Phạm Duy: Tiếng khóc tiếng cười

Phạm Duy, tiếng khóc tiếng cười

Phương Duy


“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”.


Mười nốt nhạc đầu tiên của bài Tình Ca , có lẽ là mười nốt nhạc VN có giá thương mại cao nhất từ trước đến nay: công ty Phương Nam ở trong nước đã trả bản quyền cho nghệ sỹ Phạm Duy tới 100 triệu tiền VN. Dù đánh giá con người và đời sống của ông như thế nào, không ai có thể phủ nhận cái gia tài đồ sộ ông đã để lại trong kho tàng âm nhạc VN. Sự trở về của người nhạc sĩ có tài và lắm tật này đã làm buồn lòng không ít cả những người Việt hải ngoại và người trong nước. Tiếng bấc tiếng chì một thời sôi sục bên ngoài, giờ lại có cơ bộc phát bên trong qua những show trình diễn “Ngày trở về” trong các thành phố Sài gòn, Hà Nội, Huế. Bài báo Không thể tung hô của ông Nguyễn Lưu, cùng với những phản hồi của nó là một minh chứng điển hình.

Nói đến ông, người tự nhận mình lá kẻ hát rong mà cuộc đời đã “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, là nói đến những xoay vần thay đổi, lúc bên này lúc bên kia. Cả trong và ngoài nước đều có hai luồng dư luận trái ngược bênh chống xung quanh tài năng, con người, cuộc sống sôi nổi và đầy bão tố, vừa do bi buộc vào số phận của cả dân tộc VN đi kèm với định mệnh đất nước, vừa do chính ông tự tạo. Khen cũng nhiều, chê cũng lắm, bài này không có ý tung hô hay phê phán ông hay bất cứ ai vì người viết là kẻ hậu sinh tự lượng không đủ sức. Mục đích của nó chỉ muốn gợi lên vài khía cạnh nhỏ trong cái cảm tính, xuất phát từ giòng âm nhạc đa dạng của người nhạc sĩ đã ảnh hưởng đến chính ông và tôi, một người đã hâm mộ tài năng của ông qua nhiều thời đại như thế nào.

Không có được một năng khiếu bẩm sinh như ông để yêu tiếng nước mình từ khi còn nắm nôi, nhưng tôi cũng biết yêu tiếng à ơi của người mẹ quê ru con qua những lời ca dao bình dị chất phác đại loại như: cái cò cái vạc cái nông, sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò… Những lời quê chân chất ấy cùng với bầu sữa mẹ ngọt ngào, với lúa ngô khoai sắn, mặc cho thời thế đổi thay, đã nuôi sống tôi thành người:

À, a… ơi! Con ngủ cho muồi. À, a… ơi! Cười vui trong giấc mộng; À, a… ơi! yêu đời tự do; À, a …ơi!

Thuở nào vườn cau vừa mới treo ngang mái đầu, lúa dăm ba sào nay đã hai trâu… (Vợ chồng Quê)

Năm tháng cứ dần trôi đẩy đưa tôi lớn lên, đi vào cuộc đời mộc mạc, vui đùa cùng những hoa mộng của ngày xanh, của những cuộc tình non trẻ:

Ngày đó có em đi nhẹ vào đời, và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối.
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời, và xe tơ kết tóc, giam em vào lòng tôi…

Vì còn thơ ngây nên chứa đầy vụng dại:

Ngày đó có em ra khỏi đời rồi, và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối.
Ngày đó có anh mê mải tìm lời, tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi… (Ngày đó chúng mình)

Tuy thế, đời sống vẫn tươi đẹp, vẫn là những giấc mộng vàng:

Tôi đang mơ giấc mộng dài, đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh…(Tôi mơ giấc mộng dài)
Mơ đến những ngày đầu bước chân vào ngưỡng cửa đại học, có một người tình nho nhỏ để dìu nhau đi trên con đường cây rợp mát, có lá me bay nhẹ trong gió, tạt qua công viên con rùa làm một ly chè đậu đỏ, trộm hôn phớt lên để chợt thấy tóc em thơm, nhắm mắt lại để hình dung môi em ngọt:

Con đường tình ta đi, với bàn chân nhỏ bé, con đường thảnh thơi nằm, cho người tình trăm năm… (Con đường tình ta đi).


Nhưng rồi quê hương mịt mù khói lửa, chiến tranh lan tràn trên khắp nẻo đường đất nước. Như bao người trai trẻ, tôi đành xếp bút nghiên, bỏ lại tất cả sau lưng, lên đường đi vào miền mênh mông gió bụi:.

Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó, đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ, đem mối thương yêu vào niềm thương nhớ, anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về...

Vì con đường anh đi mông lung mịt mờ quá, không biết bao giờ cho tới nên chẳng mong ngày về, nên đành trả lại hết cho dĩ vãng, cho cuộc đời:

Trả lại em yêu, mối tình vời vợi, ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới, đường buồn anh đi, bao giờ cho tới, nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài… (Trả lại em yêu)


Dù sao, cũng xin cám ơn người tình, cám ơn thành phố, cho tôi còn có kỷ niệm, cho tôi còn có cáí để nhớ thương:

Xin cảm ơn, thành phố có em, xin cảm ơn một mái tóc mểm, mai xa lắc trên đồn biên giới, còn một chút gì, để nhớ để quên… (Còn chút gì để nhớ, thơ Vũ Hữu Định)
Trong gió lạnh của núi rừng, nghiệt ngã của chiến tranh và nỗi thống khổ của sự cô đơn, niềm đau của chia cách, còn làm gì hơn được ngoài sự cho tâm hồn chìm vào quá khứ để tìm nhau:

Tìm nhau trong bom lửa, tìm nhau trong mưa bão.
Tìm nhau trên kinh đô xây trên xương máu,
Tìm nhau trong thống khổ, tìm nghe câu than thở, tìm nhau như thiếu phụ tìm mộ bia… (Tìm nhau
)

Tìm nhau qua mộng tưởng chưa đủ, con người còn tìm nhau qua thơ văn. Nhạc tình của Phạm Duy đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào thế hệ đàn em như tôi qua những lời chau chuốt bong bẩy như thơ, còn hơn thế nữa, lãng đãng đem thơ vào nhạc, như một phép thần, ông đã làm cho nhiều bài thơ thành bất tử. Từ những nhà thơ ở cùng thế hệ của ông như Huy Cận với (Ngậm Ngùi), Hoàng Cầm (Lá diêu bông), Lưu Trọng Lư (Hoa rụng ven sông) Thế Lữ (Tiếng sáp thiên thai), Hữu Loan (Áo anh sứt chỉ đường tà)… đến những thế hệ trẻ hơn như (Ngày xưa Hoàng thị…, Đưa em tìm động hoa vàng) của Phạm Thiên Thư, (Thà như giọt mưa,Hai năm tình lận đận) của Nguyễn Tất Nhiên hay Linh Phương (Kỷ vật cho em), Vũ hữu Định (Còn chút gì để nhớ), Duyên Anh (Có bao giờ em hỏi), và cả những nhà thơ ngoại quốc: Guillaume Apollinaire (Mùa thu chết). Một ví dụ nhỏ nhoi, bài thơ Mầu tím hoa sim của thi sĩ Hữu Loan đã được Phạm Duy phổ nhạc với cái tựa Áo anh sứt chỉ đường tà, đến nay đã ba mươi mấy năm, qua tiếng hát Thái Thanh, tôi đã nghe đến cả ngàn lần mà chưa khi nào mất đi sự cảm khái:

Chiều hành quân đi qua những đồi hoa sim,
Mầu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt,
Nhìn áo rách vai, tôi hát trong mầu hoa:
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu


Và bây giờ tôi bâng khuâng tự hỏi: giờ này trong sự trở về của Phạm Duy, khi gặp gỡ người bạn già (Hữu Loan) thuở xưa, 2 người vợ hiền đã ra đi, hai người sẽ nói với nhau điều gì trong lúc đi thăm lại những quả đồi sim tím?

Nói về sự trở về của ông, cũng cần nhắc lại chuyện ông "về thành" hơn 50 năm trước mà hiện tại vẫn còn một số không ít những bạn bè đồng đội cũ của ông dè bỉu khinh chê. Trong một cuốn băng của Thuý Nga Paris mười mấy năm trước, bàn về tác phẩm Bên cầu biên giới khi ông viết: Lòng tôi sao vẫn còn biên giới, đơì tôi sao vẫn ngừng nơi dây? ông thố lộ rằng sau 40 năm ông mới nghiệm ra cái biên giới ấy không ở đâu xa lạ, nó ở ngay chính trong lòng mình. Ngày hôm nay, khi trở về , dường như ông đang tự phá vỡ cái biên giới lòng của ông đó mà đã có một thời gian rất dài ông dừng bước lại. Có lẽ sự ồn ào thái quá cho chuyện trở về đã làm một số người trong nước cùng thời với ông tức giận.

Những người như nhạc sĩ Nguyễn Lưu, và theo một người trong nước, các nhạc sĩ như Phan Miêng, Nguyễn Đức Toàn không thể dằn lòng, đã có những lời nặng nhẹ, đồng thời đả kích những ai muốm ca ngợi tài năng của ông. Không nói đến những thông tin sai lệch đến quái đản của các ông nhạc sĩ “đỏ” này vì đã có nhiều người, cơ quan chỉ rõ, ở đây xin nói về tính đố kỵ ganh tài qua những lời chỉ trích ấu trĩ đó. Tôi e rằng nó phát xuất phần nào từ sự tự tin quá đáng, đi đến một hình thức cao ngạo của Phạm Duy. Với những bài Rong ca, với việc tự gọi mình là người đi hát dạo trong suốt hành trình dài dằng dặc hơn 80 năm tuổi đời, ý của ông là gì nếu không phải một sự kiêu hãnh ngấm ngầm: ”ta chỉ rong chơi nghêu ngao cho qua ngày đoạn tháng, thế mà danh ta cũng vang bốn bể, khối người theo không kịp”. Bây giờ, trở về xuôi ngược để nối tiếp đời hát rong trên khắp nẻo đường đất nước, chỉ mới khoảng 2% trong toàn bộ trên một ngàn tác phẩm được chính quyền cho trình diễn đã gây được sóng gió, chẳng đáng tự hào ư?

Những người “bên ấy”, làm sao không khỏi bất bình, phản cảm, có tâm trạng hụt hẫng và tủi thân khi họ nhìn thấy được cái lòng tự hào xênh xang đó. Là những công thần của chế độ, tận tụy hy sinh cả đời cho đảng cho dân tộc mà vẫn phải sống thầm lặng. Họ cho rằng nhân dân thật bất công khi dành sự trân trọng cho một tên phản bội, kẻ thất trận, chạy dài, nay thấy đất nước thay da đổi thịt lại lần mò về kiếm danh kiếm lợi. Theo họ, đáng lẽ sự tung hô nên được dành cho người chiến thắng như họ, những người đã góp công lao vĩ đại cho dân tộc. Có người khác, như ông nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn thì cho rằng tài năng của Phạm Duy chỉ là sự lừa mỵ, coi một người không xứng đáng như Phạm Duy là thần tượng là biểu hiện sự dễ dãi, nông cạn. Họ, những chiến sĩ quả cảm, dám dâng hiến tuổi trẻ cho Tổ Quốc ,không bao giờ đặt mình ngang hàng vơí một kẻ hèn nhát không dám lâm trận, chứ đừng nói tới một kẻ phản bội nhảy vào trong lòng địch, đi đánh giá, mặc cả về tài năng, âm nhạc của mình với loại người như thế chỉ làm mất giá trị của mình.

Đối với những người này, tôi xin thưa rằng: có bao giờ quý vị tự hỏi mình tại sao có điều nghịch lý đó không? Có bao giờ, trong những sáng tác của mình, quý vị đã trải thật con người, tâm hồn và sự suy nghĩ của mình không? Sự thành công của Phạm Duy không phải tự nhiên mà có, nó đã được ấp ủ và thăng tiến nhờ tính chất trữ tình và sự biểu lộ chân thật của người nghệ sĩ đã thoát khỏi sự kềm toả cùa những áp đặt về những định hướng lập trường khắt khe, đôi khi còn phải rời bỏ ngay chính mình để có thể nói lên cảm xúc đích thực của con tim. Sự đánh giá của quần chúng, không như quý vị nghĩ họ chỉ là đám dân ngu dốt, hơì hợt, luôn là những tình cảm chân thật xuất ra từ đáy lòng. Khi người ta đi tham dự một show trình diễn nghệ thuật, họ biết cái họ muốn và biết mình đang thưởng thức những thực tài hay giả dối lừa mỵ. Văn hoá nghệ thuật cần có sự khoáng đạt dễ thấm vào lòng người, còn văn hoá mà cứ phải kiên định lập trường thì quần chúng làm sao tiêu hoá nổi?

Qua những phản ảnh, nhận định trên báo, người ta cũng thấy được những tị hiềm nhỏ nhoi của mấy ông nhạc sĩ “cách mạng”. Vâng, các ông là kẻ chiến thắng! Nhưng cuộc chiến đã qua hơn ba mươi năm rồi, các ông vẫn cứ ôm chặt lấy hào quang, như thế có quá đáng không? Ở đây, công bình nhận xét thì công lao của những người đã ngã xuống, những người đã gửi lại một phần thân thể mình ở mọi miền đất nước mới là công lao to lớn đáng nghiêng mình kính trọng. Họ, những người thực sự dũng cảm, đã được những gì ngoài sự mất mát? Còn các ông, những người còn nguyên vẹn sau cuộc chiến và đang thụ hưởng những vinh quang gặt hái trên xương máu của đồng đội các ông, có chắc là quý vị đã từng anh dũng ngoài mặt trận, hay thuộc hạng chui sâu luồn kỹ trong những hậu cứ an toàn để bây giờ ngồi chễm chệ trên cao, còn đòi hỏi nhân dân đồng bào phải nhớ ơn, trân trọng suốt đời? Sẽ có một ngày tất cả những bí hiểm về sự thật của thời cuộc VN được đưa ra ánh sáng.

Trở lại với ngày trở về của Phạm Duy. Bên cạnh sự thành tựu vượt mức trong âm nhạc, cuộc đời ông và gia đình, dù có nhiều thăng trầm đổi thay, nhưng dường như lúc nào cũng khá may mắn. Trải qua bao tang thương dâu bể của dân tộc, đến nay bản thân ông phải chịu những nghiệt ngã đắng cay không nhiều, ông chưa cảm nhận trực tiếp niềm đau đớn của những năm tháng tù đày, gia đình chưa phải chịu cảnh mất mát ly tan, có lẽ ông chưa phải đổ một giọt nước mắt cho những nhục nhằn trong đời như lời ông đã từng viết:

Nước mắt rơi trên đường đã dài,

Nước mắt đưa chân về cõi trời,
Giọt lệ vàng không mùi, ngược trôi về chốn đơn côi… (Nước mắt rơi).

Nước mắt của những thân phận tội tù sau cuộc chiến tàn còn đau xót hơn thế nữa: đó là những giọt của vô vọng và tủi nhục. Trước khi cuộc chiến chấm dứt, có người đã phê phán bài Kỷ vật cho em (phổ thơ Linh Phương) của ông là một bài nhạc uỷ mị, làm giảm tinh thần chiến đấu của người lính miền Nam. Sự thật có thế không, không ai chắc. Tôi vẫn thấy nó rất thấm thía ngay cả trong khoảng thời gian bị đoạ đày, giam hãm trong cái gọi là trại cải tạo. Tuy biết là vô vọng, nhưng vẫn mơ tưởng đến ngày trở về với gia đình, với những người thân yêu. Nhiều người đã trở về, không bằng hòm gỗ cài hoa mà bằng tấm chăn rách nối kết bằng những cái bao đất liệm kín một đơì khốn khổ, chôn trong một hố đất vội đào ở một xó rừng nào đó. May mắn hơn, nếu còn cơ hội trở về, kỷ vật mang theo, không còn là viên đạn đồng đen, thay vào đó là tấm thân còm cõi, xơ xác, trở về để chứng kiến cảnh gia đình tan nát, kiếp sống dở dang:

Em hỏi anh bao giờ trở lại?
Xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về dang dở đời em,
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen,
Cố quên đi một lần gian dối… (Kỷ vật cho em, thơ Linh Phương
)

Cuối cùng, như ông từng nói, khi quê hương không dung ta được, ta phải dứt áo ra đi. Rồi những chuyến vượt biển hãi hùng, những đôi bờ cách trở, những tang tóc chia lìa. Có thuyền nhân tỵ nạn nào đã từng sống tại Bidong (Malaysia) mà quên được lời nức nở nghìn trùng xa cách mỗi khi có chuyến tàu rời bến?

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi,
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười…
Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi,
Còn lời trăn trối gửi đến cho người… (Nghìn trùng xa cách).

Hơn mười năm trước, khi nói chuyện với cựu ký giả Đỗ Văn (đài BBC, chương trình tiếng Việt) trên cuốn băng Paris by night 19 của trung tâm Thuý Nga, Phạm Duy đã nói về sự “dinh tê” của ông: “Tôi không muốn làm anh hùng, cũng không làm anh hèn, chỉ làm anh hiền thôi”.
Ông giải thích rằng, khi còn trẻ, còn độc thân thì ta còn nhiều hăng say, nhiều lý tưởng. Khi đã có gia đình, thì sự hăng say và lý tưởng đành phải hạ nhiệt vì những trách nhiệm ràng buộc với gia đình, với vợ con. Quan điểm của ông là quan điểm bình thường của những con người bình thường. Thành thật mà nói, ông đã sống hết mình và sống thật với con người của mình, dù có nhiều lúc quá buông thả đến nỗi gánh chịu lời ong tiếng ve. Dường như ông bất cần. Dường như ông chỉ bảo vệ hạnh phúc bản thân ông, gia đình ông. Điều này, là một người ở dưới mức bình thường, tôi có thể thông cảm với ông. Chỉ mong rằng, trong chuỗi ngày còn lại của cuộc đời tuổi đã cao của ông, trên bước đường rong ruổi hát dạo, đem niềm vui cho người, niềm tin cho người, lưng của ông không quá cong, gối ông không quá khuỵu xuống, như lời ông đã phát biểu không muốn làm anh hèn, để nói lên một vài lòi xu nịnh chua chát, chỉ với mục đích làm vừa lòng những ai đó ở trên, làm đau lòng những người ông đã một thời sống chung trong cùng một biên giới và những người hâm mộ tài năng âm nhạc của ông.

Lời cuối, xin cầu chúc ông giữ trọn vẹn được cái hạnh phúc riêng tư ông đã và đang có được. Chỉ xin nói nhỏ một điều, qua những sự kiện, những phản hồi trên mặt báo trong nước những ngày qua, cái hạnh phúc ấy hình như đang vẩn đục, một đám mây mò đang bắt đầu xuất hiện. Hạnh phúc, hai tiếng đơn sơ, một đời không có được, không dễ gì trọn vẹn, đúng như lời thơ ông đã từng phổ nhạc:

Gửi tới em một hạt mưa, hạt nước mắt.
Hạt nước mắt hiếm hoi trong đời này…
Gửi tới em những gì còn sống sót trên đời, như hơi ấm tuyệt vời.
Ta ôm em và tan loãng trong không gian lưu đày…
Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay. (Tình khúc trên chiến trường tồi tệ, phổ thơ Ngô Đình Vận).


Australia, 31/03/2006

1 comment:

Anonymous said...

Phạm Duy về để gặm cỏ non trên đồi (gái )tơ và thung lũng (đỏ) hồng tươi như mồng (đ'..)gà cuối tháng