Chuyện người lính chiến

Chuyện người lính chiến

Vào thời điểm này năm ngoái (2005), đã có cuộc tranh luận ồn ào trên một số báo chí trong nước và hải ngoại về cuộc chiến Việt Nam. Có lẽ vì 2005 là một năm có cái mốc lich sử: 30 năm sau cuộc chiến. Con người vẫn thường hay phô trương hay làm ầm ỹ những sự kiện vào những mốc thời gian 5, 10, 15 20… năm. Điển hình,cuốn Khi Đồng Minh tháo chạy của tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã chọn thời điểm này để ra mắt độc giả. Không ít những cây bút quen thuộcTrần Trung Đạo, Lữ Phương, Tiêu Dao Bảo Cự… cũng lấy ba mươi năm làm chủ đề cho các bài viết. Nổi bật nhất phải kể đến bài viết Ba mươi năm Gọi tên gì cho cuộc chiến của Lê xuân Khoa trên BBC ngày 15/02/2005 đã gây nhiều phản hồi khá gay gắt. Sau đó đúng 1 tháng, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của ĐCSViệt Nam ỏ trong nước cho đăng bài Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc sự thật của Nguyễn Hoà để kịch liệt phản bác những luận cứ của Lê Xuân (LX) Khoa. Trong khi LX Khoa đòi đối chất với Nguyễn Hoà ngay trên trang báo Nhân Dân mà không được, thì bài viết Gửi Nguyễn Hoà người đồng đội của anh Nguyễn Xuân Đức đăng trên Talawas ngày 25/05/2005 đã thay thế LX Khoa trả lời làm cho Nguyễn Hoà phải dịu giọng lại trong những bài viết sau. Ngay cả Võ văn Kiệt, cựu thủ tướng, lúc đó cũng có nhận định rằng: trong cuộc chiến có triệu người vui và triệu người buồn. Nhận xét kỹ, người viết bài này tìm ra được một điều khá lý thú: hầu như đa số những người kể trên, nếu không thuộc thành phần khoa bảng trí thức chưa từng cầm khẩu súng, chưa biết đến gói lương khô, hoặc nếu đã từng thì cũng thường là người ở về phía thắng trận, nơi họ nắm được hết toàn bộ báo chí và các phương tiện truyền thông khác để tha hồ nói theo ý mình. Trái lại, những suy nghĩ về thân phận người lính Việt Nam Cộng hoà, suốt mấy chục năm qua, chưa bao giờ được lắng nghe và đối thoại một cách công bằng và trên căn bản tôn trọng sự thật. Đã thế, hình ảnh của họ luôn bị tô vẽ, bóp méo, nhục mạ một cách ác ý cho hợp với sự tuyên truyền về sự xấu xa của “nguỵ quân ngụy quyền”, như thế mới đánh bóng được cái “sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, cái “chính nghĩa chống Mỹ cứu nước” mới có chỗ để che dấu cái ý đồ chính yếu của chế độ quyết tâm xây dựng “Xã Hội Chủ Nghĩa” trên toàn cõi đất nước. Hậu quả là người dân Việt Nam cả 2 miền đã phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc vì chính sách áp dụng triệt để CNXH những năm sau chiến tranh.

Sự bóp méo hình ảnh người lính Việt Nam Cộng hoà như một công cụ của đế quốc Mỹ để cố tình hạ nhục đó, đau lòng mà nói, đã để lại những xuyên tạc sự thật, không thua kém chính sách đầu độc tuổi thơ “trăm năm trồng người” của Hồ Chí Minh. Để chứng minh điều này, người viết xin có vài câu chuyện nhỏ, để chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của sự tuyên truyền nhồi sọ tàn độc đến mức nào: Vài tháng trước đây, trong một lần trò chuyện với một cô gái Việt Nam trẻ đã qua Úc khoảng 10 năm, khi biết người viết từng là người lính Việt Nam Cộng hoà, cô đã hỏi: “Hồi đi lính chú có lãnh lương không?”. Tôi trả lời: “Có chứ! không tiền lấy gì sống”. Cô hỏi tiếp: “Vậy chứ Mỹ trả lương chú bằng đô Mỹ hay bằng tiền Việt Nam?”. Đến đây, tôi thực sự kinh ngạc, phải chi cô sinh ra và lớn lên từ miền Bắc, đằng này, cô là một người miền Nam rặt, sinh trưởng và lớn lên trong một tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long. Tôi bảo cô miền Nam Việt Nam từng là một quốc gia riêng, có chính quyền và quân lực riêng, tiền tệ riêng, pháp luật riêng, không trực thuộc Mỹ và không do Mỹ trả lương. Việt Nam Cộng hoà nhận viện trợ Mỹ cũng giống như miền Bắc Việt Nam nhận viện trợ từ Liên Xô, Trung Cộng và các nước CS Đông Âu. Quân đội Mỹ cũng như các quôc gia khác như Nam Hàn, Thái Lan, Úc, New Zealand, Philippines đến Việt Nam chiến đấu với tư cách Đồng Minh hợp lực yểm trợ. Cho phép quân đội Mỹ và Đồng Minh vào trực tiếp chiến đấu tại Việt Nam có thể là một chiến lược sai lầm của một vài cá nhân lãnh đạo đất nước vì đã làm giảm đi chính nghĩa của Việt Nam Cộng hoà: chiến đấu cho tự do dân chủ và hạnh phúc của đống bào chống lại chế độ CS tàn ác vô nhân đạo, nhưng miền Nam Việt Nam không hề mất đi chủ quyền và sự độc lập của mình. Tôi có hỏi lại cô rằng tại sao cô sống ở miền Nam lại không biết những thực tế rõ ràng và tầm thường như thế. Cô cho rằng vì ở thời điểm 1975, cô còn quá nhỏ, chỉ mới 2, 3 tuổi, và từ đó đến nay, cô chỉ được học tập nghe nói lính miền Nam đánh thuê cho Mỹ, được Mỹ trả lương. Ngoài ra, không biết gì hơn.

Một câu chuyện khác: chỉ mới đầu năm nay, khi có sự tranh luận bàn cãi về những lời phát biểu của ông cựu phó TT Nguyễn Cao Kỳ, một anh chàng trên dưới 40, từng là thuyền nhân vượt biển từ những năm 1979, 1980, đã cho rằng: sở dĩ ông Kỳ có tiền mang về “quậy” ở Việt Nam là nhờ Mỹ vẫn tiếp tục trả lương mấy chục năm thâm niên trong một lần (một việc không đúng).

Có lẽ, chuyện cười ra nước mắt hơn hết là trường hợp người bạn của tôi, 1 sĩ quan Việt Nam Cộng hoà, định cư tại Úc sau một thời gian đi tù cải tạo rồi vượt biên. Vì rất thương cha mẹ anh em trong gia đình còn kẹt lại tại Việt Nam nên tại Úc, anh đã cố gắng làm việc tối đa, ăn tiêu thật dè xẻn. Bao nhiêu tiền dành dụm,anh đem gởi về nước lo lắng cho các em tìm đuờng ra đi. Cuối cùng, anh bảo lãnh cả gia đình gồm cha mẹ và các em nhỏ qua Úc định cư. Hoàn thành các việc đó xong, anh mới kể thực những khó khăn cơ cực mà anh và vợ con đã phải cố chịu đựng để có thể giúp đỡ gia đình trong thời gian qua, nhưng chính cha mẹ anh lại không tin. Có lần anh kể rằng ba anh bảo anh: “Nè! nói thiệt đi, tao được biết là trong những năm mày đi cải tạo, qua đây thằng Mỹ nó tính toán rồi trả lại lương đầy đủ, vậy mày lãnh được của nó bao nhiêu?”. Anh bạn bảo rằng nói sao ông cũng nhất định không tin rằng cả đời anh chưa bao giờ nhận lương của Mỹ, ngay cả khi anh nói với cha mẹ là chúng ta đang sinh sống ở Úc chứ có phải ở Mỹ đâu?

Kể ra một vài chuyện nhỏ nhặt trên đây, tôi chỉ muốn nói: người lính Việt Nam Cộng hoà cho đến bây giờ, chưa bao giờ có cơ hội được phác hoạ hình ảnh của mình một cách trung thực, không phải chỉ do phía bên kia, mà ngay cả bên hàng ngũ của người dân miền Nam tự do, người ta cũng có cái nhìn về người lính Việt Nam Cộng hoà rất lệch lạc, đôi khi ngay vì sự hờ hững, sơ sót của chính một số nhân sự trong tập thể quân lực Việt Nam Cộng hoà. Một người bạn của tôi vừa tìm được trong thư viện địa phương một dĩa DVD về cuốn phim Người tình không chân dung (1971) do Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn và Kiều Chinh thủ vai chính. Tôi mượn xem. Cuốn phim đã được quay trong thời chiến. Nay hơn ba mươi năm mới có dịp coi lại. Nói coi lại vì là cuốn phim đã cũ, sự thực tôi mới coi lần đầu. Trước đây chỉ nghe báo chí đề cập đến. Khi nó được trình chiếu trong các rạp thành phố miền Nam, đời lính chiến xa nhà làm tôi lỡ dịp. Cho dù có gặp đúng lúc đi nữa, chưa chắc tôi đã xem. Những ngày phép ngắn ngủi phải dành cho gia đình, cho bạn bè, người yêu, không ai dại chui đầu vào rạp hát cho phí những giây phút quý báu ấy. Dù sao, nghệ sĩ Kiều Chinh cũng là một khuôn mặt lớn của nền điện ảnh non trẻ miền Nam. Tôi đã gặp chị một lần vào giữa năm 1971, khi chị đi quay một cảnh cho 1 phim khác, dường như là cuốn Bão Tình, trong buổi lễ mãn khoá và đêm dạ vũ của chúng tôi ở quân trường Nha Trang, chúng tôi vô tình đã trở thành những diễn viên phụ cho chị trong cuốn phim đó. Nói như thế để mọi người hiểu tôi rất quý mến và trân trọng tài năng của chị. Tôi cũng biết rằng đây là một công ty điện ảnh tư nhân, sản xuất phim ảnh với mục đích thương mại. Tuy nhiên vì phim lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam làm nền chính và chuyện phim xoay quanh những người lính Việt Nam Cộng hoà, lại được yểm trợ, giúp đỡ bởi một số đơn vị của quân lực Việt Nam Cộng hoà, nên khi xem xong, tôi cảm thấy hơi phiền lòng. Tuy có nói lên được những cay đắng nghiệt ngã của con người trong một cuộc chiến khốc liệt, nhưng lại làm biến dạng khuôn mặt thật của người lính Việt Nam Cộng hoà vốn dĩ đã mang nhiều vết hằn của bất hạnh, bất công qua những sai lầm cơ bản trong cách làm phim. Bỏ qua những tình tiết kỹ thuật, chuyện phim, tài nghệ, v.v… ở đây tôi chỉ nhìn vào vài khía cạnh diễn tả hình ảnh những người lính mà tôi cho rằng đã đi quá xa sự thực. Sau những ngày hành quân gian khổ, người lính Việt Nam Cộng hoà trở về căn cứ, thành phố, họ có thể tụ tập nhậu nhẹt say sưa phá phách chút đỉnh, cố quên đi những lúc kề cận với cái chết, còn cái hình ảnh người lính trong phim sầu đời, ngồi uống một mình trong quán rồi tuôn ra một lời chửi rủa hằn học: “Hôm nay tao uống nhiều rồi, thằng nào lôi thôi tao đánh bỏ mẹ”, theo tôi, đó không phải là phong cách thực của người lính miền Nam. Họ không oán hận chiến tranh và tuyệt vọng cho số kiếp đờì mình đến mức phải ngồi uống một mình và chừi đổng. Quán “U hồn cốc”, trong đó đám lính ăn nhậu nhồm nhoàm bên dưới những bức tranh vẽ tưởng nhớ đồng đội “vỡ đầu”rồi sủa lên như chó, có vẻ như muốn tạo ra một chút vừa nghệ thuật vừa man rợ, thực ra chỉ có trong óc tưởng tượng của người dựng phim không biết đến đời lính là gì, có lẽ ông (bà) ta chịu ảnh hưởng của loại phim cao bồi “về miền viễn tây” của Mỹ? Đó không phải là phương cách người lính Việt Nam Cộng hoà biểu hiện trong sự tưởng nhớ đến những bạn đồng đội đã ngã xuống. Người Việt Nam thường có những hành xử trang trọng hơn cho người đã khuất.

Điều làm tôi phiền lòng hơn hết là cách diễn tả tay đại úy Quyến trong phim. Hình ảnh của tay này thật tồi bại, hắn nhìn đàn bà chỉ toàn là một thứ đượi. Hắn thẳng tay hành hung đồng đội, như một côn đồ, thèm khát dục tình như một con thú, nhưng lại len lén xách giầy rút lui chỉ với cái nhìn lạnh lùng của người đàn bà? Không, cho dù là hư cấu, tôi cũng không thể nào tưởng tượng tác phong của 1 người lính, lại là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hoà như thế. Cho dù có thật đi nữa, tại sao lại đưa lên màn ảnh một vài cá nhân nhỏ nhoi, để nó biến thành nỗi nhục cả một tập thể? Không lẽ phải làm quá đi như vậy thì mới ăn khách? Vả lại, cuốn phim, đành rằng do một hãng tư nhân sản xuất, lại được sự hỗ trợ mạnh mẽ về nhân vật lực của một số đơn vị quân đội, tôi không hiểu những người khoác bộ đồ quân phục đã giúp hoàn thành cuốn phim nghĩ gì khi nó làm sai lệch hình ảnh chiến sĩ của mình. Có người cho đó là biểu hiện về mặt tiêu cực của chiến tranh. Tôi không nghĩ thế, xuyên tạc sự thật thì đúng hơn. Bây giờ, mấy mươi năm sau, thế hệ trẻ coi lại, họ sẽ đánh giá QL Việt Nam Cộng hoà ra sao? Tôi xin dừng lại ở đây về cuốn phim, nếu không sẽ quá dài.

Trở về với thực trạng hiện tại, ngày 30 tháng 4 năm nay, Việt Hồng (DCVOnline) đã có 2 bài phỏng vấn một số những người lính của cả 2 miền Nam Bắc. Tuy số lượng rất nhỏ nhoi, không thể là tiếng nói của toàn thể quân nhân các cấp, nhưng đã được thể hiện cả trong và ngoài nước, có thể phản ánh một ít suy nghĩ chung của những người một thời “súng là vợ, võng là giường, vòm trời là mái, cây rừng là bạn”. Đa số người lính cả 2 bên chiến tuyến còn sống sót đến ngày hôm nay dường như có chung một ý nghĩ: Chúng tôi đã từng bắn giết nhau trên chiến trường, nhưng chúng tôi vẫn là anh em, vẫn là người dân Việt chung một giòng máu. Chúng tôi mỗi người từng yêu nước theo cách của chúng tôi. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ người lính là bảo vệ quê hương. Chúng tôi không hận thù nhau và chúng tôi không muốn hận thù kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Oán thù chỉ dành cho những kẻ đã gây ra cuộc chiến. Chỉ có một điều: chúng tôi vẫn còn bất đồng về việc ai đã là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tàn khốc đó.

Với người lính Việt Nam Cộng hoà, cầm súng chiến đấu không phải đi làm cách mạng. Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm là ba tiêu đề chính của tập thể quân lực Việt Nam Cộng hoà, trong đó Tổ Quốc trên hết. Người lính Việt Nam Cộng hoà bảo vệ Tổ Quốc và chỉ Tổ Quốc mà thôi ở trong bất cứ chính quyền hợp hiến hợp pháp nào. Người lính Việt Nam Cộng hoà để cho đất nước theo dòng chảy lịch sử cùng với đà tiến triển nhân loại và thế giới chứ không kìm hãm hay đi làm mới lịch sử. Chính với những suy nghĩ đơn giản trên, người lính miền Nam chiến đấu và chấp nhận hy sinh, kể cả hy sinh mạng sống với sự mặc nhiên, không có sự hận thù với người lính miền Bắc. Nói về lý tưởng, người viết cũng đã từng bàn đến trong một bài trước đây Gửi người bên kia chiến tuyến (Đàn Chim Việt online 14/07/2005) xin khỏi nhắc lại.

Những mất mát lớn lao trong cuộc chiến hầu như hiện diện trong mỗi một gia đình người Việt Nam. Cụ thể bản thân gia đình người viết, đứa em trai, cũng là một người lính Việt Nam Cộng hoà, đã hy sinh ở một chiến trường nào đó mà cho tới nay, sau hơn ba mươi mốt năm, mới chỉ nhận được một tin tức vào đúng ngày Tết Bính Tuất vừa qua từ một chiến hữu đã tự tay chôn cất (tiện đây cũng xin cảm ơn báo DCV online đã cho đăng những lời nhắn tin của tôi trước đó) để biết ngày cúng giỗ. Bạn bè thân thuộc nằm xuống thì không sao kể hết. Có một thời sau chiến tranh, tôi cũng oán hận vô cùng, vì “hoà bình rồi sao mắt mẹ chưa vui”. Mẹ tôi, một người đàn bà quê mùa nghèo khổ, một đời lam lũ vất vả. Đôi chân gầy ống thấp ống cao, chắt chiu dè xẻn từng cắc bạc để mua vườn tậu đất, vì theo ý niệm đơn giản của bà, không có gì vững chãi hơn ruộng vườn đất đai để lại cho con cháu. Đó chính là cơm ăn áo mặc, là sự bảo đảm tương lai. Ấy thế mà những mảnh mồ hôi nước mắt đó, trong phút chốc không cánh mà bay: chỉ một thời gian ngắn sau 30/4/75, ngoại trừ vuông đất nhỏ quanh nhà, tất cả đất đai ruộng vườn của bà bị tịch thu, mang danh nghĩa xây phòng y tế, dựng sân banh, xây nhà tình nghĩa. Thực tế, bệnh xá được cất lên chỉ là một cái chòi nhỏ, cán bộ thỉnh thoảng đến phát cho dân dăm ba viên thuốc dân tộc trị bá bịnh, sân banh thì không thấy đâu, chỉ thấy đa số đất đai được cán bộ chia nhau xây nhà dựng cửa. Có hai thằng con trai thì một đứa lên rừng cải tạo, đi mãi không về, đứa kia thì như tan vào hư không, bặt vô âm tín. Mất trắng cả người lẫn của, bà chỉ biết chép miệng thở dài: “Gặp thời thế thế thì phải chịu chứ biết làm sao?”. Đây chỉ một mảnh đời nho nhỏ của gia đình tôi, bức tranh của toàn thể miền Nam với hàng triệu con người và gia đình còn thê lương hơn nhiều.

Nhắc lại lịch sử là nói về quá khứ. Quá khứ của người lính miền Nam lại quá đau thương. Vì thế trong lúc này, một số người ở phía bên kia có luận điệu cho rằng, người lính Việt Nam Cộng hoà hay nhắc nhở đến quá khứ vì mặc cảm mang nỗi nhục bại trận, vì muốn mãi mãi hận thù. Với những người này, người viết xin trả lời ngay rằng: nếu chúng ta chấp nhận đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng sự thật, và những luận cứ thuyết phục đáng tin, chúng ta có thể tiếp tục bàn cãi. Nếu không thì nên chấm dứt ở đây, vì những lời xuyên tạc, mạ lỵ, những bằng chứng vu vơ không thuyết phục sẽ chẳng dẫn chúng ta đi tới đâu.

Trước hết, người lính Việt Nam Cộng hoà, ngay từ khi còn nhỏ đã được giáo dục trong một môi trường mở lành mạnh với chủ trương không hận thù, nên, như trên đã nói, đi vào cuộc chiến không mang theo thù hận, không cố tình đuổi tận giết tuyệt, không theo “đường vinh quang xây xác quân thù”. Nếu cần phải hy sinh đền nợ nước thì “thề quyết lấy máu đào (của chính mình) đem báo”. Oán thù chỉ tập trung vào lớp đầu não lãnh đạo cầm quyền CS Việt Nam quyết tâm gây ra chiến tranh, gây cảnh nồi da xáo thịt. Oán thù vì Đảng CS Việt Nam đã áp đặt lên dân tộc những chính sách đầy sai lầm, dã man tàn ác làm dân tình điêu linh, đất nước tụt hậu. Oán thù vì đám lãnh đạo CS Việt Nam tước đoạt hết mọi quyền căn bản làm người của nhân dân để toàn quyền sai bảo nhân dân như những con vật. Oán thù vì những trò lừa bịp xảo trá của đám thiểu số lãnh đạo cướp quyền, đè đầu cưỡi cổ dân mà miệng thì cứ xoen xoét là đầy tớ của dân. Cái đại hội đảng X vừa qua là một ví dụ cụ thể cho sự lừa bịp trắng trợn. Cũng bày trò trình diễn đóng góp ý kiến, cũng bày đặt bầu bán, nhưng kết quả thì lại do bọn chóp bu xếp đặt trước. Cho nên, cái lũ sân dân mọt nước ấy không những đáng hận thù mà còn đáng nguyền rủa.

Khác với người lính phía bên kia, mang danh nghĩa là quân đội nhân dân nhưng lại thề tuyệt đối trung thành với Bác và đảng, chỉ phục vụ cho đảng, người lính Việt Nam Cộng hoà chỉ phục vụ đất nước, không phục vụ cho bất cứ lãnh tụ nào, đảng phái nào. Lịch sử đã chứng tỏ điều này. Các chính quyền Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn văn Thiệu cùng các đảng phái Cần Lao, Dân Chủ, Đại Việt, Quôc dân Đảng… thay nhau qua đi, quân lực Việt Nam Cộng hoà đã vẫn tồn tại. Người lính Việt Nam Cộng hoà Không Bao Giờ chiến đấu cho đế quốc Mỹ. Đây là điểm cần nhấn mạnh. Ý niệm biến miền Nam Việt Nam thành một tiền đồn chống cộng của thế giới, chỉ là ý niệm của một số chính trị gia sa lông, không phải là lý tưởng của tập thể quân lực Việt Nam Cộng hoà. Người lính Cộng Hoà chống Cộng Sản vì nhận thức rõ ràng những nọc độc của nó gây hại cho Tổ Quốc, dân tộc ghê gớm như thế nào, chứ không vì một ý niệm mù mờ đâu đâu. Người lính Cộng Hoà tự biết sức mình nhỏ bé, chỉ đủ sức bảo vệ riêng mình và đồng bào mình, không bao giờ nghĩ mình có trách nhiệm và vĩ đại tới mức phải làm chiến sĩ tiền phong cho một mặt trận quốc tế nào.

Ông Thiệu có thể ngây thơ khi quá tin vào Mỹ, người Mỹ có thể non kém với lý thuyết này, giải pháp kia. Họ đã sai lầm và dại dột khi áp lực các chính quyền Việt Nam Cộng hoà để đem quân vào Việt Nam, trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến quốc - cộng của Việt Nam, làm cho miền Nam, dưới mắt người dân miền Bắc và dư luận thế giới, mất đi cái chính nghĩa bảo vệ tự do chống CS độc tài toàn trị. Thực ra quân Mỹ và các Đồng Minh khác chỉ là các lực lương bạn đến hỗ trợ giúp đỡ. Cứ nhất quyết cho rằng Mỹ là tên đế quốc xâm lược thì xin hãy chứng minh, vùng đất nào, lãnh thổ nào hay thành phố làng xã nào của Việt Nam đã bị Mỹ cai trị? Bảo rằng Mỹ đến Việt Nam để đàn áp bóc lột dân lành như lời tuyên truyền của Đảng CS Việt Nam thì hãy tự hỏi sau hơn mười năm nhập cuộc, sau khi đổ ra hàng đống tiền của và sinh mạng, người Mỹ đã gặt hái được lợi lộc gì từ Việt Nam? Nếu lập luận Mỹ dùng chiêu bài chống cộng để thực hiện chính sách thực dân mới, thì chính sách này là gì? Tại sao bây giờ không còn nghe nói đến chính sách thực dân mói đó nữa? Tại sao bây giờ Đảng CS Việt Nam lại nhiệt tình hăm hở bang giao chào đón Mỹ?

Dù sao, sau 31 năm chấm dứt cuộc chiến, cả 2 bên cùng là người Việt máu đỏ da vàng mà vẫn cứ mạt sát nhau, bỏ mặc cho đất nước đứng bên bờ vực thẳm, có nguy cơ bị ngoại bang kiềm chế và đi đến chỗ diệt vong thì quả chúng ta thua loài súc vật. Ác thú còn không ăn thịt đồng loại, chúng ta lại nỡ nhục mạ nhau cho đến bao giờ? Trong chiến tranh, Đảng CS Việt Nam đã lừa bịp được nhân dân và quân đội miền Bắc với các chiêu bài đánh Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, độc lập dân tộc, nhưng ngay sau khi thống trị trên toàn cõi đất nước, các mặt nạ ấy đã rơi xuống, lộ nguyên hình Đảng CS Việt Nam chỉ muốn giành quyền lãnh đạo độc tôn theo đường hướng XHCN của CS quốc tế. Một cách chính xác là tự nguyện làm chư hầu cho Liên Xô, Tàu cộng trong tham vọng CS hoá toàn cầu. Tiếc thay, cáí thế giới hung tàn tôn thờ một chủ thuyết giả nhân giả nghĩa, chủ trương lấy bạo lực làm nòng cốt đấu tranh giành quyền lực để cải tạo xã hội tưởng như một sức mạnh vô song không gì cản trở nổi, bỗng một sớm một chiều tự sụp đổ tan tành. Đảng CS Việt Nam có muốn lấy tay che mặt trời thì sự thật, cố bưng bít cách mấy, vẫn là sư thật. Ngày nay, Đảng CSViệt Nam không còn chỗ dựa để che dấu cái ý đồ dùng mọi biện pháp, phương tiện có trong tay để củng cố quyền hành, giữ vững quyền lãnh đạo độc đảng để cướp đoạt các quyền căn bản như quyền làm người, quyền được sống trong một xã hội nhân bản có tư do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, tự do đi lại trong nước, quyền làm một công dân chân chính như được tự do ứng cử, bầu cử, tự do đề cử, bầu chọn người đại diện cho mình trong chính quyền.

Trong những năm vừa qua, đám lãnh đạo CS Việt Nam lại mời gọi chính kẻ thù cũ là chính quyền, tư bản Mỹ và đám doanh nhân nứơc ngoài vào, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tha hồ bóc lột tài nguyên, nhân vật lực của nhân dân để cùng ăn chia lợi lộc đã làm nhân dân lao động uất ức đến nỗi nông dân vượt hàng ngàn cây số về Hà Nội khiếu kiện đòi lại nhà cửa đất đai bị cán bộ đảng ỷ thế ỷ quyền cướp đoạt, công nhân và dân lao động nghèo ở các thành phố phải liên tục đình công khắp nơi dù bị cấm đoán và đàn áp dã man.

Mười mấy năm qua, lúc nào đảng cũng tuyên bố diệt tham nhũng, nhưng thực tế lại dung dưỡng,bao che cho bọn cán bộ từ nhỏ tới lớn tha hồ tham ô nhũng loạn, hết sách nhiễu doạ nạt nhân dân lại quay qua sang đoạt bòn rút tài nguyên quốc gia, những vụ tham ô móc ngoặc ở trong tất cả mọi bộ sở ngành nghề mà báo chí trong nước lôi ra một phần ánh sáng trong thời gian vừa qua lên đến hàng chục tỷ mỗi vụ chứng tỏ cái cơ chế do đảng lãnh đạo đã đi đến tận cùng của sự tha hoá. Người dân trong nước thật nhục nhã khi thấy ngay cả các tổ chức quốc tế, dù với sự tế nhị ngoại giao, cũng không còn ngoảnh mặt làm ngơ, phải điều phái nhân sự đến kiểm tra. Vậy mà Đảng CS Việt Nam vẫn mặt trơ mày bóng, coi như không có chuyện gì xảy ra, đại hội đảng vẫn cứ tổ chức rình rang, vẫn tuyên bố thành công tốt đẹp. Tất cả những sự xảo trá lừa bịp của Đảng CS Việt Nam đồi với nhân dân Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua đã đến mức không thể nào chịu đựng nổi.

Tôi lại lan man quá xa đề tài.Người lính ở bên chiến tuyến nào vẫn chỉ nên là người lính thuần tuý. Điều này có nghĩa quân đội phải hoàn toàn độc lập với mọi đảng phái, quân nhân không làm chính trị. Tuy vậy, người lính không là một cỗ máy giết người. Ta có thể là địch thủ bắn giết nhau trên chiến trận. Rời chiến trường, ta quay về với bản ngã con người bình thường. Chiến đấu để làm tròn nghĩa vụ công dân và bảo vệ những lý tưởng, giá trị (có thể đối chọi nhau) mà ta tin tưởng không phải để thoả mãn lòng căm (hận) thù quân địch. Trở lại với hình ảnh người lính Cộng Hoà năm xưa. Lịch sử đã đi qua, chúng ta không thể thay đổi lịch sử., nhưng nhắc lại lịch sử để chúng ta cùng học hỏi và rút ra kinh nghiệm của những bài học đắng cay ấy. Năm 1975, miền Nam Việt Nam thất thủ nhưng không mất chính nghĩa . Không những thế, càng ngày, cái chính nghĩa bảo vệ tư do,dân chủ, sự an bình và hạnh phúc của nhân dân càng tỏ ra sáng ngời khi Đảng CS Việt Nam mỗi ngày mỗi lộ nguyên hình sự sai trái, tính chất cuồng bạo và sự tàn phá của nó lên đất nước và dân tộc. Hơn ba mươi năm sau, bom đạn đã dứt nhưng cuộc chiến giữa người dân Việt Nam và Đảng CS Việt Nam chưa tàn. Cuộc chiến hôm nay không còn là vũ khí đạn dược với máy bay, tàu chiến, xe tăng. Đây là cuộc chiến của kẻ bị áp bức chống bạo cường, của sự thật chống gian trá, của chân lý chống tham nhũng bất công, của cái thiện chống cái ác. Cuộc chiến sẽ là sự đấu tranh bất bạo động, nhưng kiên quyết để đòi cho bằng được quyền sống của con người. Đòi hỏi ĐCSViệt Nam phải trả lại tất cả những gì đã cướp đơạt của nhân dân: từ những cướp đoạt chính quyền đến những cướp đoạt công lao, tài sản, tài nguyên, đặc biệt các quyền tự do dân chủ đã được xác định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Người lính Việt Nam Cộng hoà, trong cương vị người dân Việt Nam, tự thấy mình vẫn có trách nhiệm tham gia cào công cuộc chiến đấu đòi hỏi tự do dân chủ này.

Trước tình hình hiện tại, khắp nơi trên đất nước, đồng bào đủ thành phần: trí thức, tôn giáo, công nhân, nông dân, cựu chiến binh, thanh niên sinh viên học sinh trong ngoài nước đang nổi dậy thành lập phong trào, tổ chức đòi tự do dân chủ, người lính Việt Nam Cộng hoà luôn luôn sát cánh tham gia hỗ trợ. Người lính Việt Nam Cộng hoà kêu gọi anh em trong QĐND Việt Nam hãy trở về đúng với vị trí quân nhân của mình: chỉ bảo vệ Tổ Quốc và Dân Tộc, không chiến đấu cho một cá nhân hay đảng phái nào. Anh em QĐND Việt Nam hãy thức thời tách mình ra khỏi Đảng CS Việt Nam, không cho Đảng CS Việt Nam hay bất cứ đảng phái nào được chi phối,chế ngự để lũng đoạn. Hãy vì danh dự một quân nhân trả thẻ đảng, không nghe lệnh đảng, không cho phép đảng điều hành cơ cấu quân đội, và không bao giờ cầm súng bắn vào nhân dân. Được như vậy, Đảng CS Việt Nam sẽ không còn chỗ dựa để đàn áp, bóc lột nhân dân Việt Nam nữa. Được như vậy, người lính Việt Nam Cộng hoà cũng sẽ nghiêng mình ngưỡng phục các anh, sẽ tôn vinh các anh là những anh hùng như những anh hùng tử sĩ linh thiêng của QL Việt Nam Cộng hoà đã hy sinh vì Tổ Quốc, vì lý tưởng bảo vệ tự do, dân chủ hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Nên nhớ dù ở thời đại, chế độ nào, người lính chỉ có nghĩa vụ duy nhất là phụng sự Tồ Quốc, phục vụ dân tộc, không phục vụ tôn sùng bất cứ một lãnh tụ hay một tập đoàn nào dù tài đức siêu việt cách mấy.

Đừng để cho cả thế giới khinh rẻ, toàn thể dân tộc oán hận, thế hệ mai sau nguyền rủa một tập thể quân đội quay lưng bán đứng đất nước, chống lại nhân dân, chỉ để cúc cung tận tuỵ bảo vệ một nhúm người lãnh đạo bán nước hại dân đang tranh ăn giành quyền, đẩy quê hương Việt Nam đến chỗ tàn vong hủy diệt.
Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Người lính Việt Nam Cộng hoà sau bao năm chịu nỗi hàm oan bị lăng mạ vùi dập vẫn là bia đá, thân xác dù có hao mòn, trách nhiệm vì sự sống còn của Tổ Quốc, vì hạnh phúc của nhân dân sẽ còn mãi mãi.

Người lính QĐND Việt Nam có muốn cùng người lính Việt Nam Cộng hoà và toàn thể nhân dân Việt Nam là bia đá bảo vệ và xây dựng đất nước hay nhất quyết làm công cụ cho một cái đảng tồi tệ phá hoại đất nước, đàn áp chính đồng bào mình, đang bước vài giai đoạn cuối cùng sự mục rữa để bia miệng của muôn đời con cháu phỉ nhổ cười chê?

Đã có những Trần Độ, Phạm Quế Dương, Trần Dũng Tiến, Trần Anh Kim… đứng lên đi về phía lẽ phải của nhân dân Việt Nam, vậy QĐND Việt Nam còn chần chờ gì nữa?
Phương Duy
Australia, 12/05/2006

Các bài liên quan:
- Nhìn lại QLVNCH 30 năm sau cuộc chiến,Nguyễn Kỳ Phong.
- Sài Gòn 30 năm hổ thẹn,Minh Võ.
- QLVNCH giai đoạn 1968 - 1975 bài I,Bill Laurie, dịch giả Nguyễn Tiến Việt
- QLVNCH giai đoạn 1968 - 1975 bài II,Bill Laurie, dịch giả Nguyễn Tiến Việt
- QLVNCH giai đoạn 1968 - 1975 bài III,Bill Laurie, dịch giả Nguyễn Tiến Việt
- Xoá bỏ hận thù,Vũ Thất
- Vẫn còn đó vết thương cũ, T.Vấn.
- Còn lại gì,Phạm thị Hoài
- Đối thoại với nhà văn Bảo Ninh,Trần Hoài Thư.
- Những lhỏng trống trong lịch sử,Nguyễn Quang Huy.
- Cuộc chiến không ai thắng phần 1,2,3,4,5,Stanley Karnov, dịch giả Hoàng Nguyễn

No comments: