Vài suy nghĩ về căn bệnh anh hùng.

Phương Duy

Tôi đã ghé Singapore một lần, hơn 23 năm trước, trên con đường đến Úc định cư. Ở phi trường Kuala Lumpur,Mã Lai, đã thấy nơi đây to lớn. Sang tới phi trường Singapore, mới thấy nó không nhằm nhò gì. Trong 2 giờ chuyển tiếp chờ đợi chuyến bay, không 1 xu dính túi, cũng đi lòng vòng các cửa hàng trong phi trường để giết thì giờ, cũng thấy nó hiện đại làm sao. Đúng tiêu chuẩn một sân bay quốc tế.

Đó là chuyện hơn 20 năm trước. Bây giờ có lẽ Singapore đã phát triển hơn thế gấp trăm lần. Ông Đinh Từ Thức (ĐTT) may mắn được lui tới đến 4 lần, với kiến thức của 1 ký giả kinh nghiệm đầy mình, cộng với những nghiên cứu đầy tính khoa học, đã có những bài bình luận rất giá trị, mà bài “Bệnh anh hùng” (Talawas) là một thí dụ điển hình.

Tuy thế , ông không thuyết phục được tất cả mọi người. Trong bài “Giật mình khi ở xó cầu?”(cũng trên Talawas) ngày 31/10/2005 của tác giả Đỗ Kh., ông Kh. cho rằng khi đem VN so sánh với Singapore, ông ĐTT đã vướng một số khập khiễng.

Theo Đỗ Kh. :

- VN: lãnh thổ lớn hơn, tài nguyên phong phú hơn, ngôn ngữ thuần nhất hơn Singapore không hẳn là có điều kiện tốt hơn. Ông dẫn chứng một lô những “nước”: Hongkong, Macau, Bermuda, Monaco, Andorra, Luxemburg, Vatican (ngay cả những nước tôi chưa nghe tên như Letchtenstein), nước nào cũng nhỏ bằng hoặc hơn, tài nguyên ít hơn Singapore, có nước không có cả ngôn ngữ riêng, đều có độ phát triển mạnh tương đương với Singapore (trung bình GDP của họ trên dưới US$20.000).Càng nhỏ càng dễ phát triển. Hơn nữa, các nước này chưa có tầm vóc để được gọi là một quốc gia. Nếu muốn so sánh một cách tương xứng, nên so sánh nó với Chợ Lớn ở Sài Gòn hay quận Hồ Tây ở Hà Nội.

- Về món nợ quốc gia cũng không xứng hợp: Mỹ: 74% GDP; VN: 19% GDP, như thế VN còn thua xa. Dân Mỹ nợ như chú chổm, mà họ có lo gì đâu.

- Về việc đề cao lãnh tụ: Singapore cũng có đấy chứ, có điều họ đề cao khôn ngoan hơn,tế nhị hơn, còn VN thì quá ồn ào và quê mùa thô kệch.

"Bên Bếp Lửa Những Người Anh Hùng" là câu chuyện
về "18 gương lao động xuất sắc, tiêu biểu trong thời
kỳ đổi mới; trong đó có những nhân vật đã 2 lần
được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động"
(Nhà xuất bản Trẻ, 2004).
Ông Đỗ Kh. lại cho rằng: bàn luận về anh hùng, chỉ nên so sánh VN với những nước Indonesia, Malasia, Thái Lan, Myamar (Mìến Điện), Philipiness, những nước ngang tầm và không có đảng cộng sản lãnh đạo. Đỗ Kh. chê ông ĐTT ở điểm ông ĐTT đã quên không đề cập đến tình hình tự do báo chí và nhân quyền mà 2 nước VN và Singapore (SGPE) có điểm tương đồng: cả 2 đều được xếp gần hạng chót (VN:158, SGPE:140) trong bảng xếp hạng của Amnesty International hay RSF (Phóng viên không biên giới?). Nói cho đúng, Ông Lý Quang Diệu của SGPE đã từng đưa ra lập luận “Truyền thống Á Đông” không có dân chủ, hoặc “Giá trị trật tự Đông phương” để lý giải cho cái chích sách độc tài độc đảng (không CS) của Singapore. Độc tài để ổn định, có ổn định mới phát triển, Singapore là một bằng chứng hiển nhiên. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nhà cầm quyền Hà Nội ngưỡng mộ, mời ông qua làm cố vấn. Đảng CSVN cần độc tài toàn trị để giữ chặt quyền, mừng rỡ ôm lấy lý luận của ông Lý,như người sắp chết đuối vớ được cái phao. Ý ông Đỗ Kh. là giàu sang ai không muốn, kinh tế phát triển vượt bực thì tốt đấy, nhưng không có dân chủ thì ngột ngạt quá, báo chí ngôn luận mà chỉ một chiều thì chỉ có nhiệm vụ làm …giấy gói đồ.

Tôi cũng đồng ý với ông Kh. , được sống trong một gia đình giàu có, quyền cao chức trọng, mà có mẹ chồng khắc nghiệt, canh giữ từng lời ăn tiếng nói, dáng điệu cử chỉ của nàng dâu, thì thà sống trong một gia đình nghèo hèn, mà mẹ chồng khoan dung, yêu thương chân thành, hoà đồng với con có phải sung sướng hạnh phúc hơn không?

Tôi không thích cái lập luận chính quyền là cha mẹ dân của Singapore. Đây có thể là thành phố sạch nhất, kinh tế phát triển cao nhất, giáo dục tốt nhất, nhiều nhà vệ sinh nhất, phục vụ du khách tốt nhất, nhưng ai cũng trật tự quá, ăn nói cùng một nhịp điệu theo sự điều khiển của nhà nước, thì cũng nhàm chán nhất. Singapore hiện vẫn còn án tử hình treo cổ (dường như sắp sửa thi hành cho một tù nhân Úc gốc Việt can tội chuyển lậu ma tuý), người phạm pháp còn có thể chịu hình phạt đánh đòn, và chỉ vì cái trò nghịch ngợm của đám trẻ nào đó mà những thanh kẹo chewing gum bị cấm thì quả là khắc nghiệt. Nhưng thưa ông Đỗ Kh., theo tôi hiểu, tác giả ĐTThức chỉ làm một sự so sánh giữa VN và Singapore để cho người đọc có cái nhìn rõ nét về sự tụt hậu của VN hiện tại về mọi mặt là hậu quả của một căn bệnh: Bệnh anh hùng

Nhà báo Đ.T.Thức viết:” Nhưng tại sao, độc lập sau Việt Nam 20 năm, ngày nay Singapore nằm trong số những quốc gia đứng đầu danh sách các nước trên thế giới, trong khi Việt Nam nằm chung với các nước dưới cuối? Hình như câu trả lời là chỉ vì hai tiếng “anh hùng” mà thôi.”

Ông nhắc đến những bài diễn văn của lãnh đạo, những bài báo khắp nước trong dịp kỷ niệm 60 năm Cách Mạng tháng Tám, hai chữ anh hùng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần hơn cả: nào là đất nước anh hùng, dân tộc anh hùng, chủ nghĩa cách mạng anh hùng, thủ đô anh hùng, Sài gòn mất tên cũng là thành phố anh hùng, chiến đấu cũng anh hùng, lao động cũng anh hùng. Tự nhận mình là anh hùng chưa đủ, mạng lưới chính thức của đảng còn cố công tìm kiếm để phổ biến những bài báo Mỹ trên tờ Báo Bưu Điện Washington (tờ Washington Post?) để tự ca anh hùng.(Tác giả không kiểm chứng được vì không đề ngày tháng phát hành). Hồ Chí Minh khi còn sống cũng tự nhận là anh hùng.

Cuối cùng ông kết luận: “Anh hùng không phải là điều xấu, nhưng khi nó trở thành một ám ảnh thường trực, đã biến thành bệnh. Ví dụ, giữ gìn cơ thể sạch sẽ để phòng bệnh, là thói quen tốt. Nhưng sợ vi trùng đến nỗi bị ám ảnh như nhà kỹ nghệ nổi tiếng Howard Hughes, là người bị bệnh hiểm nghèo, tiếng chuyên môn gọi là hypochondriac. Theo triệu chứng tỏ tường, Việt Nam đã mắc “bệnh Anh hùng”. Tiếng chuyên môn viết tắt là HOC, do ở tiếng Anh Heroic Obsessive-Compulsive disorder. Bệnh HOC hay bệnh anh hùng đáng sợ hơn tất cả các chứng bệnh khác. Người bị các bệnh khác, bao giờ cũng mong được chữa khỏi, và chịu khó chữa trị. Trái lại, người mắc bệnh anh hùng luôn tự hào về căn bệnh của mình, nên không thể chữa”.

Đến đây theo ý tôi, đã bỏ ra nhiều công sức để tìm ra căn bệnh , ông Đ.T.Thức chưa thử một phương pháp chữa trị nào đã đầu hàng, tuyên bố không thể chữa, thì hơi vội vàng và uổng quá. Việt Nam, nói rõ hơn là Đảng CSVN, bộ máy cầm quyền Hà Nội không những chỉ mắc bệnh anh hùng, mà còn nhiều căn bệnh khác như bệnh hoang tưởng, bệnh thành tích, bệnh quan liêu, bệnh tham nhũng, bệnh xảo trá, bệnh tàn ác, bệnh phản trắc, bệnh tham quyền, bệnh ăn bẩn, bệnh buôn dân bán nước và còn cả trăm thứ bệnh khác nữa. Bệnh nào cũng hiểm nghèo đến độ thập tử nhất sinh cả. Còn nước còn tát, bệnh anh hùng dù sao cũng vẫn còn cơ hội. Tôi không có tài Hoa Đà Biển Thước, cũng chẳng có chút kiến thức nào về y học cả đông lẫn tây, tuy thế vẫn xin tiếp sức góp với ông một vài ý mọn: bệnh nào cũng có nguyên nhân gây ra nó, sao ta không lần mò thử tìm ra vài cái, mình không biết chữa thì cũng có ai đó, bệnh quỷ có thuốc tiên; nếu không trị dứt căn bệnh, ít ra cũng thuyên giảm đôi ba phần, cũng may mắn cho dân tộc mình vậy. Xin thử đưa ra vài nguyên nhân gây bệnh anh hùng:

1/- Sự thiếu tri thức của CSVN

Đảng CSVN dùng chủ nghĩa Mác- Lenine làm kim chỉ nam đểgiành độc quyền lãnh đạo dân tộc Việt Nam.

Chủ nghĩa này có phương pháp tư duy rất răc rối, biện chứng mù mờ khó hiểu. Điều này ta thấy rõ ràng trong những bài phát biểu góp ý của cựu thủ tứớng VN Võ Văn Kiệt vừa qua. Ngay như ông Hoàng Minh Chính, một cựu viện trưởng viện Triết học Mác- Lê Hà Nội, có thể gọi là nhà nghiên cứu lý luận lỗi lạc nhất cuả VN về chủ nghĩa này cũng thấy nó sai trái và hoang tưởng, thì với trình độ kiến thức thấp kém của Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo đương quyền Hà Nội, làm sao có thể hiểu và lý giải để mà áp dụng cho đúng? Lúc cái chủ nghĩa này còn trên đỉnh cao thì còn chỗ dựa, khi nó sụp đổ vào đầu thập niên 90 thì đảng và nhà nước khủng hoảng thực sự, không biết lý giải ra sao. Thế là đảng tạo ra cái áo vạn năng anh hùng , tô vẽ thêm cái tư tưởng Hồ Chí Minh cho có vẻ lộng lẫy, rồi khóác lên cho bất cứ gì đảng muốn cho nó thành anh hùng: chủ nghĩa anh hùng, đất nước anh hùng, lãnh tụ anh hùng,nhân dân anh hùng, quân đội anh hùng; cái gì cũng anh hùng được: bay ké vào không gian thì là anh hùng vũ trụ, gánh phân giỏi gấp 3 người khác thì là anh hùng lao động. Khoác áo anh hùng rồi thì khỏi cần giải thích. Không ai được phép nghi ngờ thắc mắc. Thế giới vứt bỏ chủ nghĩa Mác – Lê thì kệ họ, đảng, nhà nước ta cứ dùng, vì nó là chủ nghĩa cách mạng anh hùng, Đảng anh hùng nên đảng phải độc quyền lãnh đạo, lãnh tụ có sai lầm hay phạm tội, vẫn cứ lãnh đạo vì lãnh tụ anh hùng… Điệp khúc anh hùng cứ thế mà lập lại. Không thể giải thích bằng lý luận, thì diễn giải bằng anh hùng. Nguyên nhân này gọi là: bế tắc trong nhận thức, mặc áo khoác anh hùng.

2/- Mặc cảm hèn kém, thất bại

Trên bình diện quôc gia, Việt Nam có mặc cảm là một nước tương đối nhỏ bé với thân phận nhược tiểu so sánh với những nước lớn như Nga ,Tàu, Mỹ…, thua kém về kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật so sánh với các nước lân bang. Trong quan hệ nội tại, giữa đất nước và con người, ngay cả trong sự đánh thắng miền Nam VN, đảng CSVN, nhà nước, quân đội, có thể nói cả người dân miền Bắc XHCNVN cũng đều có mặc cảm thua sút miền Nam về tất cả mọi mặt, ngoại trừ cuộc chiến. Đã thế, trong hoà bình, các nước ngang tầm thuỏ trước cứ qua mặt vù vù, biến thành rồng thành cọp, VN lại cứ loay hoay với mớ bòng bong kinh tế thị truờng, định hướng XHCN, hết chệch hướng, đến sửa sai, lại cởi trói rồi đổi mới. từ đổi mới không đổi màu, qua đổi màu không đổi ý (biến chất), mà đất nước thì cứ tả tơi, dân tộc thì vẫn cứ nghèo hèn. Không làm anh giàu, anh giỏi được thì ta làm anh hùng. Ta thấy rõ điều này qua bài diễn văn của Trần Đức Lương: Chúng ta tự hào về dân tộc ta, một dân tộc anh hùng. Truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân VN chính là những nhân tố cơ bản, cốt lõi làm nên sức mạnh vô địch của nhân dân VN trong thời đại mới. Đây gọi là hiện tượng thiếu tự tin nên tự kiêu. Đơn giản hơn: con ếch muốn to hơn con bò. Chúng ta còn nhớ , ít năm trước đây, trong một hội nghị cấp cao ASEAN, khi thủ tướng nước CHXHCN VN khoe với thủ tướng Thái Lan rằng: dân tôc VN rất anh hùng, vì đã đánh thắng những cuộc chiến vĩ đại nhất; vị thủ tướng Thái đã đáp lại rằng: dân tôc Thái cũng rất anh hùng, vì chúng tôi đã TRÁNH được những cuộc chiến ấy. Ra vẻ lãnh đạo Hà Nội không thấm thía được câu nói ấy. Đây có thể gọi là: tự ti quá, hóa tự tôn.

3/- Sự dối trá của chóp bu Hà Nội

Trong suốt quá trình hoạt động của đảng CSVN, kể từ khi thành lập đảng đến các giai đoạn cướp chính quyền, cai trị đất nước, đứng đầu là Hồ Chí Minh (HCM), họ luôn luôn dùng tất cả mọi thủ đoạn, từ khôn khéo đến đê hèn, để giành toàn quyền thống trị theo đường lối riêng của họ. Họ gọi là thủ thuật chính trị. HCM, con người đại bịp thế kỷ, đã tiêu diệt không những đối thủ, mà cả những đồng chí thân cận nhất của mình, tự đánh bóng mình ngay cả khi còn sống, lừa gạt nhân dân bằng những huyền thoại, cho đàn em tô vẽ để trở nên thần thánh. Tập đoàn lãnh đạo đàn em cũng đang bắt chước để kiến tạo cho bản thân cái phong cách đại anh hùng. Lùa dân lành đi vào những cuộc chiến tàn khốc với những anh hùng tưởng tượng kiểu Lê văn Tám , còn họ thì hèn nhát ở lại hậu phương an toàn để…lãnh đạo chỉ huy.

Nhân dân,những người không trực tiếp chiến đấu, thì được yêu cầu đóng góp hy sinh, chịu gian khổ cả vật chất lẫn tinh thần, qua nhiều thế hệ, hết đời cha, qua đời con đến đời cháu. Qua thời ly loạn, lại tiếp tục kêu gọi đồng bào yêu nước mạnh hơn nữa bằng sự lao động chết bỏ để xây dưng đất nước giàu đẹp, xã hội bình đẳng kiểu XHCN, riêng con cháu họ thì phải “vất vả lặn lội” đi… du học, du hí ở nước ngoài, sau này sẽ về “hy sinh” …lãnh đạo đất nước.

Dùng thủ đoạn khôn khéo để chiến thắng đối thủ của mình thì xưa nay, ở đâu, người ta vẫn làm. Dùng thủ đoạn đê tiện để tiêu diệt đối thủ, thì là phi nhân, nếu lại dùng nó để lừa gạt cả một dân tộc thì thật xấu hổ, một hành động đáng lên án. Để hỗ trợ cho những trò gian trá và hèn nhát đó, ngõ hầu che mắt nhân dân, không gì bằng cho dân đội mũ “anh hùng”: Đất nước anh hùng phải có nhân dân anh hùng. Đã anh hùng thì phải làm chuyện phi thường, phải chấp nhận gian khổ, phải hy sinh hạnh phúc, phải v.v. và v.v… Người người anh hùng, nhà nhà anh hùng. Anh hùng cần vượt lên mọi thời đại, anh hùng phải trải qua nhiều thế hệ. Đảng rất khiêm tốn, Đảng nhường bước cho nhân dân anh hùng trước, đảng sẽ đi sau. Ai không chịu làm anh hùng thì là phản động, Việt gian. Thật là một sự lạm phát anh hùng có chủ trương, có hệ thống. Đây gọi là: mũ anh hùng, đảng cấp phát, che hèn nhát, giấu lọc lừa..

4/- Mặc cảm tội lỗi của DCSVN đối với đất nước

Tội ác của đảng CSVN đối với dân tộc VN thì đã quá nhiều. Qua những chính sách Xô viết Nghệ Tĩnh, cải cách ruộng đất, cải tạo lao động, cải tạo công thương nghiệp, kinh tề mới, xua người ra biển…, các cuộc chiến tàn khốc giết hại nhiều triệu người chỉ vì mục đích xây dựng một xã hội XHCN đã là những tội diệt chủng khó che đậy.
Trong giai đoạn hiện tại, tạo quyền lực, dung dưỡng cho đám cán bộ đảng viên hoành hành nhũng nhiễu dân lành, phá hoại đất nước tan hoang đến tận đáy của xã hội loài người với 5 quốc nạn , 2 quốc nhục, quả là một sự kinh hoàng.
Nhưng cái mà đảng CSVN lo nhất là sợ nhân dân khám phá ra sự bán nước, nhượng đất nhượng biển cho ngoại bang để đánh đổi lấy sự giữ vững quyền thống trị. Nó là một vết nhơ lịch sử không thể nào rửa sạch. Nếu để lộ ra, không những bị thế giới chê cười khinh bỉ, nhân dân phỉ nhổ và chắc chắn sẽ không tha thứ, mà ngay cả các đảng viên CS còn đang trung thành cũng vì quá nhục nhã mà có những hành vi chống lại đảng, đặc biệt chống lại đám lãnh tụ vô liêm sỉ.

Để giảm bớt những căm hờn của dân lành, làm cho họ quên đi những tội lỗi đó, đồng thời ru ngủ để không biết đến cái trò bán nước cầu vinh của đảng CSVN, đảng dùng cái mẹo vặt tôn vinh đất nước VN,con người VN với cái ánh hào quang rực rỡ của vương miện “anh hùng”: Đấy nhé! ta đã tôn ngươi làm anh hùng rồi, vậy thì đừng chú tâm vào công việc của đảng nữa. Có nghĩa là: Che tội bán nước tay sai, đảng tôn cả nước lên ngai anh hùng.

Từ mấy nguyên nhân kể trên, bệnh anh hùng nảy sinh vài biến chứng:

- Biến chứng tự hào: Đây là biến chứng trong giai đoạn đầu, tuy ở trong giai đoạn đầu nhưng rất dai dẳng và khó chữa trị. Những người đã và đang từ từ nhận ra căn bệnh và mong muốn khỏi bệnh vẫn chưa thoát khỏi cái biến chứng này. Đây là trường hợp của những Dương Thu Hương, Tiêu Dao Bảo Cự…Lòng tự hào về quá khứ anh hùng còn đầy ắp trong họ, dù họ biết rõ cái đảng này đã ruỗng nát không thể cứu vãn.

- Biến chứng tự ru ngủ: xuất hiện ở giai đoạn giữa của bệnh. Con bệnh tự trấn an mình rằng: đường lối đảng vẫn đúng, XHCN vẫn đúng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn đúng, chỉ có một số lãnh đạo xấu xa, tha hoá nêm mới làm sai, hạ thấp nhân phẩm cách mạng thôi, Cứ thay thế bọn này đi là ổn thoả. Ta lại vững chắc tiến lê XHCN. Đất nước vẫn anh hùng, dân tộc vẫn anh hùng, chủ nghĩa vẫn anh hùng. Điển hình cho biến chứng tự ru này bao gồm Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Sơn, những “ nhà lão thành cách mạng”..., số đông các đảng viện không nắm giữ các chức vụ quan trọng. Cứu chữa kịp thời, giai đoạn này có hy vọng qua khỏi.

- Biến chứng tàn bạo: nằm ở thời kỳ cuối và rất nguy hiểm. Coi như không còn cách gì cứu chữa. Để kéo dài tình trạng hấp hối, con bện tỏ ra hung dữ, sử dụng bạo lực và tất cả mọi thủ đoạn để kiên quyết bám lấy sự sống và cũng chứng tỏ ta rất…anh hùng. Đây là giai đoạn tích luỹ sản nghiệp bằng bất cứ giá nào để chuẩn bị cho đời sống hậu…anh hùng. Con bệnh đang hấp hối nên khỏi cần bàn.

Trên đây là một số ý đóng góp nho nhỏ cho căn bệnh anh hùng của VN do “lương y” Đ.T.Thức chuẩn bệnh. Dù đồng ý rằng cách tốt nhất và mau nhất là giải thể đảng CSVN thì bệnh sẽ hết,. Tuy nhiên, thiển ý của tôi : những người như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Nguyễn Đan Quế, các bạn Phương Nam Đỗ Nam Hải, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, các chức sắc tôn giáo”: Hoà Thượng Thích Huyền Quang, Thích Qủang Độ, Lê Văn Liêm, Nguyễn H. Quang , Lê Văn Lý, Phan Văn Lợi…, các nhà đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước, ngay cả những người đang đòi hỏi công lý cho riêng bản thân mình như chị Phạm T. T. Thu đã đang là những phương thuốc nặng nhẹ khác nhau cho căn bệnh anh hùng VN.

Chúng ta chưa đến nỗi phải tuyệt vọng. Bài suy nghĩ góp ý này xin như một viên thuốc an thần nhỏ để con bệnh giữ vững tinh thần, trong khi chờ đợi có những phuơng pháp chữa trị nếu chưa thật hữu hiệu cũng phải từ từ thuyên giảm.

Anh hùng không phải là điều xấu, nhưng xin đừng để nó trở thành một căn bệnh. Đã biết bệnh thì nên đi chữa trị. Vì căn bệnh anh hùng mà nhân dân VN phải chịu đau khổ, mất mát quá nhiều, đất nước VN chịu nhục nhã ,tụt hậu quá lâu.

Đừng bắt dân tộc, đất nước làm anh hùng nữa. Hãy để cho VN là một đất nước bình thường, dân tộc bình thường trong một thế giới bình thường. Mong lắm thay!

Australia, 01/11/2005

Bài viết liên quan:
- Căn bệnh anh hùng,tác giả Đinh Từ Thức

No comments: