Trôi theo mùa hè_9




                                Chương 9

                          Tai bay vạ gió

      Ông Barshinskey bỏ đi đến tám ngày, và khi ông trở về không tìm được Galina, cũng chẳng có cây vĩ cầm.  Mỗi ngày tôi đều chờ đợi ông. Bất cứ giây phút nào không phải làm việc, tôi đều quanh quẩn ở đầu đường Eastbourne, nhìn vào từng điểm nhỏ di động từ xa mong ngóng nó lớn dần trở thành một người đàn ông cao lớn với  chùm hoa cài trên mũ.  Tôi  trông đợi ông vô cùng, bởi tôi cần nói với ông điều tôi đã làm.

     Vào ngày thứ tám, kỳ tích xuất hiện. Một chấm đen nhỏ đang tiến tới, mỗi lúc mỗi lớn lên , và khi thấy đó là ai, tôi bắt đầu chạy như bay tới.
-     Bác Barshinskey! Bác Barshinskey! Bác đã trở về.
     Ông sải bước  đến gần tôi. Trên vành nón ông không còn thấy cài hoa, ông cũng không cầm trên tay cây vĩ cầm. Galina không  đi theo, nhưng tôi không mong có mặt cô ta .
-     Bác không lấy lại được cây vĩ cầm của bác sao?
     Ông không trả lời, không nhìn tôi. Dường như ông không thèm biết có mặt tôi nữa. Tôi chạy lúp xúp bên cạnh, kéo tay ông.
-     Bác Barshinskey, bác có sao không? Bác có tìm thấy họ không?
     Ông ta tiếp tục đi rất nhanh làm tôi theo muốn hụt hơi.
-     Không, ta không tìm thấy  bọn chúng. Họ đã đi mất.  Ông trả lời mà mắt vẫn ngó thẳng phía trước, không thèm nhìn tôi.
-     Bác Barshinskey! Làm ơn đừng đi nhanh quá. Cháu cần nói chuyện với bác. Nhưng bác đi nhanh quá cháu không nói được.
     Ông dừng lại, nhìn chòng chọc vào tôi, cái nhìn ông chưa bao giờ có với tôi trước đây: một cái nhìn sáng ngời, ấm áp, thân thiện. Bây giờ là cái nhíu mày hạn hẹp, trống vắng và như khônng nhìn thấy tôi.
-    Bác Barshinskey…?
-    Ta đã mất đứa con. – Ông  đơn thuần nói. -  cháu có thể nói gì với ta?
-     Cháu…
-    Cháu có thể cho ta biết bây giờ nó ở đâu? Cháu có thể  bảo ta tại sao nó đối xử với ta như vậy?
-     Đó là…Dạ vâng… Đó là  từ  chuyện ông Hope-Browne ở trong nhà xứ. Ông ấy…ông ấy bị bệnh nặng, làm cho Galina sợ hãi và cô ấy  bỏ trốn. Đó là tại… lỗi của…cháu…
-     Hà! - Ông lắc đầu quầy quậy một cách giận dữ. - Tại sao ta phải lo lắng cho họ, cho anh ta, hay cho cháu?  Ta chỉ lo cho nó. Nó đã bỏ đi. Nó đã rời bỏ ta, papa của nó. Nó chẳng thèm nói câu giã từ. Nó không bảo cho ta biết nó  phải ra đi. Ta, ta hiểu chuyện lắm chứ! Ta biết con phải đi tới. Ta biết  chôn chân một chỗ là có hại cho con và ta hiểu con sẽ bị ngộp thở nếu không thể đi tới. Tại sao nó không bảo ta điều này chứ?  Như vậy ta cũng sẽ đi. Cả nhà cũng sẽ  ra đi.
-     Bác ơi! – Tôi khóc. – Bác phải giúp cháu. Phải cho cháu biết cháu đã làm gì sai. Cháu không hiểu gì cả.  Chỉ là cháu muốn ngăn chận một điều tệ hại xảy ra, vậy mà bây giờ, ông Hope-Browne phải chịu  mang một gương mặt đầy sẹo cho đến trọn đời, và chẳng bao giờ nói chuyện lại bình thường nữa.
     Trước đây, khi tôi khóc, ông đã giúp đỡ. Ông đã đến ngồi xuống  bên cạnh vòng tay qua ôm lấy tôi an ủi và bảo với tôi là bố tôi sẽ lành lặn trở lại. Giờ này, khi tôi đứng trước mặt ông, khuôn mặt đầy nước mắt, ông chỉ đứng nhìn, rồi buồn rầu nói:
-     Ta không thể giúp cháu, nhỏ cưng ạ! Làm sao giúp cháu được khi chính ta cũng đầy đau thương bi luỵ.
-     Bác Barshinskey! Làm ơn chờ… Xin chờ…
-     Đi đi! – ông giơ một tay lên trời. -  Ta không làm được gì…không giúp gì được…
     Phải chi có thể cầu nguyện, tôi nghĩ là mình sẽ khẩn cầu  dù trong sự mù quáng mê muội, dù  không hy vọng sẽ được lắng nghe.  Một sự hoảng hốt sâu thẳm bày ra trưóc mắt.  Tôi đơn độc với tội lỗi của mình, một tội lỗi mù mờ lầm lộn bởi tôi không biết mình làm sai điều gì. Ông Barshinskey, người mà ngoại trừ bố ra, là người tôi yêu thương nhất, đã tỏ ra rằng tôi chẳng nghĩa lý gì với ông.
     Tôi đi băng qua cánh đồng, đến rửa mặt ở con suối  cạn rồi trở về nhà cho kịp bữa ăn tối.
     Đêm ấy, mặc dù là ngày thứ Ba, lại có tiếng la ó và tiếng đổ vỡ vọng đến từ căn nhà “tổ cú”. Lần này, tôi không còn giả vờ không nghe thấy. Tôi đi qua phòng của Edwin , hai đứa dõi nhìn qua hai khu vườn. Có một ánh đèn nhấp nháy từ một trong những cửa sổ bên nhà ấy. Lại thêm nhiều tiếng la hét, hầu hết là tiếng ông ta,  và những giọng khác yếu ớt hơn.
-     Ông ấy say khướt chiều nay. – Tôi nói với Edwin một cách vô hồn.
-     Lạ là ông ấy lấy đâu ra tiền. Hôm nay mới thứ Ba.
     Hai đứa tôi nhìn theo bóng lửa chập chờn. Rồi nó cũng tắt đi, nhưng tiếng la hét vẫn không ngừng.
-    Em ghét ông ấy.
-   Còn tao ghét con nhỏ đó! – Edwin nhẹ nhàng nói. – Tao ghét nó ngay từ khi nó mới tới.
     Chúng tôi cùng im lặng đứng nhìn,  chẳng hướng về đâu.  sự giận ghét của chúng tôi đối với gia đình Barshinskey không đủ  để  hai đứa  dễ dàng nói cho nhau nghe.
     Ông Barshinskey trở lại nông trại làm việc. Ông Hayward tỏ ra rất giận dữ với việc ông ta tự động bỏ đi như vậy, nhưng ông không thể kiếm ngay được ai thay thế, và dù sao ông Barshinskey vẫn khá hơn bất cứ ai. Mỗi ngày ông đến nông trại làm việc, và  tối về ông uống đến say mèm. Có buổi sáng, tôi thấy một mắt của Ivan bị tím bầm, còn Daisy May trở nên trầm tư và cao ngạo. Đến ngày trở lại trường, mỗi sáng tôi qua gọi  cô đi học, cô bé không cho tôi vào nhà và trên đường đến trường thật khó lòng bắt chuyện với cô.  Vì tôi không thể nghĩ vì lý do nào khác ngoài cái lỗi của mình, tôi cho rằng có lẽ vì cô bé  biết  do  cái lỗi của tôi, Galina mới bỏ trốn.
-     Daisy May…về chuyện Galina…
-     Tớ không muốn nói về chuyện đó.
-    Nhưng bồ coi, tớ nghĩ là do lỗi tại …t…ơ…
-   Tớ không muốn nói về chuyện đó. Nếu bồ còn nói nữa, tớ sẽ không đi chung với bồ.
    Vì vậy, chúng tôi nặng nề bước đi trong câm nín, trong cái mùi vị   tẻ nhạt của mùa thu thấm vào nỗi đau khổ của từng đứa, vừa nguyên vẹn, vừa cách chia. Điều đó không xảy ra cho tôi, bởi vì lúc đó tôi đã không nhận ra  lòng khát khao được tôn trọng của Daisy May lớn lao biết chừng nào. Vậy mà sự tủi nhục   vì cái hành vi của Galina đã đập tan cái lòng tự trọng bấp bênh của cô. Trong khoảng  thời gian này, đã có những lời rỉ tai trong làng đồn đãi về mối quan hệ giữa ông Hope-Browne và Galina. Và trong số dân chúng trong làng,    người  đã không còn phê phán ông ta nữa vì cho rằng ông đã bị trừng phạt. Riêng Galina, người bỏ trốn, không chỉ lấy đi cây đàn vĩ cầm của bố, mà còn trộm theo một mớ quần áo đắt tiền của bà Lovelace, vẫn chưa bị đền tội. Mọi người trong làng giờ đều biết cô ta  vừa là một con điếm vừa là đứa ăn trộm. Và sự nhục mạ cô ta cũng chính là sự ô nhục  cho Daisy May.
     Quá quan tâm đến những vấn đề của riêng mình, tôi đã không bao giờ  nghĩ đến  việc Daisy May đã phải can đảm ra sao khi bước chân đến trường trong ngày đầu niên học, để đối phó lại với băng đảng  của con  nhỏ mập Jefford, những tiếng cười khúc khích , những  cú thúc cùi chỏ báo ngầm nhau của đám bạn cùng lớp, cái nhìn bối rối ngượng ngùng của cô giáo Thurston. Cô bé chịu đựng tất cả, kể cả những lời nhạo báng của bọn Jefford, với một sự im lặng cứng cỏi và kiên trì. Cô bé  bỏ qua hết không thèm để ý tới. Và cuối cùng, cả lớp cũng phải, nếu không lý tới  cô, ít ra cũng không còn kiểu đối xử khác lạ. Bởi sẽ trở thành nhàm chán khi người ta muốn chọc ghẹo ai mà họ không trả lời hoặc phớt lờ. Đến bọn du côn Jefford cũng ngưng chọc ghẹo: “Cái nòi trộm cắp! Cái nòi trộm cắp!” Cùng một số lời lẽ khác quá thô tục mà tôi không dám nói ra. Đúng ra là bọn trẻ con chúng tôi không nên biết về điều đó, và con nhỏ Brenda Jefford cũng biết rằng khi  nó nói tới điều ấy, tức là chính nó đáng bị nhục nhã dù ở trường hay tại nhà.
     Tình bạn trong cuộc đời được tạo thành bằng nhiều cách đáng phì cười.  Hai đứa tôi thường chân cao chân thấp đi đến trường bên nhau không nói năng, lượn lờ cạnh nhau ở một góc sân trường vào giờ chơi, cũng không chuyện trò. Trở về nhà ngày hai buổi cũng vẫn thế không gì khác. Nhưng thói quen của tình bạn đã nở rộ trong những ngày hè rực rỡ vui vẻ vừa qua vẫn bền bỉ trong lòng, và  những bước chân âm thầm bên nhau những lúc này cũng góp phần nhiều vào mối ràng buộc trong cuộc đời của chúng tôi  như những thời kỳ  sung sướng hạnh phúc hơn hai đứa san sẻ với nhau.
     Tình trạng của gia đình đó ngày càng tồi tệ đi, cùng lúc, tình trạng khó khăn tạm thời của  gia đình chúng tôi lại trở nên khá hơn. Bố đã trở lại nông trại.  Ông không thể trở về vị trí công việc cũ, vì cái chân ông quá yếu không thể đứng làm việc quá lâu.  Ông cà nhắc đi làm với một cây gậy trên tay và cố làm việc hết sức mình có thể. Ông Hayward trả công ông chỉ bằng một phần lương cũ. Mặc dù không đủ cho chúng tôi sống như những ngày tháng huy hoàng trước đó, nhưng dù sao nó cũng đều đặn. Khi ta có một đồng lương cố định đều đặn, ít hay nhiều không còn là vấn đề, ta có thể sống theo kế hoạch của mình . Đó là sự bình thường trong đời ta, và nó mang đến cho ta sự bình an.
     Gia đình Barshinskey không có sự an bình đó.
     Cuối cùng, chúng tôi cũng khám phá ra bằng cách nào ông Barshinskey  có tiền để mua rượu uống ngay trong ngày đầu tuần mà không chờ lương cuối tuần. Tin này làm cho mẹ tôi giận đến phát điên mà tôi chưa bao giờ thấy nơi bà. Hôm đó cùng với mẹ, tôi nhìn thấy cái bàn ăn của họ, thực ra là cái bàn của nhà chúng tôi mà mẹ  đã  cho mang qua, cùng với chiếc ghế dựa của bà nội  tôi để lại đang được ông  già Kelly mang đi. Ông già này làm đủ thứ nghề và còn mua bán vật liệu. Sân nhà ông chứa đầy đồ cũ, xe cút kít, cuốc xẻng han rỉ, chén đĩa rương tủ hơi méo mó và người ta có thể tìm thấy mọi thứ ở đây chỉ  cần vài xu tiền. Mẹ biết ngay những đồ đạc của bà đang đi về đâu. Bà bật dậy  băng qua nhà  hàng xóm. Mọi người ai cũng biết những vật này chỉ cho mượn  bao lâu người được cho mượn còn cần dùng. Bà trở về trong cơn giận dữ tột độ, không phải với bà Barshinskey, mà với ông chồng.
     Tôi nghĩ  tối hôm đó chắc    sẽ qua nhà hàng xóm để lên án ông ta tội ăn cắp, nhưng bố không để mẹ làm vậy. Ông Barshinskey đã biến  thành một con người, ban ngày thì in lặng thảm sầu, ban đêm thì say sưa bạo động. Ông ta có thể dám  đánh mẹ tôi như đã đánh đập vợ con của ông. Ông ta vẫn đi làm việc ở nông trại một cách hữu hiệu vừa đủ để khỏi bị đuổi việc. Nhưng những tin đồn đãi về việc say sưa đánh vợ con đến tai ông Hayward làm ông này ra vẻ như muốn  đi tìm một người thợ nuôi bò sữa mới. Bà vợ ông đã  xuống tinh thần đến mức trở thành một cái bóng kinh hoàng, hèn nhát sợ sệt đến độ mẹ không nỡ lòng nào lấy lại hết những đồ vật còn sót lại trong nhà bà. Mấy khung giường bị lấy lại, nhưng bà chừa lại cái lò nấu và các màn cửa. Rốt cuộc,từ từ chúng cũng đi vào sân chứa đồ của ông Kelly.
    Rồi đến một đêm trong tháng Mười, anh chàng Peter Hayward đến gõ cửa nhà chúng tôi. Cả nhà đã đi ngủ nhưng tiếng đập cửa  đánh thức chúng tôi dậy, Edwin và tôi hai đứa bò ra đầu cầu thang nghe ngóng sau khi mẹ đi xuống coi ai đang ở dưới.
     Chúng tôi nghe tiếng nói của Peter dưới nhà bếp, rồi thấy mẹ bước  lên cầu thang.
-    Tránh đường đi, hai đứa này. – Bà gắt gỏng nói với chúng tôi trước khi đi vào phòng ngủ.
-    Ông  Hayward cho gọi ông. - Tôi nghe tiếng bà nói với bố. -  Con Lady Audley đang trở bụng đẻ và gặp phiền phức to. Cậu Peter đã cố đánh thức lão. – Bà ghét ông Barshinskey đến nỗi không muốn nhắc đến tên. -  Chà! Chắc ông phải đi giúp đỡ một tay rồi.
-     Tôi đã biết  sẽ rắc rối đây. – Tôi nghe bố nói và nghĩ là ông muốn nói về ông Barshinskey. Tiếng lò xo giường cọt kẹt khi bố đứng dậy. – Tôi đã nghĩ là sẽ khó khăn khi ông ta cho nó lai giống với con bò đực già Cowper. Lúc đó tôi đã bảo ông ta là: “ cái giống Friesian quá lớn. Con Lady Audley là con bò mẹ rất tốt để gây giống, tuy nhiên ông không thể cho lai giống như thế. Con bê trong bụng nó sẽ quá lớn cho nó…
     Ông bước cà nhắc ra khỏi giường, vì mắt cá chân ông luôn luôn ở tình trạng thật tệ hại  khi ông không đi lại trong một khoảng thời gian, và nói:
-    Hai đứa con về phòng ngủ ngay đi.
    Rồi ông ngồi xuống đầu cầu thang lết từng bước để đi xuống cầu thang. Nghe tiếng cửa đóng lại và rồi không còn gì để coi, chúng tôi trở về phòng.
     Đêm đó trong khu chuồng bò phải là một đêm kinh hoàng nhất trong  đời một người thợ nuôi bò sữa. Khi bố cuối cùng kể cho chúng tôi nghe chuyện xảy ra, tôi không biết là mình đã khóc hay muốn đổ bệnh. Có lẽ ông không nên kể lại cho chúng tôi, nhưng khi ông trở về vào buổi sáng, mệt mỏi, rã rời, ông không còn tự chủ như bình thường để tự kiềm chế trước mặt chúng tôi. Bố là người yêu nghề, yêu đám bò sữa, và một đêm làm việc một cách lãng phí vô ích đã gần như huỷ hoại ông.
     Con Lady Audley rống lên từng hồi vì sợ hãi và đau đớn.  Là một con bò cái chửa đẻ nhiều lần, nó thường sanh con rất dễ dàng cho đến lúc này. Nhưng như bố đã tiên đoán đúng, loại bò Friesian tạo giống quá to. Nói một cách công bình cho ông Hayward, việc cho gây giống trông không quá điên rồ dại dột như thực tế cho thấy. Ông đã lai giống trước đây và đã thành công.. Ông luôn luôn chọn giống bò mẹ rất thận trọng. Lady Audley  cũng là một con bò to lớn đối với một con thuộc loại  sừng ngắn, nó lại có  thành tích  sanh con rất dễ dàng. Con bò đực Friesian được chọn  là con nhỏ bé nhất trong đám này và nếu thử nghiệm của ông thành tựu, ông sẽ sản xuất ra một đàn bò vừa nhiều sữa vừa lấy thịt tuyệt hảo. Nhưng giờ nó không thành công và ông điên cuồng vì lo lắng. Để  đỡ đẻ cho một con bê lớn  ra từ một con bò mẹ nhỏ con cần có nhiều tài nghệ và ông ta không có tài này. Bố có thể làm được, với điều kiện ông có thể di chuyển dễ dàng không tổn hại đến mắt cá chân và xử dụng đôi tay ở phía trên phần xương sườn bị thương tật mới vừa lành lặn. Người ta cần phải thật mạnh khoẻ để giúp bò đẻ trong trường hợp khó khăn.
     Họ đã cố gắng cật lực với Lady Audley hầu như suốt đêm. Ông Hayward  ôm lấy đầu nó và cố làm dịu sự đau đớn. Còn bố cố gắng đưa con bê ra khỏi bụng mẹ  an toàn và tránh bị nó đá trúng người vì hoảng sợ và vì những cơn đau giựt từng cơn bất ngờ. Từng giờ trôi qua, ông cố gắng đưa tay vào quanh  thân mình cuộn tròn của con bê, đưa nó vào đúng vị trí thích hợp và nhấc nó lên. Công việc liên tục suốt đêm. Ánh đèn dầu trong chuồng làm không khí  thành oi bức và nồng nặc, bố  càng lúc càng trở nên mệt hơn. Cuối cùng, khi ông thực sự cảm thấy không còn đủ sức để tiếp tục công việc được nữa, ông đã tìm được cách  xoay đầu của nó đúng vào vị trí và nâng lên lôi nó ra ngoài với một nỗ lực siêu phàm. Ngay lúc đó, cửa chuồng bò bỗng bật mở, ông Barshinskey, do dấy lên một chút ý thức trách nhiệm    mờ nhạt trong lòng,  đáp lại tiếng kêu gọi của Peter trong đêm  với ký ứccủa người vẫn còn say rượu, ào ào tiến vào với một tiếng la lớn:
-     Để đó cho tôi! Để đó cho tôi. Tránh chỗ coi!
     Ông đẩy bố ra, một việc chẳng khó khăn gì sau khi bố đã làm việc suốt đêm, và khi hai bố con ông Hayward đến lôi ông ta ra khỏi con bò, ông đứng dựng lên như một con gấu và xô hai người sang hai bên mạnh đến nỗi họ bị té  ngã vào tường.
-   Đây là công việc của ta .Bộ mấy người nghĩ, tên Nikolai Barshinskey này không thể làm việc này được sao? Ta là người thợ nuôi bò giỏi nhất nước Nga…nhất thế giới. Mấy người nghĩ vì con gái ta bỏ trốn nên ta không thể  đỡ đẻ cho nó?
    Đoạn ông ta nắm lấy đầu con bê  và đi loạng choạng  ra sau. Như thế vẫn còn có thể cứu kịp nếu bố và ông Hayward  có thể nhảy tới nắm lấy con bê và xô ông ta ra. Bố ở gần hơn, ông tới vừa lúc nhưng bị ông ta cho một đá. Con bê bị vặn người ra khỏi bụng mẹ, nằm bất động dưới sàn. Con bò mẹ Lady Audley rống lên một tiếng đau đớn cuối cùng rồi im lặng, máu đổ ra như suối  từ nơi con bê bị kéo ra mạnh một cách man rợ. Ông Hayward hét lên một tiếng đau đớn tột cùng, còn ông Barshinskey quay lại nhìn ông một cách lơ mơ không hiểu nổi cái gì. Mặt trước chiếc áo đen ông ta mặc dính đầy máu.
-     Mấy người nghĩ ta không thể làm được  việc này? – Ông ta lẩm bẩm và quay đầu bước ra khỏi chuồng, hay ít ra có ý bước ra nếu Peter Hayward, trong cơn phẫn nộ và đau đớn, đã  không  lấy một cái xô nước đập mạnh lên đầu ông ta làm ông ngã xuống và họ bỏ mặc ông ta ở đó.
     Họ cố cứu sống con bò mẹ. Bố đã cố gắng đủ mọi cách, nhưng đã đến lúc ngay cả người thợ kinh nghiệm giỏi giang nhất cũng đành bó tay. Lady Audley nằm bất động, không rống lên  cũng chẳng làm một âm thanh nhỏ nhoi nào. Nó chết khoảng một giờ sau đó. Còn con bê  không hề có dấu hiệu hít  thở . Nó đã bị gẫy cổ.
    Mọi người đều yêu thương con bò cái đó. Nó  là ngôi sao trong đàn, tính khí hơi bất thường, có cá tính riêng, một con bò mà người ta có thể  quý mến nhất, và cũng hay bị chọc giận nhất.
     Khi bình minh tới, mọi người đều lặng thinh. Bố gần như bất tỉnh vì mệt nhọc và đau đớn. Mặc dù là con trai của chủ trại và chỉ mới mười sáu, chưa bao giờ đối diện một bể máu như vậy, cậu Peter Hayward đã vừa  run rẩy  vừa toát mồ hôi.  Tuy thế , anh lại tỏ ra  có chút bình tĩnh.
-     Mình phải làm gì với con Lady.., bố? – Anh thì thào. Ông bố quay  về phía thân hình nằm một đống của ông Barshinskey nói  một cách hung tợn:
-     Cứ để nguyên thế!  Để nguyên  cho hắn nhìn thấy cái mà hắn đã làm khi hắn tỉnh dậy. Để cho hắn thấy hắn đã làm gì cho  cả đêm làm việc vất vả.
-     Ông không thể để nguyên vậy, ông Hayward! - Bố mệt mỏi nói. -  Nếu để nguyên trạng  như thế, nơi này  sẽ mang nặng mùi nhà xác. Và ông ta sẽ chẳng nhớ gì. Ông ta sẽ tỉnh lại  và sẽ tự hỏi không biết chuyện gì xảy ra, rồi ông ta đi về. Tốt nhất là ta dọn dẹp đi rồi gặp ông ta sau. Cho ông ta nghỉ việc.
     Ông rời họ đi dọn dẹp, rồi vật vờ trở về nhà khi  mặt trời đã lên đến ngọn cây. Bước vào nhà, trông bố như muốn khóc. Đối với một người thợ nuôi bò sữa, mất một lúc cả mẹ lẫn con,  hai con bò trong một đêm  là một điều não nề nhất trên đời, vả lại còn mất trong một tình huống kinh hoàng như vậy. Trong những năm sau này, thật khác lạ khi nghe bố  nói về những sự việc xảy ra  trong nông trại Hayward. Ít khi nào ông nhắc đến những  giải thưởng ông nhận lãnh  được ở các hội chợ tỉnh lỵ. Ông chỉ lướt qua vài lời khi diễn tả lại tai nạn với con bò đực nổi điên, mặc dù vì tai nạn ấy đã làm ông một phần tàn phế vĩnh viễn và  làm suy giảm sinh hoạt của gia đình chúng tôi. Nhưng khi nói về cái chết của con bò cái Lady Audley, ông luôn luôn nhớ rõ từng chi tiết. Đó là một tai hoạ ghê gớm nhất trong đời ông.
     Đó là buổi sáng mà tôi đặc biệt sung sướng vì Daisy May và tôi đã không nói chuyện với nhau nhiều khi cùng đi đến trường. Đó không phải lỗi của cô ấy. Cô ta, hầu như chắc chắn thấy mình tội lỗi hơn bất cứ kẻ tội lỗi nào.  Nhưng con người là như thế. Tôi thấy căm ghét toàn thể gia đình Barshinskeys vì họ đã giết chết con bò và đứa con mới sinh của nó thật man rợ và tàn bạo.
      Mọi việc xảy ra sau đó quá nhanh chóng đến nỗi tôi thực sự không có thời giờ để suy nghĩ nó đã xảy ra như thế nào và tại sao. Chỉ cuối cùng lại là cái mặc cảm tội lỗi cũ ám ảnh trở lại.  Có phải tất cả vì lỗi tại tôi? Nếu tôi không  nói cho ông Hope-Browne biết, ông đã không tìm cách tự tử. Nếu ông không tự tử, có lẽ Galina đã không bỏ trốn, và ông Barshinshey sẽ không say sưa quá đà như thế và  ông sẽ không làm con Lady Audley chết , và ông Hayward sẽ không đuổi việc ông và…
     Khi Daisy May và tôi đi về nhà vào giờ cơm trưa, chúng tôi không cần giả vờ như không có chuyện gì xảy ra nữa. Ngay giữa nửa đoạn đường, hai đứa đã nghe tiếng ông Barshinskey la lối và bà vợ gào thét. Lần này, tiếng gào thật khác lạ. Daisy May và tôi nhìn nhau, mặt cô bé trắng bệch ra vì sợ hãi. Hai đứa bèn chạy nhanh về phía nhà ở của cô.
     Chiếc xe thồ thảm hại mà họ dùng khi mới vào làng đang nằm bên ngoài cửa trước sân nhà. Ông ta  chốc chốc lại quăng đồ vật lên. Ông ném lên đó bất cứ là thứ gì, đồ sành đồ sứ, chai lọ ghế bàn đến đỗi đồ vật đổ vỡ và rơi rớt bừa bãi dưới đất. Bà vợ đang gào thét với ông  ta, cầu khẩn, van nài. Khả năng chịu đựng  với sự lãnh đạm hờ hững của bà  cuối cùng đã vỡ tan với lần ra đi bất ngờ này.
-     Ông ta đã nói là chúng ta không phải đi cho tới khi  tìm được một nơi nào đó. – Bà gào lên .- Đó là vì tôi ông ta mới nói vậy, không phải vì ông, ông hiểu chưa?
     Ông Barshinskey thúc cho bà vợ một cùi chỏ để đẩy bà ra, đi trở vào nhà. Trông ông thật nguy hiểm. Tôi nghĩ ông không còn tỉnh táo nữa.
     Bỗng nhiên tôi thấy có gương mặt của mẹ tôi đứng trông qua hàng rào và bà nhanh chóng xé rào bước qua. Bà vợ ông quay qua mẹ. Trông bà  tang thương và rối bù hơn thường lệ. Tóc tai  rủ xuống từng lọn và mặt mũi méo mó dị dạng vì sợ hãi. Không vì sợ ông chồng, bởi bà đã quen sống như thế, nhưng là mối sợ hãi lang thang trên đường, lần này  với hoàn toàn không có công việc trong tay cho một khởi đầu mới. Vô gia cư, lại đang có thai, mùa đông sắp đến, và dưới  sự  cai quản  của một tên say rượu điên khùng.
-     Nói với lão. – Bà la khóc.-  Làm ơn nói với lão ta không cần phải dọn đi ngay. Ông Hayward có nói là chúng tôi có thể ở lại đến sau khi sinh nở. Ông ấy nói là chúng tôi có thể ở lại nếu lão ta đừng bén mảng tới nông trại. Chúng tôi không phải đi.
     Ông chồng bà bước ra khỏi nhà  và quăng cái rương gỗ lên xe. Một cái chậu bị bể tan.
-    Chúng ta đi! – Ông ta gầm lên . -  Không ai nói với thằng Nikolai này như gã nói với ta. Ta không thèm nhận sự thương hại của gã. Ta khạc nhổ vào đó. Chúng ta phải đi ngay. Phải đi khỏi cái làng bẩn thỉu này đã cướp mất con gái ta và phá huỷ cuộc đời ta. Đi ngay!
     Bà vợ ông không khóc. Bà không rơi nước mắt. Điều bà làm còn tệ hại hơn. Bà đưa hai tay lên ôm đầu và bắt đầu gào thét, tiếng gào y hệt như lúc hai đứa tôi còn đang ở trên đường, tiếng gào thét điên cuồng, man rợ, không lý do, không buồn khổ mà là tiếng hét thất thanh, kinh hoàng trong tuyệt vọng. Bên cạnh tôi, Daisy May dường như thu mình co quắp lại
-     Ông Barshinskey! - Mẹ nói không ra hơi, cố gắng để được nghe qua tiếng gào thét, - Tôi nghĩ là ông nên  coi lại tình thế của vợ ông. Thời tiết đang trở nên lạnh lẽo và không có nơi nào để đi…
-   Này, câm miệng lại!. – Ông ta la lên, không biết ông nói với mẹ tôi hay bà vợ. Rõ ràng bà ấy không lý gì tới, và cuối cùng, tiếng gào thét cuồng loạn của bà đánh mạnh vào cơn giận dữ của ông, ông ta quay lại đập lên đầu bà thật mạnh.
     Daisy May bèn bổ nhào đến đấm đá túi bụi vào chân ông ta mà chẳng có hiệu quả gì. Tôi bất thần nhận ra rằng đây chính là một cảnh cũ đã diễn đi diễn lại rất nhiều lần. Đối với chúng tôi thật kinh khủng. Mẹ, tôi và cả Edwin vừa mới có mặt đều  tạm thời bị sững người đến bất động. Nhưng riêng tôi có phần nào đó nhận ra chuyện này chẳng có gì mới lạ. Nó giải thích vì sao tôi vẫn thấy Bà Barshinskey , Ivan và Daisy May lâu lâu lại có gương mặt sưng lên và con mắt bầm tím .
     Ông hất Daisy May ra khỏi chân mình như rứt một con kiến và ném cô qua một bên. Mẹ tôi lập tức lấy lại  sự điềm tĩnh  và bước đến cố đưa bà ấy đi.
-     Đi qua nhà tôi, bà Barshinskey. – Bà nói. – Hãy đi với tôi  .
     Nhưng người đàn bà tội nghiệp, vô dụng đó đã đi quá xa. Quá nhiều năm  sống trong nhục nhã, cơ cực, bị hiếp đáp và không an toàn  đã đưa bà đến  trạng thái không còn sợ hãi ông chồng. Bà vẫn gào lên:
-     Không đi, tôi không đi, tôi ở lại đây.
     Ông ta lại đánh bà một cú trời giáng làm bà bị oằn người té xuống đất. Chúng tôi tất tả chạy đến. Sự sợ hãi ông ta đã chìm trong cảnh tượng choáng người khi nhìn một người  đánh vợ ngã lăn ra đất. Ông ta bèn quay vào trong nhà và cám ơn Chúa, không thấy trở ra nữa.
     -     Qua bên nhà tôi, bà Barshinskey. - Mẹ lại nói tiếp. Chúng tôi đỡ bà lên. Bà có rên rỉ một chút mà cú đánh cuối đó đã làm tan nát cõi lòng bà.  Chúng tôi dìu bà bước qua hàng rào, Daisy May và Edwin đi theo sau. Khi đã vào trong nhà bếp, mẹ đóng cửa lại.
-    Sophie à! Con đi pha bình trà. Vào lấy  ra  đây hai viên aspirin trong cái sắc của mẹ. Rồi con đi dọn bữa ăn trưa. Thịt đã hầm và khoai tây cũng đã nghiền sẵn sàng. Mẹ đưa bà Barshinskey lên phòng mẹ một chút. Nếu có bị trễ đi học một chút mẹ sẽ viết giấy cho. Đồng thời nhớ là phải nghe đúng tiếng bố con về mới mở cửa cho ông vào.
     Bà đưa bà Barshinskey lên lầu bỏ lại Edwin, Daisy May và tôi ba đứa ngồi nhìn nhau.
     Thật là lạ. Tôi muốn giúp đỡ Daisy May, muốn cho cô thấy tôi thương cảm với cô ra sao, muốn nói những lời chân tình đúng đắn, nhưng ngay cả nhìn cô cũng không dám, tôi quá ngượng ngùng. Cảnh tượng hãi hùng vừa rồi  đã để lại chúng tôi toàn e sợ  và choáng váng, nhưng phản ứng tức khắc của tôi là một cảm xúc  nhục nhã cho cô bé.  Tôi nghĩ là mình sẽ cảm thấy ra sao nếu đó là bố mẹ tôi cư xử trước mặt những người lạ, và tôi biết là tôi có thể chết vì nhục nhã. Và vì thế  tôi làm cô thất vọng. Thay vì tỏ ra mình vẫn thương mến cô, tôi đi nghiền khoai thật  mạnh tay với tiếng động rầm rầm và miệng tiếp tục nói với một  giọng  chát chúa và phẫn nộ mà tôi không thể ngưng được. Nào là  sai bảo Edwin đi lại tủ lấy đĩa, nào là cằn nhằn sao bố về trễ thế, trong khi thực sự chưa đến giờ ông về nhà, bực bội một phần cũng vì vừa phải lo dọn ăn lại phải thêm phần việc pha trà. Tôi tự ghét mình. Cái ghét không phải bây giờ mới bắt đầu mà đã có sẵn, kể từ khi đám Du Ca Giảng Đạo đến làng  và từ khi tôi trở thành phụ nữ  (theo nghĩa đã có kinh nguyệt) .
     Đó cũng là lúc anh Edwin đã làm một cử chỉ khá kỳ lạ không giống  tính cách của anh xưa nay chút nào, như việc tặng cho Daisy May một trong những quyển sách quý giá của anh, và lần anh cố ngăn cản tôi  nhìn thấy Galina và ông Hope-Browne lăng nhăng ở sân nhà thờ. Anh từ bên này bộ sa lông bước qua ngồi bên cạnh Daisy May. Đoạn anh mỉm cười với cô và rồi nắm lấy bàn tay nhỏ bé của cô.  Anh không nói gì, và như cho rằng mình tôi đã nói đủ cho mọi người, anh chỉ ngồi bên cạnh nắm tay cô và mỉm cười..
    Nghe qua thì chẳng có gì đáng nói, nhưng đối với gia đình tôi đó là chuyện động trời, đặc biệt đó là hành vi của Edwin. Gia đình chúng tôi không có truyền thống hôn hít nhau, đụng chạm nhau nhiều. Chúng tôi không nói chuyện về cảm xúc hay tình yêu mà theo tôi nghĩ, đó là lý do tại sao tôi đã không thể giúp đỡ Daisy May theo ý tôi muốn. Nhưng Edwin, không biết học từ nơi nào, anh lại biết phải làm gì để an ủi  đứa bé đáng thương và đang cảm thấy nhục nhã đó. Và điều anh làm thật thích hợp, chứ không phải  sai trái như những câu nói huyên thuyên của tôi. Đôi mắt của Daisy May gắn chặt lên gương mặt anh. Nhìn cô không có vẻ biết ơn mà  có vẻ kiên định, dường như nhìn thẳng vào khuôn mặt tươi cười của anh  làm cô giữ được tinh thần và sự bình tĩnh.
     Tôi mang khay trà lên lầu vào phòng mẹ. Bà Barshinskey nằm trên giường, giày đã tháo ra khỏi chân và chiếc gối của bố ở bên cạnh được lót vào dưới vai của bà.
-     Mẹ có xuống dưới nhà ăn trưa không mẹ?
-     Không đâu. Con tự lo lấy Sophie à!  Làm sao dọn  ăn  cho đàng hoàng đầy đủ nghen!
     Tôi hiểu ý mẹ muốn nói gì.  Có nghĩa là với thêm phần của Bà Barshinskey và Daisy May, khẩu phần của mỗi người phải được  chia ra đều thật cẩn thận.
     Bố  nhấn chuông ở ngoài và tôi ra mở cửa cho ông, đồng thời thì thào ngắn gọn cho ông biết lý do  họ có mặt trong nhà chúng tôi vào giờ này. Trông ông thật ghê sợ vì một đêm không ngủ và vì  cú sốc mất mát con bò Lady Audley, nhưng dù sao cũng vẫn là bố tôi. Ông ngồi vào bàn  với Daisy May và nói chuyện với cô thật ngọt ngào như một ngày bình thường.
     Tôi không cần phải lo lắng về món thịt hầm có đủ cho mọi người không, vì chẳng ai  có lòng dạ nào để ăn uống cho ngon miệng. Mọi người ngồi đẩy qua đẩy lại mấy dĩa đồ ăn như còn y nguyên và rồi chúng tôi nghe tiếng chân mẹ bước xuống cầu thang. Tất cả hướng về phía cửa với đầy hy vọng. Bà bước vào vẻ mặt mệt mỏi và chịu thua  .
-     Sophie, con chạy lên nhà bà Pritchard mời bà qua đây.
-     Vâng, con đi ngay. – Bà Pritchard là bà mụ vườn thường lo đỡ đẻ.
-    Và bố nó à! Tôi không biết ông nên làm gi với tay vô lại bên cạnh nhà. Tôi mong có ai đó bảo cho lão biết, nhưng tôi không muốn lão đến gần tôi hay căn nhà này, nhưng tôi cảm thấy sẽ an toàn hơn  nếu lão được nhốt lại cho đến khi chuyện này qua đi.
     Daisy May buông cái nĩa trên tay xuống nhìn chăm chăm vào mẹ với gương mặt hầm hầm . Mẹ bỗng nhiên lấy lại tự chủ.
-     Tôi nghĩ cháu nên trở lại trường học , Daisy May! À, cháu có thể đi với Sophie đến nhà bà Prichard rồi đi thẳng tới trường.
-     Có phải mẹ cháu đau nặng không?
-     Không, bà ấy chỉ mệt tí thôi. Nghỉ ngơi rồi bà sẽ khoẻ hơn sau đó. Cháu và Sophie cứ đi học đi.
     Thế là hai đứa ra đi.Trên đường, tôi giải thích cho Daisy May chút ít tôi biết về  bà Pritchard và về trẻ sơ sinh. Cô bé trở về trạng thái im lặng, bước thấp bước cao đến trường không một lời nói. Một lần trong giờ chơi, cô mở miệng, dường như tự nói cho mình nghe:
-     Tớ tự hỏi gia đình tớ sẽ ra sao khi có thêm một em bé?
     Rồi cô thinh lặng trở lại cho đến hết buổi. Chúng tôi cùng nhau đi về nhà và khi tới cổng căn nhà “tổ cú”, cô bỗng đổi hướng.
-     Bồ đi đâu thế, Daisy May?
-     Đi tìm Ivan.  Anh thường về nhà vào khoảng này. Anh sẽ lo lắng nếu không thấy mẹ ở nhà, Còn ông bố tớ…
     Còn bố cô có lẽ vẫn chưa tỉnh táo, vẫn đang tự khoá mình trong đó chờ  để quật cho bất cứ ai bước vào với bất cứ lý do gì. Ivan sống một cuộc sống vất vưởng lạ thường. Buổi sáng anh ta đi  ra ngoài, đến lấy nước từ cái bơm nước và rồi suốt ngày chỉ thấy anh ta một cách thất thường bất chợt. Có khi tôi thấy anh trong cánh rừng nhỏ với cái rìu trên tay đi chặt những thân cây già làm củi bỏ vào bao. Khi khác lại thấy anh đi đến từng nhà trong làng mời mua củi. Một lần tôi vấp vào anh khi anh đang lột da một con thỏ rừng mới bắt được. Tôi không hỏi cách nào anh bắt được nó vì tôi ghét thú vật bị đặt bẫy đánh bắt và tôi cũng không muốn biết. Dù sao tôi cũng không thể trách anh về việc này, bởi gia đình họ chỉ có thịt ăn khi  Ivan săn bắt được chúng. Anh là một anh chàng kỳ khôi, tự hào và nây ngô giống như Daisy
 May, nhưng lại hoang dại giống bố. Tuy thế tôi lại thích anh và mặc dù anh ta lỳ lợm bướng bỉnh  , tôi nghĩ anh ta cũng thích tôi.
     Tôi mạnh dạn đi vào trong khu vườn nhà “tổ cú” theo Daisy May. Cô bé bước đến một khung cửa sổ nhòm vào trong. Tôi cũng bắt chước theo. Chẳng có gì để coi. Sự im lặng phía trong chứng tỏ không có ai.
-     Chắc ông bố tớ đang chờ bên ngoài quán rượu Con Chồn. – Daisy May ngại ngùng nói. -  Mình đi ra phía hàng rào coi Ivan có đang ở chỗ cái bơm nước không.
     Đúng là Ivan đang lấy nước.Và khi anh nhìn xuống cánh đồng  thấy hai đứa tôi bên hàng rào, anh buông cái xô nước xuống chạy về phía chúng tôi.
-     Mẹ đâu rồi?
-     Mẹ qua bên ấy… với bọn họ…-    Daisy May hất cái đầu của cô về phía tôi.  Nhà tôi là bọn họ. Và bỗng nhiên nó làm tôi nhận ra rằng họ chắc đã thường nói về gia đình tôi như chúng tôi nói về gia đình họ.
-    Tại sao?
     Daisy May ngưng lại. đoạn nói với một sự rất ư là thận trọng:
-    Bố…kỳ cục…anh biết rồi đó…và bà Willoughby đã đưa mẹ qua bên ấy bởi mẹ không được khoẻ lắm và…
     Cô bé không có cơ hội để nói hết câu, Ivan đã chui tọt vào hàng rào trong nháy mắt và biến vào trong khu vườn. Chúng tôi từ từ đi theo.
     Không có ai ở trong phòng giặt hay nhà bếp. Tôi nghe thấy có tiếng nói chuyện trên lầu, tôi đoán là của mẹ và bà Pritchard. Bố giờ này còn đang vắt sữa ở nông trại. Edwin đang làm việc của anh ở bên ngoài. Lillian vẫn còn ở  tiệm may  của cô Clark chưa về. Ivan đứng giữa căn phòng  tắm giặt  đảo mắt chung quanh  làm như chúng tôi đã giấu bà mẹ anh  một nơi nào.
-     Mẹ đâu rồi?
-     Trên lầu. Nhưng anh không thể lên…
 Có thể tôi đã tránh được phiền phức.  Ivan gạt tôi ra, đi vào nhà bếp  rồi đẩy cửa bước lên. Điều kế tiếp tôi thấy là mẹ tôi  với thái độ giận dữ, một tay nắm tai Ivan kéo vào.
-     Con tránh đường ra coi! – Bà giận dữ nói. - Cậu  không  tự tiện vào nhà người khác, nhất là lại vào phòng ngủ của họ mà chưa được phép nghe chưa?
-     Mẹ tôi có chuyện gì? – Anh ta vặn người vùng vẫy dưới tay mẹ như một con khỉ đột. - Mẹ tôi ra sao?  Mấy người đã làm gì bà?
     Mẹ tôi nhìn anh ta, rồi nhìn Daisy May. Bản năng thương xót  chắc đã khơi dậy trong lòng bà bởi hai bộ dạng thiếu ăn cực khổ này.
-     Mấy đứa có thể ở lại đây ăn tối. – Bà tử tế nói. -  Sophie, con lo sắp xếp và dọn bữa. Khi nào Lillian về tới bảo lên gặp mẹ.
-     Mẹ tôi có chuyện gì không hay? – Anh la lối, nhưng mẹ đã lên lầu trở lại.
-     Không có gì cả. – Tôi nói. – Anh sắp sửa có em bé.
     Ivan nhìn chòng chọc vào tôi.
-     Mi nói cái gì vậy? - Giọng anh ta giận dữ và bỗng nhiên  nghe hệt như ông bố. Tôi hạ giọng:
-     Chúng ta không được biết chắc chuyện gì xảy ra. Nhưng mẹ anh không được  khoẻ. Và bà lúc này mập ra.  Bà Pritchard được mời tới thăm. Và khi mời bà ấy tới thì thường là sắp sửa có em bé chào đời.
-    Không đâu. – Anh ta bướng bỉnh nói và rồi mặt anh từ từ bừng đỏ.
-    Không phải. Điều đó không đúng. – Anh lại nhìn tôi rồi chạy vào trong phòng giặt.
-      Anh không muốn ăn tối à!
-     Tao không muốn gì ở nhà mày. Không muốn gì hết…
    Thật ra tôi đã sai.  Không phải lúc nào sự có mặt của bà Pritchard cũng là có em bé ra đời.
     Đêm đó, Daisy May ngủ lại với tôi và Lillian, còn  bố mang chăn gối qua phòng Edwin. Một lúc nào đó khoảng nửa đêm, tôi nghe tiếng cửa phòng mở ra, rồi thấy mẹ đặt tay lên vai lay tôi thức dậy.
-     Sophie, con còn thức không? Daisy May còn thức không? -  Tiếng mẹ gọi thật nhẹ nhàng, và cái giọng nhẹ nhàng trong đêm tối ấy không giống mẹ tí nào, bỗng nhiên gây nên một chút xao động.
-     Cháu còn đang thức, thưa bà Willoughby. – Daisy May thầm thì.
-     Bác muốn cháu  dậy đi, im lặng thôi. Không cần thiết  làm người khác thức giấc.
     Daisy May ra khỏi giường, hơi thở của cô bắt đầu hổn hển.
-     Cháu có nên thay quần áo, thưa bà?
-     Không cần cháu ạ! Chờ một chút để bác đốt nến .
     Tôi nghe tiếng diêm quẹt  và rồi thấy gương mặt mẹ, mệt mỏi và buồn bã nhạt nhoà dưới ánh lửa.
-     Con cũng dậy luôn, Sophie. - Mẹ  thì thào. – Con đi với Daisy May.
     Thật là một điều không bình thường như thế, tôi biết là đã có chuyện gì ghê gớm xảy ra. Thật lặng lẽ, bà dẫn chúng tôi  đi qua phòng ngủ của Edwin, bước lên một bậc cấp nhỏ dẫn vào phòng ngủ của bà.
    Trong này  có mùi thật kỳ lạ.  Cái mùi vị giống như ở trong chuồng bò đêm hôm trước. và ngay tức khắc tôi đã hiểu  bố đã phải chịu đựng ra sao. Chỉ có điều đêm nay lại tệ, còn tồi tệ hơn nhiều, bởi bên cạnh tôi  Daisy May bắt đầu run rẩy.
-     Hãy cầm tay Daisy May đi Sophie. - Mẹ nói. – Nó là người bạn thân nhất của con. Hãy nắm lấy tay nó.
     Tôi không thể nắm tay cô bé vì cô đang khoanh tay trước ngực. Tôi bèn choàng tay ôm ngang người cô, chúng tôi tiến đến cạnh đầu giường.
     Bà mẹ cô  trông hoàn toàn xanh lướt và kiệt quệ.  Chưa bao giờ bà có vẻ khá hơn, nhưng lúc này bà giống như chiếc lá úa tàn trên mặt gối. Mắt bà nhắm lại và  đôi bàn tay phô ra bên ngoài tấm chăn, dị dạng , xác xơ vì lam lũ.
-     Mẹ!
     Tấm thân  bé nhỏ của Daisy May rung lên và tôi cảm thấy như có một cục đờm gớm ghiếc chận  trong cổ họng mình. Chỉ mới đây không lâu, cũng tại nơi này, tôi đã đứng cầu nguyện cho bố tai qua nạn khỏi. Tôi thấy lúc này đã không còn ý nghĩa để cầu nguyện cho bà Barshinskey nữa, thay vào đó tôi cầu cho Daisy đáng thương. Thật phải hỏi rằng công lý ở đâu khi quá nhiều vấn đề đổ ập lên người cô bé.
-     Mẹ?
     Cặp mắt lờ đờ của bà mở ra. Khi nhìn thấy Daisy May, bà hơi  hé môi cười và một tay bà cử động. Daisy đưa tay ra nắm lấy bàn tay ấy.
-     Con là đứa con ngoan của mẹ. – Bà thì thào. - Mẹ chẳng biết ra sao nếu không có con.
-     Mẹ… - Tiếng nức nở làm cô gập người dưới cánh tay tôi và tôi chỉ  biết ôm cô chặt hơn. Daisy lúc nào cũng là một con bé dũng cảm.
-     Daisy… - Giọng nói của bà rất yếu ớt.  Bà dường như không đau đớn, tôi nghĩ, chỉ là quá mệt thôi. – Daisy, mẹ muốn con từ nay trở đi sẽ làm theo những gì bà Willoughby chỉ dạy. Con hiểu chứ?
-    Dạ thưa mẹ!. – Cô nghẹn ngào.
-    Thật không dễ dàng gì, con yêu của mẹ, nhưng con là đứa tốt nhất, đứa ngoan nhất trong đám con của mẹ. Chắc sẽ khó khăn cho con, nhưng cố vâng lời bà ấy…
-     Con hứa mà mẹ!
-     Những đứa kia không thành vấn đề. – Bà nói nhỏ dần như đang nói cho mình nghe. -  Con Galina thì đã quá trễ. Nó giống bố nó. Rồi nó sẽ sống được thôi. Còn Ivan là con trai, nó có thể tự lo…
     Bên kia giường, mẹ tôi cúi thấp người xuống:
-     Đừng lo lắng gì, người bạn của tôi. – Bà thì thầm. – Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình cho tất cả.
-     Không đâu. - Người đàn bà hấp hối cố nâng người lên khỏi giường nhưng rồi rớt xuống gối trở lại. – Không đâu. Mấy đứa kia không thành vấn đề. Mấy đứa đó, chúng là…người Nga, như bố nó vậy. Còn con bé này…
     Bà nhìn  Daisy May và nở một nụ cười nhẹ phô ra mấy cái răng trước đã bị gẫy bể và đổi màu:
-     Daisy May nó giống như tôi. – Bà buồn thảm nói. -  Tôi biết ngay từ khi mới sinh ra nó. Vì vậy đã đặt tên nó là Daisy May. Bố nó có một tên  khác tiếng Nga cho nó. Nhưng con bé này là của riêng tôi.  Đó là lần duy nhất mà hắn ta nhượng bộ tôi.
    Bà thở dài và quay sang mẹ tôi:
-     Tôi không muốn  bỏ lại nó sau này lớn lên như mấy đứa kia. Tôi không muốn bố nó giữ nó. Rồi hắn lại biến nó giống như hắn. Tôi không muốn rằng…
     Bà lại cố nâng đầu lên khỏi gối.
-     Hứa với tôi, thưa bà. Xin hứa với tôi. Tôi biết bà không thể nuôi nó. Việc nhà bà đã quá nhiều khó khăn, nhưng tôi mong nó được lớn lên có phẩm hạnh. Tôi không  ngại khó khăn đến đâu. Tôi muốn nó thành người tử tế.
-     Bà không có thân bằng quyến thuộc gì sao bà Barshinskey? Chú bác cô dì nào đó mà con bé có thể nương tựa?
    Bà lắc đầu:
-     Nó phải vào viện.
-     Ồ, không chứ! Chắc phải có một ai đó…
-     Không ai hết. Thực sự không có ai. Chỉ mỗi hắn. Nhưng tôi không muốn hắn nuôi nấng con bé, rồi biến nó thành thứ dân giang hồ rày đây mai đó đến nỗi không có con người đàng hoàng nào muốn giao du với nó. Nó phải đi vào viện mồ côi  trong giáo xứ hay một cái gì như thế. Miễn là nó sẽ thành người có phẩm giá. Xin bà hãy hứa với tôi...- Hơi thở bà bắt đầu nặng nề, việc gắng sức nói làm bà hết hơi. – Con bé phải đi vào viện. Họ sẽ  nuôi dạy nó thành người…
-     Mẹ!
-   Con là con ngoan, Daisy… - Bà thở ra . - thật là đứa con…ngo…an…
-     M…e…e…ẹ…
     Tôi chưa bao giờ chứng kiến  ai qua đời trước đây, và tôi không thực sự muốn ở lại đó, nhưng mẹ biết điều gì bà phải làm. Đôi khi bà là một con người vô cùng sâu sắc, để cho Daisy May luôn luôn ghi nhớ rằng tôi đã ở bên cô bé khi mẹ cô qua đời.
     Chúng tôi đứng cạnh giường  trong khoảng thời gian  như là rất dài. Bà Barshinskey không còn mở mắt ra lần nào nữa, hơi thở của bà càng lúc càng yếu dần. Cuối cùng bà thở hắt một hơi dài và một giọt nước mắt chảy dài trên má của bà.
-    Bà ấy đi rồi, các con!
     Gương mặt của Daisy May lắng sâu vào tiếng khóc âm thầm, và rồi tôi kéo cô ra khòi phòng đi xuống lầu. Bếp trong lò nhà bếp vẫn còn  than hồng cháy, tôi mở nắp lò quậy than lên một chút.
-     Bồ có muốn uống một chút sô cô la không, Daisy?
-     Có, cho xin!
     Cô bé ngồi cạnh đống lửa, chăm chú nhìn đám than hồng. Khi tôi hâm nóng sữa đổ vào ly sô cô la, cô bé cầm lấy ly một cách lịch thiệp và uống từng ngụm như một vị phu nhân quý phái. Tôi cảm thấy hãi sợ cho cô. Thật kinh khủng thấy mẹ cô ra đi mà tôi chẳng biết đối xử với cô như thế nào cho phải.
-    Daisy, bồ không sao chứ?
-   Không sao…. -  Cô ngưng lại và suy nghĩ một lúc.  Khuôm mặt hoen nước mắt của cô, gầy guộc và khắc khổ, ra vẻ quan trọng trong một giây, rồi cô nói tiếp. -  Giờ bọn họ sẽ phải đối xử tốt với tớ. Con Brenda Jefford và bọn chúng. Bọn họ phải đối xử tốt vì tớ đã là kẻ mồ côi.
     Và khi nói ra những lời trên, cái thực tế choáng qua người cô bé , cô bắt đầu nghẹn ngào rồi nức nở. Cô đặt ly  xuống bàn rồi gục đầu xuống  cạnh ghế khóc lóc và tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài việc nắm lấy tay cô khóc theo.
     Rồi bố tôi bước vào trong chiếc áo khoác bên ngoài bộ đồ ngủ. Ông  đưa tay bế cô lên ôm chặt vào lòng, giống như ông Barshinskey đã ôm tôi khi bố bị tai nạn.
     Ông ngồi trên ghế với cô bé trong lòng, nhìn đăm đăm  ra xa, tôi nghe bố nói:
-     Không biết ông ta là thứ quái vật nào mà để một đứa trẻ khóc một mình khi mẹ nó ra đi?
     Tôi đi ra ngoài. Có điều không đúng, điều mà bà ấy nói về Ivan. Anh ta không giống Galina. Anh cũng yêu mẹ anh. Vâng, đúng là anh có vẻ bẩn thỉu, khác thường, và không dễ gì thành người đáng trọng nể, nhưng anh cũng rất yêu mẹ. Phải có ai đó đi tìm anh.
     Ivan nằm co quắp ở trong kho củi. Anh đang ôm con mèo Tibby lúc này đã lớn lắm, và nó rên rỉ một cách vui thích và cạ mặt nó vào mặt anh. Tôi có cảm giác anh ta cứng người lại khi tôi đến gần.
-     Bà ấy chết rồi phải không?
     Tôi không trả lời anh, cứ lặng yên và tiến tới thật sát anh.
-     Tao biết là bà ấy đi rồi. Đèn trong phòng để sáng suốt đêm. Tao nhìn qua cửa sổ thấy Daisy khóc. Tao biết mẹ tao chết rồi…
-     Vào nhà đi, anh Ivan. Vào nhà uống một ly sữa cô la nóng. Sẽ là an ủi nhiều cho Daisy nếu anh đi vào nhà.
     Anh đặt con mèo xuống, rất nhẹ nhàng, rồi đứng thẳng người dậy, vươn ngườì ra thành cao lớn hơn. Tôi không thể nhìn rõ khuôn mặt anh, nhưng thấy rõ ràng anh đã biến đổi sang trạng thái kỳ lạ.
-     Ông ấy đã giết bà. – Anh thở dài, không tỏ vẻ tức giận, nhưng nghe đầy hăm doạ. – Ông ta giết bà phải không?
-    Ông không giết bà ấy đâu Ivan.
-     Ông  ta giết bà. Ông ta đã đánh bà. Nhỏ không  phải vờ vịt nữa. Tao biết chuyện gì xảy ra.
-    Dù sao thì mẹ anh cũng đã đau yếu lắm rồi Ivan !
-     Chính ông ta đã giết. -  Anh lập lại và rồi lướt nhanh vào bóng tối.
     Tôi gọi anh, nhưng anh ta đã mất dạng.Và tôi chờ một lúc, biết rằng lại sắp có chuyện xảy ra.
     Ngay khi sắp sửa bước vào cửa, tôi nghe một tiếng gào khủng khiếp, rồi một tiếng la hét khác từ trong căn nhà “tổ cú” vẳng ra. Tôi mở bung cánh cửa sau la lớn:
-     Bố ơi! Bố! Ra đây mau. Lại có chuyện lớn.
     Vừa khi chúng tôi xé rào chui qua, tôi thấy có một hình dáng lướt nhanh qua mặt tôi và tôi kêu “ Ivan” , nhưng bóng dáng ấy biến vào trong đêm tối và tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ tìm thấy anh ta nữa.
     Chúng tôi bẻ cửa đi vào căn nhà “tổ cú”, nhưng bỗng nhận ra là không thể nhìn thấy gì trong bóng tối. Tuy nhiên chúng tôi vẫn nghe được, và cám ơn Thượng Đế, tiếng ồn đó có nghĩa là ông Barshinskey vẫn còn sống. Ông ta đang gầm thét và chửi thề bằng tiếng Nga. Và khi chúng tôi sờ soạng tìm lối qua những phòng ốc, bậc cấp chằng chịt như mê cung ấy, chúng tôi thấy một bộ dạng trước mắt, vừa dựa vào tường vừa la lối và loạng choạng đi lần ra phía cửa sau.
-     Trờ về nhà đi, Sophie. - Bố nói. -  Kiếm một cái đèn và bảo Edwin  mang nó qua đây. Còn con đừng trở lại nữa.
      Và khi tôi trở về dường như có cái gì cản trở bước chân. Sau đó tôi nhận ra  vật ấy. Đó là cái rìu mà Ivan thường dùng để chặt cây.
     
     Họ đã phải tìm thầy thuốc cho ông Barshinskey và ông bác sĩ chẳng vui vẻ gì cho lắm. Ông ta biết rằng sẽ chẳng có ai trả tiền công cho ông, nhưng ông không thể bỏ mặc một người đổ máu đến chết. Ivan đã chém vào chân ông và người ta đã phải dùng đồ kẹp lại cho nó cầm máu trước khi bác sĩ khâu vết thương lại.
     Ông ta nằm trong nhà “tổ cú”  hết bốn ngày và chỉ có bố qua lại thăm nom. Bố mang đồ ăn nước uống và thay băng cho ông. Bà vợ ông được chôn cất trong nghĩa trang của giáo xứ. Trong gia đình. chỉ có mình Daisy May dự đám tang. Nhưng hầu như cả thị trấn đã có mặt. Không phải họ lo lắng gì cho bà mà chỉ vì trong làng chưa hề có chuyện  như thế xảy ra trước đây, và họ cầu xin Chúa rằng, nó sẽ không xảy ra nữa.
     Tôi gần như muốn qua thăm ông Barshinskey một lần, nhưng vì quá sợ hãi không dám. Dù đã từng yêu quý ông, nhưng giờ ông là kẻ giết người, một kẻ điên cuồng.
     Một đêm sau ngày an táng bà Barshinskey, tôi nghe một tiếng cú kêu ngoài vườn, tiếng cú  không phải do một con cú kêu lên.
     Lillian và Daisy May đang ngủ. Tôi bước xuống dưới nhà và mở cửa sau. Anh ta đang ở đó. Tôi đã đánh hơi thấy mùi  anh trước khi nhìn thấy, lúc này còn nặng mùi hơn trước vì trong mấy ngày qua anh ta đã sống vất vưởng. Anh đã không đến gần cái bơm nước trong một thời gian dài.
-      Ivan, anh có khoẻ không?
-     Dĩ nhiên là khoẻ.  Ông ta…thế…nào…?
-     Ông không sao. Cái  giò bị thương, nhưng bác sĩ nói không sao.
-     Họ có đi tìm tao không?
-     Có chút chút.
-     Tao chẳng sợ. Họ sẽ chẳng làm gì tao. - Giọng nói anh rung rung, hơi vỡ vụn và như có tiếng nấc nghẹn ở cuối câu.
-     Tớ đã đặt hoa lên mộ của mẹ tớ. Hoa tớ trộm ở trong vườn . Tớ muốn cho mẹ ít hoa đẹp.Bà ấy yêu hoa đẹp.
-     Tôi sẽ cố mang hoa tới cho bà, Ivan à! Tôi không hứa  chắc quanh năm, nhưng tôi sẽ cố hết sức.
     Hai đứa cùng im lặng. Trời thật lạnh và sương bụi ẩm ướt tháng Mười thấm qua chiếc áo khoác vào quần áo ngủ của tôi. Khu vườn về đêm thật khác. Những cây táo già trông nham hiểm, và những tiếng lao xao quanh hàng rào có vẻ vang động như  của những con thú to lớn chứ không phải của đám chuột bọ
-     Anh đi xa phải không?
-     Phải!. – Anh ngưng một chút, đoạn nói với một giọng ngây thơ và không chắc chắn:
-    Tớ phải đi, phải vậy không?.
-   Tô…i…Tôi nghĩ anh có thể ở lại đây chứ.
-  Không! -  Anh hơi ngộp lời. -  Họ sẽ bắt tớ và trừng phạt, phải không? Có lẽ còn giam tớ vào tù nữa. Tớ không chịu nổi chuyện ấy.
-     Rồi anh đi đâu?
Anh ôm lấy vai mình và nói lớn:
-     Tớ đi ra biển , hoặc có thể tớ nhập ngũ.
-    Ss…Họ có thể nghe thấy đó.
-     Tớ đếch cần.
     Rồi tôi thấy anh rùng mình bên cạnh tôi , một cái rùng mình sâu thẳm và bi thảm và tôi bỗng thấy tội nghiệp cho anh hơn bất cứ ai khác. Tôi đã từng tội nghiệp  cho ông Barshinskey, cho bà vợ đáng thương của ông, cho ông Hope-Browne với gương mặt mang thẹo suốt đời và hơn hết, cho Daisy May. Nhưng Ivan là người bi thảm hơn, đáng tội hơn những người này. Ông Barshinskey dù sao vẫn còn có rượu, có cá tính vui nhộn của ông và nhất là có sự tôn thờ từ con gái Galina, người phản bội ông nhưng ông vẫn yêu. Bà vợ ông đã ra đi khỏi thế gian và ông Hope-Browne đã trở về ngồi nhà xinh đẹp của ông và vòng tay chăm sóc của cha mẹ. Với Daisy May, cô bé chẳng có gì nhiều, nhưng cô vẫn còn có tôi và một ký ức là một đứa con ngoan ngoãn tốt đẹp nhất trong số các con  dưới ánh mắt của bà mẹ.
     Ivan chẳng có một thứ gì , cũng chẳng có ai. Anh rất đáng thương, nhưng chưa bao giờ được tội nghiệp.
-     Tôi sẽ nhớ tới anh, anh Ivan ạ! - Tôi nói mà phải rất thận trọng, chỉ lo là anh nghĩ tôi lên giọng kẻ cả. – Ngoài Daisy May ra, anh là người bạn thân nhất của tôi.
-     Tớ không có con gái là bạn bao giờ cả.
-     Điều đó tôi biết mà.
-     Nhưng nếu tớ có… Coi nào… Nhỏ cũng  được,không tệ lắm.
-    Giờ anh chờ ở đây một chút nghe Ivan. Bởi vì anh ra đi, tôi muốn  tặng anh ít đồ, ít nhất là ít đồ ăn cho anh đi đường.
-    Tớ không muốn gì hết… - Giọng anh lại vỡ oà ra và thân mình run rẩy.
-     Đứng đây chờ chút. -  Tôi nhảy xổ vào nhà, chẳng để ý gì đến việc giữ im lặng giữa đêm khuya. Tôi lấy một nửa cái bánh mứt, một ổ bánh mì lớn và một cục pho mát từ trong chạn đồ ăn, gói lại trong một chiếc áo gối mà mẹ đã giặt rồi còn chờ ủi cho thẳng. Tôi lại rướn người lên trên đầu tủ măng sét trước lò sưởi lấy xuống hộp tiền bỏ ống của tôi. Bố đã giữ chià khoá, vì vậy tôi không mở ra được, nhưng tôi chắc chắn Ivan sẽ biết cách mở nó ra chẳng chút khó khăn.
-     Đây nè! Cầm lấy đi anh.
-    Tớ không muốn gì cả… - Nhưng rồi anh cũng cầm lấy, và khi tôi nắm  lấy bàn tay anh trong bóng tối, tôi thấy chúng run rẩy.
-     Nhỏ nhớ chăm sóc Daisy May giùm tớ, được chứ?
-     Chắc chắn là như thế.
-     Có ngày tớ sẽ quay lại. Bảo nó là tớ sẽ trở về, để coi nó ra sao. Nhắn với nó hãy ở yên đây, như vậy tớ mới biết chỗ tìm nó.
-     Tôi sẽ nói với cô ấy. Và nếu anh muốn viết thư, anh có thể viết về đây. – Nói xong chợt thấy quá trễ để rút lại ,vì  tôi bỗng nhận ra  đó là một lời nói đần độn, bởi chẳng biết anh ta có biết viết hay không.
-    Thôi giã biệt nhé.
-    Tạm biệt anh Ivan.
     Bởi anh vẫn còn đứng ỳ ra đó, và bởi trời tối, cũng bởi  tôi đang ngập trong cơn khủng hoảng  đầy  xúc cảm vì những biến động trong mấy ngày qua, bất ngờ tôi tiến tới vòng tay ôm và hôn lên chỗ cao nhất tôi có thể tới là cằm của anh.
-     Nhạt nhẽo!. -   Anh thốt ra nhưng không cử động.  Anh vẫn cứ đứng để tôi vòng tay qua ôm anh, cái mùi nồng nặc của anh bốc lên mũi tôi, cái cảm giác ghê rợn về gương mặt và bàn tay anh không được thoải mái lắm, nhưng cái run rẩy trong con người anh đang từ tử biến đi.. Có một vài giây, anh cúi mặt xuống mái tóc tôi, nghiêng ngả và áp nhẹ xuống một chút, và rồi:
-    Thôi được rồi, tớ đi đây. – Anh nói xong và bỏ đi, lướt nhanh qua những luống hoa  thược dược đã héo  và ra tới đường.
-     Tạm biệt, Ivan! – Tôi gọi to, không thèm lo là có người nghe tiếng. -      Tạm biệt Ivan! Cầu Chúa phù hộ.
     Khi tôi leo lên lầu trở lại, Lillian đã thức dậy. Đêm nay chúng tôi đã có lại giường riêng. Mẹ đã kê thêm một cái giường bố  vào một góc cho Daisy May. Căn phòng ngủ trở nên chật hẹp đến mức giường đụng vào nhau, nhưng vẫn còn hơn là ba đứa phải chung một giường.
-    Em đi gặp cái thằng nhỏ đó phải không? - Chị rít lên. - Đừng làm bộ chối đi. Chị còn nghe thấy cái mùi của nó đó.
-     Tôi ghét chị , chị Lillian ạ!
     Chị im lặng, và tôi tự hỏi có phải mình đi quá trớn không, nhưng tôi không ngại. Chị đã vắng bóng suốt mùa hè này, không phải vắng mặt  ở trong nhà, nhưng vắng trong tinh thần, chẳng giúp một tay vào bao nhiêu chuyện đáng sợ đã xảy ra, chẳng giúp cho Daisy May dễ thở hơn, chị tự tách mình ra khỏi cái chết của bà Barshinskey, của tất cả mọi chuyện.
-     Thằng nhỏ đó nó đi đâu? - Chị bất chợt lên tiếng.
-     Anh ta bỏ đi ra biển.
-    Thế nó…Thế nó có nói gì về…bất cứ ai trong nhà mình không?
-     Không. Chỉ có lời nhắn nhủ cho Daisy May. Với lại anh nhờ tôi  mang hoa đến cho mộ của mẹ anh.
     Chị nâng đầu lên cao khỏi giường:
-     Chị không bao giờ có thể hiểu em thấy gì ở thằng nhỏ đó. Tụi em thường nói về cái gì?
      Hai đứa tôi thường nói với nhau chuyện gì ư? Chúng tôi thường cãi lộn và đánh nhau nữa. Nhưng hai đứa đã có một lần cùng cười thoải mái với nhau khi  xem ông Watkins biểu diễn thổi kèn và một lần anh đã tỏ ra tử tế với tôi trong đêm tôi bị bệnh trên đường về nhà từ căn lều xá tội chết tiệt. Còn lại, chúng tôi chỉ yên lặng, chỉ đi bên nhau, hay ngồi cạnh nhau, mà không nói năng.
-     Ồ! Thực ra chẳng có gì. Em chỉ thấy thích anh ta, thế thôi.
     Tôi đã đang thiu thiu ngủ thì bỗng nghe chị hỏi thêm:
-    Thế em có cho nó gì không? Đồ ăn hay một thứ gì cho hành trình của nó?
-    Hư..m, Hư…m
-    Có cho tiền không?  Có lấy tiền trong hộp tiết kiệm của em không?
-    Tôi đưa cả hộp cho anh ta.
     Và khi tôi sắp sửa  đi vào giấc ngủ  lần nữa, chị lại nói:
-     Thôi được, chị mong rằng chúng ta không phải nhìn thấy nó nữa. Mong nó tha hồ bay bổng…
     Tôi không trả lời, bởi tôi không muốn nói với Lillian về Ivan. Anh ta là bạn tôi và chị chỉ là muốn can thiệp vào ký ức của tôi về tình bạn đó.

     Tôi cũng thấy ông Barshinskey khi ông rời làng, vào ít ngày sau đó. Ông thật tỉnh táo, bởi không ai trong làng chịu bán rượu cho ông, vả lại, ông cũng chẳng có tiền mà mua. Cả lão già Kelly cũng không chịu nhận mua một vài thứ còn sót lại trong nhà.
     Ông rời khỏi nhà vào một buổi sáng, chân cà nhắc và vành mũ không còn cài hoa dại. Ông đứng lại ở cuối đường , quay nhìn lần chót. la lối gì đó bằng tiếng Nga, rồi bước thấp bước cao đi khỏi. Ông  nói với bố là đi tìm Galina. Vì sự an toàn của ông thày giảng tên Jones, tôi mong ông sẽ không tìm ra cô.
     Daisy May không phải vào viện, nhưng mẹ vẫn giữ lời hứa với bà mẹ cô. Bố mẹ tôi, dù với tấm lòng thiện nguyện, cũng không có khả năng giữ cô lại nuôi nấng. Bố không bao giờ có trở lại công việc cũ. Ông tiếp tục làm việc như một người thợ vắt sữa bình thường và có tay nghề ở nông trại Hayward, dĩ nhiên với tiền lương bị giảm thiểu, và cũng chẳng được bồi thường cho tai nạn. Vì thế mẹ đã đến gõ cửa  giáo xứ, nơi họ bảo rằng Daisy May phải đi vào viện mồ côi. Điều này làm mẹ rất bực tức đến nỗi cuối cùng bà đi vào Nhà Trắng gặp bà Fawcett. Mặc dù bà Fawcett cũng thuộc giáo hội Anh, bà lại là một người đàn bà tốt bụng. Và đã có một sự đồng thuận rằng Daisy May sẽ được sống trong Nhà Trắng và phụ giúp công việc trong nhà sau các giờ đi học. Và để đổi lại cho việc có nơi ăn chốn ở tươm tất, cô sẽ phải hứa sẵn sàng nhận công tác phục vụ sau khi rời nhà. Có một sự hiểu ngầm không chính thức rằng việc học hành, trong trường hợp Daisy May, sẽ thành bất thường hôm đi hôm nghỉ và có lẽ chấm dứt luôn khi cô lên tròn mười hai. Thêm một nhượng bộ nữa từ Nhà  Trắng, là Daisy được phép ra ngoài cách mỗi một Chúa Nhật để có nửa ngày đến với gia đình chúng tôi. Bà Fawcett cũng đồng ý rằng, vì mẹ cô là một thành viên của hội thánh Quaker, Daisy May cũng đã  sinh hoạt với hệ phái của chúng tôi, nên Daisy May được quyền tiếp tục việc thờ phượng riêng của cô.
    Một tháng sau ngày mẹ từ trần, cô dọn đến nhà bà Fawcett. Căn nhà “ tổ cú” bây giờ lại trở nên hoang vắng. Một số đồ vật tang thương còn lại được gia đình tôi giữ trong kho chứa đồ  để nếu có khi nào Daisy cần đến chúng. Bà mẹ cô, người mà  sau vài tuần lễ, tôi khó tưởng tượng nổi khuôn mặt bà ra sao, được nằm trong nghĩa trang giáo xứ, thỉnh thoảng, không tôi thì Daisy, hai đứa mang hoa đến mộ bà.
    Riêng tôi vẫn thường nhớ đến họ: ông ta với hoa dại trên vành mũ, Daisy May với giải thắng cuộc chạy đua quả trứng để trên muỗng trong ngày vui sướng nhất đời cô, và Ivan đã ngăn  chận máu chảy ra từ lỗ mũi của tôi bằng ngón tay bọc giẻ rách của anh.
     Tôi lại nghĩ đến Galina, với một loạt những hành vi gây hoạ  khắp làng, nghĩ về ông Hope-Browne với khuôn mặt sứt sẹo thay cho mụn bọc, một âm giọng bị huỷ hoại, một tiếng tăm bị chôn vùi. Tôi lại nghĩ đến con Lady Audley và con bê chết yểu của nó, và đến một người đàn bà bị hành hạ quá nhiều đến  chịu thua số mạng và qua đời.
     Tôi lại nghĩ đến một loạt những bi kịch do chính tôi khởi sự khi tôi đến tìm ông Hope-Browne bảo ông  ngăn Galina đến chỗ xá tội. Rất nhiều năm tháng qua đi trước khi tôi hiểu rằng tội lỗi không phải do tôi mà từ nơi tâm trí tôi tưởng tượng. Tất cả những chuyện đã xảy ra  thì nó  phải xảy ra khi một gia đình như gia đình Barshinskey đến một làng bảo thủ như cáì thị trấn chúng tôi ở.
     Tôi đã nghĩ đến tôi yêu ông ấy biết bao nhiêu, về những điều ông  ấy làm cho tôi. Ông đã mở ra một thế giới mới, đã cho tôi một giấc mơ.
     Đó là mùa hè của nhà Barshingskeys.
       
                             Hết Phần 1
                           (Xin xem tiếp phần 2)
    
   

    

    
    
   

No comments: