Chí phèo thời đại (chương 7)

Chương 7 - Những kẻ hai mặt

Một thời gian sau ngày bỏ rơi Lý Cường ra đi, nhận chịu những lời ong tiếng ve, khi thì thầm ,lúc bộc trực, chế giễu một kẻ hèn nhát, bạc tình ,gã Bạch công tử mới cảm thấy quê mặt. Lâu nay vẫn được tiếng là con người nghĩa hiệp, ra đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Tính gã nghĩa hiệp cũng phải, bởi xuất thân là một kẻ chăn bò, ăn ngủ sinh hoạt giữa những thảo nguyên mênh mông, bên trời cao giò lộng, thành thử tính tình cũng trở nên khoáng đạt.. Gã chăn bò giữa trời cao đất rộng cũng thấy lòng phơi phới rộng mở.. Nhờ trời phù hộ, gã thành công nhanh chóng và trở thành người giàu có. Sau này, thêm chiếm trọn khối gia tài của gã Hắc công tử với trận đấu’ đốt tiền luộc trứng ‘vô tiền khoáng hậu, tài sản gã tăng thêm gấp đôi..Bội ước với lý Cường, uy tín gã đang cao ngất trời bỗng xuống thấp trầm trọng vì mấy lời cố vấn của tên Cát Sanh tóc hoe. Láng giềng khinh rẻ, bạn bè cười nhạo chê gã là người tráo trở, thay bạn như thay áo, lời hứa hão huyền như gió thổi mây bay..Riêng kẻ thù nhìn gã bằng nửa con mắt, gọi gã là tên anh hùng dỏm, con cọp giấy, ngựa không vó,chó không nanh.. Gã ức lắm , nhưng há miệng mắc quai, chẳng nói gì được. Lý Cường là bạn ngang hàng hay là một gã đàn em? Dù bạn hay là đàn em thì bỏ rơi lý Cường trong cơn hoạn nạn cũng trái với tinh thần nghiã hiệp, một thời từng được coi là phương cách sống của gã.
Một phần cũng tại lũ vợ con , gia nhân nông nổi và nhát gan của gã. Bị chê trách, gã Bạch quay về cằn nhằn với bà vợ:
- Chỉ tại mụ mà ta thành kẻ hèn nhát, môt gã thất hứa trước mắt thiên hạ. Bây giờ có còn ai coi
nhà mình ra gì nữa?
Vợ gã lại tức khí chống chế:
- Đúng là cái miệng đàn ông. Bao nhiêu việc nhờ một tay gái già này mà nên cửa nên nhà , chả thấy được một lời khen. Giờ chỉ sơ sẩy một tý thì ông đổ tại lỗi này lỗi kia. Tôi là lền bà con gái, ông biết chứ? Đàn bà, đái không cao quá ngọn cỏ, tầm mắt thấp,chỉ nhìn những việc nhỏ, làm sao lo việc lớn. Nói cho cùng, đàn bà chỉ lo việc nhà việc cửa việc con việc cái, đấu óc thấp như vịt, chỉ thấy những việc trước mắt thôi. Tôi thấy tốn công tốn của, tốn cả máu xương của con cháu mình mà không được ích gì thì tôi bảo ông bỏ nó đi. Có thế thôi, tôi lo việc nhà chứ hơi đâu nghĩ đến chuyện bao đồng. Mà ai cười thì đã sao? MÌnh đã mất đi sợi lông chân nào mà sợ? Hơn nữa, phần cũng tại gia đình nhà lý Cường, hắn ỷ lại quá. Phải chi hắn biết đôn đốc bảo ban dân làng đừng dại dột nghe lời gièm pha của bọn cướp mà biết đoàn kết với nhau chống lại bọn chúng thì đâu đến nỗi.Nói đến đây, tôi lại nhớ đến cuốn phim cao bồi Bảy tay Súng oai hùng ( The Magnificent Seven ). Mấy tay này biết huy động cả làng ra đặt kế hoạch tự bảo vệ, nhờ đó họ diệt được đám cướp hung bạo.. Đáng lẽ ông nên mang phim này đi chiếu cho nhà lý Cường và cả Vũ Đại coi để họ noi gương học hỏi mới phải.
- Đúng là đầu óc đàn bà. – Gã Bạch nghe vợ lý luận cũng phải bật cười – Còn thanh danh thể diện
của nhà nữa chứ! Mình là dân làm ăn buôn bán cần cái uy tín làm đầu, mà hiện cái uy tín ấy đang hạ giảm thì công việc của mình cũng ảnh hưởng nặng nề lắm chứ chẳng chơi.
Đã vậy, tin tức xa gần cứ liên tục loan truyền về những gian khổ tủi nhục của một số bà con thân thuộc nhà Lý Cường đang phải gánh chịu khi họ chạy lánh nạn tán loạn ở mấy làng lân cận. Họ chẳng còn gì ngoài đôi bàn tay trắng. Cũng may, bà vợ gã Bạch là người thiển cận nhưng có nhiều từ tâm. Mụ thấy họ khốn khổ thì động lòng trắc ẩn. Mụ bàn với chồng dang rộng vòng tay cứu giúp một số người, cho họ vào nhà tá túc đùm bọc. Mụ còn ra giữa chợ kêu gọi lòng tốt của bạn bè cũng như hàng xóm láng giềng. Anh em nhà Lý Cường chạy thoát ra khỏi làng Vũ Đại , buổi đầu được họ tận tình giúp đỡ cái ăn cái mặc, tìm kiếm công ăn việc làm và đưa con cái đến trường, giúp họ tạm thời nguôi ngoai nỗi buồn xa xứ, nhớ làng nhớ mạc.
Gã Bạch đi tìm cố vấn Cát Sanh tóc hoe than thở về chuyện buồn phiền này. Ý như trách cứ gã tóc hoe với cái kế tẩu vi thượng sách khi trước của gã. . Tên này mặt cứ trơ ra, cười hềnh hệch :
- Công tử buồn chi chuyện nhỏ nhặt ấy cho hao tổn sức khoẻ. Hãy cố yêu mình mà sống, lâu lâu
đời buồn cũng (phải) qua .. Thế sự thăng trầm .Trong cái được có cái thua, trong thua có được. Công tử hẵn đã biết về lẽ thành bại trong cuộc sống? Đời là thế! Chẳng ai luôn luôn thành công. Cũng chẳng ai thất bại mãi mãi. Trong chuyện này, việc giao thương của công tử mất tý …máu mặt lại được nguyên…dĩa tiết canh. Vũ Đại bé bằng cái mắt muỗi, vùng đất Đại Chung lại mênh mông, hiện lão Hào đang tính thâu tóm luôn mấy làng nhỏ kế bên thành một tổng lớn, có món mồi nào thơm ngon hơn cho tiệc vui của công tử?. Vậy là công tử lời to rồi. Cứ việc vui say cho thoải mái. Sầu làm chi tổn hại ngày xanh. Chưa kể vì cái chuyện Vũ Đại bé con ấy mà hai nhà lão Hách lão Hào đang khắng khít môi hở răng lạnh là thế lại quay sang cấu xé nhau như chó với mèo, môi răng lộn lèo. Lão Hách vẫn còn căm công tử về nỗi bại trận năm xưa lắm, chưa làm cho công tử tán gia bại sản là lão còn ăn chưa ngon ngủ chưa yên. Tại sao không nhân lúc chúng đang hục hặc nhau mà triệt lão luôn để trừ hậu hoạ?
- Triệt là triệt làm sao? – Gã Bạch nhíu mày hỏi
- Thì rút kinh nghiệm trận đấu đốt tiền ngày xưa ấy.. Lão Hách đang đắc chí về nước cờ Vũ Đại.
Hiện lão nghĩ là công tử giờ đã hết thời, thành một kẻ rụt đầu rụt cồ, gọi là con gì nhỉ? Ờ phải rồi! Con rùa. Lão rủa công tử là đồ con rùa, đồ cọp giấy… đủ thứ đồ dơ bẩn hèn hạ nhất. Lão yên chí bây giờ có thể ăn gỏi công tử dễ dàng như ăn gỏi cá. Nhân cơ hội này, công tử thách đấu lão một trận nữa, cũng đem đốt tiền, mà đốt cách khác, làm sao phải chắc thắng trong tay. Vậy thì lão đi đời.
- Làm sao để nắm chắc phần thắng trong tay?
- Á à! Cái này thì công tử phải tự động não. Tuỳ vào tài trí và cơ nghiệp của công tử.Chẳng hạn thách đấu với hắn một trận cả hai người không ai có thể thắng, nhưng ai bỏ cuộc trước thì thua.
Gã Bạch la lên một tiếng tỏ vẻ thán phục. Thôi bỏ qua đi những lời phiền trách. Cám ơn Cát Sanh tóc hoe ra về, Gã họp gia nhân lại bàn bạc đối phó. Cuối cùng họ đồng ý với nhau để chắc không ai có thể thắng, nên đưa cuộc đấu lên trên trời. Ở trên cao không ai thấy, khó phân biệt thắng thua, lại không bị đôi mắt nham hiểm của đối thủ soi mói.:gọi nôm na là “ sì ta qua”, cuộc đấu bắn sao trên trời.
Quả là một diệu kế. Cuộc đấu bắn sao trên trời kéo dài một thời gian rất lâu dài bất phân thắng bại. Hễ người này bắn một phát thì người kia bắn sau lại bắn cao hơn và cuộc thi cứ tiếp tục. Cho đến một ngày nhà lão Hàch , vì cuộc thi đấu làm tên lửa bắn sao quá tốn kém, tài sản ruộng đất đem cầm cố bán chác mãi trở nên kiệt quệ không chịu nổi, dù chưa thua cũng đành bỏ cuộc. Anh em con cháu lão vì việc tiêu tán sự nghiệp lần này trở nên lục đục, gây gổ đánh đấm nhau rồi phân tán thành những phần tử nhỏ thế lực suy yếu hẳn .
Gã Bạch bỗng thành người giàu có uy thế nhất xứ. Gã tiếp tục làm ăn buôn bán với gia đình Chánh Hào. Lúc này Đại Chung ỷ mạnh hiếp yếu,Chánh Hào đưa tay chân đi đánh chiếm những làng mạc lân cận : Nhữ Mân, Mán Ngược, Mã Sơn, Tây Bạt về thành một tổng lớn.Lão Hào Tiểu Bô già đã qua đời vì chứng thượng mã phong trong một đêm lễ hội lớn ngay tại phòng Ninh Hạ, người vợ đào hát xinh đẹp của lão. Ngay sau khi lão vừa nhắm mắt, người vợ cô đầu thừa cơ nắm hết quyền hành trong nhà. Nhờ được lão Hào già tin yêu giao cho trông coi việc sổ sách, khi lão qua đời lại ở ngay trong phòng của mình, Ninh Hạ nhanh tay nắm giữ hết các chìa khoá kho lẫm cùng các chứng từ giấy má trong nhà. Cô đào cũng rất khôn ngoan, biết rằng lão Hào già nua, ngày lão ra đi chắc không xa, nên cô nàng đã bí mật gây dựng tay chân phe cánh riêng để củng cố địa vị chờ ngày cờ đến tay sẽ phất. Nhờ có bè cánh mà Ninh Hạ đã lấn át đựoc con trai lão Hào lúc đầu.
Người đàn bà nắm quyền trong một gia đình uy thế nhất vùng đã tưởng mình tài ba bậc nhất. Cô đào hát xinh đẹp nhưng lòng dạ ác độc.Cô ả là người vô sinh và rất mặc cảm về chuyện này. Bởi vậy bà ta không thích trẻ con. Đặc biệt ghét cay ghét đắng tiếng khóc của chúng. Nghe tiếng oe oe của trẻ là Ả muốn nổi giận. Nhìn thấy chúng cười đùa nô giỡn bà càng căm phẫn hơn. Ả trách trời đất đã cho bà đủ mọi thứ , nhưng cái phần quan trọng nhất của người đàn bà là được làm mẹ thì ông trời tước mất. Ả ghen với tất cả mọi người mẹ trên đời, kể cả những người mẹ đau khổ hèn hạ nhất. Do đó Ả sai lũ gia nhân ra làng dán môt cáo thị giữa làng hạn chế chửa đẻ trong mười năm, lấy cớ dân cư trong làng đã quá đông, đẻ thêm nhiều không có sức chứa. Ai trái lệ sẽ bị mổ bụng trục thai, con cái bị bỏ đói..
Lệnh bà đã ra thì phải thi hành, nhung ai nấy đều oán giận. Ăn quen, nhịn không quen. Người ta đâu có thể ngưng việc ăn nằm với nhau. Thế là cấm cứ cấm, người ta vẫn chửa. Không được đẻ trong làng thì người ta tìm chỗ khác. Biết đượcẢ cho đám khuyển mã bắt đem đi nạo rồi mang ra làm thức ăn nuôi lợn.
Đến lúc này thì thật là quá mức dến ngay cả lũ tay chân phe cánh của Ảcũng kinh hồn táng đởm. Chúng cũng có gia đình. Dù mất tính người, như một loài thú, chúng cũng biết bảo vệ gia đình riêng của chúng. Chính lúc này, Hào Cẩm Đô, con trai lão Hào già nổi dậy. Hắn liên hệ được với đám gia nô bất mãn của Ninh Hạ để tiếp ứng. Trong một đêm tối trời nhân lúc Ninh Hạ đang ngủ say, hắn chỉ đạo tấn công vào nhà. Nhờ có nội công ngoại kích, chỉ trong chớp mắt, Hào Cẩm Đô đã làm chủ được tình hình, chiếm lại ngôi nhà của cha hắn , trói gô Ninh Hạ cùng một số tay chân trung thành với ả đem nhốt vào hầm tối. Hào Cẩm Đô làm chủ lại Hào gia trang, lấy lại chức vị chánh tổng cầm đầu làng Đại Chung.
Hào Cẩm Đô là người tham lam. Gã biết trong vùng , không kể tay Bạch công tử ngoại hạng, chỉ có gã và lão Hách là hai kẻ có máu mặt. Hiện nhà Hách đã tự xâu xé, chia năm xẻ bẩy không còn thực lực nữa. Vậy bây giờ gã mạnh nhất. Lý kẻ mạnh luôn luôn đúng. Vì vậy, bất chấp luật lệ, gã nhân danh tình hàng xóm sớm tối có nhau cần giúp đỡ xây dựng sửa sang làng mạc, rồi đem gia nhân đến cư ngụ mấy làng nhỏ lân cận để lấn chiếm . Lại coi thường lời hù doạ của lão Hách, người mà cha hắn trước đây còn phải nhún nhường một bước, coi là bậc đàn anh. Gã nói với gia nhân rằng : Kệ xác lão Hách, lão thù gã Bạch nên không buôn bán làm ăn với gã, còn ta , lợi thì ta làm. Gã này quá giàu. Chơi với nó chỉ có lợi chứ đâu thiệt thòi . Vậy tội gì không kết thân với gã ?
Đại Chung bây giờ lớn lắm , nó to bằng một tổng lớn. Hào Cẩm Đô nghĩ thế. Vậy thì cái chức của cha gã để lại không còn hợp nữa. Gã tự xưng và bắt gia nhân và dân làng gọi là Tổng Hào.Gặp gã, ngoài mặt họ xưng hô là ngài tổng, đức tổng. Sau lưng, quen miệng vẫn cứ chánh Hào. Công việc nhà như vậy tạm ổn thoả. Để tỏ ra cởi mở, gã ra lệnh cho phép dân làng chửa đẻ , nhưng ra chỉ tiêu mỗi nhà chỉ được có một đứa con. Bất luận trai hay gái đều phải ngưng . Gã e rằng dân đẻ nhiều quá thì phải nuôi con tốn kém, không còn đủ thóc gạo nộp cho gã.. Bản chất chánh Hào ngay từ nhỏ đã ham chơi bời ghét chữ nghĩa. Do đó dù trong nhà khá giả cũng chẳng thích học hành. Do đó gã rất ghét đám có chữ trong làng. Gã ví von : « nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông,nhất nông nhì sĩ ». Gã gọi các ông đồ, ông khoá là bọn dài lưng tốn vải, chả ích lợi gì, thua cả cục phân. Gã lý luận rằng cục phân còn đem bón ruộng vườn cho cây xanh trái tốt. Lũ đồ nho thì chẳng được tích sự gì. Gã ra lệnh thu hết sách vở của chúng về cho gã nhóm bếp. Còn đám hủ nho thì gã lôi ra bắt đi làm lao nô tập thể cho biết giá trị của hạt gạo. Gã bảo với bọn tay chân là cho chúng nó đi thực tế.Ổn định xong tình hình nội bộ trong làng Đại Chung, Chánh Hào mới nhìn sang Vũ Đại.

No comments: