Nhớ ơn mẹ

Nhớ lời mẹ ru.

Nói đến me, tôi phải nhắc đến 2 câu thơ của Trần Trung Đạo tôi ưa thích:
Ví mà tôi đổi thời gian được,
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Mẹ mất đã khá lâu nên bây giờ tôi không hình dung được tiếng cười của mẹ. Mà dường như trong đời, mẹ hiếm khi cười, hay nói cho rõ hơn, mẹ chỉ mỉm cười chứ ít khi cười thành tiếng. Có phải vì đời mẹ long đong vất vả quá không?
Càng lớn tuổi hơn, tôi càng nhớ đến những lời mẹ ru từ thuở còn thơ.
Dù đi khắp nẻo đường đời,
Vẫn nghe văng vẳng những lời mẹ ru.

Lời ru của mẹ thường chỉ là những câu ca dao đơn giản chan chứa tình quê hương, chất chứa hình ảnh mộc mạc của làng xóm thôn dã Việt Nam, những tiếng à ơi chen lẫn tiếng kẻo kẹt võng đưa ru con vào giấc ngủ nồng:
À…ơi…! Cái ngủ mày ngủ cho say,
Để mẹ đí cấy đi cày nuôi em.
À…ơi…! Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non…

Cũng tiếng à ơi ấy, sau này, trong những năm đầu ở trại cải tạo tại Trảng Lớn, chúng tôi ( tôi và nhiều bạn tù) cũng đã phải lập lại qua những lời ca từ khác:
À…ơi…! Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời “giặc Mỹ” có thương dân mình.
Ai theo “ Mỹ Nguỵ” cầu vinh,
Là cam sống nhục, đoạn tình quê hương. À.. ơi…!

Hoàn cảnh, thời thế và điều kiện để sống còn trong tù ngục bắt chúng tôi phải hát lền những lời trái với lòng mình như thế. Trại tù, hay trại cải tạo như cách nói của người CS, giam giữ hàng ngàn người trong những doanh trại chật hẹp, giữa súng đạn và những vòng kẽm gai. Họ muốn chúng tôi lao động khổ sai cật lực, với hình thức vừa để trả thù, vừa muốn biến chúng tôi thành con người “tốt đẹp XHCN”:biết lao động chân tay, làm ra của cải và có ích cho xã hội (hay cho cán bộ?), vừa để “cải thiện” tình trạng lương thực thiếu thốn. Khốn nỗi, trong vòng gai tù túng làm gì có công việc? Đất đai cũng không có cho hàng ngàn người canh tác, đào cả đường đất, bãi đâu xe đi cũng không có chỗ. Còn nhớ, tổ mười người của tôi được phân chia đào một đoạn trong sân đậu xe bề dài năm mét, chiều ngang khoảng 3 mét để làm ao rau muống, và chỉ tiêu là phải hoàn thành trong một tuần lễ, thế nhưng đến 2 tháng trôi qua, với những dụng cụ thô sơ tự chế, chúng tôi không đào nổi sâu quá năm tấc. Lý do: khi làm sân, “giặc Mỹ” đã đổ nền thuộc loại đá trộn nhựa rải đường dầy cả thước. Chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc dùng sức người để dung búa cạy từng cục đá nhỏ và nhựa đường dính chặt với nhau . Kế hoạch đào ao bị huỷ bỏ, người ta nghĩ ra cách cho tù thi đua làm văn nghệ tự biên tự diễn. Tôi may mắn, nhờ biết chút về ca nhạc và thích nghêu ngao (hay dựa dẫm để chay lười, trốn lao động như một số bạn tù thời ấy suy nghĩ) được ở trong ban văn nghệ của khối . TRong giờ lao động, khi bạn bè khăn gói quả mướp tiến ra cổng trại đi lao động, thì chúng tôi cũng lê bước qua hội trường để tập dợt văn nghệ theo đúng giờ giấc để có dịp mang chuông đi đánh “c” người . “c” ở đây là những khối người tù cải tạo do những tiểu đoàn khác quản lý. Dù là tự biên tự diễn, phải viết, nói lên những lời không hợp với lòng mình, chúng tôi cũng đã say mê thực sự hình ảnh của : lời mẹ ru” , đoạn mở đầu trong một trường ca:
Sau tiếng à ơi và giọng ngâm lời ru của mẹ.
(nhịp ¾)
Ôi tiếng ru êm êm bên vành nôi.
Ôi tiếng ru đưa con bước vào đời.
Là những lời ca dao êm ái nhất.
Ôi tiếng ru hay sông núi gọi mời?
Con lớn lên theo từng trang lịch sử,
Con lớn lên quên mau lời nhắn nhủ
Dù phút giây cũng đủ nhục muôn đời,
Mẹ buồn đau theo năm tháng khôn nguôi
Sao con quên tiếng ru hời?
Sao con không nhớ những lời mẹ ru…?
Lời ru tha thiết quá đến nỗi sau mấy chục năm tôi vẫn không quên. Có bạn nào thuở ấy ở cùng ban văn nghệ hoặc đã viết ra những lời này còn nhớ thêm đoạn nào nữa xin bổ túc. Thực tế và hoàn cảnh lịch sử cũng không thể làm mất đi mối dây liên hệ tha thiết của con người giữa chúng ta và mẹ.
Trở về với người mẹ quê mùa chất phác của riêng tôi, mẹ đúng nghĩa là một người đàn bà nhà quê chân lấm tay bùn.
Mẹ trong trí nhớ của tôi có dáng người bé nhỏ, thân gầy, gương mặt khắc khổ, vóc dáng già nua trước tuổi. Thuở nhỏ, tôi không gọi mẹ là mẹ, hoặc như những người có dáng thành thị khác gọi thấy me, hay như một thằng bạn học của tôi(không biết có phải dân Hà Nội?) gọi bố mẹ là cậu mợ. Tôi mắc cở (vì bản chất quê mùa của mình) nhưng vẫn không thể bỏ được vì đã quen miệng gọi mẹ là bầm:
Bầm đi chợ về có quà bánh gì cho “em” không? Hay là, đôi khi nói dồi để vòi tiền:
Bầm à! Cho “em “ ít tiền mua sách. Sách của “em” gần hết rồi.
Và bầm thì lúc nào cũng thế:
Cơm nhà “em” ăn căng bụng ra rồi mà vẫn cứ đòi quà chợ. Hoặc:
Trời đất! “em” mới hỏi bầm mua sách tháng rồi mà tháng này đã lại đòi mua nữa.
Tôi là dân quê . Con của mẹ mà cứ leo lẻo xưng” em” với mẹ.Mẹ cũng chả hơn, đáng lẽ sửa cho tôi thì cũng lại gọi tôi bắnng “em” để trêu chọc hay vì quen lệ, tôi không biết. Nói thế chứ chả bao giờ mẹ từ chối. Rồi mẹ cũng lôi từ trong thúng ra cái bánh đa nướng có rắc thật nhiều mè đen giòn tan mới mua ở chợ về hay móc trong bọc ra vài đổng cho con đi mua sách (hay để ăn hàng?)
Có một lần, tôi đọc đâu đó một bài văn viết về mẹ. Người viết diễn tả mẹ mình là một mẫu tử, có thân hình đẫy đà và gương mặt hiền từ của Phật Bà Quan Âm , và người ấy sung sướng và hãnh diện vì có người mẹ mập mạp , hiền từ ấy, không như những bà mẹ gầy còm ốm yếu khác mà khuôn mặt khắc khổ của họ trông từa tựa như những bà phù thuỷ độc ác trong các câu chuyện cổ. Tôi chúc mừng cho gia đình người viết ấy, nhất là bà mẹ phương phi phốp pháp của họ, có lẽ gia đình, nếu không quá giàu có thì cũng tương đối sung túc khá giả đến nỗi người mẹ chẳng phải lo lắng thái quá, điều đó chứng tỏ trong lối ăn trắng mặc trơn của người mẹ. Nhưng tôi cảm thấy xúc phạm vì lối ví von những bà mẹ gầy yếu như những bà phù thủy ác tâm. Mẹ tôi cũng gầy gò bé nhỏ, cũng già nua khắc khổ, nhưng đó là cái khắc khổ của một đời sống cơ cực, cái già nua của những ngày tháng vất vả gian nan chư đâu phải do cái ác tâm như các mụ phù thuỷ lộ ra bên ngoài. Thử hỏi những bà mẹ quê mùa chơn chất Việt Nam, mấy ai không gầy gò yếu đuồi như lau sậy, mái tóc không điểm sương trước cả tuổi trung niên?
Một người bạn thời thơ ấu, sau này khi viết về mẹ chị ấy cũng có diễn tả mẹ tôi như một người hàng xóm quê mùa tốt bụng, ống quần lúc nào cũng xắn cao và luôn luôn đấu tắt mặt tối. Khi mẹ chị ấy vì công việc buôn bán phải vắng nhà nhiều ngày, có gưỉ gấm nhà cửa con cái cho mẹ, tối đến, chị khóc lóc đòi mẹ thì “ người hàng xóm tốt bụng” chỉ có củ khoai lang, khoai mì luộc đưa ra dỗ dành. Không hiểu có phải vì cái tốt bụng và những giúp đỡ nhỏ nhoi ấy mà 2 người đàn bà quý nhau như chị em ruột và khi gia đình chị ấy dọn đi nơi khác đã để lại mảnh vườn nhà chị cho mẹ tôi với giá thật rẻ như cho không, đến nỗi một gia đình khác có liên quan họ hàng với gia đình chị sống gần đó cứ ấm ức mãi?
Quả thực cuộc đời mẹ gian nan vất vả. Làm dâu trong một gia đình tương đối nghèo khổ. Bố tôi là một người hiền lành, nhút nhát, nhu nhược và an phận. Là một công chức hạng thấp với số lương ba cọc ba đồng. Tháng tháng, mỗi khi có tiền, ông phải dành một món tiền nhỏ cho ông bố nghiện rượu. Ông giữ lại một nửa để chi tiêu cho phần ăn ở thuê nhà của chính ông, vì phải đi làm xa nhà, cuối tuần mời trở về. Phần còn lại ông đưa cho mẹ lo lắng mọi chi tiêu trong nhà và ông coi như đã đủ bổn phận. Thế mà mẹ quyết tâm để dành món tiền đó, tự làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con , chịu đựng rau cháo qua ngày để sống. Được cái tính mẹ cần cù siêng năng nên hầu như lúc nào mẹ cũng có việc.
Thím Tư (tiếng dân địa phương gọi mẹ tôi) này nhỏ nhỏ con mà làm bằng hai người khác đó. Câu nói tôi đã từng nghe người ta bảo nhau khi tìm mẹ thuê mướn. Có một đêm, tôi thức giấc nghe bố mẹ bàn bạc. Mẹ bảo:
-Cái nhà mình dột nát quá rồi, phải làm lại không thôi sụp đến nơi.
Bố nói:
- Trời! tiền bạc đâu mà làm?
Mẹ trấn an:
- Anh đừng lo, tôi có tiền. Có thiều cũng không bao nhiêu.
- Tiền ở đâu mà có?
- Thì mấy năm nay, tiền lưong của anh đưa về, tôi có tiêu đồng nào đâu. Lại còn dành dụm thêm được một ít nữa là khác.

Thế là kêu thợ tới. Có được căn nhà xây mái tôn thay cho mái tranh vách đất là khỏi lo lắng đến nơi ăn chốn ở. Cái gian nan khổ cực về vật chất có lẽ mẹ không nề hà. Cái mà mẹ chịu đựng nhiều hơn có lẽ về phương diện tinh thần. Ông nội tôi là một người nghiện rượu. Bữa cơm không có chút rượu đưa cay ông không thể nuốt. Tính ông cũng xuề xoà điềm đạm, nhưng đôi khi lỡ đà uống quá chén, thì: rượu vào lời ra, ông không thể kiềm chế không nói. Con trai vắng nhà, đàn cháu còn nhỏ dại, chỉ còn mỗi đứa con dâu là người cho ông tha hồ mắng chửi, kiểu mắng chửi của những ông thầy đồ thất chí đầy dẫy những ngôn từ điển tích trong cái mà ông gọi là “chữ của thánh hiền” mà tôi chẳng hiểu gì. Còn mẹ thì chỉ có khóc. Đôi khi cũng cãi lại, nhưng thường, mẹ chỉ cắp nón ra đồng làm cỏ. Suốt cả thời gian ông còn sống, hầu như tháng nào mẹ cũng phải chịu đựng một vài lần như thế. Ông nội cũng biết tật mình như thế, nên khi tỉnh rượu ông chẳng nói năng gì . Ông thừa biết ông có một người con dâu ngoan giỏi, không có mẹ đã không có cơ ngơi này. Sau khi ông qua đời, mẹ và tôi tìm đến chổ có một ít của cải ông nội chon giấu. Tôi có hỏi sao mẹ biết chỗ mà tìm. Mẹ bảo khi ông chon giấu đã chỉ chỗ cho mẹ, đề phòng trường hợp ông ra đi bất chợt. Số tiền chẳng có gì to tát, nhưng nó nói lên tình thương yêu mà ông nội dành cho mẹ, vì ông biết ông làm khổ mẹ, và có lẽ vì ông tin tưởng mẹ hơn bố là con trai của ông.
Viết về mẹ thì chả bao giờ hết chuyện, vì lòng mẹ lúc nào cũng” bao la như biển Thái Bình dạt dào” như lời của nhạc sĩ Y Vân. Xin tạm dâng đôi lời đơn sơ nhỏ bé này như một bông hồng muộn màng đến hương hồn mẹ như một lời tạ lỗi mà khi mẹ còn trên dương thế con đã không có một bông hồng nào dành riêng tặng mẹ.
Mẹ đã cho con vóc dáng người,
Ơn sâu nghĩa nặng quá mẹ ơi!
Thiên đường,mẹ còn yêu con chứ?
Hãy nở cho con một nụ cười.
Phương Duy
(Ngày nhớ ơn mẹ 05 – 2007)

No comments: