Trôi theo mùa hè_5

                                                            Chương 5                                    

                             Một ngày lễ hội

      
 N
hiều năm sau, Daisy May  cho tôi biết đỉnh điểm của đời cô chính là ngày lễ đăng quang của  vua Edward VII. Tôi cảm thấy vui hơn khi cô nói  thế và rồi tôi bắt đầu nhớ lại. Tôi nhớ rằng khắp nơi  đầy hoa anh túc, những cánh đồng ánh lên màu vàng  tươi và đỏ rực, nơi  chúng  đắm mình  trong đám ngũ cốc, và  dọc theo hai bên bờ những con kinh  được bao phủ  bởi ánh lửa bập bùng làm  cho cái nón của bà Barshinskey như mịt mù  trong khói.
      Tôi nhớ vào một buổi sáng, khi nhìn ra từ khung cửa sổ trong phòng ngủ, cây mận trong vườn dầy đặc những con chim hồng tước, phải đến ba bốn chục con. Tôi lại nhớ đến cánh đồng đối diện khu nhà thờ được dựng lên một cái  lọng che với  những chiếc bàn dài kê trên giá ngựa  được bao phủ khăn bàn bằng giấy  trắng tinh và tất cả phụ nữ trong làng đang xếp ra những chai nước chanh. Tôi cũng nhớ lại đã vui sướng  như thế nào trong buổi sáng tháng Tám đó. Cái cảm giác có một điều tuyệt vời sắp đến, và cho đến cuối ngày, khi điều tuyệt vời  đã xảy đến, tôi nhận ra rằng cái ngày nhà vua đăng quang này có thể cũng là  đỉnh cao của đời tôi.
    Có những trò chơi và các cuôc  thi đua giải trí  trước giờ ăn tiệc. Ông Hope-Browne trong chiếc áo vét tông sọc và cái mũ rơm, tất bật chạy lên chạy xuống, khai hoả phát súng khởi đầu các cuôc thi và dường như  ông không có  tình trạng bối rối xấu hổ như thường ngày. Ông cha xứ và bà Lovelace ngồi  dưới cái lọng che uống trà trò chuyện với đám quý tộc, có lẽ vì vậy  anh chàng mặt mụn tỏ ra thoải mái hơn. Có các màn thi  nhảy bao bố, chạy ba chân và  chạy cầm thìa đựng trứng  và đó là lúc ngày ấy trở nên tuyệt vời cho Daisy May. Cô đã thắng giải cuộc chạy đua cầm thìa với quả trứng.
     Cô đứng đó, ngay tại  cột ghi mức thắng giải, gọn gàng và cười tươi, trên tay cầm quả trứng đã luôc chín để dùng cho bữa tiệc sau cuộc đua. Mọi người vỗ tay hoan hô vang dội. Dĩ nhiên họ vỗ tay hoan hô tất cả những người thắng của các cuộc đua khác, nhưng Daisy May  chả thèm nghĩ đến điều ấy. Lần đầu tiên trong cuộc đời, cô bé nhận được những lời khen ngợi trước công chúng và  cô quá  hồn nhiên để giả vờ không biết. Hãnh diện, vui thích, hài lòng cùng lúc ập vào người cô. Bố tôi, người chấm giải,  đã trao tặng cô giải thưởng cô đã thắng. Đó là một cuốn sách về may vá thêu thùa có hình dáng một trái tim. Còn Edwin, người  giúp làm trọng tài ở mức đến  cũng nói:
 -      Ồ! Giỏi lắm Daisy! - Bỗng nhiên  làm cô quá sung sướng không thể ngưng  mỉm cười.
     Bà Barshinskey có mặt ở đó trông thật trang trọng.   Bà phụ giúp mẹ tôi chuẩn bị mang thức ăn ra , và Daisy  cứ đưa mắt liếc nhìn để  chắc chắn rằng  đó chính là mẹ cô, đang hoà lẫn với những người khác  và trông giống y như  họ trong bộ đồ vải và cái nón rộng vành. Cô bé chạy đến để khoe mẹ cuốn sách vừa được thưởng và trong giây lát, cô  tạm bước  ra khỏi một Daisy May, nghiêm trang, đứng đắn và đầy trách nhiệm. Cô đang hoàn toàn là một đứa bé ở lứa  tuổi mười một.
     Rồi ông Hope-Browne loan báo cuộc thi chay ba chân kế tiếp, một cô  gái và một cậu  trai cột một chân vào với nhau để thi đua. Bỗng nhiên tôi nảy ra ý kiến làm sao cho Daisy  May hạnh phúc hơn., Tôi nói với Edwin:
-     Anh tới  hỏi Daisy May dự thi chung với anh đi!
-     Đâu được, tao đang  giúp làm trọng tài mà.
-     Ai làm cũng được mà. Đi mau đi. Đi hỏi cô ấy đi!
-     Con nhỏ còn bé quá . – Anh lúng túng nói.
-     Anh Edwin, làm ơn! Cô ấy là bạn thân của em.
     Anh do dự một chút, đoạn nhún vai nói:
-    Thôi được! – Nói rồi anh đi đến chỗ Daisy May.
-     Này nhỏ có muốn  tham dự cuôc thi này với tôi không?. Anh từ tốn hỏi.
     Gương mặt của Daisy May lúc này có lẽ đỏ không thua gì của ông Hope-Browne. Cô bé chỉ kịp gật đầu, rõ ràng  quá sung sướng không nói nên lời, và Edwin  choàng vai cô bé đưa ra điểm khởi đầu cuộc thi.
-    Nhỏ cúi xuống cột chân đi. – Anh  lo âu nói, e rằng đụng vào chân cô bé sẽ làm cô bối rối hơn. Anh  chăm chú nhìn chung quanh trong lúc Daisy May cúi xuống cột chân hai người. Bất thần  tôi thấy anh tập trung chú ý  đến  một cái gì khác.  Có những lần tôi có được cái linh cảm về anh. Edwin lớn hơn tôi hai tuổi và kể từ khi còn rất nhỏ tôi đã theo dõi và bắt chước anh nhiều thứ. Khi ta  đi theo một ai đó cả cuộc đời, ta thường có thể nhìn họ và  nhận thức   được cảm giác của họ. Tôi ngắm nhìn Edwin  và tự bản thân thấy căng thẳng trong sự  thông cảm với anh. Tôi nhìn thấy được  sự hoang mang, bối rối trong  các  cử động trên cổ anh , trên bàn tay anh. Theo hướng nhìn của anh, tôi nhân ra Galina đang cột chân với ông bố. Họ cười cợt, nụ cười  ấm áp, tuyệt vời, sung sướng cố hữu của nhà Barshinskeys, và họ xì xồ nói chuyện với nhau  bằng tiếng Nga. Đặc biệt là cô ta, trông cô không hợp cảnh, xa lạ, vô lý  giữa một cánh đồng trên đất Anh toàn những con người dân giả xứ Kent. Và mặc dù cái áo được sửa lại từ bộ đồ cũ của bà Lovelace, cô mặc vào trông  vẫn hấp dẫn, và thay vì xử dụng bím quấn tóc, cô lại buông thả nó xuống  như một giải mây đen xõa xuống dưới lưng. Một bó hoa anh túc được đeo vào giải eo thắt lưng cùng  màu với những bông  hoa cài trên nón ông bố.
     Có phải vì sự tưởng tượng của tôi hay thực sự cánh đồng bỗng nhiên  như khựng lại , một sự đứng yên ớn lạnh? Tôi liếc nhìn bà Lovelace khi bà ấy bước ra khỏi cái lọng che, gương mặt bà  cau lại với sự bất mãn. Bà đã cho phép Galina nghỉ làm buổi chiều để dự lễ hội, nhưng rõ ràng bà rất kinh ngạc và tức giận về mái tóc  và bó hoa trên người cô. Ông Hope-Browne đứng với tư thế đưa khẩu súng lệnh khởi đầu lên cao. Gương mặt ông đỏ lên cùng với mụn mặt liên tục thay đổi  vô số màu sắc. Mẹ tôi coi bộ phiền lòng. Còn bà Barshinskey như kiệt sức, đầu hàng. Chỉ hai bố con họ vẫn cười đùa, hôn hít, chuyện trò bằng ngôn ngữ  riêng  làm tôi đâm ghét họ.
     Ông Hope-Browne lấy lại bình tĩnh và ông  khai  hỏa phát súng khởi sự. Cặp đôi Edwin và Daisy May lập tức bị trợt ngã. Tôi không biết có phải do Daisy May xúc động  vì sự gần gũi với Edwin hay bởi anh vẫn đang chú tâm đến bố con  họ. Hai nguời đứng lên để tiếp tục, nhưng  rồi chẳng thể nào  theo kịp trong cuộc thi.
     Bố con nhà Barshinskeys đã thắng cuộc, không phải vì họ hợp tác  hay mà vì ông bố đã quàng tay ôm cô con gái như ôm một bó lúa để chạy. Cô gái lả lướt trong vòng tay của bố, mái tóc  dầy bóng của cô  xõa  xuống gần quét trên mặt cỏ.  Đó là cuộc thi duy nhất  khán giả xem  ra không hò hét hoan hô  cổ vũ, chỉ vài tiếng vỗ tay rời rạc của một số người ra vẻ bị bắt buộc vì thói quen lịch sự. Nhưng điều đó cũng không thành vấn đề , bởi hai người họ cũng chẳng để ý. Họ ngã sóng soài ở mức đến  và rồi ôm nhau lăn lộn, cười cợt la hét, đoạn ông ta tung cô gái lên vai đi  vòng quanh cánh đồng vừa đi vừa hát một bài ca ngoại quốc một cách điên khùng. Mọi người tránh chú ý đến họ, nhưng tôi  thì không thể. Một người dường như không thèm để ý tới, đó là Daisy May. Cô bé đang quỳ xuống tháo bỏ chiếc khăn tay cột chân cô với Edwin. Cái hạnh phúc được làm bạn đồng hành với Edwin của cô, cho dù không thắng giải, dường như đã xoá hết mọi thứ khác chung quanh.
     Trong bữa tiệc, tôi thấy bà Lovelace nói chuyện với Galina, trầm tĩnh nhưng có chứa giận dữ. Cô gái có vẻ buồn rầu, tệ hơn nữa, có ông Hope-Browne đứng ngay bên cạnh. Có lúc, ông cố ý tránh đi, nhưng bà Lovelace kéo ông lại không cho bỏ đi. Mặt ông lại liên tục đổi màu khi ông cố xen vào những lời nói hoà giải một cách  lung túng, nhưng bà Lovelace lại lấn át ông và tiếp tục mắng nhiếc Galina. Cuối cùng,Galina  quay đầu biến vào sau lọng che. Khi cô trở lại, mái tóc được cột bím gọn ghẽ và bó hoa cài trên thắt lưng đã biến mất. Cô ngồi xuống một bàn lấy một mẩu bánh ngọt  gặm nhấm với sự buồn rầu. Edwin ngồi cạnh tôi cũng chăm chú theo dõi. Tôi có linh cảm anh đang theo dõi  cô ta và tôi quay  qua. Gương mặt anh thờ thẫn và  anh lặng lẽ nói:
-      Tao mong cô ta đi khuất mắt. Người khác tao không cần , kể cả ông bố, nhưng  tao mong cô ta đi khỏi đây.
     Galina bỏ đi vào khoảng sáu giờ.  Thời gian nghỉ phép đã hết. Giờ cô phải trở lại nhà xứ  để chuẩn bị bữa tối. Ông bố cô đã ra về trước bữa tiệc. Cho dù là ngày lể đăng quang của vua, ông và bố tôi cũng phải làm công việc vắt sữa.
     Chúng tôi tản loạn một chút. Bé sơ sinh và trẻ nhỏ được mang trở về nhà. Người ta bắt đầu giạt qua sảnh đường của  giáo xứ để  thưởng thức buổi hoà tấu văn nghệ tạp lục. Lần đầu tiên chúng tôi, giáo phái Anh  Em,  được nghe giọng hát của ông Hope-Browne.
     Tôi ngồi trên một trong hàng dãy ghế dài được xếp  trong sảnh đường, có Daisy May và Edwin ngồi kèm hai bên. Anh Edwin rất lo lắng cho phần trình diễn của ông Watkins, người xếp ga.  Ông ta cần
được nhiều người vỗ tay ủng hộ khi ông thổi kèn, và anh phải cố hết
  sức mình để xếp đặt việc ấy cho tốt.
-     Nghe đây, Soph!  Em phải vỗ tay  ngay khi ông bước ra   chứ không chờ sau khi ông trình diễn xong. Nhớ cổ võ khuyến khích trước khi ông khởi sự. Cả nhỏ nữa, Daisy. Hiểu chứ?
 -    Thưa vâng, anh Edwin.
      Daisy May mau mắn trả lời. Tôi trừng mắt nhìn cô. Thông thường mà nói, Edwin là một ông anh thuộc loại dễ thương, nhưng không vì thế  mà phải nghe lời anh răm rắp như một  thượng đế. Tôi chắc chắn không nghĩ về anh của cô kiểu đó.  Phải chăng, nếu có thể làm, tôi sẽ giúp Ivan  cư xử  với cử chỉ, hành động hợp thời hơn
     Ngoại trừ ông bố, Ivan là người duy nhất trong gia đình Barshinskeys hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi sự nhiệt tâm  truyền giáo của mẹ tôi. Mẹ càng cố gắng, anh  ta càng trở nên khó khăn và cứng cổ hơn. Không chỉ gửi trả lại quần áo, anh ta  từ chối  lấy nước  từ cái  bơm nhà chúng tôi mà đã hoàn toàn được phép, cho dù nhiều lần trong ngày anh phải gù lưng mang thùng nước về từ trên đỉnh đồi xa nhà. Còn điều này mà tôi đã không cho mẹ biết, Daisy May báo  cáo là anh ta từ chối ngủ trên cái giường xếp đi chơi cắm trại  của chúng tôi. Daisy May nói:
-     Anh ấy tự làm lấy cho mình một cái giường với  khung bằng gỗ dùng nhiều đinh nối lại. Tớ có nằm thử thấy chẳng tiện nghi  chút nào.
     Một thí dụ điển hình về tính bướng bỉnh của Ivan là khi chúng tôi  qua nhà  rủ họ đi tham dự lễ hội, bà mẹ tôi nhìn đôi chân đi đất và chiếc quần tơi tả của anh và nói:
-  Quần áo tôi vẫn để nguyên trong cái thùng  để ở phòng giặt. Nếu cậu muốn đi dự lễ đăng quang, cậu nên qua nhà lấy  mà chuẩn bị.
     Ivan ra vẻ bị tổn thương, xúc phạm nặng nề. Tôi nhận ra rằng anh ta cũng mong đợi  buổi lễ như tất cả chúng tôi, mặc dù  miệng có ý chê bai  những trò chơi  dành cho con nít và những cuộc  thi đua đần độn với  đám con trai yếu nhớt trong làng. Nhưng bây giờ tối hậu thư của mẹ  đã ban hành:  chỉ những người ăn mặc đàng hoàng đứng đắn mới nên tham dự cuộc vinh danh nhà vua.
-     Tôi không đi.
-     Đi chơi đi, con trai! – Bà Barshinskey nhẹ nhàng nói, nhưng Ivan đã quay đầu chạy bay ra khỏi nhà. Bà mẹ anh ta thở dài như bà đã hiểu mà không làm được gì. Tôi  định chạy theo  anh, nhưng mẹ tôi đã hộ tống mọi người lên đường và khi chúng tôi bước ra khỏi cửa, anh ta đã  biến mất.
    Tuy thế, anh chàng cũng có mặt ở đó. Suốt  buổi chiều, anh chàng lượn lờ  bên ngoài cánh đồng, vừa đủ gần  để  thấy  những gì ở bên trong, vừa không quá gần để nói là anh chàng thực sự có tham dự . Sau khi Daisy May đã thắng cuộc thi chạy cầm muỗng  và trứng, tôi đã băng qua cánh đồng,  một đoạn dài trong bộ y phục ngày lễ để bảo anh:
-     Daisy May vừa thắng cuộc thi muỗng và trứng đó!
-      Tốt.
-     Tôi nghĩ là anh có rất nhiều cơ may với cuộc thi nhảy bao bố. Anh khoẻ lắm mà!
-     Không, cám ơn.
-      Anh có đến  dự tiệc sau đó không?
-      Không.
-     Vậy anh có muốn tôi mang đến cho anh một ít đồ ăn trên bàn không?
-     Không. – Và rồi gương mặt anh  đổi sang đầy oán ghét, anh nhổ  toẹt xuống đất.
 -  Tụi bay thật cao ngạo và làm người khác khó chịu, cả nhà tụi bay. Tao mệt với  nhà Willougbys. Tụi bay nghĩ rằng có thể  thay đổi gia đình tao thành những con mèo mặc áo gấm  mập ú  như tụi bay. Còn khuya. Hãy để tụi tao yên.
     Lúc đầu, tôi thấy  khó chịu khi anh ta nói với tôi kiểu đó,nhưng bây giờ thì đã quen không thèm để ý đến nữa.  Tôi là người duy nhất anh ta có thể tỏ ra hỗn xược và tôi phải nhận chịu  thay cho mẹ, Lillian và cả Edwin. Được cái là anh ta luôn luôn hối lỗi và cố sửa chữa lỗi lầm, giống như lần đầu tiên anh bảo tôi không phải là một con bò kênh kiệu. Tôi biết tốt nhất là  cứ để anh ta yên.
-     Vậy xin kiếu.
     Anh không trả lời, nhưng tôi hầu như nghe tiếng anh cau có khi tôi bỏ đi.
     Bây giờ, khi ngồi trên ghế trong sảnh đường của giáo xứ, tôi thấy anh thập thò ở phía sau.  Anh ta chui vào trong một hốc cửa, nơi  cất giữ thang và chổi quét nhà , dựa lưng vào giữa bức tường và bậc cấp. Ông Hope-Browne hát hai bài hát, và anh Peter Hayward nói đúng. Nếu nhắm mắt lại và quên đi những nốt mụn trên gương mặt ông và chỉ nghĩ đến giọng hát trữ tình của ông thì tuyệt diệu. Thật đáng thương hại.
     Ông Hayward đeo râu giả và  cặp mắt kính một tròng, ông   trình diễn một màn tấu hài độc thoại mà người ta  ước chi ông đừng làm thì hơn. Lillian cùng đám bạn con gái  trong lớp Thánh Kinh đồng trình diễn một mục ngâm thơ. Chị đứng ngay ở giữa của hàng đầu và đã vẫy tay nhiều hơn bất cứ ai. Có rất nhiều màn  độc tấu dương cầm và  rồi cũng tới phần trình diễn thổi kèn trumpet của ông Watkins. Mục ông ở cuối chương trình, không phải là mục hay nhất nhưng bởi vì  phải xếp đặt chương trình phù hợp với việc ông hoàn tất công việc  với chuyến  xe lửa 8.2  chạy qua đây để đến Edenbridge trước khi đến trình diễn. Tôi đứng dậy lặng lẽ lẻn  xuống  cuối sảnh đường nơi Ivan đang ở đó.
-     Edwin muốn tụi mình vỗ tay cho ông Watkins trước khi ông trình diễn. Tôi nghĩ là ông thổi kèn không hay lắm. Vì thế Edwin e là ông ta không được mấy người tán thưởng.
-     Được thôi. – Ivan nói. Đó luôn luôn là cách chúng tôi hoà giải.  Hai đứa  vờ như những lời nói lúc trước không hề xảy ra.
     Ông Watkins bước vào, và Ivan vỗ tay thật to bên cạnh tôi. Khi ông khởi sự trình diễn,  chúng tôi  thấy ngay  lo ngại của anh Edwin không tránh khỏi. Ông ta liên tục chơi sai nốt nhạc, cố  sửa lại cho đúng, nhưng  khi vừa lấy lại được đúng thì ông lại run rẩy và lại trượt ra khỏi và chơi sai một nốt nhạc khác.  Tệ hơn nữa là khi ông bị căng thẳng thì đôi mắt ông trở nên lé xẹ. Đằng sau chiếc kèn trumpet, người ta có thể nhìn thấy  hai má đỏ phồng lên như trái banh của ông và ở trên là  cặp mắt lé đảo quanh. Tôi bắt đầu cảm thấy tức cười. Đã ráng cố nghĩ đến những chuyện thật buồn, thật khủng khiếp nhưng tôi không thể nào nín cười được. Tôi bèn nín hơi nhìn xuống đất, lắc đầu rồi cầu khẩn Thượng Đế  cho tôi có thể nín, bởi nếu tôi bật  cười, anh Edwin sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi.
     Bên cạnh, tôi cảm thấy người anh Ivan bắt đầu run rẩy trong một sự cảm thong với tôi rất đau lòng. Tôi nhìn anh và điều đó trở nên quá sức. Không còn kiềm chế được. Cả hai đứa cùng bật ra một tiếng, nấp xuống sàn và lấy tay tự bịt miệng lại.  Khi tiếng vỗ tay  chỉ báo phần trình diễn khúc nhạc đầu đã xong, vì ông còn thêm một khúc nữa, chúng tôi chui ra khỏi hốc cửa đi ra ngoài. Trong cái mát lạnh buổi chiều tà, hai đứa quờ quạng đi qua cánh đồng, hò hét cười vang trong niềm vui, dựa lưng nhau, nhảy dựng lên và cuối  cùng đổ nhào xuống  một đống cỏ. Mỗi lần có đứa bắt đầu bớt cười, đứa kia lại bật rộ lên , cứ như thế liên tu bất tận, và từ từ rấr xa, tiếng kèn trumpet cũng thế cho tới  cuối cùng, nó từ từ thành tiếng nấc cục đứt đoạn  và hơi thở điều hoà.
     Những âm thanh văng vẳng  và im ắng dần từ phía sảnh đường  đã làm cho thế giới riêng nhỏ bé của chúng tôi  như càng thinh lặng hơn.
-     Hãy nghe tiếng dế gáy kìa!
     Tích…tích…tích… chúng vang khắp nơi quanh chúng tôi.
-     Một con dơi đầu tiên xuất hiện.
     Hai đứa nằm ngửa mặt lên trời, mắt điều chỉnh  theo khoảng không gian đang tối dần và  nhìn đám dơi bắt đầu chuyến bay đêm của chúng. Chúng bay nhanh hơn chim rất nhiều và ta không thể nhìn thấy chúng rõ ràng, chỉ thấy những  sinh vật đen  trên khung trời mờ xám di động , lướt từ cây này qua cây khác.
     Rồi bỗng nhiên, từ một góc khuất nào đó, một âm thanh  khác nổi lên,  một âm thanh kỳ ảo mỏng manh, một âm thanh xuất hiện không đúng nơi đúng chỗ với tiếng dế kêu và tiếng dơi bay liệng, nhưng lại thật đúng, thật hợp cho một buổi tối mùa hè  dịu dàng ấm áp  khi mọi thứ mọi vật trở nên buông thả một cách tuyệt vời
-     Nghe này, Ivan! Đó là bố anh đó! – Tôi thì thầm và cảm thấy anh cứng người lại bên cạnh tôi.
     Ô!  Thật là sự kỳ ảo của tiếng vĩ cầm chơi trong đêm. Không phải là loại âm nhạc nước Nga buồn sầu thảm não mà là âm thanh nhạc đồng quê của “Sir Roger de Coverly”.  Rồi như có dấu hiệu từ nhân vật huyền thoại Pied Piper, cửa sảnh đường bỗng mở ra, người ta ùa ra và  tụ họp lại trên cánh đồng. Buổi hoà tấu văn nghệ đã kết thúc, ngày lễ hội đăng quang đã kết thúc, nhưng không ai muốn về nhà. Và  bỗng nhiên ở tại đây,    bản nhạc tuyệt vời mà mọi người đều quen thuộc từ khi còn thơ ấu  đang vang lên , và đâu phải là vấn đề khi người chơi nó  tuyệt vời thế là một anh chàng ngoại quốc.
     Ông vừa kéo đàn vừa chầm chậm  bước đi tiến về phía trước cho đến khi  tới gần  cánh cổng ra vào  của sảnh  đường     khi bản nhạc
đến hồi chấm dứt, c ó tiếng  xì xào tán thưởng.  Ông Barshinskey cúi
chào, và nói bằng một giọng vang  vang như tiếng cười:
-     Bây giờ tôi sẽ chơi âm nhạc  phục vụ quý vị. Không phải nhạc của quê hương tôi. Vì  đức tân vương, tôi sẽ cố chơi nhạc của quý vị.
-     Xin chơi bài “Cumberland Reel” được không ạ!. – Có ai đó  yêu cầu. Ông Barshinskey lắc đầu.
-     Rất tiếc là tôi không biết tên các bản nhạc. Tôi có thể chơi đàn vì đã được nghe   chúng, nhưng tên gọi là gì tôi không biết.
-     Để cháu hát, bác Barshinskey!. – Tôi la lên  và chạy tới cạnh ông.- Cháu hát lên và bác  sẽ chơi đàn được ngay.
     Rồi tôi bắt đầu  ư ử trong miệng bài “ Cumberland Reel”, và ông ấy, vẫn kỳ tài như thường lệ, đã bắt được nhịp điệu sau vài khúc đoạn,  đưa vào tiếng đàn và bắt đầu chơi.
     Có ai đó mang một cái ghế cho ông ngồi, một cái nữa bên cạnh cho tôi, lại thêm vài cái nữa . Rồi người ta ngồi xuống hay  làm vài bước nhảy nho nhỏ khi âm nhạc cuốn hút họ.  Ông tiếp tục chơi nhiều bản nhạc khác, những bài nhạc cổ mà mọi người có thể hát và ông chơi lại bài “Sir Roger de Coverley”, chỉ khác lần này, ông Hayward bận rộn lên xuống, cố tạo thành một vòng khiêu vũ có tính dân gian trên mặt đất gồ ghề của cánh đồng.
     Cứ sau mỗi bài nhạc, ông lại vỗ nhẹ vào vai tôi hoặc kéo đầu tôi áp vào má ông  và nói “con bé thông minh” hoặc “cưng yêu quý” hay “Ô nhỏ Sophie”, và chính sự gần gũi quá sức tưởng tượng, sự vĩ đại và ấm áp của ông đã thấm qua da thịt vào trong tim tôi. Tôi không hề nghĩ đến bố, mẹ hay Lillian dù mọi người đều ở đó, lắng nghe và thưởng thức như những người khác. Chắc là  chuyện đó được chấp nhận vì sau đó tôi không bị la mắng trách cứ gì. Có lẽ họ cũng thoải mái như mọi người khác trong cái ngày lễ hội tuyệt vời này và một buổi tối với tiếng đàn của ông Barshinskey.
     Thật là niềm sung sướng vui vẻ . Ông Hayward cứ liên tục bảo là
thật tiếc khi không có một đống lửa trại và một thùng rượu táo. Trong một lúc mát giây và cuồng nhiệt, ông còn định tổ chức đi lượm củi, nhưng chẳng đi đến đâu. Người ta bận thưởng thức âm nhạc đến nỗi không ai quan tâm đến có cần lửa trại hay không. Và chúng tôi cũng chẳng cần, bởi  từ cái bộ dạng đồ sộ   với chùm hoa anh túc  úa tàn và nhàu nát quanh vành nón của ông Barshindskey đã hiện ra như một ánh lửa rực rỡ nhất trong đêm.
     Ông không ngồi trên ghế suốt buổi. Thỉnh thoảng, ông lại đứng lên, nhất là khi người ta khiêu vũ, ông tung tăng nhảy lên xuống bên cạnh họ với tiếng” đom đì đom đì…” và có một lần ông quá kích thích đến độ chỉ  đạo một cuôc khiêu vũ. Ông cúi đầu vào người kế tiếp tới phiên nhảy với ông và la lớn:
-    Này , chú nhóc, nhảy với bà mập kia đi. Mau , mau, tới phiên chú lùn đó!. – Và chẳng ai phiền giận vì bị gọi là chú lùn hay bà mập cả.
      Tôi cũng muốn ra nhảy nhót, có điều là  không chịu đựng nổi phải xa rời ông. Nhưng rồi, chính ông đã cúi đầu và nói:
-    “Nhỏ cưng”! Nhỏ ra nhảy với con nhỏ Daizeemay của ta đi.  Nó không  được mời nhảy nhiều. Đêm nay, ta mong nó nhảy nhót thật vui.
       tôi cùng Daisy May  xoay vòng lên vòng xuống, rồi tôi và Edwin, và rồi tôi thấy bố cùng chi Lillian cũng bước ra nhảy.
     Tôi không biết, hay không nhớ đêm ấy kết thúc ra sao. Tôi cho là mọi người từ từ tản mác, và đêm vui chấm dứt  với ông Barshinskey chơi lại lần nữa những điệu nhạc Nga  sầu muộn. Bố mẹ chắc đã gọi tôi và đưa tôi về. Có một điều tôi ghi nhớ mãi là ông Barshinskey đã cầm lấy tay tôi như tôi đã  là một vị phu nhân và đặt lên đó một nụ hôn. Và mặc dù ông cười và nháy mắt với tôi, nó cũng thật đáng yêu vì nó dành riêng cho tôi.
     Ivan có thể đã về nhà rất sớm bởi từ khi ông bố anh đến, tôi không còn thấy anh nữa.

                                                (xem tiếp chương 6)    

No comments: