Về hoạt động của Phong Trào Dân chủ

Góp ý cùng anh Nguyễn Vũ Bình

Bài tham luận Tương lai nào cho phong trào dân chủ Việt Nam (PTDCVN)của anh Nguyễn Vũ Bình là một bài nhận định công phu và đầy tâm huyết. Thể theo lời đề nghị của anh ở phần kết luận cuối bài, người viết xin bàn thêm về một vài ý kiến cá nhân như một góp gió thành bão, đi vào chi tiết một hai khía cạnh mà tác giả đã nêu lên trong bài viết trên. Xin được đóng góp theo khả năng hiểu biết trong ba vấn đề: đường hướng rõ rệt cho tương lai của phong trào, sự đoàn kết tập hợp các lực lượng dân chủ và dự án giám sát sử dụng viện trợ nước ngoài.

Những đường hướng rõ rệt cho tương lai của PTDCVN.

1.- Ảnh hưởng lên giới bị trị

Như nhận định của bài trên, giới bị trị tại VN hiện nay dù bị đàn áp, bóc lột nhưng vẫn thờ ơ trong việc tham gia đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho chính mình vì họ không hiểu được tại sao cuộc sống của mình lại cực khổ như vậy. Khi chia xã hội VN hiện tại ra thành hai giai cấp: thống trị và bị trị, ta thấy rõ giới thống trị chính là đám lãnh đạo độc tài chuyên chính nắm giữ hết mọi uy quyền, tài sản và tiền bạc của dân tộc. Thành phần còn lại là giới bị trị bao gồm giới trí thức, còn gọi là lao động trí óc và lao động tay chân. Vì vậy, những tổ chức, phong trào và cả cá nhân đang đấu tranh cho dân chủ cũng cần nhớ rằng mình nằm trong giới bị trị, và sự dân thân đấu tranh, trước hết là cho chính bản thân, do đó cần có sự thông cảm và hoà đồng với các thành phần lao động tay chân để tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng thực tế của họ, cũng như thâu nhập thêm những dữ kiện và kinh nghiệm quý báu và thực tiễnđể hoạch định, biến hoá các phương pháp đấu tranh theo từng giai đoạn sao cho có hiệu quả hơn. Câu hỏi đặt ra là việc gây ảnh hưởng như thế nào để lôi cuốn được đa số quần chúng cho có phần hiệu quả?

Trở ngại lớn nhất cho một phong trào đấu tranh hoà bình bất bạo động là việc truyền thông bị bưng bít, tin tức không được phổ biến hay bị cắt xén, xuyên tạc. Trình độ kiến thức khái quát về quyền lợi và nghĩa vụ chân chính trong một đất nước có tự do dân chủ nhân quyền bị vo tròn bóp méo, giải thích vòng vo sai lạc cho hợp với các chính sách có lợi cho giới cầm quyền. Sư thật về việc điều hành đất nước một cách tồi tệ của lãnh đạo CSVN không đến được mọi tầng lớp nhân dân. Không biết thì không hiểu, không có đấu tranh đòi hỏi. Người dân bị bóc lột trấn áp, sống trong quằn quại mà chẳng biết nguyên do nên vẫn thờ ơ là lẽ đương nhiên.

Ngày nay, với thời đại tin học, thông tin truyền đi tận cùng thế giới chỉ bằng một cái nhấo chuột, sự bưng bít không còn hiệu nghiệm như xưa, nhưng người dân lao động với những khó khăn về trình độ học vấn, về sự thiếu ăn thiếu mặc,vẫn còn nhiều khó khăn trong việv tiếp cận và tận dụng các lợi ích của kỹ thuật truyền thông nhanh nhạy này. Ngay cả những người có trình độ học vấn cao với trở ngại tường lửa, việc kiểm soát hệ thống internet, gây khó khăn cấm đoán, phá hoại của giới cầm quyền thống trị bằng đủ mọi sách lược, thì việc tạo ảnh hưởng và bành trướng phong trào dân chủ đến quần chúng gặp muôn vàn khó khăn là lẽ dĩ nhiên. Để vượt qua trở ngại này,ngoài việc phổ biến rộng rãi các cách vượt tường lửa, người trong nước có thể sử dụng những phương tiện in ấn rất tiện lợi, rẻ tiền hiện nay, chúng ta in ra những mảnh thông tin nhỏ vắn tắt, đơn giản về quyền hạn của công nhân, công đoàn theo công ước quốc tế, quyền làm chủ tài sản của nhân dân,sự cần thiết về một xã hội bình đẳng và một ngành truyền thông độc lập là phương pháp chống tham nhũng kiến hiệu nhất, làm sao để đương đầu với những trấn áp bóc lột của quan chưc cầm quyền mà không bị quy kết vi phạm pháp luật. Nội dung bước đầu tiến đến quần chúng nói chung,nên thiên về xã hội và đời sống, tránh phần chính trị nhạy cảm làm lý do cho nhà cầm quyền CSVN chụp mũ quy tội để có cớ bắt bớ giam cầm.

Tìm ra đường lối tiếp cận trực tiếp an toàn với giới công nhân, nông dân, các dân oan và các phong trào các tín đồ tôn giáo hiện nay, gơị ý cho họ biết về những chính sách mâu thuẫn và đầy bất công của nhà cầm quyền, chẳng hạn nhân viên công chức nhà nước đảng viên nghỉ hưu không làm việc lãnh lương hưu 2,3 triệu mỗi tháng, trong khi công nhân làm việc đầu tắt mặt tối chỉ kiếm được 7 hay 8 trăm ngàn đến một triệu, một bất công thật vô lý: người đi làm đóng thuế nuôi người không làm việc, trong khi những người này lại lãnh lương cao hơn; những khoảng cách quá lớn về sự giàu nghèo trong xã hội VN, người chơi xe hàng triệu đô la, còn người nông dân cơm không đủ ăn: tiền của đó ở đâu mà có? Sự vô lý của việc tài sản chung của đất nước, ngân quỹ quốc gia vốn là sự đóng góp công sức, thuế má của toàn dân để chi trả cho một bộ máy cầm quyền có tới hai đầu não điều hành song song: đảng và nhà nước, vừa làm tiêu tốn gấp đôi kinh phí của đất nước, vừa làm chồng chéo, phức tạp gây khó khăn tốn kém công lao, tiền bạc, thời gian của nhân dân để cố đi qua nhiều cửa quyền của hai hệ thống, tạo ra quốc nạn tham nhũng hối lộ, làm kiệt quệ nền kinh tế quốc gia. Những lý lẽ đơn giản, đi thẳng vào đời sống sinh hoạt hàng ngày, những cấp thiết của người dân sẽ làm cho họ chú ý và tham gia nhiệt tâm vào phong trào dân chủ.

Việc cụ thể trước mắt là nghiên cứu những điều kiện khó khăn hạn chế trong nước để cứu giúp các anh chị em lãnh đạo thành lập Công Đoàn độc lập đang bị kết án, giam cầm một cách vô lý. Nếu có thể qua các luật sư đoàn trong và ngoài nước để tháo gỡ hay ít ra án tù được giảm bớt,các chi phí liên quan, người viết tin chắc chắn người Việt hải ngoại sẽ có những hỗ trợ cần thiết . Đây cũng là một vận động tốt vừa thúc đẩy cho sự phát triển của tổ chức Công Đoàn Độc Lập đến giới công nhân, vừa mang tiếng nói dân chủ đến với họ, cho họ biết rằng đòi hỏi những quyền lợi tối thiểu cho con người, , sự tự do ngôn luận, tự do thông tin và nhận thông tin, quyền bình đẳng, công lý là một trong những mục tiêu chính của dân chủ. Quảng bá cái tư tưởng: mình vì mọi người, mọi người vì mình. Mọi người, mỗi người đều phải góp phần tham gia nếu mong muốn cho tương lai của cá nhân, gia đình mình được vươn lên khá hơn. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, sự khủng hoảng kinh tế tại VN đang trở nên hiện thực với sự lạm phát phi mã đang làm giới công nhân với đồng lương cố định điêu đứng. Đối với những hiện tượng xã hội khác, phong trào dân oan khiếu kiện, các tôn giáo cầu nguyện đòi tự do tôn giáo, đòi lại tài sản nhà đất bị tịch thu hay mua bán trái pháp luật, thì việc vận động cho dân chủ cũng rất quan trọng, mặc dù ở trong trạng thái tế nhị hơn.

Phong trào dân chủ có thể giúp đỡ quần chúng trong các cách thức thảo đơn và cách tiếp xúc với những nhân vật, cơ quan của nhà cầm quyền có trách nhiệm trực tiếp đến vấn đề của họ, giúp người có cùng nỗi khổ đoàn kết thành nhóm để tạo áp lực mạnh hơn đến những kẻ có trách nhiệm, bắt họ phải phải giải quyết không né tránh, đổ thừa hoặc trì hoãn để vô hiệu hoá; giúp cơ hội gặp gỡ trao đổi để tạo thành những nhóm đấu tranh đòi hỏi lớn để việc bị đàn áp khó xảy ra hơn. Đồng thời, hướng dẫn tập thể từ từ đi đến một hướng đòi hỏi giải quyết sâu xa hơn, đến tận gốc rễ của vấn đề là do chính sách độc tài toàn trị của nhà cầm quyền nên mới nảy sinh những bất công xã hội ảnh hưởng đến người dân, chứ không chỉ tập trung trong việc đòi hỏi một ít quyền lợi cá nhân hay của một tập thể, một tôn giáo, chẳng hạn một khu đất, một mảnh ruộng hay một bất động sản.

2.- Ảnh hưởng lên giới học thức sinh viên.

Giới sinh viên trí thức là rường cột của quốc gia và là những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước. Họ càng tham gia đông đảo vào những vấn đề của dân tộc thì đất nước càng tiến triển mạnh. Rất tiếc, hiện nay, số người trẻ thực sự có suy tư về hiện tình đất nước còn ít. Sự việc biểu tình tự phát của sinh viên tại 2 thành phố lớn và hội nghị các luật gia tại Sài Gòn biểu quyết chống Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Hoàng Sa Trường Sa của VN là những minh chứng rõ rết về nhiệt tâm yêu nước của sinh viên trí thức. Tuy nhiên vẫn còn lưa thưa đơn lẻ, tự phát, chỉ đánh động được tâm huyết của họ vì có sự đụng chạm đến yếu tố chủ quyền quốc gia và lòng tự ái dân tộc.

PTDCVN cần thúc đẩy giới trí thức trẻ hăng hái tham dự vào những mục tiêu đi xa hơn, mang tính đại đồng , vượt khỏi biên giới dân tộc để chú tâm đến tính xã hội của nhân loại, không thờ ơ trước những đau khổ của người khác. Thuộc thành phần học thức, có trình độ lý luận, chắc chắn họ sẽ dễ dàng phân biệt bề mặt bề trái, đâu là chân lý ,đâu là lừa bịp mị dân. Hãy hình dung,nếu chỉ cần 5% trong số hàng chục ngàn người trong ngành truyền thông báo chí đang phục vụ cho trên 600 tờ báo và hàng trăm các hệ thống truyền thanh truyền hình của VN sẵn sàng nói lên tiếng nói trung thực, phản ảnh những uất nghẹn của nhân dân, đừng về phía những người bị trị, thì bức tường bưng bít thông tin sẽ sụp đổ từng mảng ra sao và tiếng nói dân chủ sẽ bay cao và vang xa biết chừng nào?

3.- Ảnh hưởng lên cả giới thống trị.

Lực lượng thống trị tại VN hiện nay bao gồm giới cầm quyền lãnh đạo chính trị các cấp, lực lượng quân đội, bộ máy công an vũ trang và các đảng viên CSVN. Chắc chắn trong hàng ngũ đông đảo của họ không thể không có những người còn lương tâm, có suy tư trăn trở với những vấn nạn hiện nay của đất nước , biết đau nỗi đau của người dân thấp cổ bé miệng. Trở lực là họ đang nằm trong một hệ thống vận hành một chiều quá khắc nghiệt, dưới sự kiểm soát chặt chẽ khó lòng thoát ra. Đồng thời những bổng lộc có được nhờ lòng trung thành với đảng, với chế độ quá hậu hĩ, chưa kể đến khả năng bị nghiền nát khi đơn độc quay đầu chống lại chế độ toàn trị,vì sự tiếc nuối một ảo tưởng hào quang của một quá khứ đối với họ còn quá oai hùng,trong khi sự thật cứ đang từ từ phơi bày thì lại đảo ngược rất ê chề cay đắng.Tuy thế với sự nhạy bén của thời đại tin học và sự hội nhập toàn cầu của VN, việc thoát ra khỏi cỗ máy ghê gớm đó đã trở thành khả thi, miễn là con người chịu chấp nhận quay về với lẽ phải.

Bản thân anh Nguyễn Vũ Bình, anh Phạm Hồng Sơn cùng những nhà dân chủ miền Bắc khác đang xuất hiện ngày càng nhiều là những minh chứng hiển nhiên, gồm có đủ thành phần từ nhà văn, nhà báo, trí thức luật gia đến các cựu lãnh đạo, tướng tá trong quân đội và cả trong ngành công an cảnh sát. Khi PT DCVN nối kết được thêm nhiều hơn nữa, giả thiết có trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN đương nhiệm, việc xuất hiện một nhân vật tầm cỡ như ông Gorbarchev làm đòn xoay chế độ là điều có thể xảy ra. Vả lại, ngay cả khi không có chuyện đó, PT DCVN cũng có thể vạch ra cho nhân dân và chính giới thống trị nhìn thấy những sai trái trong việc độc tài toàn trị đất nước của họ, phân tích cho họ về những ảnh hưởng nguy hại cho dân tộc từ tầm gần đến tầm xa do các phương pháp quản lý điều hành tồi tệ của họ, với một chút lương tâm con người, hoặc một sự lo sợ khi nghĩ đến những hậu quả sau này xảy đến cho chính bản thân, họ sẽ ngưng lại hoặc bàn tay bớt đi sự tàn bạo trong việc trấn áp bóc lột nhân dân. Nhờ thế, PT DCVN có cơ hội dễ dàng hoạt động và phát triển mau chóng.

Nói tóm tắt, khi nhà cầm quyền CSVN nhất quyết nắm chặt ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp lại muốn khống chế luôn cả đệ tứ quyền (báo chí độc lập với nhà nước) thì hướng đi cần thiết của PT DCVN là từng bước phải lấy lại quyền này bằng việc cố gây ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần giai cấp, kể cả những người trong giai cấo thống trị. Đó là phương cách hoà bình hiệu quả nhất để đấu tranh cho dân chủ, tự do và công lý, phương tiện hữu hiệu nhất đễ người dân tiếp cận và thấu hiểu về dân chủ. Hiện nay, tại Sài Gòn đã có một Câu lạc bộ các nhà báo độc lập đã thành hình, với phương tiện chính yếu là trao đổi giao lưu trên các blog cá nhân, nơi nhà nước CSVN chưa kiểm soát được. Hy vọng chúng ta sẽ hỗ trợ mạnh mẽ để nhóm CLB này phát triển mạnh mẽ đến nhiều nhóm khác và có thể ảnh hưởng tới những phương tiện truyền thông khác, sẽ chọc thủng bức tường bưng bít thông tin của nhà cầm quyền. Từ đó, thông tin sẽ là nguồn mang sự thật ra ánh sáng. Không ai chối bỏ được sự thật. Sự thật sẽ quét đi bóng tối của dối trá lừa bịp. Sự thật sẽ mang đến các quyền tự do, dân chủ ,bình đẳng và công lý đến người dân.

Sự đoàn kết các lực lượng dân chủ trong và ngoài nước.

Làm sao để có sự đoàn kết tạo sức mạnh? Đây là một nan đề không dễ gì giải quyết. Trước hết , phải nói rõ sự phân tán lực lượng này đến từ những khác biệt về tư tưởng, lối suy luận, hành động và cũng từ những khoảng cách địa lý chứ không hẳn là do những chia rẽ sâu sắc về mục tiêu đưa đến hậu quả đối đầu hay thù nghịch. Dân chủ cho VN là mục tiêu chung.

Không như một thể chế độc tài toàn trị, khái niệm dân chủ tự nó đã bao gồm một sự kết hợp lỏng lẻo. Nếu chặt chẽ quá thì dân chủ sẽ mất đi ý nghĩa. Do vậy, sự lỏng lẻo trong kết hợp của PT DCVN có những ưu khuyết điểm của nó. Những điểm yếu, anh Nguyễn Vũ Bình đã nói đến trong bài viết, mà điểu đáng nói là sự làm trì trệ tiến trình dân chủ hoá đất nước. Ở đây sẽ không nhắc lại nữa.

Nói về ưu điểm, sự thiếu thống nhất các lực lượng dân chủ thành một tổng hợp lại là một trong những nét đẹp của dân chủ, một trong các yếu tố then chốt tạo nên dân chủ, như một vườn hoa có đủ loại sắc màu. Tự do trong tư tưởng không thể bắt buộc mọi người có cùng lối suy nghĩ cho cùng một sự việc. Nó không tạo được sức mạnh nhất thời, nhưng tránh được hiểm hoạ quay trở lại sự độc tài như ta đang chứng kiến tại Nga và một số nước Đông Âu cũ . Nhìn vào các nền dân chủ ổn định trên thế giới, ta thấy họ có hàng trăm hệ phái lực lượng chính trị khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau nhưng xã hội vẫn hài hoà, kinh tế vẫn phát triển và dân chủ vẫn thăng hoa. Sự việc trăm hoa đua nở khác nhau, có khi đi ra ngoài hệ chính thống, trong tất cả mọi lãnh vực, đặc biệt trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật còn dẫn đến những ý tuởng mới lạ, những phát minh thần kỳ. Lãnh vực chính trị cũng không ở ngoài quy luật.Người Việt hiện đang cư ngụ tại hầu hết những quốc gia có nền dân chủ tốt đẹp nhất, tuy vậy lại rất đa dạng. Như thế, hãy để cho mọi người cùng có cơ hội đóng góp kinh nghiệm của họ vào PT DCVN. Tự do là nền tảng của dân chủ, đặc biệt, tự do tư tưởng và phát biểu. Có được nền tảng vững chắc, căn nhà dân chủ mới bền vững.

Mặt khác, việc kết hợp dân chủ ở trong nước, ngoài nước và giữa trong và ngoài cũng rất khó khăn. Trong nước thì bị giới thống trị cấm cản, ngoài nước với tình hình trải mỏng toàn cầu quá rộng lớn, cộng thêm những chi phối bị gò bó trong các hệ thống chính trị, văn hoá, xã hội, truyền thống địa phương khác biệt gây trở ngại trên hình thức cho việc kết hợp. Rồi, cả trong và ngoài nước đều có dị biệt giữa những cá nhân, những tổ chức. Tập thể người Việt hải ngoại có rất nhiều hội đoàn, đoàn thể, tổ chức, tuy cùng chung một danh nghĩa người Việt tự do hoặc tỵ nạn CS, nhưng đa số thiên về các hoạt động xã hội mang tính chất phục vụ địa phương, hoặc hướng về VN với tính cách chuyên ngành, nhân đạo, tương trợ. Họ vẫn tham dự vào các hoạt động chính trị như biểu tình, hội họp, ủng hộ dân chủ… nhưng thường chỉ nhất thời, đột xuất. theo từng vụ. Những tổ chức còn lại chuyên chú tâm vào việc đấu tranh dân chủ cho VN lại đủ mọi khuynh hướng. Có thể nêu ra một vài khuynh hướng chính:

- Khuynh hướng triệt để không khoan nhượng với chủ trương CS chỉ có thể thay thế, không thể thay đổi. Do đó muốn có dân chủ phải giải thể chế độ CS (bằng phương pháp bất bạo động).

- Khuynh hướng ôn hoà: chấp nhận đảng CS là một thực thể chính trị trong sinh hoat chính trị đa đảng. Đòi hỏi dân chủ theo tiến trình bước đi từng bước.

- Khuynh hướng dưạ vào quốc tế, đặc biệt Hoa Kỳ và Tây Âu làm áp lực với CSVN để đòi thực thi dân chủ.

- Khuynh hướng coi lực lượng người Việt (cả trong và ngoài) là yếu tố áp lực chính, vận động quốc tế chỉ phụ lực.

- Khuynh hướng kiến tạo một cơ quan đầu não mà người dân trong nước và quốc tế nể trọng và uy tín để làm áp lực đối thoại về dân chủ với nhà cầm quyền CSVN.

- Khuynh hướng lấy quần chúng trong nước là sức mạnh chính, hài ngoại chỉ nên giữ vai trò hỗ trơ…

Như vậy, ta thấy một sự đoàn kết tập họp lực lượng rất khó thực hiện. Nhưng điều này
không nên là một thất vọng. PT DCVN vẫn có thể phối hợp cùng nhau hoạt động cho mục tiêu chung, sát cánh nhau trong những phương cách cùng chia sẻ, chấp nhận những đối sách khác biệt là nhiều mặt trận, nhiều con đường, ít nhiều đều có hiệu quả.

Đến đây, người viết không thể không nhắc đến khối 8406, một phong trào liên hiệp các tổ chức trong và ngoài nước dã được thành lập và có tiếng vang rất xa trong cộng đồng quốc tế. Người viết tin rằng dù trong năm qua, đã bị đánh phá trù dập khá nặng, tiếng nói của khối có trầmxuống, nhưng lực lượng vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta chỉ cần tiếp tục tham gia,hỗ trợ và gầy dựng cho nó chỗi dậy mạnh mẽ , thế lực và nổi bật hơn.

Về dự án giám sát sử dụng viện trợ nước ngoài.

Viện trợ nước ngoài cam kết trong năm 2007 đạt trên 5 tỷ đô la, đầu tư ngoai quốc trên 20 tỷ, coi như gấp 4 lần. Trong số trên 5 tỷ viện trợ đó, chỉ một số nhỏ thuộc loại viện trợ không hoàn lại bao gồm các viện trợ về nhân đạo, y tế , các chương trình tu nghiệp học bổng có từ chính phủ các nước cấp viện. Đa số còn lại là nguồn tiền được cho vay với tỷ lệ phân lời thấp từ các tổ chức quồc tế như Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (WB), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu…với mục đích phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở, giúp xoá đói giảm nghèo cho VN. Dự án anh Bình đưa ra với mục đích giám sát nhằm chống thất thoát, trên nguyên tắc, rất hữu lý, vì cả trong và ngòai nước hiện nay, ai ai cũng biết đến vấn nạn tham nhũng trầm trọng, đã đục khoét khổng lồ vào ngân quỹ quốc gia, đặc biệt các nguồn tiền từ viện trợ nước ngoài qua các vụ án động trời ở trong mọi công trình dự án. Các tin tức được đăng tải tràn ngập trên báo chí trong nước, mặc dù đã được nhà nước bưng bít, kiểm duyệt trước khi đăng tải. Thế nhưng làm sao để thực hiện việc giám sát? Thông thường, để được viện trợ, một dự án cần được lên kế hoạch rõ ràng, chi tiết và khả thi. Các cơ quan viện trợ hẵn đã nghiên cứu nắm được dự án một cách tổng quát và đã phải có kế hoạch giám sát trong giai đoạn thi công, nhưng rồi họ cũng không làm được gì khi nhà nước CSVN , bề ngoài làm ra vẻ chống tham nhũng kiên quyết, mặt trong lại bao che, có khi chủ động để chia chác, hoặc giả không đủ uy quyền để ngăn chặn đám đàn em bất trị theo kiểu”trên bảo dưới không nghe”.

Trong khi đó, với dự án giám sát chống thất thoát này, chúng ta không thể có được những tài liệu, dữ kiện trong tay để thực thi việc kiểm tra, cũng không thể đòi hỏi chính quyền các nước phải công khai thông báo những dự án viện trợ đó cho công chúng trước khi nó được triển khai. Chỉ trừ trường hợp hy hữu, khi có được người Việt nằm trong ủy ban xét duyệt viện trợ, chúng ta mới có chút hy vọng áp đặt được sự giám sát. Ngoài ra, các đề nghị công khai để công luận giám sát sẽ bị các nước cấp viện từ chối với nhiều lý do. Chắc chắn nhà nước CSVN cũng không chấp nhận chuyện bị giám sát bởi một hệ thống ngoài đảng, ngoài chính phủ.. Có bị áp chế phải chấp nhận thì với kinh nghiệm lừa lọc bao nhiêu năm, đám lãnh đạo dư sức vẽ bùa,làm trò ảo thuật để qua mặt dễ dàng. Xem như vụ án PMU18 là một bằng chứng, Bùi Tiến Dũng và đồng bọn đã làm ăn vi phạm trắng trợn đến nỗi nhà nước không che chở nổi phải đưa vào tù, vụ việc tham nhũng trắng trợn, rành rành trước mắt nhưng Ngân Hàng Thế Giới, tổ chức viện trợ đi điều tra trên giấy tờ lại không tìm thấy dấu hiệu sai sót nào?

Dù sao, cũng phải công nhận giải pháp của anh Nguyễn Vũ Bình cũng môt phần khả thi, với điều kiện quý vị quan tâm đến dân chủ VN tại hải ngoại đang có ảnh hưởng đáng kể đến tổ chức các quốc gia viện trợ cho VN lên tiếng đòi hỏi quyền giám sát đúng đắn này, vận động hành lang và phản ảnh lên những giới chức có thẩm quyền quốc tế để áp lực họ thẩm định lại và đề nghị các cơ quan, tổ chức cấp viện phải có biện pháp.

Đến đây, người viết xin có một đề nghị nhỏ bên ngoài dự án giám sát. Chúng ta thấy luồng đầu tư nước ngoài đổ vào VN trong năm nay là trên 20 tỷ và mỗi năm mỗi cao hơn. Lương vốn đầu tư to tát này gồm từ các công ty tư nhân ngoại bao gồm rất nhiều đại công ty thế giới như Intel, GM… điều hành như một công ty mẹ, thuê mướn và hầu như có ảnh hưởng lên các công ty vừa và nhỏ khác. Mục đích của giới đầu tư là khai thác các nguồn sản xuất có chi phí rẻ để kiếm càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Do đó , khi đi vào thị trường VN,họ biết cách cấu kết mua chuộc các giới cầm quyền VN từ trung ương đến địa phương để tha hồ bóc lột sức lao động rẻ mạt của người dân VN, lợi dụng luật lệ an toàn vệ sinh lỏng lẻo, bất cập của VN để xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường đất đai sông suối, nguy hiểm đến đời sống, sinh hoạt của dân chúng, ỷ thế tiền bạc sẵn trong tay và lợi dụng việc đất đai rẻ mạt tại VN những năm trước đây, mua bán chiếm đoạt bất động sản gây rối loạn thị trường nhà đất VN. Có lẽ chúng ta phải làm sao ngăn chặn những tệ hại trên, không những nó đang tác hại đến thế hệ chúng ta đang sống, mà còn gây ảnh hưởng nặng nề đến những thế hệ sau.

Chúng ta phải làm gì? Chắc chắn chúng ta không thể đòi giám sát nguồn đầu tư đó. Nhà nước VN thì đã bị mua chuộc, trở thành một công cụ cho đám tư bản. Vậy thì chúng ta sẽ làm những gì trong phạm vi có thể làm được. Với tình hình lạm phát phi mã hiện nay, nhân dân VN hầu như mọi giới, từ công nhân, nông dân đến người dân bình thường đều chịu ảnh hưởng nặng nề, do đó việc vận động mọi người cộng tác trong đề nghị này có thể khả thi: lập một ủy ban lưu trữ, thí dụ Uỷ Ban Thu Thập Dữ Kiện. Công việc chính là loan truyền đến khắp nơi, đặc biệt thành phần công nhân, mỗi cá nhân cố dùng mọi phương tiện sẵn có để thu thập tất cả mọi tài liệu, giấy tờ, công văn, thư từ, phim ảnh của các công ty xí nghiệp, kể cả cơ quan công quyền về những vấn đề liên quan tới sinh hoạt, đàn áp bóc lột, ảnh hưởng tới công việc, sức khoẻ, an toàn cho đời sống cá nhân, gia đình, tập thể mà mỗi người thấy đó là điều bất công , sai trái, vi phạm luật pháp hay việc thi hành trái với khế ước, gây nguy hại cho con người, tài sản và xã hội của dân tộc VN. Từ đó, cố gắng sao chép, in ấn thành nhiều bản, lưu trữ trên hồ sơ, trên những đĩa mềm, đĩa cứng, ổ USB …, gửi ra ngay bên ngoài nhờ lên tiếng công khai khi có điều kiện. Nếu không giải quyết được ngay được vấn đề thì đó vẫn là những dữ liệu bằng chứng quý giá cho chúng ta sau này, đặc biệt trong các vụ tố tụng. Nhiều năm sau, chúng ta vẫn có thể dùng chúng đễ luận tội, đòi hỏi, thương lượng, trả giá cho những hậu quả , mất mát,chuyện đòi bồi thường, những món nợ bất công…mà CSVN hiện tại đang ký kết vay mượn và tiêu xài hoang phí, những thiệt hại về nhân mạng, tài sản, môi trường bị tàn phá vì những đường lối, dự án kinh doanh bừa bãi, vô trách nhiệm. Chúng ta cần làm, mặt khác, để cho họ biết rằng chúng ta hiểu rõ pháp luật quốc tế, và họ không thể trốn chạy trách nhiệm cả hiện tại và trong tương lai, cho dù chế độ CS hiện nay có còn hay sụp đổ, cho dù họ còn hoạt động hay không trên đất VN.

Việc thu thập dữ kiện là những bằng chứng không thể chối cãi cho những hành vi đàn áp bóc lột, hành hạ ngang ngược, huỷ hoại môi sinh bất chấp hậu quả của họ. Họ sẽ phải trả giá đắt nếu như bây giờ không chịu ngưng lại. Những tài liệu, hình ảnh đưa ra được bên ngoài cần được hải ngoại tiếp tay làm áp lực ngay tại trung tâm đầu não của các đại công ty và chính quyền các nước. Những công ty này sẽ phải giải quyết nếu không muốn vì tai tiếng, hàng hoá bị tẩy chay, công ty có nguy cơ bị kiện cáo trước toà thậm chí dẫn đến sự sụp đổ.

Nếu được như vậy thì công việc nhỏ bé này có thể có tác dụng ngay lên đời sống nhân dân. Cái cảnh các viên chức cầm quyền và lực lượng công an ỷ quyền trấn áp nhân dân trong các cuôc đình công, biểu tình khiếu kiện có hy vọng giảm bớt. Khi mọi người cùng làm thỉ họ phải biết sợ. Công việc của uỷ ban cũng chỉ là phổ biến, hướng dẫn người dân cách thức thu thập, sao chép và lưu giữ sao cho có hệ thống và hiệu quả. Tóm lại, hãy cho giới thống trị và thế giới biết rõ ai thực sự là chủ nhân của đất nước này.

Cuối cùng, nhìn qua biến chuyển của các nước lận cận, Thái Lan vừa có một chính quyền dân cử, Miến Điện phải chấp nhận một cuộc bầu cử đa đảng vào năm 2010, mặc dù cánh chính phủ quân phiệt vẫn tìm cách sửa đổi hiến pháp để loại nhà đối lập hàng đầu Aung San Suu Kyi ra khỏi chính trường, người viết vẫn tin rằng con đường dân chủ tại đây đang thắng thế, do đó vẫn bảo lưu ý kiến của mình từ bài viết trước đây Việt Nam nhìn qua biến động Miến Điện rằng PT DCVN đang cần một khuôn mặt tiêu biểu ở ngay trong nước để làm đối trọng với nhà cầm quyền CS, đồng thời đủ uy tín để có sự hỗ trợ mạnh mẽ của dư luận quôc tế , tránh việc bị đàn áp thẳng tay hoặc tệ hơn, bị đám lãnh đạo dùng những thủ đoạn dàn cảnh hèn hạ, bẩn thỉu và tàn độc để thủ tiêu.

Khối 8406 đã là một điểm tựa vững chắc và có tiếng vang. Các nhà dân chủ trong nước có thể đặt các vị tu hành có thành tích đấu tranh dân chủ kiên cường và đang bị giam cầm, quản thúc vào vị trí cố vấn tối cao, nhờ đó, sẽ có sự hậu thuẫn của quần chúng các tôn giáo. Điều cần thiết lúc này là việc lựa chọn một nhân vật uy tín cho biểu tượng chính trị, một nhà chíng trị chuyên nghiệp. Các vị như Nguyễn Đan Quế, Phạm Hồng Sơn, Đỗ Nam Hải, cá nhân anh Nguyễn Vũ Bình và cả anh bạn trẻ Nguyễn Tiến Trung đều là những nhân vật sáng giá, theo ý người viết, có thể hợp tác làm nên khuôn mặt dân chủ điển hình ấy. Xin có lời thứ lỗi vì còn rất nhiều nhân vật khác mà người viết chưa được biết tới. Cám ơn anh Nguyễn Vũ Bình về bài viết. Cám ơn quý vị đã cố công theo dõi những đóng góp thô thiển nhưng chân thật này. Xin quý vị có quan tâm cùng đóng góp thêm ý kiến.

Australia 14/03/2008
Phương Duy

No comments: