Trôi theo mùa hè_25

                                                              Chương 25

                      Muôn dặm tìm chàng

D
aisy đến Tver hai ngày sau khi Edwin đã  ra đi. Mang bọc hành lý trên vai, cô phải cuốc bộ từ nhà ga, vì xe điện đã bị trật khỏi đường rầy vào lúc sáng sớm, mọi sự vận chuyển đều bị ngưng trệ. Mệt mỏi, nhưng khi  tới được vành đai trung tâm thành phố, một cảm giác hưng phấn tạo  thêm năng lực và  sự kích thích  giúp đôi chân nhức mỏi của cô rảo bước trên đường. Cô đã viết  địa chỉ trên một mảnh giấy và giữ kỹ trong túi, nhưng thật không cần thiết. Cô đã thuôc lòng nó trong trí. Dường như số mệnh  cũng  đã nhận ra là  hành trình của cô đã quá khó khăn, cô tìm ra địa chỉ không mấy khó khăn. Gõ cửa nhiều lần, cuối cùng cũng có một người đàn bà  quê mùa, trên tay bế con nhỏ ra mở cửa. Daisy mỉm cười chào.
-     Chào bà.  Xin hỏi, Galina Barshinskaya, người chị tôi đang ở đây cùng với chồng, một người Anh. Tôi đến thăm họ.
-     Không có! - Người đàn bà trả lời, gương mặt  đầy vẻ  sợ hãi. Bà cố đóng cửa lại.  Daisy đưa tay chận lại. Tim cô bắt đầu đập mạnh.
-     Một người Anh cao lớn. – Cô đưa tay lên ước lượng chiều cao của Edwin. – Cao lớn, hơi gầy, mắt xanh. Và chị tôi  thì đang ốm, tên Barshinskaya…
-     Không có ở đây. - Người đàn bà  nói một cách vô cảm. – Đã đi rồi.
-     Đi rồi? Đi đâu? Sao họ lại đi?
-   Có rắc rối lớn.  Nên họ phải đi. Chúng tôi không muốn bị phiền phức.
-    Không, làm ơn chờ một chút. -  Daisy đẩy cái túi của cô về phía trước để người đàn bà không đóng cửa đưọc. – Tôi phải tìm ra họ. Họ ở đâu?
-     Đi rồi. Tôi không muốn  rắc rối.  Cô đi mà hỏi chồng tôi. Ông ta không có nhà.
     Cô muốn gào lên, nhưng rồi tự kiềm chế.
-     Tôi có thể đợi ông ấy được chứ?
-     Không phải ở đây. Tối nay trở  lại. Tôi không muốn rắc rối.
     Cái túi bị đẩy ra ngoài và cửa đóng lại. Cô bỗng nhận ra mình đang đói khát và cần xử dụng nhà vệ sinh, nhưng không dám đi quá xa.  Cô đặt cái túi xuống sát tường và ngồi lên đó.  Bỗng nhiên cô tức giận.  Phải bao nhiêu  vất vả từ xa tới đây, phải  chuẩn bị  thế nào để khuyến khích Edwin và Galina làm đám cưới, để đưa họ về Mạc Tư Khoa. Tất cả  bị cản trở bởi một người đàn bà  quá ư sợ hãi, đến không  cho cô một lời giải thích. Đột nhiên, cô đứng dậy và lại đập cửa lần nữa. Cô cứ đập và đập mãi cho dù  cửa không mở, và biết rằng mình nhất định không chịu đầu hàng cho  đến khi cửa mở ra. Cuối cùng, nó cũng phải mở, người đàn bà hiện ra, vừa giận dữ vừa sợ hãi.
-      Tôi đã phải vất vả đi biết bao dặm đường từ Samara ở miền Nam đến đây để  tìm chị tôi. – Daisy nói,  gương mặt trắng bệch vì cơn giận. -  Tôi sẽ không bỏ đi cho tới khi nghe  được hết mọi việc bà cần phải cho biết. Nếu bà không muốn phiền phức với công an, bà tốt hơn để tôi vào nhà nói chuyện với bà. Nếu không tôi cứ đứng ngoài này  suốt ngày và làm ầm ĩ  lên trước cửa nhà bà.
- Ssss…. – Và trong lúc Daisy không chú ý, bà ta nắm tay cô kéo tuột vào trong nhà. Họ đứng trợn mắt nhìn nhau
-     Bây giờ, làm ơn  nói cho tôi biết về chuyện chị tôi và người đàn ông người Anh.
-     Họ đã đi rồi. Hai hôm trước đây, Họ đi trên một chiếc xà lan chở ngũ cốc  xuôi theo dòng sông. Trước đó có  trắc trở. Người đàn ông bị công an đánh đập dã man. Họ không có giấy tờ tùy thân, chúng đã bị công an tịch thu. Vì thế họ phải bỏ đi ngay. Chồng tôi đã tìm cho họ  một chỗ trên xà lan đó.
-     Họ đi đâu?  Cách bao xa theo dòng sông?  
-     Ai biết? - Người đàn bà nhún vai. Dường như bà ta đã hoàn hồn lại và bây giờ chỉ còn  ra vẻ không quan tâm. Điều đó không làm Daisy thắc mắc quá . Cô đã từng chứng kiến biết bao cảnh thay đổi thái độ nhanh chóng như thế từ những người dân quê ờ Mogotovo của cô.
-     Chiếc tàu đó đi về đâu?
-     Trước đây, nó  thường đi Ruibinsk. Nhưng bây giờ  không còn lịch trình gì. Thỉnh thoảng nó đổi hàng hoá ở trạm ghé đầu tiên và tiếp tục xuôi dòng Volga, có thể đi tới tận Nijni Novgorod, có thể đi xa hơn nữa, ai mà biết?  Lúc này có quá nhiều người ra lệnh lạc.
-    Tên chiếc tàu kéo đó là gì?
-     Nó không có tên. Trước đó là Nicholas. Nhưng  cái tên đó đã bị sơn xóa đi rồi. Ông anh tôi bảo thế.
-     Anh bà?
-     Anh tôi làm việc cho công ty tàu thủy. Ông ấy  nhận nhiệm vụ lãnh đạo tàu kéo. Ông  ấy đã sắp xếp cho họ đi lên một trong những chiếc tàu ấy.
-     Tên ông ta là gì?
-     Alexy Androv. Nhưng anh sẽ đi suốt mùa hè. Anh sẽ   đi lại trên sông cho tới khi nó đóng băng.
-     Xin cho biết đường nào đi tới sông?
-      Cô đón xe điện đi tới quảng trường Catherine.
-      Hôm nay không có xe điện.
-     Thì phải cuốc bộ. – Bà ta chỉ về phía con đường chính dẫn từ nhà ga đến thành phố.
-      Tốt lắm. – Daisy vừa nói, tay xách túi lên, -  Xin Chúa  ở cùng bà.
-     Chúa ờ cùng cô.
     Mọi ác cảm tan biến. Họ nắm tay nhau từ giã, và Daisy vội vã trở lại  con đường đi. Nước Nga rộng mênh mông, và con sông Volga dài  mấy ngàn dặm. Dù gì, cô cũng phải tìm ra họ.
    
     Trong suốt những ngày còn lại của tháng Năm và qua tháng Sáu, cô lượn lên lượn xuống con đường  dọc theo dòng sông Volga, tới tận Nijni Novgorod.  Ở mỗi trạm dừng chân chính thức, cô đều xuống  khỏi tàu và bắt đầu dò hỏi mọi người  ở tại bãi bến. Đôi khi  tàu bè ra đi bỏ cô lại, bởi cô chạy theo những chỉ dẫn sai lạc trong một vài ngày, trước khi quay trở lại dòng sông và lại phải xin đi quá giang trên một chiếc tàu khác. Cô cố gắng đi tìm theo lối suy nghĩ của Edwin, và cảm thấy chắc chắn rằng, có lẽ điều anh làm phải là lên bờ trên một phố xá nào đó có trạm  xe lửa đi tới Mạc Tư Khoa.  Điều không tránh khỏi là những nơi này thường là những  thị trấn lớn, những phố thị với những  đại lộ thênh thang, phố xá đông người, đám ăn mày, bọn lính nổi loạn và các băng đảng cộng sản  lang thang đầy đường.
     Cô luôn luôn bắt đầu hỏi các xếp bến tàu về một người đàn ông  Anh Quốc nói tiếng Nga  rất dở,  dáng người rất cao, cao hơn dân Nga và gầy ốm. Đi kèm theo là một  cô gái rất xinh đẹp, là một cô gái Nga nhưng không giống người Nga, tóc đen và có vẻ giang hồ. Họ đi trên một chiếc tàu từng có tên Nicholas, kéo một xà lan chở ngũ cốc.
     Sau những xếp bến tàu, cô  đến các trạm công an, và như có phép lạ, cô không bao gờ bị bắt giữ qua đêm hay bị tịch thu giấy tờ. Không như chị cô, Daisy  không làm  khơi dậy  dục tính, lòng ham muốn hay ghen tỵ gì trong thâm tâm những người đàn ông cô gặp. Sau trạm cảnh sát, cô lại đi tìm kiếm dò hỏi ở các khách sạn, các nhà trọ và rồi đám tài xế tắc xi, mặc dù đây là đầu mối chót. Bởi cô nghĩ khó lòng Edwin có còn đủ tiền để thuê tắc xi. Hai lần cô đi tàu miễn phí bằng cách tình nguyện nấu ăn cho họ. Thức ăn rất tệ, Chẳng có gì ngoài củ cải và ngũ cốc đã chà vỏ lấy thẳng từ các bao trên tàu. Nhưng cô đã quen nấu nướng cho người tỵ nạn ở Samara, và cô đã cố biến chế hết sức mình, làm ra một loại bánh củ cải nhân cá với bất cứ thứ gì họ bắt được từ dòng sông.
     Một đêm, ở một làng ven sông quá khỏi Keinshma, cô  tìm được một chỗ ngủ trong một căn nhà một tầng ở sát bờ sông, một căn nhà dơ bẩn với một tấm nệm lót dưới sàn thay cho giuờng chiếu. Suốt đêm, cô ngồi dựa lưng vào tường. Vào lúc sáng sớm trời còn tối mò, hai gã đàn ông  đột nhập vào phòng. Điều này cô không lạ. Cô biết có ngày nó sẽ xảy ra và đã chuẩn bị đề phòng. Cô có một con dao mũi mài thật nhọn, và dù cảm thấy ghê rợn, cô đã đâm nó vào vai một  gã. Nó rú lên, và cô nắm lấy cái túi hành lý bỏ chạy. Suốt đêm còn lại, cô co quắp  thật thấp dưới bờ sông nơi không ai có thể tìm thấy.
      Chỉ một đôi lần, có có ngừng lại để tự hỏi vì sao mình không sợ hãi. Thường xuyên  chứng kiến  những chuyện kinh khủng xảy ra quanh mình, bắn giết, cướp phá , đốt cháy làng mạc bởi  những đám lính nổi loạn, và điều tệ hại hơn cả là bọn  cán bộ viên chức Sô Viết mới nổi lên đi bắt giữ dân chúng. Họ thường lên tàu thuyền lục soát, tra xét giấy tờ và lâu lâu lại dẫn đi một số hành khách. Tuy vậy, cô chẳng bao giờ có một lần sợ hãi. Trong lòng cô, không có chỗ cho sự sợ hãi, chỉ toàn là nỗi lo lắng liên bỉ, cứ luôn tư hỏi chuyện gì đang xảy ra cho Edwin và Galina, chỉ mong cô sẽ tìm thấy họ trước khi có điều không may  đến với hai người.
     Cô lại khám phá ra rằng, nếu không cẩn thận, cô sẽ bị kẹt ở giữa cuộc chiến. Người trưởng bến tàu ở  Yaroslav cho cô hay có một đội quân từ miền Bắc đang di chuyển tới, và nếu cô xuôi dòng xa hơn , cô có thể bị chận lại. Cô  tảng lờ đi và cứ tiếp tục. Dọc bờ sông Volga, chỗ nào cũng toàn bắn giết và  nhà cửa bị đốt cháy và chẳng ai biết thủ phạm là bọn gây rối cướp bóc hay  là đám binh lính nổi loạn.

     Nhiều lần cô bị thiên hạ cười nhạo, không phải vì họ không tử tế,  mà vì họ, đám  người Nga đã  chịu đựng quá lâu ,cho là làm điều vô vọng. Rất nhiều lần họ bảo cô: có  điên khùng mới đi tìm hai kẻ mất tích  ở giữa thời buổi cách mạng. - “ Không! Thế không tốt đâu! Quên chuyện đó đi. Họ chết rồi. Cô không bao giờ tìm thấy họ. Về nhà đi!” Họ nói vậy, Nhưng cô biết thế nào rồi cũng tìm ra họ, cô sẽ không quay về cho tới khi cô làm xong. Và vì thế cô lại tiếp tục tới một trạm bến dừng chân khác cho công việc dò la tin tức.
     Ở tại Nijni Novgorod, lần đầu tiên cô cảm thấy do dự. Đó là một thị trấn lớn và cô săn lùng tìm kiếm hết bốn ngày. Trở lại bến tàu  trên bờ sông, có một bản đồ của sông Volga treo trên tường. Với tâm hồn nặng trĩu, cô đến coi  xem cô đã đi được bao xa, và còn bao xa nữa cô phải đi. Ngón tay cô lần theo dòng sông đi xuống, và cô thấy mình đã đi qua  vùng Samara. Một ý tưởng kinh hãi  vụt đập vào  đầu: Có thể nào Edwin  đã quyết định thử đi tìm cô. Giả sử anh đã đi theo con  đường thuỷ rộng lớn này xuống tận Samara và lúc này đang cố băng qua  miền quê để đi tới vùng đất Buzulus hoang dã. Trong khi cô tiến lên phía Bắc, anh lại đi về hướng Nam.
     Đêm đó cô ngủ lại trên tàu, cuộn mình trong những cái bao để trên sàn và với  sự mường tượng mệt nhọc và bức sốt về bản đồ toàn nước Nga, vùng đất  bao la, dòng sông rộng lớn với những bờ cát  thật thấp trải dài đến những khoảng cách xa tít mờ.
     Bây giờ họ ở đâu? Làm sao có thể tìm ra họ? Giả như họ đã về nhà? Có lẽ nào, nhờ một kỳ tích, họ đã thoát khỏi và an toàn ở đất Anh, trong khi cô lại bị lạc lối trong vùng đất hoang dã mênh mông    giữa lòng những bình nguyên  trên đất Nga?  Tim cô bắt đầu đập mạnh, và lần đầu tiên kể từ lúc bắt đầu cuộc hành trình, cô thấy sợ hãi. Cô ngồi dậy và nhìn xuống hai bờ sông. Có một hay hai ánh đèn nhấp nháy trong thị trấn. Như thường lệ , tiếng la hét, tiếng súng bắn giờ trở thành quá quen thuộc trong đêm, nhưng ở đây trên sông, đêm vẫn yên lặng, chỉ nghe thấy tiếng sóng nước vỗ vào bờ đá cập tàu và tiếng kêu  kỳ cục của loài chim mỏ nhát. Vòm trời  đêm rải rác những chòm sao. Và khi cô ngước lên nhìn, sự hoảng hốt từ từ lắng xuống, thay vào đó là một niềm tin lớn mạnh lên rằng chắc chắn cô sẽ tìm thấy họ. Cô đã trôi vào giấc ngủ, và khi thức giấc, điều kỳ lạ về trực giác đã xảy ra.  Cô biết rằng họ đã không đi tới Samara. Cô biết rằng dù họ có ở đâu, nơi đó chắc chắn ở giữa Nijni Novgorod và Tver. Lần này cô đã lỡ tàu không thấy họ, nhưng ngày mai cô sẽ phải  đổi tàu, ngược dòng đi lên trở lại, yêu cầu và dò hỏi thêm nhiều người nữa. Ở một nơi nào đó sẽ có  ai đó  chỉ cho cách tìm ra họ.
     Vào tháng Bảy, cô trở lại Tver, mệt mỏi, gầy  rạc đi, tiền bạc để dành đã cạn, cũng vẫn tin rằng cô còn có thể làm một điều gì đó. Có thể có một điều gì  gia đình Beekovs đã bảo cô mà trước đây cô đã  bỏ sót. Xe điện chạy từ quảng trường và cô có thể theo xe đến ngã tư gần nhà Beekovs. Người đàn bà lần này tử tế hơn. Bà mời cô vào nhà. Cô ngồi ở phòng phía sau của họ và nhận một tách trà loãng với lòng biết ơn. Cô thật vô cùng cảm động. Những ngày này, trà rất hiếm và rất đắt.
-    Trà thật ngon! . – Cô nhắm mắt lại để cho cái chất lỏng nóng bỏng thơm ngát làm cô hồi sinh. – Tôi đã không tìm thấy họ.
-   Làm sao thấy được. - Người đàn bà bỗng né tránh ánh mắt cô, bà quay đi bồng đứa nhỏ dưới sàn lên.
-     Ông anh của bà từ hôm ấy có trở lại không? Bà có bất cứ tin tức nào từ ông ấy?
-     Anh tôi có trở lại một lần
     Dường như có gì giấu diếm, không, không phải giấu diếm, như  là mủi lòng trong cử chỉ của bà. Tim Daisy bắt đầu đập mạnh.
-     Ông ấy nói gì? Họ bây giờ ở đâu? Tôi đã đi tìm kiếm mọi làng mạc, thị trấn dọc hai bên bờ  cho tới tận Nijni Novgorod. Họ không có ở những nơi đó, Ông ấy đưa họ đi đâu?
-      Có rắc rối to. – Gương mặt  của người đàn bà vẫn bất động, nhưng Daisy có thể nhìn thấy trong đôi mắt của bà ta.  Chắc chắn là tin xấu.  Vì vậy mới có chuyện mời uống trà. Có chuyện khủng khiếp đã xảy ra. Cô hít vào một hơi dài để tự trấn tĩnh. Cô không thể đổ   sụp xuống trước mặt người đàn bà này.
-    Làm ơn cho tôi biết. – Cô nói  nhỏ nhưng hơi chát chúa.
-     Có rắc rối khi họ xuống tàu, Họ bị bắn. Cô gái bị giết.
-    Ôi chao!...Còn người đàn ông?
-     Anh ta bị thương, không phải bị bắn. Do bị công an tra tấn trước khi ra đi.
     Anh đã không chết. Edwin vẫn sống. Anh chỉ bị thương, có lẽ đau ốm nữa, nhưng anh không chết. Cô vẫn còn việc phải làm. Nhưng cô không được khóc hay hoảng sợ. Cô phải  tự lèo lái mình, lèo lái người đàn bà này nữa.
-      Bây giờ họ ở đâu? Anh chàng người Anh giờ ở đâu? Còn chị tôi thì họ đã làm gì?
-    Thật tệ hại. Ông anh tôi nói, chuyện vô cùng tồi tệ. Họ không muốn  chính quyền nhà nước biết họ để cho người nước ngoài ở trên tàu, nhất là lại có một xác chết. Ông anh tôi đã dấu họ, cả anh ta và xác của chị cô và rồi đưa họ lên bờ ở một địa điểm không có  trong lịch trình, một ngôi làng trước khi tới Myshkin.
     Daisy nhắm mắt lại. Myshkin. Dĩ nhiên, cô đã có đến đó tìm kiếm. Xuôi theo dòng sông chẳng bao xa. Ít ra là không xa lắm so với  hành trình cô đã đi tìm.
-     Ông anh của bà có biết chuyện gì xảy ra cho anh chàng đó không?
-     Anh ta bị thương, nhưng không nặng lắm. Anh ta vẫn có thể vác xác đi. Ông anh tôi là người tốt. Ông không lấy tiền chi phí cho chuyến đi đó.  Còn sợi dây  chuyền, ông trả lại cho anh ta. Anh đã quá bất hạnh. Anh tôi nói thế. Và ông không muốn làm anh ta thêm đau khổ.
-     Anh cô thật là một người tốt. – Daisy âm thầm nói, tay thọc vào túi lục lọi.
-    Được rồi! - Người đàn bà đưa tay ra ngăn cô lại. – Tôi không muốn gì hết. Cô là người tốt. Không giống chị cô. Cô thật tốt, và  y như dân Nga.
      Daisy uống cạn tách trà, thưởng thức  những gịọt thơm nóng cuối cùng, biết rằng còn lâu lắm mới được uống lại.
-     Bà thật tử tế, thật tốt bụng. Giờ tôi phải tìm một chiếc tàu đưa tôi tới Myshkin. Và nếu ngôi làng không quá xa, tôi sẽ lội bộ tới.
-     Nhớ cho họ biết cô là một người bạn của ông Alexy Androv, có thể họ sẽ đưa cô tới làng và ngưng tàu lại cho cô lên. Cô nên tìm các loại tàu nhỏ mà đi. Dòng sông có thể cạn, và ở đó không có chỗ cho tàu lớn ủi vào bờ.
-    Vâng, tôi sẽ nhớ. Cám ơn bà.
-    Cầu Chúa ở cùng cô.
-    Và ở cùng bà.
      Cô mệt mỏi đi trở lại trạm xe điện, trái tim nặng trĩu  và như muốn nhảy ra ngoài, nhưng cô phải cố giữ sự bình tĩnh. Có quá nhiều việc phải làm. Sau này, cô sẽ nghĩ về cái chết của Galina. Bây giờ, việc quan trọng là đi tìm Edwin, e là anh đang đau ốm. Cô phải tìm được anh và nghĩ ra cách đưa anh trở về.
     Họ cố ngăn cô  ra đi.  Tàu chỉ có thể xuôi dòng được một khoảng ngắn.  Đang có một trận đánh dữ dội ở Yaroslavl chỉ cách Mydhkin một khoảng ngắn. Đường đi trên sông không an toàn.
     Phải chờ đợi, cô thuê một khoảng trống trên sàn của một căn nhà  ở một góc tồi tàn  làm chỗ trú ngụ. Cần phải tiết kiệm tiền bạc để  lo lắng  đưa họ về.
      Tàu bè  lại bắt đầu xuôi ngược. Hết chiến tranh này, lại cuộc chiến khác. Yaroslavl đã thông, bọn Bôn Sê Vích  đã “giải phóng” xong , một phần đường thủy đã được giải toả.
     Ba ngày sau,  một chiếc tàu nhỏ thả cô  xuống một khu nước cạn  đầy sình lầy của dòng sông Volga. Nước chỉ  dưới thắt lưng và cô có thể  ôm gói đồ  giơ cao khỏi mặt nước đi vào bờ.  Dùng khăn choàng cổ lau khô chân, kéo váy xuống, mang lại giày  rồi bắt đầu cuốc bộ vào làng.
                                        O   O   O
 
      Vị linh mục của làng đã tìm thấy anh nằm trên  cỏ bên cạnh xác của cô gái. Ông  đã  rảo bước ra khỏi đám cây phong xào xạc và đến đặt tay lên bờ vai của Edwin. Giật mình sợ hãi, anh mở mắt ra.
-    Cô ấy đã chết rồi, con ạ! Người  phụ nữ đã chết.
-     Vâng.
-     Con có thể đứng dậy được không?
    Ông là một người già béo mập trong chiếc áo khoác kiểu cổ. Ông khó nhọc cúi xuống, cố đỡ Edwin đứng lên.
-     Đi với cha.
-    Con không thể bỏ rơi cô ấy. Cô  không thể chịu nổi cô đơn. Cô rất sợ ở một mình.
-    Cô gái  ấy không  cô đơn đâu, con ạ! Có Thánh Nữ Đồng Trinh giữ gìn bảo vệ cho cô.
     Anh cố chống lại một tiếng cười  phá lên điên loạn vì sự so sánh. Galina và Thánh Nữ Đồng Trinh… Cơn đau trên ngực như bùng nổ thành một cơn đau  dữ dội đến muốn xoáy thân thể anh xuống đất. Cô  ta đã chết.  Người đàn bà dâm đãng vừa tham lam ích kỷ, lường gạt lại vừa đáng yêu vừa bất lực đã chết.
-     Ôi, Lạy Chúa!  Tại sao cô ấy lại chết như vậy?
-     Này con, hãy đi với  cha nào.  Cha sẽ đưa con đến gặp một người đàn bà tử tế trong làng. Cha nghĩ  con đang đau  yếu nhiều.
     Lạ lùng thay, vị linh mục già  dường như có sức mạnh khi Edwin dựa vào ông.  Họ chúi mình qua những rặng cây, và Edwin nhận thấy thấp thoáng bóng một ngôi nhà thờ  nhỏ sơn màu vàng trắng. Anh làm một cử chỉ ra phía sau lưng.
-    Thi hài cô…, nhà thờ…ở đây. -  Anh buông tay rời khỏi vai vị linh mục lục lọi trong túi áo. – Đây, Cha cầm lấy. Cái này là của cô ấy. Cha phải làm cho cô ấy, tất cả thật tốt đẹp. Cô ấy không thích đồ xoàng xĩnh, rẻ tiền ,mọi thứ phải hoàn thiện, chôn cất với bộ đồ đẹp nhất.
     Anh bỗng dưng thấy nghẹt thở, khi nhớ lại rằng chính mình luôn luôn la mắng cô về sự hoang phí. Ông linh mục già cầm lấy chuỗi trân châu thở dài.
-     Tất cả sẽ được  hoàn tất  theo hết sức mình. Nhưng những lúc này, chúng ta  phải làm  điều đó với  phương tiện ít ỏi chúng ta có thôi. Đi nào.
     Phía sau nhà thờ, ngôi làng toả ra trên hai ngã tư đường. Căn nhà gần nhà thờ  có khá lớn hơn những căn nhà khác một chút. Vị linh mục đến gõ cửa.
-     Yelena Nicholaevna!...
     Anh cảm thấy xa cách với mọi thứ quanh mình, thật mệt mỏi. mệt mỏi với con người của anh và cuộc sống của anh đến nỗi chẳng còn để ý đến việc được dìu vào trong nhà đặt nằm trên một  cái mền  dưới sàn nhà dơ bẩn.

      Họ đối xử tử tế với anh. Phải nói là quá tử tế với một người không tiền bạc, không giấy tờ tuỳ thân. Đây là một ngôi làng nghèo nàn.  Có dáng vẻ một chút sơ khai, hoang dã  để có lúc nhớ lại anh thấy biết ơn.  Ngoài những băng đảng  đi lang thang trộm cướp  hồi đầu năm và những  cuộc kêu gào tuỳ tiện của  bọn quan chức Sô Viết đi trưng thu thực phẩm, cuộc cách mạng gần như  không lý tới họ. Ngôi làng quá nghèo, quá  vô nghĩa, và từ thưở nào đến giờ vẫn thế, đâm ra chẳng ai buồn quấy rầy họ. Vì thế, họ nghe nói có một trận chiến  dữ dội giữa quân Bôn Sê Vích và  quân của Savinkov  quanh Yaroslavl không xa lắm ở phía Bắc, nhưng họ chẳng nghe thấy một âm thanh chiến tranh nào từ trong làng. Ngôi làng bé tí, chỉ có ngôi nhà thờ và một dúm nhà đếm trên đầu ngón tay dường như miễn nhiễm với chiến tranh, cướp phá và đốt nhà  đang hoành hành khắp nơi chung quanh.
     Hầu hết thời gian, anh  sống trong giấc mơ thờ ơ, mà  anh còn ngộ ra là cảnh vật chung quanh lại  càng làm nó  tăng thêm. Ngôi làng như bồng bềnh  giữa  cánh đồng nước xanh ngắt và  vòm trời sáng chói bao la. Lần đầu tiên  anh trải nghiệm được cái cảm giác về đất nước Nga  vĩ đại, về chân trời mở rộng, về những bình nguyên phẳng lặng và những thủy đạo  chạy dài như không bao giờ dứt. Mọi thứ đều hoang dại, hỗn độn. Ngay cả những thứ quen thuôc như các loài hoa cỏ dại mọc theo dòng nước cũng hơi khác lạ. Chúng dường như to lớn hơn, hoang dại hơn. Cả đến những con ong cũng có hình dáng khác với loài ong ở quê nhà. Cái thế giới vĩ đại, xa lạ này càng làm anh nhận ra  sự vô vọng trong việc  có bao giờ được trở lại nhà. Thật vô vọng, luôn luôn  vô vọng. Người ta không thể chiến đấu chống lại  một thế giới rối beng mênh mông như cái thế giới này. Nó quá to lớn. Chỉ có thể cúi đầu chấp nhận một đời sống không tránh khỏi ở  trong làng.
     Khi bờ vai và mấy mảnh xương sườn  bị gãy đã lành lặn, anh đi ra đồng  cố làm việc hết sức mình. Chồng bà Yelena đã  không  trở về nhà sau chiến tranh. Bà có một em trai, hai đứa con trai, một đứa con gái đã lớn mà đầu óc như trẻ thơ, nhưng không có đàn ông cho riêng mình. Anh thấy là, trở thành một cái máy làm việc không suy nghĩ  đã giúp đỡ anh nhiều. Dù sao, anh cũng phải trả nợ cho những người này, nhưng với công việc lao động chân tay không ngớt cũng làm cho anh có thể tự biến mình thành một cái máy tự động không cần tới đầu óc  mà anh đang mong muốn như thế. Anh sửa chữa cái trục quay  của giếng nước trong làng đã hư hỏng trong nhiều tháng, muối cá dự trữ cho mùa Đông, vun xới  và gieo trồng rau cải hết mẫu đất này đến mẫu khác, cuốc đất trồng khoai, sửa lại các mái nhà hư dột và chuyên chở các bành cỏ khô về nhà chuẩn bị cho mùa lạnh sắp tới. Anh nói năng rất ít, và theo thời, dân làng đành chấp nhận anh như một người nước ngoài lập dị, khá vô hại, một người làm việc chăm chỉ với thái độ chăm sóc trẻ em và thú vật rất tử tế, nhưng đầu óc không bình thường lắm.
     Có một lần vào một buổi chiều tháng Bẩy, khi một đàn ngỗng trời bay ngang qua, nỗi đau nhớ nhà chợt tràn ngập tim anh. Ký ức về cái mùa hè bao nhiêu năm trước, khi gia đình Barshinskey đến, mùa hè của đàn én và  bày ngỗng trời.  Giờ này anh lại có một sự thèm khát  được trở về nhà kinh khủng, trở về với những người thân quen trong làng của anh. Nỗi đau đớn lúc này quá hiện thực đến đỗi anh phải chạy ngay về nhà của Yelena và  ẩn náu trong đó, nơi  mà giờ  là một bầu không khí đầy mùi súp bắp cải  pha lẫn mùi mồ hôi, mùi  những thân thể đã lâu không tắm rửa, mùi hành tỏi, mùi than  củi trong lò đã thành quen thuộc nhưng không chút gợi cảm. Giờ anh chỉ muốn mình không còn  cảm giác mạnh mẽ về bất cứ chuyện gì  nữa.
     Sự cứu thoát anh, nếu có thể tạm gọi như thế, đã đến vào một ngày Chúa Nhật tháng Tám khi anh mang một bao lúa mì đến nhà vị linh mục già. Anh bỏ bao lúa lại và rồi, vì nghe có tiếng ca hát trong lúc đi qua nhà thờ, anh bước vào trong  và lập tức sững sờ  trong  ánh rực rỡ. Chưa từng bao giờ  bước vào một nhà thờ nào trong suốt thời gian ở Nga, anh đã đưọc nuôi dạy  theo  truyền thống đạo giáo bảo thủ khắt khe, và cái sảnh đường  hội họp của làng , anh luôn cho rằng đó là ngôi nhà đúng đắn cho Thiên Chúa. Cái quang cảnh  trang hoàng với những đồ trang trì bằng vàng  thật quá sức huy hoàng tráng lệ, trần  và tường  được vẽ tranh và vị linh mục trong lễ phục màu vàng và bạc làm cho anh thật tình  e dè sợ hãi. Lời ca man dại  với tính chất than vãn  vang lên trên không trong ngôi nhà thờ nhỏ bé nhưng xinh đẹp lạ thường tạo nên một  âm thanh sầu thảm dường như xoáy vào nỗi đớn đau trong tâm hồn con người.
      Anh nhìn quanh những gương mặt quen thuộc trong làng: những khuôn mặt nâu xạm, nhăn nheo và cằn cỗi dõi theo từng bước chân của vị linh mục  khi ông cầm bánh Thánh trong tay đưa lên. Anh cảm giác được  mối cảm động trinh nguyên của con người, âm nhạc và sự đẹp đẽ bất ngờ xâm chiếm tâm hồn anh và anh bắt đầu hiểu ra. Cái đất nước to lớn, thảm sầu và đầy bi kịch này đã cướp mất Galina  khỏi bàn tay anh và dìm anh xuống thành một tên ăn mày vô tổ quốc, đã tặng  cho anh điều này như một sự bồi thường thiệt hại. Đây là điều họ tự quản để sống. Đây là điều, từ giờ trở đi anh phải sống. Những ngày giờ, những năm tháng dài dặc khổ đau hững hờ và  công việc nặng nhọc chồng chất, rồi  vài giây phút ngắn ngủi về sự ngất ngây, về cái viễn tượng phía sau đời mình, anh bỗng nhiên  thông hiểu Galina và  tâm trạng hay dối gạt của cô. Cuộc đời phải được sống ở hai cực điểm, hoặc vinh quang chói lọi, hoặc hèn hạ đáng khinh. Còn sống lừng khừng ở giữa thật không đáng sống.  Có lẽ từ lúc này  nó sẽ là lẽ sống của anh.
     Rời khỏi nhà thờ, anh đi tìm đến ngôi mộ của cô.  Sự đớn đau về cô vẫn còn đó, nhưng  bây giờ anh đã có thể nối kết với  cường độ xúc cảm của cô. Tuy nhiên  nỗi đớn đau về cái chết của cô  làm nhụt chí anh bao nhiêu, nó cũng mang lại những  giây phút vinh quang bấy nhiêu. Giờ anh đã là một người Nga như cô.  Có lẽ anh sẽ phải sống ở đây, chết ở đây, tự đầu hàng  vào cuộc sống  làng quê  lạt lẽo vô vị và vất vả nặng nhọc này.  Đầu hàng theo số phận thì dễ hơn là cứ phải cố gắng để cứu lại cái con người  ngày xưa của anh.
     Anh trở lại nhà thờ rất lâu sau khi mọi người đã ra về. Vị linh mục già đang đi  lanh quanh dập  tắt những ngọn nến. Và ngay cả lúc đó, cái khí sắc vinh quang  rực rỡ vẫn còn hiện diện trong thánh đường.
-    Con phải về đi chứ?
     Vị linh mục tiến tới gần và ghi dấu Thánh Giá trên trán anh, và Edwin cảm thấy sự bình an đi vào tim anh.
-     Con ở trong tay Chúa. Hãy tự dâng mình cho ý  nguyện của Người.
     Thật dễ dàng để làm vậy. Và thật nhẹ nhõm khi từ bỏ chính mình cùng những toan tính cá nhân. Lúc này  anh có thể buông xuôi mọi sự, không thử  cố gì nữa.
     Bước ra khỏi Thánh Đường vào giữa trưa, bầu trời bao la,  cảnh quan bát ngát không còn  áp chế anh nữa. Mình chỉ là một đốm nhỏ không đáng lưu ý trong vũ trụ. Anh chậm rãi băng qua những cây phong đi về phía dòng sông,  thấy như trong ảo tưởng rằng, mọi vật kể cả anh  đều ở đúng vị trí, trong cái toàn cảnh bất biến. Trên con đường làng rộng rãi và  bụi bặm, một bóng  dáng nhỏ bé của một người phụ nữ quê mùa thất thểu  từ dưới bờ sông đi về phía anh.
     Anh lặng ngắm nhìn không chút hứng thú khi bóng dáng ấy đang tới gần, chỉ  lờ mờ để ý thấy là  cái váy cô mặc ướt nhem bám chặt vào đùi. Người đàn bà có mang một chiếc khăn màu xanh trên đầu và một gói to ôm trên tay.  Khuôn mặt điển hình  của những người đàn bà anh nhìn thấy mỗi ngày, gò má cao, đôi mắt xám sâu thẳm nhỏ hẹp trên gương mặt rám nắng, một gương mặt rất  vô cùng quen thuộc.
-    Edwin! -   Người đàn bà kêu lên bằng tiếng Anh. -  Phải anh đó không, Edwin?
     Và với một cảm giác phẫn nộ đến cứng người, một tiếng hét  chói tai đến rợn người vào cái thế giới và cuộc sống mà anh đã không còn muốn nhớ tới , anh nhận ra  đó là gương mặt của Daisy May Barshinskey.

                             (Xem tiếp chương 26)
 

No comments: