Nhớ về người lính vô danh

Đi về cõi hư không (1)

Tưởng nhớ về V. và những người lính vô danh
ra đi không bao giờ trở lại.


“Tấm thẻ bài, mang dòng máu anh, máu Việt Nam mang tình của mẹ, tình của mẹ…”

Giọng hát liêu trai nức nở của nữ ca sĩ Thanh Thúy vang vang từ chiếc cát sét trong xe phát ra nghe thật trầm buồn, trong ánh nắng chiều vàng vọt chiếu xuống mái hiên nhà. Bên cái bàn nhỏ đặt cạnh, một nhóm người xúm quanh bác sĩ Trân chờ được khám bệnh. Ông buông cái ống nghe ra khỏi ngực người đàn ông nhà quê, quay qua bảo Vũ:

– Cậu chuẩn bị thu dọn dụng cụ, bàn ghế đi. Đã năm giờ hơn rồi. Còn mấy người
nữa, tôi khám xong là mình dọt. Anh em đóng chốt bên ngoài bảo vệ an ninh cũng đang rút dần.

– Được rồi, Trung Uý cứ làm cho xong. – Vũ trả lời – Thằng Hoàng và tôi phân
phát hết mớ thuốc là cho đồ lên xe ngay. Vài phút là xong.

Chiến sĩ vô danh (Biên Hoà, 1966-67)
Nguồn: properproper.com
Vũ chưa dứt câu, bỗng có tiếng ồn ào từ ngoài cổng ngôi trường tiểu học đang được tận dụng làm trạm khám bệnh dã chiến cho người dân ấp Hoà Lạc. Một người đàn bà xuất hiện, trên tay bồng đứa con gái chạc mười ba, bà la khóc chạy bổ vào:

– Xin làm ơn làm phước cứu con tôi, nó đau gì mà kêu la tới mặt mũi xanh xám. Các ông không cứu chắc nó không sống nổi.

Trong lòng mẹ, đứa con gái ôm bụng rên la. Bác sĩ Trân hỏi người đàn bà:

– Con gái bà bị đau bụng? Nó trúng độc hay sao?

– Dạ, tôi không biết. Tự nhiên thấy nó ôm chặt lấy bụng rên la “đau quá má
ơi”. Tôi trăm lạy ngàn lạy các ông cứu giùm con tôi.

Bác sĩ Trân đưa tay rờ lên chỗ bụng đứa bé đang ôm rên rỉ khóc không thành tiếng. Chỗ đau bên trái trương cứng như đá. Đúng nó đang bị đau ruột thừa đến lúc nguy kịch. Tình trạng này bó buộc phải giải phẫu khẩn cấp. Ở đây không đủ phương tiện, cần phải đưa nó đi ngay đến bệnh viện thị xã. Ông Trân vén tay áo nhìn đồng hồ. Trời đã về chiều. Ông hỏi người mẹ :

– Sao không đưa cháu tới sớm, giờ muộn quá rồi!

– Dạ tôi có biết đâu , Hồi sớm mơi nó còn mạnh như trâu. Giờ ở ruộng về mới thấy nó lăn lộn rên la. Nghe bà con nói đang có khám bệnh miễn phí, tôi vội đem nó tới đây. Cơ này thật khổ.

Bác sĩ Trân quay qua Vũ và Hoàng:

– Các cậu tính sao?

– Thật là khó nghĩ. Vũ nói.

Ca này nan giải. Đau ruột thừa. Đứa con gái chắc chết nếu không được đưa đi giải phẫu kịp thời đêm nay. Mấy năm trước ở quê nhà, thằng Hải bạn Vũ cũng bị ca đau y hệt. May mắn cho nó thời đó có một người Mỹ đang công tác tại trạm xá. Anh ta biết ngay sự nguy kịch nên gọi điện trực tiếp về đơn vị của anh. Không đầy mười phút sau, một chiếc trực thăng tới bốc nó về quân y viện.Thằng Hải còn sống nhờ vậy.

Lúc này Mỹ đã rút, quân viện lại bị giảm thiểu, trong cuộc chiến người lính Việt Nam Cộng hòa thiếu thốn đủ mọi thứ, đặc biệt phương tiện vận tải thật khó khăn. Nhưng lương tâm nghề nghiệp của người lính quân y thấy người gặp nạn không thể bỏ qua. Cứu người là nhiệm vụ. Thấy người hấp hối không cứu không phải là thầy thuốc. Chỉ có một trở ngại lớn, đó là trời sắp tối.

Mới ít phút trước, Vũ đã khấp khởi mừng thầm vì đây là chuyến công tác dân vận cuối cùng trước khi di chuyển. Ngày mai đơn vị dù sẽ rút đi. Đã có lệnh cho thuỷ quân lục chiến lên trám chỗ. Trước khi được điều động đến vùng hành quân mới sẽ có ít ngày về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân để bổ sung quân số. Lại sắp được gặp em.

Vũ thở ra một hơi dài. Lần dưỡng quân năm rồi, ghé nhà Hoàng chơi, ngồi tiếp chuyện bố nó. Ông già bảo:

– Hai đứa bay cố trông chừng bảo vệ nhau. Bác coi khí sắc thằng Vũ năm nay không được tốt lắm.Phải hết sức cẩn thận. Tình hình lúc này cứ mỗi ngày mỗi tệ.

Vũ chẳng tin gi ba chuyện tướng số. Tuy vậy, nghe ông già nói cũng hơi nhột. Tình
hình lúc này tệ thật. Ngưng bắn, ký kết hiệp định hoà bình trên giấy tờ nhưng thực tế vi phạm ngưng bắn liên tục, cuộc chiến còn ác liệt hơn. Giành nhau từng tấc đất. Hai đứa thuộc đại đội quân y cứ ngày ngày đi băng bó chữa trị cho những người khác không may bị thương tật, thu lượm những đồng đội ngã xuống từ khắp mọi chiến trường.

Nhiều lúc suy nghĩ, Vũ không sao hiểu nổi tâm tình của những người phía bên kia. Tại sao cũng người Việt, họ lạnh lùng lăn xả lao đầu vào bom đạn, sẵn sàng giết chóc, sẵn sàng căm thù vì được dạy căm thù, sẵn sàng tin tưởng những lý thuyết hoang tưởng và nhai lại như vẹt mà không hiểu cái mình đang nói, việc mình đang làm có là lý tưởng hay không. Một loại lý tưởng mang chiến tranh vào xóm làng chỉ để làm xáo trộn đời sống hiền hoà của người dân.

Còn lũ sinh viên và đám mang danh trí thức tại thành phố được sống an vui êm ấm và ăn học, làm việc tại nhà trong khi những người khác phải hy sinh gian khổ trong rừng sâu nước độc, xa cách gia đình anh em bạn hữu và cận kề với cái chết từng giây từng phút, đã không biết cám ơn còn chuyên đi quậy phá biểu tình, làm lợi cho kẻ thù. Tệ hơn, có những con mắt coi thường khinh khi đối với người lính.

Nghĩ đến những gian nan cực khổ, những mất mát thua thiệt, Vũ thấy lòng chùng xuống chán nản. Ở nhà, nhìn bộ mặt ấy, bố mẹ cũng lo. Ông già khuyên Vũ:

– Này con, bố biết cuộc sống của con đầy rẫy gian lao và vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, bố cũng phải nhắc để con nhớ, đã một lần can tội đào ngũ, bố mong con nên suy xét trước khi làm bất cứ điều gì để sau này khỏi ân hận.

– Bố cứ yên lòng. Con đã lớn và đủ chín chắn để biết suy nghĩ trước khi hành động. Con chỉ buồn chứ không tuyệt vọng. Có điều, với công việc hàng ngày chứng kiến cảnh bạn bè trai trẻ cứ rơi rụng dần. Đìều này dường như đang trở thành nỗi ám ảnh, đâm ra con đau lòng xót ruột. Công việc của con cận kề với cái chết dưới đủ mọi hình thức, những thương tật, những đau đớn rách da xẻ thịt, những phần cơ thể mất mát mà lòng không héo hắt thì thật vô tình quá. Bố ạ! con là người vẫn có trái tim mà.

* * *


Bố thương Vũ hết mực bởi Vũ có khuôn mặt giống bố thời trai trẻ. Ai cũng nói vậy. Trên tường giữa phòng khách có treo một khung hình khá to, cỡ quyển vở học trò tấm ảnh bán thân của một thanh niên trẻ, đẹp trai, trịnh trọng trong bộ đồ lớn màu xám nhạt, với chiếc cà vạt màu đỏ có những vạch vàng. Mấy đứa bạn đến nhà chơi, nhìn khung hình, vội hỏi:

– Chà! thằng Vũ chụp hình “oách” ghê, cứ như sinh viên “trường thuốc” vậy.

Vũ bảo:

– Bậy nào, đâu phải tao. Hình ông già tao đó. Bộ tụi bay quáng gà hết rồi sao?

Lũ bạn kinh ngạc, không ngờ nó giống bố nó thế. Đâu phải bạn bè mới quen biết, chúng nó chơi với nhau từ nhỏ. Bố Vũ không có mặt ở nhà thường xuyên, nhưng lâu lâu chúng nó cũng gặp. Bây giờ ông có khác đi. Chúng không tin. Bộ thằng này muốn đùa với chúng chắc.

Gặp mẹ Vũ, bọn chúng lại chỉ lên tấm hình hỏi:

– Bác à, đây là thằng Vũ hay bác trai vậy?

Bà cụ cười:

– Ai cũng bảo đây là hình thằng Vũ. Thật ra bố nó đấy. Tấm hình này ông ấy chụp lâu lắm rồi, mãi tận ngoài Hà Nội, dễ đã trên hai mươi năm. Ông quý nó nên giữ gìn rất kỹ, vừa mới mang ra tiệm để sửa lại rồi phóng lớn ra treo lên đó. Chắc ông ấy nghĩ hồi xưa mình ngon lành lắm.

Có lẽ ông bố của Vũ cũng có hơi chút tự hào thật. Nói đúng ra, ông có quyền. Cao
lớn, đẹp trai, tóc mượt mà, sống mũi cao khuôn mặt thon dài ra dáng Tây phương, người Á đông được như vậy cũng đáng kiêu hãnh. Ông không nói ra vì tính ít nói, nhưng trong những câu chuyện rất hiếm hoi của ông với bạn bè trong bàn tiệc về những dĩ vãng xa xưa chứng tỏ điều đó. Ông nói về người bạn tên Thanh của ông:

– Hồi còn nhỏ mấy thằng bạn thân của mình rất ngon lành. Anh nào cũng điển trai ra phết, các cô trong làng cứ chết mệt với bọn tớ. Thế mà thằng Thanh, cái thằng đẹp trai nhất lại hát hay đàn giỏi cuối cùng lại đi lấy cô vợ da chì miệng méo. Thật là dở. Gặp mình thì thà ở vậy.

Tội cho bác Thanh, bác có họ hàng với bên mẹ của Vũ. Bác ấy chết rồi. Còn bác Thanh gái vợ bác quả có hơi méo miệng một chút. Nhưng mẹ bảo là tại bác ấy bị trúng gió sau khi đã lấy chồng. Thời con gái bác cũng xinh, ra đường cánh con trai lẽo đẽo theo sau dai như đỉa. Vũ nghĩ mẹ nói đúng. Dáng dấp của bác Thanh gái dù đã cao tuổi vẫn còn rất thon thả. Nếu không vì cái miệng méo coi kỳ kỳ, khuôn mặt bác cũng thật cân đối có duyên.

Cái giống nhau giữa Vũ và bố chỉ dừng lại ở đó. Tính tình hai người thì một trời một vực. Tuy vậy, ông vẫn thương Vũ nhất nhà. Bố hiền lành, dễ dãi, an phận, kín miệng và có thể nói là hơi nhát. Vũ trái lại gan lì, buông thả, lãng mạn, bướng bỉnh, phiên lưu và thích chơi nổi. Bạn bè cùng trang lứa với Vũ muốn kết bạn phải chịu dưới cơ, còn Vũ chỉ thích đi theo đám đàn anh hơn mình đến bốn năm tuổi. Nhỏ tuổi bị lép vế, hay bị sai vặt nhưng học được khối cái kinh nghiệm hay ho.

Năm mười lăm tuổi, bị mẹ la một trận về tội lười học, Vũ giận hờn xách chiếc Honda bỏ nhà đi chơi mấy ngày đến hết tiền không thèm về nhà. Vũ chạy một mạch đến nhà bà ngoại ở rất xa, gửi xe lại rồi đi đăng lính. Lính Việt Nam Cộng hòa không nơi nào nhận một thằng bé ranh mười lăm tuổi mới nứt mắt đòi đi lính. Biết được vài câu Anh ngữ, Vũ xoay xở kiếm được một bản sao giấy khai sinh của một đứa bạn đã trên mười sáu đi đăng ký biệt kích tại một trại Mỹ. Mẹ bỏ cả công ăn việc làm đi tìm con suốt tuần, đâu cũng không thấy. Mấy hôm sau, ngoại cho người về báo tin Vũ gửi xe nhà ngoại. Mẹ tức tốc đi thăm ngoại để hỏi tin tức. Ngoại bảo nó giấu không cho ai biết đi đâu, nhưng nghe loáng thoáng mấy đứa cháu nói dường như nó đi nhập lính ở trại Mỹ. Mẹ đến trại hỏi thăm, mang theo giấy tờ, thẻ học sinh để tìm con. Đích thị Vũ đã đầu quân vào lực lượng biệt kích Mỹ với một tên giả, giấy giả. Có giấy tờ chứng minh,họ cho bà vào trại để đem con về. Vũ lúc ấy đang nằm bệnh viện vì bị trúng đạn. Người ta trấn an:

– Nó chỉ bị thương nhẹ, vài ba bữa sẽ khỏi. Thằng nhỏ táy máy chơi nghịch với khẩu súng sao để nó bị cướp cò phát nổ.

Cũng may, viên đạn chỉ sướt qua bắp đùi, không chạm xương. Mẹ bớt lo lắng, làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh con về. Cũng phải ở lại với ngoại hết mấy ngày, chờ cho Vũ lành lặn. Mẹ thở dài, nó thật lỳ lợm. Mẹ khổ nhiều vì Vũ.

Về nhà, bố nói với mẹ:

– Nghe mấy đứa bạn nó bảo nó chán học ở trường đây, đòi về Thành phố học như thằng anh.

Mẹ bảo:

– Nó lười chảy thây, chỉ kiếm cớ vậy thôi. Thằng anh nó học hành đàng hoàng, thi đậu vào trường công ở Sài Gòn thì nó về đó học. Đâu phải mình lo cho nó hơn thằng Vũ. Nó học hành bê bối đâu có vào được trường công. Học trường tư thì ở gần nhà cho đỡ tốn kém.

Nói vậy nhưng rồi mẹ cũng chiều. cho Vũ lên Sài Gòn đi học. Vũ nghe bạn kể nhà thơ N. Sa mở trường Văn học, vốn thích thơ, yêu nhạc, nên Vũ tìm đến. Kết quả học ít chơi nhiều thành cũng chẳng đi tới đâu.

Vũ có thêm một số bạn mới, toàn một lũ ham vui, suốt ngày tụ họp nhau văn nghệ văn gừng, học đàn học hát. Hơn hai năm trời, chỉ có đôi bàn tay của Vũ thu được ít ngón đàn qua bạn bè chỉ dạy. Các môn học cứ vào tai này lại chui ra tai kia. Cuối niên học đệ nhị, Vũ đi thi phần một rớt cái ạch. Bố mẹ buồn nhiều, tuy cũng cố an ủi: học tài thi phận, còn riêng Vũ chỉ hơi buồn thôi. Đi thi cho có lệ, sự thực Vũ biết kết quả trước khi thi.

Vũ quen Thuỵ Nhung trong một đêm văn nghệ nhà. Người con gái ở vùng đất cao nguyên xứ lạnh tình nồng với mái tóc dài buông xoã ngang lưng đã để lại ấn tượng trong tâm hồn Vũ ngay trong lần gặp đầu tiên. Dưới khuôn mặt trắng hồng và vóc dáng mảnh mai, Thuỵ Nhung có một vẻ đẹp man dại như một bông hoa giữa cánh rừng. Điều đó là một thu hút mạnh mẽ cho Vũ. Anh không thể nào cưỡng lại chuyện làm quen với nàng.

Còn Thuỵ Nhung đến với mình ra sao, Vũ không biết. Chỉ lờ mờ đoán hai người có lẽ chung một đam mê là yêu thơ yêu nhạc. Thuỵ Nhung thích chè. Hai người thường dẫn nhau đi ăn kem lạnh, hoặc một ly chè ba màu xanh đỏ trắng và tâm sự vụn. Đôi khi Vũ đến nhà chơi, ngồi ôm đàn đệm nhè nhẹ cho cô khe khẽ hát một bản tình ca. Phong trào nhạc trẻ lúc này đang thịnh hành nhạc ngoại quốc, lối chơi Phượng Hoàng trở thành hiện tượng, nhưng Thuỵ Nhung vẫn chỉ mặn mà với dòng nhạc êm dịu trữ tình. “Nó hợp với em hơn”, cô bảo.

Thuỵ Nhung hay kể cho Vũ nghe về cuôc sống ở cao nguyên những ngày còn nhỏ. Ngày ấy thật vui. Vườn chè và cánh rừng phía sau là nơi cô thường cùng bạn bè dạo chơi khi rảnh rỗi cuối tuần. Hoà mình vào sự tươi cười của hoa lá, lời réo gọi của nắng gió và nhất là tiếng thì thầm của cây cỏ. Chúng biết nói đấy. Nếu mình chịu lắng nghe sẽ cảm nhận được thiên nhiên, trời đất tràn đầy sinh lực và có những rung cảm như người.

– Thế sao em không ở lại đó, lại di chuyển đến cái thành phố xôn xao chật chội
này? – Vũ trêu cô.

– Tại bom đạn, chiến tranh – Thuỵ Nhung có vẻ buồn – Tất cả đều tan nát, hoang vu. Rừng như trụi lá. Đêm đêm mọi sự trở nên bất ổn. Ba má phải bỏ hết về đây để tạo dựng lại cuộc sống, vì tương lai của gia đình, của lũ con. Biết bao giờ quê hương mình mới có lại được những ngày xanh tươi thanh bình thuở ấy anh nhỉ?

Vũ kéo Thuỵ Nhung sát lại gần. Buổi chiều chầm chậm xuống đang mang đi cái nắng oi ả của Sài Gòn. “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” (thơ N. Sa). Thuỵ Nhung khe khẽ hát trong cái mát dịu của thành phố sắp về đêm và cái mát lạnh của ly kem. Khuôn mặt hai người thật sát. Những sợi tóc mai của nàng theo gió nhẹ bay trên má trên cổ Vũ làm anh cảm thấy rạo rực. Vũ cúi xuống hôn nhẹ lên môi nàng, chợt cảm thấy vị ngọt lịm (của kem) vẫn còn đọng trên đầu lưỡi. Sau nụ hôn vội vàng, Thuỵ Nhung đỏ mặt quay đi:

– Anh thiệt tình! Lúc nào cũng tham lam. Người ta nhìn kìa!

– Có sao? – Vũ cười – Con trai đàn ông có đứa nào không tham hả em.

Thuỵ Nhung liếc nhìn Vũ nói:

– Vừa thôi ông tướng! Tham quá là không được đâu à nghen. Lúc này em thấy anh có vẻ muốn bắt cá hai tay rồi đó. Anh mà léng phéng với con nhỏ Nguyên là em nghỉ chơi anh luôn.

– Nguyên nào?

– Nhò Nguyên ở trong xóm gần nhà anh đó. Coi bộ nó mết anh rồi, còn làm bộ!

– Coi kìa! Chưa chi đã muốn làm Hoạn Thư phải không? Anh và nhỏ Nguyên thì có liên quan gì? Hàng xóm láng giềng với nhau, thỉnh thoảng cô bé nhờ anh vài chuyện vặt như thay cái cầu chì nhà bị đứt, hoặc coi giùm cái xe không nổ máy. Giúp đỡ nhau là chuyện thường tình.

– Anh khỏi phải biện hộ. Thiếu gì người trong xóm mà nó cứ phải nhờ đến anh? Nhìn cặp mắt của nó mỗi khi thấy anh, ai cũng biết nó muốn gì mà.

– Thôi, bỏ chuyện đó đi. Em biết quả tim của anh đang nằm chỗ nào rồi mà. Vả lại, lỡ có ai đó ngoài em muốn thương anh, mình đâu cấm cản được. Có chuyện này quan trọng hơn muốn nói với em: có lẽ mình sắp xa nhau một thời gian, anh sắp nhập ngũ.

(Còn tiếp…)

No comments: