Trôi theo mùa hè_8


                      

                           

                                                                Chương 8

                               Bắt đầu tai hoạ

K
hi tôi tới nhà xứ buổi sáng hôm sau, vào lúc bảy giờ thay vì bảy giờ rưỡi, để thấy bà đầu bếp đang ở trong một  tình huống run rẩy, phân vân, hỗn loạn.  Phòng rửa chén chất đầy chén đĩa chưa rửa từ tối hôm trước, và bà đầu bếp vẫn còn đang loay hoay với những khay trà cho bữa điểm tâm mà đáng lẽ chúng đã phải sẵn sàng để bưng lên rồi.
-     Họ đang rung chuông hỏi bữa ăn sáng kìa. Và cả bà Gallagher nữa. Bà ấy  ngồi canh ở trong phòng ông ta suốt đêm qua. Còn nó thì bỏ đi đâu mất. Nó bỏ đi mà không rửa ráy đồ dùng tối qua, sáng nay cũng chẳng thèm dậy đốt lửa lò nữa.  Bây giờ cô bắt đầu rửa mấy cái bình dơ đó. À không, coi mấy bình nước đã sôi chưa, rót vào mấy bình trà này. Cứ để lò tiếp tục nấu đi, họ cũng đang cần nước nóng để tắm rửa. Mình ta làm không xuể.
-     Bà có muốn cháu mang mấy bình nước này lên không bà Puddingoyle?
-     Có. À không, để ta mang mấy khay trà này lên trước…Đây, được rồi…Cái bình nước sôi rồi kìa. Cái bình nhỏ đó.  Ta sẽ mang lên cho họ. Còn cô bưng lên cho bà Gallagher. Bà đang ở trong phòng của ông Hope-Browne. Cô biết phòng đó ở đâu rồi phải không?
-     Chưa biết.
     Thật đáng sợ, bà đầu bếp bỗng bật khóc, trông bà giống như một chiếc bánh ngọt bọc đường lớn bị đập nát  thành nhiều mảnh.
 -  Ta sẽ phải làm gì? – Bà nức nở một cách giận dữ. -  Cha mẹ của ông ấy hôm nay sẽ tới. Lại thêm việc chăm sóc người bệnh nữa. Thật quá sức mà. Ta sẽ phải cho bà ta biết chứ!
-    Hãy ngồi xuống uống một tách trà đi bà Puddingoyle.
     Tôi nhỏ nhẹ nói, đó là cách người ta thường nói trong trường hợp cấp thiết, và có vẻ như hiệu nghiệm, bởi tôi thấy bà rơi mình xuống   ghế tại bàn ăn và tự rót cho mình một tách trà từ cái khay trà sắp mang lên cho ông bà Lovelace.
-    Từ sau ngày hôm qua, không kể đến đêm hôm trước nữa, ta thấy hết, cô bé có biết không. Chính ta đã cứu sống ông ta. Và từ hôm qua tới giờ, sau khi bác sĩ tới cứ phải liên tục bơm rửa. Cô  chẳng bao giờ thấy tình trạng lộn xộn như thế.  Lại còn phải nấu nước pha trà suốt ngày. Và ta còn phải ngồi coi chừng ông ta đến khi họ gọi được bà Gallagher đến. Và bây giờ nó lại bỏ đi. Ta bước xuống đây sáng nay, củi lửa chẳng thấy chỗ nào đốt lên, chén bát đêm qua chưa rửa, điểm tâm sáng chưa làm, chẳng có gì  được làm cả…
-     Ai thế! – Tôi hỏi nhưng biết thừa ai.
-     Cái đứa con gái đốn mạt đó. Đáng lý không nên cho nó vào đây. Thật  không hiểu bà Lovelace làm cái gì nữa. Cái đứa con gái đó toàn  sinh chuyện. Thế mà bằng cách nào đó nó có thể mà mắt thiên hạ. Ta chỉ biết điều đó khi nhìn cái bản mặt nó ngày hôm qua.Thấy hành động của ông ta, nó sợ hãi quá đến nỗi không chịu thay phiên vào phòng chăm sóc  cho ông. Đến cả việc đi mang đồ vào phòng cho bà Gallagher cũng không dám vào.  Bây giờ lại bỏ trốn.  Chắc nó bỏ đi hồi đêm. Giường nệm trong phòng còn phẳng  nguyên không có dấu nằm . Cô có thấy nó ở nhà không?
-     Dạ không thưa bà! Nhưng ngày hôm qua cháu bị bệnh nên cũng không ra khỏi nhà.
-     Mọi chuyện xảy ra cùng một lúc, thật quá sức chịu đựng. Họ vẫn nghĩ là ông ta có thể chết. Đó là một thứ dầu xăng. Cô coi, ta thấy ông ta ngay khi ông vừa đưa cái chai vào miệng. “ Lạy Chúa tôi! Ông làm gì thế ông Hope-Browne?” Ta la lên, ngay ở trong căn bếp này, và cái chai Lysol  đã ở trong miệng ông. Nếu ta không  xuống đây tìm vài viên thuốc, có lẽ ông ta đã nằm  chết trên cái sàn  bếp này.
     Một sự ớn lạnh chạy trong người lan xuống tận hai bàn chân tôi, và chuyện ông Hope-Browne đêm trước nữa mà tôi đã quên  bỗng bừng lên trong trí.
-     Chuyện xảy ra khi nào thưa bà? – Tôi thì thào.
-     Đêm thứ Bảy. Nó đến với đám ca giảng. Và đáng lẽ nó đã phải trở về từ lâu nhưng nó đã không về. Ông ta cứ lên xuống để coi nó về chưa. Cuối cùng ta đi lên phòng ngủ và rồi  nghe tiếng nó  chạy lên cầu thang, và tiếng ông ta la lớn. Rồi mọi sự yên lặng. Ta đi xuống bếp lấy mấy viên thuốc và thật cám ơn Chúa về việc này. Ta đã cướp lấy đập bể nó trước khi ông ta kịp nuốt vào. Nghe tiếng ta la, họ đi xuống, nhưng lúc đó ông ta đã  ngã quỵ nằm bất tỉnh dưới sàn. Bác sĩ bảo là ông ấy nghĩ rằng ông ta chưa nuốt vào bụng chút nào, nhưng tốt hơn hết vẫn nên cho ống rửa vào bụng ông ta. Công việc rửa ruột gần như suốt đêm: đổ sữa vào, rất là nhiều sữa. Có điều gương mặt của ông ta đã bị phỏng…
     Bà bỗng nhiên ngừng lại, chăm chú nhìn tôi, chợt như đề phòng những điều bà đang nói.
-    Mang tách và dĩa tới đây để ta đem lên trên ấy.
     Tôi nổi lạnh đến nỗi tê cứng người. Vừa đi lấy tách dĩa từ trên kệ xuống vừa nhớ đến chuyện ngồi uống sô cô la với bố đêm  trước tuyệt trần biết bao.
-     Hãy quên những chuyện ta nói đi Sophie! Không được nói với ai về những gì ta nói đó…. Đây, hãy ngồi xuống uống một ly trà đi.
     Bà lượn quanh tôi một lúc rồi mang khay trà đi. Khi bà đã đi khỏi. tôi đi lại bồn bắt đầu công việc rửa chén bát.
     Tôi chuẩn bị  các bình nước nóng xong xuôi, đi vào phòng ăn dọn bàn, phục vụ khay trà điểm tâm cho bà Gallagher trong phòng bệnh nhân, dọn dẹp phòng khách và đốt lò sưởi trong đó lên sẵn sàng để đón cha mẹ ông Hope-Browne. Sau đó tôi  đi rửa ráy chén đĩa sau bữa ăn sáng, phụ giúp bà đầu bếp dọn dẹp phòng ngủ của ông cha xứ, không nghĩ ngợi gì. Tôi cố hết sức để không nghĩ đến bất cứ chuyện gì, nhưng  rõ ràng là lỗi ở tôi. Nếu tôi đã không nói gì với ông Hope-Browne thì đã không có chuyện gì xảy ra. Lạy Chúa, xin đừng để ông ấy chết. Nếu ông chết sẽ là lỗi tại tôi. Tôi sẽ mang tội giết ông.
     Tôi làm việc hết sức mình để khỏi phải suy nghĩ. Đồng thời tôi cho rằng nhờ tôi siêng năng làm việc, Chúa  có thể ghi nhận thành tích nhỏ nhoi này để cứu  sống ông Hope-Browne. Tôi tự vẽ ra những mục tiêu mình phải đạt được: Nếu gọt rửa hết đống rau khoai này trước mười giờ rưỡi sáng, ông ấy sẽ không chết. Nếu cái bậc cấp trước cửa vừa lau kịp khô trong vòng năm phút, các vết phỏng trên mặt ông sẽ lành…
     Thỉnh thoảng đầu óc tôi lại trở về với đêm thứ Bảy:  Nếu mẹ đã cho phép tôi ra khỏi nhà đêm đó, thì đã không có chuyện gì xảy ra. Có lẽ tôi đã canh chừng được Galina không bị mê hoặc như những đêm trước và đã chẳng có chuyện. Nếu tôi  đừng bảo ông Hope-Browne đến đó để ngăn cản cô ta, có lẽ ông  đã không nhìn thấy cảnh cô  tháo tung nút áo trên cái bục gỗ, và như vậy thì ông đã không về nhà  và uống Lysol tự tử. Nếu…nếu… Những làn sóng hoảng sợ đến lạnh xương sống  cứ thỉnh thoảng  lướt qua người tôi. Những lúc ấy, tôi đã chà xát, kỳ cọ hay lau chùi  mạnh mẽ gấp hai bình thường, cố xua đuổi  chúng bằng công việc đang làm.
     Bà đầu bếp sai cậu bé làm vườn mang  đến nhà  nhắn mẹ, xin cho tôi ở lại sau bữa trưa để làm luôn buổi chiều vì không có Galina. Nhưng vào mười hai giờ rưỡi, Edwin đã có mặt ở cửa sau để đón tôi về nhà.
-     Nhưng tôi giải thích cho mẹ cậu rồi cơ mà! – Bà kêu thét lên – Tôi đã gửi lời nhắn  cho biết  ở đây đang phiền phức ghê lắm, tôi cần Sophie ở lại giúp một tay.
-    Mẹ  cháu nói nó về nhà ăn cơm đã. – Edwin trả lời thật cương quyết. -  Rồi mẹ sẽ cho biết   buổi chiều nó sẽ trở lại làm hay không.
-     Làm sao tôi có thể lo hết mọi việc nếu con bé không trở  lại?
     Edwin không trả lời. Anh đứng đó bất động,  một sự im lặng bướng bỉnh, cho đến khi tôi mặc áo khoác vào và theo anh về nhà.
-     Cô ta bỏ trốn theo đám  người du hành ca giảng . – Edwin nói   giọng không một chút xúc cảm.
-     Sao anh biết?
-  Peter Hayward đã trông thấy họ tối qua.  Họ ra đi  về hướng Eastbourne và  cô ta ngồi trên xe chung với họ.
-    Ồ! – Tôi cố tìm coi có phải cũng là lỗi của tôi không.
-     Cô ta còn lấy đi cây vĩ cầm của ông bố nữa. - 
     Một dấu vết cuối cùng còn lại của tuổi ấu thơ  ập vào người tôi bằng một nỗi đau đớn của  sự thất vọng não nề. Tất cả mọi chuyện đều là cơn ác mộng, là tội lỗi gớm ghiếc hơn là trí tôi có thể hiểu. Nhưng, như một đứa trẻ con, tôi đã muốn bật khóc với cái ý nghĩ là từ nay tôi chắc không còn  được nghe ông Barshinskey chơi vĩ cầm nữa.
-     Ông ta đã bỏ đi tìm cô con gái. – Edwin nói.- Ông  ta bảo sẽ mang cô ấy về. Ông  bỏ đi mà không hề nói một tiếng với ông Hayward, và bố thì  lại đang nghỉ dưỡng bệnh.  Ông Hayward nói  giờ ông chẳng biết làm gì. Con (bò) Lady Audley  lại đang sắp đẻ vào bất cứ lúc nào.
-    Tức cười quá phải không? Gia đình họ chỉ mới  vào làng ở có vài tháng. Và bây giờ, vì hai người họ bỏ đi,  chẳng ai làm được việc khi không có họ.
-     Ivan có lên trên nhà Hayward và  tình nguyện phụ giúp. Anh ta cũng khá rành việc vắt sữa  và tao đoán anh ta sẵn sàng dọn dẹp phân cỏ trong chuồng bò. Bà Hayward giờ cũng phải ra vắt sữa. Bà hỏi em có  muốn đến giúp một tay cho đến khi ông Barshinskey trở lại không?  Em có muốn đến đó hơn là nhà xứ không?
-     Em phải trở lại nhà xứ. Họ cần em hơn là nhà bà Hayward.
     Edwin nhìn tôi chăm chăm:
-     Tình trạng ông ấy tệ hại lắm sao?
-     Rất xấu.
     Sau khi ăn xong bữa trưa, mẹ hỏi tôi có thấy cần phải trở lại nhà xứ không.  Mẹ nói bà đã nói chuyện với bố và cùng kết luận rằng chỗ cần thiết hơn là ở trên đó. Dù gì, ông Barshinskey cũng sẽ trở lại  nông trại Hayward bất cứ lúc nào. Vả lại, ở đó không có tình trạng thập tử nhất sinh như ở nhà xứ.
     Vì vậy, tôi đã trở lại nhà xứ vào buổi chiều và thêm ngày hôm sau.  Cuối cùng việc tôi mặc cả với Chúa đã được chấp nhận: ông Hope-Browne đã không chết.
     Vào cuối tuần, cha mẹ ông đưa ông về nhà. Bà mẹ ông khóc nhiều. Bà là một người cao lớn không giống con một chút nào. Bà luôn nắm lấy tay ông khi  người ta cáng ông đưa ra xe. Lúc này, nửa dưới của khuôn mặt ông Hope-Browne được che bởi một tấm khăn lụa cột ngang, trông ông rất gầy ốm. Thật không thể nào tin được  có ai có thể xuống ký nhanh như vậy chỉ trong một tuần.
     Tôi đã hy vọng ông quay đầu lại nhìn tôi. Tôi chỉ muốn nhìn đôi mắt của ông, coi ông có  phiền trách  tôi vì những việc tôi đã làm không, nhưng dường như ông chẳng biết tới bất cứ ai ở đó. Ông không nhìn ai cả, kể cả ông cha xứ, và ông cũng chẳng nói lời giã biệt.
     Sau đó tôi mới biết ông không thể nói câu chào giã biệt. Ông Hope-Browne sẽ không bao giờ có thể nói chuyện được nữa ngoài tiếng thì thào trong cổ. Cái chai Lysol đã huỷ hoại  thanh âm trong cổ. Ông cũng sẽ không bao giờ hát được nữa.

                                    (Xem tiếp chương 9)
 

No comments: