Chuyện di dân

Thấm sâu vào kinh nghiệm di dân.

( Fr: Deepening the Australian experience của tiến sĩ Joanna Kujawa, một học giả Ba Lan, về kinh nghiệm riêng của bà về vấn đế di trú, cũng như từ sự tham khảo của bà qua kinh nghiệm di dân, những thành công ở tại đất Úc của một số học giả người Ba Lan nổi tiếng khác . Bài báo được đăng trên tờ Australian Financial Review ngày Thứ Sáu, 13/04/2007.Bài chuyển ngữ này muốn giới thiệu đến người Việt ở khắp nơi trên thế giới có cơ hội đọc để có thể đối chiếu và chia sẻ với những kinh nghiệm di dân của chính mình trên đất nước đang sinh sống).

X X X

Trong văn phòng di trú tại Paris, tôi đã có cơ hội để thuyết phục nhân viên di trú lý do tại sao tôi phải được phép ở lại. Có một ai đó trong phòng đang khóc vì anh ta vừa nhận được giấy tờ bị trục xuất. Căn phòng đầy người ,đủ mọi quốc tịch,họ cùng với con cái đang đợi chờ trong lo lắng. Tới phiên tôi đối mặt với viên chưc di trú, tôi quyết định phải chứng tỏ cho viên chức này hiểu rằng mọi việc ổn thoả cả, rằng tôi xứng đáng được ở lại, tôi chẳng phải là sự đe doạ gì cho bất cứ ai…Nhưng có lẽ có cái gì đó phản lại tôi ngay trước mắt người nữ nhân viên đang thi hành chức vụ. Bà ta ném thẳng vào mắt tôi một cái nhìn đầy nghi ngờ rất ư chuyên nghiệp:
“ Tại sao cô lại có mặt ở đây? Chúng tôi đã có quá nhiều người từ đất nước của cô và nhiều nước khác nữa đến ở lậu bất hợp pháp rồi. Tôi nghĩ cô không có tiền bạc tài sản gì, phải không?”
“ Thưa không đúng vậy, tôi có tiền chứ ạ! Không nhiều lắm , nhưng cũng vừa đủ”. Tôi nói giọng nhỏ nhẹ.
“ Vừa đủ cho cái gì mới được? Trong bao lâu? Rồi không có giấy cư trú làm sao cô có thể đi làm việc kiếm tiền sinh sống?”
Làm sao tôi có thể cắt nghĩa cho bà ta hiểu cái giấc mơ của tôi về một đời sống có ý nghĩa hơn ?(chứ đâu chỉ là miếng cơm manh áo?) Làm sao giải thich được trong cái phạm vi suy nghĩ thiển cận về thế giới của bà? Làm sao nói cho bà hiểu rằng người ta phải đi làm lậu vì họ không được phép làm việc một cách hợp pháp?Làm sao cho bà biết rằng tôi đã bước đi trên đường phố Paris, miệng ngâm nga những vần thơ của Baudelaire mong muốn được thở hít cái không khí mà Modigliani và De Beauvoir đã từng hít thở?
Dưới cặp mắt bà, tôi là một “con mọi man rợ” Đông Âu, đến trước ngưỡng cửa Paris chỉ để lừa gạt và cướp lấy công ăn việc làm của người khác.
Trí tưởng tượng của tôi còn lan man hơn nữa : Có phải vì những vó ngựa của những chàng kỵ binh Cossack của dân tộc tôi trên những vùng thảo nguyên bát ngát miền Đông đang gõ nhịp lên đầu bà khi tôi trả lời những câu bà chất vấn? Hay vì bà không ưa chuyện tổ tiên của tôi đã làm đắm chìm những mùa đông dài giá lạnh trong những ly rượu vodka? Hay có điều gì lạ lùng trong khuôn mặt Đông Âu của tôi? Đôi mắt tôi quá lớn cho việc hoàn thiện văn minh? Hay vì cái “lời nguyền đỏ” làm cho bà lo lắng?
Trong bất cứ trường hợp nào, tôi có lẽ cũng không tự nhận diện chính mình với những biểu hiện trên, nhưng rồi tôi lại muốn ném trả lại cho bà ta để chế nhạo cái sự nghi ngờ quá lố và sự từ chối của bà, chế nhạo lại cái hệ thống phân loại con người, một hệ thống quá hạn hẹp trong việc phủ nhận những giá trị của một người khác ngoài việc cho họ là một kẻ ở tầng lớp tha phương cầu thực chuyên vi phạm luật pháp (di trú).
Làm sao những câu hỏi đáp trong đơn xin di trú lại bao gồm cả những chất lượng về sự sinh tồn của dòng giồng Slave yêu dấu của tôi, hay về những văn nhân đã tạo nên những áng văn chương mà tôi đã từ đó lớn lên, hay cả về những cuộc phiên lưu mạo hiểm và những cuộc cách mạng đã làm nền để xây dựng nên trí tưởng tượng của tôi?
Chuyện tương tự cũng đã xảy ra tại vùng Bắc Mỹ, dù có theo một cung cách khác. Ở đây. người ta đặt tôi vào vị trí phân loại những vodka và những khúc dồi súc sích khi họ cố gắng tỏ ra thân thiện. Một người bạn Mỹ từng tốt nghiệp tại đại học Bereley, đã tỏ ra sự kinh ngạc rằng đã từng có một nền văn học Ba Lan, mặc dù Czeslaw Milosz. một người Ba Lan đoạt giải Nobel về văn chương năm 1980, đã và còn đang giảng dạy tại chính đại học của người bạn Mỹ ấy trong nhiều thập kỷ.
Mỉa mai thay, vài năm sau đó. vai trò đã xẩy ra trong một tình huống đảo ngược tại Đông Nam Á, nơi tôi bỗng trở thành một du khách “ Tây Phương giàu có”. Một hướng dẫn viên trẻ tuổi, ăn nói mềm mỏng đã đưa tôi đến thăm những ngôi đền xa xôi hẻo lánh trên đất nước Cambodia. Ở đó, vào ngày cuối cuả hành trình, anh ta đã thú nhận là trong lòng anh đã cảm thấy giận dữ ra sao khi phải phục vụ “bọn Tây Phương giàu có” như tôi. Anh tin tưởng (một cách sai lầm) rằng tôi có dư sức (tiền của) để đưa lậu anh ra khỏi đất nước này cho anh có cơ tìm được một cuộc sống tốt hơn ở trời Tây. Tôi hiểu giấc mơ ấy của anh. Giống như tôi những năm về trước, anh vùi đầu trong việc học Anh và Pháp ngữ. Anh muốn được đi khắp nơi trên thế giới với ước mộng trở thành một nhà văn.
Tôi cũng đã từng có cảm giác ấy. Sau những sự kiện tại Paris, tôi biết rằng có một cây cầu rất dài và trắc trở mà một người ngoại quốc và người bản xứ cần phải vượt qua. Một cây cầu bị vây bủa bởi những luật lệ cứng ngắc về khái niệm giàu có và nghèo nàn, giữa ước mơ và thực tế. Tôi biết rằng cây cầu lại dẫn dắt qua một khía cạnh khác của con người, một trực cảm rộng mở và đầy sáng tạo bày ra trước mắt. Ý nghĩ này làm tôi hưng phấn. Tôi muốn phiên lưu vào những khả năng khác của cái ta là (being) và cái ta có (belonging).
Tuy nhiên, một số câu hỏi vẫn cần được trả lời ,bởi vì làm sao người ta lại diễn tả một kinh nghiệm có rất nhiều khác biệt như sự sở hữu hay tuỳ thuộc vào mà lại không có sự tham khảo đến những ý niệm truyền thống về sự có cùng chung một lãnh thổ, một ngôn ngữ và một lịch sử?
Đây không chỉ là những câu hỏi có tính trí thức. Đúng hơn, đó là những thúc đẩy tự nhiên như người ta kinh qua sự ta thuộc về đâu, vượt ra khỏi những công thức bàn giấy cũng như những kỳ vọng xã hội.
Trải qua hai mươi năm , đi qua bốn đại lục, sở hữu ba tờ hộ chiếu kể từ sau cái kinh nghiệm tại thành phố Paris, khi chú tâm vào bảng thống kê lịch sử về những nhà mạo hiểm và những nghệ nhân người Ba Lan tại Úc châu trước thế chiến ÌI , tôi nghiệm ra rằng, ngay từ lúc đầu, sự di dân của người Ba Lan đến Úc đã rất khác so với sự đi đến Bắc Mỹ hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ở đây, tôi tìm thấy một món quà tuyệt diệu của Lech Paszkowski, một nhà văn qua tác phẩm: Poles in Australia and Oceania 1790 – 1940 (ANU Press, 1987)
Đây là tác phẩm tôi tìm ra hoàn toàn nhờ may mắn khi đang đi tìm tài liệu cho luận án tiến sĩ của tôi. Qua tác phẩm của Paszkowski, tôi tìm thấy lại cái căn nguyên về cá tính du mục của mình. Văn hào Paszkowski tuyên bố rằng đất Úc luôn luôn có sức thu hút những linh hồn ưa mạo hiểm nhất. Đó là một tin đáng hoan nghênh. Tôi có cảm giác như ở tại nhà khi sống với họ ở đây.
Nhà văn này đã viết về những người Ba Lan, dù đến , ở lại ,hay ra đi , nhưng luôn luôn vẫn để lại một dấu ấn trong cuộc sống của họ, trong sự lựa chọn có vẻ không chính thống của họ, và trong những hình thức không thể định nghĩa được về cái bản thể(being) và cái sở hữu(belonging) của họ.. Đôi khi qua sự lầm lẫn, họ biến thành những thần tượng người Úc, chẳng hạn như Paul Strzelecki, nổi tiếng qua sự thám hiểm các vùng đất Gippland và đảo Tasmania, hay như Thaddeus Kosciuszko, tên một nhà ái quốc Ba Lan được đặt cho ngọn núi cao nhất tại Úc. Không ai biết rỏ lý do vì sao ông rời bỏ đất nước Ba Lan. Có giả thuyết cho rằng ông đã liên can đến một cuộc nổi dậy hoành tráng nhưng đầy thảm hại . Giả thuyết khác lại cho ông là một tâm hồn thích biến động, gặp khó khăn cả về tình trường lẫn tài chánh..
Quả thực, Strzelecki có một thiên tình sử tại quê hương: một phụ nữ trẻ tên Adyna đã kiên trì, nếu không muốn nói là ngây thơ khờ khạo, đợi chờ ông, trong khi ông lang thang du hành thế giới, đo đạc và vẽ bản đồ cho những vùng đất đại lục còn trống trải, tiếp nhận những vinh danh từ Hội Điạ Lý Hoàng Gia London, và xuất bản những sách vở tuyên bố về những khám phá điạ dư tại đất Úc. Cho tới khi nàng qua đời, ông đã viết cho nàng những lá thư “chớp nhoáng”., và tôi nghi ngờ không biết nàng có chia sẻ và thích thú với niềm vui thụ động về những cuộc du hành và những mạo hiểm của người tình trong những lá thư ấy không?.
Kế tiếp, Bronislaw Malinowski, một tay du mục tuyệt vời, lại vừa là một nhà nhân chủng học đã du hành từ Ba Lan đến Úc, Papua New Guinea, Mexico và lục địa Phi châu. Tác phẩm quan trọng nhất của ông là phần khảo cứu Úc châu vào đầu thế kỷ 20. Trong một lần dừng chân khá lâu tại thành phố Melbourne, ông đã yêu và cưới bà Elsie Masson, con gái một vị giáo sư địa phương làm vợ, theo như lời ông viết gửi cho thân nhân tại quê nhà. Sau đó hai người đã lên đường đến quần đảo Trobriand, ngoài khơi bờ biển New Guinea để chỉ đạo cho một cuộc nghiên cứu nhân chủng về cư dân trên đảo. Theo Malinowski, đó là một thời kỳ phong phú. Ông viết về những khía cạnh thân quen của đời sống cư dân, trong đó bao gồm những tuyệt phẩm :Sự toả sáng của Tây Thái Bình Dương(Argonauts of the Western Pacific),Những mảnh vườn san hô và sự thần kỳ(Coral Gardens and their Magic),Huyền thoại trong xã hội bán khai(Myth in Primitive Society), cũng như hai tập sách minh hoạ và chi tiết về đời sống sinh lý của cư dân trên đảo.
Tác phẩm của Paszkowski lại tiết lộ thêm những ngôi sao nhỏ bé hơn: những viên ngọc li ti của những câu chuyện về những nhà thám hiểm Ba Lan tại Úc, chẳng hạn như Sygurd Wisniowski, Joseph Sabatowski.
Wisniowski là một người đam mê du lịch vòng quanh thế giới. Trong các thập niên 1860s và 1870s. ông đã đi không ngừng nghỉ qua Nam và Bắc Mỹ, Papua New Guinea, Úc và New Zealand.
Úc là điểm đến ông đặc biệt ưa thích. Và ông đã tạo được một gia tài trên bãi tìm vàng ở gần Raveswood. tiểu bang Victoria. Theo dòng kể, chẳng bao lâu sau, ông mất hết trong một cơn đắm tàu. Do đó, ông trở lại với nghiệp viết văn và du hành. Tập hồi ký Mười Năm trên xứ Úc(Ten years in Australia) của ông được xuất bản trong một dịp trở về Ba Lan ngắn ngủi. Bộ tiểu thuyết về cộng đồng (thổ dân) Maori tại New Zealand Tikera (Những đưá con của Nữ Thần Đại Dương) được dịch sang Anh ngữ và phát hành nắm 1972, gần một trăm năm sau khi viết .
Sabatrowski, ngược lại, có vẻ là một nhà ái quốc, người làm cách mạng hơn là kẻ thích du hành. Tôi yêu thích câu chuyện đời ông vì cái kết cuộc rắc rối khó hiểu. và cũng vì nỗi ám ảnh của ông trong việc chống lại bọn cầm quyền chuyên chế thời đó là hai đế quốc Russia và Prussia. Ông rời Ba Lan sau cuộc nổi dậy tháng Giêng chống Russia từ năm 1863 đến 1864 bị thất bại để gia nhập vào đoàn quân Turkey chiến đấu chống Russia. Sau đó, ông lại gia nhập quân Áo, rồi quân Pháp để chống lại Prussia. Freud có lẽ đã có một giả thuyết về trường hợp của ông, bởi vì sau nhiều năm chiến đấu và làm cách mạng, Sabatowski bỗng dừng chân tại Sydney và trở thành một bác sĩ phụ khoa.
Từ lâu trước khi đọc Paszkoski, tôi đã rất mê một nhà thám hiểm khác: Joseph Conrad (1857 – 1924), một nhà văn, một thủy thủ và là thần tượng thời trẻ của tôi. Khởi đầu của hành trình mạo hiểm của ông chất chưá nhiều bi kịch. Tên thực đầu đời của ông là Josef Korzeniowski. Cha mẹ ông đã bị chính quyền Nga hoàng băt đi lưu đày vì những hoạt động chính trị, do đó ông về sống với người chú Stefan, một nhà quý tộc có nhiều đất đai ở Ukraine, như một người cha thứ hai. Người bạn trẻ Korzeniowski luôn luôn mơ ước đến những cuộc du hành kỳ thú, do đó, anh muốn trở thành một thuỷ thủ, một lựa chọn không bình thường cho một nhà quý tộc trẻ Ba Lan. Tuy thế, ông chú cũng chiều ý gửi anh đến theo học một ngôi trường ở miền Nam nuớc Pháp theo ước vọng người cháu trẻ trung. Tại Pháp, Korzeniowski có liên can đến những vụ chuyên chở vũ khí cho một nhóm cách mạng, dan díu với một người đàn bà trong nhóm, khánh tận tài sản và đi vào nợ nần dẫn đến việc muốn tìm cái chết. Một lần nữa, ông chú Stefan lại ra tay cứu vớt tình trạng tài chánh cùng những khó khăn khác ngoại trừ mối tình của anh. Anh được gửi tới London nơi anh được huấn luyện từ một sĩ quan cấp thấp trở thành vị thuyền trưởng, rồi thành một đối tượng của đế quốc Anh.. Korzeniowski đã giương buồm đi đến những vùng biển Đông Nam Á với những bộ sưu tập về địa dư có rất nhiều trong những cuốn sách của ông, vùng biển Nam Mỹ (tác phẩm Nostromo), cũng như thám hiểm dòng sông Congo tại châu Phi ( tập Hearts of Darkness). Ông tự thú nhận mình rất nóng tính, hay chửi thề (bằng tiếng Ba Lan) khi cưỡi ngựa và nói (tiếng Anh) với một âm giọng nặng chịch., bao gồm sự pha trộn ngôn ngữ mẹ đẻ Ba Lan và thổ ngữ miền Nam nươc Pháp. Đối vời tôi, một cô bé lớn lên tại đất nước cộng sản Ba Lan, ông là một kết hợp nhiều lôi cuốn giữa những khía cạnh đầy mạo hiểm và đầy sáng tạo : một đời sống cuồng nhiệt.
Cũng từ Paszkowski, tôi tìm ra Korzeniowski đã du hành tới Úc châu, dừng chân tại cảng Sydney và Melbourne trong những năm 1879,1888 và 1889. Cuộc dừng chân nào cũng để lại những câu chuyện mang tính văn chương lich sử.. Năm 1879, ông là một thủy thủ trẻ từ London đến Sydney, trong thời gian chờ đợi chuyến tàu kế, ông nghe kể chuyện tai tiếng ô nhục về việc thuỷ thủ đoàn con tàu Jeddah bỏ rơi 953 hành khách Hồi Giáo đi hành hương khi con tàu bị chìm. Tin này đã làm chấn động gìới sĩ quan và thuỷ thủ đoàn và trở thành đề tài cho tác phẩm Lord Jim của ông. Ông diễn tả bến cảng Sydney là một tuyệt tác trong tác phẩm Tấm gương của biển( The Mirror of the Sea), mà một số nhân vật ông gặp gỡ tại Sydney, như người bạn Úc Charles Born, đã có mặt trong những tác phẩm của ông.
Năm 1888, Korzeniowski quay trở lại Sydney. Lúc này ông đã thành vị thuyền trưởng của con tàu Otago. Tên của ông khó nhớ đến nỗi các tờ báo ở Sydney cứ liên tục viết sai. Vì vậy, khi con tàu rời bến để đến Melbourne, ông đổi tên thành Conrad.
Ẩn ý của nhà thám hiểm không chỉ gợi cho cái đam mê cá nhân của tôi, nó còn luôn đóng một vai trò đầy uy lực trong việc đưa trí tưởng tượng đi xa hơn. Có lẽ người vừa mạo hiểm, đi hoang, vừa là di dân đầu tiên là nhân vật huyền thoại Odysseus của Homer. Những hành trình của Odysseus đã gây ra muôn vàn cách giải thích trong suốt mọi thời đại. Người Hy Lạp cổ coi nhân vật này như một chiến sĩ dũng cảm mà cái mưu kế ngoạn mục của anh đã được thần thánh thử thách. Đối với người La Mã, anh lại là một tên ngoại chủng lừa bịp và thủ đoạn trong việc dùng xảo kế để hủy diệt thành Troy. Sau những biến chuyển và tai hoạ của Thế Chiến thứ hai, Theodor Adorno và Max Horkeimer lại cho rằng Odysseus chỉ là một kẻ lưu vong tuyệt vọng, luôn luôn ở ngoài lề phạm vi văn hoá của chính anh trên mặt đất.
Sự gặp gỡ của tôi với Jerzy Zubrzycki và George Smolicz, 2 nhà trí thức rời Ba Lan trong thời Thế Chiến 2 và định cư tại Úc lại mang đến một cách giải thích nữa về câu chuyện lưu vong. Hai nhà trí thức này đã cố biền đổi một cách sáng tạo những kinh nghiệm đau thương của chiến tranh thành một phưong thức giúp hình thành và làm phong phú một nền đa văn hoá tại Úc. Zubrzycki nói với tôi rằng ông muốn sửa chữa những sai lầm mà một nước Ba Lan thời tiền chiến đã phạm phải, đó là sự thất bại trong việc nắm giữ và liên kết được các nhóm chủng tộc và tôn giáo khác nhau trong những năm 1930s. Ông muốn ngăn ngừa một tình trạng tương tự lại xảy ra trên đất Úc. Trong suốt những tháng năm làm việc tại trường đại học quốc gia Úc, ông đã cố bổ xung và vận động cho sự đa văn hoá như một thành phần quan yếu trong cuộc sống người dân Úc.
Smolicz lại đi qua vùng Trung Á và Trung Đông, sống trong không biết cơ man nào những trại tạm cư của những nạn nhân của chiến tranh như một đứa trẻ tỵ nạn.. Kinh nghiệm này gợi hứng cho ông trong việc biến đổi hệ thống giáo dục nước Úc theo một phương cách cho phép tất cả trẻ em đủ mọi quồc tịch được học hỏi thêm về ngôn ngữ và văn hoá riêng của chúng. Ông đã vẽ ra hình ảnh nước Úc, một đất nước với một nền văn hoá phong phú bất tận: Nền văn hoá có từ sự cộng tác của những kẻ phiên lưu.
Quả là đã có nhiều người gốc Ba Lan đã đến đây hơn trước, như các nhà soạn nhạc phim Cezary Skubiszewski, nhà thơ Anna Walwicz, nhà vẽ kiểu Kajetan , nghệ nhân Jacek Koman. Họ tự coi mình là những kẻ phiên lưu. Họ có quyền vì những cộng tác về trí tuệ và nghệ thuật của họ. Con đường dẫn đến nước Úc của họ thường đi qua nhiều đất nước khác mà mỗi khoảnh không gian ấy là những học hỏi và bồi bổ thêm. Họ chính là những người khách lạ đáng chú ý qua những con đường họ đi để định nghĩa lại cái ý nghĩa của sự sở hữu hay cái tuỳ thuộc(belonging), cái mà “linh hồn trong nó mới lớn lao hơn chính nó” không hạn chế trong một mảnh đất hay một ngôn ngữ.
Bruce Chatwin nói rằng sự lôi cuốn của những nhà mạo hiểm và của dân du mục nằm trong cái khả năng tồn tại bất khuất và vô thời hạn của họ. Hình ảnh mạnh mẽ nhất của một người thích mạo hiểm là người có lòng can đảm lớn lao và sự sáng tạo, sự đáp ứng được những thách đố nảy sinh từ những phức tạp của đời sống . Một người mà sự dũng cảm , nhiệt tâm, tính ưa mạo hiểm và những tính chất sáng tạo và phản ảnh của một nghệ nhân phải cùng được hợp nhất vào trong một xã hội rộng rãi hơn. Người mạo hiểm không là những người có tính kỳ lạ hay thi vị chỉ có tính định kỳ. Họ là những người tỵ nạn, di dân , người lưu vong được nhìn qua nhiều lăng kính khác ,thuận lợi và phức tạp hơn khi được tham dự vào việc biến cải cái xã hội mà họ mới nhập.
Vẫn còn một con đường khác phải làm, không chỉ bởi những người mới tới mà do chính những người trong xã hội chính mạch. Đây có thể là một sự mạo hiểm còn thách đố nhiều hơn. Nó đòi hỏi xã hội cần từ bỏ cái thành kiến, cái tư tưởng võ đoán và thường vô ý thức của tính ưu việt theo một lối định nghĩa cứng ngắc: ta là chủ nhân ở đây (hay đất nước này của riêng ta).
Trong cái ý nghĩa của sự mạo hiểm này, Odysseus đến vùng đất mới, biết rằng không chỉ mình anh, mà toàn thể dân cư sồng trên vùng đất cùng chia sẻ một hành trình : mang những hiểu biết và thân thuộc đến những bờ biển hoang sơ về những tầm nhìn mới và tự phám phá.

( Bài tiểu luận của Dr. Joanna Kujawa , PhD of Monash University, 2005, trích từ Griffith Review 15: Divided Nation, ABC Books. www.griffith.edu.au/griffithreview).

Phương Duy
(Lược dịch 07/05/2007)

2 comments:

joanna.kujawa said...
This comment has been removed by the author.
joanna.kujawa said...

Thank you for translating my piece. Hope you enjoyed it,
Cheers, Joanna Kujawa (PhD)