Nhớ về người lính vô danh

Đi về cõi hư vô (2)

Tưởng nhớ về V. và những người lính vô danh
ra đi không bao giờ trở lại.


Thuỵ Nhung ngạc nhiên:

– Vậy sao? Anh còn đang đi học cơ mà!

– Anh rớt kỳ thi vừa rồi nên không còn được hoãn dịch. Chiến tranh mỗi ngày mỗi
leo thang. Mọi người đều bị động viên. Anh không muốn số phận mình do người khác định đoạt, muốn đưa mình đi đâu tuỳ họ. Vả lại anh yêu màu mũ đỏ nên đã chọn binh chủng dù. Em nghĩ thế nào?

– Em buồn. Nhưng biết làm sao?

Vũ từ giã Nhung đi vào quân trường vào một ngày cuối tháng Năm. Trại Vương Mộng Hồng cho người tân binh dù có những tập huấn khắt khe kỷ luật hơn những trại khác. Cơm nước thì cứ canh dưa leo cá mối chiên làm chuẩn. Ra khỏi trại lúc nào cũng hàng ngũ chỉnh tề, súng trên tay, ba lô trên vai và chỉ có chạy. Tác phong người lính dù chạy thay cho bước đi, nhanh nhẹn tháo vát là châm ngôn.

Những buổi chiều cuối tuần, Vũ cùng người anh trai lúc đó đang là sinh viên sĩ quan hải quân cũng đang thụ huấn căn bản quân sự tại Quang Trung gặp gỡ. Anh em kéo nhau lên khu câu lạc bộ ngồi nhâm nhi ly bia nói chuyện. Cũng lạ. Ở nhà ít khi nào hai anh em nói với nhau một lời. Rời gia đình rồi lại có khối chuyện kể cho nhau nghe. Ngày Chúa Nhật, có khi mẹ vào thăm cả hai đứa, có khi Thuỵ Nhung cũng lò dò đến. Nàng bảo dạo này anh đen và gầy hơn, nhưng coi rắn rỏi gân guốc hơn. Vũ hóm hỉnh:

– Vậy em nên mừng. Khỏi lo có người cướp mất anh

Thuỵ Nhung nguýt anh:

– Làm như mình ngon lành lắm. Giờ ai muốn em tặng không đó.

Vũ hôn cô và hỏi:

– Em thấy anh sao? Có mùi vị gì không ?

– Có, mùi chua và khét nắng. Bộ xa em rồi anh nghĩ không cần tắm rửa?

– Có chua và khét mới thành người lính. Tụi anh có câu “Sa trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Làm người yêu của lính phải biết yêu chua yêu khét.

Đi vào khoá huấn luyện chuyên môn nhảy dù còn có nhiều khó khăn phức tạp hơn. Những buổi tập nhảy chuồng cu hay những lẩn đi thực tập nhảy dù trên không, mặc dù đã được chỉ dẫn lý thuyết kỹ luỡng, buổi thực hành thật vất vả. Nhiều anh to con lớn xác, bình thường rất yêng hùng bạt mạng, đến phiên nhảy cứ ỳ ra, chân tay cứng lại đến nỗi huấn luyện viên phải co giò đạp ra khỏi cửa máy bay. Vũ không tự mãn, nhưng có được bằng dù đeo trước ngực cũng đáng kiêu hùng.

Tháng ngày thụ huấn cực nhọc trôi qua, Vũ ra đơn vị. Ở đây rắc rối bắt đầu. Sau những giờ phút hành quân vất vả, cận kề nỗi chết, anh em đồng đội trở về nơi đóng quân, thường la cà vào những quán bên đường gần đó để giải khuây, tìm quên nỗi nhớ nhà. Tiểu đội của Vũ thường xuyên ghé vào quán của Thảo, một cô gái khá xinh xắn mà Trọng, người trung sĩ tiểu đội trưởng của Vũ rất mê. Riêng Thảo chẳng để ý gì đến chàng trung sĩ, lại ân cần niềm nở, một điều anh Vũ, hai điều anh Vũ. Trọng lấy làm tức tối bảo anh:

– Thảo của tao nghe mày Vũ. Vừa nhập cuộc chơi,đừng làm tao mất mặt.

Vũ nói:

– Cuả ai mắc mớ gì tới tao. Có bao giờ tao bảo cô ấy là của tao đâu?

– Nói cho mày biết . Mày khỏi xum xoe với nó

– Tao không cần xum xoe. Chuyện người ta đối xử ra sao với tao là chuyện của họ. Mày muốn gì cứ bảo thẳng cô ấy.

Tuy vậy, để giữ hoà khí trong tiểu đội, anh em ăn ngủ sống chết với nhau, Vũ tránh không ra quán Thảo.

Nhưng Thảo không chịu dừng lại. Vũ không tới quán thì cô bé vào tận nơi đóng quân thăm Vũ. Trọng ứa gan, hắn dùng quyền thượng cấp ra lệnh cho Vũ làm một việc cố ý hạ nhục anh trước mắt người con gái. Thảo ra về. Vũ không nói không rằng, bản tính ngang bướng nổi dậy, quay về phòng tìm cây súng cá nhân. Khi trở lại, anh kéo cơ bẩm la lớn:

– ĐM thằng Trọng đâu, tao bắn vỡ óc mày ra, thằng chó đẻ. Muốn cua gái cứ giở hết công phu tài nghệ ra, sao lại giở trò làm nhục tao. Thằng hèn.

Trọng thấy Vũ xách súng ra biết lớn chuyện nên lủi nhanh. Anh em đồng đội phải xúm lại khuyên nhủ để anh bớt giận. Chuyện cuối cùng tới tai cấp trên. Vũ bị phạt mười ngày trọng cấm. Ra khỏi chuồng cọp, anh buồn bực chán nản, không còn cảm thấy hứng thú trong sinh hoạt hàng ngày với đồng đội, nhất là cứ phải chạm trán ăn ngủ làm việc chung với Trọng.

Vũ bỏ ngũ, sang đầu quân vào một đơn vị thuỷ quân lục chiến. Lại những ngày gian khổ quân trường. Lần này không là những chuồng cu, những cánh dù trên không mà là rừng núi sình lầy dưới đất, trên biển. Ra trường được tái bổ sung cho một đơn vị, rồi đi tái chiếm cổ thành Quảng Trị. Chiến dịch hoàn tất, Vũ bị thương được đưa về quân y viện điều trị.

Khi thiết lập danh sách để truy tặng huy chương, Vũ bị khám phá ra là một người lính dù đào ngũ. Các huy chương và bằng khen thưởng bị giữ lại. Thời gian sau khi bình phục, anh bị đưa ra toà án quân sự. Nhờ tiếp tục đầu quân vào một binh chủng tác chiến và công trạng trong việc chiếm lại cổ thành, thời gian quân ngũ không gián đoạn, toà án huỷ tội đào ngũ đổi qua tội rời đơn vị không có phép, miễn hình phạt lao công chiến trường. Ngược lại, các huy chương tưởng lục bị tịch thu, giáng một cấp và phải trở lại đơn vị cũ.

Vũ chấp nhận hết, ngoại trừ việc phải trở lại đơn vị cũ, xin được đổi đến một đơn vị mới. Toà án nói anh cứ về trình diện bộ chỉ huy. Việc điều động đến đơn vị nào không thuộc quyền toà án. Vũ được đưa về trại dù trình diện thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Ông lắc đầu:

– Cậu coi mặt mũi hiền lành mà quá quắt hết sức. Giờ trở về phải sống đàng hoàng.

Vũ trình bày hoàn cảnh của mình với mối bất hoà cùng Trọng rất khó làm việc chung, xin đổi đi nơi khác. Ông thông cảm và còn đang phân vân chưa biết đưa anh đi về đâu. Bỗng ông y sĩ trưởng tiểu đoàn bước vào phòng. Ông phàn nàn lúc này chiến sự ngày càng gia tăng, tổn thất thương vong nhiều mà quân viện giảm, phương tiện quá thiếu thốn không đủ người làm việc. Tiểu đoàn trưởng quay về phía Vũ:

– Hay là ta huấn luyện thêm người. Cậu Vũ này chưa có đơn vị, gửi cậu đi học về Y khoá tới, bác sĩ thấy thế nào?

Dĩ nhiên vị y sĩ đồng ý. Vũ được gửi đi thụ huấn quân y. Vũ lại mừng. Đi học, lại được ở thành phố mấy tháng trước khi lên rừng. Thuỵ Nhung hẳn ngạc nhiên và vui. Gặp vừa lúc người anh trai hiện đã là quan hai lính thuỷ cưới vợ.

Từ dạo hai anh em gặp nhau ở quân trường Quang Trung đã mấy năm không nhìn thấy nhau, nay mới có dịp gặp lại. Lễ cưới xong xuôi, vợ chồng anh chị cùng Vũ và Thuỵ Nhung đi phòng trà nghe nhạc. Khi người hầu bàn đến, Vũ xé một mảnh giấy viết lên mấy chữ đưa cho anh ta và ghé tai thì thầm.

Trên sân khấu, Giọng hát Khánh Ly đang đi vào đoạn cuối:

Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.

Tiếng vỗ tay chưa dứt, giọng người ca sĩ đã vang lên:

– Khánh Ly vừa trình bày “Như cánh vạc bay” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thể theo
lời yêu cầu của một anh lính dù từ núi rừng xa xôi trở về. Anh xin để riêng tặng cho người yêu của mình là Thuỵ Nhung đang có mặt tại đây đêm nay. Xin quý vị một tràng pháo tay chào đón người về từ chiến trường, cùng người yêu bé nhỏ của anh.

Tiếng vỗ tay một lần nữa nổi lên. Vũ nhìn Thuỵ Nhung, mắc cỡ và sung sướng:

– Cám ơn anh Vũ. Nhưng sao anh lại tặng em bài “Như cánh vạc bay” Có phải lúc
này em gầy quá đi không?

Vũ cười:

– Đáng lẽ anh nên bảo Khánh Ly đổi thành “Như cánh Nhung bay” mới đúng. Phải, em có hơi gầy, cố ăn cho nhiều một chút. Gầy quá thì mất đẹp.

– Tại em nhớ… Tại anh đó.

– Không tại bị gì hết. Đùa tí vậy thôi. Thật ra, mỗi lần nghe tới bản nhạc này, anh luôn liên tưởng đến em. Vậy tặng em bài nhạc này là đúng điệu rồi.

Trên bục sân khấu, Khánh Ly đang chuyển qua bài hát “Dấu chân địa đàng”. Được dịp, Thuỵ Nhung hỏi:

– Sống ở trên rừng, anh đã tìm thấy dấu chân địa đàng chưa?

– Trên rừng làm gì có địa đàng. Anh chỉ thấy địa ngục thôi. Chiến tranh, bom đạn, đầu rơi máu chảy, đồng đội mới nói cười đây đó, thoắt một giây đã nằm xuống. Mà thôi, ở nơi bình yên này, quên chuyện chết chóc đau thương ấy đi. Anh chưa tìm thấy địa đàng vì anh là Adam chưa được ăn trái cấm.

– Trái cấm nào vậy anh?

– Trái cấm Thuỵ Nhung.

Vũ cười. Thuỵ Nhung đấm nhẹ vào lưng Vũ:

– Anh nói bậy, em hổng thèm nói chuyện với anh.

– Thật mà! Em là một thứ trái cấm vừa ngon ngọt vừa cay đắng mà anh khao khát. Hãy cứ là trái cấm để anh mơ ước. Dù có chịu hình phạt nặng nề ra sao, anh vẫn muốn có trái cấm trong tay như Adam được nếm ngày xưa vậy.

Ra về, Thuỵ Nhung thủ thỉ:

– Anh chị của anh bây giờ đã hạnh phúc. Còn chuyện chúng mình anh tính sao?

– Anh chưa vội tính! Cuộc đời đâu có như là mơ. Anh không ngại gì. Chỉ lo cho em lỡ thành goá phụ ngây thơ nếu anh có mệnh hệ nào. Cuộc chiến ngày càng tàn bạo và khốc liệt. Không biết anh có ngày trở về toàn vẹn với em không?

– Anh chỉ nói gở. Nếu đó là số phận thì em phải chấp nhận thôi. Đất nước lúc này,
triệu triệu người như anh như em, đâu phải chỉ mình chúng ta.

Vũ bảo cứ để đó, hiện chúng mình còn quá trẻ, hai đứa còn nhiều thời gian.

* * *


Cuộc chiến mang nhiều nghịch lý. Một đám người trong đầu không bao chữ nghĩa, tự nhiên mang về một mớ chủ nghĩa hoang tưởng ngoại lai, tự khoác áo cách mạng, rồi áp đặt, rồi kết án lung tung, kẻ này Việt gian, người kia bán nước, rồi phá hoại rồi khủng bố làm anh em trong nhà chém giết nhau.

Phía đem quân đi xâm nhập gây chiến thì được coi là chính nghĩa. Bên bảo vệ chống đỡ bị coi là phản quốc cầu vinh. Thằng nằm gai nếm mật, đói no gian khổ sống nay chết mai ở miền xa để chiến đấu bảo vệ an ninh cho đứa ở thành phố thì bị khinh khi ruồng bỏ. Đứa ở nhà an lành nhờ được bảo vệ thì chỉ biết rong chơi, quậy phá và ngạo nghễ đi chửi người đi bảo vệ mình là những thằng ngu cho sướng miệng, cho ra vẻ ta đây thức thời.

Ngay những chốn khỉ ho cò gáy cũng toàn những nghịch lý. Anh em đồng đội của Vũ lúc này đang chẩn bệnh phát thuốc chữa trị miễn phí cho đám dân làng quê. Nhưng có thể ngay đêm nay, ngày mai ngày mốt hoặc một thời điểm nào đó, chính những người này lại cầm súng bắn vào anh cùng bè bạn. Làm sao tránh khỏi việc bọn chúng trà trộn vào dân. Biết thế nhưng vẫn phải làm. Không nhận diện được họ, trong công tác nhân đạo không có kẻ thù.

Đại đội an ninh quanh làng đã rút, chỉ còn mỗi tiểu đội bảo vệ tại trường. Thị xã cách xa trên hai mươi cây số, lại ngược đường cứ điểm đóng quân. Đi và về phải mất hơn hai tiếng. Đường xá về đêm ở nơi này thập phần nguy hiểm, dễ bị phục kích. Bỏ đứa bé lại, mặc nó chết đêm nay thì bất nhân, lương tâm bị cắn rứt. Trung uý Trân hội ý.

Ngoại ô Sài Gòn circa 1965
Nguồn: firstbattalion.au.com
Cứu người là một nghĩa vụ phải làm. Kẻ thù bị bắt sống, có thương tích bệnh hoạn ta còn chữa trị, huống chi sinh mệnh của một người dân. Đối đầu sự nguy hiểm, vào sanh ra tử là chuyện thường tình của người lính, không nên nại cớ để trốn tránh. Vả lại, sự nguy hiểm mới chỉ là dự đoán, chưa chắc đã xảy ra. Vậy là tất cả đồng ý quyết tâm đưa đứa nhỏ về thị xã.

Tất cả chỉ có 2 xe, chiếc Dodge cứu thương mang hình chữ thập đỏ ngang hông và một chiếc GMC. Nhiên liệu thiếu thốn, cấp số tiếp liệu bị cắt giảm tới mức tối đa. Chiếc GMC không còn đủ để đi và về nên nằm lại. Chiếc xe cứu thương ngoài tài xế xe có bác sĩ Trân, Vũ và Hoàng đưa mẹ con đứa bé đi viện. Bác sĩ Trân kéo thêm hai người lính nữa đi theo. Cả tiểu đội còn lại phụ lực cùng cánh nghĩa quân trong đồn cách đó không xa trải đều yểm trợ an ninh dọc hai bên lộ, được đoạn nào hay đoạn đó. Hy vọng họ vẫn còn chút tình người, không tấn công xe cứu thương.

Năm giờ rưỡi khởi hành trời còn chút nắng le lói. Chiếc xe chạy nhanh và an toàn. Đi vào thị xã, xe chạy gấp đến bệnh viện trong tiếng còi cấp cứu. Thủ tục nhập viện xong xuôi, chóng vánh nhờ uy tín người lính dù, vừa kịp lúc đưa em bé gái lên bàn mổ. Một mạng người được cứu thoát. Niềm vui chưa tắt, nỗi lo chợt đến. Bỏ lại mẹ con đứa bé đau ruột thừa tại bệnh viện, với đôi lời an ủi, chiếc xe quay đầu. Đã choạng vạng tối. Đoạn đường trở về đơn vị hai mươi cây số là một bẫy tử thần.

Còn đêm nay nữa thôi, mai đã có mặt ở Sài Gòn. Lần này Vũ quyết định theo ý Thuỵ Nhung đưa bố mẹ đến nhà cô cho hai ông bà nói chuyện với nhau chính thức xin đính hôn. Chim có tổ, Thụy Nhung sẽ vui. Giang hồ mỏi cánh, mình bớt ngang bướng, sẽ kể cho Nhung nghe mình đã quên đi địa ngục, sẽ cho cô biết mình tìm được dấu chân địa đàng. Không phải ở đây, nơi núi rừng âm u lửa hận đạn thù, nhưng anh đã tìm gặp ngay ở bên em, trên mắt môi em, trên bờ tóc xõa, trên cánh vai gầy. Địa đàng của anh chẳng ở đâu xa. Ngay trong lòng em, trong tình yêu chúng mình.

Bỗng có tiếng súng nổ vang ở phía sau. Người tài xế tống mạnh chân ga mong nuốt đoạn đường. Trời tối đã lâu. Bóng cây che khuất mặt đường làm khung cảnh thêm ghê rợn. Thêm một tràng tiếng súng ngay trước mặt. Chiếc xe chậm lại. Hoàng la lớn:

– Dính chấu rồi! Lọt ngay giữa ổ phục kích. Chúng muốn diệt gọn bọn mình.

Bác sĩ Trân lên tiếng:

– Cố thủ tại đây. Điện đàm gọi anh em còn ở trong làng lên giải toả.

– Không kịp – Vũ nói – nhanh lắm cũng mất mười phút họ mới đến kịp. Có khi lại bị chúng dương đông kích tây. Tới lúc đó ta đã tiêu tùng. Ngay lúc này mình phải mở đường máu, lăn vào chỗ chết tìm đường sống. Tụi nó chắc chắn có một ổ ngay sát vệ đường, chờ xe mình qua nó cho nổ vài trái. Bây giờ Hoàng với tao đi xuống. Còn hai người cùng ông Trân và tài xế ở lại giữ xe. Mình phản công tức thì chúng sẽ không ngờ. Khi nghe tiếng nổ cho xe vượt tới nhanh, chúng tôi sẽ bám theo nhảy lên.

Vũ và Hoàng xách súng bước xuống. Trong bóng tối lờ mờ, hai người đeo sát các hàng cây tiến lên phía trước. Vũ nói nhỏ vào tai Hoàng:

– Tổ kích tụi nó ở mé bên trái, tao đã thấy đóm lửa loé ra từ đó. Hoàng mày bọc hậu, che cho tao. Tao đi trước tặng hai quả cho chúng câm lại. Cần tới thật gần để bảo đảm chính xác.

– Được rồi! Mày tiến lên đi. Tao bảo vệ phía sau.

Hoàng dừng lại, nấp vào một thân cây, nòng súng chĩa về phía trước. Vũ nhoài người
bò tới. Như dự đoán của Vũ, tổ chúng dường như có ba tên với một ống phóng B40. Đụng thứ chống tăng này, đừng nói thân người, chiếc xe cứu thương cũng tan như xác pháo. Đã vừa tầm tay, Vũ rút chốt trái lựu đạn. Trời về đêm se lạnh, nhưng sự căng thẳng làm Vũ toát mồ hôi hột ướt đẫm vai.

Trái đạn vừa ném đi thì một tên trong bọn quay mặt lại thấy Vũ. Dường như hắn nghe thấy tiếng động lạ khi Vũ kéo chốt. Hốt hoảng, hắn ria một tràng AK về phía Vũ. Anh nghe thấy tiếng nổ với những thân hình bắn tung lên. Đồng thời có một vật gì đâm mạnh vào người. Anh đưa tay lên ngực, máu lan ra thấm tay nhầy nhụa. Vũ khuỵu xuống. Đằng sau có tiếng Hoàng:

– Tuyệt! Chúng đi rồi, Vũ ơi! Mày có sao không?

Thấy Vũ đổ xuống, Hoàng chạy lại, nhưng Vũ khoác tay:

– Đi đi, Hoàng. Tao bị rồi. Mau lên kẻo không kịp.

– Trời! Mày bị thương rồi. Để tao kêu anh em tới đưa mày lên xe.

Tính ngang tàng trong Vũ chợt nổi lên:

– ĐM! Mày có đi không? Hay muốn tao cho một viên vào đầu. Đồ ngu! Chúng nó ở sát phía sau. Cơ hội sống chỉ có ít giây. Chậm trễ là chết chùm cả đám bây giờ.

– Nhưng lòng dạ nào bỏ mày ở lại. Tao sẽ nói gì được với gia đình mày, người yêu của mày.

– Tao bị trúng ngực, không qua khỏi đâu. Mày phải sống để báo tin cho gia đình tao. Nói với Thuỵ Nhung tao không thể về. Gửi lời chào vĩnh biệt anh em. Thôi đi đi. Xe tới rồi kìa! Mau.

Hoàng lau nước mắt chạy lên mặt đường nơi chiếc xe đang trờ tới. Vũ lả người đi. Mắt tối sầm. Đầu óc như đi vào chốn mông lung. Bố mẹ ơi! Tha thứ cho con. Thuỵ Nhung à! Anh đành lỗi hẹn. Địa đàng anh chỉ mới thấy dấu chân chưa tìm được cửa. Trái cấm bây giờ ở quá cao anh với không tới. Anh đã thua. Đã đi lạc vào một chốn khác. Nơi ấy an bình, ngơi nghỉ. Nơi ấy miên viễn, hư không. Chiến tranh nghiệt ngã, cứ gặm nhấm dần những tâm hồn trẻ, cướp đi những sức sống đang tràn trề sinh lực, dở dang những mối tình, cắt chia những liên hệ.

Hình ảnh cứ phai mờ dần. Thuỵ Nhung kìa! Cô trong chiếc khăn cưới sao ủ dột? Sao nó giống khăn tang thế! Đúng rồi! Vành khăn trắng quá. Thuỵ Nhung với khuôn mặt còn quá thơ ngây vụng dại đầy nước mắt.

Nhung khóc ai đây? Cho một người chồng chưa một lần cưới, hai mươi ba tuổi đời, năm tuổi lính, ba màu áo trận, một cuộc tình dở dang. Mình có gì để lại cho Nhung nhỉ? Còn chiếc thẻ bài. Để lại cho em tấm thẻ bài.

Vũ ngã ập xuống khi trong đầu vẫn còn nhạt nhoà mê man trong tiếng nức nở của người ca sĩ:

“Sau cuộc chiến này, còn chi không anh, còn chi không anh, hay chỉ còn lại tấm thẻ bài, đang lạnh lùng trên tay em…”
Phương Duy
Kỷ niệm ngày QLVNCH 19/06/2008

No comments: