Công nhân VN sau các cuộc đình công.

Bắt đầu từ những ngày cuối cùng của năm 2005, các Cuộc đình công của công nhân VN làm việc cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài 100%, đã trở thành các cuộc biểu tình để đòi hỏi các quyền lợi của họ, cơ bản là đòi tăng lương tối thiểu. Sự kiện đình công liên tiếp, nhanh chóng và hàng loạt như vậy đã làm nhà nước CSVN lo sợ. Do đó thủ tướng CSVN Phan văn Khải đã ký ngay quyết định tăng 40% lương căn bản cho công nhân trong một cố gắng giải quyết vấn đề. Tưởng là đã xoa dịu tình hình, nhưng ngay lúc đó, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các công ty thuộc Đài Loan, nơi đứng đầu trong việc đầu tư vào VN với số vốn gần 7 tỷ đô la Mỹ, lên tiếng đe doạ đòi rút khỏi VN vì cho rằng chi phí sản xuất tăng quá cao không còn lợi nhuận. Đồng thời, chính phủ Đài Loan cũng gặp gỡ giới lãnh đạo VN để yêu cầu bảo vệ sự an toàn và ổn định cho các doanh nghiệp của họ. Hơn thế, họ còn muốn nhà cầm quyền VN hứa bảo đảm không cho phép chuyện đình công tương tự xảy ra trong tương lai nữa. Trong khi đó, lại có nguồn tin cho biết, công an VN đã bắt giữ khoảng trên 100 công nhân mà họ cho là những tay đầu sỏ, có ý đồ xấu, cầm càn xúi giục đình công. Chuyện những người này đang bị bắt giữ, báo chí và truyền thông trong nước, không thấy nhắc nhở tới (có thể có một vài tờ báo nói đến mà người viết không biết), không ai biết họ đang bị giam nơi đâu, bị xét án hay không, khi nào được tha về để trở lại với công việc thường ngày?

Bao nhiêu năm nay, dưới chế độ XHCN, chuyện đình công dường như không có ở VN, hay có cũng chỉ dưới hình thức rất nhỏ, vài ba chục, vài ba trăm người, không cần đến công an hay cán bộ nhà nước đụng tay, ban quản trị doanh nghiệp chỉ cần đuổi cổ vài ba tên cầm đầu là xong. Điển hình vụ công an tỉnh Phú Thọ từng bắt giữ một cựu công nhân của công ty đồ gỗ Hàn Quốc vì tội đe dọa tống tiền viên phó giám đốc công ty, người thanh niên này đã bị đuổi việc khi anh ta từ chối đi làm trong ngày lễ nghỉ 02/9/05 - ngày quốc khánh của CHXHCNVN. Tức giận vì bị sa thải bất công làm anh phạm pháp.

Sự đình công quá lớn lao và đồng loạt, trên 40.000 người, trong nhiều thành phố tỉnh lỵ, chứng tỏ sự bức xúc của công nhân đã dâng lên quá cao như sóng trào, tức nước vỡ bờ. Lý do: hơn 6 năm qua, bao lần lạm phát gia tăng, vật giá ngày càng đắt đỏ, mà đồng lương chết đói cứ ỳ một chỗ, kéo theo mọi chế độ tiền thưởng, bảo hiểm, ngay cả chế độ ăn uống cũng tồi tệ, lại còn cảnh áp bức bóc lột như ở lại tăng ca quá mức, không trả thêm lương phụ trội, đi toilet bị trừ tiền, có khi còn hành hạ, đánh đập công nhân , bắt quỳ ngoài sân giữa trưa nắng, cắt phần ăn trưa v.v… Trong khi đó, tổ chức công đoàn, mang danh nghĩa đại diện cho công nhân, không hề có một phản ứng hay hành động gì để gọi là bênh vực gíúp đỡ. Thực ra, đại diện cho công đoàn tại các hãng xưởng cũng là công nhân, nên lo sợ công việc bị ảnh hưởng. Tệ hơn, một số còn về phe với ban quản trị, ỷ thế đàn áp đồng nghiệp để tăng công,lấy điểm. Công đoàn, nghiệp đoàn ở trên thì cao quá không với tới, có tới thì với tình trạng tham nhũng, hối lộ, quà cáp của đám chủ nhân cũng làm nó trở nên vô hiệu hoá. Nếu như có được một nhân viên trong nghiệp đoàn vô tư trong sạch, thì hệ thống luật rừng cũng biến nó trở thành trò”con kiến mà kiện củ khoai”, mất hết bằng chứng và thời gian tính cho vụ việc. Hậu quả, công đoàn tại VN hoàn toàn thờ ơ, không thật sự làm được vai trò bảo vệ quyền lợi thiết thực của công nhân. Chính vì thế, công nhân không có lựa chọn nào khác, ngoài việc tự phát kêu gọi nhau đồng loạt đình công khắp nơi trên các tỉnh thành phía Nam.

Ai có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động? Không chỉ Công đoàn mà cả các cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống pháp luật trong nước phải có trách nhiệm bảo vệ các quyền lợi của người lao động, đặc biệt giới công nhân, đối đầu lại chủ trương lợi nhuận trên hết của giới tư bản chủ nhân. Chúng ta thử nhìn khái quát về chức năng và nhiệm vụ của từng cơ chế trên:

Cơ quan quản lý nhà nước.

Trong thời đại kinh tế toàn cầu hoá, không quốc gia nào muốn phát triển mà có thể đứng riêng, không chịu hội nhập vào thế giới. Khi đã hội nhập, phải chấp nhận luật chơi chung mà tính cạnh tranh là điều bắt buộc. Để có thể cạnh tranh với các nước khác, nhà nước cần có sách lược tăng trưởng về kinh tế một cách khôn ngoan: tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên, nhân lực, vật lực để có thể phát triển về mọi mặt, trong đó yếu tố nhân lực là nguồn lực vô tận và quan trọng nhất. VN trong giai đoạn hiện tại, nền kinh tế công nghiệp đang chập chững ở độ sản xuất gia công, việc kêu gọi phát triển đầu tư nội tại không đủ cung ứng, nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài là thiết yếu. Muốn thu hút nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài, thị trường lao động phải hấp dẫn, nghiã là cần có tính cạnh tranh, làm sao để giới tư bản đầu tư nhìn thấy ngay lợi nhuận. Thị trường lao động VN đang rất hút vì khối nhân lực vừa đông vừa rẻ, công nhân học việc nhanh và rất siêng năng. Không thể vì nhu cầu hội nhập và phát triển mà cơ quan quản lý nhà nước bán rẻ sức lao động của nhân dân mình vô tội vạ. Cơ quan quản lý nhà nước, khi ký kết các giao kèo với các doanh nhân vào đầu tư khai thác, ngoài luật đầu tư, cần có thêm các điều kiện cơ bản kèm theo như:

- Nâng cấp, chuyển giao các kỹ thuật công nghiệp cả về phương tiện sản xuất (máy móc, kỹ năng) lẫn phương cách làm việc (quản trị, điều hành) theo từng mỗi giai đoạn, từng khoảng thời gian.

- Có kế hoạch nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho mỗi công nhân, tuỳ theo khả năng,trình độ kiến thức từng người..

- Bảo đảm an sinh, không những cho công nhân và gia đình họ, mà cho toàn thể nhân dân trong vùng, không gây nguy hại cho môi trường chung quanh (xả rác, chất độc hại vào đất đai, sông suối), không làm ô nhiễm không gian (nhả bụi khói mịt mù, nhất là những nơi có đông dân cư sinh sống) gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Một trong các nhiệm vụ trọng yếu của nhà nước là có kế hoạch tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Ngoài sự giữ vững công việc sẵn có của các công nhân đương thời, nhà nước còn phải trù tính đến sự gia tăng hàng năm của lực lượng lao động. Dưới trách nhiệm nặng nề này, nhà nước dễ bị đám doanh nhân nước ngoài khuynh đảo. Trong việc giải quyết nạn thất nghiệp, không nên để bị họ eo sách hoặc lôi cuốn mà hy sinh, áp chế các quyền lợi của đất nước và nhân dân.

Trong nhiều năm qua, dựa vào cáo gọi là lề lối làm việc linh động kiểu Á Đông, thực tế là sự tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc, cơ quan nhà nước đã để cho doanh nghiệp lũng đoạn thị trường lao động VN,các đon vị hành chánh cấp thấp, để lôi kéo đầu tư về điạ phưong của mình hầu hưởng lợi, đã cạnh tranh bất chính với nhau bằng cách dìm giá lao động, dành quyền tuyển lựa nhân công để mặc tình ra giá mua bán hay bắt chẹt chia phần lương bổng. Trò hối lộ qua các hình thức quà cáp của doanh nhân cho các cơ quan quản lý nhà nước là sự thông đồng đôi bên cùng có lợi, chỉ có giới công nhân chịu thiệt thòi. Hãy làm 1 con tính đơn giản: với đồng lương tối thiểu 600.000 đồngVN/tháng, không tính phụ cấp, không tính tăng ca phụ trội, lương tổng cộng của 1 công nhân trong 6 năm qua là 43 triệu đồng VN (600.000 X 72 tháng = 43.200.000 đồng VN), nhà nước vừa ký quyết định tăng 40% lương tối thiểu cho công nhân, có nghĩa là doanh nhân đã ăn gian 40% lương tăng của công nhân trong 6 năm (trung bình 6.5% một năm). Tiền quỵt nợ 1 công nhân là 17 triệu VN (40% của 43 triệu = 17 triệu). Thống kê cho thấy hiện có khoảng một triệu công nhân VN đang làm việc trong các công ty có vốn đầu tư 100% nước ngoài. Như vậy, tiền doanh nghiệp nước ngoài đã quỵt trên một triệu công nhân VN trong 6 năm qua là 17 ngàn tỷ đồng VN (17 triệu X 1 triệu nhân công = 17 ngàn tỷ). Đổi ra đô la Mỹ theo hối suất hôm nay: 1 USD = 15.900 đồng VN, lượng tiền tương đương 1 tỷ 100 triệu đô la. Tới đây, chúng ta có thể đoán được bao nhiêu vào túi cơ quan nhà nước, còn bao nhiêu doanh nhân hưởng lợi.

Luật lao động.

Bàn về lãnh vực pháp luật trong kinh tế, chúng ta có cả rừng luật mà ngay những nhà kinh tế giỏi giang nhất cũng không tài nào nắm bắt hết, thường thì các đại công ty có nguyên cả ê kíp hàng chục, có khi hàng trăm luật gia để tham khảo, cố vấn cho họ. Ở đây, chỉ xin nêu lên một vài khía cạnh căn bản nhất của luật lao động một cách khái quát, không phải theo kiến thức của một luật gia, mà chỉ theo sự hiểu biết hạn hẹp thô thiển, thực tế trong cuộc sống, dù đơn giản nhưng thiết yếu để người lao động ý thức được hầu tự bảo vệ mình hoặc đòi hỏi được bảo vệ.

Nói đến luật lao động, trước hết phải nói đến quan hệ lao tư, còn gọi là quan hệ chủ thợ. Xưa nay, quan hệ này luôn luôn xung khắc. Theo Marx, chính sự xung khắc này đưa đến sự đấu tranh giai cấp, từ đó nảy sinh chủ nghĩa Cộng Sản. Tuy xung khắc nhưng chủ thợ vẫn phải dựa vào nhau để sống. Luật lao động được làm ra để phần nào hoá giải những xung khắc này. Giới chủ nhân muốn nhân công làm việc nhiều hơn, lãnh lương ít hơn để trong sản xuất bớt chi phí, hưởng lợi nhiều hơn, cuối cùng đi đến sự bóc lột sức lao động. Trái lại, công nhân muốn làm ít đi, lãnh lương nhiều hơn, rốt cuộc, giá thành sản phẩm sẽ tăng cao, giới chủ nhân thua lỗ, cuối cùng doanh nghiệp rút chạy hoặc sụp đổ, chủ mất nhà máy, công nhân mất việc. Luật lao động mang sự dung hoà đến cả 2 phía: quyền lợi và trách nhiệm cho cả 2 bên để cùng bớt đi sự bóc lột sức lao động, giảm thiểu những lãng phí gây nguy hại cho doanh nghiệp. Luật lao động căn bản:

- Hợp đồng làm việc: 2 bên chủ thợ ký hợp đồng về hình thái làm việc: toàn thời, bán thời, vĩnh viễn, tạm thời, hoặc các giao kèo thời hạn dài ngắn khác nhau (tháng, năm…), đồng thời chấp nhận điều kiện làm việc theo tiêu chuẩn, chính sách của từng chuyên nghề, từng doanh nghiệp.

- Điều kiện làm việc: Luật lao động quy định chung về các điều kiện làm việc tối thiểu mà mọi doanh nghiệp phải cung ứng cho công nhân.

1. Lương bổng và phụ cấp: ấn định lương tối thiểu cho từng độ tuổi lao động, các phụ cấp nghề nghiệp, tỷ lệ phụ trội tăng ca, phụ cấp đau ốm, hộ sản, thường niên, ngày lễ tết, lương hưu…mà người lao động phải được hưởng đầy đủ.

2. Thời hạn làm việc theo tiêu chuẩn: thí dụ 8 tiếng/ngày, 40 tiếng/ tuần. Sau đó là giờ tăng ca (trả phụ trội), thứ Bảy, Chủ Nhật là ngày nghỉ cuối tuần, nếu phải đi làm sẽ tính vào giờ tăng ca. Những ngày lễ Tết nghỉ có lương, số ngày nghỉ bệnh có lương, số ngày nghỉ thường niên có lương.

3. An toàn lao động: các dụng cụ an toàn (quần áo, mũ nón, mặt nạ khẩu trang, giầy dép và các dụng cụ cần thiết cho lao động) phải được cung cấp để tránh tai nạn, độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ hay sinh mạng của công nhân. Các phương pháp làm việc an toàn: tốc độ máy móc không quá sức người, dễ gây nguy hiểm. Có một khoảng cách nghỉ ngơi cho công nhân (thí dụ 10 phút nghỉ sau mỗi 2 giờ làm việc) để tránh sự quá mệt nhọc dễ gây tai nạn.

4. Chế độ bảo hiểm: các bảo hiểm tối thiểu cho công nhân trong trường hợp gặp nạn, mất sức lao động, thương tật, về hưu, hay mất mạng sống trong công việc, kể cả sự mất việc

5. Cơ hội bình đẳng: tất cả công nhân, tuỳ năng lực, trình độ chuyên môn, tay nghề, thâm niên, phải có cơ hội để thăng tiến trong nghề nghiệp và lợi tức, không chấp nhận phe cánh hay quen biết. Trong cách đối xử, mọi người từ công nhân đến ban quản trị phải được đối xử như nhau, giữa con người với con người, không chấp nhận sự hành hạ bằng bất cứ hình thức nào trong lao động. Nhân viên phạm lỗi bị xử phạt theo quy chế đã được ấn định trong chính sách làm việc. Không bị kỳ thị về tuổi tác, phái tính,sắc tộc, tôn giáo,thành phần xã hội,tình trạng gia đình.

Qua một số luật lao động rất sơ lược trên, chúng ta cũng thấy rõ luôn luôn có sự tranh chấp giữa chủ và thợ. Điều đáng quan tâm là, không phải lúc nào các bất đồng này cũng có thể giải quyết một cách êm đẹp. Khi sự mâu thuẫn quá sâu sắc thường dẫn đến sự đình công, vũ khí cuối cùng của giới công nhân. Trong sự đình công, cả 2 phía chủ thợ đều bị thiệt hại. Để giảm bớt thiệt hại của cả 2 bên, luật lao động quy định những luật lệ để sự đình công có được yếu tố hợp pháp hay không, chẳng hạn trước khi đình công cần có sự trao đổi của đại diện 2 bên để giải quyết vấn đề trước, sau đó để đình công cần có sự biểu quyết đồng ý của đa số (trên 50%) công nhân, thông báo thời hạn ngày, giờ cuộc đình công khởi sự cho đại diện chủ nhân. Trong lúc đình công, đại diện chủ thợ vẫn phải tiếp xúc để giải quyết sự mâu thuẫn. Tốt nhất, cần có 1 uỷ ban độc lập để hoà giải, gồm những chuyên gia độc lập rành rẽ về luật. Uỷ ban sẽ nghe 2 bên trình bày đối chất, rồi phân xử đúng theo luật lao động.

Cho đến nay, mặc dù hệ thống pháp luật VN có luật lao động, dường như bộ luật này không được phổ biến sâu rộng, người lao động VN không mấy ai biết được những điều cơ bản về quyền lợi và nhiệm vụ của mình. Hậu quả là đã phải chịu đàn áp bóc lột cả sức lao động lẫn mọi quyền lợi về tinh thần cũng như vật chất trong nhiều năm liền. Đến khi quá uất ức dẫn đến đình công , từ đình công đi đến biểu tình. Trong biểu tình, đôi khi chỉ vì một chuyện đôi co bé nhỏ mà gây nên những xô xát, hoặc dẫn đến bạo động (như đã xảy ra trong những ngày qua). Không có một ban hoà giải để 2 bên giải quyết những tồn tại từ nhiều năm qua, người công nhân thấp cổ bé miệng chỉ biết trông chờ vào cơ quan quản lý nhà nước ở trên trông xuống. Tuy nhà nước có hứa giải quyết cho tăng lương, những xung đột bất công khác vẫn còn tồn đọng, chưa ai biết rối những diễn tiến bất ngờ sẽ đi về đâu.

Công Đoàn.

Công đoàn là đoàn thể thoát thai từ công nhân. Công đoàn đại diện công nhân để đấu tranh bảo vệ các quyền lợi cho đoàn viên của mình. Mặc dù đã có cơ quan nhà nước và bộ luật lao động, không phải lúc nào các chính sách và luật lệ cũng được thi hành đúng mức; đồng thời, theo quy luật tiến hoá và phát triển, cái tốt đẹp hôm nay, chưa chắc là cái hoàn thiện cho ngày mai; công đoàn có nhiệm vụ theo dõi bảo vệ những quyền lợi sẵn có, xem xét cho nó được thi hành đầy đủ, nghiên cứu để đề xuất cải thiện, thay đổi những luật không còn hợp thời và tìm tòi ra những khó khăn mới của công nhân nảy sinh qua sự tiến triển của quan hệ lao tư, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật thay đổi cực nhanh hiện nay, đòi thêm quyền lợi mới. Cụ thể, công việc của công đoàn là tham khảo hàng năm, giá trị đồng lương của công nhân có tương xứng với giá trị lao động của họ không? Tình trạng lạm phát, tỷ giá chi dùng, tỷ lệ hối xuất mỗi năm mỗi tăng ảnh hưởng ra sao? Công đoàn cần có những hội họp thảo luận với công nhân thường xuyên để cùng góp ý thương lượng những yêu cầu, đòi hỏi của mình tới ban quản trị doanh nghiệp. Không những thế, công đoàn còn phải giúp đỡ, tranh đấu cho mỗi cá nhân của đoàn viên công nhân khi những người này gặp khó khăn trở ngại riêng, chẳng hạn bị một viên giám đốc, đốc công ức hiếp tàn nhẫn, đối xử quá bất công, có hành vi xách nhiễu hoặc bị sa thải vô cớ.

Thế nhưng công đoàn ở VN đã không có cách tiếp cận như vậy. Trong khi các cơ quan nhà nước viện dẫn lý do giữ tính cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư để làm ngơ cho tư bản ngoại quốc bóc lột nhân dân lao động, đám công đoàn VN lại cũng theo đóm ăn tàn, về hùa với những ông …Trời con đó, quay lại ức chế các đoàn viên của mình, những người hàng tháng cứ phải đóng góp một phần đồng lương ít ỏi để trả lương cho họ, không đếm xỉa gì tới những nhu cầu tối thiểu của công nhân. Chung qui cũng do sự lạm dụng quyền hành, phe phẩy móc ngoặc, rồi kết bè kết đảng của thiểu số để đưa người thân bạn bè, tay chân vào những vị trí then chốt để lũng đoạn cả tập thể. Sau những biến động của các cuộc biểu tình qui mô vừa qua, có thể nói bắt đầu làm rung chuyển chế độ CS độc tài, chúng ta hy vọng rằng, giới công nhân đã thấy rõ ai là người đại diện chân thật của họ. Những tên lưu manh đểu giả đã thì lộ mặt, những người được bầu vào trong công đoàn sắp tới phải là những gương mặt sáng giá, thực sự chăm lo đến quyền lợi của công nhân.

Vai trò của DCSVN.

Có một điều trớ trêu, ĐCSVN luôn luôn tự nhận là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngay từ khi mới thành lập. Thuở ấy, VN là đất nước có nền kinh tế 90% nông nghiệp, nền công nghiệp chưa có gì ngoại trừ một ít thủ công nghệ,dường như chưa có giới công nhân, đảng đã coi mình là đại diện cho nó, dù giai cấp này chưa thành hình. ĐCSVN đã ma mãnh chơi trò liên hiệp công nông, nhưng vẫn cho công nhân làm giai cấp lãnh đạo để theo đúng đường lối chủ nghĩa Mác Lê. Đến khi chiếm được chính quyền trong tay rồi, lãnh đạo đất nước đi theo trào lưu tiến hoá của thế giới mới thấy muôn vàn khó khăn. Hơn 50 năm áp đặt xây dựng Tổ Quốc theo mô hình XHCN, 30 năm làm kinh tế kiểu bao cấp CS chỉ mang đến đói nghèo tụt hậu. Tỉnh chút cơn mê, mời gọi đám tư bản nước ngoài vào đầu tư trong nước, quay đầu đi ngược với ý thức hệ CS, nhưng lập lờ đánh lận con đen bằng cái đuôi định huớng XHCN quái gở. Những năm vừa qua, vì sợ mất đi tính cạnh tranh trong sự thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nên cố bảo vệ môi trường đầu tư bằng mọi giá, hy sinh các nhu cầu căn bản của người dân lao động để làm vui lòng đám tư bản nước ngoài mà trên lý thuyết của đảng vẫn hô hoán là kẻ thù đang giẫy chết, những tên ăn bám, những con đỉa nhiều vòi đang hút máu mủ nhân dân thì quả là bất nhân, đại bất nhân. Khi thấy sự cố biểu tình lan nhanh và có chiều hướng không kiểm soát được nữa, đảng đành cho ông Thủ Tướng ký sắc lệnh tăng lương khẩn cấp lên tới 40%, một việc hy hữu chưa bao giờ có trong lịch sử CSVN. Sự tăng lương đột ngột và quá cao này chắc chắn đang gây một hệ lụy mà chúng ta có thể chờ xem: Giới đầu tư bất mãn, chính quyền các nước đòi can thiệp, giá sinh hoạt trong nước xáo trộn và nghe đâu, công nhân một số công ty có vốn đầu tư trong nước cũng đang rục rịch… theo bước . Có điều chúng ta có thể nhìn ra được, là rõ ràng 2 triệu đảng viên đảng CSVN không nằm trong thành phần công nhân này, hay nếu có chỉ là một số rất nhỏ nằm trong ban quản trị doanh nghiệp, ban lãnh đạo công đoàn. Có lẽ do quá trình phấn đấu để vào đảng khó khăn vất vả, không lý tưởng mà mục đích chỉ là tiến thân, hưởng lợi, nên khi thành đảng viên, ít ra cũng phải tìm được những vị trí tốt, ngồi mát ăn bát vàng như các cơ quan nhà nước , hay tệ nhất cũng ở trong 1 công ty quốc doanh mà làm thì ít, báo cáo thành tích thì nhiều, lỗ lã cũng chẳng phải lo. Không có đảng viên trong đám công nhân này thì đảng đâu cần bận tâm, đối với nhân dân lao động, đảng cần lãnh đạo, không cần phục vụ. Sự nhượng bộ trong việc chấp nhận nâng lương chỉ là hành động tạm thời nhằm giảm sức ép. Những biện pháp trừng trị sau này ra sao chưa ai lường trước được. Đừng quên rằng, đảng thường lui một bước để tiến lên hai bước. Chuyện bắt giữ hơn 100 công nhân chứng tỏ điều đó. Khi tình hình lắng dịu, đảng sẽ đưa những người này ra đấu tố, xét xử, khép vào những tội như đình công không xin phép, biểu tình bất hợp pháp, hoặc có thể nặng hơn như phá rối trị an, phá hoại sản xuất, đập phá tài sản nhà nước, chống đối chế độ…

Kết luận.

Để tránh những hậu quả không hay đó, giới công nhân VN cần đoàn kết chặt chẽ với nhau. Khi chấp nhận sát cánh bên nhau qua các cuộc đình công biểu tình, các bạn đã bước vào con đường đấu tranh trong hoà bình cho chính bản thân mình không thể quay đầu lại. Những quyền lợi mà các bạn gặt hái được còn rất nhỏ nhoi và không chắc chắn. Các bạn cần mạnh dạn hơn nữa, nhất là trong việc bầu ra những đai diện thực sự cho mình, làm cho công đoàn trở về vị trí đúng nghĩa của nó. Không phải chỉ có đồng lương, mà nhiều thứ khác còn cần yếu hơn như quyền đòi được đối xử công bằng trong công việc, không bị đàn áp đánh đập hay bất cứ hình phạt có hại cho tinh thần và thể lực, quyền bảo hộ an toàn lao động ở mức cao nhất, quyền không bị sa thải bất công, hay nếu bị sa thải phải có sự bồi thường chính đángv.v… Tốt hơn hết, từng công đoàn nên phổ biến luật lao động đến từng công nhân. Áp dụng chính những luật lệ cũa CS để tranh đấu bảo vệ cho mình một cách hợp pháp. Đừng quá lo đến những lời đe doạ rút chạy của giới chủ nhân. Họ sẽ không bỏ chạy. Cho dù họ có rút chạy cũng có hàng trăm công ty khác sẵn sàng chiếm chỗ. Nếu như công ăn việc làm bị ảnh hưởng trong vài tháng, cũng đừng lo sợ, vì sự đấu tranh này sẽ có lợi trong dài hạn. Châm ngôn là: người siêng năng đừng sợ không có việc, chỉ sợ bạn có đủ siêng năng hay không. Một điều rất quan trọng: xin đừng quên các bạn hữu, những người vì tranh đấu cho các bạn mà đang bị bắt bớ giam giữ. Hãy tranh đấu đòi thả họ và cho họ trở lại công việc cũ. Thành quả các bạn có được hôm nay, công đầu là của các anh em không may mắn đó.

Cuối cùng, xin có lời với các nhà đấu tranh cho dân chủ trong và ngoài nước: Có lẽ trong lúc này, quý vị không thể công khai tiếp xúc với anh chị em công nhân để ủng hộ và hỗ trợ họ, vì như thế giới lãnh đạo CSVN sẽ chụp ngay cơ hội để đổ hết tội lỗi gây rối, phá hoại trật tự an ninh, chống đối chế độ lên đầu quý vị và anh em công nhân. Họ sẽ có cớ để bắt bớ, đàn áp thẳng tay. Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể âm thầm tiếp tay bằng cách kín đáo loan truyền những tin tức nóng này đến mọi người dân, đặc biệt là nhân dân lao động miền Bắc (Theo tin tức báo chí từ những ngày qua, các cuộc đình công chỉ xảy ra từ tỉnh Quảng Nam trở vào, có nghĩa chỉ có ở miền Nam). Tìm cách phổ biến sâu rộng về luật lệ lao động tại VN cho càng nhiều người biết được càng tốt. Lập danh sách tên tuổi những công nhân đang bị bắt giữ chuyển ra ngoài tìm cách vận động giúp đỡ họ. Quý vị tại hải ngoại có thể gửi về VN các tài liệu về quyền lợi căn bản của công nhân các nước mình đang sinh sống để người trong nước có được sự so sánh đối chiếu, rút tỉa những kinh nghiệm. Dùng sự quen biết và ảnh hưởng của mình với các cơ quan trong nước. các chính quyền , các tổ chức có uy tín trên thế giới yêu cầu, đòi nhà cầm quyền VN trả tự do ngay cho những người bị bắt giữ. Chúng ta đang có một cơ hội rất thuận tiện để thâm nhập vào hàng ngũ nhân dân lao động, tìm hiểu những nhu cầu và nguyện vọng của họ cũng như giúp họ nâng cao trình độ nhận thức. Đấu tranh cho quyền lợi thiết thực của đại đa số nhân dân lao động chính là nền tảng của đấu tranh cho dân chủ.
Phương Duy
Australia, 14/01/2006

Các bài liên quan:
- Công nhân VN, cuộc đọ sức bắt đầu,tác giả Phương Duy
- Tác động của đình công,tác giả Binh Nhì
- Thư gửi N.Đ.Mạnh:yêu cầu 8 điểm của công nhân VN,tác giả Nguyễn Tấn Hoành.
- Đình công - quyền lợi cho ai?tác giả Trần Giao Thuỷ.

Vài suy nghĩ về căn bệnh anh hùng.

Phương Duy

Tôi đã ghé Singapore một lần, hơn 23 năm trước, trên con đường đến Úc định cư. Ở phi trường Kuala Lumpur,Mã Lai, đã thấy nơi đây to lớn. Sang tới phi trường Singapore, mới thấy nó không nhằm nhò gì. Trong 2 giờ chuyển tiếp chờ đợi chuyến bay, không 1 xu dính túi, cũng đi lòng vòng các cửa hàng trong phi trường để giết thì giờ, cũng thấy nó hiện đại làm sao. Đúng tiêu chuẩn một sân bay quốc tế.

Đó là chuyện hơn 20 năm trước. Bây giờ có lẽ Singapore đã phát triển hơn thế gấp trăm lần. Ông Đinh Từ Thức (ĐTT) may mắn được lui tới đến 4 lần, với kiến thức của 1 ký giả kinh nghiệm đầy mình, cộng với những nghiên cứu đầy tính khoa học, đã có những bài bình luận rất giá trị, mà bài “Bệnh anh hùng” (Talawas) là một thí dụ điển hình.

Tuy thế , ông không thuyết phục được tất cả mọi người. Trong bài “Giật mình khi ở xó cầu?”(cũng trên Talawas) ngày 31/10/2005 của tác giả Đỗ Kh., ông Kh. cho rằng khi đem VN so sánh với Singapore, ông ĐTT đã vướng một số khập khiễng.

Theo Đỗ Kh. :

- VN: lãnh thổ lớn hơn, tài nguyên phong phú hơn, ngôn ngữ thuần nhất hơn Singapore không hẳn là có điều kiện tốt hơn. Ông dẫn chứng một lô những “nước”: Hongkong, Macau, Bermuda, Monaco, Andorra, Luxemburg, Vatican (ngay cả những nước tôi chưa nghe tên như Letchtenstein), nước nào cũng nhỏ bằng hoặc hơn, tài nguyên ít hơn Singapore, có nước không có cả ngôn ngữ riêng, đều có độ phát triển mạnh tương đương với Singapore (trung bình GDP của họ trên dưới US$20.000).Càng nhỏ càng dễ phát triển. Hơn nữa, các nước này chưa có tầm vóc để được gọi là một quốc gia. Nếu muốn so sánh một cách tương xứng, nên so sánh nó với Chợ Lớn ở Sài Gòn hay quận Hồ Tây ở Hà Nội.

- Về món nợ quốc gia cũng không xứng hợp: Mỹ: 74% GDP; VN: 19% GDP, như thế VN còn thua xa. Dân Mỹ nợ như chú chổm, mà họ có lo gì đâu.

- Về việc đề cao lãnh tụ: Singapore cũng có đấy chứ, có điều họ đề cao khôn ngoan hơn,tế nhị hơn, còn VN thì quá ồn ào và quê mùa thô kệch.

"Bên Bếp Lửa Những Người Anh Hùng" là câu chuyện
về "18 gương lao động xuất sắc, tiêu biểu trong thời
kỳ đổi mới; trong đó có những nhân vật đã 2 lần
được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động"
(Nhà xuất bản Trẻ, 2004).
Ông Đỗ Kh. lại cho rằng: bàn luận về anh hùng, chỉ nên so sánh VN với những nước Indonesia, Malasia, Thái Lan, Myamar (Mìến Điện), Philipiness, những nước ngang tầm và không có đảng cộng sản lãnh đạo. Đỗ Kh. chê ông ĐTT ở điểm ông ĐTT đã quên không đề cập đến tình hình tự do báo chí và nhân quyền mà 2 nước VN và Singapore (SGPE) có điểm tương đồng: cả 2 đều được xếp gần hạng chót (VN:158, SGPE:140) trong bảng xếp hạng của Amnesty International hay RSF (Phóng viên không biên giới?). Nói cho đúng, Ông Lý Quang Diệu của SGPE đã từng đưa ra lập luận “Truyền thống Á Đông” không có dân chủ, hoặc “Giá trị trật tự Đông phương” để lý giải cho cái chích sách độc tài độc đảng (không CS) của Singapore. Độc tài để ổn định, có ổn định mới phát triển, Singapore là một bằng chứng hiển nhiên. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nhà cầm quyền Hà Nội ngưỡng mộ, mời ông qua làm cố vấn. Đảng CSVN cần độc tài toàn trị để giữ chặt quyền, mừng rỡ ôm lấy lý luận của ông Lý,như người sắp chết đuối vớ được cái phao. Ý ông Đỗ Kh. là giàu sang ai không muốn, kinh tế phát triển vượt bực thì tốt đấy, nhưng không có dân chủ thì ngột ngạt quá, báo chí ngôn luận mà chỉ một chiều thì chỉ có nhiệm vụ làm …giấy gói đồ.

Tôi cũng đồng ý với ông Kh. , được sống trong một gia đình giàu có, quyền cao chức trọng, mà có mẹ chồng khắc nghiệt, canh giữ từng lời ăn tiếng nói, dáng điệu cử chỉ của nàng dâu, thì thà sống trong một gia đình nghèo hèn, mà mẹ chồng khoan dung, yêu thương chân thành, hoà đồng với con có phải sung sướng hạnh phúc hơn không?

Tôi không thích cái lập luận chính quyền là cha mẹ dân của Singapore. Đây có thể là thành phố sạch nhất, kinh tế phát triển cao nhất, giáo dục tốt nhất, nhiều nhà vệ sinh nhất, phục vụ du khách tốt nhất, nhưng ai cũng trật tự quá, ăn nói cùng một nhịp điệu theo sự điều khiển của nhà nước, thì cũng nhàm chán nhất. Singapore hiện vẫn còn án tử hình treo cổ (dường như sắp sửa thi hành cho một tù nhân Úc gốc Việt can tội chuyển lậu ma tuý), người phạm pháp còn có thể chịu hình phạt đánh đòn, và chỉ vì cái trò nghịch ngợm của đám trẻ nào đó mà những thanh kẹo chewing gum bị cấm thì quả là khắc nghiệt. Nhưng thưa ông Đỗ Kh., theo tôi hiểu, tác giả ĐTThức chỉ làm một sự so sánh giữa VN và Singapore để cho người đọc có cái nhìn rõ nét về sự tụt hậu của VN hiện tại về mọi mặt là hậu quả của một căn bệnh: Bệnh anh hùng

Nhà báo Đ.T.Thức viết:” Nhưng tại sao, độc lập sau Việt Nam 20 năm, ngày nay Singapore nằm trong số những quốc gia đứng đầu danh sách các nước trên thế giới, trong khi Việt Nam nằm chung với các nước dưới cuối? Hình như câu trả lời là chỉ vì hai tiếng “anh hùng” mà thôi.”

Ông nhắc đến những bài diễn văn của lãnh đạo, những bài báo khắp nước trong dịp kỷ niệm 60 năm Cách Mạng tháng Tám, hai chữ anh hùng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần hơn cả: nào là đất nước anh hùng, dân tộc anh hùng, chủ nghĩa cách mạng anh hùng, thủ đô anh hùng, Sài gòn mất tên cũng là thành phố anh hùng, chiến đấu cũng anh hùng, lao động cũng anh hùng. Tự nhận mình là anh hùng chưa đủ, mạng lưới chính thức của đảng còn cố công tìm kiếm để phổ biến những bài báo Mỹ trên tờ Báo Bưu Điện Washington (tờ Washington Post?) để tự ca anh hùng.(Tác giả không kiểm chứng được vì không đề ngày tháng phát hành). Hồ Chí Minh khi còn sống cũng tự nhận là anh hùng.

Cuối cùng ông kết luận: “Anh hùng không phải là điều xấu, nhưng khi nó trở thành một ám ảnh thường trực, đã biến thành bệnh. Ví dụ, giữ gìn cơ thể sạch sẽ để phòng bệnh, là thói quen tốt. Nhưng sợ vi trùng đến nỗi bị ám ảnh như nhà kỹ nghệ nổi tiếng Howard Hughes, là người bị bệnh hiểm nghèo, tiếng chuyên môn gọi là hypochondriac. Theo triệu chứng tỏ tường, Việt Nam đã mắc “bệnh Anh hùng”. Tiếng chuyên môn viết tắt là HOC, do ở tiếng Anh Heroic Obsessive-Compulsive disorder. Bệnh HOC hay bệnh anh hùng đáng sợ hơn tất cả các chứng bệnh khác. Người bị các bệnh khác, bao giờ cũng mong được chữa khỏi, và chịu khó chữa trị. Trái lại, người mắc bệnh anh hùng luôn tự hào về căn bệnh của mình, nên không thể chữa”.

Đến đây theo ý tôi, đã bỏ ra nhiều công sức để tìm ra căn bệnh , ông Đ.T.Thức chưa thử một phương pháp chữa trị nào đã đầu hàng, tuyên bố không thể chữa, thì hơi vội vàng và uổng quá. Việt Nam, nói rõ hơn là Đảng CSVN, bộ máy cầm quyền Hà Nội không những chỉ mắc bệnh anh hùng, mà còn nhiều căn bệnh khác như bệnh hoang tưởng, bệnh thành tích, bệnh quan liêu, bệnh tham nhũng, bệnh xảo trá, bệnh tàn ác, bệnh phản trắc, bệnh tham quyền, bệnh ăn bẩn, bệnh buôn dân bán nước và còn cả trăm thứ bệnh khác nữa. Bệnh nào cũng hiểm nghèo đến độ thập tử nhất sinh cả. Còn nước còn tát, bệnh anh hùng dù sao cũng vẫn còn cơ hội. Tôi không có tài Hoa Đà Biển Thước, cũng chẳng có chút kiến thức nào về y học cả đông lẫn tây, tuy thế vẫn xin tiếp sức góp với ông một vài ý mọn: bệnh nào cũng có nguyên nhân gây ra nó, sao ta không lần mò thử tìm ra vài cái, mình không biết chữa thì cũng có ai đó, bệnh quỷ có thuốc tiên; nếu không trị dứt căn bệnh, ít ra cũng thuyên giảm đôi ba phần, cũng may mắn cho dân tộc mình vậy. Xin thử đưa ra vài nguyên nhân gây bệnh anh hùng:

1/- Sự thiếu tri thức của CSVN

Đảng CSVN dùng chủ nghĩa Mác- Lenine làm kim chỉ nam đểgiành độc quyền lãnh đạo dân tộc Việt Nam.

Chủ nghĩa này có phương pháp tư duy rất răc rối, biện chứng mù mờ khó hiểu. Điều này ta thấy rõ ràng trong những bài phát biểu góp ý của cựu thủ tứớng VN Võ Văn Kiệt vừa qua. Ngay như ông Hoàng Minh Chính, một cựu viện trưởng viện Triết học Mác- Lê Hà Nội, có thể gọi là nhà nghiên cứu lý luận lỗi lạc nhất cuả VN về chủ nghĩa này cũng thấy nó sai trái và hoang tưởng, thì với trình độ kiến thức thấp kém của Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo đương quyền Hà Nội, làm sao có thể hiểu và lý giải để mà áp dụng cho đúng? Lúc cái chủ nghĩa này còn trên đỉnh cao thì còn chỗ dựa, khi nó sụp đổ vào đầu thập niên 90 thì đảng và nhà nước khủng hoảng thực sự, không biết lý giải ra sao. Thế là đảng tạo ra cái áo vạn năng anh hùng , tô vẽ thêm cái tư tưởng Hồ Chí Minh cho có vẻ lộng lẫy, rồi khóác lên cho bất cứ gì đảng muốn cho nó thành anh hùng: chủ nghĩa anh hùng, đất nước anh hùng, lãnh tụ anh hùng,nhân dân anh hùng, quân đội anh hùng; cái gì cũng anh hùng được: bay ké vào không gian thì là anh hùng vũ trụ, gánh phân giỏi gấp 3 người khác thì là anh hùng lao động. Khoác áo anh hùng rồi thì khỏi cần giải thích. Không ai được phép nghi ngờ thắc mắc. Thế giới vứt bỏ chủ nghĩa Mác – Lê thì kệ họ, đảng, nhà nước ta cứ dùng, vì nó là chủ nghĩa cách mạng anh hùng, Đảng anh hùng nên đảng phải độc quyền lãnh đạo, lãnh tụ có sai lầm hay phạm tội, vẫn cứ lãnh đạo vì lãnh tụ anh hùng… Điệp khúc anh hùng cứ thế mà lập lại. Không thể giải thích bằng lý luận, thì diễn giải bằng anh hùng. Nguyên nhân này gọi là: bế tắc trong nhận thức, mặc áo khoác anh hùng.

2/- Mặc cảm hèn kém, thất bại

Trên bình diện quôc gia, Việt Nam có mặc cảm là một nước tương đối nhỏ bé với thân phận nhược tiểu so sánh với những nước lớn như Nga ,Tàu, Mỹ…, thua kém về kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật so sánh với các nước lân bang. Trong quan hệ nội tại, giữa đất nước và con người, ngay cả trong sự đánh thắng miền Nam VN, đảng CSVN, nhà nước, quân đội, có thể nói cả người dân miền Bắc XHCNVN cũng đều có mặc cảm thua sút miền Nam về tất cả mọi mặt, ngoại trừ cuộc chiến. Đã thế, trong hoà bình, các nước ngang tầm thuỏ trước cứ qua mặt vù vù, biến thành rồng thành cọp, VN lại cứ loay hoay với mớ bòng bong kinh tế thị truờng, định hướng XHCN, hết chệch hướng, đến sửa sai, lại cởi trói rồi đổi mới. từ đổi mới không đổi màu, qua đổi màu không đổi ý (biến chất), mà đất nước thì cứ tả tơi, dân tộc thì vẫn cứ nghèo hèn. Không làm anh giàu, anh giỏi được thì ta làm anh hùng. Ta thấy rõ điều này qua bài diễn văn của Trần Đức Lương: Chúng ta tự hào về dân tộc ta, một dân tộc anh hùng. Truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân VN chính là những nhân tố cơ bản, cốt lõi làm nên sức mạnh vô địch của nhân dân VN trong thời đại mới. Đây gọi là hiện tượng thiếu tự tin nên tự kiêu. Đơn giản hơn: con ếch muốn to hơn con bò. Chúng ta còn nhớ , ít năm trước đây, trong một hội nghị cấp cao ASEAN, khi thủ tướng nước CHXHCN VN khoe với thủ tướng Thái Lan rằng: dân tôc VN rất anh hùng, vì đã đánh thắng những cuộc chiến vĩ đại nhất; vị thủ tướng Thái đã đáp lại rằng: dân tôc Thái cũng rất anh hùng, vì chúng tôi đã TRÁNH được những cuộc chiến ấy. Ra vẻ lãnh đạo Hà Nội không thấm thía được câu nói ấy. Đây có thể gọi là: tự ti quá, hóa tự tôn.

3/- Sự dối trá của chóp bu Hà Nội

Trong suốt quá trình hoạt động của đảng CSVN, kể từ khi thành lập đảng đến các giai đoạn cướp chính quyền, cai trị đất nước, đứng đầu là Hồ Chí Minh (HCM), họ luôn luôn dùng tất cả mọi thủ đoạn, từ khôn khéo đến đê hèn, để giành toàn quyền thống trị theo đường lối riêng của họ. Họ gọi là thủ thuật chính trị. HCM, con người đại bịp thế kỷ, đã tiêu diệt không những đối thủ, mà cả những đồng chí thân cận nhất của mình, tự đánh bóng mình ngay cả khi còn sống, lừa gạt nhân dân bằng những huyền thoại, cho đàn em tô vẽ để trở nên thần thánh. Tập đoàn lãnh đạo đàn em cũng đang bắt chước để kiến tạo cho bản thân cái phong cách đại anh hùng. Lùa dân lành đi vào những cuộc chiến tàn khốc với những anh hùng tưởng tượng kiểu Lê văn Tám , còn họ thì hèn nhát ở lại hậu phương an toàn để…lãnh đạo chỉ huy.

Nhân dân,những người không trực tiếp chiến đấu, thì được yêu cầu đóng góp hy sinh, chịu gian khổ cả vật chất lẫn tinh thần, qua nhiều thế hệ, hết đời cha, qua đời con đến đời cháu. Qua thời ly loạn, lại tiếp tục kêu gọi đồng bào yêu nước mạnh hơn nữa bằng sự lao động chết bỏ để xây dưng đất nước giàu đẹp, xã hội bình đẳng kiểu XHCN, riêng con cháu họ thì phải “vất vả lặn lội” đi… du học, du hí ở nước ngoài, sau này sẽ về “hy sinh” …lãnh đạo đất nước.

Dùng thủ đoạn khôn khéo để chiến thắng đối thủ của mình thì xưa nay, ở đâu, người ta vẫn làm. Dùng thủ đoạn đê tiện để tiêu diệt đối thủ, thì là phi nhân, nếu lại dùng nó để lừa gạt cả một dân tộc thì thật xấu hổ, một hành động đáng lên án. Để hỗ trợ cho những trò gian trá và hèn nhát đó, ngõ hầu che mắt nhân dân, không gì bằng cho dân đội mũ “anh hùng”: Đất nước anh hùng phải có nhân dân anh hùng. Đã anh hùng thì phải làm chuyện phi thường, phải chấp nhận gian khổ, phải hy sinh hạnh phúc, phải v.v. và v.v… Người người anh hùng, nhà nhà anh hùng. Anh hùng cần vượt lên mọi thời đại, anh hùng phải trải qua nhiều thế hệ. Đảng rất khiêm tốn, Đảng nhường bước cho nhân dân anh hùng trước, đảng sẽ đi sau. Ai không chịu làm anh hùng thì là phản động, Việt gian. Thật là một sự lạm phát anh hùng có chủ trương, có hệ thống. Đây gọi là: mũ anh hùng, đảng cấp phát, che hèn nhát, giấu lọc lừa..

4/- Mặc cảm tội lỗi của DCSVN đối với đất nước

Tội ác của đảng CSVN đối với dân tộc VN thì đã quá nhiều. Qua những chính sách Xô viết Nghệ Tĩnh, cải cách ruộng đất, cải tạo lao động, cải tạo công thương nghiệp, kinh tề mới, xua người ra biển…, các cuộc chiến tàn khốc giết hại nhiều triệu người chỉ vì mục đích xây dựng một xã hội XHCN đã là những tội diệt chủng khó che đậy.
Trong giai đoạn hiện tại, tạo quyền lực, dung dưỡng cho đám cán bộ đảng viên hoành hành nhũng nhiễu dân lành, phá hoại đất nước tan hoang đến tận đáy của xã hội loài người với 5 quốc nạn , 2 quốc nhục, quả là một sự kinh hoàng.
Nhưng cái mà đảng CSVN lo nhất là sợ nhân dân khám phá ra sự bán nước, nhượng đất nhượng biển cho ngoại bang để đánh đổi lấy sự giữ vững quyền thống trị. Nó là một vết nhơ lịch sử không thể nào rửa sạch. Nếu để lộ ra, không những bị thế giới chê cười khinh bỉ, nhân dân phỉ nhổ và chắc chắn sẽ không tha thứ, mà ngay cả các đảng viên CS còn đang trung thành cũng vì quá nhục nhã mà có những hành vi chống lại đảng, đặc biệt chống lại đám lãnh tụ vô liêm sỉ.

Để giảm bớt những căm hờn của dân lành, làm cho họ quên đi những tội lỗi đó, đồng thời ru ngủ để không biết đến cái trò bán nước cầu vinh của đảng CSVN, đảng dùng cái mẹo vặt tôn vinh đất nước VN,con người VN với cái ánh hào quang rực rỡ của vương miện “anh hùng”: Đấy nhé! ta đã tôn ngươi làm anh hùng rồi, vậy thì đừng chú tâm vào công việc của đảng nữa. Có nghĩa là: Che tội bán nước tay sai, đảng tôn cả nước lên ngai anh hùng.

Từ mấy nguyên nhân kể trên, bệnh anh hùng nảy sinh vài biến chứng:

- Biến chứng tự hào: Đây là biến chứng trong giai đoạn đầu, tuy ở trong giai đoạn đầu nhưng rất dai dẳng và khó chữa trị. Những người đã và đang từ từ nhận ra căn bệnh và mong muốn khỏi bệnh vẫn chưa thoát khỏi cái biến chứng này. Đây là trường hợp của những Dương Thu Hương, Tiêu Dao Bảo Cự…Lòng tự hào về quá khứ anh hùng còn đầy ắp trong họ, dù họ biết rõ cái đảng này đã ruỗng nát không thể cứu vãn.

- Biến chứng tự ru ngủ: xuất hiện ở giai đoạn giữa của bệnh. Con bệnh tự trấn an mình rằng: đường lối đảng vẫn đúng, XHCN vẫn đúng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn đúng, chỉ có một số lãnh đạo xấu xa, tha hoá nêm mới làm sai, hạ thấp nhân phẩm cách mạng thôi, Cứ thay thế bọn này đi là ổn thoả. Ta lại vững chắc tiến lê XHCN. Đất nước vẫn anh hùng, dân tộc vẫn anh hùng, chủ nghĩa vẫn anh hùng. Điển hình cho biến chứng tự ru này bao gồm Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Sơn, những “ nhà lão thành cách mạng”..., số đông các đảng viện không nắm giữ các chức vụ quan trọng. Cứu chữa kịp thời, giai đoạn này có hy vọng qua khỏi.

- Biến chứng tàn bạo: nằm ở thời kỳ cuối và rất nguy hiểm. Coi như không còn cách gì cứu chữa. Để kéo dài tình trạng hấp hối, con bện tỏ ra hung dữ, sử dụng bạo lực và tất cả mọi thủ đoạn để kiên quyết bám lấy sự sống và cũng chứng tỏ ta rất…anh hùng. Đây là giai đoạn tích luỹ sản nghiệp bằng bất cứ giá nào để chuẩn bị cho đời sống hậu…anh hùng. Con bệnh đang hấp hối nên khỏi cần bàn.

Trên đây là một số ý đóng góp nho nhỏ cho căn bệnh anh hùng của VN do “lương y” Đ.T.Thức chuẩn bệnh. Dù đồng ý rằng cách tốt nhất và mau nhất là giải thể đảng CSVN thì bệnh sẽ hết,. Tuy nhiên, thiển ý của tôi : những người như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Nguyễn Đan Quế, các bạn Phương Nam Đỗ Nam Hải, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, các chức sắc tôn giáo”: Hoà Thượng Thích Huyền Quang, Thích Qủang Độ, Lê Văn Liêm, Nguyễn H. Quang , Lê Văn Lý, Phan Văn Lợi…, các nhà đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước, ngay cả những người đang đòi hỏi công lý cho riêng bản thân mình như chị Phạm T. T. Thu đã đang là những phương thuốc nặng nhẹ khác nhau cho căn bệnh anh hùng VN.

Chúng ta chưa đến nỗi phải tuyệt vọng. Bài suy nghĩ góp ý này xin như một viên thuốc an thần nhỏ để con bệnh giữ vững tinh thần, trong khi chờ đợi có những phuơng pháp chữa trị nếu chưa thật hữu hiệu cũng phải từ từ thuyên giảm.

Anh hùng không phải là điều xấu, nhưng xin đừng để nó trở thành một căn bệnh. Đã biết bệnh thì nên đi chữa trị. Vì căn bệnh anh hùng mà nhân dân VN phải chịu đau khổ, mất mát quá nhiều, đất nước VN chịu nhục nhã ,tụt hậu quá lâu.

Đừng bắt dân tộc, đất nước làm anh hùng nữa. Hãy để cho VN là một đất nước bình thường, dân tộc bình thường trong một thế giới bình thường. Mong lắm thay!

Australia, 01/11/2005

Bài viết liên quan:
- Căn bệnh anh hùng,tác giả Đinh Từ Thức

Australia: Đất nước của sự bao dung.

Tôi định cư tại Australia đã gần một phần tư thế kỷ. Cái hòn đảo cực lớn nằm ở tận cùng cực Nam thường được gọi là cái đáy của thế giới (the bottom of the world). Thật ra phải gọi nó là lục địa mới đúng cái tầm vóc to lớn ấy. Lãnh thổ thì mênh mông, nhưng dân số lại không đông (18 triệu theo thống kê 2004) đó là vùng đất khô hạn nhất trên địa cầu, đất đai đa số là sa mạc ngày nóng cháy, đêm buốt lạnh. Dù sao đây vẫn là một đất nước may mắn (a lucky country) như người dân xứ này thường tự hào khi nói đến xứ sở của họ:”Hỡi công dân Úc, hãy vui mừng vì chúng ta trẻ trung và tự do.”Câu mở đầu trong bài quốc ca Úc đủ nói lên niềm tự hào sung sướng. Sau sự sụp đổ của VNCH, những năm tháng tù tội, sau đó là thời gian dài lang thang vất vưởng, sống và làm việc bất hợp pháp ngay trên căn nhà của mình làm cho nỗi khao khát tự do của tôi mãnh lỉệt đến trở thành tối thiết. Bước chân lên con thuyền tỵ nạn mỏng manh, lênh đênh trôi dạt ít ngày rồi cũng đến bến bờ. Ước mơ thành hiện thực, nhưng niềm vui chất chứa thật nhiều cay đắng vì đã phải bỏ lại sau lưng tất cả người thân: cha mẹ, vợ con , anh chị em và bạn hữu. Không biết bao giờ mới gặp lại, không biết có còn dịp gặp lại nữa không.

Tuy nhiên, còn sống là còn hy vọng, dù sao cũng phải lăn xả vào đời sống. Khi những xúc cảm trong tâm hồn đã lắng đọng thì bắt đầu phải lo cho tương lai. Hòn đảo Bidong nơi con thuyền cập bến chỉ là mảnh đất tạm dung, quốc gia đệ tam nào sẽ là nơi cho mình ổn định những bước đi tới là 1 câu hỏi khó trả lời. Những người quen thân đến trại tỵ nạn trước thường cho lời khuyên là dù phải đợi lâu một chút, cũng ráng chờ để vào Mỹ, vì chỉ có đây là” đất nước của mọi cơ hội”. Thế nhưng sẵn trong lòng đang đầy ắp sự thương nhớ gia đình, thêm nỗi đau bị người bạn Đồng minh phản bội làm nước mất nhà tan, tôi đâm ra thất vọng và mất thiện cảm ngay lần đầu vào gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn, do cách làm việc của họ quá nguyên tắc và có vẻ trịch thượng, tôi quyết định đi bất cứ nơi nào, miễn rời khỏi cái mảnh đất này càng sớm càng tốt.

Khi phái đoàn Úc vào đến trại mấy hôm sau đó, tôi cảm nhận một sự khác biệt hoàn toàn: Cũng một giống da trắng mắt xanh, mà sao dân xứ Úc họ lịch sự và niềm nở quá; cũng những câu hỏi đó , mà sao họ hỏi mình với lối nói nhẹ nhàng thân thiện. Nói trắng ra, họ hỏi mình để đánh giá xem mình có xứng đáng để họ chấp nhận cho vào đất nước của họ sinh sống không, cách đối xử mang đầy vẻ chân tình, dường như đã ẩn chứa một sự bao dung? Lại cũng không tránh khỏi chuyện cười ra nước mắt. Số là trong lúc phỏng vấn, thấy trong hồ sơ tỵ nạn của tôi có ghi là biết chút tiếng Anh, họ muốn biết trình độ ra sao, nên họ hỏi học tiếng Anh ở đâu và bao giờ. Cái vốn liếng Anh ngữ của tôi lúc đó thuộc loại ba rọi (broken English), đã làm họ hiểu lầm: ý tôi muốn nói là đã học English trên mười năm trước đây, giờ chắc quên gần hết, họ lại hiểu là tôi đã học nó đến hơn mười năm. Có lẽ họ đã cho tôi là người nói láo hay kẻ khoác lác: Học đến hơn 10 năm mà nói “ẹ” quá vậy? May mắn có người thông dịch sửa lại cái chuyện hiểu lầm tai hại. Thực ra, đối với tôi, tiếng Anh chỉ là sinh ngữ thứ 3, được học mỗi tuần 2 giờ trong mấy năm bậc trung học, có bõ bèn gì. Nhân tiện, tôi đã kể cho họ nghe về 1 chuyện lầm lỗi khi tôi mới chập chững bắt đầu học Anh ngữ: Thời những người lính Mỹ mới đến miền Nam vào những năm giữa thập niên 60, khi thoảng họ có đến nhà dân làm công tác dân vận. Một bữa có 3 người lính mỹ vào nhà tôi, bố mẹ đều đi làm vắng. Tôi, một thiếu niên khoảng 15, 16 tuổi và đứa em gái khoảng 10 tuổi ra tiếp chuyện. Trong lúc bập bẹ vài câu tiếng Anh mới học ở trường, tôi chỉ đứa em gái tôi và giới thiệu: “ this is my daughter”. Ngay sau đó tôi thấy mấy chú lính G.I cứ thế mà trợn mắt lên: your daughter? Tôi càng nói “yes” thì họ càng trợn mắt lên , lại còn cười ngặt nghẹo. Mãi một lúc sau tôi mới chợt hiểu: bỏ mẹ rồi, “my sister” chứ không phải “my daughter”! Mấy người lính đã đi từ lúc nào. Câu chuyện tôi kể, đã làm cho phái đoàn Úc có được nụ cười vui. Dĩ nhiên, tôi không có gì trở ngại trên con đường nhập cư vào Úc. Đây chính là cái điểm khởi đầu của một đất nước bao dung.

Đặt chân vào cái xứ sở đầy rẫy các loại Kangaroo này mới thấy đời không như là mơ. Dân Úc thuộc loại tứ xứ, không phải ai cũng lịch sự, đàng hoàng như mấy ông bà trí thức trong phái đoàn phỏng vấn định cư hôm ấy. Trên 100 năm trước, khi viên thuyền trưởng người Anh tên Cook lần đầu đặt chân lên bờ biển của tiểu bang NSW hiện nay, Australia trở thành một trong những thuộc địa của đế quốc Anh rộng lớn. Vùng đất đã là nơi lưu đày biệt xứ cho tù nhân phạm trọng tội từ mẫu quốc. Không kể những thổ dân bản xứ với cuộc sống du mục và dân số không đáng kể, đám tội phạm và những người cai tù là những công dân đầu tiên. Sau đó, với các đợt đi tìm đất chăn nuôi và phong trào đi tìm vàng đã lôi kéo thêm số lượng đông di dân đến định cư, với hy vọng làm giàu mau chóng, Australia là xã hội đa chủng, chủ yếu vẫn là dân da trắng giống Anglo-Saxon với chính sách một nước Úc da trắng. Mặc dù chính sách này đã bị bãi bỏ một thời gian trước khi có sự định cư đông đảo của người Việt chúng ta, sự kỳ thị chủng tộc bị coi là một hành động vi phạm pháp luật, dường như nó vẫn còn tiềm ẩn trong một số người dân Úc da trắng, đặc biệt trong lớp người lớn tuổi có đầu óc bảo thủ. Những năm giữa thập niên 80 đó, những câu bài Á như: Asians go home (bọn Á châu cút về nhà đi) thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên những bức tường chắn dọc theo các tuyến đường xe lửa. Sự kiện một ông nghị viện gốc Việt ở Sydney sử dụng đám tay chân của mình để thanh toán một đối thủ chính trị là trò đê tiện đáng hổ thẹn, làm cho người Úc gốc Việt bị nhục lây. Ngay cả những chuyện nhỏ nhặt, nhưng khi được đưa ra công luận, như chuyện một người Việt, bị ông hàng xóm người Úc trông thấy đang thui một con chó để “nhậu”, đã gọi cảnh sát tới bắt quả tang và đưa ra toà án xét xử, cũng làm cộng đồng người Việt mang tiếng không ít. Một lão Úc già làm chung sở, sau khi đọc bản tin, quay về phía tôi mỉa mai: “Ê! tao có con chó, đừng tới bắt ăn thịt nghen mày”. Thật là vừa giận vừa mắc cỡ mà không làm được gì. Thật ra, đó chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi, đa số người dân Úc có tấm lòng bao dung và nhân hậu giống như cái xứ sở hiền hoà này. Chỉ với trên trăm năm lập quốc, đất nước tuy thanh bình, chưa hề có cuộc chiến nào xảy ra trong lãnh thổ của mình, nhưng vẫn đóng góp đầy đủ cả về tiền của lẫn nhân mạng cho các trận chiến lớn trong chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, chiến tranh Thế giới lần thứ hai và ngay cả cuộc chiến VN để bảo vệ cho những giá trị mà họ tin tưởng, đã sẵn sàng chấp nhận cho hầu hết các sắc tộc trên thế giới cùng hoà đồng và hội nhập để tạo nên một đất nước đa văn hoá có trên một trăm sắc dân khác nhau. “ Home is where you are happy”, nhà (hay quê hương) là nơi bạn thấy hạnh phúc, đã và vẫn còn là bài học Anh ngữ đầu tiên tôi thích nhất mà bà giáo đã dạy khi tôi vừa mới chân ướt chân ráo bước đi trên cái vùng đất nồng ấm tình người này.

Tuần trước, một người Úc gốc Việt, Nguyễn Tường Vân, bị nhận bản án treo cổ vì tội buôn lậu 396 gr chất bạch phiến tại Singapore, một nơi rất giàu có, nổi tiếng về sự sạch sẽ, cũng được biết đến rất cứng rắn đến độ hà khắc về sự thi hành pháp luật. Dư luận, truyền thông, báo chí nứớc Úc đã bàn luận, tốn nhiều giấy mực trong những ngày qua. Mặc cho những lời van xin khẩn cầu, từ những nhà lãnh đạo có uy tín trên thế giới đến người dân thường, bản án đã được thi hành. Nguyễn Tường Vân đã lên giá treo vào sáng thứ Sáu 02/12/2005. Cho dù thất bại, người dân Úc, bao gồm từ chính phủ cầm quyền John Howard, nội các đối lập Kim Beazley, các dân biểu nghị sĩ, các tổ chức xã hội và tôn giáo đến người dân thường, đã chứng tỏ lòng nhân hậu, khoan dung vô bờ bến của họ. Đối với con người của Vân, xét đến nguồn gốc: một di dân người Việt; xét đến hành vi: tội phạm vận chuyển ma túy, thế mới thấy lòng nhân ái và sư tha thứ của người dân Úc quý hóa biết chừng nào.

Moị chuyện đã qua, cho qua, ngày thứ Tư 07/12, ngày tang lễ cho Vân được tổ chức tại nhà thờ chánh toà St Patrick tại Melbourne. Tôi muốn đến đó để chứng kiến một sự kiện khá lạ thường, một tang lễ trọng thể cho một nhân vật tầm thường, không thuộc dòng chính mạch, phạm tội hình sự bị hành hình. Điều quan trọng hơn , tôi đến để cảm nhận sự bao dung của người dân Úc đang được thể hiện. Tang lễ đã được thông báo khởi sự vào lúc 11giờ sáng. Rời nhà vào lúc 10.30, đoạn đường lái xe mất khoảng 20 phút, tôi nghĩ mình sẽ đến kịp giờ, không ngờ khi gần đến điạ điểm thì bị kẹt xe, đến nơi được thì đã trễ, chạy lòng vòng một lúc lâu nữa để tìm một chỗ đậu xe khá xa thánh đường, khi lội bộ đến nơi thì đã 11.30. Bài thuyết giảng của Linh mục Peter Hansen đã đi vào đoạn kết. Bên ngoài hàng rào sắt bao quanh thánh đường, ngay phiá trước tiền đường có khoảng vài trăm người tham dự, phía trong sân cũng có một đám đông tương tự. Phía hông trái là đoàn xe tang 4 chiếc toàn màu trắng. Cố gắng len lỏi vào phía trong thánh đường chật ních những người, tôi nhìn thấy chiếc quan tài màu hạt dẻ nằm giữa nhà thờ, trên nắp một vòng hoa lớn, sau đuôi là di ảnh của Vân. Bà Kim, mẹ Vân bận một chiếc áo trắng phía trong, áo vest(gi lê) đen phía ngoài, tât cả anh em và bạn bè đều mặc y phục màu trắng, những bộ suit chứ không phải áo vải xô, có lẽ là sự kết hợp giữa sự trang trọng dành cho người quá vãng của Tây phương và màu tang (trắng) Việt Nam. Những người tham dự gồm đủ mọi thành phần sắc tộc trắng, đen, vàng, già trẻ lớn bé. Số lượng giới trẻ tham dự rất đông, khoảng 1/3 là Á đông, có lẽ người Việt. Trên bàn thờ, khoảng trên dưới 30 linh mục (LM) cử hành đồng tế do LM P. Hansen chủ tế, trong số có 5,6 vị là người Việt. Một vị giám mục cũng có mặt với tư cách người tham dự. Vì sau nghi thức rước lễ, số lượng người nối đuôi chia buồn với gia đình quá đông, làm buổi lễ kéo dài lâu, tôi lại bận việc vào buổi chiều, nên phải ra về sớm, xin được để báo chí Úc tường trình thêm vào ngày hôm sau. Tiện xin được mở ngoặc để nói sơ về LM Peter Hansen, người chủ tế tang lễ, vì tôi được biết chút ít về ông. P. Hansen là một người Úc gốc Đức Cách đây chừng 7,8 năm, ông về làm việc tại giáo xứ nơi tôi đang ở với chức vụ phụ tá cho LM chánh xứ Kevin Dillon. Trong bài thuyết giảng trước khi P. Hansen tới, cha Dillon có nói với mọi người rằng:”Chúng ta thường hay đùa rằng: Luật sư là những người nói láo (một lối chơi chữ của Anh ngữ “Lawyers are liars), từ nay xin thận trọng, vì chúng ta sắp có một cha phó từng là luật sư. Ông LM từng là luật sư đó chính là LM P. Hansen. Hansen lúc đó nói tiếng Việt khá trôi chảy (có thể thuyết giảng trong nhà thờ bằng tiếng Việt) và đó là lý do tôi quen ông. Ông tỏ ra rất nhạy bén. Trong 1 buổi tiệc hậu Christmas ở nhà tôi có ông tham dự, khi một người quen trong gia đình kể chuyện quá khứ về những ngày trước 30 tháng 04/ 1975 tại miền Nam VN và gọi đó là ngày giải phóng, ông chỉnh ngay và bảo: phải gọi là ngày Sài Gòn sụp đổ mới đúng.

Ông thường dùng bộ chén lễ bằng sành mà ông cho biết đã được đặt làm tại VN để dâng thánh lễ hằng ngày, chứng tỏ ông rất bình dân. Hai năm sau đó, ông được chỉ định công tác giúp đỡ cho những người nghiện ngập ma túy, đặc biệt là giới thanh thiếu niên, tôi không có dịp gặp lại ông từ dạo ấy. Chính nơi đây dẫn đến sự việc ông liên quan tới việc biến cải Nguyễn Tường Vân cho đến những giây phút cuối đời kể cả hậu sự của Vân. Có nói qúa không khi bảo rằng Peter Hansen, một hiện thân của sự bao dung của nước Úc?

Trở lại với buổi tang lễ, Ký giả Karren Kissan của nhật báo The Age, tờ báo có thể nói là có uy tín nhất tại Australia đăng ngay trang nhất bài với tựa đề: Thành phố chia rẽ khi một biểu tượng được đặt vào nơi an nghỉ (City divided as a symbol laid to rest) viết:

“ Trong thời đại của những chương trình TV sống thực, ai cũng có thể trở nên nổi tiếng, và trong thời đại điện tử tân kỳ, ai cũng có thể làm phim, bất kể bằng phương cách nào. Hãy hỏi bà Kim, người mà hôm qua đã ngồi cầu nguyện suốt buổi trong một tang lễ rất lạ đối với bà, trong khi có nhiều người bà chưa từng gặp trước đó với máy chụp hình hoặc máy quay trên tay, cố chụp hình, quay phim bà…Điều đó xảy ra khi con người trở thành biểu tượng, nguyên nhân của tấn bi kịch gia đình, thành món ăn của giới truyền thông trong nhiều tuần lễ, khi hương khói cuồn cuộn trên cỗ áo quan cùng với sự tranh cãi cũng cuồn cuộn chung quanh con người đang nằm trong đó. Khi những người trong thánh đường cử hành nghi lễ chào đón một cuôc sống khác của một tử tội mà họ tin là sẽ tái sinh, những người khác bên ngoài lại giận dữ vì sự chú ý quá đáng của dư luận trong trường hợp này: Một Ông Bill ở Broadford nói với Jon Faine của đài ABC: “Tôi hoàn tòan lộn mửa vì sự tôn thờ Nguyễn quá độ: 1 phút im lặng, lời khen ngợi của đám luật sư, sư tham dự tang lễ của các chính khách…để dành cho tên tôi phạm ma túy? Người ta không coi xét đến những hậu quả gây ra bời các hành động tội ác này. Bọn chúng tham tiền và chẳng thèm để ý đến những đau khổ mà bọn chúng mang lại cho Australia. Taị sao lại còn đối xử với chúng như những anh hùng sau chiến cuộc? Ông tài xếi taxi bảo:” Nó biết luật lệ của quốc gia đó mà!Anh làm ác, anh phải có thời gian thụ án phạt (you do the crime, you do the time). Tuy nhiên, đối với nhiều người trong thánh đường, Nguyễn đã không được phép “do the time”, em đã bi treo cổ. Cái chết của em, hay đúng hơn, cái nguyên nhân của cuộc chiến chống lại án tử hình, đã thu hút nhiều tầng lớp người khác nhau ở Melbourne ngày hôm qua: những người Ấn Độ Giáo với bộ sari, người Hồi Giáo với chiếc khăn mạng choàng, một giảng viên triết học Công Giáo, linh mục Chính Thống, một tu sĩ Phật Giáo trong bộ cà sa. Irene Wilson, bà đang nghiên cứu thần học, đã vượt 350 km từ Mount Beauty để tham dự, bà muốn đến để chia buồn, cũng là để chứng tỏ người dân Úc đầy lòng trắc ẩn và tình bạn. Bà nói” Người dân Úc đặt trái tim trên tay họ như những con người có lương tâm . Reta Kaur, người Ấn đến từ Malaysia nói: ” Singapore là thành phố bằng đá với những con tim chai đá.” Stan, người Balan cho rằng:” anh ta còn quá trẻ, anh đã làm bậy, dĩ nhiên , nhưng án phạt quá nặng. Bao nhiêu người nhập lậu hàng tấn mà chả bao giở bị trừng phạt.”

Cuối bài viết Karren kết luận: “Trong khi lên rước lễ, một người đàn ông có dáng dấp Ái Nhĩ Lan đã không kiềm chế được xúc động, làn môi dưới luôn run rẩy. Môt bà cụ dáng dấp dân Địa Trung Hải vừa cúi xuống đặt nụ hôn vào cỗ quan vừa cố lau nước mắt. Một người Ấn cũng bước lên để nhận sự chúc lành (từ linh mục Công Giáo). Sự ra đi của Nguyễn đã tạo nên sự đoàn kết người Úc lại trong việc chống lại án tử hình, nó còn nối kết họ lại trong cái ý nghĩa như thế nào để là người dân Úc.

Trong khi đó, ký gỉa Steve Butcher trên tờ The Age, trong trang 2 lại chú trọng tới những diễn tiến sau buổi lễ. Ông viết:

“ Bắt đầu chỉ là tiếng vang nhè nhẹ sâu khuất đâu đó trong đám đông, rồi bỗng trở thành tràng pháo tay liên tục rộn rã; tuy không vang dội và điên cuồng, nhưng cũng là cử chỉ lạ lùng cho người tham dự buổi tang lễ. Khi chiếc áo quan của Vân từ từ tiến ra khỏi thánh đường nó đã khơi dậy một hành động thông thường và đơn giản nhất của công luận. Trong 6 tuần lể trước ngày bị xử tử ở Singapore, mạng sống của Nguyễn và cuộc vận động để cứu mạng sống ấy đôi khi đã làm chia rẽ đất nước. Có lẽ nhiều người trong số khỏang 4000 người tham dự tang lễ: Người Úc, Úc gốc Việt, linh mục, tu sĩ, chính trị gia, luật gia hay những công dân bình thường đều chỉ muốn một điều gì đó khi họ cùng vỗ tay sau buổi lễ trang nghiêm dài tới 100 phút . Trong số có Douglas Wood, một con tin bị bắt và được giải cứu ở Iraq. Các nhà chính trị có các nghị sĩ tiểu bang Bruce Mildenhal, Geoff Hilton, Kirsty Marshall, Richard Wynne, Nguyễn Sang và một dân biểu liên bang bà Anna Burke…Trong tang lễ có phần công bố lời thỉnh cầu viết tay của người chết xin được làm những gì trong buổi lễ, và đoạn nhật ký cuối cùng, Vân viết 2 giờ trước khi lên giá treo: “ Khi tôi nằm ở đây lắng nghe những lời cầu nguyện cho tôi, tôi sẽ đo lường lại tất cả những gì đã xảy ra và những gì sẽ đến” Gia đình Vân là Phật tử, nhưng Vân đã trở thành tín đồ Công Giáo sau ngày bị kết án. Trong thánh lễ, LM Hansen đã tấn công vào những tiếng nói của thiểu số muốn khuấy động cho sự trả thù. Ông cảnh báo rằng những điều đó chỉ tạo nên một thế giới với sự tàn nhẫn đến mức không thể nào chịu nổi. Ông Lasry, đại diện cho đoàn luật sư của Vân, nói về bài học “lớn” mà Vân đã dạy về cái mà ông gọi là”năng lực của sự thay đổi, sự biến chuyển, sự hoàn lương” ông nói:” trong 2 năm cuối đời của Vân, sự ích kỷ đã nhường chỗ cho độ lượng, sự thành thực đã thay thế dối trá, sự đòi hỏi được nuông chiều được thay bằng đời sống tâm linh. Bất cứ ai chứng kiến cũng phải cảm động.

Nhật báo Herald-Sun, tờ báo của ông đại tỷ phú truyền thông người Mỹ gốc Úc Rupert Murdoch, có số phát hành lớn nhất nước Úc có bài của Terry Brown trong trang 3:” Cathedral full of forgiving”. Ông viết:

“Ngày hôm qua, chuông nhà thờ đã ngân lên trong 10 phút khi những người tham dự tang lễ ngồi chật các hàng ghế, đứng chật những lối đi sát các vách tường, tràn ra cả ngoài sân nhà thờ. Họ đến từ khắp nơi trên nứơc Úc, có người từ tận Singapore. Sau nghi thức rước lễ, số người bao quanh 2 mẹ con bà Kim và Khoa đã quá đông và mất thì giờ đến nỗi các vị chủ tế phải can thiệp: “ Xin vui lòng về chỗ ngồi, quý vị đang choán hết thỉ giờ của buỗi lễ”. Hai bài hát được Vân yêu cầu hát trong tang lễ là Ave Maria và Amazing Grace. Vân cũng yêu cầu với tất cả mọi người tham dự, xin được thay thế lời chúc bình an, thường là những cái bắt tay, bằng những vòng ôm thân thiết. Ở đoạn cuối của lời vĩnh biệt viết trong những giây phút cuối, Vân viết:” Hãy tha thứ cho tôi vì những tội lỗi tôi đã phạm và xin chấp nhận những lời xin lỗi thành thật của tôi. Đã đến giờ thứ 11. Việc của tôi bây giờ đã xong”.

Đúng thế! Moị việc đã xong. Tôi tiếc là đã không tham dự hết buổi lễ, không đưa được em đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cũng như bao người khác đã sẵn sàng tha thứ vì em biết hối cải, cũng như bao người khác, tôi đến để cảm nhận cái lòng bao dung vĩ đại của đất nước này, tôi đến để học cái bài học quan trọng của đời người là sự biết hướng thiện, cởi bỏ gươm đao vũ khí là thành Phật. Australia khởi đầu được tạo dựng từ những tội nhân, nhưng ngày nay đất nước này là thể hiện của tình người, của sự nhân ái, của lòng bao dung. Buổi chiều, để tránh những xúc động do ảnh hưởng buổi tang lễ của những người chứng khiến tận mắt, tôi thử làm cuộc khảo sát nhỏ một số bạn đồng sở, những người không đi tham dự buổi lễ, cũng để tránh có thiên kiến, tất cả khoảng 20 người tôi chọn phỏng vấn không có người Việt. Câu hỏi là: Bạn có đồng ý với bản án treo cổ Nguỹên Tường Vân? Tại sao? Nếu không thì bản án nào thích hợp? Thật là ngạc nhiên với kết quả: không ai đồng ý. Tất cả đều cho bản án quá nặng, 3 người cho án chung thân, số còn lại từ 20 đến 25 năm. Một số người cho rằng, nếu phải thi hành bản án , nên chọn phương pháp chích thuốc, phương pháp treo cổ quá dã man trong thời đại này. Lý do:

- Chống án tử hình.

- Vân còn trẻ và biết hối lỗi.

- Chỉ là một con lừa chở hàng.

- Không phạm tội trực tiếp gây án mạng.

Với sự khảo sát nho nhỏ này, tôi thấy rõ một điều: dường như cái đất nước bao dung này đã tạo dựng hay biến đổi nên những con người hiền hoà như thế. Từ ông thủ tướng, hay những vi quyền cao chức trọng đến người dân lao động bình thường đều có những cảm xúc như nhau. Đất nước thanh bình đẻ ra những tấm lòng nhân hậu. Đừng nói với tôi rằng, theo sự khảo sát của truyền thông báo chí, trong những ngày qua, số ủng hộ và chống bản án nói trên gần như tương đương: khoảng 45% cho mỗi phe, một số không ý kiến. Trong xứ sở tự do như Úc đây, được trên 50% một chút đã là cao và đủ để gọi là “có chính nghĩa”.

Cuối cùng, về tang lễ của Vân, tôi đến không để cầu nguyện cho em. Em đã được người dân Úc tha thứ, Thượng Đế còn nhân từ độ lượng hơn nữa chắc chắn đã tha thứ và đưa vòng tay rộng mở đón em. Tôi đến để cầu nguyện cho chính tôi, để học những bài học đắt giá của em và của tất cả những người khác đang dạy: sự hối cải, lòng khoan dung và sự tha thứ.

Với Australia, tôi cảm tạ một đất nước bao dung và thấy mình thật hạnh phúc vì đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai, dĩ nhiên đôi khi cũng khó thương.

Australia, 10/12/2005

BẢO THỦ: MỘT LỰC CẢN CỦA DÂN CHỦ.

BẢO THỦ: MỘT LỰC CẢN CỦA DÂN CHỦ.

Thời gian gần đây,Gs Nguyễn Chính Kết ở trong nước có đặt câu hỏi : Tại sao có quá ít người dám tranh đấu ? Theo ông Kết,tranh đấu cho tự do tôn giáo chỉ có 20 người trên 50 triệu, cho tự do dân chủ đa nguyên đa đảng trong suốt 30 năm chỉ khoảng 50 người trên 80 triệu thì quá ít. Ý của ông muốn ám chỉ đến những nhà tranh đấu công khai, mà tại quốc nội cũng như hải ngoại và cả quôc tế đã biết đến tên tuổi, nói trắng ra là những nhà trí thức. Trả lời 1 phần cho câu hỏi này, anh Trần Ngọc Thành, trong bài phát biểu “Trí thức VN với cuộc đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ” tại hội nghị Quốc Tế về nhân quyền họp tại Hoà Lan trong 3 ngày 08 – 11/12/2005 cũng đề cập đến. Cái quan niệm từ xưa tới nay của người dân Việt vẫn là: trí thức là người học thức cao, có nhiều bằng cấp . Với cái định nghĩa(của đa số người Việt ) ấy, thì theo tài liệu, Việt Nam có hàng ngàn giáo sư, hàng vạn tiến sĩ, thạc sĩ, hàng chục vạn người có trình độ đại học, thế mà Cộng Sản độc tài vẫn ngang nhiên tồn tại. Có nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân chính là:
1/- Chuyên chính vô sản: Cộng Sản chỉ chấp nhận trí thức XHCN, được CS đào tạo. Các thành phần trí thức khác phải bi tiêu diệt. Trí thức XHCNVN, anh Đông Dương (Hà Nội) goị là đứa con hoang mất nết, 1sản phẩm dị dạng sinh ra từ sự giao cấu giữa luân lý nhà Nho và ý thức hệ CS..Từ sự giáo dục , trưởng thành trong môi trường chủ nghĩa Mác – Lê hoang tưởng đó nên vô tình hay cố ý không hiểu về ý nghĩa thế nào là dân chủ, từ đó vô tình hay cố ý nhận thức 1 chiều về tư tưởng, văn hoá, kinh tế , giáo dục. Từ cái ao tù nhận thức 1 chiều đâm ra thiếu óc phán đoán, không độc lập trong suy nghĩ, dễ bị nhồi sọ về những luận điệu mị dân, dễ bị đầu độc bởi món ăn dân chủ XHCN, xào nấu kiểu văn hoá XHCN.
2/- Luận điệu hàm hồ tráo trở: CSVN luôn luôn có luận điệu đánh đồng Đảng CS với Tổ Quốc và Dân Tộc. Cái gịong điệu ấy, ta thấy đầy rẫy, không những trên báo đài trong nước mà ngay cả trên báo chí hải ngoại, cụ thể hàng ngày trên tờ DCV Online này.: phê bình đảng là nói xấu Tổ Quốc, là làm nhục Dân Tộc… Hơn thế nữa, đảng tự cho mình cái quyền đứng trên cả Dân Tộc. Khẩu hiệu: trung với đảng, (trước, rồi mới tới) hiếu với dân (sau). Yêu nước là yêu XHCN. Trí thức VN bị trói chặt trong khái niệm đảng CSVN= Tổ Quốc VN=Dân Tộc VN không thể chống đảng, vì chống đảng là chống lại Việt Nam.
3/- Bạo lực để răn đe: Các vụ triệt hạ các đảng phái, đấu tố, cải cách ruộng đất, NhânVăn –Giai Phẩm,cải tạo sĩ quan,công thương nghiệp, càn quét “phản động”với mục đích triệt tiêu mọi hành vi phản kháng ngay từ trong trứng nước: Trí phú địa hào, đào tận gốc,trốc tận rễ. Mọi ý thức chệch hướng CS đều là phản động phải loại trừ. Nỗi sợ hãi bị đàn áp làm cho người trí thức không dám bước ra khỏi cái rào chắn dân chủ của đảng.

Trí thức XHCN:
Từ những nguyên nhân trên , VN đã có 3 loại trí thức:
1/- Trí thức lưu manh: Hưởng lợi nhờ đảng CS nên là lực cản mạnh nhất, nguy hiểm nhất của dân chủ và nhân quyền.. Bọn này trung thành và bảo vệ đảng CSVN đến kỳ cùng. Đám này bao gồm con cháu bọn lãnh đạo đảng, thường xuyên ở trong và ngoài nước, hiểu biết rõ dân chủ, là kẻ thù của những đặc quyền đặc lợi của họ, đám nhân sự trong guồng máy đảng và nhà nước tuyển dụng qua hệ thống đảng đoàn, đám sinh viên học sinh được giáo dục bao cấp trong môi trường XHCN, trung thành với chế độ để ấm thân phì gia, có quyền thế, tha hồ đớp hít tham nhũng trắng trợn,bất chấp pháp luật, không kể lương tri, không đếm xỉa gì tới quyền lợi của dân tộc.
2/- Trí thức nô lệ: Đám này biết Dân chủ là cần thiết , là sinh lộ cho sư tiến lên của đất nứơc, là sự giải thoát cho cảnh lầm than của dân tộc, nhưng vì phải ăn bám vào chế độ để sống, vì những níu kéo của gia đình nên mũ ni che tai, ngoảnh mặt làm ngơ với dân chủ. Họ chỉ biết có mình, tránh va chạm, sợ thiệt thân, sợ gia đình liên luỵ, ngậm miệng ăn tiền và chỉ lo làm giàu. Nhóm này chiếm đại đa số.
3/- Trí thức nhân bản: những người trí thức đúng nghĩa, có lương tâm, thay mặt những người dân thấp cổ bé miệng , công khai nói lên tiếng nói đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho tất cả mọi người, đòi công lý và bình đẳng. Tiếc rằng những người này hiện còn quá ít.
Sao lại chỉ trí thức:
Nhưng chẳng lẽ chỉ có trí thức mới phải dấn thân, phải có trách nhiệm đấu tranh cho dân chủ? Thế còn nhân dân thì sao? Ai cũng hiểu rằng, trong moị cuộc cách mạng, mọi sự thay đổi, giới trí thức là giới lãnh đạo, là người hướng dẫn quần chúng cả về 2 mặt lý luận tư tưởng và hành động cụ thể. Trong một phong trào , có hai, ba mươi, thậm chí đến năm mươi người trí thức tham gia trong vai trò lãnh đạo.thiết nghĩ là quá đủ, vấn đề là phải làm sao biết phối hợp, đoàn kết để vận động các thành phần xã hội khác. Có được 1 người như Gorbarchov của Liên Xô trước đây làm chất xúc tác cho cải tổ và đổi mới là điều đáng mong mỏi,nhưng nếu trong tình hình VN hiện tại chưa thể có, những hình thức đấu tranh trong hoà bình như ở các nước Đông Âu cũ và các nước cựu thuộc điạ Liên Xô ở Trung Á cũng là cái chúng ta có thể học hỏi. Cần nên nhớ , tương lai của đất nước, dân tộc VN thuộc về gìới trẻ: thống kê cho thấy hơn 2/3 dân số VN ở độ tuổi 40 hoặc ít hơn. Những người trẻ cũng là những người còn rất lý tưởng, hăng say và đầy nhiệt huyết. Giới sinh viên học sinh trong nước, những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước, thường là những người hăng hái nhiệt tình nhất, thành phần then chốt của mọi phong trào, mọi cuộc cách mạng, nhưng ở VN hiện nay sao hoàn toàn im lặng? Phải chăng vì nỗi sợ ám ảnh từ vụ Thiên An Môn bên Trung Quốc 16 năm trước? Hay đó là hậu quả của việc học tài thi lý lịch, phát xuất từ chích sách trăm năm trồng người của đảng CSVN, mà họ đã nhụt ý chí đấu tranh cho 1 lý tưởng tốt đẹp hơn, hay tệ hơn nữa , hết lòng ủng hộ, bảo vệ CNCS? 1 thành phần trẻ khác cũng quan trọng không kém là giới công nhân và nhân dân lao động, những người tương đối có tổ chức, dễ kết hợp , sẵn sàng đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi của họ . Công Đoàn Đoàn Kết tại Ba Lan là yếu tố chính khởi đầu cho sự sụp đổ dây chuyền của CNCS tại Liên Xô và các nước Đông Âu đã do Walesa, một người thợ điện lãnh đạo. Người ta làm được, thế sao ta làm không được?
Nỗi sợ:
Trả lời cho câu hỏi này, nguyên nhân chính vẫn là nỗi sợ. Lãnh đạo CSVN sợ mất quyền hành , mất lợi lộc nên phải dùng bạo lực , mánh khoé, để tiêu diệt, khủng bố đối lập thẳng tay. Quần chúng thì sợ hãi bạo quyền, sợ cho chính bản thân bị trù dập, hãm hại không đường sống, sợ gia đình, cha mẹ vợ con, bạn bè bị trả thù, ảnh hưởng có khi đến nhiều thế hệ. Nỗi sợ lan tràn từ trong nứơc ra hải ngoại. Sống ở xứ sở tự do vẫn còn lo bị đàn áp, thân nhân còn ở quê nhà phải liên lụy, khi có việc phải trở về, sợ bị cấm đoán hoặc bắt bớ lôi thôi. Nỗi sợ to lớn và khủng khiếp đến nỗi, có lẽ không ai thoát khỏi, kể cả các đảng viên CS cao cấp nhất. Chẳng hạn Đỗ Mười sợ L.Đ.Anh., trong khi L. Đ. Anh lại sợ Đỗ Mười, cả 2 ông này lại sợ Hồ Cẩm Đào… Đảng sợ dân, dân sợ đảng. Rốt cuộc, không ai dám làm gì cả để thay đổi. Đầu năm nay, một số nhà lãnh đạo trong nước từng lên tiếng yêu cầu mọi người hãy can đảm, đừng sợ nữa. Cho đến nay, 1 năm đã trôi qua, lết quả lời kêu gọi dường như không có gì đáng khích lệ.
Sự ỷ lại:
Ngoài sự sợ hãi, tính ỷ lại cũng đóng góp vào hàng rào ngăn chận dân chủ. Người dân thường ỷ lại vào trí thức, cho rằng mình không có tài, thiếu hiểu biết. Trí thức lại đẩy trách nhiệm cho đám đông, viện cớ mình cô thế, thiếu người hậu thuẫn. Già thì than không còn đủ sức, trẻ lại kêu chưa đủ kinh nghiệm. Người đi học đùn cho kẻ đi làm, bảo rằng mình bận học, lo cho tương lai, cuộc sống chưa ổn định để có thì giờ cho dân chủ. Kẻ đi làm lại đưa ra những gian nan trong công việc, trong cuộc sống, trong gánh nặng gia đình để có cớ thoái thác. Người ở trong lo bán cái cho hải ngoại, nêu lên những khó khăn trở ngại, những nguy hiểm bất trắc trong điều kiện chính trị độc đoán toàn trị trong nước, người ngoài nước có đủ điều kiện, tự do thông thoáng hơn cho sự đấu tranh cho dân chủ phải chủ động. Dân hải ngoại lại cho rằng đó không phải là trách nhiệm của mình, người trong nước mới là chủ yếu, vì chính họ là người được hưởng lợi từ dân chủ, bên ngoài chỉ là lực lượng phù trợ. Năm tháng cứ trôi qua, cái hy vọng kết hợp nhau để cùng đứng lên góp gió thành bão vẫn chưa thấy, vẫn chỉ là lưa thưa vài cơn gió nhẹ. Thói quen trông chờ vào người khác chẳng thay đổi gì mấy.
Luân lý Nho Giáo: Đầu óc bảo thủ:
Có 1 điều mà cả 2 anh Trần Ngọc Thành và Đông Dương có nói qua như 1trong những lực chính cản trở cho sự nhập cuộc của người trí thức VN trên con đường dân chủ hoá đất nước, đó là cái luân lý Nho giáo đang được xử dụng cùng ý thức hệ CS để củng cố chế độ. Nó thực ra chỉ là cái chế độ gia trưởng, cái đầu óc bảo thủ uy quyền phong kiến mà ông Lý Quang Diệu từng văn hoa gọi là những giá trị Á Đông. Chính cái đầu óc bảo thủ quan liêu này, người viết cho rằng, không những chỉ có trong tư tưởng của đám người lãnh đạo CSVN, còn đậm nét trong tư duy của trí thức VN, mà còn hằn sâu trong lối suy nghĩ và văn hoá của người dân thường, trong cũng như ngoài nước. Ý thức hệ CS chúng ta bàn luận đã quá nhiều, ở đây chỉ đề cập đến khía cạnh quan liêu bảo thủ được dùng trong đó. Nhờ nó, cái ý tưởng:” đảng , chính quyền là đầy tớ của nhân dân” chỉ còn trên lý thuyết, 1 biểu ngữ trang trí cho đẹp. Thực chất, đảng, chính quyền là cha mẹ dân. Hơn thế nữa, là ông Trời, là Thượng Đế.. Hãy coi 2 ông thái thượng hoàng DM, LDA đã ra khỏi BCT/DCSVN từ lâu rồi mà vẫn còn tung hoành toàn thể đảng CSVN và đất nước VN theo ý mình để thấy cái hệ luỵ Nho giáo này, sau khi tác động lên ý thức hệ CS, nó tàn phá Tổ Quốc và Dân Tộc đến mức nào. Bài quan điểm của Đỗ Mười cách nay mấy tháng là 1 bằng chứng rõ rệt: mặc cho đất nước tụt hậu, ông nhất định bắt buộc VN phải theo đúng ý ông xây dựng XHCN trong nền tảng Mác – Lê, không ai ngăn cản được. Sự quan liêu bảo thủ, nhờ sự độc tài toàn trị của CNCS, đã lan tràn xuống tới những cơ sở hạ tầng thấp nhất: cán bộ hành chính địa phương tha hồ nhũng nhìễu, dọa nạt, đàn áp, cướp bóc nhân dân, điển hình là những vụ mánh mung cướp đất đai, nhà cửa ruộng vườn đang xảy ra khắp mọi nơi, người dân chỉ biết óan than, khóc thầm.
Những người được mệnh danh là những trí thức tiến bộ, những nhà đấu tranh dân chủ công khai cũng không tránh khỏi cái đầu óc quan liêu bảo thủ. Ông Dương Trung Quốc, nhà sử học VN, đại biểu Quốc Hội VN là 1 thí dụ, dù ông đã có những ý kiến đóng góp cho DCSVN về đổi mới và 1 số ý tuởng về dân chủ, ông cũng chỉ trích thẳng tay một cách rất răn đe trịch thượng(nghe được trong 1 bài phỏng vấn của đài BBC) về 1 bài bình văn của 1 em bé nữ sinh vì tư tưởng phóng khoáng mới lạ của em. Chuyện phê bình gay gắt giữa những người được coi là những con chim đầu đàn của PTDCVN, các ông HMC, NTG, HT, TK, HSP và hiện nay, thêm cả bà DTH phải chăng cũng bắt nguồn từ cái đầu óc bảo thủ? Người cho rằng mình có tuổi đời cao hơn, thành tích đấu tranh dày hơn thì phải ở vị trí lãnh đạo., Kẻ lại bảo rằng mình khôn ngoan hơn, lý luận sắc bén hơn, xứng đáng ở chức vị cao. Ai cũng quan liêu độcđoán , nhưng lại gán nó cho người khác. Đó là ngoài xã hội, trong gia đình, cái luân lý Nho Giáo đua đến quan liêu bảo thủ còn nặng nề hơn, cha mẹ bắt buộc con cái làm chuyện này, cấm đoán chuyện kia. Trong 1 bài viết của DTH, nhà văn có tiếng là hay góp ý đấu tranh cho dân chủ chống độc tài, khoảng tháng 9 năm nay, trong đó có đoạn bà nhất quyết cấm tiệt con cháu bà làm chính trị, nếu không nghe lời bà sẽ từ, người viết không ngờ bà vừa cởi mở lại vừa bảo thủ với con cháu mình đến thế. Còn trong quần chúng thì đầu óc bảo thủ còn ghê gớm ra sao nữa. Nào là : “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “áo mặc sao qua khỏi đầu”. “trứng đòi khôn hơn rận”…
Ngay cả trong cộng đồng hải ngoại, những người đã làm quen nhiều năm với các nền văn hoá phóng khoáng Tây Phương, óc quan liêu bảo thủ dường như còn bám rễ khá sâu trong lòng. Một số người cứ vin vào việc bảo tồn văn hoá, giữ gìn truyền thống để bảo vệ cái sự hủ lậu của họ. Trong các sinh hoạt cộng đồng, người Việt Hải Ngoại vẫn thường cố giữ những phong tục cũ kỹ. Điển hình như lễ giỗ tổ hàng năm, nghi lễ vẫn 1 bài bản đọc và đốt văn tế ,dâng trà dâng rượu, rồi tamquỳ ngũ bái, có từ bao năm, ban tế lễ phải là những ông già khăn đóng áo thụng, bảo rằng như thế mới trang trọng. Kết quả là mỗi năm mỗi vắng, nhìn đi nhìn lại chỉ thấy một ít người trơ trọi. Tại sao chúng ta không khuyến khích mọi người tham gia bằng cách mời gọi các thành phần già trẻ trai gái đóng góp ý kiến về cách thức tổ chức các nghi lễ , làm sao cho vui tươi và hợp thời hơn, ban tế lễ nên bao gồm mọi thành phần, đặc biệt giới trẻ, vì họ là những người đang còn nhiệt tình và nhiều sáng kiến nhất? Về mặt xã hội và gia đình cũng thế, ngay cả trên diễn đàn DCV này vẫn có một số người lên tiếng chê bai nguyền rủa những ai có cái tên ngoại quốc là bọn mất gốc. Tại sao khi người ngoại quốc có một tên VN thì ta khen họ là có tính hoà đồng, còn ta thì không thể làm ngược lại, trong khi chúng ta đang sinh sống trên đất nước họ, nhất là khi tên của ta gây khó khăn cho họ trong cách phát âm, tệ hơn nữa, khi họ phát âm tên đó, nghe không ổn theo ngôn ngữ của họ? Truyền thống bảo thủ đôi khi còn gây phiền toái và rất tốn kém, một gia đình có người lập gia đình, chỉ nguyên 1 việc gửi đi khoảng 100 thiệp cưới, họ đã mất 10 cái cuối tuần( Weekends) để đến từng nhà đưa thiệp mời, người viết có hỏi sao không dùng hệ thống bưu điện, vừa nhanh chóng, vừa rẻ tiền, không tốn thì giờ? Câu trả lời là người Việt không chấp nhận thiệp mời qua bưu điện, cho rằng gửi như thế không trang trọng. Có thực như thế không? Hay đây chỉ là một hình thức bảo thủ, hành hạ người khác chỉ để vuốt vai cái tự ái nhỏ mọn của mình: được thiên hạ nể trọng? Kể ra thì rất nhiều, nhưng nói chung, vấn đề bảo thủ còn rất nặng nề trong đầu óc của mỗi người VN chúng ta: trong mỗi người VN có một ông quan. Điều này là 1 lực cản không nhỏ trong sự đoàn kết để đấu tranh cho dân chủ tại quê nhà. Chuyện giới tuyến bên này bên kia, màu cờ sắc áo, bất đồng nhưng không phản đảng, quên hận thù không quên quá khứ , đã đang làm cho phong trào dân chủ (không viết hoa) trong và ngoài nước ít nhiều bị phân hoá, không lớn mạnh được, dù chúng ta có cả 85 triệu người trong ngoài, vẫn bị một thiểu số chỉ vài trăm, thậm chí vài chục người lòng lang dạ thú, đàn áp khống chế bằng đủ mọi phương tiện. Nếu cho rằng dân chủ là sự tiến bộ, thì để có tiến bộ, phải có sự thay đổi một cách liên tục. Khi chúng ta cứ khư giữ cho mình những cái cũ dưới vỏ bọc truyền thống, thì chính con người chúng ta chưa có dân chủ. Chưa có con người dân chủ thì không thể có xã hội dân chủ. Xã hội chưa dân chủ đồng nghiã với độc đoán bảo thủ, đồng nghĩa với độc tài cộng sản. Điều này lý giải tại sao Lien Xô và các nước Đông Âu đã giải thể CS trên 16 năm nay, chỉ còn Cuba và 3 nước Á châu, những nước còn đang gìn giữ luân lý bảo thủ Nho Giáo, chế độ CS độc tài toàn trị vẫn còn tồn tại chưa sụp đổ.
Đến đây, người viết thấy có tin tức vào ngày hôm qua, trên 1200 công nhân VN tại Trảng Bàng, Tây Ninh đang đình công để đòi hỏi những quyền lợi thiết thực của họ. Xin có 1 đề nghị với các nhà tranh đấu cho dân chủ trong và ngoài nước, taị sao chúng ta không nhân cơ hội này đến với họ, ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của họ, đồng thời mang đến cho họ những thông tin quý báu về dân chủ, về tình hình lao động ở nước ngoài, hơn là chỉ chú trọng vào những lý luận đấu tranh xuông. Hoa dân chủ sẽ nở mạnh mẽ và mau chóng trong vùng đất màu mỡ công nhân này, khi họ thấy rằng, giới trí thức thực sự chăm lo đến quyền lợi và đời sống của cá nhân và gia đình họ. Một hành động thiết thực đáng quý hơn những lời hứa hẹn không thực tế. Thay vì ngồi đó mà bươi móc đời sống cá nhân để bôi lọ nhau, hãy tự đổi mới mình, rồi hoà mình vào quần chúng để chứng minh cho họ biết thế nào là dân chủ, và làm thế nào để đòi được dân chủ.

Phương Duy
Australia 29/12/2005

Các bài liên quan:
- Bàn về dân chủ,tác giả Nguyễn Thành Công
- Độc quyền chân lý là thủ tiêu chân lý,tác giả Trần Mạnh Hảo
- Dân chủ đa nguyên,tác giả Nguyễn Thái Nhiên

Thơ...mộng

Mộng du đời, đời ru mộng.


Dang tay thơ thẩn giữa trời,
Nhịp chân lê bước nửa đời hư không.
Xác còn mê giấc ngủ nồng,
Hồn đà đến cõi phiêu bồng muôn nơi

Bâng khuâng lạc nẻo chơi vơi,
Ngỡ ngàng trôi dạt , một thời hồng hoang.

Trời say men rượu càn khôn,
Đất cuồng nổi bụi cô đơn mịt mờ.
Gió vui vỗ cánh hững hờ,
Mây buồn lặng tiếng, thẫn thờ bay xa
Mưa sao rớt giải Thiên Hà,
Ánh trăng chiếu lạnh, tưởng là nắng đêm

Hoa xuân rũ cánh bên thềm,
Lá thu tan tác nỗi niềm rụng rơi.

Bướm kia
vụt hoá
kiếp người,
Hay ta hoá bướm,
lên đời mộng du?
Âm xa
sóng vỗ
thiên thu,
Biển còn
vang vọng
lời ru
vô thường...

Phương Duy
(10 – 2006)

Trao đổi với Tiêu Dao Bảo Cự.

Phương Duy
Trao đổi để thông cảm, không phải để hận thù

Khoảng một năm trước đây, tôi đã có dịp đóng góp một số ý kiến với ông Tiêu Dao Bảo Cự khi ông viết trên mạng Đàn Chim Việt online bài “Về một diễn đàn dân chủ”. Sau đó đầu năm nay lại có dịp được đọc toàn bộ tập Tôi bày tỏ của ông, mặc dù ông đã viết tập sách này hơn mười năm trước. Tuyển tập Trên cả hận thù thì tuy chưa được đọc, nhưng qua bài phân tích của Bảo Trâm, một người có liên hệ bà con với ông, tôi cũng có thể gọi là biết qua một chút quan điểm của ông những ngày tháng sau này. Dù có rất nhiều ý bất đồng, tôi vẫn ngưỡng phục ông trong tư cách một người dấn thân cho sự chuyển đổi dân chủ hoá Việt Nam. Từ đó đến nay, tôi vẫn có ý mong ngóng ông trả lời về một số vấn đề còn đang tranh luận. Hôm nay, nhân bài viết “Tỉnh thức, cảng giác nhưng thông cảm và bao dung” trên talawas, tôi xin mạo muội coi đây là một phần những giải đáp của ông. Và như thế, trên cùng một tinh thần đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam bằng các phương tiện hoà bình bất bạo động, đối thoại nhưng không đối đầu, tôi xin được góp thêm một số ý kiến để mong rằng, dù có nhiều đường hướng khác nhau, người Việt Nam chúng ta vẫn có thể chung lưng góp sức xây dựng được một con đường tự do dân chủ cho Việt Nam mau chóng đạt kết quả hơn, hoặc ít nhất chúng ta có thể cùng đồng ý về những bất đồng, có nghĩa rằng, dù khác nhau về tư tưởng và đường lối, những người yêu chuộng độc lập, tự do, dân chủ, hoà bình và phát triển cho Việt Nam vẫn có thể cùng nhau hợp tác ở một vài phương diện.

Tôi xin không bàn luận về quan niệm “chống Mỹ cứu nước” như ông diễn tả: không phải do bị cộng sản tuyên truyền, mà là do những dữ kiện thực tế như cảm thấy nhục nhã cho dân tộc vì chứng kiến cảnh một toán lính Mỹ tắm truồng ngay bờ sông, một bọn Mỹ khác thì say rượu đi chọc ghẹo đàn bà con gái hay lái xe cán chết người hay thậm tệ hơn, bắn giết người bừa bãi như vụ Mỹ Lai (một đám lính vô kỷ luật, thời nào nơi nào chả có, đâu phải chủ trương của một quân đội); sự quyết đoán của ông (qua suy luận) về một người con gái Việt Nam đi làm việc cho một trại giam mới của Mỹ (qua lời đồn của tù) và từ đó trí tưởng tượng của ông hình dung ra những nghiệt ngã của cuộc đời những người con gái bản xứ, khiến lòng tự ái dân tộc trong ông bùng lên thành tư tưởng đấu tranh chống Mỹ; hoặc như trước đây ông từng viết, lòng dũng cảm của một người du kích cộng sản trong tù đã thuyết phục và lôi cuốn ông đến với cộng sản và trở thành đảng viên, cho dù những chuyện như cải cách ruộng đất, vụ án Nhân văn-Giai phẩm, cuộc di cư của gần một triệu người từ Bắc vào Nam mà ông cũng biết nhưng cho là quá xa vời… Đó là những quan niệm riêng của ông ở một thời tuổi trẻ. Mà tuổi trẻ thì ai mà không bồng bột, không lỗi lầm?

Ở đây, tôi xin bàn luận về một số vấn đề có tính cách rộng rãi, tập thể hơn, đó là ý niệm về thể chế Việt Nam Cộng hoà, các chính quyền miền Nam Việt Nam, quân cán chính Việt Nam Cộng hoà, những suy nghĩ và nhận định hiện tại (không phải quá khứ) của những người trí thức phản kháng miền Nam về các tập thể đó. Đưa ra những vấn đề này không phải để phê phán, khơi dậy hận thù như một số người thường ngộ nhận. Chúng ta cần đi vào tranh luận để mọi vấn đề sáng tỏ hơn và chúng ta có thể hiểu nhau hơn. Tranh luận càng sâu, càng nhiều chi tiết được mổ xẻ, đồi thoại càng rõ ràng, con người càng gần nhau hơn, những tồn đọng càng dễ giải quyết, tránh được những nghi kỵ hiểu lầm.
Trước hết, chế độ Việt Nam Cộng hoà và các chính quyền của Việt Nam Cộng hoà là hai thứ hoàn toàn khác biệt mà tôi cho rằng ông Tiêu Dao Bảo Cự cũng như nhiều người khác hiện vẫn còn lẫn lộn. Chế độ hay thể chế, theo tôi, là tinh thần chính trị của một tư tưởng được một quốc gia chấp nhận để tiến đến cái lý tưởng mà quốc gia ấy muốn đạt tới. Sự chấp nhận chế độ như vậy được quy định trong Hiến pháp do Quốc hội Lập hiến soạn thảo và toàn thể nhân dân đồng ý qua một cuộc trưng cầu dân ý. Trong khi đó, chính quyền là một guồng máy được tạo ra từ chế độ với nhiệm vụ thi hành và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, có thể có sự thay đổi nhiều chính quyền trong một chế độ, người ta có thể bảo vệ chế độ mà không bảo vệ chính quyền. Nói khác đi, chế độ có thể vẫn tồn tại trong khi chính quyền bị lật đổ, đó là trường hợp của Việt Nam Cộng hoà trong thời gian chiến tranh.

Hiểu chính quyền và chế độ như thế, chúng ta sẽ thấy rõ chế độ là linh hồn mà chính quyền chỉ là bộ mặt. Bộ mặt có thể thay đổi nhưng linh hồn thì không. Tác giả Trần Trung Đạo, một người viết mà tôi rất gần gũi quan điểm (và ông Tiêu Dao Bảo Cự cũng có nhiều cảm tình), đã viết rõ ràng về điều này trong “Khám nghiệm một hồn ma”. Trần Trung Đạo đã gọi những chính quyền đó là những hồn ma với nhiều nhà lãnh đạo bất tài, thiếu đức, tham nhũng và hưởng thụ trên xương máu của đồng bào mà ông không muốn vực dậy. Tôi cũng thấy không cần thiết phải biện minh cho họ, dù trong đó có người tài đức, đơn giản vì một guồng máy đã cũ, dù tốt đẹp thì sau hơn ba mươi năm ngưng chạy cũng đã lạc hậu, già nua và không còn hợp với xu thế thời đại. Nhưng dù tình trạng tham nhũng, thối nát bất xứng đến độ hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ, với một cái nhìn khách quan, người ta cũng có thể phần nào thông cảm cho cái khó khăn hạn chế của sự ra đời một nền dân chủ non trẻ lúc bấy giờ. Vạn sự khởi đầu nan. Trần Trung Đạo cũng đã nhận định rõ về điều này trong “Những người đi tìm Tổ Quốc”.

Mặc dù các chính quyền miền Nam thì chập chững và non kém trong bước đầu thực thi nền tự do dân chủ thì ít nhất qua bản Hiến pháp 1967, chế độ Việt Nam Cộng hoà, về mặt lý thuyết, tự nó đã khá hoàn chỉnh và tốt đẹp. Các quyền độc lập tự chủ của đất nước, quyền căn bản về tự do dân chủ của người dân, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân được xác định khá rõ ràng và trong sáng. Vậy chế độ Việt Nam Cộng hoà ấy có phải là một hồn ma? Theo tôi, chế độ ấy dù đã mất nhưng cái tinh thần và lý tưởng cao đẹp trong bản Hiến pháp của nó vẫn nên được coi là nền tảng cho một nền tự do dân chủ đích thực. Nếu có một sự đồng thuận về tách rời hai khái niệm chế độ và chính quyền, và tham khảo lại bản Hiến pháp 1967, chúng ta có thể thấy, sau khi xoá bỏ điều 4 chương I (cấm đoán sự hoạt động của đảng cộng sản), bản Hiến pháp này là một tài liệu tốt cho việc dự thảo một hiến pháp mới cho một nước Việt Nam theo chiều hướng độc lập, tự do, dân chủ và đa đảng.

Thứ hai, về những người trí thức miền Nam tự nhận là những người phản kháng dấn thân, còn được mệnh danh là những người thiên tả hay thiên cộng: Cho rằng họ hiểu biết không thấu đáo về chủ nghĩa cộng sản; họ chưa có một tầm nhìn lịch sử về sự độc hại của thể chế cộng sản sau này trên đất nước, chưa có quá trình kinh qua bản chất của mỗi chế độ như sau ngày thống nhất để mà so sánh; rằng nếu biết trước là đã góp phần đạp đổ một chế độ tồi tệ để xây dựng một chế độ tồi tệ hơn thì chắc không ai dại dột điên rồ dấn thân vào chốn hiểm nguy đầy bất trắc như họ đã lựa chọn…, thì tôi e rằng lời bào chữa đó không có tính thuyết phục. Khi mặc nhiên tự nhận mình đứng trong hàng ngũ những người trí thức thì nên dùng khối óc suy luận để hướng dẫn cho mọi hành động, chứ không nên hành động chỉ bằng cảm xúc của con tim. Một vài tên lính ngoại quốc làm bậy trên đất nước mình, dù sao đó chỉ là hành vi đơn lẻ cá nhân, vậy mà đã làm máu nóng của người trí thức bùng lên ý thức bài ngoại, trong khi đó phong trào cải cách ruộng đất long trời lở đất dẫn đến chiến dịch đấu tố hãi hùng là một chủ trương, chính sách của cộng sản Việt Nam thì lại cho là xa vời và không thực tế? Chẳng lẽ không cần để ý đến những vụ án như Nhân văn-Giai phẩm, đến cuộc di cư vĩ đại năm 54? Chẳng lẽ đó không phải là những câu trả lời hùng hồn về sự sợ hãi của người dân dưới chế độ cộng sản hay sao? Chẳng lẽ những biến cố to tát như vậy lại không gây ấn tượng gì cho óc suy luận của người trí thức miền Nam?

Tôi đã là một trong gần một triệu người di cư đó, nhưng khi ấy mới là một đứa bé lên ba nên cũng không hiểu biết cặn kẽ giai đoạn lịch sử này. Có điều, qua báo chí sách vở và những trải nghiệm thực tế khi lớn lên, thấy rõ trên 90% những người trốn chạy cộng sản không phải là trí thức, nhưng họ đã nhận rõ bản chất tàn bạo tồi tệ của cộng sản ra sao qua kinh nghiệm trước mắt để mà ghê sợ, để tránh càng xa càng tốt.

Còn cho phong trào phản kháng thiên tả là lãng mạn cách mạng ư? Vào đầu những năm 60, tôi lớn lên ở một vùng đất mang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”; với tôi Cách Mạng là khi đêm về có những người lạ mặt từ đâu đó xuất hiện trong làng, dùng loa phóng thanh cầm tay để kêu gọi tuyền truyền hằng đêm, dùng sức mạnh vũ khí ép dân đi phá đường đắp mô, giựt sập cầu cống, là những cảnh xe đò bị trúng mìn, chợ búa bị gài lựu đạn, là cảnh người dân vô tội bị thương vong nằm rên xiết, và hãi hùng nhất là cảnh hành hình một người hàng xóm ngay cạnh nhà. Nạn nhân là một viên chức hộ tịch xã, ông này nghĩ đơn giản rằng mình chỉ là một cán bộ hành chánh tầm thường, trong tay không tấc sắt và không hề hà hiếp hãm hại ai. Bởi thế, sau những giờ làm việc ban ngày ở xã, ông về nhà ăn ngủ sinh hoạt bình thường ban đêm. Một buổi tối, cộng sản đem quân đến tận nhà bắt ông đi. Sáng hôm sau người ta tìm thấy xác ông cách nhà non cây số với hai tay bị trói giật cánh khuỷu. Ông đã chết vì bị đánh nát mặt, thân hình thêm hàng chục vết dao đâm, trên ngực còn gắn một mảnh giấy kết án tử hình tội Việt gian. Cái cảnh tượng ấy vẫn còn ám ảnh tôi, một thằng bé hơn mười tuổi, cho mãi đến bây giờ, không hiểu những người trí thức thiên tả miền Nam tìm thấy nét lãng mạn cách mạng trong máu và nước mắt của người dân ở khía cạnh nào?

Có lẽ chủ trương của những đảng phái chính trị và thành phần đối lập với các chính quyền của Việt Nam Cộng hoà mới là tiêu biểu cho tính cách lãng mạn cách mạng này. Sự khác nhau giữa họ và Đảng Cộng sản là ở chỗ họ đấu tranh phản kháng trong ôn hoà, không có lực lượng trang bị vũ khí, chỉ chủ trương giành chính quyền trong phạm vi luật pháp, trong khi cộng sản quyết tâm dùng bạo lực, sự đàn áp và gây rối phá hoại làm những phương tiện đấu tranh. Điều này giải thích tại sao các Hiến pháp của Việt Nam Cộng hoà đã phải đặt Đảng Cộng sản Việt Nam ra ngoài vòng pháp luật. Cũng thế, khi ông Tiêu Dao Bảo Cự và các nhà trí thức thiên cộng cho rằng sở dĩ các chính quyền miền Nam không triệt để đàn áp đối lập không phải vì có ý thức dân chủ cao mà vì không đủ sức mạnh để làm, thì nhận định này chỉ đúng ở vế trên. Các chính quyền Việt Nam Cộng hoà chưa có ý thức dân chủ cao vì nền dân chủ Việt Nam lúc đó còn đang chập chững ở những bước đầu, đất nước vừa mới bước ra khỏi thể chế quân chủ chuyên chế hàng ngàn năm và một chế độ thực dân tồi tệ không kém, do đó còn đang ở tình trạng vừa thực thi dân chủ vừa học hỏi. Tuy nhiên, chính Hiến pháp và luật pháp trong cái nền dân chủ dẫu non kém này đã ngăn cản chính quyền đàn áp quá thẳng tay các thành phần đối lập. Họ không dám làm một cách lộ liễu, vì bản chất của một chế độ dân chủ không cho phép, chứ không phải do họ không đủ sức mạnh để làm.

Chủ nghĩa cộng sản có lý tưởng cao đẹp nhưng quá xa vời và không thực tế đến nỗi hoang tưởng. Nhưng bi kịch là ở chỗ nó triệt để sử dụng bạo lực để xây dựng và áp đặt một xã hội chuyên chính kiểu xã hội chủ nghĩa, tiêu diệt không khoan nhượng các thành phần giai cấp không phải là vô sản để cướp lấy tất cả mọi thứ kể cả quyền hành. Bi kịch biến thành thảm hoạ khi Đảng Cộng sản nhất quyết giữ độc quyền lãnh đạo không chia sẻ cho ai. Trong số những người quan tâm tới đất nước với rất nhiều khuynh hướng khác nhau, cả ở trong nước lẫn ở hải ngoại, có người mong Đảng Cộng sản Việt Nam giải thể, có người đòi hỏi xoá bỏ độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong tinh thần bất bạo động, trong sự thi đua tranh cử công bằng hợp pháp, có nghĩa là Đảng CSVN vẫn tồn tại bên cạnh các đảng phái khác, chưa có ai đòi tiêu diệt hết tất cả các đảng viên cộng sản. Vậy mà những người đấu tranh cho một Việt Nam tự do không cộng sản vẫn luôn bị gán cho cái danh hiệu “chống cộng cực đoan” và “hận thù mù quáng”. Chúng ta hãy nhìn lại quá khứ để thấy rằng không ai trong những người bị mang những danh hiệu như vậy dùng thủ đoạn đê hèn như thanh toán, thủ tiêu để trả thù.

Ông Tiêu Dao Bảo Cự và một số người cho rằng những hậu quả tàn khốc mà dân tộc ta đã và đang gánh chịu chỉ do một nhóm lãnh đạo cộng sản cao cấp có thẩm quyền trong việc hoạch định đường lối, chính sách, còn tất cả những người khác chẳng qua là bị lôi theo dòng cuốn của lịch sử, của chiến tranh; nhưng khi nhắc đến những người trong guồng máy của chế độ Việt Nam Cộng hoà cũ, ông lại phê phán ngược với ý trên. Có thực sự là những quân cán chính miền Nam, những người có lòng quan tâm đến tự do dân chủ cho miền Nam mà không chống lại việc các chính quyền Việt Nam Cộng hoà đàn áp tự do dân chủ là một điều mâu thuẫn? Trước hết, phải nói rõ, quan điểm cho rằng các chính quyền Việt Nam Cộng hoà đàn áp tự do dân chủ chỉ là quan điểm riêng của một thiểu số tự nhận mình là thành phần trí thức, không phải là quan điển của toàn dân miền Nam, nhất là đại đa số quân cán chính. Những dân quân bình thường như chúng tôi thời đó không quan tâm nhiều đến lãnh vực chính trị, không thấy có sự đàn áp nhân dân thô bạo dã man như quý vị diễn tả. Là công dân bình thường trong một chế độ bình thường, chúng tôi hiểu quyền lợi và nhiệm vụ công dân của mình khi tham gia những lực lượng quân cán chính, gồm hàng triệu người phục vụ khắp nơi trên lãnh thổ miền Nam, từ chốn rừng sâu núi cao, địa đầu giới tuyến đến thôn xã làng mạc, mục đích là để bảo vệ quê hương xứ sở và cuộc sống an bình hạnh phúc của người dân chứ không phải chỉ với mục đích bảo vệ chính quyền. Một sự thật không thể chối cãi là trong 20 năm chế độ Việt Nam Cộng hoà tồn tại, các chính quyền cứ liên tục thay đổi, nhưng các lực lượng quân cán chính miền Nam vẫn là một khối đồng nhất cho đến thời điểm 1975. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, bản tính con người có xấu có tốt, các tập thể đó không tránh khỏi một số cá nhân hay dăm ba nhóm nhỏ có hành động gây tội ác, những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng đó không phải là những chủ trương chính sách của chế độ miền Nam như các chính sách tàn bạo có chủ trương của chính quyền miền Bắc đã làm. Như thế, không thể nói các lực lượng quân cán chính này phải liên đới chịu trách nhiệm. Chiến tranh là tàn ác, huỷ diệt. Tôi không muốn bào chữa cho tội ác chiến tranh, nhưng là những người tự nhận mình là trí thức, hãy tìm những bằng chứng cụ thể như những vụ Mậu Thân, Cai Lậy của những người cộng sản để chứng minh tội ác của tập thể quân cán chính Việt Nam Cộng hoà trước khi lên án, hay quanh đi quẩn lại cũng chỉ là vụ Mỹ Lai của Mỹ, vụ cá nhân của ông tướng Nguyễn Ngọc Loan… Cũng trong chiều hướng này, xin đặt thêm một câu hỏi với ông Tiêu Dao Bảo Cự trong vị thế một người đang đấu tranh cho dân chủ: hơn 80 triệu người dân Việt Nam không hoặc chưa có biểu hiện nào chống lại chính quyền cộng sản tham nhũng độc tài thối nát hiện nay, như thế nghĩa là họ mặc nhiên chấp nhận và vẫn bảo vệ củng cố chính quyền đó chăng? Ông cho đó là mâu thuẫn không?

Thứ ba, xin được bàn rộng thêm về câu hỏi của ông rằng có cần thiết tiếp tục kéo dài sự hận thù và thế đối đầu Quốc - Cộng theo tinh thần thời chiến tranh không? Trong thời chiến, những người không cộng sản coi mình là thành phần quốc gia để đối lại những người cộng sản, tức những người lấy quốc tế vô sản làm lý tưởng, coi việc xoá bỏ biên giới các quốc gia là nhiệm vụ phải đạt tới. Ngày nay, chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã sụp đổ, lý tưởng vô sản hoá toàn cầu không còn nữa. Đảng CSVN chỉ còn là một đảng độc tài chuyên chế, tha hoá dưới vỏ bọc cộng sản. Bối cảnh đấu tranh của những người không cộng sản trong và ngoài nước cũng đã thay đổi, họ không còn thuần tuý là người Việt Quốc gia nữa, mà là người Việt Tự do. Bởi vậy không còn thế đối đầu Quốc - Cộng như trong quá khứ nữa.

Một điều đáng tiếc là, không kể những người quyết tâm bảo vệ chế độ độc tài đảng trị hiện nay bằng mọi giá, chính một số người dấn thân đấu tranh cho tự do dân chủ, công bằng xã hội, cũng vẫn lên tiếng chỉ trích các thành phần cũ của Việt Nam Cộng hoà, đặc biệt các thành phần đang ở hải ngoại có cơ hội nói lên quan điểm của mình, là những người “chống cộng quá khích”, còn “hận thù mù quáng”, điển hình như trong các bài viết trước đây của bà Dương Thu Hương, của ông Tiêu Dao Bảo Cự từ trước tới nay. Xin nói thẳng, nói thật một lần chót, mặc dù chính bản thân và gia đình tôi là nạn nhân trực tiếp của chế độ cộng sản với những mất mát về nhân mạng, tài sản đất đai, tù đày cải tạo, gia đình ly tán, tương lai vô vọng, không phải chỉ cuộc đời mình mà cả đời con đời cháu, nhưng đã từ lâu tôi không còn hận thù những người cộng sản thừa hành đã gây ra những thảm cảnh đó cho cá nhân gia đình tôi nữa. Sự căm thù chỉ dành cho cái chế độ bạo tàn và đám lãnh đạo bảo thủ nhất quyết bám lấy quyền lực của Đảng, củng cố địa vị cá nhân, mặc cho sự tồn vong của đất nước, sự điêu linh của dân tộc.

Không chất chứa sự hận thù, nhìn lại một cách khách quan lịch sử của cuộc chiến 20 năm của hai miền mà tôi đã từng là người trong cuộc, tạ ơn trời đất đã cho mình trở về nguyên vẹn sau cuộc chiến, tôi thấy mình cần phải cúi đầu kính cẩn tiếc thương những anh hùng liệt sĩ ở cả hai phía. Tôi tỏ lòng kính trọng biết ơn đứa em trai, bạn bè, các anh linh tử sĩ Việt Nam Cộng hoà đã nằm xuống cho tôi sống sót trở về. Tôi thông cảm và ngưỡng mộ những anh em đã ra đi ở phía bên kia, dù chúng ta từng là địch thủ, từng mang vũ khí cố tiêu diệt nhau. Cái chết nào cho Tổ quốc cũng đáng khâm phục, dù rằng chúng ta đã hiểu Tổ quốc theo những ý nghĩa khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Trong khi tôi tuyên dương các anh hùng miền Nam vị quốc vong thân: Lê Văn Đương, Đặng Đình Bảo, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Bá, Hoàng Cơ Minh… đã hy sinh vì một Việt Nam tự do, thì cũng không quên cảm phục tinh thần của những anh Thạc, chị Trâm, những người khác chiến tuyến với đầy ắp niềm tự hào về lý tưởng cộng sản làm hành trang trên con đường xâm nhập vào miền Nam, một lý tưởng mà tôi cho là ngây thơ khờ khạo vì bị bưng bít tuyên truyền, với niềm ước mơ tưởng là giải phóng miền Nam khỏi sự kềm kẹp của đế quốc, mà thực ra là phá rối sự an lành ổn định của người dân miền Nam. Dù sao, họ cũng đã chết cho cái lý tưởng của họ. Họ cũng phải được tưởng nhớ là những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Và không một người có nhân cách nào lại đi hận thù những người hy sinh cho Tổ quốc.

Tôi tôn trọng những người đã một thời hiến mình cho chủ nghĩa cộng sản với một lý tưởng trong sáng, nhưng khi nhìn rõ thực tế về sự tác hại, không tưởng của nó đã sẵn sàng chấp nhận lầm lạc của mình, công khai hay lặng lẽ thoát ra khỏi ảnh hưởng của nó và dũng cảm phê phán những biến chất, sai trái lừa bịp của nó. Đối với những người một thời bị mê hoặc vì lý tưởng ấy, nay cảm thấy bị phản bội, bẽ bàng ray rứt, nhưng đành nhắm mắt đưa chân, xuôi theo dòng chảy, bỏ mặc vận nước xoay vần nổi trôi, tôi chỉ xin có một lời trách cứ nho nhỏ và sự thông cảm mà không hận thù, bởi những hèn yếu cá nhân và ràng buộc của gia đình là chung của con người, ai mà không trải nghiệm. Tuy thế, tôi vẫn ước mong họ có lại được cái hào khí thuở nào để trở lại đóng góp cho tiến trình dân chủ hoá đất nước đang ngày một dâng cao. Đối với những người tự nhận là sĩ phu trí thức, nhìn thấy rõ sự gian trá tồi tệ mà Đảng Cộng sản đã gây ra cho Tổ quốc nhưng vẫn tự hào ở trong hàng ngũ của phe chiến thắng, nắm quyền lực trong tay với những đặc quyền đặc lợi mà quên đi lý tưởng ngày trước, quay lại hà hiếp nhân dân, đàn áp những người bạn vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ cho đồng bào, không hề có lý tưởng mà chẳng qua chỉ là một bọn cơ hội giả hình, thì thái độ của tôi không phải là hận thù mà là khinh chê nhạo báng.

Riêng với ông Tiêu Dao Bảo Cự và những trí thức miền Nam đã có cơ hội sống để so sánh giữa hai chế độ rồi cuối cùng có được một kết luận rằng mình đã góp phần đạp đổ một chế độ tồi tệ để xây dựng nên một chế độ còn tồi tệ hơn, và vì thế lại tiếp tục con đường đòi hỏi dân chủ hoá đất nước, tôi xin tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ tinh thần phục thiện đó. Tiếc rằng, ông Tiêu Dao Bảo Cự đã cố lý luận để biện minh cho một thời bồng bột của những trí thức miền Nam như ông, như một lời nhắn nhủ rằng nếu phải làm lại từ đầu, ông cũng vẫn làm y như cũ.

Về lời trách “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” mà ông cho là thứ ngôn ngữ mạt sát, xin bình tâm suy xét lại, lời trách ấy dù làm tổn thương mấy cũng đâu thể so sánh với đau thương tan nát mà dân tộc đã phải gánh chịu vì cái lý tưởng đặt không đúng chỗ của các ông. Vả lại, chính những người trí thức miền Nam các ông đã hưởng thụ nhiều nhất bổng lộc của các chính quyền miền Nam mà các ông thường kết án là được ngoại bang nuôi dưỡng, viện trợ, để làm tay sai. Biện minh rằng các bổng lộc đó là sự đóng góp của nhân dân là rất nực cười và phi lý. Miền Nam thời chiến tranh, ruộng đồng bỏ hoang, kinh tế trì trệ không đủ sức nuôi dân, ngay hạt gạo cơ bản của người dân cũng phải nhập từ nước ngoài, mọi kinh phí chiến tranh, kể cả lương bổng cho công nhân viên chức đều trông chờ vào ngoại bang, thu nhập thuế má từ dân chúng coi như số không, vậy mà có những người cứ xin cấp học bổng đi nước ngoài, cứ tháng tháng lãnh lương của một viên chức Việt Nam Cộng hoà rồi quay lại chống phá và hoạt động tiếp tay cho phía bên kia, xin gọi là hành động gì? Lời trách cứ trên dù có nặng nề, cũng đâu có quá oan khiên, phải không? Các ông có thấy mâu thuẫn khi lý luận rằng mình ăn cơm của nhân dân chứ không phải của quốc gia nào cả, nên chẳng có gì phải hối hận hay mặc cảm? Hay nhắc nhở như thế là mạt sát, là còn nuôi dưỡng hận thù? Sự thực nhiều khi đau lòng, nhưng khi uất ức trong lòng được phát ra, nỗi đau cũng được giải toả, dù mất mát thì chẳng bao giờ lấy lại được.

Thế hệ của chúng tôi, ở cả hai miền Nam Bắc, là một thế hệ bất hạnh. Thế hệ của sự mất mát, sinh ly tử biệt. Ra đời và lớn lên trong thời kỳ khói lửa tương tàn, trưởng thành vào đúng giai đoạn tàn khốc nhất của cuộc chiến, người thanh niên không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hoà nhập vào chiến tranh, có người vì lý tưởng bên này hoặc bên kia, nhiều người khác đơn giản chỉ đi làm nhiệm vụ một công dân. Cuộc huynh đệ tương tàn ấy là thảm kịch đáng nguyền rủa nhất trong lịch sử nước nhà. Chúng tôi đã không có cơ hội được đi trọn con đường học vấn giáo dục để tạo dựng một nghề nghiệp vững chắc cho mình và đóng góp xây dựng đất nước. Bị tung vào cuộc chiến, săn lùng tiêu diệt nhau bạo tàn hơn thú dữ, lớp lớp người thay nhau ngã xuống, mộ phần rải khắp nẻo quê hương, biết bao kẻ đến nay còn biệt tích không cả một nấm mồ. Nhiều người sống sót trở về cũng đã để lại một phần thân thể, sống một kiếp tật nguyền tàn tạ. Một số bị trả thù, trù dập dã man trong các nhà tù, cải tạo. Có những người như tôi, may mắn vượt thoát đến những vùng trời mới, hít thở không khí tự do, nhưng đa số còn ở lại vẫn đang chịu sự nghiệt ngã của cảnh “rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.

Đúng như ông Tiêu Dao Bảo Cự nói, mọi người Việt Nam cần sám hối, vì hầu như ai cũng dự phần vào cái bi kịch đau thương của Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, sự sám hối của mỗi người mỗi khác. Tôi sám hối không phải vì đã tham dự vào guồng máy chiến tranh trong quá khứ, mà vì trong quá khứ ấy tôi đã không làm tròn trách nhiệm của một công dân, cũng như không làm đầy đủ nhiệm vụ một người chiến đấu bảo vệ tự do, vì sự thiếu trách nhiệm ấy đã để xảy ra biến cố đau thương 1975, đưa đến thảm hoạ cho Tổ Quốc và dân tộc hiện nay.

Tóm lại, trong tinh thần đối thoại để tìm hiểu và thông cảm, mọi vấn đề, mọi sự kiện của bối cảnh lịch sử cần được nhìn dưới nhiều góc cạnh, nhiều lăng kính để tìm ra sự thực. Đó không phải là những lời phê phán chỉ trích có tính cách bêu xấu mạ lỵ. 60% người Việt hiện tại sinh ra sau những biến cố lịch sử đó, họ cần biết sự thật. Sự thật vẫn chưa thể có, khi mà ở trong nước chưa có tự do ngôn luận, các phương tiện truyền thông báo chí vẫn chỉ là công cụ tuyên truyền một chiều của Đảng. Tiếng nói của người dân trong nước, đặc biệt của những người trong chế độ miền Nam cũ cho đến nay vẫn còn câm nín, họ vẫn đang bi bịt miệng, thì tiếng nói ngoài nước, trong thời đại thông tin toàn cầu, cần là một lực đối trọng cho việc đưa sự thực ra ánh sáng. Qua đó, giới trẻ Việt Nam có sự đối chiếu trong ngoài, qua nghiên cứu tài liệu sách vở và bằng lý luận khôn ngoan có thể hiểu rõ và viết lại những trang sử trung thực hơn. Quá khứ dù đau xót tủi nhục cũng vẫn là một phần lịch sử, một phần máu thịt của quê hương. Mọi mổ xẻ để tìm ra sự thực về một quá khứ lịch sử đều đau đớn và vật vã, nhưng là cần thiết để cắt đi những ung nhọt của xung đột tư tưởng, để giảm thiểu những tự tôn và tự ti đáng lẽ không nên có, để hạn chế những hiểu lầm vụn vặt dẫn đến việc mạ lỵ vu khống lẫn nhau.

Nếu ông Tiêu Dao Bảo Cự và những trí thức miền Nam có cùng quan điểm đối thoại với tôi, chúng ta có thể cùng chấp nhận những lý luận của ông và của những người có cái nhìn tương tự như tôi, không phải hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai, mà có đúng sai lẫn lộn. Nhưng nhờ đối thoại, ít ra mỗi ngày quan điểm của hai bên càng tiến gần nhau hơn và con đường tới dân chủ hoá Việt Nam có chiều hướng tích cực hơn.

Mong quí vị thông cảm cho những suy nghĩ lòng vòng dông dài của tôi và cố hiểu được trong đó những thành tâm thiện ý.

Australia, 23/09/2006


Đề tài liên quan
- Tôi bày tỏ, Tiêu Dao Bảo Cự
- Vài ý kiến về tập truyện "trên cả hận thù" của TDBC, Bảo Trân
- Về một diễn đàn dân chủ , Tiêu Dao Bảo Cự