Công nhân VN: cuộc đọ sức bắt đầu

Công nhân VN: Cuộc đọ sức bắt đầu.



Sau những biến chuyển xảy ra trong khoảng 2 tháng vừa qua, gồm có sự đình công tự phát hàng loạt của công nhân các tỉnh thành phía Nam dần dần tràn vào các tỉnh phiá Bắc, từ các khu công nghiệp nước ngoài làm chủ FDI lan sang các khu doanh nghiệp trong nước và có cơ xân nhập cả vào những công nghiệp quốc doanh, sự lên tiếng góp ý thật đông đảo và mạnh mẽ chưa hề có trong nước mà đa số là các thành phần nhân sự trẻ trung , có kiến thức, điển hình qua những lá thư ngỏ ,góp ý của anh Nguyễn tiến Trung, sinh viên CNTT năm thứ tư đang du học tại Pháp và bản kiến nghị 8 điểm của nhóm đại diện công nhân trong nước đứng đầu là anh Nguyễn tấn Hoành, ĐCSVN nhận thấy rằng thanh niên VN đang vuột khỏi tầm kiểm soát của họ. Thời đại tin học với các phưong tiện thông tin nhanh chóng làm nhận thức của thanh niên tiến bộ vượt bực, dù đảng cố tìm cách ngăn chận nhưng vô hiệu. Lo sợ bị mất chỗ đứng trong lòng thanh niên, đặc biệt thành phần công nhân và sinh viên là những người trẻ, rất năng động, có lý tưởng, có hoài bão,nhiều nhiệt huyết, ĐCSVN dường như đang cố gắng đưa ra một biện pháp nhằm tập họp thanh niên lại để chỉnh đốn quản lý và giáo dục lại ,nhằm thu hút thêm các đối tượng vào các tổ chức đoàn TNCS đã trở nên lỏng lẻo,nhàm chán từ bấy lâu nay.
Bắt đầu từ tp Sài Gòn, Báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 09/03/2006, dưới tựa đề “Vì sao 70/% thanh niên đứng ngoài tổ chức đoàn TNCS?” đã đưa tin về buổi làm việc của Nguyễn Minh Triết, bí thư thành ủy TPHCM với ban thường vụ thành đoàn TNCS TPHCM vào ngày 08/03/2006 để tìm ra nguyên nhân và cách tháo gỡ cho hiện tượng “chảy máu tiềm năng và chất xám “ này.
Trích báo SGGP:” Theo thống kê, từ năm 2003 đến 2006, số lượng thanh niên (TN) trong độ tuổi 15-35 tuổi ở TPHCM tăng từ 1,7 triệu người lên 2,3 triệu người, nhưng hiện mới chỉ có gần 390.700 là đoàn viên TNCS, gần 240.000 là hội viên Hội LHTN và khoảng 150.000 sinh viên các trường đại học sinh hoạt trong các chi hội sinh viên. Tính ra, còn khoảng 70% TN đứng ngoài tổ chức Đoàn và Hội.
Không biết báo SGGP đã tính dữ liệu thống kê theo phương pháp tỷ lệ nào? Ở đây, nếu chúng ta lấy số liệu 397,000 đoàn viên trên tổng số 2,3 triệu thanh niên toàn thành phố, tỷ lệ phần trăm chỉ là 17%, tức là có đến 83%(chứ không phải 70%) thành phần trẻ của thành phố lựa chọn đứng ngoài các tổ chức do đảng đoàn lãnh đạo. Tuy nhiên, số lượng tụt giảm chưa phải là cái quan tâm nhất của đảng mà là sự mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo của đảng: hệ thống giáo dục bưng bít một chiều và nặng phần tư tưởng chính trị vô bổ không thể làm thui chột những nhận thức sáng suốt và đúng đắn của thanh niên trong thời đại mới về một thế giới mở. Rõ ràng qua các cuôc đình công tự phát của công nhân, mặc dù đã nắm hệ thống công đoàn trong tay, đảng vẫn không gây áp lực ngăn chặn được. Cần ghi nhận ở đấy:các cuộc đình công đều là bất hợp pháp theo pháp luật nhà nước CSVN .Chỉ cần tụ họp trên 5 người tại một nơi công cộng không có giấy phép cũng đã vi phạm pháp luật có thể bị bắt giữ. Nhận định về sự yếu kém trên, Nguyễn Minh Triết cho rằng: tổ chức đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố, ông phát biểu:” Để tập hợp rộng rãi TN, tổ chức Đoàn không thể đứng sau hay đứng trên mà phải là người bạn đồng hành cùng tuổi trẻ TP để từ đó làm tốt hơn công tác giáo dục, rèn luyện lý tưởng, đạo đức cho TN; giúp TN có điều kiện học tập nâng cao kiến thức và giúp họ có sức đề kháng bảo vệ mình trước mọi cám dỗ ngoài xã hội.” Ở đây, chúng ta có thể chú ý tới cụm từ “bạn đồng hành” mà ông bí thư thành ủy xử dụng. Tại sao đoàn muốn đông đảo công nhân và sinh viên gia nhập vào tổ chức đoàn lại không hoà đồng để tìm hiểu tâm trạng và nguyện vọng của họ mà chỉ với mục đích làm công tác lãnh đạo , giáo dục họ theo chủ trương đường lối riêng mình. Bạn đồng hành không chưa đủ, thanh niên khi không được tham dự vào thành phần lãnh đạo của tổ chức đoàn vẫn cảm thấy đứng ở bên ngòai tổ chức, lại còn thêm sự phiền phức về những ràng buộc sinh hoạt và điều lệ của đoàn.
Khi đi tìm nguyên nhân, riêng cho thành phần công nhân, để giải thích cho những cuộc đình công vừa qua, một bí thư quận ủy, ông Hứa văn Thuận cho rằng nhiều xí nghiệp công nghiệp chưa thành lập được các tổ chức đoàn hội,nên không có cơ hội để thông tin, tạo điều kiện cho công nhân tham gia các phong trào thi đua sản xuất, văn thể mỹ và vì thế không nắm bắt được tâm tư tình cảm của thanh niên công nhân. Ông Thuận dã “đặt hàng” với thành đoàn phối hợp cùng quận làm việc với chủ doanh nghiệp để hình thành tổ chức đoàn TNCS và hội Liên Hiệp TN vừa giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vừa tập hợp giáo dục thanh niên ,công nhân làm việc có tổ chức kỷ luật. Ông còn nhận định rằng : công nhân sau giờ làm việc, không biết làm gì ngoài chuyện đi nhậu và coi nhiều bộ phim không thể kiểm soát được về nội dung .
Trước khi bàn sâu vào việc “đặt hàng” với thành đoàn của ông bí thư quận uỷ trên, người viết bài xin trích một đoạn thư của 1 “cựu bí thư” đoàn gửi bí thư đảng uỷ về lề lối làm việc cũa thành đoàn vừa mới đăng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày Chúa Nhật 12/03/2006:
Trong tim đang “bừng nắng hạ”, tôi lao vào làm mọi việc: phát động những phong trào xung kích, tổ chức những đêm giao lưu, diễn đàn, tọa đàm. Bí thư đảng ủy ghi nhận: Được đấy! Cố gắng lên! Tôi vui vui. Nhưng sau các hoạt động, khi đoàn viên... về hết rồi thì chỉ còn mình tôi với... một đống sổ sách. Hoạt động hằng tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà có tới hơn một chục cuốn sổ công tác. Mỗi tháng một lần ngồi viết nghị quyết trên bốn mặt công tác, dù có cô đọng lắm thì cũng “đi đứt” gần 10 trang A4 cho một nghị quyết. Còn nội dung trong ấy có gì?
Vẫn là những “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “phát huy”, “xung kích”..., những cụm từ nghe thì có vẻ “vĩ mô” nhưng hiệu quả thực tế xa vời như mây ở trên trời. Người ta vẫn nói Đoàn là hành động, mà cán bộ Đoàn thay vì có mặt ở những phong trào thanh niên lại thành cái máy sản xuất nghị quyết thế này ư? Tôi “vi hành” thầm lặng theo dõi thái độ đoàn viên sinh hoạt thì thấy: khi các bí thư đọc nghị quyết chẳng mấy ai nghe, ai bàn, toàn “thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý”. Chỉ khi nào có các chương trình như: tọa đàm, giao lưu, dã ngoại thì họ mới sôi nổi, bàn bạc. Phải làm một cái gì đó. Tôi “đổi mới” từ chính cách viết nghị quyết của mình. Trước đây “tăng cường, đẩy mạnh, quyết tâm” dài mươi trang, nay tôi “chọc thẳng” vào tháng này làm những đầu việc gì: tọa đàm cái gì, sinh hoạt ở đâu, giao lưu picnic mấy bận? Tất cả tinh gọn chỉ hơn trang giấy, đọc loáng cái xong. Thời gian còn lại để bàn bạc cách làm cụ thể. Các buổi sinh hoạt Đoàn tự nhiên sôi nổi hẳn lên! Phong trào lên! Tôi nổi lên như một cán bộ xông xáo, có năng lực.
Nhưng rồi câu ngạn ngữ “Đom đóm chết vì sáng” đã đến với tôi. Cấp trên thấy chúng tôi làm tốt đã tổ chức kiểm tra kết hợp tìm hiểu mô hình hoạt động. Và “công cụ” đầu tiên để kiểm tra là... hệ thống sổ sách của Đoàn. Cầm trên tay cuốn dự thảo nghị quyết của tôi, một cán bộ Đoàn thuộc dạng “cây đa cây đề” lắc đầu:
- Sao nghị quyết lại sơ sài thế này? Sao chỉ viết một, hai mặt giấy?
- Cần gì phải dài. Luận án của Einstein chỉ có bảy trang mà vẫn làm rung chuyển cả thế giới! - Tôi thẳng thắn đáp.
- Sổ kiểm tra, kỷ luật Đoàn sao có tháng anh không viết gì cả, vô nguyên tắc quá? - Lại một cán bộ khác chất vấn.
- Những tháng ấy tổ chức Đoàn của chúng tôi không có ai vi phạm kỷ luật nên tôi không viết...
Cuối cùng đoàn kiểm tra đánh giá tôi tuy cố gắng tổ chức nhiều hoạt động nhưng việc ghi chép sổ sách công tác Đoàn tùy tiện; dự thảo nghị quyết sơ sài; cần phải nghiêm túc kiểm điểm... Bí thư đảng ủy cảm thông nhưng anh vẫn bắt tôi phải còng lưng viết bổ sung sổ sách vì “nguyên tắc là nguyên tắc”...Một thời gian sau, tôi chuyển khỏi công tác Đoàn đi làm công việc khác. Thưa bí thư đảng ủy! Hơn năm năm đã trôi qua từ ngày ấy. Và tôi cũng đã tham gia nhiều buổi sinh hoạt Đoàn khác. Không tự bào chữa cho mình song thú thật, tôi và nhiều đoàn viên vẫn không mấy hứng thú với những cụm từ “tăng cường, đẩy mạnh, quán triệt...” từ những trang nghị quyết dài lê thê của Đoàn. Chúng tôi vẫn thích nghe, thích bàn về những công việc cụ thể một cách thoải mái như ai đó vẫn nói “làm hết sức, chơi hết mình”...
Không biết mấy ông trong ban thường vụ ủy ban của thành phố và của thành đoàn nghĩ gì về cách làm việc của tổ chức đoàn qua đoạn thư trên. Nhưng việc đòi “đặt hàng” với tổ chức đoàn để phối hợp với chủ doanh nghiệp đưa công nhân vào tổ chức để”vừa giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vừa tập hợp giáo dục công nhân làm việc có tổ chức kỷ luật” có ý nghĩa gì? Tại sao muốn thu hút thanh niên công nhân vào đoàn đảng mà không đến thẳng với họ, lại đi làm việc với chủ doanh nghiệp? Như vậy, trong những năm vừa qua, việc làm của công nhân trong các doanh nghiệp vẫn chưa có hiệu quả và không có kỷ luật? Phải chăng đây là 1 hình thức tổ chức đảng đoàn kết hợp với các chủ doanh nghiệp để chế ngự tư tưởng, hành động của công nhân sau những biến động đình công vừa qua không kiểm soát được. Chỉ qua câu phát biểu trên cũng thấy rõ, ĐCSVN và ĐTNCS đang phục vụ cho công nhân hay giới chủ nhân?
Sự thực, công nhân không cần đến quan tâm và sự giáo dục của đảng ,đoàn như vậy. Họ làm việc cực nhọc trong hãng xưởng với đồng lương chết đói không đủ sống, bị vắt cạn kiệt sức lao động qua những giờ tăng ca bất tận, bị hành hạ lăng nhục cả về thể chất lẫn tinh thần triền miên bởi đám chủ bất nhân, đám đốc công tàn bạo, đám lãnh đạo công đoàn nhà nước ,mang danh nghĩa đai diện cho công nhân nhưng lại ngồi ở vị trí quản trị xí nghiệp, chỉ chăm lo bênh vực quyền lợi của cá nhân qua sự bợ đỡ giới chủ nhân mà không thèm nhìn đến những nỗi thống khổ của người công nhân. Hiện tại, công nhấn đã chịu một cổ 2,3 tròng, chưa đủ khốn nạn sao mà đảng và nhà nưóc còn muốn họ phải chịu thêm cái tròng đoàn, đảng nữa? Vào đoàn tức là phải đóng phí, phải sinh hoạt hàng tháng,hàng tuần, thậm chí hàng ngày để làm gì thì quý vị đã dư biết :công tác, học tập nghị quyết, bàn thảo, kiểm điểm ,phê và tự phê, rồi phong trào, quyết tâm…Còn đời sống công nhân VN ra sao? Làm quần quật 6 ngày (có khi cả 7 ) trong tuần, ngày làm trên 12 tiếng, chi tiêu rất dè xẻn vẫn không đủ, ăn ngủ còn chưa có thì giờ, làm sao có chỗ cho sinh hoạt đảng đoàn. Nếu đảng đoàn thực sự là người lo lắng cho công nhân thì phải nhìn thấy rõ những bức xúc đó để tìm cách giúp đỡ cải thiện nâng cao đời sống của họ. Đáng lý trong thời gian công nhân đình công , tổ chức đoàn phải đến liên lạc với họ, tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng chính đáng của họ, rồi tìm cách điều đình với giới chủ nhân, hay tốt hơn dùng uy lực sẵn có để yêu cầu giới chủ nhân chú trọng và thi hành những yêu sách chính đáng của công nhân, chứ không phải cái thái độ hoàn toàn lặng lẽ, không có một tiếng nói nào để thay mặt công nhân đòi hỏi sửa chữa những bất công sai sót mà họ đã phải chịu từ lâu. Ngày hôm nay, khi tiếng nói mạnh mẽ của công nhân qua là thư kiến nghị 8 điểm gửi BCT TW và bộ lao động thương binh và xã hội của ban đại diện công nhân đã làm cho họ giựt mình lo sợ. Vì thế, họ đang tìm phương cách dùng tổ chức đoàn TNCS làm cơ sở để áp đặt công nhân trong sự kiểm soát của họ, dưới kỷ luật đảng đoàn.
Thế nhưng họ có đạt được mục đích không? Đề nghị 8 điểm của đại diện công nhân VN rất mạnh mẽ qua các điểm như đòi dẹp bỏ các công đoàn do đảng CS xây dựng, không cho các hoạt động đoàn đảng phát triển trong hệ thống công nhân, không chịu đóng góp các loại tiền do công đoàn trừ thẳng vào lương, đòi có quyền tự hợp đồng cá nhân và tập thể trực tiếp không qua công đoàn nhà nước tức là đòi có quyền lập hội, lập nghiệp đoàn độc lập,quyền gây quỹ, quyền đấu tranh và đình công hợp pháp…đã làm cho lãnh đạo CSVN thực sự hoảng hốt . Có lẽ buổi họp bàn của ban thường vụ thành uỷ Sài Gòn để chỉ đạo ban thường ủy thành đoàn Sài Gòn vừa qua là bước đầu trong sự gia tăng áp lực để trả đũa công nhân về những biến động đình công hàng loạt vừa qua và nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh đang bùng lên mãnh liệt qua bản đề nghị 8 điểm của ban đại diện công nhân đứng đầu là anh Nguyễn Tấn Hoành. Đây là thời điểm thuận lợi nhưng cũng rất hung hiểm cho công nhân VN trong nước, nếu anh chị em công nhân trong nước không bền chí và có kế hoạch, hoà hoãn nhưng kiên quyết, để giữ vững ý chí đấu tranh cho quyền lợi của mình, đồng thời hoá giải những mưu đồ của đoàn đảng nhằm chui vào giữa lòng công nhân để đánh tan ý chí đó thì sự thất bại có thể xảy ra như trường hợp vụ Thiên An Môn của Trung quốc trước đây. Song song, cộng đồng VN Hải Ngoại cũng cần có sự hỗ trợ thật tích cực và hiệu quả cho công cuộc đấu tranh chính đáng của thanh niên VN. Xin thư đề nghị vài việc chúng ta có thể cùng làm:
Thanh niên , công nhân trong nước:
- Công nhân trong 1 xí nghiệp tự bầu ra một ban đại diện công nhân cơ sở ngay trong xí nghiệp, tiếp tục đòi hỏi những quyền lợi của công nhân chưa được chủ nhân đền bù thoả đáng. Các bạn không cần đình công, vẫn tiếp tục làm việc, nhưng soạn thảo một bản yêu cầu có chứa đựng các điểm muốn bàn thảo với ban quản trị xí nghiệp và đầy đủ chữ ký của công nhân. Bản yêu cầu sẽ do ban đại diện mang đến bàn thảo trực tiếp với ban quản trị. Các cuộc tiếp xúc sẽ tiếp diễn cho tới khi 2 bên đạt được thỏa thuận. Tuỳ xí nghiệp lớn nhỏ, các bạn có thể họp bàn để tự nguyện đóng góp cho sự hy sinh thì giờ (ngoài hay mất giờ lao động) của ban đại diện.
- Từ chối để công đoàn nhà nước đại diện,từ chối đóng lệ phí , đòi hỏi chủ nhân không được khấu trừ thẳng những khoản phí vô lý trong lương. Đây có thể là 1 điều khoản ghi trong bản yêu cầu ở trên.
- Từ chối một cách nhã nhặn nhưng cương quyết bất cư sự ép buộc phải gia nhập đoàn, đảng hay liên hội. Các bạn có thể nại lý do rất bận rộn trong công việc và sinh hoạt thường ngày, không còn thì giờ cho các sinh hoạt đoàn đảng.Sự gia nhập chỉ trên tinh thần tự nguyện.
- Gửi đơn từ, kiến nghị lên các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương để đòi thành lập nghiệp đoàn độc lập hợp pháp. Các đơn từ kiến nghị này nên được thông báo cho các cơ quan , công đoàn quốc tế, thí dụ như Tổng Liên Đoàn Lao Động Quốc Tế… để tạo dư luận toàn cầu và yêu cầu đưọc hỗ trợ trong trường hợp đơn bị bác hoặc cá nhân đoàn thể đứng đơn bị trù dập.
- Liên lạc để tìm cách kết nghĩa với các nghiệp đoàn bạn ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt các nghiệp đoàn ở trong cùng ngành nghề,cùng xí nghiệp trên hệ thống toàn cầu. Những nghiệp đoàn bạn này sẽ là những tổ chức hỗ trợ rất tích cực ,có ảnh hưởng lớn đến các chính sách của nhà nước VN đối với công nhân. Một thí dụ cụ thể là: trong vài năm trước, 1 nghiệp đoàn công nhân bến cảng tại Hoa Kỳ đã hỗ trợ nghiệp đoàn công nhân bên cảng tại Úc bằng cách không bốc rỡ hàng hoá của Úc cho tới khi chủ nhân công ty phải nhựợng bộ nghiệp đoàn tại Úc.Sự liên kết tương trợ giữa công nhân các nước đã tạo nên thành quả nhanh chóng.
- Nếu có thể, đòi hỏi được thành lập một tờ báo riêng của công nhân , do chính công nhân làm chủ như Tiếng Nói Công NHân chẳng hạn, để liên lạc nội bộ, để nói lên nguyện vọng, đồng thời làm cầu nối giữa các công nhân,các nghiệp đoàn. Qua tớ báo này, công nhân trong nước và hải ngoại có phương tiện để tiếp xúc, học hỏi và hỗ trợ cho nhau, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Về cộng đồng VNHN, trong thời gian qua, đã có những tiếng nói riêng lẻ hỗ trợ cho thanh niên và công nhân VN trong nước nhưng chưa đủ mạnh, chúng ta e rằng nếu công cuộc hỗ trợ của chúng ta yếu kém thì phong trào công nhân đòi quyền sống sẽ bị đàn áp đi đến chỗ tàn lụi. Vì vậy, xin quý vị có uy tín trong cộng đồng VNHN khắp nơi trên thế giới, nhất là quý vị có tầm ảnh hưởng đến các chính quyền và Quốc hội các nước sở tại, dùng lợi thế chính trị của mình để kêu gọi các chính khách, các nhân vật nổi tiếng trong mọi lãnh vực tích cực hỗ trợ cho sự đấu tranh đòi hỏi quyền lợi thiết thực tối thiểu của giới công nhân khốn khổ VN. Tiếng nói của những vị trên có uy lực rất lớn để ĐCSVN và nhà nước không dám mạnh tay với công nhân.
Phần chúng ta, những người dân bình thường, nếu ai có khả năng, có thể vận động cơ quan , đoàn thể, tôn giáo, nghiệp đoàn của mình tham gia vào việc hỗ trợ anh em công nhân, đồng thời có thể làm cầu giao lưu,liên kết trong và ngoài, một khi anh em công nhân đã thành lập được những nghiệp đoàn độc lập. Trước đây, có một số người đã kêu gọi khẩn cấp để thành lập một quỹ hỗ trợ công nhân VN, có lẽ họ chưa thành công vì chưa ai biết đến tên tuổi, chúng ta đã từng làm thành công như lập các quỹ cứu trợ bão lụt , tai nạn song thần…vấn đề bây gìờ là cần một tổ chức đoàn thể mạnh mẽ và uy tín, đứng đầu chịu trách nhiệm chung và có chủ trương rõ ràng , đủ sức gây nên phong trào, thí dụ Phong Trào Gây Quỹ Hỗ Trợ Công Nhân VN. Quỹ này sẽ được điều hành bởi một nhóm người hay một nhóm đoàn thể, quỹ sẽ chỉ chi ra trong các trường hợp khẩn thiết, đặc biệt, liên quan đến việc hỗ trợ cho sự đấu tranh của công nhân, chẳng hạn cho một công nhân bị bắt vì đình công và gia đình của công nhân này gặp cảnh cùng quẫn, hoặc cho một người khác vì sự đấu tranh mà bị đuổi việc, bị thương tật không thể làm việc trong 1 thơì gian hoặc bị mất mạng. Vì là phong trào, quỹ cần có sự liên tục và lâu dài. khỏi nói ở đây, ai cũng biết, chúng ta sẽ phải làm gì cho quỹ luôn luôn rõ ràng, minh bạch và trong sáng. Khi phong trào hỗ trợ công nhân qua đi, có nghĩa công nhân đã đạt được thắng lợi, phong trào có thể tự giải tán, quỹ của phong trào, theo điều lệ viết trước khi lập quỹ, sẽ chuyển qua một chương trình khác đã chọn sẵn, thí dụ, chuyển qua phong trào giúp đỡ trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi v.v…Ban quản trị có trách nhiệm báo cáo chi thu mỗi định kỳ trên các cơ quan truyền thông người Việt.
Sau lá thư với bản đề nghị 8 điểm của công nhân VN trong nước đã gây được tiếng vang lớn, trong ít ngày qua, tình hình đình công hơi yên lặng. Nhưng có vẻ đó là sự lặng yên trước cơn bão. Dường như cuộc họp của thành ủy Sài Gòn của ĐCSVN với thành đoàn TNCS là dấu hiệu báo trước cơn bão đang đến. Dự trù nó sẽ rất cuồng liệt để trấn áp những tư tưởng và nhận thức đang ngày càng trưởng thành và kiên quyết của nhân dân VN, đặc biệt là thanh niên. Đây cũng là cuộc đọ sức quyết liệt giữa vận mạng của ĐCSVN và dân tộc VN, cuộc đấu tranh mà một khi thanh niên VN giành thắng lợi. Đó sẽ là nút mở để nhân dân VN thoát khỏi xiềng xích độc tài toàn trị của CSVN. Đó sẽ là nhát cuốc cuối cùng để đào mồ chôn chủ nghĩa CS trên toàn cõi VN . Đó sẽ là bước chân đầu tiên của VN trên con đưòng xây dựng đất nước tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Và chúng ta, người Việt trong cũng như ngoài nước, có cơ hội hãnh diện ngửng đầu sánh vai cùng bè bạn khắp năm châu.
Vạn sự khởi đầu nan. Đã có người bất chấp hiểm nguy dấn thân lên tiếng.Xin hãy cùng nhau bắt đầu.
Phương Duy
Australia,13/03/2006
Các bài liên quan:
- Đình công,đình công,vẫn đình công,Nguyễn Minh Quang.
- Công nhân đẩy mạnh phong trào đấu tranh,DCV online
- Công nhân và người bảo vệ,Du Lam
- Công nhân lớn kìm kẹp CÔNG NHÂN bé, Đỗ Thái Nhiên
- Thực trạng công nhân và Công Đoàn Độc Lập VN,Đào Văn Thuỵ

No comments: