm, không tức tưởi vì bị bức tử. Quân dân miền Nam oán hận vì những gì người CS VN đã làm sau cuộc chiến: gia đình tan nát, đất nước kiệt quệ, xã hội ngược ngạo luân lý đảo điên. Hãy so sánh cảnh sống xa hoa phù phiếm của cán bộ đảng viên và con cháu họ từ trong nước đến hải ngoại và cuôc sống khó khăn của hàng triệu gia đình quân cán chính miền Nam trong suốt ba mươì lăm năm qua, nạn nhân của không những một vụ cướp tập thể lớn lao nhất lịch sử, mà còn là nạn nhân của chính sách phân biệt lý lịch, gia đình không có kế sinh nhai, con cháu không được học hành lên cao. Những thương phế binh của quân đội miền Nam bị đuổi ra khỏi các bệnh viện, quân y viện trong khi thân mình còn đầy thương tích băng bó, ba mươi lăm năm sau họ vẫn còn đang lê lết tấm thân tàn đi kiếm sống qua ngày. Hãy hỏi những người này có còn hận thù không? Người CSVN đã làm những gì ngày hôm nay để hoà hợp hoà giải với họ?

Đối với người viết bài này, trước đây, hận thù không phải không có sau những năm dài tù tội trong trại tập trung cải tạo, qua những mất mát của cá nhân, của gia đình, của bạn bè thân nhân. Tuy nhiên, qua sự may mắn định cư ở nước ngoài, những thù hận cá nhân dường như đã phai mờ. Những đau thương tủi nhục trong chốn lao tù, những vất cả cơ cực của cái thời còn trong nước dưới chế độ CS dù có đôi lúc bị ám ảnh cũng không đưa đến quyết tâm phải trả thù. Cái tâm trạng này khi bàn luận với bạn bè được nhiều người chia sẻ.

Có oán ghét chăng là những hành xử người CSVN hiện nay. Họ không làm gì hết để sửa đổi những sai trái của họ trong quá khứ gây đau thương cho những nạn nhân của họ, không phải chỉ một thế hệ mà thế hệ con cháu vẫn đang gánh chịu những hậu quả thê thảm. Họ vẫn tiếp tục huyênh hoang tự đắc trước những sai lầm trong quá khứ, tiếp tục bịt mắt nhân dân để che giấu những hành vi xấu xa của họ, lừa bịp những kẻ nhẹ dạ tin tưởng vào sự tuyên truyền dối trá. Nỗi đau lớn nhất là không làm được gì khi họ lợi dụng độc quyền cai trị để dâng cúng đất đai tài sản của đất nước cho quan thầy phương Bắc để làm chỗ dựa vững chắc bảo vệ quyền lực cho họ.

Bởi vậy, với những người luôn luôn trách cứ người Việt Hải Ngoại đã mấy chục năm qua rồi, sao vẫn còn chống cộng điên cuồng, hận thù mú quáng, người viết xin có đôi lời: nếu CSVN thực sự không thù hận và có thực tâm hoà giải, trước hết, không ăn mừng chiến thắng, không gọi ngày 30/4 là ngày giải phóng, hãy đổi nó thành ngày hoà hợp dân tộc. Tức khắc bàn thảo để đưa ra những chính sách sửa đổi những sai trái của mình trong quá khứ, cố gắng giải quyết từng bước những bất công người dân miền Nam đã gánh chịu từ bao năm qua, không bóp nghẹt tiếng nói của người dân, sẵn sàng chịu đối thoại trên căn bản đồng cân đồng lượng, tương kính lẫn nhau. Ít nhất đó là bước đầu cho một sự hoà hợp hoà giải tiến đến thực sự đa nguyên.

Cứ như tình trạng hiện nay, người viết chỉ xin có một lời, ba mươi lăm năm nhìn lại: hận thù đã vơi, niềm đau chưa dứt.
Phương Duy
30/4/2010