Tố Hữu qua ngòi bút của Trần Đăng Khoa

Tố Hữu qua ngòi bút của Trần Đăng Khoa.


Có người bạn bảo tôi nên tìm đọc Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, một trong những nhà thơ ,vùa là nhà bình luận văn thơ đương đại trong nước.Tác phẩm có thể là một biểu tượng cho nền văn học miền Bắc. Tôi cũng ráng tìm cho ra và quả là không uổng công: ngay bìa sau của tác phẩm có in hàng chữ (In lần thứ 9 có chỉnh lí). Một tác phẩm được in lại tới 9 lần thì chắc phải có tầm cỡ. Thưc tế, tác giả tự hoạ chân dung rất ít, chỉ khoảng trên dưới 400 chữ viết chưa đầy hai trang giấy. Phần lớn các bài, ông dùng bình luận và đối thoại để vẽ đậm hình ảnh của các nhà văn nhà thơ khác(Việt Nam và cả ngoại quốc) theo cảm nhận của ông hay theo một quan điểm mà những người trong hội nhà văn như ông cố lách cho đúng hướng. Lồng vào đó, từ mỗi bức tranh, ông không quên chấm phá vài nét độc đáo của chính mình ở bên cạnh để như cùng nâng nhau lên ở một vị trí cao hơn cho rõ cái yếu tố thần đồng của ông. Biết làm thơ từ lúc 7 – 8 tuổi và 10 tuổi đã có tập thơ đầu tay thì quả là thần đồng, một thần đồng tinh quái.Cái tinh quái ở chỗ đã đi vào nghiệp văn chương ngay từ khi còn nhỏ mà cứ nhất định mình là một thợ cày. Vì thế, tác giả mới tự xưng mình là “y”. Và “y” cầm bút như cầm cày Bởi nó nặng quá nên “y” vẫn phải còng lưng, ỳ ạch vác cây thánh giá ở lứa tuổi trẻ con. Cuối cúng là 1 câu kết xanh rờn: Y chẳng đam mê gì, và nói chung, y là một gã vô tích sự…
Một thần đồng thơ mà lớn lên cho mình là một gã vô tích sự thì khiêm nhường quá thể.Thế này, quả TĐK có đọc và áp dụng câu Kinh Thánh: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ. mình xuống sẽ được nâng lên. Nhưng đó là chuyện riêng. Vì với đức tính khiêm nhường ấy, ông lại tự giới thiệu mình là người đã lên đường nhập ngũ vào những tháng cuối cùng của cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” và trở thành nhà thơ khoác áo lính, thì tôi, một gã (từng) khoác áo lính thực sự vô tích sự xin đọc Trần Đăng Khoa theo cách nhìn của tôi. Xin lỗi ông trước. Chắc chắn đây là những lờl lẽ dông dài, nhạt nhẽo và tầm phào, nhưng không nói ra được thì nó cũng ấm ức và nặng như đeo đá, giống như ông cầm bút như cầm cày và tưởng mình đang vác thánh giá vậy. Trước hết, xin nói vế bài “ Tố Hữu và bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.”
Tôi lớn lên ở miền Nam, không biết gì nhiều về nền văn học miền Bắc XHCN . Chắc chắn một điều là có nghe nói đến Tố Hữu. Ông Khoa nói đúng. Tố Hữu là một nhà thơ lớn, một nhà thơ lãng mạn cách mạng. Nói cho đúng hơn phải gọi là nhà thơ cộng sản, ngay cái bút hiệu Tố Hữu (TH)đã nói lên điều đó. Vì cái lý tưởng chuyên chính vô sản,vì sự xác định lập trường, vì công tác tuyên truyền, vì cái mà ông Khoa gọi là”tưng bừng ngợi ca cách mạng”, thực chất là cồ võ cho cái bạo lực đẫm máu trong việc chính nghĩa hoá sự tàn sát đồng loại. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nghĩ gì về những câu:”giết, giết nữa, bàn tay không ngơi nghỉ,cho ruộng đồng thêm tốt , lúa thêm xanh”?
TDK viết: Thơ ông (TH) dường như chỉ có một giọng. Dĩ nhiên, đã là thơ tuyên truyền, thơ viết theo chỉ thị thì còn giọng điệu nào khác?Giọng đó như thế nào thì phần sau, tôi sẽ cùng ông TĐK đi vào chi tiết qua bài “Hoan hố chiến sĩ Điện Biên” của TH. Cho là thơ ông ở đâu cũng vang vang tiếng trống tiếng kèn và linh đình như một đám rước thì cũng có thể hiểu, còn bảo ông trang trọng bắn cả 21 phát đại bác vang trời, có cường điệu quá không? Người ta chỉ bắn 21 phát đại bác trong việc chào mừng một nguyên thủ quốc gia. TH trang trọng bắn thơ để chào mừng ai?Phải chăng để thúc đẩy đám dân cày như TĐK và tôi đi vào những góc khuất, những vùng tối để làm liệt sĩ , chừa lại mảnh trơì bao la để có chỗ cho gió lộng vào trong tâm hồn thi sĩ lớn lao của ông ta?
Đi vào tra cứu bài thơ,: TDK viết bài thơ cung cấp cho ta nhiều con số và những tư liệu lịch sử. Khoan nói đến chuyện đúng sai của những con số và tư liệu lịch sử, TĐK và tôi, cũng như đa số triệu triệu người VN khác sinh ra sau cái thời điểm ấy có thể tin vào những dữ kiện của Tố Hữu qua bài thơ ấy được không? Chính TH đã thú nhận với TĐK rằng ông ta có biết Điện Biên ở đâu mà đi, suốt thời gian kháng chiến, đặc biệt trong chiến dịch 56 ngày từ lúc mở màn tới khi kết thúc, ông chưa bao giờ có mặt ở Điện Biên. Thế mà , theo TĐK. Tố Hữu ghi chép khá tỉ mỉ:” Bạt ngàn bộ đội,dân công đi tiếp lương, tải đạn, kéo pháo mở đường.Lương thực , đạn dược được vận chuyển đến Điện Biên bằng 2 phương tiện chính: thồ và gánh. Người ta động viên nhau, thúc đẩy nhau bằng tiếng hát. Những điệu hò lơ, hẩy lơ vang vọng khắo các triền đèo hiểm trở Lũng Lô, Pha Đin. Như thế, xem ra việc chuẩn bị chiến đấu vất vả, gian khổ nhưng vui. Rõ ràng, đi kháng chiến như đi trẩy hội. Còn khi chiến đấu thì thật ác liệt. Có thể nói đó là cuộc chiến đẫm máu.Người khoét núi đặt bộc phá,Người bịt lỗ châu mai. Người lấy thân chèn pháo. Máu người đã nhuộm đỏ cánh đồng Mường Thanh. Máu trộn với bùn đất.” Hỏi ra mới biết là cụ TH nhà ta phiạ cả. Cụ bảo lúc ấy cụ đang ngồi an toàn ở một cái bản có tên Khau Khau nào đấy để làm công tác tuyên truyền cho đồng bào, nhất là đám dân công, vài bản thượng chứ lúc đó làm gì đã có Hò kéo pháo. Không ai có thể nghĩ rằng đưa được quân , kéo được pháo vào Điện Biên. Đường sá hiểm trở lắm, toàn những đèo dốc, vực thẳm. Lúc này, cụ mới “đế “rằng dân mình ghê gớm thật. Chỉ có đôi vai, đôi bồ, khá hơn thì cái xe đạp tồng tộc, mà rồi từ Thanh Hoá, đồng bằng Bắc Bộ đưa gạo lên. Hạt gạo nặng bằng hạt máu. Phải nói ý chí dân mình ghê gớm.Họ nhịn đói nhịn khát, ăn lá lảu dọc đường. Dừng nghỉ thì nói chuyện thịt bò, nói chuyện nướng chả, làm thịt cầy, cứ như mình đang liên hoan, đang ăn thịt, mà toàn ăn thịt …mồm
Nghe sao cứ hêt như những ngày cái thằng tôi còn nằm trong cái trại cải tạo thế nhỉ? Cũng là ăn thịt…mồm, mà ăn kiểu thì thào nhỏ nhẹ thôi nhé. Lỡ có ai nghe được mà báo lên trên thì lại “ thiếu đấu tranh tư tưởng, còn nặng đầu óc tư sản, chưa học tập tốt v.v…” Mà ông TĐK có thấy cụ TH quên điều này không? Cụ ấy quên bảo rằng không hố hởi phấn khởi thì, đấu tranh, kiểm điểm, có sống cũng như chết, mà không chừng sống còn khổ hơn chết nữa. TĐK đã có đọc tập hồi ký “Tôi bị bắt” của Trần Vàng Sao chưa? Mẹ tôi hồi ấy có kể bố tôi đi dân công một lần về, hãi quá, nhất đinh đòi ông nội tôi cầm cố bán tí đất để thuê người đi thay, thế có kinh không? Ai đời gồng gánh, thồ gạo lên núi mà không được ăn gạo, phải ăn lá ăn lẩu, sống lê lết qua ngày, ở đó mà như đi trẩy hội. Hơi sức để dành cho lao động còn chưa đủ, làm gì có thừa cho tiếng hò câu hát. Mà đúng như cụ TH ta thú nhận, hát hò đâu ở giữa rừng hoang vắng. Hay là muốn ăn bom ăn đạn?. Thế mà cũng” Đuốc chạy sáng rừng, Làng bản đỏ đèn đỏ lửa”. Hỏi ra thì chẳng có bản làng, chẳng có “loa vang từng cửa”.chỉ có rừng, toàn là rừng:” Rừng vây quân thù, rừng che bộ đội” Tố Hữu đã viết thế. Hoá ra, những chi tiết TH đưa vào bài thơ nếu không nghe lỏm thì toàn là một loại tưởng tượng, một cách lừa bịp kiểu”Tiếng reo núi vọng sông rền…” mà thực tế không ai dám reo hò, nhưng phải viết thế, phải tạo không khí như thế để có cái mà hoan hô . Thành thử, khi làm ra bài thơ, người ta cứ tưởng cụ ta đang tuyên dương các anh hùng chiến sĩ, nào ngờ qua cái trò” phịa” ra những cái mà TĐK gọi là tư liệu lịch sử ấy, TH , ngoài cái đích tuyên truyền và thay đổi lịch sử theo chỉ thị, có lẽ đã rất sung sướng nghĩ mình bịp được không những cả dân tộc VN mà hầu như toàn thế giới với cái trí tưởng tượng của mình. Cụ ta còn khoe ngoài hoan hô, trong thơ còn hô khẩu hiệu nữa cơ: “Nước VN dân chủ cộng hoà. Muôn năm, muôn năm Mác – Lê Nin. Đấy, tôi hô khẩu hiệu đấy, tôi chả sợ’”
Dĩ nhiên là TH chả sợ ai. Những tên tuổi cùng thời với ông, cũng từng là công thần chế độ:Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán Trần Dần , Văn Cao , Lê Đạt, Hữu Loan…trong cái vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, cái ông nhà văn Phùng Cung có những truyện ngắn “con ngựa già của chúa Trịnh, Cây táo của ông Lành”, không những thế, còn được cụ ta ưu ái cho vào nhà đá nằm bóc lịch nghỉ xả hơi một thời, sau đó chỉ còn nước về quê ăn mày suốt cả đời, đâu phải cụ Tố Hữu chỉ có hoan hô và hô khẩu hiệu.
Nhắc đến chuyện cụ nhét vào miệng anh thợ điện Nguyễn văn Trỗi câu tung hê” Hồ chí Minh muôn năm “ ba lần trước khi chết cũng nhắc nhở cho tôi một giai thoại bịp bợm mà qua lần đối thoại với TĐK trong bài, chính TH thú nhận đã phịa ra để nhét khẩu hiệu vào. Khi ấy tôi còn đang tuổi học trò , cũng có theo dõi diễn tiến câu chuyện NVTrỗi qua báo chí Sàigòn. Sau này, ngay trong những tháng đầu trong trại cải tạo có dịp được “bắt buộc” đi coi cuốn phim “Sống như anh” về cái huyển thoại Nguyễn văn Trỗi này. Đương nhiên đi coi phim trong trại không phải chỉ giải trí mà còn là vấn đề học tập, củng phải họp bàn hàng đêm, thảo luận theo từng tổ, từng khối để đi đến nhận định và thu hoạch. Phim tuyên truyền của đảng CS thì ai cũng biết nó phải diễn tiến ra sao. Đại khái người của cách mạng phải có nhân cách thật hoàn thiện , trái lại, “đám Mỹ Nguỵ” thì phải giống như lũ ác quỷ. Tuy nhiên, có một đoạn mà tôi không bao giờ quên: đó là cảnh tả một em bé trai đánh giày hay lượm rác gì đó (dân lao động lam lũ), vì mến thương anh Trỗi qúa đỗi ở trong tù, em tìm đâu đó được một quả cam, tính chạy vào trong tù biếu anh thì bị một tên cảnh sát coi tù hung ác chặn lại giựt mất trước khi em mang tới được phòng giam anh Trỗi.Làm tuyên truyền rẻ tiền như thế, tôi cho là có phản ứng ngược. Nó chẳng nói lên được điều gì ngoài việc để lộ ra cái bản tính nhân hậu của nhân dân miền Nam, sự tự do và sung túc của xã hội miền Nam: tử tù mà những tên “ngụy ác ôn” vẫn cho dân tiếp xúc thoải mái, còn được tiếp tế cam quit, những thứ miền Bắc ăn độn lúc đó quý như vàng, chả bù cho đám “ngụy “ tôi lúc này, tiếng là được cách mạng khoan hồng cho học tập cải tạo, mà đến gia đình thân nhân ruột thịt cũng bị cấm liên lạc. Chỉ cần một chút suy luận đơn giản, ai cũng nhận ra dễ dàng: Chúng nó( Mỹ nguỵ) kềm kẹp dân tàn ác thế mà nhân dân chẳng có gì sợ hãi.
Trở về TĐK với bài “tập kích” vào nhà Tố Hữu theo cách “tiếp cận” kiểu Điện Biên của ông, nhà thơ lớn nói với nhà thơ thần đồng:”thơ Khoa thì có lẽ chẳng bao giờ có hoan hô đâu nhỉ?Còn tôi thì cứ hoan hô.” Không biết chỉ nói về thơ, TH có đúng không?(vì tôi chưa được đọc thơ TĐK), xét riêng theo cái bài đối thoại này của ông thì dường như TH cũng lại phịa. Hãy thử đọc ông trẻ tả ông già:” Trông ông trầm tĩnh như một ngọn tháp cổ kính. Mà không, ông như vị nguyên soái đã giã từ vũ khí, giã từ mọi thứ xiêm áo lỉnh kỉnh mà tạo hoá đã bỡn cợt khoác lên ông,nhiều khi che khuất cả chính ông, để ông chỉ còn lại là một già làng, cô đơn,bé nhỏ, da mồi tóc bạc, mái trắng sương gió, dường như đã quá quen với trận mạc, với mọi biến cố, thăng trầm của cõi đời dâu bể..” Và ông trẻ đã thành kính ngắm ông già như ngắm một viện bảo tàng. Nếu quả trong thơ của TĐK cho tới lúc đó chưa bao giờ biết tung hô, thì cuộc hội ngộ này với TH đã cho ông một cơ hội bằng vàng để thấm nhuần cái tư tưởng bịa ra lịch sử và nhắm mắt cúi đầu tung hô bất chấp hậu quả, bất chấp đạo lý. Một ông ngồi tận đẩu đâu, chưa biết cái chiến trường hình dáng ra sao, trên đầu non hay dưới lòng chảo, vậy mà cứ đóng trọn màn trình diễn vẽ ra cảnh con người nhịn ăn nhịn uống để hò hét động viên, loa dậy vang trời, rừng xanh rực lửa, lao thân vào đất chết mà vui như trẩy hội. Đã thế, ông còn mang đủ sắc màu tô điểm thêm cho trận địa “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” để kết thành một vòng hoa rự rỡ sáu màu, theo ông, đấy là vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh. Nhưng có 2 màu cụ thể nhất là màu máu và màu bùn thì ông lại không đem vào. 2 màu này trộn lẫn vào nhau thành một thứ nâu nâu đặc quánh, bê bết trên những triền đồi, dưới lòng vực thẳm , cho ông có một ngẫu hứng từ xa, một niềm vui chiến thắng để ông sáng tác bài thơ rực rỡ sáu màu, để cho ông đeo lên ngực của dân tộc một tấm huy chương anh hùng. Ông có khi nào tưởng tượng đã phải có biết bao ngàn người đã xanh cỏ cho dăm ba người đỏ ngực?
Ấy thế mà TĐK tung hô ông như một vị nguyên soái đã giã từ vũ khí. TH bảo:” Này, xem ra không thể tin cánh văn nghệ được đâu hỉ? Phịa, toàn là phịa. Chỉ có điều mình phịa như thật, nên người ta cũng tha cho.” Viên tướng chưa từng ra trận mạc, ngồi trong trướng viết lách những điều bịa đặt để lừa bịp quân sĩ, lại tự khoe là bịp giỏi như thật, rồi tưởng tượng rằng mình bịp hay quá nên người ta tha thì óc tưởng tượng quả thật phong phú. Không kể, những giai đọan sau chiến tranh, cái chính sách đổi tiền của ông làm bao nhiêu triệu người điêu đứng, bao nhiêu gia đình nhà tan cửa nát, cái giai đoạn sắt máu thời 54 – 75 vì lập trường chuyên chính, đồng ca một giọng , khi ông nắm quyền ban văn hoá tư tưởng đã trù dập biết bao gia đình văn nghệ sĩ miền Bắc mà hậu quả vẫn còn kéo dài cho tới tận hôm nay, nhiều gia đình chưa ngóc đầu lên được. Suốt những năm tháng ấy, và cho đến ngày ông ra đi, TH có lần nào có một lời hỏi han hay tạ tội để biết rằng “người ta cũng tha cho” ?
Vậy mà ông Khoa thần đồng đã vẽ lại chân dung cho TH hay đáo để. Từ một vị thống soái oai phong chưa từng ra trận mà mái tóc đã bạc màu sương gió đến trở thành một già làng cô đơn bé nhỏ, cổ kính như một viện bảo tàng. Còn hơn thế nữa,TĐK lại choàng cho TH cái hào quang của lòng từ bi nhân hậu. TĐK viết:” Rồi Tố Hữu lại cười. Nụ cười thật hiền hậu. Trông ông lúc này có dáng vẻ của một ông Phật”. TH nói rằng ông chỉ đi nghe lỏm chuyện rồi nhét bừa vào thơ, vậy mà lại muôn màu rực rỡ, Khoa lại bảo:” Rồi Tố Hữu lại cười. Hoà ra ông Phật này cũng thích đùa lắm. Ông nói mà cứ như đùa và tôi nghĩ, phải là người uyên thâm lắm. thông minh và lịch lãm lắm mới có thể nhìn mọi sự đơn giản như thế, mới đùa được như thế.” Đùa giỡn trên những hy sinh cao cả của hàng vạn sinh linh, đùa giỡn trong sự tuyên truyền dối trá làm người khác tin, để họ ngã xuống cho mình được sống, mình hưởng tất cả những thành quả của chiến thắng mà TĐK diễn tả là TH có dáng hiền của một ông Phật thì có lẽ ông Khoa cũng đừng nên tự sỉ vả mình là một gã vô tích sự nữa, vì TĐK cũng thích đùa lắm, và cú đùa thượng thừa này chứng tỏ cũng đầy “dáng vẻ của một ông Phật.” Và cái lũ hàng ngàn hàng vạn đã tùng là nạn nhân của TH ắt là quỷ sứ? Ôi một thời điên đảo!
Nói cho cùng, xét về văn chương câu chữ, Tố Hữu có tài làm thơ. Bài thơ Từ Ấy là một trong những bài xuất xắc với những lời lẽ chau chuốt: “ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ /mặt trời chân lý chói qua tim./ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim.” Tiếc thay, những bài như vậy quá ít trong thơ của ông. Đa phần còn lại, như TĐK nhận định chỉ toàn một giọng: những lời tuyên truyền giả trá, những câu tung hô, những khẩu hiệu,những lời ngơị ca cách mạng một cách sắt máu và những lời cổ võ cho chiến tranh, thù hận và giết chóc một cách tàn bạo chứ không phải là những giai điệu tưng bừng,những âm hưởng vui bất tuyệt như ông TĐK tưởng tượng. TĐK,như tôi, đã từng khoác áo lính, hẳn TĐK đã chứng kiến cảnh đồng đội mình ngã xuống, ông Khoa có thấy lòng mình rộn rã vui lên hay chùng xuống?. Dù ở phía nào, con người cứ nhân danh cho một lý tưởng nào đó để khuyến khích đồng loại gây cảnh máu đổ thịt rơi , lại xứng đáng với một so sánh dáng Tiên dáng Phật?
Thực ra, đối với tôi, đối với nhiều người , ngay cả khi đi tìm cứu tài liệu vể Tố Hữu ở nước ngoài, không nói đến cuộc đời, sự nghiệp chính trị, chỉ nhìn vào khía cạnh văn thơ, người ta thường chỉ nhắc tới ông qua những bài thơ tung hô quá đáng đến mức trơ trẽn của ông, mà cụ thể nhất là bài Khóc Stalin của ông . Nếu có thể, mời ông Khoa giở vài cuốn tự điển bách khoa , tìm chữ Tố Hữu, ông sẽ tìm thấy một đoạn của bài thơ này đươc chuyển ra Anh ngữ:
Xít ta lin! Xít ta lin!
Yêu biết mấy nghe con tập nói,
Tiếng đầu lòng con gọi Xít ta lin.
Mồm con thơm sũa xinh xinh,
Như con chim của hoà bình trắng trong.
Đêm qua loa gọi ngoài đồng,
Tiếng loa xé ruột xé lòng xiết bao!
Làng trên xóm dước xôn xao,
Làm sao ông đã làm sao mất rồi,
Xít ta lin ! Xít ta lin!
Hỡi ơi! ông mất đất trời biết không?
Thương cha ,thương mẹ,thương chồng
Thương thân thương một, thương ông thương mười.
Cái tấn tuồng thương vay khóc mướn của TH qua bài thơ này phải nói đả đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tung hô, cho đến nay chưa ai có thể qua mặt. Nhưng cái “hơn người hơn đời” của nó là ở chỗ nhét vào miệng đứa trẻ bập bẹ tập nói lời nói đầu tiên mà khắp cả thế giới, ngay ỏ tại đất nước Liên Xô thời Stalin,chưa đứa trẻ nào làm được . TĐK có thất kinh hay hồ hởi khi đứa con hoặc cháu trong gia đình ông cất tiếng nói đầu tiên, không phải là tiếng ba ba, mẹ mẹ thường tình, mà là một tiếng quái quỷ như tiếng trong bài thơ trên? Hẳn là TH rất muốn quên và cũng không muốn ai nhắc nhở tới nó, nhưng với cả cuộc đời và thi ca của ông chỉ là những tuyên truyền và tung hô, thì dưòng như ông vẫn thích reo vui, thích đùa cho đến cuối đời, chưa bao giờ thấy nhục nhã, tủi hổ. Khốn khổ cho ông, bài thơ như đã thành thương hiệu của ông, nói đến Tố Hữu, muôn đời sau người ta vẫn chỉ nhắc tới bài thơ Khóc Stalin chứ không phải là bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên hay bất cứ bài thơ nào khác. Ông TĐK có cố ý rửa mặt cho TH bằng cách đánh bóng và tung hô ông có dáng Tiên hay Phật cũng chỉ là công dã tràng.
,
Chỉ một giọng tung hô
Sống mà không thấy nhục.
Chết mang xuống nấm mồ,
Cả một đời thi nô!
Phương Duy
Australia, 16/07/2006

Các bài liên quan:
Thơ Tố Hữu và thơ truyền miệng,Hoàng Sơn Tiên
Bàn về thơ Tố Hữu,chết cười nhưng chẳng sai>,Werd
Diễn đàn:Thơ Tố Hữu và thơ truyền miệng,Hoa Hạ
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên,Tố Hữu
Đời đòi nhớ ông,Tố Hữu
Tố Hữu,những vần thơ khó quên,Phan KIến Quốc
Tố Hữu và những con chim trong đàn,Hồng Lê
Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng,Nhật Hoa Khanh
Phùng Quán, Tố Hữu và Nguyễn Khoa Điềm,Tưởng Năng Tiến
Tố Hữu,nhà thơ hàng đầu thế kỷ 20?,Nguyễn văn Lục

No comments: