Tuỳ bút ngày xuân


NGÀY XUÂN MIỆT VƯỜN.


Năm hết, tết đến. Nói đến Tết là phải có mùa xuân đi kèm. Tết ở xứ này mà nói về mùa xuân nghe nực cười. Xứ sở “miệt dưới” thì cái gì cũng lộn tùng phèo. Nực cuời đấy! Không phải mắc cười, không phải tức cưòi, cũng không phải buồn cười đâu. Này nhé! đất nước to tổ chảng chỉ có 20 triệu nghoe, ra đường cứ vài cây số lại có 1 cái công viên,không thì cũng 1 khu xanh, thú rừng rặt 1 loại 2 chân trước ngắn ngủn bé xíu , 2 chân sau và cái đuôi thì to và khỏe như cột nhà, di chuyển lúc nào cũng như lực sĩ nhảy xa, ngày trước mấy ông thày giáo môn địa ở VN ta quen gọi con đại thử hay chuột túi, có con to như bò mộng mà hiền khô, có con bằng chú puppy mà lý lắc. Còn vô số cái lộn lèo khác mà dân ta phải cố mà cười. Nhưng cười đến nực(cười) phải kể cái thời tiết của xứ này. Tết âm lịch đến, cứ hát nhạc xuân, gừi card cho nhau cũng cung chúc tân xuân, văn thơ ca tụng nàng xuân, mà hầu như năm nào cũng đón Tết trong cái nực chảy mỡ. Thật là đón xuân trong nắng cực. Chả là ở đây đã vào cuối hè, mặt trời có lẽ loé ra những tia cuối cùng dữ dội nhất trước khi dịu lại. Được cái đón xuân giữa hè cũng có điều vui, dân mình thể hiện đúng câu Tháng Giêng là tháng ăn chơi , nên nực thì nực, trong những ngày này cứ tổ chức vui chơi hội chợ mừng xuân đến 4,5 cái cuối tuần liền, để cho đám Úc” chính hiệu con nai vàng” biết mặt, thử coi thằng nào chơi bảnh? Thực sự, ở đây xuân sang từ đầu tháng 9, khí hậu vẫn còn khá lạnh, người ra đường vẫn còn áo ấm, cây cỏ bắt đầu đâm chồi và đào thì nở rộ. Tôi vẫn thích được nhìn ngắm hàng cây đào trồng 2 bên vệ đường, xuân về cây chỉ toàn bông trông đẹp mê hồn. Thuở còn trong nước có bao giờ nhìn thấy. Mỗi độ xuân về, nghe nói chỉ miền Bắc và Đà Lạt mới có, sống ở miền Nam nên Tết đến chỉ biết có mai vàng. Thời ấu thơ, những năm còn tương đối thanh bình, đầu tháng Chạp, anh em lại kéo nhau vào rừng tìm mai. Rừng khá nhiều mai, nhưng kiếm cho được cành mai đẹp cũng trần ai lắm. Thường thì anh em tôi cũng chỉ có được 1 cành mai nho nhỏ mà thiên hạ áng chừng chê không đẹp chừa lại. Rồi cũng chặt đem về vặt lá, đốt chân, mong có nhiều hoa và hoa nở trong đêm Giao Thừa thật to, thật nhiều. Mong thế thôi, chứ năm nào đến mùng một Tết cũng chỉ lác đác vài bông. Trâu chậm uống nước đục là thế.Thây kệ, cũng là có để chen đua với thiên hạ. Thế cũng chỉ được vài năm. Sau này, khi mấy ổng ở trong bưng ra rục rịch phá phách, chiến tranh từ từ lan rộng, khu rừng trở thành cấm địa của mấy ổng thì không còn ai bén mảng tới nữa. May mà có 1 năm , sau Tết , tiếc nhánh mai quá đẹp, có nhiều bông, mà lại bông to, tôi không vứt đi mà đem trồng đại trước cổng nhà. Trời xui đất khiến, nó đâm chồi mọc rễ và sống sót. Từ đó, mỗi dịp xuân về, chỉ việc ra hái lá , rồi chăm bón cho nó nở bông đúng ngày. Bẵng một thời gian nhiều năm vắng nhà, khi trở về, tôi không còn thấy cây mai đó nữa, không biết vì lý do gì bố tôi đã chặt đi hay vì mai già mai cội. Bây giờ, nơi xứ sở “ ra ngõ gặp đào”(nhưng không phải mùa nên chẳng có bông) nhưng tìm hoa mai chẳng có, trong cáí nóng hừng hực như đốt cháy da này,vẫn cứ phải đón xuân, mà đón sao cho phải phép đây?
Mở CD nghe nhạc đón xuân như ông bạn TNT (Ông họ Tưởng tên Tiến đó, chứ không phải bánh thuôc nổ đâu, chết tui à nghen!) mấy hôm rồi cũng có cái kỳ thú. Có điều ổng nghe xong rồi ổng than sao nhạc xuân gì buồn quá ,má ơi! Coi nè ông, nhạc Xuân xứ mình nó phải dzậy chớ! Dzui quá hoá nhạc… Tây sao ông? Mà nhạc Tây nghe qua là phải lắc, ông lại còn tốn tiền mua đồ lắc, thuốc lắc, mà đang ở nhà thì lắc với ai? Muốn dzui thì cứ Xuân và tuổi trẻ, Khúc hát thanh xuân, hoặc là Chúc xuân, Du xuân gì đó cũng được, ai bảo ông chơi Lạc mất muà xuân hay Xuân này con không về, Tôi chưa có mùa xuân rồi than buồn với má. Tôi đây vui buồn kệ mẹ nó, cứ lâng lâng nhè nhẹ…dăm ba chai , nửa vui nửa buồn cái kiểu Anh cho em mùa xuân của ông nhạc sĩ Nguyễn Hiền vừa mới giã từ chúng ta là được .
Anh cho em mùa xuân
nụ hoa vàng mới nở,
chiều đông nào nhung nhớ

Đường lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây

Anh cho em mùa xuân
mùa xuân này tất cả
lộc non vừa trẩy lá

Lời thơ thương cõi đời
bầy chim lùa vạt nắng
trong khói chiều chơi vơi

Đất mẹ đầy cỏ lúa
đồng xanh xa mấy mùa
Ngoài đê diều căng gió
thoảng câu hò đôi lứa

Trong xóm vang chuông chùa
trăng sáng soi liếp dừa
Con sông dài mấy nhánh
cát trắng bờ quê xưa


Anh cho em mùa xuân
trẻ nô đùa khắp trời
Niềm yêu đời phơi phới

Bàn tay thơm sữa ngọt
giải đất hiền chim hót
mái nhà xinh kề nhau

Anh cho em mùa xuân
đường hoa vào phố nhỏ
nhạc chan hòa đây đó

Tình yêu non nước này
bài thơ còn xao xuyến
rung nắng vàng ban mai

Anh cho em mùa xuân
Nhạc thơ tràn muôn lối




Có được mùa xuân đem cho nhau thì còn gì sướng hơn nữa, mà chỉ có thời thanh bình đó thôi . Bây giờ, ở trong nước mà đem xuân cho nhau là chết mẹ, chỉ đảng là được quyền ban phát thôi. Đảng đã cho ta một mùa xuân mà lỵ! Cứ như là đảng làm ra được mùa xuân í . Mùa xuân có hoa có lá,có đất có sông, có con chim bay trong vạt nắng, có con diều dập dìu lướt gió. Đúng nó đây rồi, cái gốc của tôi, cái hương đồng gió nội ấy mà . Mẹ họ, không mê sao được. Gốc chân quê thì mãi mãi vẫn cứ chân quê. Không hiểu sao cô gái trong bài hát chỉ lên tỉnh có vài tiếng đồng hồ, mà cái “chân quê” của cổ đã bay đi ít nhiều,hay là có thứ khác nó bay mà anh chàng si tình nhìn lộn?Chứ tôi thì hơn nửa đời người, đi khắp chân trời góc bể, cái dấu tích quê mùa nào có phai. Thưở nhỏ trong làng, chỉ cách thành phố Sàigòn hơn 20 cây số ngàn mà sao quê ơi là. Mỗi năm gần Tết, được mẹ đi chơi , đi tết cô bác chú dì ở Sài gòn thì sung sướng mê tơi. Họ hàng thân thuộc thì cũng đâu có sang trọng gì, toàn trong khu xóm nghèo lao động, ấy thế mà sau khi xuống khỏi chiếc xe đò, chen chân lên chiếc xe thổ mộ cao nghễu nghện là 1 điều thích thú vô cùng, gặp đám con bà cô dắt đi chơi thì cứ ngẩn tò te, sao chúng nó giỏi quá, cái gì cũng biết, mình cứ như khỉ ở trong rừng, nét ngây ngô hiện rõ trên mặt. Cái mặc cảm nhà quê nó kéo dài trong suốt tuổi học trò, dù mắc cở cố giấu , nhưng càng giấu càng lòi đuôi.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Tôi không chỉ chân quê mà là quê một cục. Đến nay dầu mái tóc đã điểm sương mà vẫn cứ: ăn theo lối quê, thở ra lời quê. diện hàng “name” cỡ Gucci, Raph Lauren vẫn cứ quê, thối thì chơi luôn hàng “no name” cho đỡ hao tại, cái áo $5.00 thì cũng “sêm sêm” cái áo $500.00, người quê thì có dát vàng cũng chẳng làm sao sang được; có lẽ phải rời qua xứ sưong mù của Nữ Hoàng, hy vọng có ngày được bà thương tình mà phong cho tước “sir” cho cái tính quê mùa dzĩ đại của mình. Ồ! mà cũng không xong, mồm miệng ăn mắm muối hay nói bậy, cái khẩu vị chỉ mê cà dưa khô mắm, cái đặc trưng của người dân quê VN, mà đến má bầy trẻ trong nhà còn không thể nuông chiều mãi, nói chi đến dân Nữ Hoàng. Lâu lâu thằng tôi xin phép được bả ban cho một bữa dưa muối , thì y như rằng bả cứ ca cẩm : đòi chi không đòi, cứ đòi ăn ba cái thức ăn miền quê chẳng có dinh dưỡng gì hết, nhà cửa bên nay thì kín như bưng, mỗi lần nấu nướng mấy cái đó, thì cả tuần sau , trong nhà cũng chưa hết mùi. Đấy ông Tưởng ơi! nhà em đã qua hơn 50 mùa lá đổ rồi, cái chân quê có mất mát tí tẹo nào đâu?
Một lý do nữa làm tôi thích cái bài Xuân này là bờ đê, con diều: Ngoài đê diều căng gió. Trò chơi diều thì trẻ em nào chả thích, ở đây muốn , cứ việc ra shop ôm về mà thả, đủ loại đẹp mắt đẹp tiền. Thuở nhỏ, tôi không nhớ có ai bán diều hay không, chỉ nhớ là có bán thì cũng đêch có tiền mà mua, nhà nghèo, ăn còn chưa có , ở đó mà có tiền mua đồ chơi. Diều phải tự tay làm lấy, tôi thì nổi tiếng là tay hậu đậu, nên chọn kiểu con diều dễ làm nhất như cái thoi có gắn đuôi, mà mười lần hết chin, cứ đem thả là nó chúc đầu xuống , không chịu bay lượn như của thiên hạ. Đôi khi chó ngáp phải ruồi đưa được 1 con lên lấp la lấp lửng. Chạy ầm về khoe còn bị mẹ cho ăn đòn vì cái tội ham chơi hơn ham học. Ấy đại loại cũng vui ra phết,vì may mắn quá , mình nhớn lên ở miền Nam trong cái thời loạn ly thổ tả đó.
Còn con đê, cái này ông Tưởng không đúng à nghen. Ông nói vì sinh trưởng trong miền Nam , ông không thấy con đê nào hết, chỉ miền Bắc mới có. Wrong! Quê tôi rõ ràng có đê. Mặc dù không có con sông nào chảy vắt qua, có con lạch thì ở tận mãi trong rừng, cách xa cả 1,2 cây số, vùng đó, mấy ổng “cách mạng” chiếm mẹ nó mất rồi; nó cũng quá nhỏ để có 1 con đê. Thế mà làng tôi có 1 bờ đê mới hách chứ. Ông Tưởng và quý vị có biết làm sao có cái bờ đê lạ đó không? Chẳng qua, đó là bờ đê của cái hàng rào ấp chiến lược đó mà. Thây kệ, đê nào cũng là đê, có được con đê trong làng cũng hãnh diện lắm chứ. Bờ đê đó, sau này không còn nữa, nhưng với tôi thật thân thương vì nó mang nhiều kỷ niệm, vui buồn có đủ. Hôm nay trong lúc vui xuân nên chỉ nhắc đến những chuyện vui. Gia đình thuở ấy nghèo, nhưng ông bố tôi lại là công chức, một loại công chức hạng bét của thời Đệ Nhất Cộng Hoà, ông lân la học đâu được cái bằng y tá sơ cấp khi còn trong quân đội, giải ngũ về thì làm trong bộ y tế, lúc thì làm việc ở bệnh viện, khi thì đổi qua sở thú y, lương ba cọc ba đồng, lại phải sống xa nhà, cuối tuần mới về nhà nên tiền bạc giúp gia đình không có là bao, được cái là tuần nào đàn con cũng có quà. Không nhiều, chỉ ổ bánh mì dòn tan hay vài cái bánh mà vui, nhất là mớ thịt ông được mua nửa giá đem về(cán bộ kiểm thực mà), cả nhà có được một vài bữa cơm thịnh soạn. Mẹ tôi chủ trương tần tiện, trong tuần chỉ dưa muối qua ngày, chờ bố nó. Bố tôi lành như bụt và nhát như cáy, ông lúc nào cũng an phận. Vậy mà một hôm ông bỏ sở về nhà không đi làm nữa. Ai hỏi ông chỉ nói: Cái thằng bác sĩ trẻ khốn nạn, nó ỷ có học, nó khi dể tôi tức không chịu được. Bỏ việc thì mất lương, mất cả tiền hưu, mẹ tôi chắc buồn lắm, làng xóm chả có việc cho ông. Đúng ra thì có đấy, nhưng bố tôi nhà nghèo mà là con trai một, công việc cực khổ ông không quen nên không làm nổi. Nằm nhà hoài dễ sanh chuyện, buôn bán thì không có năng khiếu, ông bà bàn nhau thử chăn nuôi để sinh lợi. Hồi ấy, ông có từng học qua 1 khoá về chăn nuôi, lại có cả vài cuốn sách chỉ dẫn cách nuôi gà , heo bò nữa. Gà, heo thì đã có sẵn trong nhà do mẹ tôi lo, bố tôi kiếm mua được 1 con bò cái đã chửa sẵn, chỉ chăm lo cho nó ít tháng, vài tháng nữa nó đẻ là vừa có lời vừa có kinh nghiệm. Công việc của ông rất nhàn là đi chăn bò( có 1 con thôi, không phải hàng đàn như đám cao bồi xứ Mỹ), lớ ngớ thế nào để con bò, trong lúc gặm cỏ, đạp lên mắt cá chân . Ông bị đau nên mở miệng chửi:
- Tiên sư bố mày, lóng nga lóng ngóng, dẫm cả lên củ khoai của ông.
Có lẽ ông chửi khá lớn, đám trẻ chăn bò trong làng, dân địa phương miền Nam rặt, nghe một ông già Bắc Kỳ chửi lạ tai , bọn chúng nhái y hệt để cười với nhau.
Bố tôi bị trật mắt cá, ôm cái chân đau về nằm mất hơn 2 tuần mới dậy nổi, ông bỏ luôn nghề ra đê chăn bò cho anh em tôi. Còn tôi, mỗi lần đến phiên, ra gặp chúng nó lạc chọc:
- Ê thằng Bắc Kỳ con! tiên sư bố mày, lóng nga lóng ngóng, dẫm cả lên củ khoai của ông.
Vật lộn với tụi nó không lại vì chúng đông hơn, chỉ biết chửi đổng rồi bỏ đi. Riết rồi tụi nó cũng tới hỏi:
- Cái mắt cá chân mà bố mày gọi là củ khoai, ngộ quá hén! Mà củ khoai của ổng đỡ chưa dzậy?
Con bò cái đẻ ra 1 chú bê con, phá như giặc, chạy tông vào nhà làm đổ cả bàn ghế. Anh em tôi mắc tới trường , không có người chăm sóc nên bố mẹ tôi đem bán. Còn đám chăn trâu ấy, sau này mỗi đứa đi mỗi ngả. Có thằng lớn lên cũng đi bảo vệ quê hương, có thằng nghe lời dụ dỗ, thoát ly vào bưng làm :cách mạng”, để rồi có một hôm nào đó trở về đắp mô,gài lựu đạn, quậy phá xóm làng, bị phát hiện nằm phơi trên bờ đê cũ.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Xuân về, có hoa vàng cỏ dại, có đồng xanh, có con đê, có mái nhà xinh, có con diều giấy mà không có thẩn có thơ là điều thiếu sót. Tôi không biết làm thơ. Thật ra cũng đã từng thử làm một hai bài, nghe toang thoảng có mùi, như mùi cóc chết; tệ hơn cả bài thơ Con Cóc. Ít ra bài Con Cóc này cũng được nhà phê bình văn học Nguyễn HưnG Quốc khen nó nổi tiếng vì không ai không biết đến. Thơ của tôi đưa thằng bạn đọc xong, nó phán ngay một câu xanh rờn:
- Cái này mà mày gọi là thơ à! Mấy câu vớ vẩn ghép vần lại nghe cho êm tai chứ thơ thẩn gì. Thợ thơ thì có chứ bảo là nhà thơ thì thúi bỏ mẹ. Mày đừng làm thơ thì hơn.
Thì cũng ráng nghe lời thằng bạn trời đánh. May quá , hôm rồi có bà bạn ở Houston gửi tặng bài thơ xuân, bà này nữ sĩ đàng hoàng nghen (Nguyên Nhung đó, nổi tiếng hay không hoặc cỡ nào, quý vị ở TX lên tiếng xác nhận giùm cho, còn tôi ở Miệt Dưới hổng rành lắm). Bà NNhung này với tôi cũng có những kỷ niện vui là lạ. Thuở nhỏ nhà ở sát cạnh nhau, bả với tôi là bạn học cùng lớp, nhưng bả khôn hơn nên tôi coi như đàn chị. Thời buổi loạn ly nên đã xa nhau khi mới chỉ hơn mười tuổi đầu, hơn 40 năm trời chỉ tình cờ nhận ra nhau trên mạng ảo (chưa hề gặp lại), mà tình thân vẫn khá đậm đà. Xin mượn đỡ 2 câu của NNhung cho bài viết này có chút thơ:
Trước sân một đoá hoa vàng,
Rung rinh trong nắng,chiều man mác buồn.

Không có thơ thì mình vui xuân theo cách khác. Xin góp nhặt một vài câu đối mừng xuân.
Quan giả thức,chẳng thờ (th), lại kên nên quan Ức ,
Dân vờ ngủ,không hỏi, gian xảo bảo dân ngu.

Vào năm chó, mừng quý bạn khoái “cờ tây” một món:

Cây mới mọc, kéo huyền vào đội mũ,
Còn ly hương, g(r)iềng xóm cố bảo tồn.
Phương Duy
Australia.
Xuân Bính Tuất 26/01/2006

1 comment:

Anonymous said...

Anh PD, không biết anh có đủ thời gian để xem mọi comments bà con vào blog của anh để thảo luận không? Diễn đàn kiểu này anh phải kiếm vài người dọn vườn OK...